Lời tựa:

Sau gần 1 năm đầu tắp mặt tối với hồ sơ các kiểu, cuối cùng tương lai cũng trở nên ... không sáng cũng chẳng tối, chỉ là rõ ràng hơn với bản thân mình. Một công việc, một dự án đã mỉm cười với mình, và ít nhất giờ đây nếu ai hỏi “What’s next” thì mình cũng biết rõ câu trả lời.

Mấy bài viết nho nhỏ này chỉ muốn chia sẻ với các bạn một vài thứ mình thu được từ quá trình xin việc, hy vọng sẽ có ích cho các bạn, đặc biệt là các bạn sinh viên mới hoặc sắp ra trường.

Phần 2: Chuyện chuẩn bị phỏng vấn - job interview (1)




Theo mình thì vấn đề lớn nhất của interview là tâm lý. Thực ra mình là một boy nhút nhát, còn nhớ lần đầu đi interview hai tay run cầm cập đến nỗi người ta phải ý tứ mỉm cười chờ đợi một lúc trước khi đưa ra câu hỏi đầu tiên.
Khi nhìn lại thì mình nghĩ lý do của sự run rẩy lo lắng toát mồ hôi ấy là vì interview đặt cho mình rất nhiều áp lực cùng một lúc: 
_ cảm giác không thoải mái khi một nhóm người xa lạ tập trung toàn bộ sự chú ý của họ vào mình (đặc biệt vì mình hướng nội đến tận răng) 
_ làm sao để tạo ấn tượng với những câu trả lời mạch lạc rõ ràng 
_ và thêm cả việc phải suy nghĩ và trả lời bằng tiếng Anh.
Vậy nên bạn sẽ thấy quá trình chuẩn bị của mình tập trung nhiều hơn vào ổn định tâm lý, trước khi thực sự đi đến những chuẩn bị về mặt nội dung. Bài này xin tóm tắt lại những thứ mình làm mà thấy hiệu quả trong khâu chuẩn bị cho interview, bài sau (cũng là bài cuối của series) mình sẽ viết về những kinh nghiệm thực sự trong và sau phỏng vấn mình có được.

1. Chuẩn bị về tâm lý

Một thứ mà mình nghĩ không chỉ bản thân mình mà khá nhiều bạn cũng mắc phải, đó là khi nhận được lời mời interview, ta thường ngay lập tức lo lắng về nó mà quên mất rằng được chọn vào interview đã là 1 thắng lợi. Trong quá trình tìm hiểu chuẩn bị cho interview mình đọc được đoạn này, nên lưu lại và coi đọc lại nó là việc tiên quyết phải làm đầu tiên khi chuẩn bị cho bất cứ một interview nào.
Congratulations!
Being called for interview means that you have been successful to date.
The employer has deemed that on paper, you are capable of doing the job and you are among the top 5-10% of all applicants. As such the Selection Committee is already favourably disposed towards you and with this in mind you can approach an interview with confidence.
Lược dịch:
Xin chúc mừng!
Được mời interview chứng tỏ hồ sơ của bạn rất xuất sắc và bạn đã thành công tính đến thời điểm này.
Nhà tuyển dụng đã nhận thấy khả năng của bạn được thể hiện trong hồ sơ, và tin rằng bạn có đủ khả năng để đảm nhận và thành công ở vị trí đó. THỰC TẾ BẠN NẰM TRONG SỐ 5-10% NHỮNG ỨNG VIÊN PHÙ HỢP NHẤT. Vì vậy, họ thực sự quan tâm đến bạn cũng như coi trọng những khả năng của bạn, và interview là cơ hội để họ khẳng định đánh giá ấy.
Vậy thì chả có lý do gì mà không tự tin vào khả năng của bạn và cho họ thấy trong interview!
Một việc nữa mà mình làm để chuẩn bị tâm lý là viết hết những gì mình nghĩ về interview dưới dạng một cái note. Chắc ở đây không nói ai cũng biết tác dụng của viết lách đến khả năng suy nghĩ và kiểm soát cảm xúc rồi đúng không!
Cụ thể, 3 thứ mình thường viết trong note là:
  • Cảm ơn người ta đã cho mình cơ hội interview.
    Không đùa đâu mình viết thế thật đấy. Hơi dở người, mình biết, nhưng mình nghĩ khi viết ra lời cảm ơn thật lòng ấy, thái độ biết ơn khiến mình cảm thấy những việc chuẩn bị cho interview sau đó không còn nặng nề nữa mà như một thứ mình muốn làm vì mình trân trọng cơ hội họ trao cho mình.
  • Xác định lại thứ mình có thể kiểm soát và thứ mình không thể (một ví dụ về áp dụng Stoicism trong thực tế nhé :D).
    Với interview, dễ dàng nhận thấy thứ ta có thể kiểm soát chỉ là chuẩn bị và cố gắng thể hiện một cách tốt nhất, trong khi thứ ta không thể kiểm soát là ấn tượng của họ về ta và quyết định tuyển dụng cuối cùng. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy rất nhiều trường hợp trong thực tế, quyết định tuyển dụng dựa trên những lý do trời ơi đất hỡi mà bạn hoàn toàn bất lực, ví như một người cực giỏi và dày dặn kinh nghiệm thật tình cờ lại apply cùng vị trí với bạn, hay người được chọn đến từ một công ty có thể có lợi cho sự phát triển của công ty bạn đang apply, hay trong một trường hợp lý do mình bị trượt offer là vì ông được chọn là ... tình nhân của ông chịu trách nhiệm tuyển dụng!!! :|

