Bài viết gốc được đăng tải tại Đây. Hãy like page Ăn Sách trên Facebook để ủng hộ tác giả.
Me, expect  nothing
Me, expect nothing
“Chuột chạy cùng rào mới vào sư phạm”. Tôi không biết vua của cấc nghề là gì chứ cu li của các nghề tôi kể được một vài. Tôi có ông anh 22 tuổi tên Onizuka, bỏ ngang sang làm giáo viên. Nhà cửa không có. Gái gú nghe đến là tránh xa.
Dễ thấy giáo dục ở Việt Nam chưa bao giờ hết vấn đề. Tranh cãi tạm thời dăm bữa nửa tháng nếu không phốt giáo viên thì lại có ai đó nói gì đó tranh cãi, tệ hơn thì gần đây có vụ giáo viên tự tử trước mặt ban giám hiệu. Những vấn đề cố hữu không hề thiếu. Và cải cách thì mỗi năm 1 lần. Nhưng chỉ là “bản lề” cho cải cách năm sau. Liệu có phải có ai đó chúng ta chưa hỏi ý kiến? Như... học sinh chẳng hạn? Một thứ gì đó chúng ta chưa làm? Cải cách? Đổi Mới? Không. Hay là... Cách Mạng???
Cách mạng, đó là những gì nhà Giáo dục nổi tiếng Thế Giới Paolo Freire đã nói đến trong cuốn sách Giáo dục cho kẻ bị áp bức của mình. Nhưng tôi đang cầm đèn chạy trước ô tô.
1.
Hãy nói về quá khứ trước.
Theo chủ nghĩa Marx, Giáo dục là một phần của kiến trúc thượng tầng (Superstructre), cùng với Tôn giáo,pháp luật,.v.v... . Chúng được chi phối bởi Ý thức hệ của xã hội đương đại và, một cách tự nhiên, bảo vệ cấu trúc xã hội đó. Nó chi phối và được chi phối ngượi lại bởi Cơ sở Hạ tầng (Base) là nền móng kinh tế, tất cả mọi thứ liên quan đến kinh tế như dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng, nhà máy, người lao động,... . Giáo dục buổi sơ khai được dành cho những tầng lớp nhất định củng cố khả năng của họ trong việc lãnh đạo. Trẻ em quý tộc ở Trung Hoa, Ấn Độ đều được học những môn nghệ thuật, kinh sách, binh thư, trong khi trẻ em thường dân sẽ học ở cha mẹ chúng những thứ thiết yếu như nông nghiệp, thủ công nghiệp,... . Thương Ưởng nước Tần là 1 trong những người đầu tiên muốn hạn chế quyền lục quý tộc và gia tăng cơ hội thăng tiến cho tầng lớp dưới nhưng chủ yếu là nhờ quân công. Năm 587, Tùy Văn Đế ban đạo dụ cứ 3 năm 1 lần mở khoa thi. Và sang triều Đường thì đặt khoa cử chế.và hệ thống hóa việc tuyển hiền tài trong cả nước.
Thi cử đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhà nước Trung Hoa cổ đại và từ đó là các quốc gia Á Đông Nho học khác bao gồm cả Việt Nam. Nhà chính trị học người Mỹ Francis Fukuyama cho rằng TQ là nhà nước được hình thành sớm nhất. Ông sử dụng định nghĩa của Max Weber "nhà nước hiện đại thì không dựa trên quan hệ bạn bè và gia đình. Việc tuyển dụng vào làm việc không được căn cứ vào mối quan hệ riêng với người nắm quyền lực. Thay vào đó, họ cần phải được đối xử khách quan với tư cách là những công dân có những khoảng cách nhất định đối với người cầm quyền. Điều này là đi ngược lại với các nhà nước thời xưa được điều hành bởi các mối quan hệ gia đình hay dòng tộc của kẻ cầm quyền."
Trong văn hoá Á Đông, nghề nghiệp tri thức mang giá trị xã hội rất cao. Mọi công việc tri thức đều được xã hội trọng vọng. 1 phần là bởi nó nhàn hơn công việc đồng áng. Phần khác là bởi các quan lại, lãnh đạo quốc gia được lựa chọn thông qua thi cử. Tri thức, kiến thức là dấu hiệu của quý tộc, tầng lớp cao.
Tuy vậy không phải ai cũng có điều kiện học hành. Trẻ em nông dân không có tiền mua sách, không có thời gian học khi dành cả ngày bên ngoài ruộng đồng. Các tiến sĩ, trạng nguyên xưa, nếu không xuất thân trung lưu, khá giả hay thậm chí quan lại như cả nhà Nguyễn Du, thì có thể ở rể như Nguyễn Phi Khanh, Lê Nại, làm môn khách và được các quý tộc tài trợ, tiến cử như Mạnh Thường Quân với Phùng Hoan, Trần Ích Tắc với Mạc Đĩnh Chi và Trần Hưng Đạo với Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu,... , hoặc hiếm hoi thì phải là những tấm gương vượt khó mà bố mẹ bạn sẽ lấy ví dụ mỗi lần ăn cơm. Cho đến cmt8, 90% dân chúng vẫn không biết chữ, bởi họ không cần. Nếu học phải xác định việc học là sự nghiệp và công cụ kiếm sống chủ yếu, đầu tư thời gian, tiền bạc. Nếu không thì tốt hơn nên làm nông. Hình ảnh phổ biến của sĩ tử dài lưng tốn vải, ông, bà, bố, mẹ, vợ,... Đi làm để nuôi 1 ông học trò ăn học lều chõng là vậy. Hoặc là ăn học cả đời không phải động tay, đổ mồ hôi, như Tú Xương trong bài thơ Thương vợ hoặc làm nông và hy vọng con cái được học hành tử tế.
Nhờ vào các thầy đồ, Những người học chữ nhưng không trở thành lãnh đạo, việc giáo dục được phổ cập, Tư tưởng của tầng lớp thống trị vẫn được tiếp tục truyền đến cho người dân. Thầy đồ không chỉ đem lại cơ hội biết chữ mà là cơ hội leo cao bậc thang xã hội.
Thầy đồ/giáo viên vì vậy rất được coi trọng, là nghề nghiệp cao quý nhất trong xã hội Nho giáo. Họ là đại diện cho chế độ Nho giáo, đại diện cho sự công bằng về cơ hội thăng tiến và thứ bậc xã hội. Đồng thời nghề giáo là 1 trong những công cụ quan trọng nhất của chế độ, để bảo đảm sự ổn định của nó, đảm bảo tư tưởng và thứ bậc Nho giáo sẽ tiếp tục tồn tại, đào tạo các thế hệ kế cận duy trì nó,... .
Nhưng trường học không chỉ mang trách nhiệm đào tạo, nó còn mang trách nhiệm kiểm soát học sinh, kiểm soát dục vọng, kiểm soát bản chất ác của đứa trẻ trước khi để nó tham gia vào cộng đồng. Trường học chuẩn bị để đào tạo một tầng lớp công dân hữu ích cho xã hội.
Ở phương Tây, các trường học bắt đầu được mở ở các Nhà Thờ. Với thánh Agustine, nhà thần học, triết học La Mã, một người có ảnh hưởng trong lịch sử tư tưởng công giáo, bản chất của con người là bị cám dỗ bởi tội lỗi. Tội Tổ Tông là 1 trong những ý tưởng quan trọng của ông. Con người sống và phải chiến đấu cả đời với những cám dỗ ẩn sâu bên trong mình. Trách nhiệm đào tạo tầng lớp công dân phục vụ xã hội tiếp tục được kế thừa qua các cuộc cách mạng công nghiệp. Như đã nói ở trên, sự thay đổi của cơ sở Hạ tầng, những nhà máy cần công nhân với trình độ lao động kĩ thuật nhất định, khả năng đọc viết, tuân thủ giờ giấc và hành động rập khuôn đòi hỏi sự thay đổi của kiến truc Thượng tầng như hệ thống Giáo dục. Sa Hoàng Ctherine II bổ nhiệm Ivan Betskoy làm cố vấn giáo dục bởi đề xuất tạo ra ‘công dân mới”. Những năm 1800 chính quyền Phổ bắt đầu tổ chức nền giáo dục phổ cập và cưỡng bách.
2.
Việt Nam hiện tại có kế thừa nền Giáo dục phổ cập phương Tây và những tư tưởng, mối quan hệ thầy trò phương Đông như trên.Nó ảnh hưởng thế nào đến cách Giáo viên làm việc trong lớp học?Nó vừa đặt vào tay giáo viên quyền lực nhưng cũng đặt họ cái trách nhiệm và gánh nặng của "nghề giáo thiêng liêng". Trong các thể chế chính trị, quyền lực được phân chia làm nhiều nhánh kiểm soát lẫn nhau hoặc có các cơ quan thanh kiểm tra, và những người nắm quyền, các cơ quan nhà nước có nhiệm vụ giải trình, có trách nhiệm với chính quyền và nhân dân. Nhưng với quyền lực tuyệt đối của gv trong lớp học, đơn thuần ko có cái đó. Các giáo viên không bh phải tự hỏi bản thân: những quy định mình hay nhà trường đặt ra có hợp lý hay ko. Hs ko ở vào vị thế có thể chất vấn giáo viên. Tại sao con trai ko dc để tóc dài, tại sao con gái phải mặc áo dài đầu tuần,... . Những quy định ấy dựa vào đâu và liệu có thực sự cần thiết không? Giống như kiến thức được nhồi vào đầu qua học thuộc, bản chất những quy định trong trường học cũng hoàn toàn xa lạ với học sinh.
Nếu học sinh ko thể tuân thủ những quy định mà nhà trường và gv đơn phương đặt ra thì đó là lỗi của chúng. Trong 1 xã hội, hiến pháp phải dc trưng cầu dân ý, phải là 1 khế ước xh được nhân dân và nhà nước đồng thuận thông qua đối thoại. Nếu ko đặt được đồng thuận hay nhà nước ko đối thoại vs người dân thì kết quả sẽ là mâu thuẫn. Nhưng mâu thuẫn giữa Học sinh và giáo viên không bao giờ được giải quyết. Học sinh chưa bao giờ được đặt vào vị trí đối thoại ngang hàng vs giáo viên. Ngay cả việc nói trong lớp học chỉ giáo viên mới được quyền nói. Ngay cả nhu cầu cá nhân và căn bản của con người như đi WC, ăn, học sinh cũng ko thể tự do thực hiện mà phải chờ sự đồng ý của giáo viên.
Những quy định của 1 trường học chỉ có nguy cơ bị thay đổi khi nó ảnh hưởng đến người lớn, ví dụ như khi tiền học phí quá cao và bất cập.
Chúng ta chưa bao giờ coi trẻ em là người hoàn chỉnh, nó là 1 phần của gia đình hoặc nhà trường, chúng không được phép chất vấn thế giới và ra quyết định cho đến khi 18 tuổi. Chúng được dạy về những người đã thay đổi thế giới nhưng không được khuyến khích làm theo. Nếu chúng tò mò và muốn chất vấn thế giới thì không nên làm gì hết. Chúng được khuyến khích tư duy phản biện nhưng chỉ khi cãi nhau trên Trường teen. Nếu muốn tư duy phản biện khi học văn thì phải phản biện “đúng cách”.
Khi đã có quy định và luật thì sẽ có hình phạt. Hình phạt chưa bao giờ là biện pháp hiệu quả để giáo dục. Đặc biệt là bạo lực. Các nhà nghiên cứu đã dành hàng thập kỉ để chứng minh hình phạt thể chất để lại hậu quả về mặt tâm lý và tạo ra lối suy nghĩ rằng bạo lực có thể giải quyết được vấn đề.(e.g., Straus 1994, Hyman 1990). Nhà sư phạm học người Mỹ Alfie Kohn đã chỉ ra hình phạt có hiệu quả nhất thời bởi nó là hành động áp đặt quyền lực nhằm điều chỉnh hành vi, ko phải để giáo dục con người phía sau hành vi ấy. Và nó có khả năng phản tác dụng nếu con người đó không thay đổi. Trong cuốn Beyond Disciplines, ông đã phân tích về vấn đề với kỉ luật lớp học: Bản thân hình phạt không có tính giáo dục. Nó nhằm gửi một thông điệp rằng giáo viên có quyền lực để điều khiển hành vi của học sinh.
Tính giáo dục chỉ đến khi học sinh hiểu sao việc mình làm là sai. Phần lớn thời gian, học sinh hiểu những thứ như không làm bài tập, bỏ học, sao lại sai. Nhưng nó không đến từ hình phạt. Đôi khi chúng không hiểu. Sao không được trang điểm, sao không được để tóc dài, sao phải mặc đồng phục,... . Hậu quả là chúng chỉ tuân thủ khi cần thiết (aka, chỉ ở trong khuôn viên trường, chỉ ở trước mặt giáo viên,...). Với chúng đó chỉ đơn giản là quy định của nhà trường muốn chúng thực hiện, không phải là cái gì đó muốn tốt cho chúng. Và chúng sẽ không thể hiểu được tại sao điều này là đúng, hay giáo viên sẽ không biết liệu mình có sai nếu như không có đối thoại.
Đối với học sinh, mối quan hệ với các giáo viên nghiêm khắc, thầy cô giáo vụ, cx ko phải là thầy trò, cha con. Nó là giữa kẻ phạm luật và cảnh sát. Giáo vụ hay giaó viên kỉ luật tồn tại chỉ để áp đặt luật pháp lên chúng.
Thông điệp hình phạt gửi cũng là “vấn đề có thể giải quyết bằng hình phạt”. Giáo viên, phụ huynh thông qua phương pháp giáo dục ngân hàng (sẽ nói ở phía dưới) là toàn bộ Hệ thống giá trị mà học sinh biết. Và nếu họ giải quyết vấn đề bằng hình phạt, và chúng vẫn có thể lớn lên thành những con người có ích cho xã hội, tức là hình phạt hữu hiệu. Và vòng đời của hình phạt tiếp tục.
Alfie Kohn chỉ ra rằng, câu hỏi của hình phạt là "Mình muốn học sinh/Giáo viên muốn học sinh cư xử thế nào?" Không phải là "Cái gì là tốt cho học sinh?"
Đã có cây gậy sẽ có củ cà rốt. Phần thưởng cũng không khá hơn. Khi dùng củ cà rốt, giáo viên và phụ huynh vẫn không giáo dục được học sinh. Đó vẫn là 1 rèn luyện thú nuôi kiểu Pavlov, thay vì gán "sai lầm=hình phạt", ta đặt "đúng = phần thưởng" và hy vọng hs làm theo, ko chắc chúng biết cái gì là đúng, là sai.
Như triết gia Đức Immanuel Kant đã nói rằng: “If you punish a child for being naughty, and reward him for being good, he will do right merely for the sake of the reward; and when he goes out into the world and finds that goodness is not always rewarded, nor wickedness always punished, he will grow into a man who only thinks about how he may get on in the world, and does right or wrong according as he finds either of advantage to himself.”
3.
Vậy Giáo viên phải làm gì?
Paulo Freire là nhà triết học và sư phạm nổi tiếng người Brazil được coi là người sáng lập Phê bình Su phạm (Critical Pedagogy). Ông có ảnh hưởng rất lớn ở các nước Bán Cầu Nam và cựu thuộc địa khi tham gia các chương trình xóa mù chữ, đòi bình đẳng, “tái Châu Phi hóa” (re-Africanization) cùng UNESCO ở các quốc gia này. Vào năm 1968, ông xuất bản Sư Phạm cho kẻ Bị Trị (Pedagogy of the Oppressed) cuốn sách khoa học xã hội được trích dẫn nhiều thứ 3 theo Google Scholar. Trong cuốn sách, Paulo Freire sử dụng “ngân hàng” để miêu tả phương pháp giáo dục truyền thống (Banking concept of education). Theo Freire, đối với Kẻ thống trị, mọi thứ đều trở thành vật để sở hữu, bao gồm cả con người và kiến thức, thế nên đi tìm kiếm tự do tức là khôi phục nhân tính cho cả kẻ thống trị lẫn bị trị, và ngược lại. Kiến thức là một loại tài sản bất di bất dịch mà Tư tưởng thống trị chia cho các giáo viên. Đến lượt mình, các giáo viên lại nhồi vào đầu học sinh như một khách hàng gửi tài sản vào ngân hàng. Càng nhiều tài khoản mang số tài sản này giá trị của nó càng lớn. Đó là bản chất của giáo dục truyền thống. Trong hoạt động này chỉ có 1 người duy nhất chủ động là giáo viên và hành động của họ là duy trì tài sản cho hệ thống. Học sinh chỉ việc tiếp nhận “kiến thức”, những thông tin hoàn toàn xa lạ mà chúng không hiểu ý nghĩa cũng như giá trị, thuộc lòng, lặp lại và khi có đủ thì sẽ được đánh giá qua các bài kiểm tra để tham gia vào xã hội. Chúng là những lá phiếu thông hành đối với xã hội. Các bài kiểm tra không chỉ đánh giá số lượng “tài sản” cá nhân tích lũy được mà còn đánh giá khả năng vượt qua chính các bài kiểm tra đó. Dần dà chúng ta dần quan tâm tới việc đầu tư để vượt qua các bài kiểm tra hơn chính kiến thức.
Những kiến thức này và cả học sinh, đối với Freire là những “đồ vật”, không sống. Học sinh chỉ cần học thuộc, biết được càng nhiều những thông tin này càng tốt. Chúng không biết những thông tin này để làm gì, sử dụng ra sao bởi hệ thống không cần học sinh phải biết. “Tài sản” không sống, chúng không thay đổi, chúng không được phép thay đổi. Hệ tư tưởng cần chúng bất di bất dịch bởi chỉ “tài sản” ổn định mới đảm bảo giá trị của nó. Và cũng đồng thời đảm bảo sự độc tôn của tư tưởng thống trị ấy. Tư duy phản biện không được khuyến khích, bởi nó không cần được khuyến khích. (Và không nên lầm tưởng nó với kiểu tư duy cãi nhau của “trường Teen”, khi chiến thắng tranh luận là mục tiêu chứ không phải kiến thức). Và Hệ tư tưởng dần gạn ra những tầng lớp phù hợp với nó, một cách tự nhiên. Đó là những con người có điều kiện để tiếp xúc với “đúng loại” kiến thức, đúng bài kiểm tra.
Đơn cử chuyện biến Ielts thành một tiêu chuẩn mới xét tuyển vào đại học. (Tưởng đã cố chuẩn hóa giáo dục ngoại ngữ?) Không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận và học IELTS khi một khóa học giá tiền triệu, Những người không sống ở phố (Tức là phần lớn dân chúng?) thì còn chảng có cơ hội tiếp cận, học, thi,... . Khi biến nó thành chuẩn và vào đjai học mọi người đều học theo chương trình đó thì những người chưa từng có điều kiện học sẽ biết làm thế nào?
Và không chỉ IELTS. IELTS chỉ là 1 trong số vô vàn biểu tượng được gán với tầng lớp trung lưu và thượng lưu, bởi gần như chỉ có họ mới có khả năng đạt đến. Họ gán biểu tượng đó vào tri thức, để rồi dùng chính những biểu tượng ấy để hợp thức hoá sự phân tầng giai cấp: "Tôi giàu vì tôi giỏi". Khi những trường đại học lớn không còn đủ để chứng minh, họ du học. Cho dù rất khó khăn với học sinh thành thị hay tầng lớp khá giả để tìm được suất học bổng, cũng như để ôn luyện IELTS, nhưng họ có cơ hội để làm điều đó. Xuất phát điểm của họ có các mối quan hệ, các luồng thông tin hay đơn giản chỉ là tiện lợi hơn trong việc liên hệ với các trung tâm dịch vụ,... .
Nhà triết học, xã hội học Pháp Pierre Bordieu đã viết về Vốn Văn Hoá và Vốn Xã Hội bên cạnh vốn tư bản trong "Forms of Capital". Giống như vốn tư bản đối với Marx, tầng lớp thống trị có thể tích lũy, truyền cho thế hệ sau vốn văn hoá và vốn xã hội, và càng nhiều vốn thì càng có nhiều quyền lực. Cả 3 liên hệ mật thiết với nhau, tạo thành Vốn Biểu Tượng, đem lại những đặc quyền đặc lợi mà chỉ những người có tài sản (vốn tư bản), mối quan hệ rộng (vốn xã hội), và kiến thức xã hội, trình độ văn hoá, lễ nghi, cách cư xử, ăn nói, thời trang trùng hợp với giao thức xã hội hình thành qua trải nghiệm của tầng lớp thống trị, dành cho tầng lớp này(vốn văn hoá). Thông qua giáo dục và truyền thông, cách cư xử, lễ nghi của tầng lớp cao trở thành tiêu chuẩn của xã hội mà người người hướng tới. Điều đó củng cố sự hợp pháp của tầng lớp cao hơn với vị trí của họ. Những kẻ không cư xử đúng với tầng lớp của mình ("không ra dáng lãnh đạo") sẽ bị phê bình bởi xã hội. Điều đó dần trở thành chân lý.
Khi kiến thức không được phản tư, phản biện, tìm hiểu, và bắt buộc bị chấp nhận như chân lý, thế giới và xã hội cũng trở nên tù đọng, vật hoá. Giáo dục không còn tạo ra những chủ thể chủ động thay đổi thế giới mà tạo ra những vật thích nghi và tồn tại. Chúng chấp nhận mọi chân lý được đặt ra. Mỗi một chân lý được chấp nhận mà không được xem xét lại là một huyền thoại che mờ đi bản chất thực của thế giới. Thế giới là gì? Freire hỏi một nông dân ít học, “Nếu vạ miệng, con người biến mất hết thì thế giới vẫn còn đó chứ?” “Không, thế thì không ai gọi nó là thế giới cả.”
Thê giới là kiến tạo của con người, Thông qua quá trình giao tiếp, đối thoại giữa con người với con người với nhau, họ cùng nhau đặt tên cho thế giới. Con người không chỉ sống trong thế giới mà cùng với thế giới, là chủ thể. Động vật không có lịch sử, không thể tách rời bản thân khỏi thế giới hiện tại nhưng con người thì có và có thể nhìn thấy quá trình lịch sử, giới hạn hành động của bản thân để thay đổi thế giới xung quanh mình.
Phương pháp Giáo dục mà Freire đề nghị là Phương pháp Đặt vấn đề (Problem-posing Method). Giáo viên sẽ cùng học sinh nhìn vào thế giới một cách khách quan và cùng nhau trao đổi, phân tích để tìm ra sự thật. Mỗi cá nhân đều đưa ra góc nhìn của mình để đóng góp vào nhận thức chung, thay vì chấp nhận những kiến thức xa lạ là chân lý. Và mọi cá nhân đều bình đẳng, kể cả giáo viên cũng có thể học được điều gì đó từ góc nhìn của học sinh mình và ngược lại. Trên thực tế, không có chân lý hiển nhiên nếu không được xem xét.Giáo viên hay học sinh buộc phải xem xét, phân tích nguyên nhân, các tiến trình lịch sử dẫn đến sự thật đó. Đối thoại là hành động quan trọng nhất. Trong phương pháp Giáo dục ngân hàng, chỉ có giáo viên độc thoại và là chủ thể duy nhất. Nhưng PP đặt vấn đề yêu cầu sự chủ động từ tất cả các cá nhân để đi đến tận cùng của chân lý. Con người phải có tư duy phản biện, để phản tư về thế giới và đi đến kết quả là hành động. Phản tư và hành động vì thế không thể tách rời nhau để cải thiện thế giới. Chỉ khi chủ động tìm ra sự thật, đó mới là kiến thức.
Theo Freire, để rũ bỏ được tư duy Áp Bức, trách nhiệm thuộc về Giáo viên. Họ cần phải trở thành Nhà lãnh đạo Cách mạng. Nhà lãnh đạo Cách mạng cần khiêm tốn, tôn trọng và dành tình cảm cho tất cả mọi người,... nhựng quan trọng nhất là phải rũ bỏ tư duy của hệ tư tưởng thống trị, từ chối giáo dục ngân hàng. Nếu còn giữ tư duy đó, mọi cuộc “cách mạng” Giáo dục chỉ còn là bình mới rượu cũ khi có kẻ khác ngồi vào vị trí thống trị. Giáo viên ko thể chỉ một sáng ngủ dậy đột nhiên bảo đám học sinh từ nhỏ đến lớn quen học thuộc, đợi thầy cô nhồi kiến thức vào đầu: "Nói chuyện đi, đối thoại đi, sao câm như hến thế? Giờ cho nói không nói???"
4.
Về mặt lý thuyết là như vậy, nhưng chúng ta có thể đổ lỗi cho Giáo viên nếu họ không muốn bắt đầu bất cứ cuộc “cách mạng” nào hay không?
Trong Bản thảo Kinh tế chính trị, Marx nói về “tha nhân hóa” (Alienation): khi người lao động không có kết nối cảm xúc với sản phẩm anh ta tạo ra, anh ta bị phi nhân hóa trong quá trình lao động khi bị cưỡng bức làm việc, trở nên khổ sở và phủ định chính mình khi lao động, tước bỏ hết mọi cảm xúc, mơ ước, suy nghĩ,... cá nhân để phục vụ mục tiêu của nhà máy, công ty,... . Anh ta mất đi nhân tính và chỉ còn là một cỗ máy tự động với mục đích duy nhất là sản xuất ra sản phẩm.
Ở trong trường học, không có lợi nhuận, tiền không quyết định mọi thứ trong cuộc sống, thực ra là có, nhưng không phải thứ duy nhất. Thứ khác quyết định mọi thứ trong đời sống học sinh và giáo viên là “điểm”, và “thành tích”.
Đối với Học sinh, bài tập, bài văn mà chúng làm không có sự kết nối về cảm xúc vì nó chỉ là công cụ phục vụ việc kiếm điểm, để cho một tương lai mà chúng không thấy. Làm bài tập là một hình phạt vì nó là lao động mà không có cảm xúc và đi ngược lại mong muốn của hầu hết học sinh, và khi làm bài chúng bị phi nhân hóa.
Vậy còn giáo viên? Sự kinh doanh giáo dục, nền kinh tế thị trường khiến nhà trường coi Học sinh và gia đình chúng là khách hàng, và họ là dịch vụ. Với vai trò dịch vụ, họ bị phi nhân đến mức chỉ có thể quan tâm đến 2 thứ: “điểm của học sinh” và “lương”. Họ trở thành những “thợ dạy” với nhiệm vụ duy nhất là nhồi nhét càng nhiều kiến thức vào bọn trẻ nhất có thể để chúng đảm bảo khả năng thi. Vì mục đích của Nhà trường không còn là giáo dục bọn trẻ, không, mục đích của họ là điểm số tốt nhất để đạt được mức lương tốt nhất. Xã hội đã dần đánh đồng 2 thứ với nhau.
Nhưng tại sao chúng ta trách giáo viên khi chúng ta bắt họ phải quan tâm đến từng đứa trẻ 1, về đời sống tinh thần của chúng, về tâm tư tình cảm riêng của chúng, và rồi bây giờ là “Cách mạng giáo dục”, “tư duy phản biện”: Bọn trẻ phải có tư duy phản biện, phải có kiến thức, nhưng vẫn phải có điểm số cao, thi vào các trường đại học tốt nhất, hoặc ra nước ngoài... . Nhà trường và Xã hội quyết định giáo viên phải làm thế, vứt cho họ lương tối thiểu, lớp học 40 đứa, 20 tiết 1 tuần và tước biên chế, quy chế công chức của họ.
Nếu phải chọn bất kì phương pháp giáo dục nào, một cách tự nhiên ai cũng sẽ chọn Giáo dục ngân hàng vì họ cần học sinh của mình đạt được số điểm cao nhất có thể trong các bài kiểm tra. Họ CẦN điều đó vì điểm số của học sinh đánh giá cả giáo viên, về khả năng dạy của họ. Học buộc phải nhồi nhét càng nhiều càng tốt vì xã hội đánh giá họ, bản thân họ đánh giá họ là giáo viên tốt hay không dựa trên điểm của chúng.
Lương gv căn bản ko cao đặc biệt lương nhà giáo trường công. Muốn có vị trí tốt, lương công chức phải có quan hệ, chạy chọt, tìm phe cánh. Lương thấp thì chuyện dạy thêm là ko tránh khỏi. Nhiêù chỗ muốn thi tuyển phải mất đến cả trăm triệu. Mà cũng vẫn chỉ là gv hợp đồng, ko được vào biên chế.
Thế nên giáo viên hoặc là giàu sẵn mới đi làm giáo viên vì chỉ là công việc bàn giấy lại được xã hội trọng vọng, hoặc nghèo thì tìm nghề khác.
Theo ts Hà Hoàng Hợp, chuyên gia ĐNA và VN cho biết trong phóng sự với vtv https://youtu.be/A83pSiCWBKw : Nhà giáo trường công nhận lương từ ngân sách Chính phủ, ăn lương công chức nhưng 10 năm nay người ta không đưa gv mới vào hệ thống công chức nữa nên ko trả cao hơn được. Ngày xưa học Sư Phạm kiếm việc rất dễ vì dc phân công. Bây giờ thì cũng phải lo chạy việc như mọi người nên cái khoảng cách giàu nghèo đã nói như trên càng tăng.
Lương gv ko biên chế, công chức thấp và bấp bênh. Nếu ko có quan hệ, thường họ sẽ dạy ở các trung tâm với mức lương ổn định hơn (có thể lên đến 20-25 tr), làm thêm ngoài giờ hoặc đơn giản làm nghề khác.
Nhưng chỉ ở các thành phố lớn đông dân cư, mớ có cơ hội tiếp cận việc làm cho giáo viên. Ở các tỉnh thành khác, giáo viên không có nhiều lựa chọn như vậy.
Họ phải chấp nhận làm giáo viên hợp đồng. Ko phụ cấp đứng lớp, ko tiền thưởng, chấp nhận vc phân đâu dạy đấy của nhà trường, 1 tuần phải dạy 2 chục tiết với mức lương tối thiểu chỉ để hy vọng 1 ngày vào biên chế. Nhưng đó vẫn là hy vọng quá mong manh khi mỗi đợt có cả ngàn đơn xin thi vào biên chế. Lương đã thấp và công việc cực khổ là thế, họ luôn phải sống trong bấp bênh, lo lắng 1 ngày sẽ bị huyện chấm dứt hợp đồng vì chưa vào biên chế. Trong những giáo viên được phỏng vấn trong phóng sự dưới đây: https://youtu.be/o9piWbwIVG0 có những người đã làm việc ở trường được 14 năm vẫn bị ngừng hợp đồng. Có những người được bằng khen dạy giỏi cấp huyện vẫn mất việc. Họ không còn trẻ nữa nhưng vẫn không có nghề nghiệp ổn định. Họ phải làm gì? Bắt họ bỏ cuộc sống gần chục năm, quê hương con cái lên thành phố cạnh tranh? Ai lo cho những vấn đề tâm lý của họ?
Nhiều thầy cô phải làm công nhân tại các khu công nghiệp. Nhưng các kcn này không nhận những người có trình độ học vấn đại học. 3-4 năm đại học, vài năm đi dạy (nên nhớ có những người hơn 10 năm) để rồi giờ phải khai là chỉ học hết phổ thông.
Ngành sư phạm đã giảm chỉ tiêu 10% mỗi năm từ 2013 nhưng theo Công văn 3397/BGDĐT-NGCBQLGD ban hành 11/8/2021, cả nước vẫn đang thừa 10.344 giáo viên. Nhưng con số thừa ấy thực ra không hề thừa. Chúng ta có tình trạng thừa thiếu cục bộ do sự đào tạo lệch, và cả tuyển nhân sự lệch mà ra. Báo cáo Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 31/10/2020, chú thích số [22]trang số 14, cho biết: "Hiện nay toàn quốc thiếu 71.941 giáo viên mầm non, phổ thông."
Tình trạng thiếu có lẽ xảy ra chủ yếu ở các tỉnh vùng sâu vùng xa, thiếu các giáo viên các chuyên ngành mĩ thuật, âm nhạc,... . Nhìn chung, vẫn là thiếu hụt lực lượng giáo viên. Dẫn đến việc một lớp học phải có đến 35-40 hs hoặc thậm chí hơn nữa, giảm chất lượng dạy học đi rất nhiều
Làm sao để có những người giỏi thi vào sư phạm. Nếu có thì ai sẽ quan tâm đến học sinh nếu chỗ làm, tương lai của họ, không phải năm sau, hay thậm chí tháng sau, chỉ ngày mai thôi cũng bấp bênh.
Fukuyama, Francis. (2011). The China Model: A Dialogue between Francis Fukuyama and Zhang Weiwei, New Perspective Quarterly, Vol 28, No. 4, Fall 2011
Straus, M. A., & Kantor, G. K. (1994). Corporal punishment of adolescents by parents: A risk factor in the epidemiology of depression, suicide, alcohol abuse, child abuse, and wife beating. Adolescence, 29(115), 543–561.
Hyman, I. A. (1990). Reading, Writing, and the Hickory Stick: The Appalling Story of Physical and Psychological Abuse in American Schools. Lexington, Mass.: Lexington Books.
Bales, Jeff; Knopps, Sarah. (2012). Education and Capitalism: Struggles for Learning and Liberation. Haymarket Books.
Freire, Paulo. (1968). Pedagogy of the Oppressed. 30th anniversary editon. New York, Continuum, 2005
Kohn, Alfie. (1996). Beyond Discipline. Association for Supervision & Curriculum Development; 10th Anniversary edition (August 15, 2006)
Peter Gray, (2008) A Brief History of Education. Psychology Today
Bourdieu, Pierre. [1985] 1986. "The Forms of Capital." Pp. 46–58 in Handbook of Theory of Research for the Sociology of Education.
Công văn 3397/BGDĐT-NGCBQLGD, xem tại:
Báo cáo Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 31/10/2020, xem tại: http://kontum.edu.vn/.../upl.../2020/10/1603861300813706.pdf