Bốn tư tưởng và bốn câu hỏi
Tâm linh là gì? Rất dễ nếu bạn tự hiểu theo ý mình. Còn nếu không, tâm linh lại rất khó. Bạn có thể rơi vào một ma trận những tư tưởng tưởng giông giống mà hoá ra lại rất khác nhau.
Dẫn nhập
Đời lắng nghe đây trầm tư hồn bể dâu
Bàng bạc trường giang lạnh khói
….
Biên thuỳ trống giục
Nẻo Tần sương sa
Gió thê lương quằn quại khói chiêu hà
(Vũ Hoàng Chương)
30 năm về trước, mới học lớp 8 tôi đã phải đến dự đám tang một người bạn cùng tuổi. Đám tang toàn tụi trẻ con. Không hiểu sao nhưng chúng tôi được nhìn bạn lần cuối không phải trong áo quan mà là trước lúc nhập quan. Tôi còn nhớ rõ xác bạn nằm trên 1 cái cáng được đẩy ra và làm sao đó nằm ngay trước mặt tôi. Tụi trẻ con xung quanh khóc gào gọi bạn đầy bi thương, còn tôi chỉ đơn giản lặng im nhìn vào cái chết đang ở ngay trước mặt mình. Trong tôi lặng im và không hiểu sao cân bằng một cách kỳ lạ. Dường như một tích luỹ đặc biệt trong bản thân tôi đã mở ra cảm giác ấy! Không một lời nói, một cử chỉ gì đặc biệt, chỉ trân trân chứng kiến sức mạnh tuyệt đối của “quỷ” vô thường.
Thoáng vô thường đó rồi qua nhanh. Vốn tò mò, cấp 2 tôi đã có dịp tiếp xúc với Kinh Thánh, cấp 3 tôi đã tìm mua và đọc hết “Hành trình về Phương Đông” thời đó cũng còn hiếm. Lớn lên đi làm, những cảm nhận về vô thường cũng đến nhiều hơn. Một người đồng đội trẻ hơn tôi cùng cơ quan mất vì ung thư giống như bố bạn ấy vài năm trước. Trước đó tôi đã kịp đọc hết “Tạng Thư Sinh Tử”, rất nhiều sách về cuộc sống và cả về cái chết của Osho, Deepak Chopra…, sách của Pháp Luân Công, nhiều sách Thiền của nhiều tác giả danh tiếng như thầy TNH, …. Nhiều thêm những cái chết, những hoàn cảnh éo le xung quanh và cũng nhiều thêm tích luỹ những cuốn sách về các thể của con người, hành trình linh hồn, bí ẩn các kiếp sống, soi kiếp, áp vong, thời đại năng lượng mới đang đến …..
I. Bốn câu hỏi
Nhớ lại. Hồi đầu, tôi hăm hở với mọi thứ mà mình tìm được. Với mỗi thứ đọc được thêm đều thấy là thêm bổ ích: tội lỗi nguyên thuỷ, thân cầu vồng, trung ấm, tính mệnh song tu, …
Tiếp đến, sự hăm hở bớt đi. Những thứ đọc thêm có thể mâu thuẫn với những thứ đã đọc, nhiều thứ càng đọc càng thấy mơ hồ trong vòng xoáy của tự phản biện. Xu hướng đọc trở nên có chọn lọc hơn.
Đến hiện tại thì tôi chỉ còn tập trung đọc những gì mà bản thân thấy hợp lý nhất.
Trải qua quá trình đọc như trên cùng cơ duyên trao đổi với vài người có quan tâm đến cùng lĩnh vực “tâm linh” như mình, tôi thấy với một người có ý định bắt đầu tìm hiểu thì nhiều trường phái tư tưởng xuất hiện dày đặc trên internet hiện tại giống như một ma trận dễ làm cho người ta lạc lối. Kết quả là có người theo mỗi tư tưởng một tẹo, tề gia thì áp dụng giáo này, tài lộc thì áp dụng đạo kia. Có người thì quá sính nghi lễ, có người thì tìm theo các phương pháp đơn giản, nhanh chóng tiện lợi, có người bỏ nhiều công đọc sách mà không thực sự thu được lợi ích gì, giỏi trích dẫn nhưng không thực sự hiểu điều gì là căn bản….
