Bài viết này mình dựa trên ý tưởng trong cuốn sách Sapiens của Yuval Noah Harari. Mình đã đọc cuốn sách 2 lần và luôn ấn tượng về lượng kiến thức khổng lồ mà cuốn sách đem lại với nhiều góc nhìn thú vị từ lịch sử, hiện tại và tương lai của loài người. 
Trong đó, một vấn đề thú vị khiến mình lưu tâm chính là đến năm 2050, loài người có thể làm gì để thành công? 
Câu hỏi này vừa khiến mình tò mò xen lẫn cảm giác sợ sệt. Bởi ngay bây giờ, nếu nhìn kỹ hơn về chính bản thân mình, mình cũng đang rất “chơi vơi” về công việc cũng như định hướng bản thân trong 20 năm nữa, mình làm cách nào để sống, chứ đừng nói tới 50 năm. 
Việc để khiến bản thân trở lên thật giàu có, mua hàng không nhìn giá, ba lầu, bốn bánh, vợ đẹp, con khôn như một giấc mơ khá xa vời đối với mình hiện tại khi mức thu nhập trung bình chỉ khoảng 30 triệu/tháng. Một con số bạn nghe có vẻ nhiều nhặn nhưng sẽ như bọt biển với guồng quay đồng tiền trong cuộc sống, đặc biệt tại thành phố Sài Gòn hoa lệ và gần như còn “khướt” với mục tiêu mình kể trên. 
Tạm dừng tán phét và đi sâu hơn mục đích chính của bài viết.

Vậy trong cuốn sách Sapiens đã nói gì? 

Theo góc độ vĩ mô thì tại thời điểm này, nhân loại đang đối mặt với cuộc cách mạng 4.0 chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Nếu nhìn ở mặt tích cực, hòa bình được trải dài trên diện rộng, con người được hưởng sự ấm no hơn rất nhiều so với cha ông ta hồi trước, khi đối với nhiều thế hệ trước việc hôm nay có thể ăn được củ khoai nhưng ngày mai thậm chí phải ăn sâu bọ để sinh tồn qua ngày là chuyện rất bình thường.
Tuy nhiên, thế giới đang chuyển biến và thay đổi nhanh chóng đến phát điên và gần như không có ai hay nhóm lợi ích nào một tay kiểm soát được hoàn toàn mọi sự biến đổi này. Việc con người đang sở hữu rất nhiều quyền năng giúp tạo ra vô số công nghệ cho phép họ có thể sống lâu hơn, di chuyển nhanh hơn,… khiến việc dự đoán tương lai càng trở lên mù mờ và bất biến. 

Cuốn sách Sapiens 
Trong công việc cũng vậy, sự thay đổi liên tục đến lúc chóng mặt như 10 năm trước việc ai làm ngân hàng được coi là đỉnh thì đối với những năm gần đây, IT nhanh chóng trở thành “vua của mọi nghề” với mức lương lên tới 50tr/tháng (ai sinh năm 96 thì càng đỉnh), vậy 10 năm tới công việc hàng đầu tiếp theo sẽ là gì? 
“Quay ngược trở về quá khứ 1000 năm trước, nếu như bạn không dự đoán được tương lai nhưng những điều cơ bản nhất của xã hội loài người có thể gần như không bao giờ thay đổi. Nếu sống ở Trung Quốc vào năm 1018, bạn biết rằng triều đại Nhà Tống có thể sụp đổ trước năm 1050, người Khiết Đan có thể đánh chiếm Phương Bắc và bệnh dịch có thể giết chết cả triệu người. Nhưng với những điều cơ bản luôn được duy trì và tồn tại khi đến năm 1050, dân chúng vẫn coi nghề dệt may và làm nông là nghề chính kiếm cơm của mình, vua quan vẫn dựa sức người để vận hành quân đội và bộ máy chính quyền, đàn ông vẫn thống trị đàn bà, tuổi thọ trung bình vẫn là 40, và cơ thể con người gần như không thay đổi. Vì vậy vào năm 1018, trong khi nhà nghèo dạy con trồng lúa, dệt vải, nhà giàu dạy con trai đọc Khổng Tử, viết thư pháp, chiến đấu trên lưng ngựa, dạy con gái nữ công gia chánh, công dung ngôn hạnh, trở thành những bà nội trợ vâng lời và biết khiêm nhường. Các kỹ năng này chắc chắn sẽ cần thiết cho cuộc sống 1050.
Ngược lại, chúng ta không thể biết được Trung Quốc và phần còn lại thể giới sẽ ra sao vào năm 2050. Chúng ta không biết con người có thể làm gì để sống và tồn tại, cũng không biết quân đội và bộ máy chính quyền vận hành hay mối quan hệ giới tính sẽ ra sao. Con người có thể sống lâu hơn và cơ thể sẽ trải qua một cuộc cách mạng chưa từng thấy nhờ kỹ thuật sinh học và tương tác trực tiếp giữa não bộ và máy tính. Phần lớn những gì con trẻ học được bây giờ sẽ không còn phù hợp đến năm 2050.” – Trích đoạn Sapiens
Sự đáng sợ bao trùm bản thân mình sau khi đọc được đoạn này của quyển sách, vì ngay chính bản thân mình làm trong ngành Digital Marketing. Việc cập nhật và thích nghi liên tục của các nền tảng khiến mình cảm giác rệu rã và chưa biết khi nào hụt hơi khi mình chỉ mới 22 tuổi. Các nền tảng kiến thức ban đầu dần bị phá vỡ và nhanh chóng thay thế bằng cái mới, nếu như trước kia Facebook là nền tảng đỉnh nhất thì ngay bây giờ chúng ta đã có Tiktok và các nền tảng thương mại điện tử bù vào. Liên tục phải update để phát triển mức thu nhập và cạnh tranh với những con người trẻ tuổi nhưng tài giỏi hơn rất nhiều luôn là vấn đề “sinh tồn” để mình đối mặt ngày nay. 

Học gì để sinh tồn? 

“Đến với thế kỷ 21, thì chúng ta đang bị nhấn chìm trong một biển thông tin khổng lồ, mà ngay cả những nhà kiểm duyệt chẳng bận tâm tìm cách ngăn chặn. Thay vào đó, họ đang bận rộn truyền bá các thông tin sai lệch. Hơn nữa, khi mọi thông tin đều có thể truy cập với một cú nhấp chuột thì khó mà giữ được sự tập trung, khi chính trị và khoa học quá rắc rối thì việc chuyển sang những video thú cưng hài hước, chuyên mục tám chuyện showbiz hay phim khiêu dâm trở lên thật cám dỗ.
Trong thế giới như vậy, cung cấp thông tin cho học sinh chắc có lẽ là điều cuối cùng mà giáo viên cần làm. Đơn giản bởi các học sinh đã tiếp nhận quá nhiều lượng thông tin.Thay vào đó, học sinh cần có khả năng xử lý thông tin, nhận biết thông tin nào là quan trọng, và hơn hết là khả năng kết hợp các mẩu thông tin riêng lẻ để hình thành một bức tranh toàn diện về thế giới. ” – trích đoạn Sapiens
Nếu như trước đây, học hành giỏi giang để đỗ đạt thủ khoa để rạng ranh cả làng sẽ khiến bạn nắm chắc một vị trí quan chức thì nhanh chóng quay trở về thời điểm hiện tại các bài báo nói về tình trạng thất nghiệp của các cử nhân cũng nhiều đáng kể. Việc chọn sai ngành bị bơ vơ, cử nhân đi làm grab,… chắc là chuyện chẳng hiếm ở xã hội ngày nay. 

Cuộc sống khốc liệt và cạnh tranh

Theo mình nhớ vào lớp 7, với 13 môn học cày quật liên tục gần như khiến mình nản và nghĩ nhiều cách để có thể gian lận qua môn hơn là nhồi nhét kiến thức liên tục. Thật sự mình rất là nể các bạn thi Olympic khi có thể thuộc, nhớ làu làu lượng thông tin cực kỳ đồ sộ và xử lý đầy nhanh nhạy. Lên cấp 3, các môn học ít lại dần để tập trung cho kỳ thi đại học, lúc đó mình chọn khối A vì khả năng tự nhiên mình tốt hơn các môn khác. Và môn giỏi nhất của mình lúc ấy lại là môn Hóa, với các chương trình hóa học đến việc phân biệt màu sắc của từng chất,… tất cả đều được mình nắm lòng. Đôi lúc mình tự kiêu với những đứa “học dốt”, mình nghĩ (với những định kiến mình bị ảnh hưởng từ xã hội) học như này sau làm được trò trống gì nhưng khi lên đại học mình phải há hốc mồm nhìn ngược lại. Các kiến thức hóa học được bộ não cho phép quên bằng sạch mà những thứ mình kiếm được tiền hoàn toàn là việc tự học và mò mẫm trên internet. Các kiến thức tin học cơ bản mình gần như không có, việc bước từ Hải Phòng sang TPHCM sinh sống khiến mình cảm giác như bước sang thế giới khác.
Những người bạn được đánh giá là “học dốt” được bố mẹ họ đầu tư đi nước ngoài, có vốn đầu tư kinh doanh từ gia đình trở thành tiêu điểm và bằng chứng thành công trong mắt của nhiều người. Vậy những kiến thức mình học trên trường có giúp ích mình thành công và đạt được mộng mơ tiêu tiền không nhìn giá? 
Không
Với sự biến đổi nhanh chóng của môi trường và công nghệ thì giáo dục hiện tại gần như đang bị lỗi thời. Ngay cả đại học, việc 4 năm trước ngành này đang là một ngành HOT thì trong thời điểm hiện tại thì có thể nó gần như hoàn toàn mờ nhạt. 

Tìm kiếm bản thân mình là ai?

“Phần lớn các trường học tập trung quá nhiều vào việc rèn giũa cho các học sinh những kỹ năng cụ thể như giải phương trình, lập trình máy tính ngôn ngữ C++, xác định hóa chất trong ống nghiệm hay đàm thoại tiếng Hoa. Song, với tình trạng mộng mị về tương lai như hiện tại, ta chẳng biết các kỹ năng nào còn cần thiết. Chúng ta có thể bỏ công sức để dạy trẻ em về ngôn ngữ lập trình C++ hay nói tiếng Hoa, chỉ để nhận ra rằng vào năm 2050 trí tuệ nhân tạo có khả năng lập trình vượt xa con người, còn Google Translate có khả năng đàm thoại trôi chảy bằng Tiếng Hoa, Tiếng Quan Thoại, Quảng Đông,… hay bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới dù bạn chỉ biết nói “Xin Chào”.” – trích đoạn Sapiens
Để giải quyết điều này, Yuval đưa ra lý lẽ và nghiên cứu khá thú vị về các nhà sư phạm hàng đầu khi các học sinh cần học sự chuẩn bị cách đối phó với lượng thông tin khổng lồ ngoài kia bằng 4C: 
Critical Thinking (Tư duy phản biện) 
Communication (Giao tiếp)
Collaboration (Hợp tác)
Creativity (Sáng tạo) 
Với mô hình giáo dục này gần nhất mình biết được thì dẫn chứng tại đất nước Phần Lan, họ xóa sổ các môn học chính như Toán, Lý, Hóa,.. mà dạy các em học sinh với các kỹ năng về cuộc sống. Ví dụ việc mở một quán cafe như thế nào? Việc pha chế cần sử dụng những chất hóa học nào để pha chế? Việc tính tiền có những công thức nào để tính nhanh và hiệu quả nhất?… Tất cả các môn học được lồng ghép vào những công việc thường ngày, kinh doanh và tập trung tính ứng dụng của chúng. Khi các em lớn hơn có thể lựa chọn công việc phù hợp với bản thân (tránh tình trạng như mình lựa chọn ngành Kinh Doanh Quốc Tế vì thấy 2 chữ Kinh Doanh nó ngầu mà chẳng ai hướng nghiệp). 

Mô hình giáo dục mới có thể tốt hơn mô hình truyền thống?

Tuy nhiên tính hiệu quả về mô hình giáo dục này mình cũng chưa biết và so sánh với mô hình giáo dục cổ điển, nên mình không dám bàn sâu thêm. 
“Nhưng nếu nhìn rộng ra, với 4C các trường học cần chuyển trọng tâm từ các kỹ năng kỹ thuật thuần túy sang các kỹ năng sống thiết thực, trong đó quan trọng nhất là khả năng đối phó với thay đổi, lĩnh hội kiến thức mới và giữ đầu lạnh trước tình huống không quen thuộc. Để đuổi kịp với thế giới năm 2050, bạn không chỉ cần sáng tạo ý tưởng hay sản phẩm mà hơn hết cần làm mới chính mình.” – trích đoạn Sapiens
Biến đổi cấu trúc cơ bản của cuộc sống
Thời xưa, cuộc sống thông thường chỉ đơn giản được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn học tập và giai đoạn lao động.
Giai đoạn học tập: Con người tích lũy kiến thức, thông tin, từ từ học hỏi để xây dựng được cho bản thân mình hệ kiến thức vững chắc. Thậm chí bạn 15 tuổi cũng có thể dành phần lớn thời gian trên mảnh ruộng của mình để học cách cày bới, trồng lúa, thương lượng với mấy tay buôn,…
Giai đoạn lao động: Đến giai đoạn này dưỡng như hệ kiến thức của bạn đã chín muồi, bạn sử dụng các kỹ năng đã tích lũy được để tìm được hướng đi cho cuộc sống dựa trên nền tảng các kiến thức trước đó. 
Nhưng đến với thế kỷ 21, thì việc cuộc sống thay đổi muôn hình vạn trạng một cách nhanh chóng. Nếu như ngày xưa mình học làm nông thì hiện giờ dù chỉ mới 22 tuổi mình cũng nhanh chóng kiếm cách thay đổi công việc để thích nghi với cuộc sống hiện đại. Yuval đưa mình câu hỏi “Tôi là ai?” trở lên thật kỳ lạ và đáng sợ, một câu hỏi vô cùng cấp bách cho toàn bộ nhân loại. 

Tôi là ai?

“Đến với thế kỷ 21, sự ổn định dường như là một điều xa xỉ, việc cố định một nghề nghiệp là việc đánh cược với cả thế giới bỏ sau lưng một cách nháy mắt. Dù tuổi thọ trung bình có vẻ cao hơn, bạn hoàn toàn có thể trở thành vật vô tri trong vài thập kỷ. Để bắt kịp về cả mặt kinh tế lẫn mối quan hệ xã hội, bạn cần khả năng học hỏi không ngừng và luôn tái tạo chính mình, nhất là ở độ tuổi 50.” – trích đoạn Sapiens
“Để tồn tại và phát triển trong thế giới như vậy, bạn sẽ cần một cái đầu linh hoạt và một trái tim lạnh. Bạn sẽ phải từ bỏ những điều mình hiểu rõ nhất để làm quen những gì mà bạn chưa biết. Không may, việc dạy các đứa trẻ đón nhận những điều chưa biết và giữ cái đầu lạnh khó hơn rất nhiều việc dạy chúng giải phương trình hay nguyên nhân gây ra Thế Chiến Thứ Nhất. Bạn không thể học được đức tính kiên trì nhờ việc đọc một cuốn sách hay nghe một bài giảng. Chính bản thân giáo viên cũng thiếu đi sự linh hoạt về tư duy mà thế kỷ 21 đòi hỏi, bởi chính họ cũng là sản phẩm của chế độ cũ.” – trích đoạn Sapiens
Việc chê trách và bắt ép hệ thống giáo dục phải như theo ý mình gần như là không thể. Vậy chuẩn bị như thế nào để bản thân mình có thể sinh tồn và thành công trong cuộc sống, hay nhìn xa hơn chuẩn bị dòng giống mình một cách tốt nhất thuở ban đầu? 

Học gì trong cuộc sống để thành công? 

Đây chắc là câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất trong bài viết này nhưng chắc mình vẫn chưa thể có câu trả lời cho bạn tại thời điểm hiện tại. Nhưng đừng bỏ đi, nán lại một chút và mình sẽ cho bạn biết thêm một vài điều thú vị mà bạn nhầm tưởng. 

Học hỏi theo người lớn

Trong quá khứ thì việc học hỏi theo bố mẹ, người thân hay những người xung quanh khá là an toàn, bởi họ hiểu rõ hơn về thế giới quan của họ và sự thay đổi cũng rất chậm. Nhưng đến với thế kỷ hiện đại, việc những lời nói của họ có thể nhanh chóng lỗi thời, việc nhìn nhận sự đúng – sai để phân tích và chắt lọc cực kỳ quan trọng cho thế hệ ngày nay.

Học theo người lớn 100% có phải là điều đúng đắn?
Bố mình luôn nói rằng ai học dốt trong học đường chắc chắn sẽ có con đường thất bại trong tương lai. Nhưng khi mình nêu ra vài dẫn chứng việc học tập ở học đường rất quan trọng là đúng nhưng sẽ sai khi dựa vào việc đó để đánh giá sự thành công con người (Ví dụ mình và bạn mình trong cấp 3, hệ tư tưởng mình tự kiêu cũng từ bố mà ra, nhưng ngay khi trải nghiệm cuộc sống mình đã phải đánh giá lại). 

Công nghệ

Công nghệ là lựa chọn khá tuyệt vời trong xã hội ngày nay nhưng nếu không cẩn thận nó có thể là con dao hai lưỡi. Yuval lấy ví dụ về việc khi con người phát minh ra hệ thống nông nghiệp hàng ngàn năm trước nhưng hệ thống này đa số chỉ phục vụ cho nhóm lợi ích chóp bu dẫn đầu, biến phần đông nhân loại thành nô lệ cho chúng. Hầu hết mọi người từ rạng sáng tới hoàng hôn, đều gánh nước, nhổ cỏ, bón phân, chăm sóc những cây mầm và phần lớn phải nộp thuế cho địa chủ. 

Công nghệ ngày càng hiện đại nhưng lại là con dao hai lưỡi
Đến với xã hội ngày nay, việc Grab ra đời như một cuộc cách mạng cho người tiêu dùng khi có thể tiện lợi book grab khắp nơi, người dân cũng có việc làm và thu nhập. Nhưng nếu những người trẻ quá phụ thuộc vào công nghệ này để kiếm việc, vậy có an toàn cho tương lai của họ? 
Công nghệ không xấu, nếu biết tận dụng đúng cách sẽ trở thành công cụ hữu ích cho công việc và tương lai bạn sau này. Nhưng đừng để việc kiểm soát công nghệ trở thành công nghệ kiểm soát bạn. 

Lắng nghe trái tim mình

Dựa vào chính mình để tìm ra được chìa khóa của cuộc sống hay dựa vào trái tim và tâm hồn mình quyết định chắc là câu trả lời từ cổ chí kim. Như chàng trai nhân vật chính trong Nhà Giả Kim của Paulo Coelho – cuốn sách bán chạy lên tới 95 triệu bản thì việc lắng nghe trái tim và phấn đấu là cách để thành công tốt nhất. Nhưng chắc bây giờ còn đúng?
Chắc chắn là không, mình tin chắc rằng việc các nền tảng Facebook, Google và các công nghệ AI hiện nay còn hiểu hành vi mua hàng, sở thích, nhân khẩu học có thể hơn chính bản thân bạn. Với công nghệ Big Data được cải tiến từng phút một, việc bạn đang thích mua một món đồ thời trang, muốn đi du lịch vào tuần sau, chuẩn bị học trường đại học nào hay bạn muốn cưới ai,… tất cả việc đó đều được theo dõi và phân tích chặt chẽ bởi AI. Việc lắng nghe chính trái tim mình dường như là sự ảnh hưởng của mọi yếu tố xung quanh bạn. 
Việc lắng nghe trái tim sẽ nguy hiểm hơn bao giờ hết khi bạn bị phản ánh bởi các yếu tố ngoại vi từ việc quảng cáo trên các kênh thương mại đến việc các thuật toán điều khiển bạn bằng cách thụ động. 
Vậy việc học hỏi theo người lớn, dựa dẫm hoàn toàn vào các công nghệ hay thậm chí nghe chính bản thân mình nói gì không được vậy thì mình hay các thế hệ tiếp theo sẽ học gì để thành công trong cuộc sống? 
Quay ngược trở lại câu hỏi “Tôi là ai?” việc tìm ra được câu trả lời cấp bách hơn bao giờ hết, việc thích nghi và cải tiến bản thân mình luôn là quá trình mệt mỏi và gian nan của mỗi người trong thế giới này. 
Việc bạn muốn tồn tại và phát triển, và đạt được dấu mốc gì đó để thế hệ sau được vươn lên chắc bạn cần chạy thật nhanh. Nhanh hơn tất cả những thuật toán đang tồn tại, nhanh hơn sự kiểm soát của chính phủ hay bất cứ thứ gì đang kiềm chế trong môi trường của bạn. Việc lọc thông tin để đọc và học cũng là kỹ năng cần thiết mà mỗi người cần có trong hành trang của cuộc đời. Tìm được những gì phù hợp và không mang ảo tưởng là nó sẽ tồn tại mãi mãi, hiểu rõ bản thân để có thể tiếp tục đi lên.
Vậy đối với mình, mình sẽ làm gì để chống lại? 
Không có gì có thể chống lại sự suy chuyển có xã hội (trừ việc diệt vong toàn nhân lọai), bắt đầu từ cái nhỏ nhất và cố gắng gấp 1000 lần người khác chắc là câu trả lời của mình tại thời điểm hiện tại. Đặt mục tiêu xa hơn và có sự kỷ luật rắn rỏi để đạt được đó chính là vũ khí cực kỳ mạnh mẽ. 
Đối với mình, mình bắt đầu viết blog… 
Bài viết mình đã chia sẻ trong Blog của mình nếu mọi người muốn đọc các bài viết khác tương tự. Tại đây!
Matthew Le