Loạn Quách Bốc nổ ra, hoàng thân nhà Lý tán loạn khắp nơi, rời bỏ kinh thành để cho ngoại tộc chiếm quyền kiểm soát kinh đô. 
Nhà Trần tham chính với tiềm lực kinh tế và liên minh quân sự mạnh mẽ. Chiến tranh chồng chất chiến tranh, âm mưu và xích mích trong nội bộ chính quyền.
Nhà Lý mặc dù vẫn danh chính ngôn thuận đứng đầu một nước nhưng thực quyền lại chẳng còn là bao nhiêu. Tướng có thể sử dụng được kẻ thì bị giết, kẻ thì ham mê nữ sắc mà quên đi phận sự, những kẻ khác lại thừa dịp dùng chiến tranh chính nghĩa để trả mối tư thù cá nhân. 
Thời kỳ loạn “sứ quân” chính thức mở ra. Hành trình chuyển giao quyền lực không hề êm đềm như chúng ta đã từng biết. Thay vào đó là hàng loạt những âm mưu nối tiếp âm mưu. 

Nhà Trần tham chính

<i>Tiên cưỡi rồng đình Tây Đằng, mỹ thuật thời Trần </i>
Tiên cưỡi rồng đình Tây Đằng, mỹ thuật thời Trần
Để hiểu rõ hơn hoàn cảnh cũng như cơ duyên nào giúp nhà Trần tham chính, chúng ta quay lại loạn Quách Bốc. Khi Quách Bộc đánh vào thành cướp xác của Bỉnh Di chạy về bến Triều Đông rồi quay lại cung Vạn Diên. 
Câu chuyện lên ngôi sau đó lại có hai “kịch bản” khác nhau được chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử lược. Tuy nhiên, dù được chép như thế nào cũng đều trở thành bước ngoặt lớn, tiền đề trao lá cờ vào tay Trần Lý. 
Theo Toàn thư (ĐVSKTT), sau khi trở về cung Vạn Diên, lập hoàng tử Thầm làm vua. Bọn Đàm Dĩ Mông, Nguyễn Chính Lại đều chịu ngụy chức của Thầm. 
Hoàng thái tử Sảm đến thôn Lưu Gia ở Hải Ấp nghe tiếng con gái của Trần Lý có nhan sắc, bèn lấy làm vợ. Nhà Trần Lý nhờ nghề đánh cá nên giàu, người quanh vùng theo về, nhân có quần chúng, cùng nổi lên làm giặc. Thái tử đã lấy con gái của Lý, trao cho Lý tước Minh Tự, phong cho cậu người con gái ấy là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ.
Xem ra lý do nhà Trần tham chính quá sơ sài. Sảm đang ở tại kinh thành, chắc chắn không thể nào tự nhiên có thể biết đến vùng đất Hải Ấp này được. Mặt khác, dù nhà ngoại của thái tử cũng tại Hải Ấp đi chăng nữa, việc trở về vùng đất này “chơi” cũng sẽ khiến cho bọn Quách Bốc lúc bấy giờ phải dè chừng vì dù ít hay nhiều đây vẫn là đất của họ ngoại, vẫn có thể trở thành nơi chống lưng gây ảnh hưởng cho việc nắm quyền lực của bọn Quách Bộc. Thậm chí, Sảm lại còn kết hôn với con gái của hào trưởng có tiếng trong vùng mà Quách Bộc cũng chẳng thèm để tâm? 
Hơn nữa điều gì khiến cho Trần Lý gả con gái của mình cho một vị hoàng tộc thất thế? Ai là người đã làm thay đổi suy nghĩ của ông? Có thật rằng Trần Thị Dung là người con gái đẹp nhất vùng hay chỉ là đòn gió để cho Sảm chú ý hơn? 
Nhìn vào Việt sử lược (VSL), câu chuyện được chép lại bằng một góc nhìn khác và có thể tương đối đầy đủ hơn.
...Xong rồi trở lại vào cung Vạn Diên để đón vương tử Thầm, vương tử Sảm và mẹ là bà Nguyễn Phi Đàm thị với hai người em gái (em cùng mẹ) đem về nhà của Đàm thị ở Hải Ấp. Rồi thì ở tại ngôi nhà ấy, bọ Quách Bốc tôn vương tử Thầm lên làm vua. Lúc bấy giờ, gia thần của Sảm là Lưu Thiệu nói với đức Nguyên Tổ (tức Trần Lý) rằng: Thầm tuy lớn nhưng là con thứ, Sảm tuy bé hơn nhưng là con cả (đích tử), xin hai ông lo liệu
Đức Nguyên Tổ bèn cùng Phạm Ngu rước Sảm về Mang Nhân lên ngôi, xưng là Thắng Vương, giáng Thầm làm vương.
Hai vầng mặt trời chính thức xuất hiện.
Ít lâu sau vương tử Sảm lại trở về Hải Ấp, ở nhà công quán thông Lưu Gia, lấy con gái thứ 2 (trọng nữ) của đức Nguyên Tổ ta làm phi, lấy Đàm Dĩ Mông làm Thái úy, Nguyễn Chính Lai làm Tham tri chính sự, Nguyễn Tổ làm Minh sự, Ngu làm Thượng phẩm phụng ngự, Tô Trung Từ là Điện tiền chỉ huy sứ, ngoài ra mỗi người đều có phân biệt
Kết hợp lời chép của cả hai bộ sử, một bức tranh toàn cảnh hiện ra. Sảm lúc này chỉ là tước vương, thân cô thế cô nên việc tìm mọi cách để có thể trở về dựa vào nhà mẹ đẻ tức An toàn hoàng hậu là lẽ đương nhiên. Nhưng dù là trở về được nhà ngoại tại Hải Ấp, họ Đàm xuất thân là võ tướng với ông ngoại là đại tướng quân Đàm Thị Phụng và cậu là Đàm Dĩ Mông nhưng thế lực không thể nào bằng so với họ Trần tại nơi đây. “Vuốt mặt phải nể mũi” vì thế việc móc nối là lẽ đương nhiên. Hơn thế nữa, việc hình thành liên minh như thế này đối với Sảm là có lợi chứ không hề có hại. 
Có một nhân vật ở cùng Trần Lý trong việc thâm nhập vào chính sự này, một cái tên tuy lạ mà quen. Người em vợ Tô Trung Từ, cùng họ với trung thần Tô Hiến Thành. 
Xuất thân của nhân vật này có nhiều kiến giải khác nhau. Sử xưa chép về Tô Trung Từ chỉ có hơn 10 dòng. Những điều được chép lại hầu như chỉ là những sự việc có góp mặt của Tô Trung Từ trong 3 năm 1209, 1210 và 1211 mà thôi. 
Nhưng khi nhìn xét khía cạnh khác, Tô Hiến Thành sinh năm 1102 còn Tô Trung Từ sinh năm 1150,  ấp phong của hai người rất gần nhau, Quỳnh Phụ và Hưng Hà. Giả thuyết hai người là cha con cũng khá hợp lý. Nếu điều này là sự thật thì lúc này nhà Trần mới là người chủ động móc nối trực tiếp với Sảm thông qua Tô Trung Từ. Hoặc ngược lại, Tô Trung Từ chủ động tiếp cận Sảm sau đó cùng với Lưu Thiệu tác động lên Trần Lý và Phạm Ngu để thu phục hai ông phò Thái Tử. 
Nhưng dù ai là người chủ động thì liên minh của Sảm đã được hình thành bao gồm Tô Trung Từ, Phạm Ngu, dòng họ Trần cùng nhà ngoại Đàm. 
Sự kiện tiếp theo minh chứng được điều hào khí Đông A không chỉ dừng lại ở dũng mà còn có trí. Mặc dù chúng ta không chắc về việc Trần Lý cùng Tô Trung Từ và Phạm Ngu dâng quân cướp người từ tay Quách Bộc ngay trong chính địa bàn của mình hay ở kinh thành. Nhưng để càng khẳng định vị thế và tăng cường khả năng khống chế của mình trong liên minh này, Trần Lý đã để cho con gái của mình lấy thái tử Sảm. Hoặc nói cách khác sử dụng mỹ nhân kế, đánh thẳng vào tâm lý chung của những ông vua cuối thời Lý - háo sắc, hoang dâm. Cuộc hôn nhân này được chấp nhận như một “bảo đảm” khi nghiệp lớn thành sẽ không thiếu phần của họ Trần. 

Âm mưu Đàm thị 

Có một điều cũng đáng chú ý hơn trong cuộc hôn nhân liên lợi ích này: lời đồng ý của Đàm thị. Họ Đàm khi ấy không chiếm quá nhiều ưu thế hơn so với họ Trần, công sức góp vào công cuộc “lật lại thế cờ” cũng bằng không. Nhưng nếu như không có “cái gật đầu” của An Toàn hoàng hậu thì cuộc hôn nhân này cũng chẳng thành. Và không gật đầu đồng ý thì tính mạng của bản thân cùng con trai còn khó lòng giữ được chưa tính đến vinh hoa của gia tộc. Đàm thị buộc phải nhún nhường để sau khi Sảm đăng cơ sẽ đòi lại tất cả. 
Trong liên minh này ai cũng có mục đích và hành động rõ ràng. Họ Trần lấy liên hôn làm bước đệm để tham chính, họ Đàm bên ngoài tỏ vẻ nhún nhường hơn nhưng thâm sâu lại sử dụng “phản khách vi chủ”. Chỉ cần họ Trần hỗ trợ hoàn thành đại nghiệp thì họ Đàm có thừa sức có thể lật lại thế cờ vì dù sao hoàng hậu cũng mang họ Đàm lại là mẹ đẻ của Sảm. 
Cái chết của thủ lĩnh họ Trần trong trận chiến dẹp loạn không được ghi lại chi tiết. Dù vô tình hay hữu ý cũng đã tạo bước ngoặt trong kế sách của họ Đàm. 
Trần Lý bị chết trong khi đánh đuổi Quách Bốc, Trần Thị Dung như không nơi nương tựa, Đàm thị nhân cơ hội này phủi tay đi không có ý định nhận người con dâu này. Năm 1210 hoàng tộc họ Lý hội ngộ tại kinh thành mà không có Trần Thị Dung. Mãi đến khi Huệ Tông lên ngôi, năm 1211, Trần thị mới được đón vào cung tấn phong thành Nguyên phi. 
Các sự việc lớn liên tục xảy ra, Cao Tông trở về kinh thành không lâu thì chết, Huệ Tông lên ngôi và đón Trần Thị Dung trở về cung, anh trai Trần Tự Khánh được phong tước Chương Thành hầu. Hậu cung thì Trần Thị Dung độc sủng, ngoài cung thì anh trai cầm quân đi chiến đánh khắp nơi thu phục được nhiều đất cát. Hiển nhiên họ Trần trở thành cái gai trong mắt của Đàm Thị. Nhà Trần đã đặt được viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp thống trị, điều này buộc lòng Đàm thị phải bắt đầu ra tay để cân bằng lại thế cục, củng cố địa vị cho dòng tộc của mình. 
Điều đầu tiên không thể thiếu chính là đẩy em trai của mình lên nhận chức Thái Úy. Nghe có chút kỳ lạ, dưới thời ngụy đế Lý Thầm hắn ở lại Thăng Long nhận chức Thái Úy nhưng khi Huệ Tông lên ngôi, chức Thái Úy vẫn nằm trong tay hắn. Âu cũng nhờ cả vào Đàm thị cùng với đó là sự nhu nhược của người đứng đầu thiên hạ. 
Cùng với đó, Thái hậu họ Đàm còn liên kết với một số viên quan trong triều đặt điều bóng gió dựa trên những chiến tích của Trần Tự Khánh rằng ông ta đang có âm mưu làm phản. Chính vì vậy, Trần Thị Dung đã bị giáng xuống làm Ngự Nữ và sai các chư hầu đi tiêu diệt Khánh. 
Nhưng thật không ngờ, có vẻ như Huệ Tông yêu Trần Thị Dung thật. Năm lần bảy lượt vị Thái hậu này muốn giết Trần Thị nhưng đều bị Huệ Tông ngăn cản, phá bĩnh cho nên tính mạng của Trần Thị được giữ. Nhưng cũng chính vì hành động có phần “mạnh tay” này của Đàm thị mà Trần Tự Khánh đã chớp thời cơ, “mượn gió bẻ măng” đưa quân đến tận kinh thành “đòi người”. 
Trong lúc Đàm thị mải mê “kèn cựa” với thế lực nhà Trần, tại một diễn biến khác các phe cánh cũng dần dần nổi lên và trực chờ thời cơ nuốt chửng nhau. 

Loạn “sứ quân” 

Những tưởng thời đại loạn “sứ quân” đã đi qua ấy thế mà nó lại được tái hiện lại ngay trong thời kỳ mà văn hóa nghệ thuật của đất Việt đang trên đà đỉnh cao. 
Trước khi đề cập tới vấn đề này, chúng ta quay lại thời điểm xảy ra kinh biến với cái chết của Phạm Bỉnh Di. Nhận được thông tin chủ tưởng của mình bị giết trong lúc diện kiến nhà vua, Quánh Bốc đã đem quân đánh thẳng vào Thăng Long. Vua Cao Tông phải chạy lên miền Quy Hóa Giang (7/1209)
Sự việc sau này như chúng ta đã biết “Anh em họ Trần họp hương binh để dẹp loạn, rước vua về kinh, khôi phục chính thống, Trừng trị bọn Quách Bốc làm loạn, xử tội theo mức độ khác nhau” (ĐVSKTT). Nhưng khi đọc VSL, dẹp yên loạn Quách Bốc xong, sách không chép về sự kiện đón vua Cao Tông từ miền Quy Hóa giang về Thăng Long nhưng lại đề cập tới một sự kiện vô cùng thú vị khác “Vua sai Du đi Hồng Lộ huấn luyện binh lính định đánh người Thuận Lưu” 
Thuận Lưu? Trần Tự Khánh sau này được phong chức Thuận Lưu bá. Vậy “đánh người Thuận Lưu” ở đây không phải đánh ai khác mà chính là đánh Trần Tự Khánh.
Theo dòng sự kiện, việc Cao Tông luyện quân đi đánh Tự Khánh âu cũng hợp lẽ. Hoàng đế tuy lánh nạn ở nơi xa nhưng vẫn còn đó. Ấy vậy mà con trai của mình, mang danh Thái Tử lại tự lập triều đình riêng và phong tước bừa bãi cho Trần Lý, Tô Trung Từ,...Cao Tông muốn đem quân đi đánh cũng là điều hợp tình hợp lẽ. Cùng với đó, theo lẽ thường nếu đem quân đi đánh thì phải nói rằng đánh quân của Sảm mới đúng. Vì người ngoài nhìn vào kẻ “đứng mũi chịu sào” phải là Thái tử chứ không phải là Trần Tự Khánh, Trần Lý hay bất cứ một ai khác. Nhưng tại đây, sách sử lại chép đi đánh người Thuận Lưu. Phải chăng đây là hành động đánh tiếng đến từ Cao Tông về những lỗi lầm của người con trai của mình. 
Công tâm mà nói, trong thời điểm đó chưa bàn về vấn đề binh lực thì vấn đề tiền bạc của triều đình lúc bấy giờ dùng để nuôi quân đội bảo vệ kinh thành còn không đủ nên Quách Bộc mới có thể xông thẳng vào Vạn Diên như vậy
...Vua chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, nạn cướp nổi lên như ong, đói kém liên miên,...
Việt Sử lược
Về phần con người, vua cử Phạm Du đi đến vùng Hồng Lô, căn cứ của bọn Đoàn Thượng, Đoàn Văn Lôi hy vọng có thể đánh úp xuống được Hải Ấp. Thật không ngờ, lệnh vua lại không bằng nữ sắc! “biết đã đến lúc dân ở vùng Hồng đi đón rước mà Phạm Du còn cùng với Công chúa Thiền Cực tư thông”. Chính vì trễ hẹn không thể kết nối với người họ Đàm nên y đã phải tìm đường khác mà về với vua. Nhưng không ngờ, lại bị người Bắc Giang là Nguyễn Nậu, Nguyễn Nãi bắt đưa về cho vương tử Sảm giết. 
Có lẽ việc Cao Tông muốn diệt quân họ Trần là thật, sai Phạm Du đi móc nối cũng là thật. Nhưng đáng tiếc kẻ được chọn sai đi lại bất tài vô dụng, kế hoạch bị “bứt dây động dừng” đến tai Sảm. Nên Sảm mới để cho cha con họ Trần đưa quân lên đến vùng cao Quy Hóa mang tiếng như trong toàn thư chép là “rước vua” nhưng thực tế là để “tiền trảm hậu tấu”? 
Cùng với đó, chúng ta cũng thấy được rằng thế lực của dòng họ Trần dần mạnh mẽ hơn, liên minh kéo lên tận mạn Bắc Giang. Và vùng đất Bắc Giang luôn đóng một vai trò nhất trong mọi cuộc kháng chiến của quân và dân ta. Từ đất Bắc Giang có thể đánh thẳng vào kinh thành thông qua cửa ngõ phía đông kinh thành (Đông Bộ Đầu) 
Phạm Du chết, quân triều đình không thể liên kết được với thế lực họ Đoàn tại đất Hồng. Hoạn quan Bỉnh Di cũng nắm trong tay một lực lượng quân đội lại bị giết cả cha lẫn con, bộ hạ thuộc tướng lại đang làm loạn. Hoàng thân nhà Lý phải rời bỏ kinh thành trốn đi khắp nơi. Vua thì chạy lên miền ngược và sử dụng chút hơi tàn cuối cùng để bảo vệ quyền lực, Thái Tử phải nhờ cậy nơi khác nhằm sống sót, hoàng tử thì trở thành con rối bù nhìn. Thế lực ngoại tộc ngày một lớn mạnh và đã có hiện tượng liên kết với nhau. Loạn “sứ quân” chính thức bắt đầu. 
Mở đầu cho thời loạn này chính là cuộc hành quân đánh Thăng Long thất bại của anh em nhà họ Trần. 

Nhà Trần nếm trái đắng 

Mùa thu tháng 8, bọn đồ đảng tại Thuận Lưu sung sướng về việc Bỉnh Di chết, rầm rộ đốc xuất thuyền bè, quân lính tiến đánh kinh sư. Tiền quân cho đậu thuyền bè tại cửa Đông Bộ rồi từ cửa hông nách ở bên tả mà tiến vào cung cấm cướp lấy bảo vật. Còn đại quân đỗ ở bến Thiên Hà, toan theo cửa Thiên Thu mà tiến vào quán Vũ sư, nhưng vì quan Liệt Hầu là Cao Kha núp ở khung xe bắn trúng ngực một tên lính. Cao Kha vỗ tay cười la huyên náo. Bọn sĩ tốt chạy theo hướng Bắc mà trở về
Người trên thuyền ngờ là có quan quân đến đánh nên đều chèo thuyền rời bờ qua phía Bắc. Gió thổi mạnh, tất cả thuyền bè đều trôi dạt tản mát cả. Hai đội quân nghe tin ghe thuyền đã thất lạc, mới bỏ chạy toán loạn cả. Người ở kinh thành duổi theo giết hơn 300 tên  
Trần Tự Khánh đã không kìm lòng được mà đánh thẳng lên kinh thành muốn đưa Sảm lên ngôi báu. Chia quân đội thành 2 toán quân, toán quân bộ đi từ của Đông Bộ Đầu (dốc hàng than Hòe Nhai), mũi còn lại là thủy quân đánh vào cửa Thiên Thu. Những tưởng chính quyền kinh thành chỉ còn vỏ nên dễ dàng có thể đánh thắng nhưng không ngờ vẫn bị chống trả quyết liệt dẫn đến thua cuộc. Con số 300 quân chết chắc hẳn cũng chỉ là ước đoán và con số thực có thể cao hơn rất nhiều (cánh quân trên bộ chưa được tính thiệt hại). 
Thất bại đầu tiên của nhà Trần như một bài học với “cái giả” phải trả rất nhỏ trong cuộc chiến loạn lạc giành quyền kiểm soát này. Trái đắng lần này phải nếm như hồi chuông cảnh báo cho nhà Trần, muốn mưu nghiệp lớn không chỉ dùng dũng mà cần phải dùng trí để tính toán thiệt hơn. 
Trận đánh này chúng ta cũng phải khen cho tinh thần bất khuất của quân đội nhà Lý, không có điều kiện để huấn luyện một cách quy củ nhưng vẫn chống trả mạnh mẽ các thế lực manh nha chiến đánh kinh thành.
(còn tiếp)