Thấy vậy, tôi có thử tự suy ngẫm một thời gian và đưa ra bốn câu hỏi theo tôi hết sức căn bản trong lĩnh vực “tâm linh”. Trên cơ sở đó tôi tiến hành tìm hiểu bốn trường phái bằng cách tham vấn với các chuyên gia mà tôi có thể tìm gặp của từng trường phái.
Bài viết này là kết quả tổng hợp của quá trình tìm hiểu nói trên. Đầu tiên, xin giới thiệu bốn câu hỏi căn bản:
1. Điều gì là quý giá nhất trên đời ?
2. Điều gì là quan trọng nhất với một người ?
3. Điều gì là hiểm hoạ lớn nhất ?
4. Điều gì diệt trừ được hiểm hoạ ấy ?
II. Bốn tư tưởng
Sau khi xác định bốn câu hỏi cơ bản trên, tôi bắt đầu quá trình tham vấn của mình. Hoá ra cũng gian truân phết. Mất khoảng hơn nửa năm tôi mới tập hợp được hòm hòm các câu trả lời cho bốn trường phái tư tưởng. Kết quả được thể hiện tóm tắt trong bảng sau (chào mừng đến với ma trận ;) )
Ngoài các kết quả chính nói trên, quá trình tham vấn của tôi cũng cho ra một vài kết quả khác mà tôi sẽ giới thiệu có chọn lọc sau đây, điểm thêm vài nhận xét cá nhân.
a. Về sự tiếp diễn sau cái chết
Hầu hết các tư tưởng tâm linh đều đồng ý rằng bản thân sự tồn tại là luôn tiếp diễn bất chấp cái chết, chỉ khác nhau trong hình dung hình thức cụ thể sau cái chết: Hoặc là thiên đàng/ địa ngục, hoặc là lục đạo luân hồi, hoặc là chuyển lên tầng cao …. Ở đây có một ngoại lệ thú vị là trường phái Nhân chứng Giê hô va không nghĩ vậy, họ nói rằng bạn là một linh hồn sinh ra từ hư không và khi chết bạn lại trở về với hư không. Không giống Thiên Chúa Giáo, họ không tin có linh hồn tồn tại sau khi chết.
b. Vị trí của cõi Người
Nhìn chung các tư tưởng đều ủng hộ hình dung về các cõi sống khác nhau nằm trong một trật tự có cấu trúc cao thấp. Cấu trúc này có thể đơn giản (phái Giê hô va) hay phức tạp hơn và vượt ra ngoài khả năng nhận thức (Pháp luân công, Năng lượng tâm linh). Trong cấu trúc ấy, cõi người được coi là cõi thấp nhất, cõi dưới đáy với Pháp Luân Công, với phái Năng lượng tâm linh thì cõi người ở vị trí tương đối thấp nhưng không phải thấp nhất, với Thiền thì cõi người ở vị trí vừa vừa vì dưới cõi người còn 4 cõi thấp hơn nữa.
c. Độ phức tạp của tư tưởng
Theo đánh giá cá nhân tôi thì phái Giê hô va là dễ hiểu, đơn giản nhất. Để theo phái này, người ta chỉ cần hiểu vài thứ tối thiểu còn lại chỉ cần tin là đủ. Cá nhân tôi thấy Tịnh độ rất giống vậy. Có thể đó là lý do phái này phù hợp với đại đa số có suy nghĩ đơn giản và tâm lý đi theo những gì người khác tin tưởng. Nếu thử đặt những câu hỏi cần đi sâu vào cốt tuỷ giáo lý với những người này (ví dụ đi sâu vào ý “Điều gì là hiểm hoạ lớn nhất?”) thường họ sẽ trả lời lòng vòng như một người đi loanh quanh rồi lại trở về chỗ cũ và bằng lòng với bản thân cái vòng đó.
Tiếp theo là Thiền tánh biết, đơn giản chỉ cần chấp nhận có những thứ siêu việt kiểu “thường trọn vẹn rõ biết mà không sinh, không diệt, không thường, không đoạn, không hữu, không vô, không đến, không đi nên chết sống không ảnh hưởng đến nó” rồi chuyên tâm “tu luyện” thứ đó là sẽ đến đích. Thực chất Thiền tánh biết khá giống Giê hô va ở chỗ đương nhiên công nhận một thứ siêu việt trường tồn, chỉ khác là không “cá nhân hoá” thứ đó, cũng vì thế hệ thống khái niệm của Thiền tánh biết thì phong phú và phức tạp hơn Giê hô va.
Trường phái năng lượng tâm linh thì phức tạp hơn nữa, riêng các thể tâm linh đã có đến 6-7 thể, các thể này có liên kết với số lượng nhiều các luân xa và trung tâm năng lượng …, thang tiến hoá có rất nhiều cõi với nhiều loại tần số năng lượng, giác quan tâm linh hay chu kỳ đầu thai khác nhau, các “ô trược” ngăn chặn tiến hoá cũng có vô số biến thể … Có lẽ không phải tình cờ mà các chuyên gia tài chính, kinh tế, những người thích nghiên cứu các hệ thống phức tạp khá có duyên với trường phái này, theo quan sát cá nhân tôi.
Tôi đánh giá tư tưởng của trường phái Pháp Luân Công (PLC) là phức tạp hơn cả. Lý do là ngoài hệ thống khái niệm phức tạp ra, PLC còn sở hữu những chi tiết “ảo ma” mơ mơ hồ hồ và nhiều “bí mật”, nhiều câu chuyện biến thiên ly kỳ y như đặc trưng của văn hoá TQ hay chưởng Kim Dung. Sau bao năm tìm kiếm nhiều người cuối cùng cũng vui mừng vì tìm ra PLC, một “game” tâm linh vừa ly kỳ như trí kỳ vọng của họ vừa ẩn giấu những bí kíp lên đời vượt trội cho hành giả.
III. Hiểu trường phái của bạn
Tâm linh là gì? Rất dễ nếu bạn tự hiểu theo ý mình. “Sống xứng đáng với tổ tiên” cũng là một quan điểm tâm linh tôi mới được chia sẻ. Còn nếu không, tâm linh lại rất khó. Nếu chưa tự bằng lòng với cách hiểu cá nhân, theo tôi bạn sẽ không thể tự tìm hiểu một mình mãi mà thế nào cũng phải chọn lấy một tư tưởng dẫn dắt. Khi đó, bạn có thể rơi vào một ma trận, một ma trận mà tôi đã cố gắng thử đơn giản hoá nó bằng bốn câu hỏi cơ bản được giới thiệu trong bài này.
Để tránh gây hiểu lầm thì cá nhân tôi hoàn toàn không khuyên bạn theo bất kỳ tư tưởng nào được giới thiệu trong bài này. Đây chỉ là một “báo cáo nghiên cứu” đơn thuần theo một cách tiếp cận do người viết tự đặt ra, bạn hãy hiểu như thế.
Hy vọng qua đây bạn hiểu thêm về những thử thách đang chờ đợi bạn trên con đường tâm linh. Cá nhân tôi nghĩ, ít nhất đến bao giờ bạn tự xây dựng được cho mình những câu hỏi cơ bản (không nhất thiết giống bốn câu hỏi của tôi) và tạm trả lời được chúng thì lúc đó bạn mới có được chút hiểu biết bước đầu về những gì mình đang tin theo :)
IV. Thay lời kết
À, nếu bạn tò mò thì cũng xin nói luôn là tôi hiện không tin theo bất kỳ trường phái nào trong số kể trên. Tích luỹ cá nhân khiến tôi không thoả mãn với những câu trả lời đó. Điều đó cũng không có nghĩa tôi không theo trường phái nào hết. “Hiện tại tôi chỉ còn tập trung đọc những mà bản thân thấy hợp lý nhất” và đó là một trường phái khác được giới thiệu trong một vài bài viết khác.
À, nhân tiện thì có vẻ tôi đã bỏ qua một trường phái cũng cực kỳ đông đảo. Bạn thử đoán xem.
Đó là trường phái của những người không hề tin vào các kiếp sống, thực sự “vô thần” y như Karl Marx. Cá nhân tôi thấy rất có thể họ đều theo một trường phái khác mà thôi. Trường phái ấy tôn sùng vật chất, khoa học/ kỹ thuật. Khoa học và công nghệ đang thay thế chức năng tâm linh của Chúa. Với tất cả sức mạnh ảnh hưởng đến đời sống nhân loại hiện tại của khoa học/ công nghệ, điều đó cũng không có gì quá ngạc nhiên.
Một số khác thì cho rằng Khoa học là dành cho thế giới thường nhật, còn Tâm linh là một thế giới khác. Họ tin tưởng cả hai và yên tâm với lựa chọn đó.
Tôi thì nghĩ khác. Với tôi, chỉ có một thế giới. Việc hiểu ngày càng rõ bản chất của chính thế giới và cuộc sống hằng ngày này rốt cuộc sẽ dẫn tới sự giải thoát tối hậu mà người ta vẫn gọi là “tâm linh”. There’s ultimate equality in the ultimate reality.
V. Phụ lục
Với bảng trên, thực tế tôi đã làm một việc là tóm tắt, cô đọng lại các câu trả lời, tức là câu trả lời mà bạn nhìn thấy là câu trả lời đã được biên tập lại. Để rộng đường tham khảo, ở phần này tôi sẽ giới thiệu một số câu trả lời quan trọng ở dạng nguyên vẹn chưa biên tập.
Nhân chứng Giê hô va:
Câu trả lời ban đầu cho “Điều gì là hiểm hoạ lớn nhất ?” là: “Đánh mất mối quan hệ với đức chúa trời danh là giêhova”. Sau khi hỏi thêm: nếu “mất mối quan hệ ….” thì sẽ gặp phải hậu quả gì?” thì câu trả lời nhận được là rất nhiều trích dẫn kinh thánh dài vài trang mà tôi tóm tắt thay bạn ấy bằng một ý duy nhất: Sự bất hạnh. Bạn ấy hiểu tóm tắt của tôi nhưng không thích từ “bất hạnh” và sau khi tôi đưa ra các từ khoá thay thế thì bạn ấy chọn “Tội lỗi”. Lại hỏi tiếp “tội lỗi như thế dẫn đến hậu quả gì?” thì câu trả lời là “Tội lỗi làm buồn lòng dghv và những người yêu thương mình ạ, lương tâm cắn rứt, và đi chệch ra khỏi tiêu chuẩn đúng cũng có thể gây hại chính mình(bất hạnh)” tức là lại quay lại “bất hạnh cho bản thân người đó và buồn lòng Chúa cùng những người thân”. Biết không hy vọng gì thêm ở khả năng tự tư duy của người trả lời, có hỏi sâu nữa họ cũng sẽ chỉ trích dẫn thêm kinh thánh nên tôi đã dừng trao đổi ở đó.
Pháp Luân Công:
Vũ trụ là một kết cấu rất phức tạp, có phân chia tầng thứ. Ở tầng càng cao thì sinh mệnh và thế giới, càng thuần tĩnh, tươi đẹp và có hoạt động xã hội. Ở tầng cao, khi mà sinh mệnh ko đạt chuẩn ở trên đó thì rơi rớt xuống dưới. Rơi mãi thì đến tầng cuối cùng này, đáng ra sinh mệnh bị tiêu hủy, nhưng các Đại Giác Giả đã sáng tạo ra 1 không gian đặc thù, sinh mệnh sinh ra bị trói buộc trong 1 thân thể hữu hình, chịu khổ, ko nhìn thấy được chân lý của vũ trụ. Tương đương rơi vào cõi “Mê”. Ở cõi mê này thì thông thường cái lý của nó thường ngược lại với cái lý đúng đắn của vũ trụ. Cái mà con người truy cầu thường lại là điều không hẳn là tốt. Mục đích của sinh mệnh là làm điều tốt đẹp (nhưng theo nguyên lý của người tu luyện, ko phải nguyên lý của con người), hoặc tu luyện, để có thể “trở về”.
Theo PLC thì “nhân thân nan đắc”, tức là được làm thân người rất quý. Để làm gì, là để có cơ hội tu luyện, để có thể vượt ra khỏi Tam giới, là cõi mê (chính là cõi người chúng ta đang sống – chú thích của người viết) , lục đạo luân hồi, là cõi “khổ”. Vậy có thân người thì cần đắc Pháp và bước trên con đường “phản bổn quy chân” (tức là, trở lại sự tốt đẹp của sinh mệnh)
Ở trong tam giới, cõi mê, thì mới có cơ hội tu luyện. Ở ngoài tam giới thí sinh mệnh nhìn thấy 1 vài tầng vũ trụ 1 cách chân thực, ko có mê, nên không tu luyện được.
