Review The Big Short (I): Hãy xem vì dàn cast quá bá đạo
Quay trở lại chủ đề yêu thích nhất của mình, phim ảnh, sau ngần ấy thời gian bay lượn cắn cỏ phê cần trên Tinder (hình như không liên...
Quay trở lại chủ đề yêu thích nhất của mình, phim ảnh, sau ngần ấy thời gian bay lượn cắn cỏ phê cần trên Tinder (hình như không liên quan lắm mà thôi kệ).
Vào một ngày cuối năm buồn chán nào đấy, các bác rảnh rỗi đến nỗi muốn tìm cho mình một bộ phim để kích hoạt não bộ, IQ tăng vô cực thì đây! Hãy coi The Big Short, ít nhất não bộ của bác cũng tăng thêm được mấy phần công lực.
Riêng mình, đã xem phim này tới 3 lần, và khi viết bài review này, mình lại xem tiếp tục lần thứ 4. Và lần nào cũng vậy, não luôn đi vào tình trạng cần tiếp oxi gấp. Mệt óc vl các bác ạ! Nhưng tin mình đi, đó là một bộ phim cực kỳ đáng xem dù bác có là dân kinh tế hay không.

Dàn cast siêu khủng
Đầu tiên, phải nói về dàn cast siêu khủng chưa từng thấy
Quy tụ dàn sao hạng A kiệt xuất của Hollywood lúc bấy giờ và cho cả đến lúc hiện tại, dù không đam mê phim ảnh mấy thì bác chắc chắn cũng phải biết ít nhất 1 người trong số đó. Có thể ngắm trai đỡ buồn dù trai già nhưng vẫn đẹp, đặc biệt là Brad Pitt nếu bộ phim làm bác mất năng lượng quá nhiều!
Còn nếu bác không thích ngắm trai thì ngắm gái tạm vậy. “Spoil” chút để các bác có hứng xem phim! Bên cạnh phân cảnh cameo trong bồn tắm thì các buổi họp đêm với các vũ công nhảy thoát y cũng là một gia vị “mặn mà” giúp mấy bác lê lết hơn 2 tiếng đồng hồ và dung nạp một mớ kiến thức về tài chính – ngân hàng.
Brad Pitt. Ông này thì chắc mình không cần phải nói nhiều, hẳn là bác nào cũng biết rồi (Fight Club, Mr. & Mrs. Smith chắc hẳn nhiều bác đã xem). Còn nếu không xem phim của ổng thì ít ra chuyện tình trường kỳ với Angelina Jolie cũng đủ để bác biết đến thanh danh của người đàn ông quyến rũ nhất nhì Hollywood. Phim được trình chiếu năm 2015, tức là ông ấy đã 51 tuổi, nhưng vẫn đẹp vcl các bác ạ! Dù vai diễn của ổng chỉ là một lão trader già về hưu vì chán ghét các nền kinh tế giả dối, nghi ngờ sự vận hành của cả Thế giới. Và so với các ngôi sao bự còn lại thì các phân cảnh xuất hiện của ổng có phần khiêm tốn hơn nhưng tóm lại, thần thái, gương mặt của ổng thì không thể chê vào đâu được. Vì mình lỡ mê ổng rồi nên nhìn đâu cũng chỉ thấy cái đẹp của ổng thôi!

Ryan Gosling. Sau La La Land thì anh chàng đẹp trai này lại nổi như cồn dù trước đó, ảnh cũng đã nổi tiếng rồi (The Notebook, Blue Valentine hay Crazy, Stupid, Love đều có sự góp mặt của gã trai đẹp này). Phim này thì ảnh vẫn đẹp như những lần ảnh xuất hiện thôi, thậm chí còn lịch lãm hơn trong các bộ veston của một gã trader hám tiền, tinh ranh như sói ở phố Wall. Nhưng cái duyên của ảnh còn hơn cả thế với những màn đối thoại cực chất qua màn ảnh với khán giả bằng cái thứ ngôn ngữ hài châm biếm đỉnh “kout”. Ngoài vai trò diễn viên trong phim, ảnh còn đảm nhận thêm tư cách người dẫn chuyện, một người dẫn chuyện chuyên xỉa xói người khác, kể cả khán giả là bác đó!