    Vì vậy, nhắc lại điều này cho mình một tâm thế vững vàng hơn rất nhiều (vì biết chắc những gì mình có thể làm được). Đồng thời, với nó, mình không sợ thất bại sẽ khiến bản thân thất vọng, mà thay vào đó có thể đúc rút kinh nghiệm từ interview rồi nhanh chóng quay lại với những bộ hồ sơ tiếp theo, điều mà mình nhận thấy ít người xin việc làm được. 
  • Nhắc bản thân nhớ 1 điều quan trọng: ngay cả nếu mình được offer thì đó có phải thực sự là thứ gì quá to tát hay không. Cái này giúp mình nhìn xa hơn 1 chút, vì ngay cả khi được offer, rõ ràng không có gì đảm bảo công việc ấy là hoàn hảo tốt đẹp (như mình nghĩ), hay chắc chắn mình sẽ thành công với nó. Mình cũng không biết giải thích rõ ràng vì sao, nhưng cái này không những khiến mình bình thản hơn nhiều khi đối mặt với interview, mà có lẽ vì chính nó mà mình chưa bao giờ thể hiện theo kiểu "Please I'm desperate. Please hire me - Làm ơn cho tôi công việc ấy tôi cầu xin đấy".

Nhiều người thậm chí còn bảo chính thái độ này là thứ đầu tiên khiến ứng viên bị loại

2. Chuẩn bị về nội dung

Ok khi đã chuẩn bị xong tâm lý thì phần nội dung có thể nói khá rõ ràng, vì quá trình chuẩn bị của mình không có gì quá khác biệt với những bài chia sẻ bạn có thể tìm thấy trên mạng.

3 nội dung chính của quá trình chuẩn bị này là:

1. Làm rõ những kinh nghiệm hay đặc điểm của bạn cho thấy bạn phù hợp với vị trí tuyển dụng. Lưu ý một chút là bạn vẫn phải bám chặt vào cái bản mô tả công việc nhé, và cố gắng cho thấy bạn có tất cả những thứ người ta yêu cầu. Ngay cả khi bạn chưa có bất cứ kinh nghiệm nào về 1 kỹ năng hay 1 yêu cầu của công việc, bạn cũng cần cho thấy bạn có tìm hiểu về nó và nắm được làm thế nào bạn có thể làm tốt được nó. 
Ví dụ như việc mình chỉ chuyên làm với số liệu có sẵn (secondary data) có thể tải về từ các nguồn dữ liệu online, mà vị trí tuyển dụng yêu cầu cần thu thập số liệu qua survey - bảng câu hỏi. Khi đó mình sẽ không tìm cách nói dối hay bịa ra là mình đã có kinh nghiệm thu thập và làm việc với survey data, mà thay vào đó mình sẽ tìm hiểu về survey data, cái gì là ưu điểm, cái gì là nhược điểm của nó, và những ưu nhược điểm ấy cụ thể sẽ là thế nào với công việc sắp tới nếu được nhận mình phải làm.

2. Tìm hiểu về sếp của bạn (thường chắc chắn có trong panel tuyển dụng) và công ty. Những thứ này thì đơn giản, một phần vì mình đã tìm hiểu khá kỹ trước khi nộp hồ sơ. Bạn có thể dành ra 1 buổi để nghía website của họ, nếu biết ai đang làm trong công ty thì có thể hẹn gặp họ để hiểu thêm. Rất nhiều cách. Nhưng lưu ý đừng tốn quá nhiều thời gian với những thứ này, vì (1) nó không quan trọng bằng việc bạn có đủ khả năng làm công việc họ cần, và (2) nó sẽ không chiếm quá nhiều thời gian trong interview.