Người ta nói đến thời kỳ Đại Thẩm Phán, lúc đó sinh mệnh nào bị hủy diệt hay ko phụ thuộc vào quá trình của sinh mệnh đó trong tam giới. Ko rõ thời kỳ này đến là khi nào, có xảy ra ko. Vũ trụ có quy luật, có lẽ sinh mệnh nào xấu tệ thì vẫn bị hủy diệt cho dù ở trong tam giới. Nhưng có lẽ điều này chưa từng xảy ra trước đây. Thời kỳ này có liên quan gì đến việc toàn vũ trụ hay việc gì thì có duyên mới biết.
Điều gì diệt trừ được hiểm hoạ? Đắc Chính Pháp, tu luyện lên cao tầng. Tuy nhiên, điều này khó diễn đạt với ngôn ngữ thông thường nếu không tu luyện.
Trường phái Năng lượng tâm linh (tên tôi tạm đặt, quan niệm mỗi nấc thang tiến hoá tương ứng với một tần số năng lượng ngày càng cao hơn):
Tri giác của con người lệ thuộc vào giác quan của thể xác, giác quan của thể tâm linh đã được vũ trụ kiến tạo cho tiến hoá của chúng sinh người nhưng không được xã hội loài người dùng tới. Với tri giác thiển cận, con người không có khả năng nhận thức toàn bộ các cõi sống nên không thể hiểu điều gì là quý giá nhất. Kinh Thánh có một dụ ngôn như thế này: Người Pharisêu hỏi Đức Giêsu bao giờ triều đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Triều đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được” – Lc. 17, 20-21. Không phải tất cả chúng sinh đầu thai tại địa cầu trong thời kỳ này đều có thể nhận thức về tiến hoá hay muốn tiến hoá. Ngay cả việc sống trọn vẹn giây phút hiện tại của đời mình cũng là quá khó với đa số. Trong số người muốn tiến hoá thì cũng hiểu khác nhau về sự tiến hoá.
Điều quan trọng nhất với một cá thể địa cầu như hiện nay là học bài học về tình yêu để từ đó thăng lên. Điều đó có thể đạt được nhờ sự phát triển của thể tâm linh qua kênh luân xa tim Anahata hoạt động hài hoà với Muladhara và Sahasrara. Tiếc thay, hiện nay các tần số do con người tạo ra hầu hết không kích hoạt Anahata. Bởi con người sống quần tụ thành xã hội, nên sự tiến hoá cấp thiết nhất với số đông là đạo đức và luật pháp, là trở thành một người công chính, không tạo ác, tạo thiện để cải biến nghiệp cá nhân, từng nghiệp cá nhân được cải thiện sẽ dẫn tới nghiệp cộng đồng được cải thiện. Trên nền tảng công chính, con người có thể mở rộng tri giác qua thiền định, qua yoga.
Hiểm họa lớn nhất với toàn bộ sinh thể địa cầu là – Bị chặn sự phát triển tự nhiên từ cái gọi là thành tựu khoa học, manh mún, thiển cận của một nhóm chúng sinh. – Số đông bị cơ khí hoá tâm thức, mất hoàn toàn sự liên kết với cõi vi tế, mất năng lực tự thánh hoá. Nhóm linh hồn vaishya tha hoá thao túng trên diện rộng, nhóm linh hồn brahmanes rút lui. – Cõi hồng trần quá bẩn trược nên nhóm linh hồn hỗ trợ không thể tiếp cận hiệu quả. Các dạng phụ thể áp đảo gây loạn thần trí. Số lớn phụ thể là thai nhi bị phá bỏ, chưa được hưởng thụ một chút tình yêu nào từ cha mẹ. Một số phụ thể là nạn nhân của chất gây nghiện. Nhân loại bế tắc hoàn toàn trong vấn đề giải quyết phụ thể. Sự suy đồi đã trên diện rộng và được thúc đẩy bởi các định chế nên số đông không có khả năng nhận thức và diệt trừ thảm hoạ, cửa tiến hoá đã đóng lại.
Nếu con người đoàn kết, truyền bá cho nhau sự thật thì họ sẽ chống lại được các bế tắc đó. Hiện nay có nhiều nhóm, nhiều cá nhân công khai khai trí về các vấn nạn toàn cầu, ví dụ họ chống truyền thông nhồi sọ chủ nghĩa tiêu thụ, chống việc tung hô đám trọc phú bất lương, chống áp đặt vắc, chống đô thị hoá, chống bạo lực động vật, chống ấu dâm, chống đồng tính, chống 5G… Vì sự tiến hoá rất chậm và diễn ra trong môi trường xã hội, nên mỗi cá thể muốn thăng lên kết nối với tần số vi tế thì phải tiếp duyên lành vào cộng đồng để cùng nhau thanh tẩy ô trược, như vậy chu kỳ đầu thai kế tiếp sẽ có chất lượng hơn, liên tục như vậy xuyên qua vô vàn kiếp sống. Bạn hình dung điều này, nếu bạn đạt được một mức tiến hoá hơn mẹ đẻ của bạn, thì bạn – bản chất tiến hoá luôn gồm từ bi – sẽ không rời bỏ mẹ của mình khi mà chưa nâng đỡ được mẹ lên những rung động cao hơn. Không có linh hồn tiến hoá nào đi một mình qua “cánh cửa”. Tiến hoá ở chu kỳ này có nghĩa rằng biết sử dụng cơ thể tâm linh để kết nối với ‘tồn tại siêu việt’. Cơ thể tâm linh gồm 7,2 triệu dòng chảy, các cửa hút lớn, trung bình và nhỏ, các trục dẫn ida, pingala, sushumna điều hoà sinh lực prana, nuôi dưỡng, kiểm soát sự sống, kết nối và liên thông với thông tin vũ trụ. Cần nuôi dưỡng thể tâm linh chu đáo, thực hành để phát triển nó, mà dễ nhất là ngồi quán hơi thở vào ra và tập yoga truyền thống [không phải loại yoga khoe thân như thường thấy]. Bớt các môn học vô bổ đi, trẻ thiền từ nhỏ để xây dựng nhân loại mới. Phát triển y khoa dựa trên việc điều hoà cơ thể tâm linh bằng prana. Cùng nhau đoàn kết, tạo duyên thanh tẩy ô trược trong cộng đồng, liên tục cải thiện chất lượng, tần số rung động qua từng chu kỳ đầu thai thì may ra ….
Thiền tánh biết (http://www.trungtamhotong.org/index.php?module=faq)
Mục đích của thiền là soi sáng thực tại thân tâm để thấy ra Sự Thật. Tâm thiền ở đây chính là sự soi sáng đó, vì vậy yếu tố rỗng lặng trong sáng là cốt lõi của tâm thiền. Cách thức, đối tượng, thời gian chỉ là thứ yếu mà thôi.
Tánh biết không sinh, không diệt, không thường, không đoạn, không hữu, không vô, không đến, không đi nên chết sống không ảnh hưởng đến nó. Ví như hộp quẹt hư đâu có nghĩa là hết lửa, và khi con không thấy lửa đâu phải là lửa diệt?
Hỏi: Với phần đông mọi người, sinh tử luân hồi không hoàn toàn là khổ mà cũng có lúc vui (được ăn ngon mặc đẹp, có tài sản hoặc được khen ngợi …). Cuộc sống hiện tại bây giờ của đại chúng cũng đang là trong vòng sinh tử luân hồi phải không ạ. Nếu mà nói với họ rằng sinh tử luân hồi là khổ thì không khác gì nói với họ Cuộc sống hiện tại của họ là khổ. Thường thì một người bình thường không hiểu đạo thì họ không có thấy Cuộc sống hiện tại của họ là khổ, nhất là với những người đang vui, với những kẻ đang “thành công” rực rỡ trên đường đời.
Vì thế xin hỏi: Với một người chưa hiểu đạo Phật, làm thế nào có thể thuyết phục họ rằng trong sinh tử luân hồi chỉ toàn là khổ? rằng cuộc sống hiện tại của họ thực chất toàn là hiểm hoạ?
Trả lời: Con khỏi lo, khỏi cần thuyết phục họ. Sớm muộn gì họ cũng sẽ tự biết thôi.
