I/ NHỮNG BỐI RỐI NẢY SINH
Gần 2 năm trước, mình viết 1 bài trên Vietcetera với mục đích chính là phá vỡ những hiểu lầm thường gặp về nữ quyền. Ba hiểu lầm mình đề cập đến là:
1/ Nữ quyền cổ vũ sự căm ghét và thống trị nam giới
2/ Nữ quyền bây giờ đã đạt được rồi, không cần thiết phải đấu tranh nữa
3/ Nữ quyền ép phụ nữ làm việc của đàn ông

Lúc bấy giờ, mình thấy các luận điểm chỉ trích nữ quyền trên mạng hầu như luôn xoay quanh những vấn đề này. Trước đó, mình đã đọc những bài viết phản biện với lập luận rất chi tiết và chặt chẽ. Mình chọn viết ở Vietcetera vì mình nghĩ, Vietcetera là nơi quy tụ nhiều thành phần độc giả khác nhau, có lẽ bài viết này sẽ tiếp cận được đến nhiều đối tượng khác hơn là những người vốn đã quan tâm đến nữ quyền và bình đẳng giới.

Khi ấy, mình đã cho rằng bài viết này sẽ có chút ít tác động tích cực đến phong trào nữ quyền tại Việt Nam, dù chỉ là trên mạng đi nữa. Và trong khoảng thời gian từ đó đến nay, không thiếu những bài viết với mục đích tương tự mình - hóa giải những ngộ nhận trong các lập luận phản đối nữ quyền. Nhưng sau gần 2 năm nhìn lại, mình bối rối khi thấy những lập luận ấy vẫn giữ nguyên sức nặng, mà thậm chí, có khi còn thuyết phục được nhiều người hơn.

Tại sao lại như vậy? Trong khi, mình đọc lại, những bài viết phản biện có ngôn từ dứt khoát nhưng vẫn có chỗ cho đối thoại, có dẫn chứng đầy đủ, về tổng thể nội dung không hề có tính đả kích hay gây hấn. Nhưng tại sao hiệu ứng vẫn không được như mong đợi?

Mình quan sát thấy có một sự chia rẽ ngày càng rõ ràng giữa những người có điều kiện tiếp cận các luận điểm nữ quyền. Trong số này, không chỉ nhiều nam giới bài xích nữ quyền mà giữa những người nữ - đối tượng được phong trào nữ quyền trực tiếp bảo vệ - cũng nảy sinh quan điểm bất đồng.

Ngày nay, mình nghĩ hiếm người muốn tự xưng rằng họ là một feminist. Có nhiều người tuyên bố thẳng thừng: “Tôi ủng hộ quyền bình đẳng của phụ nữ, nhưng tôi không phải là một feminist. Tôi thấy nữ quyền hiện nay đã bị biến tướng, trở thành nữ quyền cực đoan, nửa mùa và đang làm quá”. Họ có những lập luận riêng của mình để phản đối nữ quyền, và những lập luận này không chỉ nảy sinh gần đây.
II/ VÌ NỮ QUYỀN ĐÃ ĐI QUÁ ĐÀ NÊN MỚI BỊ PHẢN ĐỐI? CHƯA HẲN
Lịch sử phản đối nữ quyền đã có từ lâu khi phong trào nữ quyền chỉ mới manh nha, thậm chí trước cả làn sóng nữ quyền lần thứ nhất (1st-wave feminism).

Năm 1794, Mary Wollstonecraft xuất bản A Vindication of the Rights of Woman và đã tạo nên một làn sóng dư luận. Nội dung chính là phê phán chủ trương giáo dục phụ nữ hời hợt về mặt kiến thức và chú trọng vào hình thức bên ngoài, kiểu giáo dục “vô ích trong mắt xã hội và hữu ích trong mắt đàn ông”. Bà cho rằng, phụ nữ phải có quyền được học, được đến trường và tiếp cận loại giáo dục như đàn ông đang hưởng, như thế phụ nữ sẽ chứng tỏ giá trị của mình ngang hàng với đàn ông. Và bà mong muốn rằng, phụ nữ có thể làm chủ được bản thân mình, chứ không phải làm chủ đàn ông.

Trong số những chỉ trích nhắm vào Mary Wollstonecraft lúc đó, có một chỉ trích nổi bật thuộc về Horace Walpole khi gọi bà là “con linh cẩu trong bộ váy đàn bà” (Hyena in a petticoat). Có thể thấy, sự phản đối nữ quyền đã bắt đầu từ hơn 200 năm trước.

Trong “I Am Not a Feminist, But . . .”: How Feminism Became the F-Word, Toril Moi cho rằng một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phản đối nữ quyền là vào những năm 90, khi một số nhân vật tiếng tăm thuộc phái bảo thủ (conservatives) cất tiếng.
Năm 1992, Pat Robertson tuyên bố, “Nữ quyền không còn hoạt động để bảo vệ quyền bình đẳng cho phụ nữ. Thay vào đó, nó là một phong trào socialist, chống lại hệ giá trị gia đình, cổ xúy phụ nữ bỏ chồng giết con, thực hành thuật phù thủy, đả phá chế độ tư bản và kéo nhau trở thành lesbian.”

Cũng cùng năm, Rush Limbaugh phổ biến thuật ngữ feminazi (ye thuật nữ feminazi được dùng bây giờ bắt nguồn từ thế kỷ trước): ...feminazi là những người mà đối với họ, việc quan trọng nhất trong đời là nhìn thấy càng nhiều ca phá thai diễn ra càng tốt…Phá thai là thông lộ vĩ đại duy nhất để những người phụ nữ quá khích (militant women) thực hiện quyền thống trị của mình và thúc đẩy niềm tin rằng họ không cần đến đàn ông.”

Có những điều trong 2 lập luận trên đã không còn hợp thời, nhưng phần còn lại đã lan rộng trong văn hóa đại chúng Mỹ. Toril Moi đánh giá những thông điệp này chứa đầy sự thù ghét nhắm vào nữ quyền. Bà xuất bản bài viết này năm 2006.

Năm 2021, trong mắt nhiều người trẻ Việt Nam, những thông điệp thế này không chỉ không mang tính cực đoan hay thù ghét gì với nữ quyền, mà nghe còn rất có lý, đầy tính phản biện, như một con đập bảo vệ những giá trị truyền thống và ngăn chặn sự lan tràn của “nữ quyền độc hại”.

Nhiều người viện dẫn các điểm trong chính sách công để chứng tỏ rằng phụ nữ đã có quyền bình đẳng ở Việt Nam đã đạt được rồi, vì thế nữ quyền hiện nay đang đi quá đà khi tiếp tục đòi thêm. Tuy nhiên, có những vấn đề đã bắt rễ quá sâu trong xã hội Việt Nam, và nó trở thành những huyền thoại - Myth (mượn từ của Roland Barthes), đến nỗi người ta cho rằng sự hiện diện của nó là điều hiển nhiên, thậm chí, là bản chất tự nhiên. Và những vấn đề ấy không chỉ đơn giản kết thúc khi thay đổi chính sách công.

Có thể hiểu được tại sao những lập luận như của Robertson và Limbaugh thu hút những conservatives. Tuy nhiên, nếu chỉ là những tuyên bố đến từ phía conservative, có lẽ chúng sẽ không phổ biến đến như vậy. Những lập luận này được nêu lên bởi cả những liberals, những leftists, và ở cả những nhà nữ quyền, cựu nữ quyền.
III/ TỪ "BÙ NHÌN RƠM" TRỞ THÀNH "NGÁO ỘP"
Cũng trong tài liệu của Toril Moi, có những người mà bà gọi là những disenchanted feminists - những nhà nữ quyền vỡ mộng.

Susan Faludi, một nhà nữ quyền có tiếng tăm đã bị thuyết phục bởi những lập luận về nữ quyền thượng đẳng và ác quỷ hóa đàn ông, đã viết trong cuốn Stiffed (1999) của bà: “Việc đổ lỗi cho một nhóm đàn ông đã đẩy nữ quyền đi quá xa.” Những ý kiến chỉ trích như vậy thường dùng những từ ngữ mơ hồ như “một số nhà nữ quyền”, “một vài nhà nữ quyền” thay vì chỉ đích danh những lập luận kiểu “nữ quyền trèo lên đầu đàn ông”, “nữ quyền coi thường việc nội trợ”, “nữ quyền cổ xúy phá thai”, vv..vv.. có nguồn gốc từ đâu.

Nhưng dù mơ hồ, việc dựng nên những con bù nhìn rơm như vậy để tấn công nữ quyền đã đạt được hiệu quả. Những nhận định tiêu cực về nữ quyền đã lan rộng dù không biết xuất xứ từ đâu. Và "truyền thông đã giúp lan tỏa nữ quyền, nhưng với những hình ảnh tiêu cực" (dẫn lời một người bạn học truyền thông).

Và cứ thế, “nữ quyền” dần trở thành một từ ngữ nhạy cảm khi nhắc đến. Người ta cho rằng chỉ những người phụ nữ độc đoán, vô lý, hung hăng, thù ghét đàn ông, kém hấp dẫn, kém hạnh phúc mới đi đòi nữ quyền. Và với suy nghĩ như vậy, nhiều người cũng quay lưng với nữ quyền mà tìm đến những lời khuyên kiểu self-help, những tư tưởng kiểu Redpill, Búp Bê INC,... trong chuyện tình cảm.

Nhìn về Việt Nam, có thể thấy được tình cảnh tương tự đang diễn ra. Có những tiếng nói được cất lên, nhưng nó không chạm được đến những người mà nó cần chạm, kết thúc là ai về nhà nấy và những tiếng nói của cả 2 bên tựa như chỉ đang nói cho chính mình nghe.  Những cuộc tranh luận về nữ quyền và bình đẳng giới dường như bị bế tắc khi hôm nay phản biện xong một ý kiến, hôm sau ý kiến ấy lại xuất hiện dưới dạng bình mới rượu cũ.

Mình nghĩ một nguyên nhân lớn là phong trào bình đẳng giới hiện nay ở Việt Nam đang thiếu một nền tảng lý luận vững chắc để bám vào. Trong số những ý kiến mình khảo sát trước khi viết bài này, tất cả đều có nhận định chung là hiện nay phong trào diễn ra chưa có hệ thống, tài liệu học thuật chất lượng còn ít và cũng khó tiếp cận đa số, còn những học giả lại thường ít cất tiếng trên mạng xã hội.

Có lần, mình theo dõi một cuộc tranh luận gay gắt giữa 1 redpiller và một số bạn nữ tại một group cộng đồng có tiếng (mình không tiện nêu tên). Nếu câu chuyện vẫn chỉ là 2 bên tranh cãi và kết thúc ai nấy vẫn giữ nguyên ý kiến của mình thì có lẽ mình sẽ không viết ra đây. Vì chuyện diễn ra tệ hơn thế.

Ban đầu, các bạn nữ đưa ra những luận điểm nữ quyền phổ biến để phản biện lại nhận xét của redpiller. Tuy nhiên, dần dần các bạn bị thuyết phục bởi ý kiến của redpiller về việc bản chất tự nhiên của nam nữ khác nhau, và việc nữ quyền hiện nay đang làm là ép nữ giới bắt chước đàn ông, một điều trái tự nhiên. Vì vậy, tiếng nói của Redpill là tiếng nói phản biện.

Lập luận về bản chất tự nhiên của nam nữ khác nhau là một lập luận thuộc Biological determinism (tạm dịch: Chủ nghĩa Sinh học xác định), và đã được phản biện từ những năm 1960 trong lịch sử phong trào nữ quyền. Tuy nhiên cho đến nay, những lập luận như vậy vẫn thu hút được rất nhiều người, thậm chí còn trở thành một lập luận nổi trội để phản đối nữ quyền.

Mình không nói rằng việc đấu tranh nữ quyền và bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay là vô ích, là dã tràng xe cát. Nhưng mình tin rằng chúng ta còn có thể làm tốt hơn thế nữa. Đó là lý do mình viết bài này.

Ở làn sóng nữ quyền thứ 2 có The Second Sex như một cuốn sách mang tính bước ngoặt cho lý thuyết nữ quyền, nhưng, Toril Moi nói:
Beauvoir phân tích xã hội mà bà ấy sống, còn chúng ta cần phân tích xã hội của chúng ta.

Kết: Mình là ai để nói những điều này? Không, mình chẳng là ai cả. Mình chắc chắn không phải người đầu tiên nghĩ đến những chuyện này. Mình cũng chẳng cho rằng mình đủ thẩm quyền nói lên như vậy. Những quan sát trong bài viết này là tổng hợp nhận định của mình trong nhiều năm theo dõi phong trào nữ quyền, nhưng cũng mới là những quan sát và thống kê cá nhân. Tuy nhiên, cũng như mục đích khi mình biên bài trên Vietcetera 2 năm trước, mình mong bài viết này sẽ có chút ít tác động tích cực đến hình ảnh của phong trào nữ quyền hiện tại, dù chỉ là trên mạng xã hội. Trong khuôn khổ bài viết này có nhiều điểm bất cập mình chưa tiện đề cập đến, nên mình vô cùng trông đợi ý kiến phản biện từ những người mong muốn 1 tương lai tốt hơn cho bình đẳng giới ở Việt Nam.
Trò chuyện với mình tại: https://www.facebook.com/anaonrecording