>>> Bài viết thể hiện quan điểm chủ quan của người viết. Người viết rất đón nhận những phản hồi tranh luận văn minh.
Kết quả tìm kiếm 'IELTS cam kết đầu ra' trên Google
Kết quả tìm kiếm 'IELTS cam kết đầu ra' trên Google
Xuất hiện cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, bài thi IELTS (viết tắt của International English Language Testing System) không mất quá nhiều thời gian để trở thành bài thi chuẩn hoá đánh giá năng lực tiếng Anh phổ biến nhất thế giới với hơn 11,000 các tổ chức giáo dục và đào tạo, tổ chức chính phủ và nhà tuyển dụng trên khắp 40 quốc gia sử dụng kết quả bài thi IELTS làm tiêu chi xét tuyển đầu vào. Riêng ở Việt Nam, làn sóng di dân và du học trong khoảng hai thập kỷ gần đây phần nào khiến bài thi IELTS ngày càng trở nên phổ biến và đi kèm với sự phổ biến tăng theo cấp số nhân đó là vô vàn những mặt trái và tiêu cực làm cho bức tranh giáo dục ở Việt Nam nói chung và lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh nói riêng không mấy tươi sáng.
Trong bài viết này, mình chỉ tập trung vào một vấn đề khá nhức nhối liên quan đến bài thi IELTS, đó là việc ‘cam kết đầu ra’. Nếu bạn đã từng một lần tìm kiếm một nơi để ôn luyện IELTS thì mình tin chắc bạn đã phải nghe qua cụm từ ‘cam kết đầu ra’ hoặc nhìn thấy nó trong các quảng cáo trên Facebook hoặc thậm chí là các bảng hiệu của các trung tâm Anh ngữ.

Vậy, nên hiểu ‘cam kết đầu ra’ như thế nào cho đúng?

Nó cũng giống như việc cô bán trái cây cam khẳng định với bạn là sầu riêng của cô đảm bảo thịt vàng, hạt lép hay chị gái bán kem trộn cam kết sau một tuần xài kem da của bạn sẽ trắng lên ba ‘tông’. Nói ngắn gọn là người cung cấp sản phẩm/dịch vụ đảm bảo với người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm/dịch vụ của họ, nếu trong quá trình sử dụng, người tiêu dùng cảm thấy chất lượng không đúng như lời cam kết thì họ có quyền hoàn trả, bóc phốt, v.v. Đối với IELTS, việc ‘cam kết đầu ra’ cũng được thực hiện tương tự giữa bên cam kết là trung tâm tiếng Anh và bên được cam kết là người học hoặc/và phụ huynh của người học. Quy trình thực hiện ‘cam kết đầu ra’ thường thấy ở các trung tâm luyện thi IELTS sẽ là:
(1) Bạn làm bài đánh giá năng lực đầu vào;
(2) Bạn được hỏi về mục tiêu đầu ra;
(3) Dựa vào kết quả của bài đánh giá đầu vào và mục tiêu đầu ra, bạn được trung tâm cam kết sẽ đạt được mục tiêu trong X tháng. Nếu sau X tháng đó mà bạn không đạt được mục tiêu thì bên phía trung tâm sẽ có những giải pháp ‘khắc phục hậu quả’ và giải pháp thường thấy nhất là bạn được học lại miễn phí. Và vòng lặp này sẽ chỉ kết thúc khi bạn đạt được mục tiêu;
Thoáng nhìn vào mô hình này, nhiều người sẽ nghĩ mô hình này ổn quá rồi còn gì để mà bàn cãi hay lên án. Tuy nhiên, nếu (1) có thể được đánh giá một cách khách quan (còn việc chính xác hay không thì còn tuỳ) và (2) là mong muốn/nhu cầu chủ quan của người học (không có gì để bàn) thì lời ‘cam kết đầu ra’ sau X tháng ở (3) đã cố tình phớt lờ một sự thật (nhưng không phải ai cũng biết) rằng học là một quá trình tương tác qua lại (giữ người học với nhau và giữa người học và giáo viên) và đồng thời cũng là một quá trình tự thân mà ở đó kết quả của việc học phần lớn dựa vào nhiều yếu tố trong đó có thái độ học tập, sự nỗ lực và quyết tâm của người học. Học cùng giáo viên giỏi là điều kiện cần (trung tâm có thể cung cấp) nhưng chưa đủ để quyết định người học có đạt được kết quả như kỳ vọng hay không. Việc ‘cam kết đầu ra’ vô hình trung cho rằng tất cả người học đều giống nhau về mặt nhận thức, thái độ học tập, thói quen học tập, v.v. và đặt vai trò của giáo viên đứng lớp ở vị trí trung tâm và duy nhất, trong khi chúng ta đều biết rằng mỗi cá nhân con người đều là một bản thể duy nhất được hình thành dưới sự tác động của nhiều yếu tố đến từ gia đình và xã hội. Điều này có nghĩa cách chúng ta tiếp nhận thông tin và kiến thức nói chung hay cách học tập nói riêng hẳn là khác nhau. Từ hiểu biết này, chúng ta sẽ thấy không có một công thức chung ‘đầu vào 5.5 + sau X tháng = đầu ra 6.5’ cho tất cả người học. Vậy thử hỏi ‘cam kết đầu ra’ có giá trị thật sự hay không?
Một số bạn sẽ đặt câu hỏi ‘Nếu không đạt mục tiêu thì trung tâm cho học lại miền phí rồi còn gì?’. Đúng là như vậy, và đó cũng là cách làm dễ nhất mà một trung tâm có thể làm để đảm bảo ‘uy tín’ của họ. Họ cũng không mất mát gì nhiều ngoài việc xếp cho bạn thêm một chỗ ngồi?! Nhưng liệu rằng chúng ta có muốn ăn lại một tô phở dở tệ đã từng ăn không, hay chúng ta vẫn sẽ ăn vì nó miễn phí dù biết rằng ăn lại cũng sẽ chẳng thấy ngon mà có khi còn thấy bực mình? Tương tự, bạn có muốn học lại các bài học mà bạn đã từng học qua một lần rồi không? Bạn có đủ kiên nhẫn để làm điều đó nhiều lần cho đến khi bạn đạt được mục tiêu?
Một số trung tâm có ‘tâm’ hơn sẽ có yêu cầu điều kiện để có thể cam kết đầu ra. Ví dụ, học viên phải hoàn thành 80% bài tập về nhà thì mới được ‘cam kết đầu ra’. Tuy nhiên, vẫn như đã trình bày ở trên, con số 80% (hoặc thậm chí 100%) không nói lên được mức độ tiếp thu của tất cả người học là như nhau. Có sự khác biệt không nếu học sinh A hoàn thành 100% bài tập về nhà nhưng kiến thức đọng lại chỉ là 20% và học sinh B chỉ làm 50% nhưng kiến thức bạn ấy nhớ được là 40%?
Rõ ràng việc ‘cam kết đầu ra’ gần như không mang lại kết quả trên thực tế, vậy tại sao các trung tâm vẫn theo đuổi mô hình này? Câu trả lời nằm ở ‘lợi nhuận’. Kinh doanh hoá việc dạy luyện thi IELTS đã trở thành một ngành công nghiệp không khói, hái ra được nhiều và rất nhiều tiền. Trong vô vàn các trung tâm luyện thi IELTS ngày ngày mọc lên như nấm sau mưa ngoài kia, việc biết cách ‘marketing’ cho trung tâm của bạn để thu hút người học là điều tối quan trọng. Nếu trung tâm A không thể ‘cam kết đầu ra’ mà trung tâm B sẵn sàng 'ký hợp đồng' thì hẳn phần đông học viên sẽ chọn trung tâm B. Được ‘cam kết’ và hứa hẹn thì ai mà không thích?! Cứ như vậy, các trung tâm đua nhau tung chiêu ‘cam kết đầu ra’ để thu hút người học về phía mình. Hôm nọ, mình còn thấy quảng cáo ‘cam kết đầu ra bằng văn bản pháp lý’ mà hú hồn. Một khi đã quyết tâm kiếm tiền thì sự sáng tạo của con người sẽ là vô biên.
Theo quan sát cá nhân, các bậc phụ huynh đang tìm nơi luyện thi cho con/em mình, đặc biệt là các em cần bằng IELTS gấp, sẽ dễ rơi vào bẫy ‘cam kết đầu ra’ nhất vì thời gian học của con/em không còn nhiều mà lại còn được đảm bảo kết quả như ý. Với tâm lý 'mì ăn liền', sự ít hiểu biết về bản chất bài thi và những lời hứa có cánh từ phía trung tâm, phụ huynh rất dễ 'đổ gục' và 'sa bẫy'. Đến khi kết quả của con/em mình không được như mong đợi, một số người sẽ đổ lỗi tại con/em mình lười học, một số khác cảm thấy hài lòng vì chính sách được học lại miễn phí nhưng không biết rằng rất có thể con/em mình đang phí thời gian một lần nữa.
Tạm kết
Với những ai đang tìm kiếm một nơi để trau dồi ngoại ngữ nói chung và chuẩn bị cho bài thi IELTS nói riêng, lời khuyên chân thành của mình là hãy tìm hiểu thật kỹ để đưa ra lựa chọn thật sáng suốt tránh tình trạng 'tiền mất tật mang'. Và, một cách chủ quan mình nghĩ không nên chọn những nơi có ‘cam kết đầu ra’ vì phần lớn họ đang làm kinh doanh chứ không làm giáo dục.