Làm sao phân biệt giữa BẢN NGÃ và MÌNH?
1) “Bản ngã” là cái ta ảo tưởng gán lên “mình”. Mình là “thời-vị tính” của thực tại thân-thọ-tâm-pháp đang vận hành theo nguyên lý tự nhiên của Pháp nên hoàn toàn vô vi, vô ngã.
2) Trở về với chính mình là để thấy rõ trong sự vận hành của thực tại thân-thọ-tâm-pháp đâu có bản ngã. Có cái ta ảo tưởng mới có nghiệp tốt-xấu, mình thì không có nghiệp tốt-xấu.
Quan trọng nhất là: Thấy ra pháp vận hành ra sao trên thân tâm mình
Giải thoát nghĩa là ko rơi vào tiến trình tự động (của ngũ uẩn/ bản ngã). Và việc giải thoát cũng chỉ có thể ở thời điểm hiện tại: nếu bây giờ ta chánh niệm, tỉnh giác thì không rơi vào tiến trình tự động (tiến trình ngũ uẩn, bản ngã), nghĩa là được giải thoát khỏi tiến trình này; như Pháp thực tại hiện tiền
Nếu hiểu học pháp tức là quan sát pháp (minh sát) để thấy pháp (thực tánh) thì thấy pháp tức là hành pháp. Hành Vipassanà đơn giản là thấy pháp đúng với pháp tánh, do đó hành chính là học và học chính là hành, chứ học không có nghĩa là thu thập ngữ nghĩa để tích lũy kiến thức, và hành không có nghĩa là áp dụng kiến thức để đạt được điều gì. Thầy chỉ gợi ý thôi, con đừng mong đợi một câu trả lời như ý, hãy tự trải nghiệm và chiêm nghiệm ngay nơi thực tại thân tâm cảnh con sẽ tự thấy ra tất cả, đó mới thật là câu trả lời chính xác nhất mà con tìm thấy nơi pháp.
Giải thoát là vượt khỏi khái niệm quá khứ hiện tại vị lai (tâm lý) của cái ta ảo tưởng, do đó khái niệm thường đoạn cũng không còn. Một người đã giác ngộ thì quá khứ hiện tại vị lai đều bao hàm trọn vẹn trong thực tại đang là.
Trong Đạo Phật không có tu luyện để trở thành gì cả, chỉ có rõ biết pháp đang là hay không mà thôi. Rõ biết thực là minh, không rõ biết là vô minh.
Tùy thuận pháp là sống theo nguyên lý vận hành của pháp. Như vậy cần quan sát chính mình và cuộc sống.
Tuỳ thuận chúng sanh là biết lắng nghe chính mình và tâm tư của người khác để sống hài hoà với mọi người, mọi vật.
Chỉ cần thường sáng suốt biết mình thì tham sân si mạn nghi gì cũng sẽ chấm dứt, và vì vậy cũng chấm dứt luân hồi sinh tử.
Si luôn có mặt trong tham và sân, khi con tinh tấn chánh niệm tỉnh giác thì tham sân đoạn giảm, tức si cũng đoạn giảm theo. Con nhầm si với vô minh rồi, vô minh mới không biết tứ thánh đế, nhân quả, duyên khởi… Còn si là trạo hối, nghi hoặc và hôn trầm thuỵ miên, vì vậy khi tinh tấn chánh niệm tỉnh giác đúng mức thì làm sao gọi là si được? Nếu không thấy rõ tham sân si thực sự như thế nào thì khó có thể đoạn trừ chúng đúng theo chánh pháp.
Muốn thoát ly sinh tử thì phải biết sinh tử là gì. Sinh tử biểu hiện trong từng tiến trình tâm sinh vật lý mà rõ nét nhất là 12 duyên sinh. Khi tinh tấn chánh niệm tỉnh giác, tức đang minh, thì vô minh không có mặt, ngay lúc đó toàn bộ 12 duyên không sinh, đâu cần diệt. Nhưng nếu lại buông lung thất niệm không tỉnh giác thì 12 nhân duyên lại tái sinh nên gọi là luân hồi. Vậy không phải tu để mong thoát sinh tử luân hồi mà là có đang tinh tấn chánh niệm tỉnh giác hay không.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất