Hay: Bạn vẫn sẽ tin vào tarot sau khi đọc bài viết này.

TRIGGER WARNING!!! Bài viết thể hiện sự nghi vấn của tác giả về một dạng niềm tin thần bí và bị bias theo hướng pro-science, có thể khiến một số người cảm thấy khó chịu.
Nguồn ảnh: chatelaine.com
Tarot không phải khoa học, chắc chắn không phải, ngược lại, nếu tự tuyên bố là khoa học, còn bị coi là ngụy khoa học [1]. Sự thật hiển nhiên này có vẻ không hiển nhiên cho lắm khi nhiều website về tarot tự nhận bộ môn này thuộc về ngành “khoa học tâm linh”. Để khỏi mất thời gian, mình khẳng định không có ngành khoa học chính thống nào tên là “khoa học tâm linh”. Thậm chí khi xem xét một cách nghiêm túc, lý thuyết của tarot tỏ ra vụn vỡ và không thuyết phục. Ở xã hội phương Tây, bộ môn này ngày càng có xu hướng thoái trào, đánh dấu bởi sự sụp đổ của Phong trào Thời đại Mới vào đầu thập niên 80 của thế kỷ 20 [2]. Nhưng tại Việt Nam khoảng chục năm trở lại đây, tarot lại trở nên thịnh hành, được nghiên cứu và thực hành một cách rộng rãi. Dễ nhận thấy xu hướng này khi tarot gần đây được quảng bá rầm rộ bởi giới trẻ, đặc biệt là Gen Z trên mạng xã hội và nhận được lượng tương tác khủng. Gen Z thường được xem là thế hệ trẻ, sớm có cơ hội tiếp cận với kiến thức khoa học, được giáo dục bài bản và dường như am hiểu cách mà thế giới vận động. Điều này đặt ra một câu hỏi: Vì sao Gen Z lại tin vào những công cụ thần bí như tarot và coi đó là một dạng kim chỉ nam cho cuộc sống? 
Hay: Thực sự thì (Gen Z) chúng ta đang tin vào điều gì?

1. Lý thuyết về cơ bản là bịa đặt.

Nguồn ảnh: Wikimedia Commons
Mặc dù bói bài tarot khá phổ biến trong quần chúng ngày nay, nhưng không có bất kỳ tài liệu học thuật cổ xưa nào ghi chép lại nguồn gốc thần bí của tarot. Theo học giả Michael Dummett (1980), cái tên “tarot” lần đầu xuất hiện trong một số văn bản của Ý vào thế kỷ 15 và được mô tả là một trò chơi giải trí thuần túy [3]. Phải đến cuối thế kỷ 18, nhà truyền giáo người Pháp Court de Gébelin mới đưa ra giả thuyết nguồn gốc và ý nghĩa thần bí của tarot. Ông cho rằng tarot là tàn dư từ Cuốn sách của thần Thoth trong thần thoại Ai Cập cổ đại và chỉ ra ý nghĩa của một vài lá bài tarot [4]. Mặc dù vậy, cần phải lưu ý rằng giả thuyết của Gébelin dựa trên những văn tự Ai Cập chưa được giải mã hoàn toàn và còn nhiều điểm nghi vấn. Chưa kể, phát hiện của Gébelin còn xảy ra một cách ngẫu nhiên đến đáng ngờ: 
Ngày nọ, ông đến thăm một người quen và bắt gặp bà ấy đang chơi bài tarot cùng các quý bà khác. Những hình vẽ thần bí, đậm tính biểu tượng đã khơi gợi trí tò mò trong đầu nhà truyền giáo, thôi thúc ông đi tìm nguồn gốc thần bí của tarot. 
Nực cười thay, những người này chỉ đang chơi trò giải trí và không thực sự quan tâm đến ý nghĩa thần bí của bộ bài tarot [5]. Điều này đặt ra nghi vấn: Động cơ của Gébelin là muốn tìm ra sự thật về tarot hay còn vì mục đích nào khác?
Thật ra, nếu xét bối cảnh châu Âu lúc bấy giờ, ta sẽ không ngạc nhiên khi các nhà thần học - vốn không thuộc giới học thuật chính thống, muốn gán ý nghĩa thần bí cho lá bài tarot để tạo ra hệ thống lý thuyết cho riêng mình và nhằm mục đích tôn giáo. Ta có thể thấy đặc điểm chung này trong các lý thuyết tarot hậu Gébelin:
- Nhà thần bí - chiêm tinh học Jean-Baptiste Alliette gán thêm cho tarot mối liên hệ với thần Hermes trong thần thoại Hy Lạp và chiêm tinh học, cũng như trình bày phương pháp bốc bài và diễn giải ý nghĩa dựa trên vị trí của lá bài [6].
- Không lâu sau, Alphonse-Louis Constant bác bỏ lý thuyết của Alliette đồng thời tạo ra cách diễn giải tarot mới dựa trên chiêm tinh học, thuật thôi miên, giả kim thuật và thần học Do Thái. Ông tuyên bố: “Một kẻ tù tội không cần đến cuốn sách nào, chỉ cần một bộ bài tarot và biết cách diễn giải, có thể nắm giữ trí tuệ phổ quát, bàn luận về bất kỳ chủ đề nào với kiến thức vô tận và tài hùng biện vô song” [7].
- Lý thuyết của Constant sau này đã truyền cảm hứng cho các thành viên của Hội kín Bình minh Vàng (Order of the Golden Dawn). Năm 1942, Hội viên Aleister Crowley và cộng sự là nữ họa sĩ Marguerite Frieda Harris đã tạo ra bộ Thoth tarot, được trưng bày trước công chúng tại London, Anh Quốc. Hai thành viên khác của Hội là William Butler Yeats và Arthur Edward Waite phát minh bộ bài Yeats - Waite diễn giải các biểu tượng của tarot dựa trên thần học Celt và truyền thuyết Vua Arthur. Bộ bài Yeats - Waite sau này trở nên cực kỳ nổi tiếng trong cộng đồng các nước nói tiếng Anh và trở thành must-have item của người bói bài tarot [8].
Các hệ thống lý thuyết trông có vẻ hấp dẫn và thuyết phục ấy luôn được bao phủ bởi một màn sương huyền bí, dễ dàng làm mủi lòng một bộ phận công chúng đông đảo. Tuy nhiên trên mặt trận lý luận, dường như các bộ môn thần bí nói chung và tarot nói riêng luôn tỏ ra yếu ớt trước sự hoài nghi của giới khoa học chính thống. Nhìn chung, những lỗ hổng trong lý thuyết của tarot thường xoay quanh các vấn đề sau:
- Dù liên tục sửa đổi và củng cố cho lý thuyết cho tarot, song các nhà nghiên cứu phi chính thống trên không thực sự chứng minh được nguồn gốc thần bí của tarot mà chủ yếu dựa trên so sánh mức độ tương đồng về mặt biểu tượng và đưa ra suy đoán vô căn cứ. 
- Các lý thuyết trên cũng không chỉ ra được mối tương quan giữa ý nghĩa thần bí của lá bài với các vấn đề tâm sinh lý điển hình của con người. Suy nghĩ rằng hình vẽ hay tiêu đề của một quân tarot có thể phản ánh tình trạng cuộc sống của ai đó - vốn phức tạp hơn rất nhiều, là một lối suy luận cẩu thả và có phần ngây thơ mà bất kỳ ai cũng có thể phản biện bằng logic thông thường.
- Các nhà thần học thường né tránh nói về khả năng dự đoán tương lai của con người bằng cách đưa ra những dự đoán vô cùng mơ hồ và chung chung. Điều này dẫn đến việc đọc vị tương lai của ai đó thường khá là… huề vốn và không chính xác hơn việc đoán bừa là mấy. 
- Không chỉ vậy, các bộ môn mà họ dùng làm nền tảng lý thuyết thậm chí còn được chứng minh là không hiệu quả (giả kim thuật) hay ngụy khoa học (chiêm tinh học, thuật thôi miên) trước cả khi lý thuyết về tarot ra đời [9]. 

2. Kỹ thuật về cơ bản là đoán bừa.

Mặc dù không nên sa đà vào mặt thực hành của bộ môn thần bí này, nhưng nếu phải tìm hiểu, ta có thể thấy rằng tarot có sân chơi và luật lệ riêng cùng hàng loạt tiền giả định mà giới khoa học xem là không tưởng. Về cơ bản, quá trình bói bài tarot thường tập trung ở việc trải - bốc bài và diễn giải ý nghĩa thần bí của lá bài. Nếu việc bốc bài là một hành động được đảm bảo tính ngẫu nhiên tuyệt đối thì việc diễn giải lại phức tạp hơn thế nhiều. Tất nhiên, việc nó phức tạp không đồng nghĩa với tính chính xác. Trong thực tế, sự phức tạp này dẫn tới tính diễn giải cá nhân và thiếu thống nhất.
Mỗi lá bài không chỉ có một cách diễn giải duy nhất và tuyệt đối. Thực ra, ý nghĩa của một lá bài bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có: (1) hình ảnh trên lá bài; (2) tên lá bài; (3) sách hướng dẫn; (4) trải nghiệm cá nhân của người bói và (5) các quan điểm ngoài luồng [10]. Điều này dẫn đến việc có thể diễn giải ý nghĩa của một lá bài theo rất nhiều cách khác nhau. 
Nguồn ảnh: WordPress.com
Hãy lấy ví dụ về lá The Empress:
- Lá bài mô tả (1) người phụ nữ đang mang bầu, bên cạnh là chiếc khiên có biểu tượng Vệ nữ, phía trước là luống ngô đang trổ bắp, phía sau là dòng suối hiền hòa, tất cả đều là biểu tượng của sự phồn thực. Trong hầu hết các trường hợp, người bói sẽ bắt đầu diễn giải các ý nghĩa có liên quan đến sự sinh sôi nảy nở, thiên chức của phụ nữ, tình yêu thương vô bờ của người mẹ, vv.
- Xét tên lá bài (2) là The Empress hay Nữ Hoàng, ta có thể rút ra thêm ý nghĩa về quyền tự chủ và quyền lực của người phụ nữ. Ý nghĩa này cũng phù hợp với hình ảnh cây quyền trượng và tư thế ngồi đường bệ của nhân vật. Ngoài ra, sách hướng dẫn (3) còn chỉ ra các ý nghĩa khác, bao gồm cả ý nghĩa tiêu cực như: khó khăn, nghi ngờ, thiếu hiểu biết.
Nếu chỉ xét ba yếu tố như trên, có thể thấy ý nghĩa của lá The Empress tương đối cố định và mang tính quy phạm. Trong khi (1) và (2) tự giải thích và bổ sung ý nghĩa cho nhau thì (3) chỉ đơn giản là ý nghĩa mà tác giả của bộ bài gợi ý cho người bói bài. Tuy nhiên, nếu xét đến trải nghiệm cá nhân (4) có thể dẫn đến một hướng diễn giải khác. Chẳng hạn, người bói bài ủng hộ phong trào nữ quyền dễ cảm thấy bị xúc phạm khi người phụ nữ theo mô tả chẳng khác nào cái máy đẻ, chỉ biết quanh quẩn trong xó nhà thay vì xét đến ý nghĩa về quyền lực của người phụ nữ. Trong trường hợp khác, người bói bài thuộc cộng đồng LGBTQI+ có thể sẽ không mấy hài lòng khi hình ảnh người phụ nữ trong lá bài (thường mang định kiến) không giống với xu hướng tính dục hoặc/và thể hiện giới của bản thân. Đây đều là những nhận định tuy nặng tính cá nhân nhưng lại hoàn toàn chính đáng trong hệ thống thực hành của tarot, dẫn đến sự thiên lệch khi đưa ra kết luận cuối cùng về ý nghĩa của lá bài. Trong một số trường hợp, người bói bài còn bị ảnh hưởng bởi các quan điểm ngoài luồng (5). Người bói có thể tiếp nhận các góc nhìn khác về lá bài khi trao đổi với người trong giới hoặc qua tìm hiểu nhiều loại tài liệu hướng dẫn tarot, dẫn đến việc cân nhắc bổ sung những cách diễn giải khác cho lá bài.
Từ việc phân tích ví dụ trên, ta có thể thấy quá trình diễn giải của lá bài tarot bắt đầu từ việc kết hợp các yếu tố (1), (2) và (3) nhằm đưa ra cái nhìn tổng quan về lá bài. Người bói sau có thể dựa trên (4) và (5) để bổ sung hoặc loại bớt một hoặc một vài tập hợp ý nghĩa. Sau cùng là tổng hợp lại cách diễn giải chung nhất cho lá bài. Do quá trình này bị tác động bởi các yếu tố cảm tính của người bói bài, thật không khó hiểu khi cách diễn giải của một lá bài của một người có thể không đồng nhất ở các thời điểm khác nhau và khác với một người bói bài khác. Cần phải lưu ý rằng, đây mới chỉ là quá trình diễn giải một lá bài độc lập. Trong thực tế, khi bói bài tarot một lá bài có thể đi kèm nhiều lá bài khác trong tụ, do đó cần phải tính đến cách các lá bài tương tác với nhau như thế nào, người bói hoặc người xem bói là ai, ngày xem bài là ngày nào, chiêm tinh học tác động đến tụ bài như thế nào và hàng tỷ các yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới ý nghĩa của tụ bài. Điều này dẫn đến số lượng cách diễn giải không những không giảm đi (bị loại trừ dựa trên các thông tin đã biết) mà còn tăng lên đến mức rất khó xác định đâu là cách diễn giải chuẩn xác [11]. Vậy câu hỏi đặt ra là: Người bói tarot phải làm gì để tìm ra câu trả lời đúng nhất?
Nguồn ảnh: Bau.vn
Khi bói bài cho người khác, dù muốn hay không, người bói bài phải đưa ra một câu trả lời tương đối cụ thể, chẳng hạn như: nên hay không nên chia tay người yêu, làm thế nào để giải quyết bất hòa trong một mối quan hệ. Thật ra, việc đặt câu hỏi cũng cực kỳ quan trọng, bạn có thể đọc thêm tại link tham khảo số [10] ở cuối bài. Nhìn chung, khi đối mặt với hầu hết các dạng câu hỏi, họ phải tìm ra câu trả lời hợp lý nhất, ít nhất là với người bói và người được bói. Điều này bị cản trở bởi số lượng các phương án quá nhiều, đến mức một lá bài hay thậm chí cả tụ bài có thể mang bất kỳ ý nghĩa nào, không quan trọng có đúng hay không. Giống như việc một người không biết thanh nhạc cố gắng hát một nốt, có thể lúc này họ sẽ hát đúng cao độ, nhưng lúc khác thì không. Phải chăng trong trường hợp tệ nhất, người bói bài buộc phải chọn bừa? Trường hợp này theo cá nhân mình nghĩ không phải là không tồn tại. Tuy nhiên, điều này vi phạm đạo đức nghề nghiệp nói chung và vi phạm các quy tắc của tarot nói riêng. Vì không phải ai cũng tồi tệ như thế, nên chúng ta hãy giả định người bói sẽ đối mặt với hằng hà sa số lựa chọn và quyết tâm tìm ra đáp án phù hợp nhất.
Đáng buồn thay, việc tìm ra câu trả lời phù hợp nhất trong tarot không đồng nghĩa rằng câu trả lời đó chính xác trong thực tế. Nói đúng hơn, câu trả lời phù hợp là câu trả lời nghe có vẻ thuyết phục nhất dựa trên những dữ kiện đã biết. Và trong lúc người bói tarot cân nhắc việc đưa ra câu trả lời, xuất hiện một hiện tượng tâm lý mà chính họ cũng không nhận ra.
Hãy lấy một ví dụ trong thực tế: định nghĩa về “người mẹ” là gì? Nếu chỉ nói phiên phiến, phần lớn chúng ta dễ dàng định nghĩa được thế nào là người mẹ của một đứa trẻ. Nhưng người mẹ đó có nhất thiết phải là người sinh ra đứa trẻ đó không hay là người đã nuôi nấng đứa trẻ đó nên người? Nếu một người phụ nữ vừa không sinh ra đứa trẻ, vừa không chăm sóc đứa trẻ đó, mà chỉ là vợ của cha nó thì sao? Khi trả lời các câu hỏi trên, chúng ta nhận thấy các câu trả lời đều đưa ra định nghĩa về khái niệm “người mẹ”, song nếu xét cụ thể thì nghĩa của chúng khác nhau tương đối đấy.
Đây chính là ví dụ mà George Lakoff đã đặt ra trong cuốn Women, fire, and dangerous things: What categories reveal about the mind (1987) để bàn về mô hình nhận thức lý tưởng hóa (Idealized Cognitive Model hay ICM) [12]. Theo Lakoff, “người mẹ” ở đây là một “mô hình tổng quát” bao gồm các mô hình thứ cấp hơn như “mẹ đẻ”, “mẹ nuôi”, “mẹ kế”, vv. Khi nhắc đến “người mẹ”, chúng ta có thể đang nhắc đến mô hình tổng quát, nhưng trong một số trường hợp, lại nhắc đến mô hình thứ cấp. Vì sự phức tạp của đời sống con người, chúng ta đôi khi cảm thấy áp lực cần phải đưa ra định nghĩa mà mình cho là chính xác và duy nhất. Việc này diễn ra một cách vô thức dựa trên cách chúng ta nhìn nhận cuộc sống thay vì khách quan suy xét bản chất thực sự của “người mẹ”. Tuy vậy, không khó để phản bác rằng định nghĩa này không chính xác như chúng ta nghĩ. Mô hình lý tưởng hóa cũng vậy, chúng được đưa ra dựa trên các tiền giả định hoặc dựa trên cách chúng ta nhìn nhận tình huống, vì vậy không bao quát được hết thực tế khách quan của sự vật sự việc.
Giống như “người mẹ”, một lá bài tarot cũng có “mô hình tổng quát” là tập hợp của các mô hình thứ cấp vô cùng đa dạng, dẫn đến trường hợp khi một người khi bói tarot, cũng nảy ra nhiều cách diễn giải khác nhau cho cùng một lá bài. Vì nhất thiết phải đưa ra một câu trả lời cuối cùng một cách tương đối cụ thể, người bói bài có xu hướng chọn ra một mô hình thứ cấp mà họ thấy rằng phù hợp nhất với những thông tin đã biết. Câu trả lời này rõ ràng là không khách quan vì bị ảnh hưởng bởi trải nghiệm cá nhân của người bói, vì lượng thông tin họ nắm được là có hạn và vì bị đặt trong hoàn cảnh khiến nó không thể khách quan. Do ảnh hưởng vô hình của mô hình nhận thức lý tưởng, người bói bài nghĩ rằng câu trả lời của mình thật khách quan và phù hợp, trong khi thực tế thì không hẳn. Việc lá bài được bốc ngẫu nhiên cùng với tiền giả định rằng nội tại lá bài có một sức mạnh thần bí cũng góp phần khiến người xem bói tin rằng mình đang “liên kết năng lượng” với lá bài và chỉ giúp khách hàng “khám phá” ra sự thật mà thôi. Chính hiện tượng tâm lý này được chứng minh là giúp cho người bói bài tarot tự tin vào câu trả lời của mình cũng như duy trì tính hấp dẫn của bộ môn thần bí này trong mắt mọi người [13]. Sự tự tin huyễn hoặc này đương nhiên là không liên quan đến tính chính xác của bộ môn tarot, ngược lại, còn cho thấy nó là một trò lừa bịp tâm lý không hơn không kém.

3. Khi chọn tin vào tarot, bạn chấp nhận những giá trị không bền vững.

Vụn vỡ từ trong trứng nước, tarot đã thất bại trong việc chen chân vào thế giới khoa học chính thống. Bằng chứng là bộ môn này không được giới chính quy công nhận là khoa học, thậm chí còn bị coi là phản khoa học; không được đưa vào hệ thống giảng dạy của các cơ sở giáo dục chính thống; không được pháp luật bảo hộ về tính hợp pháp, đặc biệt còn bị coi là mê tín dị đoan ở một số quốc gia. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản tarot ngày càng thâm nhập sâu và rộng vào quần chúng trong một vài thập kỷ trở lại đây. Phong trào Thời đại Mới (New Age Movement) mà kế thừa là Phong trào Hậu Thời đại Mới (Post New Age Movement) ra đời vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước đã thúc đẩy các bộ môn thần bí phát triển rộng rãi trong quần chúng [14]. Người ta bắt đầu đi tìm hiểu các khái niệm như “chánh niệm”, “giác ngộ” hay “nguồn gốc sức mạnh của con người” và áp dụng chúng như kim chỉ nam của cuộc đời, nhằm đưa bản thân ra khỏi những dằn vặt, trăn trở do các yếu tố chính trị, xã hội, kinh tế, vv. gây ra. Đây cũng là thời kỳ các bộ môn thần số học, chiêm tinh học, bói bài tarot tạo ra sức ảnh hưởng đối với công chúng hơn bao giờ hết. Làn sóng này đã thoái trào tại các nước phương Tây, song vì độ trễ văn hóa lên đến vài thập kỷ, gần đây chúng mới được du nhập vào Việt Nam. Điều này lý giải tại sao phong trào bói bài tarot lại rộ lên trong thế hệ Gen Z hiện tại trong khi bố mẹ chúng, vốn sinh ra vào thời kỳ hưng thịnh của Thời đại Mới, hầu như không bị ảnh hưởng bởi bộ môn phản khoa học này.
Nguồn ảnh: Monster Box 
Nhân tiện, việc khẳng định tarot đang thịnh hành trong giới trẻ Việt Nam không đồng nghĩa rằng nó chính xác. Như đã chứng minh ở trên, bộ môn này có nền tảng lý thuyết vụn vỡ và kỹ thuật thực hành chẳng khác đoán bừa là mấy. Tức là những giá trị mà nó mang lại không bền vững như ta tưởng. Trong nghiên cứu của mình, học giả Olav Hammer cho rằng những bộ môn thần bí thuộc phong trào Thời đại Mới và di sản là Hậu Thời đại Mới bị ảnh hưởng nhiều bởi thiên kiến nhận thức [15]. Nói cách khác, việc chúng ta thấy tụ bài bốc mấy hôm trước “phán quá chuẩn” thực chất là do chúng ta tự huyễn hoặc bản thân mà thôi.
Trong một số trường hợp, tarot có nhiều điểm tương đồng với lời tiên tri tự hoàn thành (self-fulfilling prophecy) [16]. Lấy ví dụ trong một mối quan hệ, người A nhận thấy gần đây người yêu không dành thời gian bên mình nhiều như trước và quyết định đi xem tarot; tụ “phán” rằng người yêu A đang thầm thương một người khác và sớm muộn hai người cũng chia tay; A trở nên bất an và nghi ngờ người yêu mình; cuối cùng, mối quan hệ trở nên căng thẳng, người yêu A tìm đến người khác; sự việc vỡ lở khiến hai người nói lời chia tay. Trong ví dụ có phần hơi bi quan này, không ngoại trừ trường hợp lời tiên tri thực chất không đúng, người yêu A ban đầu không ngoại tình, nhưng vì A tin vào lời tiên tri nên những hành động của A sau đó vô tình khiến lời tiên tri trở thành đúng. 
Trong khi đó, thiên kiến xác nhận (Confirmation bias) khiến chúng ta có xu hướng chứng minh các giả thuyết hoặc niềm tin ban đầu của mình là đúng thay vì ngược lại [17]. Cũng với ví dụ trên, sau khi nhận được lời “phán”, A cứ chăm chăm tìm các dữ kiện chứng minh người yêu mình là tên Sở Khanh mà không nhận ra rằng người ấy cũng yêu và nhớ mình rất nhiều, chẳng qua họ đang bận công chuyện hoặc đang cần thời gian một mình. Thiên kiến xác nhận không chỉ khiến A ngày càng hiểu lầm về người yêu mình, mà còn ngăn A kiếm tìm một giải pháp khôn ngoan hơn trong mối quan hệ. Tương tự, không khó hiểu khi nhiều người vẫn tin vào tarot, bởi vì họ chỉ thấy những trường hợp bốc phải tụ “thiêng” mà chưa thấy ai bốc phải tụ “rởm” bao giờ. 
Thiên kiến xác nhận còn có dây mơ rễ má với tương quan ảo tưởng (Illusory correlation) [18]. Một người tin vào tarot có thể đào bới ra những mối liên hệ giữa hai hiện tượng vốn chẳng liên quan đến nhau. Thật vậy, việc người yêu không dành nhiều thời gian cho A không đồng nghĩa với việc người đó phản bội A. Hai sự việc này cách nhau quá xa để có thể đi đến kết luận về mối tương quan giữa chúng. Thay vì tin vào lời “phán”, A hoàn toàn có thể bày tỏ suy nghĩ với người kia để cả hai hiểu nhau và tìm ra một giải pháp an toàn cho mối quan hệ.
Qua phần phân tích trên, có thể thấy tarot thực chất không chính xác như những gì ta mong đợi. Có lẽ sự thiếu chính xác này đến từ chính phương pháp thực hành thoạt nhìn rất hợp lý nhưng thực ra rất vô lý. Một khi bạn thực sự tin vào bói toán nói chung hay tarot nói riêng, bạn sẽ thấy nó đúng, vì tâm trí của bạn bảo bạn thế, chứ không phải bản chất của nó đúng. Mặt khác, khi bạn để bản thân bị đánh lừa bởi thiên kiến nhận thức, có khả năng bạn sẽ tự đưa bản thân vào những trường hợp trớ trêu như trong ví dụ trên. Vì vậy, có thể khẳng định những giá trị mà tarot mang lại không bền vững và về bản chất cũng là một trò may rủi mà thôi.
Nguồn ảnh: nTask.
Qua phần I của bài viết này, mình đi sâu vào đả phá hệ thống lý thuyết và thực hành của bộ môn bói bài tarot dưới góc nhìn khoa học và logic. Tuy nhiên, cá nhân mình cũng cho rằng nếu chỉ nhìn qua lăng kính khoa học mà không xét đến các yếu tố khác, ta sẽ không hiểu vì sao người ta vẫn tin vào bộ môn phản khoa học này. Chúng ta tin vào khoa học không hẳn là vì khoa học luôn đúng. Những người sùng bái chiêm tinh học, thần số học, bói bài tarot tin vào chúng, bất kể chúng có phản khoa học hay vô lý đến mức nào, bởi vì họ có lý do của riêng mình. Suy cho cùng cũng là vấn đề chọn nơi để đặt niềm tin mà thôi.
Liệu niềm tin có quan trọng đến thế? Hay vì sao người ta lại chọn một dạng niềm tin này thay vì dạng niềm tin khác? Hãy chờ đợi phần thứ II của bài viết, sẽ được mình cập nhật trong thời gian tới.
Dù bạn tin vào khoa học hay tarot, chúc bạn một tuần làm việc tự tin và hiệu quả!
REFERENCES