3. Dự đoán những câu hỏi sẽ gặp và lên dàn ý cho câu trả lời. Mình không thích cách tập hợp toàn bộ câu hỏi có thể bị hỏi (kiểu Question bank), vì theo mình thì nó quá nhiều và việc nhìn vài trang dày đặc câu hỏi thực sự rất nản, nên thường sau khi tìm hiểu toàn bộ thông tin cần thiết mình sẽ liệt kê ra khoảng 10 câu hỏi (cùng lắm là 15) mà mình nghĩ có thể được/bị hỏi trong mỗi interview cụ thể. 
Mình chọn những câu hỏi này phần lớn dựa trên thông tin mình tìm được. Bên cạnh đó, mình cũng dựa theo chia sẻ trên mạng về những câu người khác được hỏi, và cả những người bạn mình biết vừa mới xin được việc trong cùng ngành. Ví dụ những câu hỏi trong hình bên dưới mình được 1 cậu bạn interview ở Oxford Uni ghi lại và share cho mình.


Hiển nhiên, trong các interview bạn chuẩn bị, một số câu có thể giống nhau, như câu đầu gần như bao giờ cũng là "Tại sao bạn chọn apply vào vị trí này ở công ty này?", nhưng có nhiều câu sẽ khác phụ thuộc vào độ lớn của công ty hay vị trí bạn apply. Ví dụ như khi mình apply vào UCL là một trường rất lớn thì những câu hỏi mình dự đoán có chút gì đó chung chung hơn (và thực tế đúng như vậy). Nhưng khi mình apply vào một vị trí nghiên cứu ở một viện nhỏ hơn thì những câu hỏi lại đặc thù hơn 1 chút.

Khi bạn chuẩn bị câu trả lời, 3 tiêu chí nên được đề ra và phải luôn ghi nhớ: 
_ chi tiết có dẫn chứng, 
_ mạch lạc, 
_ và kết thúc câu trả lời phải tích cực 1 chút. 

Nói thì hơi khó, để mình ví dụ. 1 câu hỏi mà mình dự đoán và đã được hỏi là: "Trong hồ sơ bạn nói bạn có nhiều kinh nghiệm làm việc với những bộ số liệu bảng lớn (large panel datasets). Bạn có thể làm rõ hơn điều đó được không?" Câu trả lời của mình bắt đầu bằng việc ca ngợi những ưu điểm của những bộ số liệu bảng lớn và mình đã bị cuốn thế nào khi làm việc với chúng, xong đến những hạn chế nhược điểm của loại số liệu này, rồi kết thúc bằng việc mình đã làm thế nào để giảm thiểu hay khắc phục những hạn chế ấy. Có lẽ không khó để bạn thấy: (1) mình không nói suông mà có kinh nghiệm thực tế, (2) câu trả lời mạch lạc có bố cục, và (3) mình biết tìm cách để kết thúc câu trả lời một cách tích cực.
(Cũng vì mình chuẩn bị cho từng câu hỏi kỹ như vậy nên nếu có Question bank tầm 1 200 câu chắc chết)

Và cuối cùng, một điều chắc không nói ai cũng biết, đó là dù bạn có chuẩn bị kỹ đến đâu cũng vẫn sẽ có những câu hỏi bạn không lường trước được, thậm chí nhiều khi có phần thử thách bạn. Cách để mình làm quen với điều này là làm mock-interview với bạn mình. Nên chọn 2-3 người mà bạn tin cậy, đưa họ bản mô tả công việc nhưng để họ tự soạn câu hỏi, và làm mock-interview sao cho nghiêm túc nhất có thể. Cũng đừng thất vọng nếu họ hỏi toàn những câu bạn đã chuẩn bị, vì nó cho bạn thấy bạn trả lời chúng thế nào, có tự nhiên không hay như cái máy, và làm cách nào để bạn nói thực sự thoát ý cho người nghe.
Mock interview là một cách rất tốt để bạn luyện tập

Kết: Đó là tất cả những gì mình làm để chuẩn bị cho interview. Có lẽ nhiều hơn cần thiết, nhưng vì mình nộp cũng ít hồ sơ (xem lại phần 1) nên luôn có đủ thời gian để chuẩn bị cẩn thận. 
Hy vọng bạn cũng tìm thấy vài thứ có thể áp dụng để chuẩn bị cho interview của bản thân.


Phần cuối, như đã đề cập ở trên, sẽ là kinh nghiệm từ interview và điều gì bạn cần làm sau đó. Hy vọng các bạn sẽ tiếp tục đón đọc.

A Dreamer