Christian Bale. Đấy gã nhà giàu, tư duy phân tích, chiến lược, thông minh Bruce Wayne/ Batman đã trà trộn vào The Big Short, không biết còn giàu hay không, nhưng IQ vẫn thuộc hạng siêu đẳng. Bác sĩ, trùm quản lý quỹ đầu tư, điên điên, dị dị và là người đầu tiên nhìn ra cuộc khủng hoảng trước mắt bằng cách đọc các con số. Nếu bác nào không quan tâm siêu anh hùng, thì có thể biết ổng qua The Prestige, ảo thuật gia đối đầu với Hugh Jackman đó, phim cũng tương đối xoắn não. Còn nếu chưa xem phim này luôn thì các bác cứ biết, ổng là sao hạng A là được rồi.

Steve Carell. Thú thật thì mình chưa xem của ổng đóng thật ngoài cái phim Despicable Me do ổng lồng tiếng ra (vai Gru ấy). Ông này thì là diễn viên hài nhưng trong phim thì thật sự, ổng không hài nhiều đâu, mà là tác nhân để gã trai đẹp Ryan Gosling chọc cười khán giả. Phim chủ yếu mô tả nội tâm đầy rối loạn của ổng trước sự dối trá của thị trường mà chính ổng, cũng là một phần bên trong đó khi đang quản lý một quỹ đầu tư.

Những cameo đẹp, đỉnh và đặc biệt ấn tượng
Nếu như coi phim Marvel, các bác phải mỏi mắt tìm coi Stan Lee xuất hiện ở đâu, thời điểm nào thì với The Big Short, mấy bác không phải vất vả, khổ sở như vậy. Khi nào xuất hiện cameo thì tự động sẽ có màn giới thiệu đầy đủ và nghiêm túc để bác nắm tình hình.
Cameo thôi nha nhưng đừng nghĩ họ xuất hiện chỉ để PR hay làm đẹp thêm các thước phim (thực tế thì chắc cũng có ý vậy nhưng còn có sứ mệnh quan trọng). Họ sẽ đứng ra đơn giản hóa các thuật ngữ tài chính lùng nhùng nhức nách thành các khái niệm gần gũi, dễ hiểu với tất cả chúng ta thông qua thuật dụ ngôn. Mà phân cảnh nào, họ xuất hiện cũng đều đặc sắc hết nên nhớ đừng bỏ qua nha.
Margot Robbie. “Quả bom sex” của Hollywood, “mỹ nhân tóc vàng”, hay cô người tình nóng bỏng của Jordan Belfort (Leonardo DiCaprio) trong The Wolf of Wall Street, Harley Quinn điên cuồng với tình yêu cùng Joker trong Suicide Squad, cô ấy đã có mặt trong bồn tắm đầy bọt để giải thích về khoản nợ vay dưới chuẩn hay bán khống sẽ mang lại lợi ích gì (bây giờ, các bác chưa cần hiểu đâu, vì mình sẽ nói đến chúng ở phần tiếp theo). Nghe thấy có kích thích chưa?

Đầu bếp Anthony Bourdain. Người đầu bếp thân thiện ăn bún chả Hà Nội cùng Tổng thống Barack Obama qua đời vào năm 2018. Nếu bác muốn nhìn lại hình ảnh của ông ấy vào năm 2015 với những đường dao điệu nghệ và lắng nghe câu chuyện ẩm thực của ổng để minh họa cho định nghĩa của CDO (như mình đã nói, các bác cứ mặc kệ mấy thuật ngữ này đi nha) thì mời bác xem The Big Short.

Tiến sĩ Richard Thaler, Đại học Chicago. Chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2017, cha đẻ của Kinh tế học hành vi (Con người không phải lúc nào cũng đưa ra quyết định lý trí) sẽ giải thích cho các bác hiểu CDO phái sinh là cái mẹo gì tại một sòng bài Las Vegas cùng nữ ca sĩ nhạc pop Selena Gomez. Trong phân cảnh góp mặt này, ông cũng sẽ phô diễn chút kiến thức về phân tích hành vi con người thông qua thuật ngữ “ảo tưởng phong độ” mà mình sẽ nói chi tiết ở phần nội dung phim.

Ca sĩ nhạc pop Selena Gomez. Cô này thì chắc chắn mọi người đã biết quá rõ rồi nên mình cũng không biết phải nói gì hơn.

Ngoài ra, phim còn có những nhóm nhạc, bản nhạc quẩy sung thiệt sung để giải thoát các bác khỏi ách tắc đầu óc nhưng vì mình không biết ất giáp gì về âm nhạc, nên không thể bàn thêm gì nữa.
P/s: Hãy đón xem phần tiếp theo giải thích về các thuật ngữ kinh tế - tài chính trước khi xem phim vào một ngày đẹp trời trước Tết Nguyên Đán 2019.
Link phần II, III:
Xin cảm ơn các bác! ^^

Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
Càng xem càng nể phục bác đạo diễn Adam Mckay. Thật sự không dễ dàng để hiểu được những mánh khóe của giới tài chính Mĩ qua cuốn sách, chuyển thể nó thành một bộ phim hơn 2 tiếng và giúp cho một người xem phổ thông có thể hiểu được càng khó hơn, lại còn khiến nó trở nên hấp dẫn thì quả là không tưởng :3
Để làm được điều này Adam đã khéo léo lồng ghép các đoạn giải thích những khái niệm mang tính kĩ thuật đan xem trong bộ phim, một điều cực kì khó và cũng là một pha mạo hiểm từ phía đạo diễn khi những phân cảnh này sẽ làm phân mảnh bộ phim ra và có rủi ro làm mất đi mạch phim.
Cơ mà hem :)
Adam thực hiện điều này một cách xuất sắc, giải thích các thuật ngữ tài chính phức tạp hở? đâu cần 1 ô giáo sư với 1 tấm bảng đen? Thay vì đó chúng ta có một nữ diễn viên nóng bỏng trong bồn tắm, hay một nhà toán học cùng nữ ca sĩ nổi tiếng trong casino, blah blah blah. Không những không nhàm chán chúng mang đến một bất ngờ thú vị cho người xem, và chắc chắn là làm cho phần "chú giải" trở nên dễ tiếp thu hơn.
Chia sẻ một chút là Adam đang bắt tay vào một bộ phim dựa trên cuốn sách tên Bad blood, nói về sự hình thành và sụp đổ của một đế chế startup đã từng được định giá tới gần 10 tỷ đô và founder của nó từng là một trong những tỉ phú tự thân trẻ nhất thế giới (giờ thì tài sản gần như bằng 0 và đang bị kiện sml). Sẽ có nhiều điểm tương đồng với the big short, xuyên suốt cốt truyện xây dựng nên một scandal quy mô và tinh vi tới mức ngạt thở và rồi người xem sẽ cùng cười khóc khi tấm màn hạ xuống và toàn bộ chiêu trò bên trong đc phơi bày. Ít thuật ngữ kĩ thuật hơn và nhiều drama hơn, mình chắc chắn sẽ là một bộ phim cực kì đáng xem nếu là fan của the big short.
Phim dự kiến ra vào 2020 và có jennifer lawrence nhé
Phải nói là Steve Carell đóng phim hài rất hợp, như là cái duyên vậy. Dù chỉ là vai phụ nhưng mà nhân vật Brick của ổng trong Anchorman cực kỳ xuất sắc. Chưa kể Steve đóng những vai drama rất là ngọt, ngọt vcl luôn. Bác không thích phim hài thì xem thử Foxcatcher, Steve đóng rất là mượt.