Như Thám Tử Lừng Danh Nào Đó Từng Nói: “Sự Thật Chỉ Có Một Mà Thôi”! Thế Thì Sự Thật Quan Trọng Nhất, Chân Lý Tối Thượng Của Cuộc Sống Liệu Có Thể (Và Quan Trọng Hơn, Có Nên) Nhiều Hơn Một Hay Không?
Trong phần profile của mình trên một app hẹn hò nọ (xin đừng phán xét), ở phần tôn giáo của bản thân, tôi điền vào đó là “Phật Giáo”. Nhưng trong các tờ khai lý lịch để nộp cho chính quyền, hay (khá hy hữu) ở những buổi phỏng vấn xin việc, tôi lại điền là “Không có”. Sự khác biệt đến từ tính nghiêm trọng của vấn đề khi đặt trong hai bối cảnh khác nhau về bản chất lẫn hệ quả.
Bạn thấy đấy, với những người không quen biết tình cờ đọc được profile của tôi trên app nọ, thì thông tin đó đơn thuần chỉ giúp họ dễ dàng hơn trong việc mường tượng về tôi mà thôi. Vì từ nhỏ tôi đã được giáo dục và trưởng thành trong một gia đình khá điển hình của Việt Nam, tức là ngoài bàn thờ ông bà tổ tiên còn có bàn thờ Phật, và ngày Tết cũng như những dịp lễ của Phật giáo đều có đi chùa và thực hiện các nghi thức cúng bái, nên ghi tôn giáo là “Phật Giáo” sẽ giúp ai đó hình dung khái quát về con người tôi tốt hơn. Và thông tin đó cũng không hề để lại hệ quả gì nặng nề hay ràng buộc tôi vào bất cứ trách nhiệm pháp lý nào cả.
Ngược lại, trong một văn bản chính thức có liên hệ trực tiếp đến lý lịch và quyền lợi của bản thân, thì đây là một thông tin khá quan trọng. Thế nên sau khi suy nghĩ và phân tích cẩn thận, tôi quyết định rằng tại thời điểm này, tôi không phải là một tín đồ đúng nghĩa của Phật giáo, hay bất cứ tôn giáo nào khác cả. Điểm mấu chốt ở đây chính là “tín đồ”, tức là một người đặt phải đặt niềm tin hoàn toàn vào những lời dạy của tôn giáo mà mình theo đuổi, hay chính là “đạo” (con đường) mà tôn giáo đó đã chỉ ra.
Nói về việc “đặt niềm tin hoàn toàn”, tôi nhận ra (và có lẽ cả bạn cũng vậy) rằng nhân loại hiện tại đã cách xa thời kỳ mà tín ngưỡng tôn giáo đóng vai trò quan trọng nhất trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Kể từ khi khoa học xuất hiện và giải thích (hầu hết) các bí ẩn của tự nhiên, tâm trí của con người đã được giải phóng khỏi những mối quan tâm thường trực mang tính tâm linh.
Những bí ẩn về cuộc sống, mà trong đó quan trọng nhất là những câu hỏi như chúng ta đến từ đâu, vũ trụ ngoài kia có gì, và thứ nào đã tạo thành suy nghĩ và cảm xúc, lần lượt được giải đáp rất cụ thể. Kỹ thuật và công nghệ cũng phát triển vượt bậc, và ngày nay đã làm được những điều mà vào thời điểm tôn giáo còn ngự trị trên đỉnh vinh quang, chỉ có thể được giải thích bằng những khái niệm “phép màu” hay “thần linh”.
Có thể nói ngày nay, ngoài những người chọn tôn giáo làm sự nghiệp hay cứu cánh cho bản thân, thì với đa số chúng ta tôn giáo đã trở thành một ưu tiên thứ yếu trong cuộc sống hằng ngày, ít ra là kém hơn nhiều so với những thế kỷ trước. Nôm na có thể ví như tôn giáo đã trở thành một môn học không có điểm nhân hệ số ở bậc phổ thông, như Lịch sử chẳng hạn, dù người ta luôn không ngớt ra lời kêu gọi và khẳng định về tầm quan trọng, thì vị thế ngày xưa cũng khó quay lại khi nó không còn mang tính quyết định nữa.
Trong xã hội hiện đại này, tôn giáo đóng vai trò một phạm trù văn hóa nhiều hơn là mục tiêu tối thượng mà niềm tin của các tín đồ hướng về, và cũng không có quyền lực điều chỉnh toàn bộ các hành vi, thái độ và tình cảm của một cộng đồng những người chung tôn giáo. Nói cách khác, việc vạch ra ranh giới để xác định rõ bản thân một cá nhân cụ thể thuộc về “cộng đồng tôn giáo” nào quan trọng hơn là phần nội dung cốt lõi của chính tôn giáo đó. Như vậy nhìn chung thì bản chất ban đầu của tôn giáo đã thay đổi hoàn toàn.
Đó là điều hoàn toàn bình thường, nó xảy ra với hầu hết những thứ đã tồn tại quá lâu và bị vô số lớp bụi thời gian che mờ khiến chúng ta không còn nhận ra nguyên dạng ban đầu. Nhưng riêng với tôn giáo, tôi thích ví chúng như những tòa lâu đài, với những lời răn dạy thuở sơ khai ban đầu từ chính các đấng khai sáng là phần nền móng nằm ở dưới cùng. Những bức tường thành sừng sững, những gian phòng tráng lệ, các hành lang kết nối cùng những tòa tháp nguy nga được lần lượt thêm vào sau này chính là những “tôn giáo” mà ta thấy ngày nay.
Và theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng về bản chất những phần nền móng này là như nhau, sinh ra từ cùng một xuất phát điểm, đó chính là nỗi sợ đối với “CÁI CHẾT”. Trong giới động vật, có rất nhiều loài có trí khôn khá phát triển, và chúng cũng nhận biết được khi nào đồng loại của mình hay chính mình qua đời, một ví dụ chính là câu chuyện về những nghĩa địa voi. Nhưng cho tới nay, khoa học vẫn chưa chứng minh được có một loài vật nào hiểu tường tận về khái niệm “cái chết” và sợ hãi nó như loài người (dù có thể khẳng định ý chí “muốn được sống” hay “bản năng sinh tồn” có ở rất nhiều loài khác).
Thuở xa xưa khi mà loài người còn mông muội, nỗi sợ hãi trước các hiện tượng tự nhiên đã góp phần hình thành những tín ngưỡng đầu tiên, đa số gán cho từng hiện tượng này một vị thần tương ứng như thần Lửa, thần Sấm sét, thần Gió… Nhưng trong số đó, không vị thần nào đem đến nỗi sợ cho người cổ đại như Tử Thần, và nỗi sợ đó kéo dài cho đến tận hôm nay, khi mà người ta thường chỉ tìm đến tôn giáo và tâm linh nhiều nhất khi chính mình hay một người thân yêu đối diện với chuyện sinh tử lâm đầu.
Khách quan mà nói, các tôn giáo lớn trên thế giới hiện nay đều có mục tiêu căn bản là giáo dục cho con người cách đối mặt với cái chết hay chí ít là quên đi nỗi sợ về nó mà tận hưởng cuộc sống. Một cách khái quát, có thể chia những tôn giáo này làm hai nhóm: nhóm các tôn giáo phương Tây răn dạy về cách ứng xử giữa con người với con người trong xã hội, với đại diện là các tôn giáo Abraham (Ki-tô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo); và đối lập là các tôn giáo phương Đông răn dạy về cách ứng xử của con người trong tự nhiên, với đại diện là Phật giáo và Đạo giáo (hay Lão giáo, còn Nho giáo giống với học thuyết chính trị hơn). Nhìn chung, tất cả đều dạy con người tu tâm dưỡng tính, năng làm điều tốt và ghét cái ác.
Điểm tương đồng của các đại diện phương Tây là cùng tin vào một đấng tối cao, tức Thượng Đế hay Chúa Trời, là sự tồn tại vượt ngoài các tồn tại khác, tự sinh ra và không mất đi (nói cách khác là “vĩnh hằng”) và chính là thế lực đã sáng tạo nên vạn vật trong cõi đời này. Đối với các tôn giáo phương Tây, đấng tối cao này có một ý chí độc lập và có sự phân xử giữa “đúng” và “sai”, tức là có thể phán xét muôn loài.
Đây chính là điểm cốt yếu, vì họ tin rằng sẽ có một “Ngày Phán Xét” đến trong tương lai, và thứ bị phán xét bởi đấng tối cao chính là các “linh hồn”, linh hồn “tốt” sẽ được lên Thiên Đàng còn linh hồn xấu sẽ bị đày vào Địa Ngục. Hãy nhớ, thứ bị phán xét là “linh hồn” chứ không phải “người”, nên đó không chỉ là ngày mà những ai đang còn sống ở thời điểm đó mới phải đối mặt. Và niềm tin này cũng đi đôi với quan niệm rằng chỉ con người là có “linh hồn”, chịu trách nhiệm cho tất cả những tình cảm, suy nghĩ và hành vi phức tạp một cách có ý thức của chúng ta.
Chính điều đó tương phản với các đại diện của phương Đông, vì cả Phật và Lão, bằng những cách diễn đạt khác nhau, đều hàm ý rằng loài người cũng chỉ là một bộ phận bình đẳng với các giống loài trong tự nhiên. Với Phật giáo, sự bình đẳng này thể hiện ở Phật tánh (hay Phật tính), là thứ cơ bản nhất kết tinh nên nguồn gốc của sinh mệnh, là thứ mà sau khi sinh mệnh kết thúc nếu đủ duyên sẽ trở về với Chân Như (khái niệm “thường” hay “vĩnh hằng” duy nhất trong vũ trụ “vô thường” của Phật giáo). Thế nên tất cả chúng sinh (muôn loài “hữu tình”) đều có thể thành Phật chứ đó không phải đặc quyền của loài người.
Còn với Lão giáo, Đạo Đức Kinh dạy rằng chính “Đạo” là thứ vạn vật trên đời đều có chung, “Đạo” là dòng chảy xuyên suốt và liền mạch qua mọi sự vật và hiện tượng trong vũ trụ, “Đạo” là nguyên nhân và hệ quả của mọi tồn tại, là thứ giải thích cho mọi câu hỏi. “Đạo” của Lão có phần còn to lớn hơn cả “Chân Như” của Phật và “Thượng Đế” của phương Tây, vì nó có trong cả các vật vô tri như đất đá, nước, không khí… tức là phạm vi điều chình có thể mở rộng ra cả ngoài không gian nơi các ngôi sao và hành tinh cư ngụ, hay nói cách khác chính là “Quy luật Tự nhiên”.
Điều lý thú là, hai khái niệm “Đạo” và “Chân Như” khá tương đồng với một số tôn giáo bản địa, đó là Thần đạo (Shinto) của Nhật và “Great Spirit” (hay “Great Mystery”) trong tín ngưỡng cổ của các bộ lạc da đỏ Bắc Mỹ. Nếu sự tương đồng đầu tiên có thể hiểu được vì sự gần gũi về địa lý giữa Trung Hoa và Nhật Bản, thì thật khó lý giải cho sự tương đồng của các tư tưởng Đông phương này với tín ngưỡng của các bộ lạc ở một lục địa xa xôi như Bắc Mỹ!?
Tạm thời chúng ta quên đi việc phân định xem phía Tây hay phía Đông mới là chân lý, mà trước hết hãy xem thử rằng có hay không một “chân lý”, tức một tồn tại mang tính siêu nhiên nằm ngoài những tồn tại thông thường mà chúng ta có thể lý giải. Giả sử là “không có”, tức là chúng ta chấp nhận rằng vũ trụ vật chất (hữu hình) này đến từ vô số những sự trùng hợp ngẫu nhiên, từ một đống hỗn mang nào đó mà tự mình biến chuyển thành một tổng thể có trật tự và ổn định như hiện tại. Xét về xác suất, điều đó thực sự khó tin, và càng khó tin hơn nữa đó chính là sự xuất hiện sự sống.
Nói đến sự sống, nếu bỏ qua thuyết cho rằng sự sống trên Trái Đất được mang đến từ ngoài hành tinh, thì nó phải tự xuất hiện trên Trái Đất. Nói về vấn đề này, các nhà khoa học có một cách ví von khá thú vị: thử hình dung Trái Đất ở một thời điểm rất xa nào đó trong quá khứ (có thể là hàng tỷ năm), đó là một nồi lẩu thập cẩm đúng nghĩa của dung nham nóng chảy, hơi nước, các loại khí và hợp chất hữu cơ sơ khai, để rồi với chất xúc tác có thể là những tia sét, hỗn hợp vô tri giác đó tự tập hợp lại thành những tế bào sống đầu tiên và bắt đầu trao đổi chất.
Theo các nhà khoa học, xác suất để điều này xảy ra cũng nhỏ như khả năng một cơn gió quét qua một bãi phế liệu điện tử và các mảnh vụn đó tự ghép lại với nhau thành một chiếc máy bay sẵn sàng cất cánh vậy! Vấn đề càng trở nên bất khả thi khi nhiều năm trở lại đây, giới khoa học đã nhiều lần nỗ lực tái tạo lại các điều kiện môi trường giống như Trái Đất sơ khai trong phòng thí nghiệm bằng các công cụ siêu hiện đại, nhưng chưa một tế bào sống nào hình thành từ các thử nghiệm đó. Và nếu đó mới chỉ là một tế bào nhỏ nhoi, vậy thì phải giải thích ra sao về cuộc sống đa dạng và vĩ đại xung quanh chúng ta đây?
Nếu bạn thấy như vậy là quá khó tin, thế thì tôi xin tuyên bố bạn hoàn toàn không có tố chất để trở thành một người vô thần. Thật đáng tiếc, nhưng bạn buộc phải chấp nhận rằng có một “thế lực” siêu nhiên nào đó chịu trách nhiệm cho việc hình thành sự sống, và rộng hơn, là trật tự sắp xếp của toàn vũ trụ. Vậy thì bây giờ, thế lực đó là “ai” hay “cái gì” trong số những đấng tối cao siêu nhiên được các tôn giáo sùng kính đây? Như đã nói, bài viết này sẽ không xét xem “phe” nào mới là chân lý, thế nên hãy cho rằng mọi người đều có lý, tức là cả Thượng Đế, Chân Như, Đạo hay các khái niệm tương tự đều cùng tồn tại, ngay lúc này.
Nếu thế, chúng ta sẽ có một vũ trụ được chia ra cai quản bởi một cơ số các “Đấng” khác nhau, và đó chỉ mới là tính riêng trên Trái Đất, chưa xét tới trường hợp cư dân trên các hành tinh có sự sống khác sẽ có những “Đấng” của riêng họ. Nhưng nếu vậy sẽ nảy sinh sự mâu thuẫn, bởi theo như mô tả, các “Đấng” này đều toàn năng, toàn trí, với quyền lực không bị giới hạn bởi bất cứ sự tồn tại nào khác, như vậy làm sao để tránh được tình trạng giẫm lên chân nhau đây? Cũng như bất cứ một tổ chức nào, tình trạng có quá nhiều quản lý sẽ phát sinh nhu cầu về một vị “Tổng Giám Đốc”, tức là một “Đấng của các Đấng”, vì nếu không thì chắc chắn không thể nào duy trì vũ trụ có trật tự và phép tắc chung như hiện tại.
Nhưng nếu các “Đấng” này lại chịu sự giám sát của một thế lực cao cấp hơn, như vậy tính chất “tối cao” của họ cũng đâu còn nữa!? Và quan trọng hơn, liệu thế lực cao cấp hơn này đã phải là tối cao hay chưa, hay còn phải chịu sự giám sát nào cao hơn nữa. Đến đây, bài toán đã trở nên quá phức tạp và có khả năng rơi vào một vòng luẩn quẩn. Như vậy có thể khẳng định rằng việc có nhiều hơn một “Đấng Tối Cao” là không khả thi, và kết luận khả dĩ nhất chính là tất cả là một. Như đã đề cập từ đầu, chân lý quan trọng nhất, chân lý tối thượng thì chỉ là duy nhất. Cũng như sự thật thì chỉ có một, và một phần của sự thật thì không phải là sự thật vậy.
Vậy thì những bậc khai sáng, bậc giác ngộ, bậc tiên tri… trong quá khứ, những người đã đặt nền móng cho sự hình thành của các tôn giáo trải từ Đông sang Tây, và trải suốt nhiều thời điểm trong lịch sử, rất có thể đã nhắc đến cùng một khái niệm duy nhất này. Nếu vậy, bạn tự hỏi, tại sao các tôn giáo ngày nay lại khác biệt nhiều đến vậy? Vì cũng giống như loài người có cùng một tổ tiên nhưng ngày nay lại nói nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau, các tôn giáo cũng đã biến hóa qua thời gian, bị sai lệch khi truyền đạt qua nhiều ngôn ngữ, hoặc bị chính con người tự ý thay đổi để phù hợp với các mục đích sử dụng khác nhau (cả tốt lẫn xấu).
Chính vì thế mà những kinh điển, sách vở được ghi chép còn lại đến ngày nay, đáng buồn là, rất có thể đã khác rất nhiều so với lời truyền dạy của những người “Khai Đạo” ấy. Đến như Lão Tử vốn chỉ để lại tất cả tư tưởng của mình trong duy nhất quyển Đạo Đức Kinh, vốn chỉ dài chưa bằng hai lần bài viết này, mà còn bị cho là đã bị chỉnh sửa nhiều chỗ so với bản gốc, thì những tôn giáo khác với hàng chục, hàng trăm bản kinh, bộ sách có liên quan, làm sao mong chờ chúng truyền lại đúng và nguyên vẹn những gì các vị ấy đã răn? Liệu có lời răn nào yêu cầu tín đồ phải đến chùa hay nhà thờ, thi hành các điển lễ, cúng bái, nhang đèn, tụng kinh hay xưng tội chăng?
Những thứ vừa được tôi liệt kê chắc không phải là nền móng đã xây nên tòa lâu đài tôn giáo, và chắc chắn không phải là những nơi phù hợp để một người có tín ngưỡng gửi gắm đức tin của mình. Dù bạn là ai, dù có theo tôn giáo nào, tôi khuyên bạn đều nên tìm hiểu xem “Đạo” (con đường) mà mình đang đi theo có xuất phát điểm từ đâu. Còn tốt hơn nữa, nếu bạn thử khám phá cả những con đường khác mình chưa đi, và so sánh xem các “Đạo” ấy giống và khác nhau ở đâu, thử xem chúng có quy về một mối không. Dù sao đi nữa, chỉ cần nhớ rằng, bản thân cuộc sống này đã là điều kỳ diệu và sinh mệnh thì quý giá, sinh mệnh có ý thức như loài người chúng ta thì vô giá. Việc bạn đang hít thở lúc này và đọc được những dòng chữ này (ngoài việc tìm được “real love” trên app hẹn hò) đã là phép màu lớn nhất mà bạn có thể nhận được trong đời rồi, cứ tận hưởng nó đi!
Link bài gốc: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02erD23Pact2KsRZptzsRt15AtomvpVuCk2c8tHENYzaLv4HynJDYBzxajVAuzcqwKl&id=100083677544478