Chuyện Quảng Nam
Bài viết là một post trên facebook của nhà báo Đức Hoàng. https://www.facebook.com/hoangfaver Mọi người có thể đọc thêm các bài...
Bài viết là một post trên facebook của nhà báo Đức Hoàng.
Mọi người có thể đọc thêm các bài của chú trên VnExpress
---------------------------------------------------------------------------------------------------------
Hai tỉnh Quảng Nam
Trong mắt người ngoài như tôi, có hai tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Quảng Nam ở gần biển, với Chu Lai và Hội An, những nàng thơ của nền kinh tế Việt Nam; và một tỉnh Quảng Nam ở trên núi, với Nam Trà My, nơi xác xơ những chỏm nâu với mấy nóc nhà của người Ca Dong - những nóc nhà bị cuốn đi sau cơn sạt lở, làng này rồi lại đến làng kia. Như đêm qua, mấy chục người nữa lại chết.
Tôi đã viết về Trà Vân. Đó là năm 2018, chúng tôi đi xây một ngôi trường mới cho vùng tái định cư sau cơn lũ. Cũng lại là cả một ngôi làng biến mất sau cơn mưa, chỉ còn tiếng gào khóc của những người (không may) phải sống. Bài viết ấy, mở đầu bằng một người cha bế đứa con đi trên núi trong cơn mưa. Người ta lấy ô che đầu, anh mếu máo: "Con chết rồi, che làm chi nữa".
Năm nay lũ lại để lại những con người "phải sống" như thế.
Ở Quảng Nam phía Đông, thỉnh thoảng bạn hờ hững liếc nhìn những tờ hóa đơn, bảy hay mười triệu gì đó, cho một hai đêm nghỉ và một bữa cơm với rau muống xào, và hờ hững đặt cái thẻ nhựa lên quầy lễ tân resort. Bạn đặt nhẹ thôi, vì sợ người ta quay sang nhìn và phát hiện ra thẻ của mình có màu sắc sặc sỡ, không phải màu đen như họ. Có thể là lúc nhận hóa đơn bạn mới biết giá phòng, vì đây là Cửa Bàng, là Hội An, đây là nơi thị dân như bạn đến vì không còn muốn suy nghĩ gì nữa. Bạn cứ nhìn ảnh đèm đẹp trên Booking rồi nhấn.
Bạn chỉ nhớ có nắng, trên những tán cây bàng hình như lá rất dày so với bàng ngoài Bắc, và xanh đậm hơn, hắt bóng xuống những bức tường vàng. Trong ngõ nhỏ, có quán cao lầu, cô chủ quán đã nhiều tuổi, ăn xong tự dưng đuổi theo dúi cho bạn mười ngàn. "Lúc nãy có 2 thằng Tây nên phải lấy con giá đó, người Việt chỉ hai lăm ngàn một tô thôi". Chả biết nghĩ sao, thấy tức tức thương thương.
Ở Quảng Nam phía Tây, bạn đi qua thăm thẳm những con đường đất nắng gắt, bước vào cổng một ủy ban xã. Một chái nhà tôn, có mấy cái bàn đã mọt, một bên là đồng chí lãnh đạo xã nói tiếng Kinh theo accent đồng bào nghe không hiểu nổi; một bên chất đầy gạo cứu trợ của Hàn Quốc. Tôi cũng chẳng hiểu lắm việc cường quốc lúa gạo số 1 thế giới nhận gạo cứu trợ của Hàn Quốc. Nhưng tôi không tìm hiểu nữa; mọi thứ trông xơ xác quá rồi, nên thậm chí chẳng cần thêm một lời chì chiết. Chỉ là đồng bào thiếu đói, phải cho gạo ăn thôi, là quá đủ rồi.
Ngoài cổng ủy ban là lá cờ Đảng treo ngược, có vết rách to bằng bàn tay. Lá cờ bạc màu, chắc treo ở đấy đã lâu. Cờ Đảng treo ngược rất dễ nhận ra, nhưng chắc đồng bào, và cả anh chủ tịch xã người đồng bào, cũng không thực sự hiểu ý nghĩa của cái biểu tượng đó - hay là ý nghĩa của sự xuất hiện của nó ở đây.
Ở Quảng Nam phía Đông, bạn nhìn thấy những điều thần kỳ kinh tế, thốt lên những tiếng wow khi đi ngang qua siêu nhà máy của THACO, và những resort xinh đẹp. Những resort mà người phục vụ Quảng Nam ấy, trong tà áo dài, nhớ năm ngoái bạn đã ăn gì: "Dà, bọn em cũng không có mấy khách trong nước".
Ở Quảng Nam phía Tây, người ta chỉ cho bạn những vết cào suốt từ đỉnh núi xuống vực. Những vết sạt lở. Những vết cào chi chít khắp dãy núi đã trọc bóng cây, có những vệt đủ lớn để cuốn đi ba bốn mươi mạng người. Như đêm qua. Như đêm nào của năm trước. Liên tiếp. Họ sẽ làm lại cuộc đời, đặt những bát hương vào góc một chái nhà tạm rồi làm lại cuộc đời, nhưng có những đôi mắt người cha, người chồng, người mẹ, tôi nhìn vào và biết họ không thấy may mắn vì được sống.
Nếu tôi là lãnh đạo Quảng Nam, tất nhiên tôi sẽ tập trung cho những gì đang diễn ra ở phía Đông - có bao nhiêu triển vọng kim tiền và triển vọng thăng tiến nếu tôi làm tốt, báo cáo tốt những gì ở đó. Tất nhiên, cũng có lúc người ta hỏi lãnh đạo Quảng Nam về phía Tây. Ví dụ, giữ rừng như thế nào. Năm nọ, chủ tịch tỉnh Nguyễn Xuân Phúc, tuyên bố: Còn phá rừng, tôi sẽ từ chức. Được có hai năm, sau khi khu kinh tế mở Chu Lai ra đời và sân bay Chu Lai hoàn thành, chính phủ lại đưa vị chủ tịch ấy ra trung ương mất. Trong tám năm sau lời tuyên bố, diện tích rừng giảm mấy chục phần trăm, không ai từ chức.
Viết về Trà Vân, về ký ức Tây Quảng Nam và những sườn núi nơi người Ca Dong loay hoay tìm miếng ăn sẽ rất dài. Hoặc rất ngắn. Vì sắp chẳng còn sườn núi, cũng khan hiếm miếng ăn.
Năm kia, chúng tôi đem vào trong lớp học ở Trà Vân giấy và bút sáp màu. Tôi nhờ cô giáo trường làng tổ chức cho bọn trẻ vẽ tranh về ngôi trường mơ ước. Đấy thật ra là một pha xử lý content mẫu mực và hứa hẹn đẹp mắt theo kiểu Arjen Robben trước khung thành thôi, Đức Hoàng mà. Ngôi trường mơ ước của ngôi làng đã bị vùi trên núi. Tôi dự định sẽ làm product thật lồng lộn.
Những bức tranh bây giờ vẫn được bày ở văn phòng của HOPE Foundation. Chúng vẫn có ý nghĩa như là kỷ niệm của chúng tôi. Nhưng tôi đã cố viết về chúng rất nhiều lần. Không lần nào tôi tìm thấy được gì trong những bức tranh đó. Tối hôm qua cũng thế, tôi lại giở ra. Đó chỉ là những hình ảnh rời rạc mà lũ trẻ đã may mắn thấy trong những cuốn sách thưa thớt người ta đem đến, hay thầy cô vẽ phấn lên bảng. Chúng không giống gì với tranh của thằng Hoàng Anh cùng tuổi ở nhà, đầy các loại chi tiết phản ánh đời sống tinh thần của đứa trẻ; không có tầng ý nghĩa nào được thêm vào những hình dạng sao chép (ô tô? bồn hoa? máy bay?). Không, bao nhiêu kinh nghiệm phát hiện và nâng tầm chi tiết của tôi vô vọng trước mấy chục bức tranh.
Rồi tôi bỏ cuộc. Thôi đi, sáo bỏ mẹ, ước mơ cái gì.
Trong mắt người ngoài như tôi, có hai tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Quảng Nam ở gần biển, với Chu Lai và Hội An, những nàng thơ của nền kinh tế Việt Nam; và một tỉnh Quảng Nam ở trên núi, với Nam Trà My, nơi xác xơ những chỏm nâu với mấy nóc nhà của người Ca Dong - những nóc nhà bị cuốn đi sau cơn sạt lở, làng này rồi lại đến làng kia. Như đêm qua, mấy chục người nữa lại chết.
Tôi đã viết về Trà Vân. Đó là năm 2018, chúng tôi đi xây một ngôi trường mới cho vùng tái định cư sau cơn lũ. Cũng lại là cả một ngôi làng biến mất sau cơn mưa, chỉ còn tiếng gào khóc của những người (không may) phải sống. Bài viết ấy, mở đầu bằng một người cha bế đứa con đi trên núi trong cơn mưa. Người ta lấy ô che đầu, anh mếu máo: "Con chết rồi, che làm chi nữa".
Năm nay lũ lại để lại những con người "phải sống" như thế.
Ở Quảng Nam phía Đông, thỉnh thoảng bạn hờ hững liếc nhìn những tờ hóa đơn, bảy hay mười triệu gì đó, cho một hai đêm nghỉ và một bữa cơm với rau muống xào, và hờ hững đặt cái thẻ nhựa lên quầy lễ tân resort. Bạn đặt nhẹ thôi, vì sợ người ta quay sang nhìn và phát hiện ra thẻ của mình có màu sắc sặc sỡ, không phải màu đen như họ. Có thể là lúc nhận hóa đơn bạn mới biết giá phòng, vì đây là Cửa Bàng, là Hội An, đây là nơi thị dân như bạn đến vì không còn muốn suy nghĩ gì nữa. Bạn cứ nhìn ảnh đèm đẹp trên Booking rồi nhấn.
Bạn chỉ nhớ có nắng, trên những tán cây bàng hình như lá rất dày so với bàng ngoài Bắc, và xanh đậm hơn, hắt bóng xuống những bức tường vàng. Trong ngõ nhỏ, có quán cao lầu, cô chủ quán đã nhiều tuổi, ăn xong tự dưng đuổi theo dúi cho bạn mười ngàn. "Lúc nãy có 2 thằng Tây nên phải lấy con giá đó, người Việt chỉ hai lăm ngàn một tô thôi". Chả biết nghĩ sao, thấy tức tức thương thương.
Ở Quảng Nam phía Tây, bạn đi qua thăm thẳm những con đường đất nắng gắt, bước vào cổng một ủy ban xã. Một chái nhà tôn, có mấy cái bàn đã mọt, một bên là đồng chí lãnh đạo xã nói tiếng Kinh theo accent đồng bào nghe không hiểu nổi; một bên chất đầy gạo cứu trợ của Hàn Quốc. Tôi cũng chẳng hiểu lắm việc cường quốc lúa gạo số 1 thế giới nhận gạo cứu trợ của Hàn Quốc. Nhưng tôi không tìm hiểu nữa; mọi thứ trông xơ xác quá rồi, nên thậm chí chẳng cần thêm một lời chì chiết. Chỉ là đồng bào thiếu đói, phải cho gạo ăn thôi, là quá đủ rồi.
Ngoài cổng ủy ban là lá cờ Đảng treo ngược, có vết rách to bằng bàn tay. Lá cờ bạc màu, chắc treo ở đấy đã lâu. Cờ Đảng treo ngược rất dễ nhận ra, nhưng chắc đồng bào, và cả anh chủ tịch xã người đồng bào, cũng không thực sự hiểu ý nghĩa của cái biểu tượng đó - hay là ý nghĩa của sự xuất hiện của nó ở đây.
Ở Quảng Nam phía Đông, bạn nhìn thấy những điều thần kỳ kinh tế, thốt lên những tiếng wow khi đi ngang qua siêu nhà máy của THACO, và những resort xinh đẹp. Những resort mà người phục vụ Quảng Nam ấy, trong tà áo dài, nhớ năm ngoái bạn đã ăn gì: "Dà, bọn em cũng không có mấy khách trong nước".
Ở Quảng Nam phía Tây, người ta chỉ cho bạn những vết cào suốt từ đỉnh núi xuống vực. Những vết sạt lở. Những vết cào chi chít khắp dãy núi đã trọc bóng cây, có những vệt đủ lớn để cuốn đi ba bốn mươi mạng người. Như đêm qua. Như đêm nào của năm trước. Liên tiếp. Họ sẽ làm lại cuộc đời, đặt những bát hương vào góc một chái nhà tạm rồi làm lại cuộc đời, nhưng có những đôi mắt người cha, người chồng, người mẹ, tôi nhìn vào và biết họ không thấy may mắn vì được sống.
Nếu tôi là lãnh đạo Quảng Nam, tất nhiên tôi sẽ tập trung cho những gì đang diễn ra ở phía Đông - có bao nhiêu triển vọng kim tiền và triển vọng thăng tiến nếu tôi làm tốt, báo cáo tốt những gì ở đó. Tất nhiên, cũng có lúc người ta hỏi lãnh đạo Quảng Nam về phía Tây. Ví dụ, giữ rừng như thế nào. Năm nọ, chủ tịch tỉnh Nguyễn Xuân Phúc, tuyên bố: Còn phá rừng, tôi sẽ từ chức. Được có hai năm, sau khi khu kinh tế mở Chu Lai ra đời và sân bay Chu Lai hoàn thành, chính phủ lại đưa vị chủ tịch ấy ra trung ương mất. Trong tám năm sau lời tuyên bố, diện tích rừng giảm mấy chục phần trăm, không ai từ chức.
Viết về Trà Vân, về ký ức Tây Quảng Nam và những sườn núi nơi người Ca Dong loay hoay tìm miếng ăn sẽ rất dài. Hoặc rất ngắn. Vì sắp chẳng còn sườn núi, cũng khan hiếm miếng ăn.
Năm kia, chúng tôi đem vào trong lớp học ở Trà Vân giấy và bút sáp màu. Tôi nhờ cô giáo trường làng tổ chức cho bọn trẻ vẽ tranh về ngôi trường mơ ước. Đấy thật ra là một pha xử lý content mẫu mực và hứa hẹn đẹp mắt theo kiểu Arjen Robben trước khung thành thôi, Đức Hoàng mà. Ngôi trường mơ ước của ngôi làng đã bị vùi trên núi. Tôi dự định sẽ làm product thật lồng lộn.
Những bức tranh bây giờ vẫn được bày ở văn phòng của HOPE Foundation. Chúng vẫn có ý nghĩa như là kỷ niệm của chúng tôi. Nhưng tôi đã cố viết về chúng rất nhiều lần. Không lần nào tôi tìm thấy được gì trong những bức tranh đó. Tối hôm qua cũng thế, tôi lại giở ra. Đó chỉ là những hình ảnh rời rạc mà lũ trẻ đã may mắn thấy trong những cuốn sách thưa thớt người ta đem đến, hay thầy cô vẽ phấn lên bảng. Chúng không giống gì với tranh của thằng Hoàng Anh cùng tuổi ở nhà, đầy các loại chi tiết phản ánh đời sống tinh thần của đứa trẻ; không có tầng ý nghĩa nào được thêm vào những hình dạng sao chép (ô tô? bồn hoa? máy bay?). Không, bao nhiêu kinh nghiệm phát hiện và nâng tầm chi tiết của tôi vô vọng trước mấy chục bức tranh.
Rồi tôi bỏ cuộc. Thôi đi, sáo bỏ mẹ, ước mơ cái gì.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất