"Con gián khủng hoảng"
Một bài luận khi Sài Gòn chuẩn bị bước vào chỉ thị 16 tăng cường
Sài Gòn lại sắp bước vào một chỉ thị mới, khi mà các ca nhiễm
Covid 19 trong cộng đồng vẫn tăng rất mạnh trong thời gian gần đây.
Theo đó thì người dân tại các quận, huyện trong danh sách sẽ không được ra khỏi nhà, kể cả giao nhận hàng hóa. Đây là một động thái cực kỳ cần thiết trong diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh trên
TP. Hồ Chí mình nói riêng và cả nước nói chung.
Đối với tôi thì chỉ thị mới không quá ảnh hưởng đến tôi. Thức ăn, rau củ trong nhà tôi được chuẩn bị từ trước, nên chúng tôi hầu như không ra khỏi nhà từ khi có chỉ thị 16, thậm chí là trước đó gần tháng. Công việc của tôi may mắn vẫn có thể tiếp tục vận hành trong thời điểm này, và nguồn thu nhập của tôi tuy có hạn chế hơn, nhưng nhìn chung vẫn đủ để giúp tôi vượt qua được thời kỳ đại suy thoái như bây giờ.
Do không quá nhiều điều kiện bảo quản, chúng tôi thường sẽ trữ được lượng thực phẩm có thể ăn trong vòng hai tuần dành cho 6 người. Tuy không quá lâu, nhưng thời gian đủ để chúng tôi không quá bận tâm về cái ăn mỗi ngày, và luôn có thời gian để chuẩn bị cho lần tiếp theo.
Nhưng mà nhiều người sẽ không như vậy, ở đây tôi sẽ không đề cập đến những hộ, cá nhân không có điều kiện để có thể trữ một lượng thức ăn trong thời gian dài. Mà tôi đang muốn nhắc đến những cá thể luôn giao động cực kỳ mạnh khi có một sự việc lớn sắp xảy ra.
Những ngày đầu tiên của đợt bùng dịch thứ 3 với cơn sốt khẩu trang, rồi những ngày trước chỉ thị 16, và bây giờ là chỉ thị 16 tăng cường, đặc điểm chung của những thời điểm này chính là việc mọi người trào ra đường bằng mọi cách, và cố gắng thu gom càng nhiều càng tốt những thứ có lợi cho mình trong khoảng thời gian sắp tới.
Tôi cũng may mắn trải nghiệm những làn sóng khủng hoảng thức ăn này. Đó là khi tôi buộc phải ra ngoài mua một ít bánh ngọt, vì thói quen của tôi khi làm việc là phải bổ sung đường ngay khi không tập trung được. Khi đó mọi người chạy khắp đường và ghé bất kỳ cửa hàng tạp hóa nào mà họ thấy, nói thật thì nhìn khá là vui vì khung cảnh đó khá giống những gian hàng hội chợ mà tôi đi lúc nhỏ. Đương nhiên là khi tôi nhớ đến là đang có dịch thì tôi lại hết vui.
Điều này đặt cho tôi một câu hỏi là tại sao qua đến lần thứ 2, thứ 3 mà mọi người vẫn rơi vào tình trạng khủng hoảng như vậy?
Tôi tin đó là do một hiệu ứng tâm lý mà tôi vừa tìm được định nghĩa, đó là "hiệu ứng con gián" của Sundar Pichai - CEO của gã khổng lồ google từ năm 2015. Vậy hiệu ứng con gián là gì? Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện sau.
Trong một cửa hàng tạp hóa đang đông đúc, bỗng nhiên có một con gián từ đâu đậu vào vai của một quý cô. Sau một lúc, quý cô phát hiện mặt tái mét và hét toáng lên, phũi mạnh con gián. Nó bay đi và đậu tiếp trên người của một quý ông khác, thế là quý ông lại tiếp tục chuỗi hành động đó, con gián lại tiếp tục nhảy sang người khác và nó kéo theo cả một đám đông nhốn nháo, và ngay cả những người không bị trực tiếp chạm vào con gián cũng bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng của nó.
Sau đó một người nhân viên của cửa hàng bình tĩnh đến chỗ của nó, dùng khăn túm nó lại, sau đó anh cho nó vào sọt rác.
Bạn thấy đó, chỉ một con gián mà có thể khiến cho cả một cửa hàng náo loạn cả lên. Bạn thấy sự liên quan chứ?
Sự hỗn loạn trong cửa hàng hoàn toàn là do con người chúng ta tạo ra. Con gián chỉ đóng vai trò và là một vấn đề không quá lớn.
Khi mà có thông báo cách ly xã hội, thì một số người sẽ bị nỗi sợ của mình lấn át. Sợ không có đồ ăn trong thời gian cách ly, sợ không có khẩu trang sử dụng,... Những hành động này là một con gián và nó tiếp tục nhảy sang những người khác. Và cứ như vậy, những cơn lốc thu mua thực phẩm, khẩu trang bùng phát mạnh, dẫn tới việc khan hiếm khẩu trang và đồ dùng thực phẩm trong các siêu thị, tạp hóa. Điều này gián tiếp gây sự bất bình ổn giá về khẩu trang cũng như thực phẩm.
Nếu như tất cả mọi người đều bình tĩnh như anh nhân viên tạp hóa, chỉ cần lấy khăn bắt con gián và bỏ vào sọt rác, thì mọi chuyện sẽ diễn ra rất đơn giản.
Ngoài ra, hiệu ứng con gián vẫn có thể được áp dụng một cách tích cực hơn. Khi mà có người đầu tiên lan tỏa sự bình tĩnh đến mọi người, thì điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến những người khác, và nhờ vậy chúng ta sẽ dễ hơn trong việc phòng chống dịch như hiện tại, hoặc những sự cố khác ở tương lai. Đương nhiên là đây chỉ là viễn cảnh ở điều kiện tốt nhất mà tôi mong chúng ta có thể làm được.
Thực phẩm siêu thị vẫn đủ cho tất cả mọi người, chỉ cần mua vừa đủ và đừng cố gắng vơ vét hết tất cả trứng, thịt trong siêu thị. Trong chỉ thị 16 vừa qua, chúng ta hoàn toàn có thể đặt mua thực phẩm, đồ dùng thông qua Grab hoặc một số phần mềm giao hàng khác. Thậm chí ngay cả trong chỉ thị 16 tăng cường sắp tới, chính phủ vẫn bố trí quân đội và đảm bảo cung cấp thực phẩm cho người dân trong thời gian diễn ra chỉ thị.
Vào năm ngoái, tôi cũng như tất cả mọi người, xoắn hết cả chân đi tìm từng nhà thuốc để mua cho mình một vài hộp khẩu trang dự phòng. Một điều tôi rút ra được khi trải qua đợt khủng hoảng đó chính là sự chuẩn bị không bao giờ là thừa. Và như vậy, từ khi áp dụng chỉ thị 16 và work from home, chúng tôi thường sẽ trữ thực phẩm ngay cả khi mọi thứ đã rất dễ dàng để đặt về.
Việc đó giúp chúng tôi không phải lo nghĩ quá nhiều về việc sẽ mua gì vào ngày mai, giảm bớt tình trạng phát sinh khi mua nhiều lần, quản lý được chi tiêu rõ ràng hơn, và đặt biệt tránh tiếp xúc với nhiều người nhất có thể.
Điều này là một lợi thế rất lớn giúp chúng tôi tự tin bước vào chỉ thị 16 tăng cường mà không quá lo lắng về vấn đề lương thực. Không phải chạy khắp nơi, chen chúc với người khác khi mà thực trạng hơn 85% ca nhiễm ở TP. Hồ Chí Minh là trong cộng đồng.
Đây là một kinh nghiệm khá thực tế cho tất cả mọi người, chúng ta đang sống trong một thời kỳ không bền vững, mọi việc đều có thể xảy ra. Chúng ta càng chuẩn bị kỹ càng trước bao nhiêu, thì khi có sự cố chúng ta sẽ có thể bình tĩnh bấy nhiêu.
Giống như việc bạn đi một nước cờ trong cờ vua , thì bạn sẽ phải suy tính trước trong đầu mình những nước đi tiếp theo. Tương tự vậy khi đối thủ chúng ta đi một nước, chúng ta phải đoán trước được những trường hợp có thể xảy ra và suy nghĩ trước biện pháp.
Đừng để nước đến chân mới nhảy mọi người nhé, chúc mọi người được nhiều sức khỏe trong mùa dịch này.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất