Anh James Trần - Brand Development Market Research tại Kantar
Chúng tôi gặp James vào một ngày mùa xuân ở Sài Gòn. Thời tiết chưa gay gắt và trên loa quán cafe bật nhạc một bài hát đang nổi. James là một người trẻ đáng mến và đã có những bước đi nhất định trên con đường làm nghiên cứu thị trường phát triển thương hiệu. Cậu chia sẻ nhiều và đồng thời cũng rất có ý thức giữ gìn hình ảnh bản thân. James giới thiệu bản thân đến lần thứ hai mới ưng ý. 

"Công việc hiện tại của mình bao gồm Client Service, Study Design, Project Management, Data Analysis và Reporting cho các dự án nghiên cứu định lượng của các nhãn hàng lớn thuộc thị trường FMCG và e-commerce. Mình vào Sài Gòn đã được hơn một năm rưỡi. Trước khi vào Sài Gòn mình có làm việc tại Hà Nội ở một agency về planning và execution cho các doanh nghiệp miền Bắc và các nhãn hiệu local.”
Là một chuyên viên nghiên cứu thị trường phát triển thương hiệu ở Kantar, có lẽ thói quen quan sát và phân tích không cho phép James lưu lại một phiên bản “dễ dãi” trước mặt người khác. 

Đọc thêm:

Cuộc trò chuyện kéo dài gần một tiếng và có nhiều thứ một bạn sinh viên Hà Nội đang khao khát Nam tiến có thể sẽ thấy vừa quen thuộc vừa hấp dẫn: các cuộc thi marketing,, FTU, Young Marketers Elite, Local brands, Global Agency, FMCG,… Chúng tôi bắt đầu với bước ngoặt không phải là hiếm của những marketer trái ngành – gap year.

Được biết James có 1 năm “gap year” ở FTU. Quãng thời gian “gap year” đó của James như thế nào, có ảnh hưởng gì không?
Thực ra gap year của em không diễn ra trong đại học mà trước khi vào đại học. Đó là thời điểm em học cấp 3. Khi học hết kì 1 lớp 11 thì em thấy mọi thứ đều không ổn, có gì đó sai sai. Gia đình em thời điểm đó cũng không phải là một nơi các thành viên có thể cảm thấy thoải mái và thường chia sẻ về cảm xúc, công việc với nhau. 
Quyết định này cũng không liên quan gì đến năng lực học của em cả. Có lẽ đã có một thôi thúc gì đó, đẩy em làm như vậy, rằng mình cần có một hướng đi chắc chắn hơn trong những năm tiếp theo, để khi vào đại học mình sẽ có một nền tảng tốt để phát triển. 
Nhưng lúc ấy em không có một chút định hướng gì trong tay cả, cộng thêm việc cảm thấy cô lập vì không tìm được ai có suy nghĩ, quan điểm tương đồng để chia sẻ. Khi nghĩ lại thì em ước mình lúc đó có thể gặp được một người đủ kinh nghiệm trong cuộc sống để biết được là “thằng này có những tính cách này, có những khả năng này, học giỏi môn này thì có thể làm gì trong tương lai”. Giả sử em muốn tìm hiểu về một ngành nào đó, họ sẽ giới thiệu về công việc đó để em xem liệu mình có muốn tìm hiểu thêm không. Từ đó em sẽ có một định hướng rõ ràng về tương lai hơn là chỉ học, tốt nghiệp, rồi mới quyết định xem mình muốn làm nghề gì. Câu hỏi “Why am I here?” có lẽ là động lực khiến em quyết định ngừng lại. 
Sau đó em chỉ quay lại con đường giáo dục cấp 3 khi có hy vọng rằng: có lẽ xung quanh mình, không giới hạn trong gia đình hoặc họ hàng mà rộng hơn – đâu đó trong xã hội sẽ có người có thể giúp mình hiểu và định hướng được câu chuyện về mục đích sống của chính em trong tương lai.

Môi trường giáo dục cấp 3 mà em quay lại, là môi trường giáo dục thường xuyên, nơi mà em vẫn cảm thấy biết ơn rất nhiều vì sự bao dung, vì những góc nhìn mới đến từ các bạn học đa dạng về background, vì môi trường thật sự thoải mái nhưng vẫn nghiêm khắc đến từ hướng tiếp cận với giáo dục khác biệt so với các trường THPT khác.
Có thể nói, nếu xảy ra vào năm cấp 3 thì đây là một quyết định cực kỳ sốc. Không phải ai cũng có thể đưa ra quyết định ấy. Dừng lại một năm cấp 3 đã tạo ra những biến cố nào? Thời gian ấy có đem lại nhiều thay đổi, có ảnh hưởng đến con đường làm marketing và những lựa chọn của James không?
Viêc có tư tưởng mình cần phải “move on” – luôn bước tiếp là thứ mà em may mắn có được trong năm đó. Nhưng có vẻ như động lực thôi vẫn là chưa đủ vì lại có một bước ngoặt nữa là khi bước chân từ cấp 3 lên đại học, em lại chọn ngành mà về sau mới nhận ra bản thân không thích. Em nghe theo lời khuyên của gia đình: “hãy học ở Ngoại thương đi, học tiếng Nhật đi vì có nhiều cơ hội việc làm lắm”, gia đình không hề sai, nhưng ngay từ năm nhất em đã cảm thấy ngành học lựa chọn không hoàn toàn dành cho mình rồi. Nhu cầu hiểu và làm sao để phát huy năng lực bản thân sau chuyện này lại càng trở nên quan trọng đối với em.
Tuy nhiên Ngoại thương đã cho em sự đổi mới về tầm nhìn. Ở Ngoại thương, tuy mỗi bạn có một nền tảng khác nhau – không chỉ ở Hà Nội mà còn đến từ các tỉnh phía Bắc, thậm chí xa hơn nhưng đều có điểm chung là chịu khó học hỏi, năng động và dễ thích nghi với tình hình mình được đặt vào. Môi trường đó là điều em trân trọng nhất ở những năm học đại học và nếu được chọn lại thì em vẫn nghĩ là bản thân mình phù hợp với Đại học Ngoại thương, chỉ là sẽ cân nhắc nhiều hơn về ngành học của mình – tiếng Nhật thương mại.
Có vẻ đây không phải là một ngành phù hợp lắm để làm marketing?
Thực ra em nghĩ với nền tảng ngôn ngữ, vẫn sẽ có những điểm phục vụ được marketing, đó là lí do vẫn có những công việc Marketing sử dụng tiếng Nhật trên thị trường. Sâu hơn một lớp, cách sử dụng ngôn ngữ, hay việc mình tiếp xúc nhiều nền văn hoá khác nhau để tìm ra những sự kết nối mạnh mẽ cũng sẽ góp phần tạo nên nền tảng tốt hơn cho một marketer. Tuy nhiên khi xét về lâu dài thì với em, yếu tố cảm hứng trong công việc là một điều không thể thiếu.

Đọc thêm:

Như vậy James không định hướng theo marketing ngay từ đầu – năm nhất đại học mà mất một khoảng thời gian để định hướng và kiên trì theo đuổi. Điều gì đã làm James chuyển từ tiếng Nhật thương mại sang marketing?
Hết năm hai, em có đi xem một cuộc thi marketing ở trường. Trước lúc bước vào hội trường đó, em vẫn còn nghĩ “sale với marketing là lừa đảo, là nói phóng đại” (cười). Đến lúc nghe ban giám khảo (cũng là sếp của em sau này) đứng lên nhận xét, em mới biết ý nghĩa của thói quen quan sát và suy nghĩ mình luôn giữ từ bé. Giây phút đó nếu có ai hỏi, em sẽ không ngần ngại trả lời rằng mọi thứ của bản thân em trước giờ đều có thể quy về marketing. 
Sau đêm hôm đấy, em có cảm giác mình có trong tay một thứ đáng để thử trả lời: liệu mình có khả năng với ngành không, liệu mình có yêu thích được lâu dài không và nhu cầu của xã hội đối với ngành đó như thế nào. Em muốn tìm điểm giao của 3 điều ấy. Sau đó, em tìm thêm các cơ hội ở cuộc thi marketing và rộng hơn nữa, liên quan đến việc phối hợp marketing với các phòng ban khác trong công ty như Sales và Trade Marketing. Đồng thời, em cũng cố gắng tích luỹ các kinh nghiệm làm việc ngay khi chưa ra trường để có thể trải nghiệm nhiều hơn. Em nghĩ điều ấy cho mình lợi thế khi ra trường, bắt đầu chính thức làm ở một vị trí nào đó trong ngành.

Nếu có một lời khuyên trong giai đoạn này thì em muốn nói rằng: khi nhìn vào các anh chị đi trước hoặc các bạn đồng trang lứa, chúng ta không nên quá “harsh” với bản thân mình. Khi không biết nên làm gì trong tương lai thì hãy cứ làm, cứ khám phá, cứ trải nghiệm. Hãy thử xem mình hợp hay không. Nếu không, ít nhất mình có thể bỏ nó ra khỏi “chiếc hộp lựa chọn” của mình.
Thời điểm còn ngồi trong ghế nhà trường, dù phải đẩy bản thân về cả hai ngả, vừa hoàn thành chuyên ngành học để tốt nghiệp, vừa đi làm để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm ngành vốn không liên quan gì đến việc học ở trường để rồi vẫn thấy có hứng thú, có động lực làm Marketing thì em đã hiểu Marketing phần nào chính là câu trả lời em tìm kiếm bấy lâu nay.
- Hết phần 1 -
Lựa chọn Nam tiến khi chưa có offer cụ thể trong tay, James đã có những thay đổi gì trong môi trường mới? Mời bạn đón đọc phần 2 "Con đường vào Sài Gòn làm nghiên cứu thị trường phát triển thương hiệu" để khám phá hành trình tiếp theo của James nhé!
---------------------------------------------------
Bài viết thuộc series #StoaTalks by Markus.
Stoa Talks - Trò chuyện dưới Mái hiên, chủ đề Sự Nghiệp - là series những bài phỏng vấn đa chiều về câu chuyện nghề Marketing của cựu học viên Markus. Trải nghiệm từ chính những Marketer trẻ có xuất phát điểm khác nhau nhưng đều gặt hái được những thành công nhất định sẽ mang đến cho người đọc các góc nhìn mới mẻ, từ đó giải đáp “một ngàn lẻ một" những băn khoăn về ngành Marketing. Mời các bạn đón đọc những số tiếp theo.

Bài viết cùng tác giả: