Đầu tư cơ bản P.5 - Bản chất chu kỳ của thị trường
Trong đầu tư có rất ít những điều mà nhà đầu tư có thể chắc chắn về tương lai. Sự bất định về tương lai của thị trường sẽ luôn là một...
Trong đầu tư có rất ít những điều mà nhà đầu tư có thể chắc chắn về tương lai. Sự bất định về tương lai của thị trường sẽ luôn là một hằng số không bao giờ thay đổi. Sự tự tin có thể là một phẩm chất tốt trong các lĩnh vực khác nhưng rất tiếc nó lại là mồ chôn sống cho vô số nhà đầu tư non nớt quá tự tin vào bản thân. Đối với những nhà đầu tư kì cựu, sự tự tin tới mức điên rồ của các F0 luôn làm cho họ cảm thấy thú vị, nó gợi nhớ về thời kì ban đầu mà họ cũng vừa mới chập chững tham gia vào thị trường chứng khoán. Họ cũng đã từng có những cảm giác phiêu lưu như thế, cho tới khi thị trường, như một bà cô hiệu trưởng khó tính, đưa ra những bài kiểm tra khắc nghiệt.
Trong đầu tư, cũng như trong cuộc sống, có rất ít những điều mà ta có thể hoàn toàn chắc chắn. Thành công không bao giờ có lối tắt, đánh bại thị trường không hề có công thức, không có gì kéo dài mãi mãi. Tuy nhiên, nếu người viết phải nêu ra một biến số của thị trường mà ta có thể tự tin chắc chắn về tính bất biến của nó - đó sẽ là bản chất chu kỳ của thị trường. Như nhà đầu tư nổi tiếng Howard Marks đã từng nhận xét trong quyển sách Điều Quan Trọng Nhất "Tôi càng dành nhiều thời gian trong thế giới đầu tư, tôi càng trân trọng giá trị của chu kỳ trên thị trường".
Thị trường lên quá cao sẽ buộc phải có lúc rơi xuống, thị trường xuống quá thấp sẽ buộc phải có điểm phục hồi. Nói một cách khác, thị trường di chuyển như một quả lắc đồng hồ, khi quả lắc di chuyển về một hướng đủ lâu sẽ tạo ra một nội động lực đủ lớn cho sự đảo chiều.
Hai thái cực đối lập
Sự tồn tại của chu kỳ trên thị trường về cơ bản là do sự xuất hiện của cảm xúc trong đầu tư. Trong những lĩnh vực mà cảm xúc không hề tồn tại, sự tự tin về tính chắc chắn của tương lai là hoàn toàn có cơ sở, ví dụ như những cỗ máy cơ khí luôn vận hành một cách dễ đoán nếu ta hiểu về quy luật hoạt động của nó. Nhưng trong bất kì lĩnh vực nào mà con người đóng vai trò là một nhân tố quan trọng, kết quả lúc nào cũng đa dạng và mang tính chu kỳ, hay nói một cách khác là không thể dự đoán. Chúng ta chưa bao giờ là những sinh vật lý trí mà kinh tế học vẫn luôn giả định.
Thị trường về cơ bản là một cái chợ, là một tập hợp của người bán và người mua thực hiện các giao dịch với nhau. Có thể nói sự dao động của thị trường từ đỉnh xuống đáy được chi phối bởi hai cảm xúc hoàn toàn đối lập: tham lam và sợ hãi. Tham lam và sợ hãi thay đổi rất nhanh phụ thuộc hoàn toàn vào kì vọng của nhà đầu tư về tương lai. Một kì vọng về tương lai tươi sáng sẽ là chất xúc tác hoàn hảo cho bản tính tham lam, và một viễn cảnh tương lai tăm tối sẽ là nơi hoàn hảo cho nỗi sợ hãi ngự trị.
Cũng giống như một cái chợ, một cổ phiếu công ty sẽ tăng giá khi nhu cầu tăng cao hơn nguồn cung. Số lượng người mua sẽ ngày càng tăng cao khi càng nhiều người tin vào viễn cảnh tương lai tươi sáng của doanh nghiệp. Điều này sẽ tiếp diễn cho tới khi kì vọng không còn khớp với thực tế, và bong bóng luôn xuất hiện khi kì vọng và thực tế xuất hiện khoảng trống. Bong bóng sẽ ngày càng phình to khi ngày càng nhiều nhà đầu tư nhẫm lẫn giữa ảo tưởng và thực tại. Điều gì phải đến cũng sẽ đến, khi quả bom hẹn giờ phát nổ, thị trường rơi tự do với kì vọng chung về một tương lai tăm tối đầy thảm họa. Dĩ nhiên, lời giải thích này đã lượt bỏ rất nhiều chi tiết cụ thể quan trọng nhưng nhìn chung nó khắc họa đầy đủ những luận điểm chính cho quá trình dao động mang tính chu kỳ của thị trường.
Nói một cách khác, thị trường di chuyển như một quả lắc đồng hồ, với sự di chuyển về điểm cực sẽ cung cấp một động năng cho việc quay ngược trở lại. Sự đi lên hướng về phía đỉnh sẽ tạo một động lực ngày càng lớn cho việc thị trường sụp đổ, và sự đi xuống hướng về phía đáy cũng sẽ tạo một động lực ngày càng lớn cho thị trường hồi phục. Bản chất chu kỳ của thị trường là bất biến, lịch sử đã luôn chứng minh điều đó.
Xét một cách thực tế, bản năng tham lam khi thị trường tốt đẹp và sợ hãi khi thị trường khủng hoảng đều là những phản xạ mang tính tiến hóa của con người, điều này đã giúp cho tổ tiên chúng ta tồn tại trong một môi trường cực kì khắc nghiệt. Trong thời đại nguyên thủy khi mỗi ngày đều là một cuộc chiến với tử thần, tham lam tích trữ tài nguyên khi điều kiện cho phép cũng như hoảng sợ tột độ mỗi khi có dấu hiệu của nguy hiểm đều là những bản năng cần thiết cho sự tồn vong của giống loài. Tuy nhiên, những bản năng vốn rất hữu dụng cho tổ tiên chúng ta vào thời cổ đại hầu như đều đã trở nên lạc hậu trong thời đại công nghệ ngày nay, đặc biệt là trên thị trường chứng khoán.
Hoảng loạn bán tháo tất cả khi thị trường có biến lớn hay điên cuồng mua đuổi cổ phiếu khi thị trường sôi động đều là những hành động mang tính bản năng đầy nguy hiểm. Đi ngược với những suy nghĩ mang tính trực giác luôn đòi hỏi một tinh thần cực kì mạnh mẽ từ phía nhà đầu tư, những quyết định không mang tính cảm xúc luôn là những quyết định khó khăn nhất. Tuy nhiên, để thành công lâu dài trên thị trường, đây là điều kiện bắt buộc, chưa ai nói đầu tư là một công việc dễ dàng. Nhà đầu tư cần phải học cách chấp nhận sự thật rằng những bản năng đã giúp tổ tiên chúng ta sinh tồn trong môi trường nguyên thủy khắc nghiệt ngày xưa sẽ giết chết chúng ta trong quá trình đầu tư ngày nay. Tham lam và sợ hãi cùng với đám đông là công thức nhanh nhất dẫn đến thất bại trong đầu tư.
Không có gì kéo dài mãi mãi
Trong series nổi tiếng đình đám Game of Thrones, có một phân cảnh Jon Snow và Daenerys Targaryen đang đi cùng nhau tại Winterfell trong khi phía trên tường thành Davos, Varys và Tyrion lại đang có một đoạn hội thoại khá thú vị về vị nữ hoàng quyền lực của mình
Tyrion: "Họ là một cặp đẹp đôi đấy chứ"
Varys: "Anh đánh giá quá cao ảnh hưởng của chúng ta rồi. Jon và Daenerys không muốn nghe những lời khuyên từ mấy ông già đâu"
Tyrion: "Tôi đâu có già đến thế, hơn nữa nữ hoàng của chúng ta rất tôn trọng sự thông thái mà tuổi tác có thể mang lại"
Varys: "Dĩ nhiên rồi. Sự tôn trọng là cách mà những người trẻ tuổi giữ khoảng cách với chúng ta, vì thế mà ta không muốn nhắc cho họ biết về một sự thật cay đắng"
Tyrion: "Sự thật đó là gì?"
