LỖ SẤP MẶT VÌ CHỨNG KHOÁN
Sau một tháng, mình lỗ 6 triệu ( 6% của 100 triệu)

6 triệu này có thực sự để học hỏi?
Hay đã đủ thể hiện khả năng yếu kém của bản thân?
Nó làm mình suy nghĩ, lo lắng, mất đi sự tự tin và nghi ngờ bản thân rất nhiều.
Tham gia thực tế vào thị trường, mình cảm nhận được sự thay đổi rõ ràng về tâm lý.
Hồi hộp, lo lắng, rồi đến thất vọng.
Mình từng nói nếu lỗ thì coi đây là quá trình học hỏi và là chi phí cho việc học.
Nhưng không,
Mình thường xuyên theo dõi giá cổ phiếu, quá thường xuyên.
Khi tăng, mình vui.
Nhưng khi giảm, mình buồn, mình lo, thậm chí là siêu lo.
Trộm vía mình là đứa ít rất lo lắng. Mình luôn nghĩ quan trọng nhất là tìm cách giải quyết việc đó như thế nào chứ không phải làm cho tinh thần mình căng thẳng, mất ăn mất ngủ và suy nghĩ tiêu cực. Những việc xảy ra mỗi ngày với mình vui có, buồn có nhưng mình luôn nhìn những chuyện không vui theo một cách tích cực nhất.
Nhớ lại mình cũng từng bị sếp mắng khi gửi nhầm tài liệu, hợp đồng cho đối tác, với công việc của mình thì lỗi này sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng, lúc đó mình cũng có sợ, có lo nhưng chỉ trong một thời gian ngắn vì quan trọng hơn là việc mình nói với sếp như thế nào và giải quyết nó ra sao.
Vậy mà đùng một phát mình lo lắng hơn 1 tháng trời vì số tiền 100 triệu, điều mà trước kia mình đã xác định chỉ như là bài học nếu mất hết. Mình lo vì mình đã dành nhiều thời gian trước đó để tìm hiểu về đầu tư, mình tin vào sự lựa chọn của mình, không giống những công việc hay sự lo lắng trước đó của mình, mình không thể giải quyết nó ngay lập tức bằng việc thực hiện hành động nào đấy.
Vẫn nhớ những hôm giá giảm, mình nghĩ đây chỉ là tạm thời thôi, luôn hi vọng ngày mai, ngày kia, không thì ngày kia nữa giá sẽ tăng. Cả tuần giá giảm mình vẫn chỉ nghĩ đây là điều chỉnh ngắn hạn mà thôi.
Thế quái nào ngày nào cũng thấy đỏ hoài như vậy. Có xanh cũng chỉ chút xíu vào đầu ngày.
Nó cứ đỏ đỏ đỏ xanh rồi lại xanh xanh đỏ đỏ. Chỉ sau hai tuần mình thật sự hết chịu nổi.
Cảm giác lúc đấy là: “ Mình lỗ thật rồi... lỗ to”
Những ngày thường xuyên xem giá, theo sát mã cổ phiếu, khi có chút lãi mình nóng lòng muốn bán ra, “ có thể đây là mức lợi nhuận tối đa của mã này rồi – mình nghĩ vậy”. Mình thật sự mất hết kiên nhẫn. Mình muốn bán ra hết và đầu tư vào mã mới.
Khi lỗ, mình khó chịu hơn, tiếc nuối vì đã không bán ra sớm và lại càng mất kiên nhẫn, lo lắng hơn.
Những cảm xúc suy nghĩ ấy đi ngược lại hoàn toàn với những gì mình đặt ra ban đầu, đầu tư dựa trên phân tích hiệu quả và hoạt động công ty trong một thời gian cố định.
Lúc này hàng ngàn câu hỏi được đặt ra “việc phân tích công ty có thật sự đem lại hiệu quả” hay “thời gian kiểm nghiệm có quá ngắn không” cùng với đó là sự nghi ngờ về kiến thức, những gì bản thân đang làm. Mặc dù trước đấy mình đã hỏi Sếp rất nhiều và Sếp cũng đã định hình tư duy và giải đáp những điều mình mắc phải.
Khi bắt đầu, mình tin rằng điều khó nhất là phân tích ra được công ty tốt. Nhưng khi thực sự tham gia vào thị  trường, tâm lý mình gần như là thay đổi mỗi ngày. Thay đổi theo giá của cổ phiếu.
Nhận ra rằng để tham gia vào thị trường, kiến thức về tài chính, kinh tế, đầu tư không thôi là chưa đủ mà là cần sự kết hợp của kiến thức và tâm lý đầu tư.
Để làm được điều đó, mình có đọc thêm một số sách về tâm lý để tránh khỏi những sai lầm trong tâm lý thường gặp. Hiện tại hai cuốn mình đọc là Phi lý trí và Tư duy nhanh và chậm.
Kiến thức giúp mình nhìn ra vấn đề, cơ hội tốt nhưng tâm lý sẽ giúp mình chuyển hóa thành hành động.
Mình cũng có chia sẻ những điều mình gặp với sếp và sếp cũng chia sẻ cho mình về câu hỏi mà sếp hay nhận được khi nói về đầu tư.
“ Nếu lãi có nên bán”.
“ Vậy còn lỗ thì làm gì?.
Trong một tháng sau khi trải qua thế nào là “mất tiền” mình nhận ra:
Mỗi người sẽ có những một cách đầu tư và mục tiêu đầu tư riêng, điều quan trọng là phải xác định giới hạn và các nguyên tắc của bản thân ( bao giờ mua, bao giờ bán, lãi bao nhiêu thì bán, lỗ bao nhiêu thì cắt).
Và phải kiên định với những nguyên tắc đó.
Vì vậy “ mình sẽ không làm điều gì cả”. Mặc kệ xanh xanh đỏ đỏ mỗi ngày.
Nếu có, là hạn chế theo dõi sự biến động giá cổ phiếu.
Lại nói về HSL
Kết quả đầu tư sau hơn một tháng
Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản Hồng Hà Sơn La (HOSE) – mã giao dịch HSL đã có một vài thay đổi vào cuối tháng 5 như sau:
Đó là sự thay đổi về thành viên HDQT và thành viên Ban kiểm soát. Cùng với đó HSL cũng đã quyết định đầu tư thêm vốn tại CTCP HongHa Pharma với số vốn đầu tư thêm là 25 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất vốn đầu tư công ty sở hữu vốn gấp 45 tỷ đồng chiếm 90% vốn điều lệ tại công ty này. Ngành nghề chính của Hồng Hà Pharma là bán buôn dược phẩm và dụng cụ y tế, nước hoa, hàng mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh.