Nhắc đến nền văn học phóng khoáng, trào phúng của xứ sở công nghiệp Hoa Kỳ, ta không thể không nhắc đến Mark Twain - người được mệnh danh là “cha đẻ của nền văn học Mỹ". Với những tác phẩm tiêu biểu châm biếm như: Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (1876), Hoàng tử và chú bé nghèo khổ (1882) hay Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn (1884),... ông đã bày tỏ quan điểm và lập luận của bản thân về các vấn đề tôn giáo, xã hội, chủ nghĩa đế quốc và quyền con người một cách khôi hài nhưng cũng đầy thuyết phục. Không chỉ là một nhà văn, Mark Twain còn là tiểu thuyết gia và một nhà diễn thuyết nổi tiếng.
MarkTwain-cha-de-cua-nen-van-hoc-my
MarkTwain-cha-de-cua-nen-van-hoc-my

Mark Twain là ai? 

Ngày 30 tháng 11 năm 1835, khi sao chổi Halley vụt qua bầu trời cũng là lúc Mark Twain - tên đầy đủ là Samuel Langhorne Clemens ra đời. Ông là người con thứ 6 trong một gia đình đông đúc tại Florida, thuộc tiểu bang Missouri. Bốn năm sau, gia đình ông chuyển đến Hannibal, một thị trấn cảng nằm phía tây trên bờ sông Mississippi. Nơi đây được mệnh danh là trái tim của nước Mỹ với chiếc cầu nối từ Bắc xuống Nam.
Dù sinh ra trong một gia đình không giàu có, nhưng ông và các anh chị em mình lại có cuộc sống tự do bởi tư tưởng thoải mái của bố mẹ. Tuổi thơ của Samuel Clemens được làm những điều mình thích, ông có những chuyến phiêu lưu trong rừng xanh, trên các con sông và thoả thích đọc những cuốn truyện bản thân muốn. Chính những trải nghiệm về phong cảnh và kỷ niệm với các chuyến đi đã phần nào giúp ông tạo ra nhiều tác phẩm danh tiếng sau này.
Tuổi thơ vui vẻ chưa được bao lâu, năm 1847, cha của Samuel qua đời khi ông tròn 11 tuổi. Kinh tế gia đình trở nên khó khăn khiến ông phải tham gia lao động từ sớm. Công việc đầu tiên của Samuel là học nghề in với người anh họ Orion cho tạp chí Hannibal. Đến năm 1851, ông bắt đầu làm công việc sắp chữ và đóng góp một số bài báo, tác phẩm của mình cho tờ tạp chí này. Sang tuổi 18, Samuel di chuyển đến thành phố New York để làm việc. Trong thời gian ở đây, ông thường xuyên lui đến các thư viện công cộng để đọc sách và làm dày thêm vốn kiến thức của bản thân.
Với ước mơ từ bé là trở thành thuyền trưởng lái tàu, năm 1857, Samuel rẽ hướng sang học nghề với ông Horace Bixby. Công việc lái tàu giúp Samuel kiếm được nguồn thu nhập ổn định và thăm thú nhiều nơi. Đặc biệt với những ấn tượng về trải nghiệm lái tàu và cảnh vật trên sông Mississippi đã giúp ông miêu tả nó một cách sinh động và rõ nét trong cuốn Đời sống trên sông Mississippi (1883). Cuối cùng, sau hai năm đào tạo nghiêm túc, ông được cấp bằng lái vào năm 1859. Tuy nhiên, cuộc nội chiến Hoa Kỳ bùng nổ vào năm 1861 gây bế tắc cho công việc thương mại trên sông đã buộc Samuel phải tìm cho bản thân một công việc khác để sinh sống.
Giữa thế kỉ 19, cơn sốt vàng bùng nổ mạnh mẽ lôi cuốn giấc mơ đổi đời của Samuel. Ông quyết định di chuyển đến Nevada làm giàu nhưng vận may lúc này lại không mỉm cười với ông. Khi rơi vào cảnh quẫn cùng, ông nộp đơn xin làm phóng viên và viết bài cho tờ Territorial Enterprise với bút danh là Mark Twain. Đây cũng là sự kiện mở đầu cho giai đoạn đánh dấu sự nghiệp văn chương của Samuel Clemens.
Tuy có sự nghiệp văn chương xuất sắc cùng những giải thưởng cao quý và được mọi người tôn trọng song, trong hầu hết đời mình, Mark Twain gặp nhiều sự kiện đau lòng, trải qua những mất mát to lớn. 
Theo đó, nhà văn luôn phải chứng kiến sự ra đi của những người mà mình thương yêu nhất. Nếu năm 11 tuổi, ông mất đi bố của mình thì năm 19 tuổi, em trai Mark Twain là Henry sau khi được ông khuyến khích đi làm thủy thủ trên tàu cũng đã qua đời vì một vụ nổ lớn. Điều này luôn khiến nhà văn tự dày vò bản thân và cảm thấy hối hận.
Năm 1870, Mark Twain kết hôn với Olivia Langdon - một tiểu thư thuộc gia đình giàu có và danh giá. Hai người có với nhau bốn người con nhưng hạnh phúc chẳng được bao lâu, đứa con trai đầu lòng của ông chết vì bị sốt. Sự kiện này đã giáng cho ông một đòn đau đớn. Trong cơn trầm uất, nhà văn hầu như chỉ sống với quá khứ tuổi thơ của chính mình. Đây là thời kì mà ông dành hết tâm huyết cho cuốn “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” – tác phẩm được coi là  tiểu thuyết kinh điển của văn học cho thiếu nhi.
Thời gian sau này, Mark Twain tiếp tục phải gánh chịu những nỗi đau mất mát khi hai trong ba cô con gái còn sống là Susy và Jean cũng ra đi. Năm 1904, sau 34 năm kết hôn, người vợ thân yêu của Mark Twain cũng từ giã cuộc đời vì bạo bệnh. Chứng kiến cảnh người thân lần lượt ra đi, trái tim Mark Twain vỡ nát. Đó là lý do mà những tác phẩm thời kỳ này đều mang xu hướng u ám và mất đi nét khôi hài vốn có của ông.
Mark Twain mất vào ngày 21 tháng 4 năm 1910 do bệnh tim. Một năm trước khi qua đời, ông nói: “Tôi đến vào năm 1835 với Comet Halley, một năm sau cô ấy lại bay và tôi mong được rời đi cùng cô ấy.” Và thế là nó xảy ra, ngày sao chổi Halley vẫy cái đuôi sáng lòa của mình trên nền trời xanh thẳm một lần nữa, cũng là lúc Mark Twain qua đời.

Những tác phẩm tiêu biểu của Mark Twain. 

nhung-tac-pham-tieu-bieu-cua-Mark-Twain
nhung-tac-pham-tieu-bieu-cua-Mark-Twain
Có nhiều giả thuyết xoay quanh bút danh Mark Twain mà Samuel sử dụng, tuy nhiên trong tác phẩm “Đời sống trên sông Mississippi”, ông từng viết: “ Người thuyền trưởng già, dù chẳng giỏi giang và hay chữ gì nhiều nhưng ông thường sử dụng ký tự MARK TWAIN để thông tin về tình hình sông nước. Những thông tin này cực kỳ chính xác và có giá trị, nó có nghĩa là an toàn, không nguy hiểm...". Vì vậy có thể hiểu, bút danh này có nghĩa là "mark two" - chỉ mực nước khoảng 2 sải (tương đương với 3,7m) - một thuật ngữ mà những người dò sông biển thường dùng để báo tin cho nhau, chỉ đường đi an toàn. Có lẽ Samuel sử dụng bút danh này để tưởng nhớ những hồi ức tuyệt đẹp của mình trên sông nước Mississippi và cũng phần nào nhắc nhở bản thân nên an toàn với việc dùng văn chương.
Năm 1865, sau khi hoàn thành và cho xuất bản “Con ếch hay nhảy của quận hạt Calaveras" trên trang The Saturday Press cho tuần báo New York, danh tiếng của Mark Twain đã gây được sự chú ý lớn từ công chúng và là bước đệm để ông tiếp tục sự nghiệp văn chương của mình.
 nhung-cuoc-phieu-luu-cua-huckleberry-finn-mark-twain
nhung-cuoc-phieu-luu-cua-huckleberry-finn-mark-twain
Trong những năm tiếp theo, Mark Twain tiếp tục viết nhiều tác phẩm khác như: Cuộc đời của một thợ mỏ và nhà báo trong “Sống thiếu thốn”; những chuyến trải nghiệm du lịch qua Châu Âu và miền Đất Thánh Palestine bằng con tàu thủy Quaker City của chính mình trong “Các kẻ ngây thơ ở nước ngoài” (1869) hay đời sống của người dân sau cuộc nội chiến trong “Thời kỳ vàng son” (1873)...Tuy nhiên, những tác phẩm này chưa thực sự để lại nhiều ấn tượng. Mãi đến năm 1876, với những hồi tưởng tuyệt vời về tuổi thơ của mình tại Mississippi, Mark Twain đã xuất bản cuốn tiểu thuyết “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer”. Chủ đề ngao du của một chú bé với những thông điệp ấm áp nhân văn đã giúp tác phẩm gặt hái được nhiều thành công vang dội. Cuốn sách truyền cảm hứng này đã được chuyển thể lên sân khấu và cả điện ảnh. Theo quan điểm mác xít, trên cuốn Từ điển Văn học nhận xét: “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer...về thực chất, đó là cuộc đấu tranh dai dẳng kiên trì để thoát ra khỏi mọi ước lệ xã hội cùng những thói tục cổ hủ đang đè nặng lên người nông dân Mỹ thế kỷ XIX...Qua câu chuyện, nhà văn cũng chỉ trích lối giáo dục lạc hậu của nền học vấn tư sản với cách dạy nhồi nhét, với kiểu văn chương màu mè sáo rỗng, với những ông thầy độc ác và đạo đức giả, biến học sinh thành những đứa trẻ chỉ biết tiếp nhận một cách thụ động. Tác giả còn kín đáo chê trách lối sống mòn mỏi, cam chịu của những người nông dân làng Petersburg - những con người đầu óc ngu muội, dốt nát luôn luôn cam sống trong cảnh nghèo nàn và nạn trộm cướp giết người rùng rợn...Song nổi bật lên trên hết trong những trang sách của M.Twain vẫn là âm hưởng ngợi ca thế giới đẹp đẽ của tuổi thơ…”
nhung-cuoc-phieu-luu-cua-Tom-Sawyer-Mark-Twain
nhung-cuoc-phieu-luu-cua-Tom-Sawyer-Mark-Twain
Năm 1882, Mark Twain cho ra đời cuốn tiểu thuyết “Hoàng tử và chú bé nghèo khổ". Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên của ông lấy bối cảnh năm 1547 kể về hai cậu bé có ngoại hình giống hệt nhau nhưng khác biệt về xuất thân đem lại những trải nghiệm mới lạ cho độc giả.
Năm 1884, cuốn tiểu thuyết “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” ra đời một lần nữa khẳng định tên tuổi và khả năng văn chương tuyệt vời của Mark Twain. Cuốn tiểu thuyết được cho là phần tiếp theo của tác phẩm “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer" đã nhận được sự chú ý rất lớn từ độc giả bởi ​​sự châm biếm gay gắt về thái độ bảo thủ, và nạn phân biệt chủng tộc. Đại thi hào Ernest Hemingway nhận xét tác phẩm rằng: "Toàn bộ nền văn học Hoa Kỳ hiện đại bắt nguồn từ một quyển sách của Mark Twain tên là Huckleberry Finn... Đây chính là khởi nguồn của lối hành văn kiểu Mỹ. Không gì có thể sánh bằng nó được."
Nhờ lợi nhuận lớn kiếm được từ việc xuất bản sách, Mark Twain đầu tư vào một số dự án kinh doanh. Tuy nhiên, trái ngược với trạng thái thuận lợi “như cá gặp nước" trong văn chương, ở các dự án này, Mark Twain hầu như không may mắn khi chúng liên tục thất bại, khiến ông phải tuyên bố phá sản vào năm 1894 và rơi vào tình cảnh khó khăn về tài chính. Ở giai đoạn ấy, nhằm cứu vãn tình cảnh khốn khó, Mark Twain bắt đầu viết thường xuyên hơn. Một số tác phẩm có thể kể đến bao gồm: Tên Yankee từ Connecticut trong triều đình vua Arthur (1889); Người Mỹ đòi quyền lợi (1892); Bi kịch của Pudd'nhead Wilson (1894) hay Người ngồi trong bóng tối (1901)... Các tác phẩm của Mark Twain về sau này mất dần tính khôi hài của thời tuổi trẻ và bộc lộ cách nhìn bi quan hơn do ông nghi ngờ các loại tôn giáo, thù hằn sự ích kỷ của loài người và nỗi niềm mất mát người thân yêu.

Giải thưởng 

Với khối lượng các tác phẩm đặc sắc cùng tuyến nhân vật sống động và những thông điệp đậm tính nhân văn, Mark Twain xứng đáng được xem là cha đẻ của nền văn học Mỹ, là vì tinh tú sáng loà góp phần tạo nên bản sắc riêng cho nền văn học nước nhà ở những ngày đầu non trẻ. Bên cạnh đó, ông còn là người hoạt động tích cực trong việc chống lại nạn phân biệt chủng tộc và ủng hộ giải phóng lợi ích cho phụ nữ. Những đóng góp về xã hội và văn học của Mark Twain được ghi nhận khi có một giải thưởng mang tên ông tạo ra nhằm trao cho những người có tác động đến xã hội Hoa Kỳ theo cách tương tự như tiểu thuyết gia và nhà viết luận xuất sắc nhất thế kỷ 19 Mark Twain đã làm. Không chỉ vậy, ông còn được trao bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Yale năm 1901 và Đại học Oxford năm 1907.

Những câu nói hay của Mark Twain

Không chỉ được biết đến là một trong những nhà văn khôi hài, châm biếm đệ nhất nước Mỹ, Mark Twain còn nổi tiếng bởi những câu danh ngôn bất hủ, ghi lại dấu ấn cá nhân rõ nét. Tiêu biểu có thể biết đến:
“The fear of death follows from the fear of life. A man who lives fully is prepared to die at any time.”
“If you tell the truth, you don’t have to remember anything.”
Tạm dịch: Nếu bạn nói sự thật, bạn không cần phải nhớ bất cứ điều gì.
“Kindness is the language which the deaf can hear and the blind can see. “
Tạm dịch: Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy.
“It is better to keep your mouth closed and let people think you are a fool than to open it and remove all doubt.”
Tạm dịch: Chẳng thà mình không nói, để người ta tưởng mình ngu, còn hơn mở miệng ra, để người ta không còn nghi ngờ gì nữa.
“Twenty years from now you will be more disappointed by the things that you didn’t do than by the ones you did do. So throw off the bowlines. Sail away from the safe harbor. Catch the trade winds in your sails. Explore. Dream. Discover.”

Kết

Như ngôi sao chổi Halley rực sáng trên bầu trời, cả cuộc đời Mark Twain cùng những đóng góp cho nền văn học và xã hội của ông cũng sáng loà trong nhân loại, giống như William Dean Howells đã thẳng thắn nhận xét rằng: ”Mark Twain là một thiên tài trác tuyệt, người hoàn toàn xứng đáng đứng vào hàng ngũ những nhà văn lỗi lạc nhất.”
Nguồn: