F(x) là một hàm số, x là biến số. Nếu f(x) là sự trốn chạy, “x” là cá thể khác nhau, thì f(x1), f(x2), f(x3)… lần lượt là những kết quả khác nhau. Hiệu ứng trốn chạy vì thế cũng là một ý niệm khác nhau tuỳ theo cách cảm nhận của mỗi người.
Đối với tôi, “Hiệu ứng trốn chạy” khiến tôi tưởng tượng ra một đám đông đang loay hoay chạy trốn. Họ “trốn chạy” vì không dám đối diện với điều họ không thích hoặc những khó khăn và đi tìm kiếm điều gì thú vị hơn hoặc sự an toàn. Trong cuộc sống, ngay cả những tâm hồn lạc quan nhất, có lẽ cũng khó tránh khỏi những ngày bỗng cảm thấy vô vị, tẻ nhạt đến ngột ngạt. Giữa những áp lực, sẽ có lúc bạn cảm thấy mình đơn độc, kiệt sức và muốn buông xuôi. Trong những khoảng khắc muốn “trốn chạy” khỏi sự chán chường và cô độc như vậy, âm nhạc Cá Hồi Hoang (CHH) vang lên trong tâm trí tôi như một sự cứu cánh. Nhờ có Cá, tôi có thể làm một cuộc trốn chạy tạm thời trong suy tưởng. Nghe có vẻ hơi văn chương đúng không? Để “sến súa” hơn, bạn hãy đọc tiếp về tìm hiểu vì sao tôi lại ưa nấp trong giai điệu của CHH đến thế nhé! Giới thiệu với bạn, 3 thứ tôi tìm được khi chạy trốn cùng âm nhạc Cá: Sự thi vị- Sự thấu hiểu- Sự bình tâm.
1. Hành trình chạy trốn tìm mơ mộng
Tôi đến với CHH trước nhất là vì yêu mến những ngôn từ và giai điệu tuyệt đẹp.
Lời bài hát chứa đựng nhiều hình ảnh đẹp đến ám ảnh và thường vương chút buồn. Tôi yêu thích những đêm yên tĩnh lắng mình lại, bật nhạc, suy tư về một cánh đồng cầu vồng, một hoàng hôn sương phủ, một khu rừng sang đông, một màn đêm ánh sáng, một bãi biển với những lâu đài cát vỡ tan tành… Phảng phất đâu đó, tôi sẽ ngửi thấy mùi mưa, mùi khói thuốc, mùi hương của vài loại đồ uống căn bản trong menu của Cá (“mùi cà phê pha với màu của nắng”, mùi đồ có cồn hay mùi đồ uống quán quen cho gã thất tình). Nét vẽ của Thành Luke hoạ nên những bức tranh đẹp một cách lãng mạn, đẹp đến xao động. Cuộc sống đôi lúc khô khan, chạy trốn vào thế giới Cá, tôi cảm thấy hạnh phúc vì được cấp quyền bay bổng và phiêu lãng.
Giai điệu của các bài hát cũng góp phần “khổng lồ” vào giá trị nghệ thuật của các tác phẩm. Những khúc solo guitar thực sự gây ấn tượng, chẳng cần lời mà vẫn chạm được điểm tột cùng của cảm xúc. Thành Luke là người phôi thai ra hầu hết các bài hát của Cá nhưng thiết nghĩ, để giá trị nghệ thuật của các sáng tác phát huy tối đa khi tiếp cận người nghe nhạc, ta phải cảm ơn đến cả anh Ming, Đạt và Hiếu. Những bản guitar tôi yêu thích nhất phải kể tới “Cánh đồng”, “Điền vào ô trống 250”, “Rồi cũng sẽ qua”, “Tầng thượng 102”, “Đã một lần”, “5 am”, “Ngày xa lắm”, “Đến bao giờ”, “Có thể”, “Inside Bin”…
Trong thế giới Cá Hồi Hoang, cuộc sống rất sinh động từ hình ảnh đến âm thanh. Trốn chạy vào đó, ta thấy những vẻ đẹp rất trữ tình. Và nếu bạn thử nhìn kỹ, chúng cũng rất “đời”. Suy cho cùng, không phải cuộc sống quá khô khan khiến chúng ta buộc phải trốn chạy mà vì bản thân ta tự thấy nó khô khan và ta muốn né tránh. Cá Hồi Hoang khéo léo khai thác nét đẹp từ cuộc sống và tinh tế truyền tải vào âm nhạc. Bản chất của những thứ ta đang coi là mĩ miều đó trong âm nhạc chính là thứ ta từng coi là khô khan. Trốn chạy vào nhạc của Cá ta tìm thấy “lăng kính” mới về cuộc sống, nhận ra những vẻ đẹp khuất lấp, trốn chạy để thấy lạc quan và yêu mến cuộc sống hàng ngày hơn.
2. Trốn chạy và được thấu hiểu
Rất thình lình, vào thời điểm không ngờ, tôi cảm giác bị CHH nhìn thấu mình. Thú thực, tôi không thấm thía và hiểu được hết mọi ca từ và thông điệp trong các bài hát. Song, thi thoảng, bỗng dưng tôi sẽ gặp được một câu hát “in sâu vào trong ký ức”. Nói thế nào nhỉ, đó là cảm giác vui sướng cực kỳ khi cuối cùng cũng tìm thấy người bắt được đúng được một điều rất nhỏ và sâu trong cảm xúc của mình, cắt nghĩa được những tâm sự mình không biết bày tỏ nên lời.
Cảm giác được trân trọng
Tôi từng say mê đọc “Thư tình gửi một người” của Trịnh Công Sơn, ngưỡng mộ nhân vật Dao Ánh vô cùng vì trong cuộc đời của mình, Dao Ánh có thể quen được một người biết trân trọng mình trong từng cử chỉ nhỏ nhất. Đọc hết cuốn sách, tôi đâm ra thích cách xưng hô “tôi” và “em”. Đến với Cá Hồi Hoang, tôi tìm thấy điều tương tự. Nhân vật “em” luôn được trân trọng một cách tuyệt đối.
“Hey, em sao vậy? Hãy quay sang đây để tôi được ngắm ánh mắt ấy trước khi về…”
“Bao nhiêu lâu gặp lại tôi còn nhớ, khuôn mặt ấy khờ dại như đã lu mờ…”
“Nhìn lên, nhìn lên… em có điều gì muốn nói?”
“Tắt hết đèn, em muốn thấy lung linh, từ xa… Nheo mắt… Và tôi cố gắng nhớ thêm vài vùng da…”
“Vì em nhiều người sẽ chết trôi… Tôi đang tới… Tôi cầm trên tay chiếc vé một chiều…”
“Ngày chờ đợi ai về… đến đây… đón em về”
“Nếu như hồn tôi là một bức hình màu xanh… Em bước vào và trao tôi một đôi cánh…”
Việc tự ngộ nhận mình là “em” đem đến cho tôi cảm giác được chiều chuộng, thật ấm áp. Không ấm áp sao được khi mình được hỏi thăm, được quan tâm, được nghe đúng những câu nói mà mình chờ đợi. Nhân vật “tôi” (có khi xưng “anh”) luôn thường trực sự quan tâm dành cho “em” rất đặc biệt, đặc biệt đến mức tiểu tiết, rung động bởi những điều dung dị nhất từ “em”. Cái hay là, không cần đến lời “yêu” phô trương mà qua sự lo lắng, sự trân quý, mơ ước được gần bên, ánh mắt ngắm nhìn say sưa dành cho “em”, ta cảm được một tình yêu vị tha và dai dẳng vô cùng. Lời nhạc giản dị, chân thành mà vạn tiễn xuyên tâm.
Niềm hoài niệm
Tôi thích nâng niu kỷ niệm, thích viết nhật ký, thích lưu mọi tấm thiệp được tặng trong một chiếc hộp có khoá. Hình như, Cá cũng giống tôi. Nếu một ngày ngại làm người lớn, bạn muốn hoá trẻ thơ, hãy thử nghe nhạc Cá. Những suy nghĩ tiêu cực hẳn sẽ chẳng tìm đến bạn được đâu vì bạn đang “trở về và lang thang trong khu phố” ngày thơ hay đang mải mê đọc một cuốn truyện tranh tại ngôi nhà ngày xưa. Những áp lực có xâm lấn tâm trí bạn được không nếu bạn đang chìm đắm trong một ký ức tình yêu học trò?
“Nhìn từ xa em cũng như bao cô gái
Khoảnh khắc đến khi em quay lại
Em mượn anh cây viết
Anh vờ như không biết
Chỉ để nghe ai đó nhắc lại…”
Những kỷ niệm một thời ngây ngô và trong sáng như lấp lánh ngay trước mắt. Còn cuộc chạy trốn nào kỳ diệu hơn? Cảm ơn CHH đã cho tôi có lại được trọn vẹn những ngây thơ đang hao mòn, những rung cảm tưởng đã mất.
Xin phép cho tôi được lạc đề để bàn luận rộng hơn một chút, không chỉ hoài niệm mà nhìn chung, nhạc Cá bị chi phối rõ nét bởi cảm thức thời gian. Nói đến cảm thức thời gian, đây là đặc điểm nổi bật trong các tác phẩm của thi sĩ Xuân Diệu. Thi sĩ luôn luyến tiếc thời gian và khao khát níu giữ những khoảnh khắc hiện tại để tận hưởng cuộc sống. Xuân Diệu “muốn tắt nắng”, “muốn buộc gió lại” cho “màu đừng nhạt mất”, “hương đừng bay đi” hay mượn thơ để thúc giục người trẻ “Nhanh với chứ vội vàng lên với chứ/ Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm”. Âm nhạc của Cá cũng mang những tâm sự tha thiết với dòng chảy thời gian:
“Bài hát của chúng ta giờ đây là những quý ông quý bà không bao giờ già…”
“Và ta muốn trẻ lại… Và nhắm mắt tuổi thơ sẽ quay trở lại…”
“Đừng chờ quá lâu, sẽ không trẻ lại đâu”
“Nhớ lúc ấy mới như lên ba… Mình già đi nhanh quá… Thời gian luôn đùa vui”
“Tôi muốn vặn đồng hồ chạy nhanh hơn một chút…”
“Nếu như một ngày tôi không thể nhìn mặt trời lên nữa, không thể thấy một tiếng đàn say sưa…”
Có thể thấy, các bài hát của Cá Hồi Hoang thường hoài niệm, thể hiện mong muốn có thể xoay chuyển thời gian để sống lại những thời khắc trong trẻo. Trốn chạy vào quá khứ hẳn cũng là một ý tưởng hay. Nhưng nhân vật “tôi” trong nhạc Cá cũng không quên nhắc chúng ta rằng “sẽ không trẻ lại đâu”. Hoặc như trong “Ngày xa lắm”, nhân vật “tôi” vi hành đến tương lai, lo sợ thời gian trôi mau, anh nghĩ về ngày mình chết. Để rồi anh ta nhận ra, bấy giờ, điều đáng sợ nhất không phải là đau đớn về thể xác mà thật đau lòng làm sao khi ta phải rời xa những điều mình hằng trân quý. Tới đây, bạn đã nhận ra điều gì sau khi trốn chạy vào quá khứ và tương lai cùng âm nhạc Cá chưa? Cảm thức thời gian của CHH vốn dĩ đề cập đến sự tha thiết với một dòng chảy tuyến tính nhưng sau cùng lại mở ra một tinh thần không hề bi luỵ. Dù luyến tiếc quá khứ bao nhiêu, “hôm qua vẫn chỉ là hôm qua”, hiện tại vẫn là điều mà ta phải sống cùng nó. Hãy sống hết mình vì đời người hữu hạn và “không ai tắm 2 lần trên cùng một dòng sông”. Như vậy đó, trên hành trình trốn chạy khỏi cuộc sống xô bồ hiện tại, ta lại tìm thấy ý nghĩa của sự tồn tại. Ta nép vào một góc mơ mộng để thấm thía những thông điệp mới, để trở lại, hoà mình vào cuộc sống hiện tại với thái độ trân trọng.
3. Điểm đích: Trưởng thành và bình tâm
Trưởng thành
Tôi bắt đầu nghe Cá từ năm đầu vào đại học. Đến giờ, tôi đã ra trường, đã đi làm, và tất nhiên vẫn đều đều ủng hộ âm nhạc Cá. Điều tình cờ là, trong khoảng thời gian tôi chập chững vào đời, khi cuộc sống của tôi dần trở nên phức tạp hơn, âm nhạc của CHH cũng đồng thời trở nên gai góc hơn, như thể chúng tôi đang trưởng thành từng ngày cùng nhau vậy. Thật may mắn vì chúng ta thuộc cùng một thế hệ!
Ngày trước xem phim, tôi được biết người lớn hay làm tổn thương nhau vì tranh giành tình yêu, tiền bạc và địa vị. Nay lớn lên, tôi biết cuộc sống cũng như phim, thậm chí khắc nghiệt hơn. Cuộc sống như một cuộc chạy đua mà nếu bạn chậm chân sẽ là kẻ thua cuộc.
“Ai đến đây trước ai đi theo sau, ai đang bắt chước, ai đua nhau…”
Mọi người nhìn nhau để so đo hơn kém, để tự ti, để tự mãn, để ganh đua… nhiều hơn là để ngưỡng mộ và phấn đấu. Tôi cảm thấy lạc loài trong sự hỗn loạn ấy:
“Em không đi trước em không đi sau, em đang không biết em ở đâu… Tìm chưa ra thứ mới ở nơi này chắc là hiệu ứng trốn chạy…”.
Hoang mang là tâm trạng luôn thường trực. Những ai từng trải qua những năm đầu 20, hẳn đều hiểu được việc tìm ra mình “thích gì, muốn gì, phù hợp với điều gì” thật khó khăn nhường nào. Khi mông lung, tôi vin vào nhạc Cá như một điểm tựa
“Cố lên! Rồi cũng sẽ qua!”
“Không có gì là dễ dàng đâu… Khi nhìn lại nơi ta bắt đầu”
“Ôi câu trả lời, ở đâu đó trong em mà thôi”
Tôi thường tự kỷ ám thị mình bằng những câu hát ấy. Và “chiêu” này thực sự hiệu quả đó! Cuộc trốn chạy cùng âm nhạc Cá không chỉ giúp người nghe được chia sẻ, được đồng cảm mà trên hết, nó giúp ta thêm động lực vượt qua nghịch cảnh. Xoáy sâu vào mình, hiểu được chính mình, tự động viên chính mình, Cá chỉ tôi cách vượt qua áp lực như thế! Nhưng đó là ở những album trước!
Bình tâm
Đến album F(x) mới nhất, Cá Hồi không chỉ bơi ngược dòng sông mà đã vượt lên đến thác. Ta thấy một sự cứng cỏi, bản lĩnh và sâu sắc hơn. Không rõ Cá trong thời điểm hiện tại muốn truyền đạt những tư tưởng lớn hơn hay chỉ là sự suy diễn của tôi mà thôi. Như tôi đã nói ở trên, về cơ bản, trước đây, Cá thường khuyên ta tin tưởng vào ý chí nội tại để không bao giờ bỏ cuộc. Tôi đồng ý điều này. Tuy nhiên, có một khía cạnh chưa toàn diện ở thông điệp này, đó là con người vẫn bị cô lập với thế giới bên ngoài, có phần cô đơn trong những tranh đấu nội tâm quá. Là chính mình 100% nghe chừng hơi cứng nhắc và vị kỷ.
Vẫn biết, mỗi người cần “cố kiếm tìm mình” để có được hạnh phúc nhưng đặt trong thế giới khách quan, câu chuyện không đơn giản như vậy. Đến một giai đoạn nào đó trong cuộc sống, bạn buộc phải làm những điều mình không muốn để hoà nhập với sự vận hành của thế giới này. Đôi khi tôi thấy mệt mỏi vì phải gồng mình vui tươi với những “kỹ thuật cười”, “hồ sơ thô” và thậm chí cả những “mái ấm xây nên thật vội”. Nhưng trưởng thành là sao? Là chẳng sao cả, bạn hiểu rằng những vấn đề tưởng to tát ấy, đến rồi sẽ đi. Chúng ta sẽ bình thản đón nhận và tiễn đưa chúng. Trong những ca khúc mới, tôi nhìn thấy sự mở lòng nhất định.
“Bạn đã thoát hiệu ứng trốn chạy, bạn thấy ai rồi cũng như vậy”
“Hồ sơ thô, cánh hoa tươi, cây thông noel, mái ấm xây vội… rồi nằm trong bao rác, chở về cho người khác...”
Ta vẫn là ta nhưng nay không cần ở mức 100% tuyệt đối. Cuộc sống luôn có những quy luật tất yếu ta không thể thay đổi được mà chỉ có thể làm nhẹ bớt. Ta có thể chọn cách trốn vào một thế giới riêng để trấn an chính mình. Nhưng trong những tình huống phức tạp, con người buộc phải dấn thân, chấp nhận thay đổi mình, hạ thấp “cái tôi” để nhìn nhận xung quanh một cách nhẹ nhàng và để tâm hồn mình thanh tịnh. Bạn có thấy một chú Cá dạo gần đây thâm trầm và “hiền triết” hơn như tôi đang thấy không?
Trốn khỏi thực tại, tôi thu về sống với thế giới nội tâm, lấy âm nhạc làm bạn để lẩn trốn. Nếu trong lãnh địa Cá, cô gái “5am” đồng hành cùng túi đồ, ví tiền, đồng hồ để bỏ chạy thì trong tâm tưởng tôi, bỏ chạy cùng tôi là người bạn tri kỷ- âm nhạc CHH. Điều CHH muốn truyền tải thông qua chủ đề “Hiệu ứng trốn chạy” theo tôi, hướng đến một thái độ sống tích cực: Mục đích sau cuối của hành trình trốn chạy không phải là để lẩn trốn mãi cùng nỗi chán chường với những ngày khô khan, nỗi cô đơn với những tâm sự khó chia sẻ hay nỗi sợ hãi với những xô bồ cuộc sống. Ta trốn chạy để hiểu hiểu chính mình hơn, để tĩnh lại suy ngẫm về cuộc sống và để rồi trở lại đối diện với chính những éo le ấy một cách “tỉnh táo” và tìm thấy sự “cân bằng”. Có như vậy, ta mới có thể “thoát hiệu ứng trốn chạy”!