Varys: "Không có gì kéo dãi mãi mãi"
Varys hiểu rằng không có gì chắc chắn tình cảm mà Jon và Daenerys dành cho nhau sẽ luôn trường tồn với thời gian. Do đó một quy luật chung của cuộc sống là không có gì có thể kéo dài mãi mãi, và xu hướng vận động trên thị trường chứng khoán cũng không phải là một ngoại lệ.
Các công ty làm ăn khá giả trong giai đoạn nền kinh tế tốt đẹp sẽ quyết định đầu tư mạnh tay vào năng lực sản xuất để đón đầu xu hướng phát triển, những khoản đầu tư này sẽ trở thành gánh nặng chi phí kìm hãm doanh nghiệp khi nền kinh tế đi xuống. Các ngân hàng sẽ mở rộng tần suất cho vay với lãi suất hấp dẫn, thậm chí là chấp nhận cho vay tới những khách hàng có điểm tín dụng không đáng tin cậy khi nền kinh tế đang phát triển, và sau đó thì lại trở nên cực kì cẩn trọng với các khoản vay khi nền kinh tế xấu đi. Nhà đầu tư trong giai đoạn thị trường hưng phấn sẽ luôn định giá doanh nghiệp quá cao, trong khi nhà đầu tư trong giai đoạn thị trường khủng hoảng lại luôn định giá doanh nghiệp quá thấp. Một vòng lặp bất tận của chu kỳ kinh tế.
Trên thị trường, không có thứ gì phát triển ổn định như một đường thẳng trong đồ thị toán học. Mọi thứ phát triển ổn định một thời gian rồi sẽ sụp đổ, sau đó mọi thứ trở thành thảm họa trong nháy mắt, thảm họa kéo dài đủ lâu sẽ khiến hầu hết mọi người quên mất rằng cầu vòng luôn xuất hiện sau cơn bão. Một tờ báo kinh tế từng viết một bài báo nổi tiếng với tiêu đề rằng "Những khoản cho vay tệ hại nhất luôn đến trong thời kỳ kinh tế tốt đẹp nhất", tương tự như thế, khoản đầu tư rủi ro nhất luôn đến trong giai đoạn thị trường hưng phấn nhất. Nền kinh tế sẽ luôn phình to và co lại một cách đan xen khi người tiêu dùng thay đổi hành vi mua sắm được chi phối hoàn toàn bởi cảm xúc. Do đó không có một xu hướng kinh tế nào có thể kéo dài liên tục mà không có điểm kết thúc, như một câu nói nổi tiếng trong kinh tế học "Những việc không thể kéo dài mãi mãi sẽ đến thời điểm phải dừng lại".
Tuy nhiên, với mỗi một thập kỉ trôi qua, một số nhà đầu tư thế hệ mới đều cùng nhau quyết định rằng tính chất chu kỳ của thị trường là một khái niệm đã lỗi thời. Họ cho rằng viễn cảnh tương lai tươi sáng sẽ kéo dài mãi, hoặc thảm cảnh tương lai tăm tối sẽ không có điểm dừng. Khi một xu hướng kéo dài đủ lâu, nó sẽ tạo nên ảo giác rằng xu hướng này sẽ kéo dài mãi không có hồi kết. Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng thị trường luôn phát nổ khi thời điểm tốt đẹp kéo dài đủ lâu (nổ bong bóng công nghệ 2001 và bong bóng tài chính 2008), và luôn phục hồi khi thời điểm đen tối phải chấm dứt (thời gian phục hồi từ 2001-2004 sau vụ nổ công nghệ rồi bắt đầu hình thành bong bóng tài chính 2008, sau đó thị trường lại phục hồi từ sau năm 2009 với tốc độ phát triển ấn tượng).
Nhà đầu tư có thể tự tin dự đoán rằng khi thị trường đi lên quá lâu sẽ tới điểm phải rơi xuống, ác mộng diễn ra đủ dài thì cầu vòng sẽ xuất hiện; nhưng thời điểm đảo chiều cũng như cường độ tác động là không thể dự đoán. Những nhà đầu tư lão luyện am hiểu về lịch sử tài chính luôn biết rằng chu kỳ sẽ xảy ra, và họ cũng biết rằng cơ hội đầu tư sẽ ngày càng hấp dẫn khi ngày càng nhiều người bỏ qua khái niệm quan trọng này. Nhưng họ cũng đủ khôn ngoan để hiểu rằng canh thời điểm thị trường sẽ luôn là bài toán hóc búa nhất, một canh bạc đầy nguy hiểm, nhưng sẽ mang lại cảm giác vui sướng khó tả khi được thực hiện một cách chính xác.
Thành công luôn mang theo hạt giống của sự thất bại
Sự phát triển của một xu hướng sẽ tự tạo ra nội động lực cho sự đảo chiều của xu hướng đó. Mọi bữa tiệc đều sẽ đến hồi kết thúc, sau mọi cơn bão thì cầu vòng sẽ luôn xuất hiện. Như nhà đầu tư nổi tiếng Howard Marks đã từng nhận xét "Thành công luôn mang theo hạt giống của sự thất bại", và dĩ nhiên thất bại cũng luôn mang theo hạt giống của một khởi đầu mới đầy hi vọng.
Nếu như chu kỳ được chi phối hoàn toàn bởi cảm xúc, vậy điều gì là nguyên nhân đằng sau cho sự thay đổi trong hành vì đầu tư từ tham lam sang sợ hãi? Tại sao hưng phấn và ảm đạm lại liên tục thay đổi vị trí cho nhau trên thị trường?
Câu trả lời là cách mà nhà đầu tư cảm nhận về rủi ro trên thị trường. Khi tham lam đang càn quét thị trường, đa phần nhà đầu tư sẽ cảm nhận rằng rủi ro không hề tồn tại. Họ nghĩ rằng mình không thể thua lỗ cho dù mình có đặt tiền vào đâu đi chăng nữa, và đúng thật là điều này sẽ xảy ra trong một khoảng thời gian cố định. Điều này sẽ càng củng cố tâm lý tham lam của nhà đầu tư, họ sẽ ngày càng đưa ra nhiều quyết định rủi ro hơn trong công cuộc tìm kiếm lợi nhuận vì đây là cách mà họ đã kiếm khá nhiều tiền trong quá khứ. Thị trường càng hưng phấn thì rủi ro ngày càng tích tụ, cho tới khi thị trường không thể duy trì sự hưng phấn này được nữa và bắt đầu quá trình đảo ngược. Lúc này những nhà đầu tư có danh mục rủi ro cao nhất luôn là những người hứng chịu sự sụt giảm giá trị tài khoản lớn nhất, và do đó luôn là những đối tượng sẵn sàng chấp nhận bán tháo tất cả tài sản bất chấp giá cả mà thị trường đưa ra.
Khi sợ hãi ngự trị, tốc độ bán tháo ngày một mạnh mẽ từ phía nhà đầu tư sẽ tạo ra một vòng lặp mang tính dây chuyền củng cố sự hoảng loạn đang tràn lan trên khắp thị trường. Thay vì cảm nhận là rủi ro không hề tồn tại như trong giai đoạn thị trường hưng phấn, lúc này nhà đầu tư nhìn đâu cũng thấy rủi ro. Họ cho rằng rủi ro là quá lớn để họ có thể đầu tư sinh lời, và do đó quyết định không bao giờ xuống tiền cho dù mức giá thị trường có đang hấp dẫn ra sao. Do đó đa phần nhà đầu tư sẽ nghĩ rằng cách tốt nhất là đứng ngoài chờ đợi cho tới khi tình hình trở nên ổn định. Tuy nhiên, thời điểm mà nhà đầu tư cảm thấy thoải mái để có thể đầu tư trở lại thì cũng là lúc những món hời tốt nhất đã biến mất.
Sự thay đổi trong cảm nhận về rủi ro trên thị trường luôn gắn liền với cảm xúc mà tham lam và sợ hãi mang lại. Quá trình này hoàn toàn là cảm nhận chủ quan từ phía nhà đầu tư, và nó tạo ra một vòng lặp bất tận của chu kỳ thị trường chỉ bởi vì con người luôn hành xử một cách cảm tính trong đầu tư. Lời giải thích trên là một sự đơn giản thái quá từ người viết, trong thực tế thì có rất nhiều sự phức tạp và chi tiết quan trọng mà chỉ có kinh nghiệm thực chiến mới mang lại. Tuy nhiên, nhìn chung thì sự tổng quát đó vẫn diễn tả đầy đủ những điểm quan trọng nhà đầu tư cần phải lưu ý. Hãy luôn nhớ rằng kiến thức sẽ không bao giờ có thể phát huy tối đa khả năng nếu như không có sự trợ giúp từ kinh nghiệm.
Để thành công trên thị trường, khả năng phân tích chu kỳ là một kỹ năng không thể bỏ qua trong hộp đồ nghề tư duy của nhà đầu tư thông minh. Nhận biết mình đang ở giai đoạn nào trong thị trường sẽ giúp nhà đầu tư có thể chuẩn bị tốt hơn cho những tình huống có thể xảy ra trong tương lai, và qua đó sẵn sàng nắm bắt những cơ hội đầu tư hấp dẫn nếu như thị trường trải qua cơn điên loạn phi lý.
Cuốn theo cảm xúc của đám đông chưa bao giờ là công thức thành công trong đầu tư. Đây là lý do đằng sau cho câu nói nổi tiếng của Warren Buffett "Hãy tham lam khi người khác sợ hãi, và hãy sợ hãi khi người khác tham lam". Điên cuồng mua đuổi cổ phiếu và gia tăng tỷ trọng Margin khi thị trường đang hưng phấn hay hoảng loạn bán tháo tất cả khi thị trường sụp đổ là con đường nhanh nhất dẫn đến thất bại trong đầu tư. Do đó nếu nhà đầu tư không có khả năng hành động một cách độc lập so với thị trường thì tốt nhất là bạn nên đầu tư thụ động vào quỹ chỉ số, nhưng nếu nhà đầu tư đã chọn con đường đầu tư chủ động thì khả năng tách biệt khỏi đám đông là điều kiện tiên quyết để có được thành công bền vững. Thị trường càng hưng phấn, nhà đầu tư thông minh càng phải cẩn trọng trong quyết định đầu tư; thị trường càng hoảng loạn, nhà đầu tư thông minh càng phải liều lĩnh đưa ra những quyết định táo bạo để bắt lấy những món hời hấp dẫn trước khi chúng biến mất. Tuy nhiên, hiểu được những điều phải làm là một chuyện, có khả năng làm được những việc này hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Một cách thực tế nhất, đầu tư là trò chơi của tâm lý nhiều hơn là của tư duy, mặc dù khả năng phân tích đóng một vai trò quan trọng trong đầu tư, nhưng người thông minh suy cho cùng cũng chỉ là con người, họ cũng dễ dàng bị cảm xúc thao túng như bao người khác. Nếu như đầu tư chỉ cần chỉ số IQ thì các nhà bác học nhận giải Nobel đều đã trở thành tỷ phú cả rồi. Ngay đến nhà vật lý đại tài Isaac Newton cũng bị cuốn theo theo đám đông và tham gia vào bong bóng Biển Nam (South Sea Bubble) để rồi phải mất tất cả gia tài đã tích lũy. Trải qua kinh nghiệm đau thương này, Newton cũng phải thốt lên câu nói nổi tiếng "Tôi có thể tính được chuyển động của các vì sao trong vũ trụ, nhưng đầu hàng trước sự điên loạn của con người".
Có rất nhiều yếu tố không thể chắc chắn trong thế giới đầu tư, nhưng có vẻ như chu kỳ là một trường hợp ngoại lệ hiếm hoi. Tuy nhiên, chỉ vì ta biết rằng thị trường đã đi lên trong một khoảng thời gian khá dài không có nghĩa là nó bắt buộc phải đi xuống vào ngày mai. Không có gì chắc chắn rằng một công ty đã được định giá quá cao sẽ phải trải qua một đợt suy giảm ngay vào tuần sau. Tính chất của chu kỳ là bất biến, nhưng thời điểm đảo chiều cũng như cường độ của mỗi giai đoạn lại hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của thị trường tại thời điểm nó đang xảy ra. Nhà đầu tư có thể chắc chắn rằng thị trường lên quá cao sẽ phải rơi xuống, và thị trường đi xuống quá lâu sẽ tạo điểm phục hồi, nhưng thời điểm chính xác mà thị trường đảo ngược quá trình di chuyển sẽ luôn là câu hỏi hóc búa, thậm chí là đối với những nhà đầu tư giỏi nhất.
Như nhà đầu tư nổi tiếng Howard Marks đã từng chia sẻ "Đúng quá sớm thì cũng không khác biệt gì so với sai cả". Nhà đầu tư có thể đúng về một bong bóng đang phình to, nhưng nếu đặt lệnh khống (short-selling) quá sớm thì cũng không thể tránh khỏi thua lỗ, như một số nhà đầu tư đã từng cược khống quá sớm vào thị trường bong bóng nhà đất kéo dài từ 2003-2008, và sau đó phải chấp nhận cắt lỗ vì bong bóng vẫn tiếp tục phình to ra tới tận năm 2008 mới phát nổ. Liệu có phải là họ đã sai? Họ không sai về nhận định thị trường, nhưng họ đã sai về thời điểm.
Chỉ bởi vì bong bóng đang phình to không có nghĩa là nó không thể tiếp tục phình to thêm trong tương lai, nó chỉ có nghĩa là xác suất bong bóng phát nổ đang tăng cao, nhưng thời điểm mà nó thực sự phát nổ sẽ luôn là một ẩn số. Bạn có thể nhận biết chính xác về tình hình hiện tại của thị trường nhưng nếu như thời điểm đưa ra quyết định quá sớm thì việc đó về cơ bản cũng tương đồng với một quyết định sai. Nhà đầu tư thông minh là người hiểu rõ tính chất bất biến của chu kỳ trong thị trường, nhưng họ cũng hiểu rằng canh thời điểm thị trường sẽ luôn là một canh bạc nguy hiểm, và chắc chắn không dành cho những người nhát gan.
Thị trường luôn rủi ro nhất khi tất cả mọi người đều đồng thuận rằng rủi ro không hề tồn tại, và cơ hội tuyệt vời nhất luôn xuất hiện khi mọi người đều từ chối tham gia vào thị trường vì họ tin rằng rủi ro là quá lớn. Chỉ thông minh thôi là chưa đủ, kỹ năng kiểm soát cảm xúc bản thân đóng một vai trò quan trọng hơn trong đầu tư, ví dụ của nhà vật lý tài ba Isaac Newton là một minh chứng điển hình. Một cách chủ quan, người viết nghĩ rằng để đầu tư thành công còn khó hơn cả nghiên cứu khoa học.
Chu kỳ sẽ luôn là một hằng số bất biến trên thị trường, một quy luật đã được lịch sử chứng minh qua biết bao giai đoạn tăng trưởng bùng bổ và sụp đổ kinh hoàng. Đối với những nhà đầu tư thông minh, cơ hội sinh lời tốt nhất luôn xuất hiện khi phần lớn nhà đầu tư quên mất quy luật trên.
Nguồn tham khảo:
- The Intelligent Investor - Benjamin Graham
- The Essays of Warren Buffett - Lawrence Cunningham
- The Most Important Thing Illuminated - Howard Marks
- Mastering the Market Cycle - Howard Marks
Đọc tiếp:
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất