Cuộc sống hậu đại dịch - Liệu chúng ta có thể tiên đoán được điều gì?
Cuộc sống sau đại dịch sẽ không còn như trước. Bạn có nhận ra điều gì đang thay đổi trong chính bạn và những điều chung quanh?
Những ngày này, khi đại dịch kéo dài quá lâu, chúng ta ở nhà và chờ đợi số ca dương tính giảm đi, giãn cách xã hội chấm dứt, người người đổ xô ra đường và quốc gia sẽ bước vào một công cuộc bình thường mới. Ai cũng biết chắc rằng cuộc sống sẽ không còn như những ngày trước dịch, thói quen và nhu cầu của chúng ta sẽ khác, có thứ tăng lên, có thứ giảm đi, điều này cũng đúng với các mối quan hệ đã và đang làm nên những vòng tròn xã hội đan lồng.
Bài viết dưới đây đưa ra một số phân tích và dự đoán cơ bản rút ra từ việc quan sát các thay đổi về hành vi, tâm lý trong đại dịch. Từ đó, gợi mở suy nghĩ về cuộc sống hậu COVID-19, đồng thời cung cấp một số hành trang tư duy cần thiết để bạn không cảm thấy quá bất ngờ hay lung túng trước những biến chuyển của thế giới chung quanh.
Chuẩn bị cho việc tân trang nhà cửa, duy trì cảm giác “home sweet home”
Trước đó, nếu trung bình một người chỉ giành ra 16 tiếng để sinh hoạt trong nhà và phần lớn thời gian còn lại giành cho các hoạt động bên ngoài, thì giờ đây, chúng ta ở nhà hầu như 24/24.
Một bài báo của dezeen đã chỉ ra rằng, sau đại dịch, cách nhìn nhận của chúng ta về chức năng ngôi nhà sẽ có nhiều đổi khác. Nhà không còn đơn thuần là nơi hạn chế những tác động xấu do điều kiện thời tiết gây ra, hay chốn dung thân giúp tạm lánh xa những góc đô thị bát nháo. Nhà còn là một địa điểm chống dịch an toàn.
Chính vì thế, các ngành nghề cung cấp mặt hàng gia dụng và nội thất sẽ cần có nhiều bước tiến trong đổi mới sản phẩm, sẵn sàng phục vụ cho mục tiêu tối ưu hóa chức năng “lánh dịch” của căn nhà trong trường hợp đại dịch tái xuất. Hệ thống cung cấp điện và nước có thể sẽ được nâng cấp lên mức tự động hóa, gồm nguồn sưởi hoạt động trong một mạng lưới độc lập và các trạm mini tự động tạo ra nguồn điện thay thế. Internet vệ tinh (satellites internet), sớm thôi, sẽ được phát triển cho mục đích dân dụng để tốc độ truy cập vào không gian mạng nhanh chóng hơn, qua đó giảm thiểu các rủi ro rớt mạng. Các sản phẩm nội thất khác như bàn ghế, đèn đóm cũng được thiết kế tập trung hơn vào công thái học, đem đến trải nghiệm làm việc thoải mái cho những giờ work from home dài đằng đẵng.
Mặt khác, một đợt bùng nổ nhu cầu làm vườn tại gia có thể sẽ diễn ra, khi chúng ta đã ở nhà đủ lâu để bắt đầu cảm thấy thiếu thốn các tương tác vật lý với tự nhiên và thực vật. Những khu vườn trong nhà vừa mang lại nguồn thực phẩm an toàn, vừa cung cấp khí oxy cho quá trình điều hòa khí quyển, đây cũng là một hình thức nâng cao sức khỏe tinh thần hữu ích. Để có thể biến một góc trong nhà trở thành vườn cây, có lẽ bạn cần sắm sửa một số thiết bị bổ sung ánh sáng nhân tạo, máy lọc nước và lọc không khí, phân bón,... Với cây cảnh, bạn có thể cân nhắc các phương pháp vun trồng tiện lợi, như sử dụng hạt leca để trồng cây mà không cần đất.
Tái định nghĩa khái niệm chăm sóc sức khỏe
Trong tương lai, vắc-xin COVID-19 sẽ được nhớ đến như một thành tựu đáng kinh ngạc của y học thế giới. Mặc dù vẫn còn một số bất cập trong quá trình nghiên cứu và phân bổ, phương pháp điều trị bằng vắc-xin đã làm giảm tỷ lệ tử vong và lây nhiễm virus xuống rất nhiều lần chỉ trong vài tháng.
Ngoài ra, y học cũng chứng kiến một số tiến bộ khác trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và thay đổi thói quen tự chăm sóc của bệnh nhân. Một số nghiên cứu cho thấy, các rào cản về telemedicine (y tế từ xa) sẽ được gỡ bỏ, từ đó mở rộng phạm vi phục vụ sau đại dịch nhờ tiến bộ nhanh chóng của công nghệ. Telemedicine được hiểu là việc quản lý, chăm sóc bệnh nhân thông qua các cuộc gặp gỡ phi vật lý - sử dụng hội nghị trực tuyến và liên lạc qua điện thoại. Trong đại dịch, telemedicine tạo điều kiện cho việc chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus diễn ra an toàn. Dưới đây là một số ưu điểm của telemedicine có thể được khai thác và đẩy mạnh trong tương lai:
- Tạo cơ hội duy trì, nâng cao chất lượng, thời lượng những cuộc tái khám thường xuyên đối với bệnh nhân mắc phải các chứng bệnh mãn tính.
- Mở rộng phạm vi tiếp cận của nhà cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh đến các khu vực nông thôn hoặc các khu vực bị cô lập về mặt địa lý.
- Đảm bảo bệnh nhân tuân thủ các kế hoạch tự chăm sóc, do đó giảm nguy cơ nhập viện và các hậu quả bao gồm hao tổn chi phí hoặc nhiễm trùng.
- Khuyến khích chúng ta đi kiểm tra sức khỏe sớm hơn khi nhận thấy các triệu chứng mắc bệnh, tránh được hậu quả của việc chẩn đoán và điều trị muộn.
- Đẩy nhanh giải pháp theo dõi từ xa đối với các dấu hiệu mắc bệnh quan trọng, thu thập các dữ liệu về tình trạng sức khỏe, từ đó cho phép chẩn đoán kịp thời và bắt đầu điều trị nhanh chóng.
Có thể thấy, việc số hóa các dịch vụ chăm sóc y tế sẽ được đẩy mạnh trong tương lai, với hy vọng vừa có thể chuẩn bị sẵn sàng cho đợt tái bùng phát tiếp theo, vừa tạo ra những thói quen chăm sóc sức khỏe đúng đắn hơn trong cộng đồng.
Tuy nhiên, COVID-19 cũng buộc chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận nghiêm túc sự thất bại trong việc cùng nhau tạo nên một môi trường đảm bảo toàn diện sức khỏe thể chất và tinh thần. Nhiều thập kỷ không đầu tư vào môi trường sinh sống lành mạnh, giáo dục đầy đủ, không gian làm việc an toàn, mức lương đủ sống và cơ sở vật chất y tế hiện đại sẽ khiến một quốc gia trở nên yếu ớt trước sự tàn phá của những chủng loại virus mới. Chăm sóc sức khỏe không phải là điều trị nỗi đau sau khi đã hứng chịu những thương tổn nặng nề. Chăm sóc sức khỏe là quan tâm đến cơ thể mỗi ngày để hạn chế bệnh tật về sau. Chúng ta không thể khỏe mạnh trừ khi cùng nhau xây dựng một thế giới với những chốn nghỉ dưỡng an ninh, trường học chất lượng, công việc có mức lương hợp lý, bình đẳng giới và chủng tộc, không khí sạch và nước uống an toàn,...
Điều hòa cuộc sống gia đình và quan tâm hơn đến con trẻ
COVID-19 khiến cho sinh hoạt gia đình đảo lộn. Bàn ăn tối trở thành bàn học, ghế sofa là nơi làm việc và trên màn hình cuộc gọi nhóm, đôi khi chúng ta thấy người thân của bạn mình đi ngang qua khung ảnh. Cứ thế, chúng ta dần dà làm quen với việc để thành viên trong nhà biết nhiều hơn một chút về đời sống bạn bè và đồng nghiệp. Điều này thật thoải mái nhưng đôi khi cũng khó chịu và mất tự nhiên.
Các công việc trong nhà cũng được phân chia một cách công bằng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong khoảng thời gian bắt đầu giãn cách xã hội, phụ nữ phải chịu áp lực việc nhà vì các nhu cầu sinh hoạt tại gia đột nhiên tăng vọt. Một thời gian sau, số giờ đàn ông dành cho con cái của họ tăng lên chóng mặt. Nhiều người nhận ra giá trị của thiên chức “làm cha” và trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Nói sâu hơn về vấn đề bình đẳng, việc tạo cơ hội cho người cha ở cạnh và chăm sóc con mình nhiều hơn, và tạo điều kiện để phụ nữ được đối xử công bằng ở nơi làm việc, đó là hai phong trào nên được phát triển song song nhằm duy trì sự cân bằng trong cuộc sống hôn nhân và gia đình.
Trẻ em đang nằm trong hệ thống giáo dục 12 khối lớp cũng đang hứng chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng mà các bậc phụ huynh nên nhận ra để có những phương án đào tạo phù hợp. Dịch bệnh đã làm gia tăng trầm trọng sự bất bình đẳng giữa giàu và nghèo trong quá trình chuyển đổi số việc học. Sau một khoảng thời gian dài không đến lớp, một số trẻ đã bị tụt hậu quá xa không chỉ về kiến thức học tập mà còn là tương tác xã hội, về thể thao và nghệ thuật. Vì vậy, việc giáo dục tại gia và giao tiếp với con cái trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Dưới đây là một số điều bạn cần ghi nhớ để đảm bảo một môi trường tốt cho trẻ sau dịch bệnh:
- Hãy thẳng thắn nhưng đừng quá căng thẳng, hãy tìm cách nói chuyền phù hợp với lứa tuổi của con bạn. Tránh dùng những ngôn ngữ bộc lộ nỗi sợ hãi, chẳng hạn như “Chúng ta sẽ tiêu tùng nếu không tuân thủ theo nguyên tắc đó!”. Thay vào đó hãy thử sử dụng cách nói nhẹ nhàng: “Những hành động đơn giản này sẽ giúp ta an toàn hơn.”
- Giữ cho trẻ có một lịch trình ăn uống, tập thể dục và giờ đi ngủ đều đặn.
- Dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện với con, hãy hỏi trẻ về cảm giác của chúng.
- Đảm bảo việc học tập của trẻ không bị đứt đoạn bằng cách kết nối với nhà trường, giáo viên và một số kháo học trực tuyến được thiết kế cho đa dạng các lứa tuổi.
- Và quan trọng nhất, giữ gìn sức khỏe tinh thần của cả gia đình.
Khi cuộc sống bình thường trở lại, đừng quên đặt khó khăn của con mình bên cạnh những guồng quay công việc của chính bản thân bạn.
Xác định lại những vòng tròn quan hệ
Chắc chắn có cả một danh sách dài hàng trăm thứ mà bạn muốn làm cùng bạn bè khi hết dịch như đi du lịch, hát karaoke, xem phim, và hơn thế nữa. Người ta dự đoán nhu cầu giải trí ở các nhà hàng, rạp chiếu phim,... sẽ tăng vọt khi nhịp sống thường nhật trở lại. Các trung tâm cung cấp dịch vụ giải trí đang gắng gượng sống xót qua mùa dịch bệnh để lại được bội thu. Thế nhưng, các hình thức giải trí online như game trực tuyến (Gartic, Gather town, PUBG,...) hay Netflix vẫn sẽ là yếu tố không thể thiếu đối với những cuộc hẹn hội nhóm sau này. Bạn nhận ra rằng không cần gặp nhau vẫn có thể tạo đươc một kết nối vững chắc với bạn bè, miễn là bạn còn giữ liên lạc và tương tác với nhau thường xuyên trên không gian mạng.
Không riêng gì gia đình, tất cá các mối quan hệ trong cuộc sống đều được thử thách khi đại dịch bất ngờ kéo đến. Chúng ta cảm thấy bản thân cần giành nhiều thời gian hơn để tái điều chỉnh nguyện vọng và mục tiêu trong cuộc sống. Do đó, chúng ta cũng bắt đầu đánh giá ý nghĩa mà những người chung quanh mang lại cho mình. Liệu họ là ai trong 3 loại bạn - bạn vì một lý do nào đó, bạn ở một thời điểm nào đó, và bạn cho cả đời (friends for a reason, friends for a season, and friends for a lifetime)
Xác định mức độ dày đặc của những vòng tròn quan hệ là điều quan trọng. Bạn không cần phải níu giữ tất cả các liên kết trong cuộc sống, cũng có những liên kết cần nhiều hơn ở bạn sự tập trung vun vén. Nếu một số quan hệ của bạn có dấu hiệu sứt mẻ trong kỳ giãn cách vừa qua, hãy đọc bài báo này để tìm ra được cách thức giải quyết phù hợp nhé!
Đại dịch vẫn còn ở đó, ngày bình thường mới vẫn còn xa. Tuy nhiên, chuẩn bị cho cuốc sống hậu Covid không bao giờ là quá sớm nếu chúng ta muốn nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của mình trong tương lai. Hi vọng bài viết này có ích với bạn.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất