Từ “kinh doanh giun quế” sang ngành hàng thời trang, và cuối cùng, ngành hàng tiêu dùng nhanh. 

Anh Trịnh Minh Đức, cựu học viên khóa Marketing Thinking - Markus School, người "đi bộ" lên Brand Team FMCG
Có thể thấy, Marketing trong ngành hàng tiêu dùng nhanh vẫn luôn là công việc “trong mơ" của phần lớn Marketer trẻ; hay nói cách khác, là bệ phóng cho một sự nghiệp thành công của bất kỳ ai muốn theo đuổi lĩnh vực này. Mặc dù vậy, không phải bạn trẻ nào cũng có cơ hội tiếp xúc với Marketing FMCG ngay từ những năm đầu tiên bước chân vào ngành. Có những người, xin nói vui, “đi đường vòng”, từ nhiều ngành nghề khác nhau, rồi mới quay về với Marketing FMCG. 

Đọc thêm:

Anh Trịnh Minh Đức không ngại đi đường vòng, liên tiếp bước ra khỏi  “vùng an toàn" của bản thân để chinh phục từng cột mốc mới trong sự nghiệp. Từ “kinh doanh giun quế” sang ngành hàng thời trang, và cuối cùng, ngành hàng tiêu dùng nhanh. Từ 3 năm kinh nghiệm tại Hà Nội sang 2 năm trải nghiệm tại Sài Gòn. Anh đã theo đuổi “công việc trong mơ” của mình như thế nào, giải quyết từng vấn đề trong việc phát triển bản thân ra sao, và đúc kết được những bài học gì dành cho Marketer trẻ Hà Nội?
Cuộc “tái ngộ" sau 4 năm giữa anh Đỗ Xuân Khoa - Founder Markus Marketing School - và anh Trịnh Minh Đức, cựu học viên khóa Marketing Thinking - Markus, sẽ mang tới những góc nhìn thực tế về lộ trình Marketing FMCG “đường vòng” cho những bạn trẻ thích FMCG mà thấy con đường trước mắt còn mờ mịt. 

“Nghề gặp người" âu cũng là một cái duyên


- Anh còn nhớ trước khi đến với Marketing, Đức đã trăn trở nhiều về lựa chọn nghề nghiệp. Em đã làm những gì để tìm ra con đường phù hợp với mình?
- Ngày ấy, quan niệm nghề nghiệp đối với em luôn mơ hồ. Em chọn Kinh tế Đầu tư - một ngành “hợp xu hướng" - nhưng tiếc là không đủ điểm. Em đành “nhắm mắt" đi theo Kinh tế Nông nghiệp - một trải nghiệm làm em xuống tinh thần và không có động lực đến trường.
May mắn là em đã cởi mở hơn trong các hoạt động sinh viên. Em tham gia vào tổ chức SIFE - một mô hình NGO sử dụng các công cụ của doanh nghiệp để giải quyết những vấn đề tồn đọng trong xã hội, chẳng hạn như hướng dẫn người nông dân, người khuyết tật,... tự vận hành mô hình kinh doanh của mình để trang trải cuộc sống. 
Thời gian đó, em đã dành tới gần 3 năm thực hiện dự án “Mô hình nuôi giun quế” ở xã Phù Đổng. Với mô hình này, người nông dân có thể sử dụng giun quế để xử lí phân bò sữa, tạo ra phân hữu cơ nhiều dinh dưỡng để trồng cây và tận dụng phần thịt giun chứa hàm lượng protein cao để bán. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất lúc này là đầu ra - bán phân giun và thịt giun cho ai, bằng cách nào - nên sau nhiều ngày loay hoay, em đã tự bỏ tiền mua chúng từ nông dân và đem lên Hà Nội bán. Em nghĩ sẽ luôn luôn có cách, chỉ là mình có muốn cố gắng và tiếp tục cố gắng hay không. 

- Và may mắn đã mỉm cười với em chứ? Nghe chữ “buôn bán" là thấy sắp liên quan tới Marketing rồi đây.
- Vâng, đây quả thực là nút thắt nghề nghiệp của em. Rất may mắn, ngày ấy ở Hà Nội đang có phong trào sử dụng sản phẩm hữu cơ. Các mẹ bỉm sữa mua cho con nhỏ, người trồng cây cảnh mua để bón phân. 

Đọc thêm:

Và thế là em bán rất chạy. Em còn “máu me” lập tài khoản với những cái tên rất buồn cười trên Webtretho.com, Rausach.vn,... rồi tự làm logo, tờ rơi, in số điện lên và đi giao hàng. Nhờ quá trình đó, em đã biết đến sự tồn tại của Marketing.
- Vậy là sự cố gắng không ngừng trong dự án thời sinh viên đã dẫn Đức tới một ngã rẽ hoàn toàn mới nhỉ? 
- Có vẻ như “nghề gặp người" âu cũng là một cái duyên, anh Khoa ạ. Tìm hiểu sâu hơn về Marketing, em dần cảm thấy mình thích và phù hợp với công việc này. Em tìm đọc sách Marketing của Philip Kotler, và bước đầu nắm được như thế nào là làm Marketing một cách bài bản. Lúc đó em khao khát làm Marketing cho một thương hiệu mới, vì muốn tạo dấu ấn đối với bước đi của doanh nghiệp.

Điểm chạm đầu tiên khơi mào cho triết lí riêng của chàng Marketer trẻ


- Cho nên Đức đã bắt đầu với Boo - một thương hiệu thời trang dành cho giới trẻ Việt Nam?
- Vâng, Boo là điểm chạm “chính thức" đầu tiên của em với Marketing. Khi em vừa ra trường, Boo đang chạy chương trình Boo-tential, khá giống với Management Trainee, nên em đã thử sức. Đội của em giành giải Nhất và được vào làm chính thức. Nhờ thế mà em có cơ hội làm trưởng nhóm dự án “Phát triển thương hiệu thời trang trẻ em Bê Sữa". 
- Đức lựa chọn Boo là bởi em thích thời trang hay là bởi một lí do nào khác? Tại sao lại là Boo-tential mà không phải các chương trình Management Trainee còn lại?
- Thực ra Boo đối với em là một mối tình “đúng người đúng thời điểm". Dự án trùng với mong muốn được xây dựng một thương hiệu từ đầu của em, và lại xuất hiện đúng lúc em vừa chập chững vào nghề.
Thứ nhất, các chương trình Management Trainee đều ở trong Nam, mà em lại chưa đủ quyết tâm, chưa chuẩn bị kĩ càng để dự thi. Ở Hà Nội có một cơ hội gần giống như vậy thì thật tốt, chắc chắn nên tham gia. Thứ hai, em được truyền cảm hứng bởi người sáng lập ra Boo. Em thích suy nghĩ và tầm nhìn của anh ấy. Thứ ba, dự án Bê Sữa thực sự thú vị - nó cho phép em được thỏa sức vận dụng óc sáng tạo của mình. Bản thân sản phẩm của Bê Sữa đã vượt xa khỏi hình hài của những chiếc quần, chiếc áo, mà chúng như món đồ chơi để trẻ con mặc lên người và tương tác. Áo của Bê Sữa nếu không có hình in graphic thì cũng sẽ có hình dáng vô cùng sáng tạo.
- Anh cũng nhận thấy rằng ngành bán lẻ, đặc biệt là thời trang, đang có sức nóng lớn trong 3 năm gần đây. Vậy tại sao Đức lại dừng làm ở Boo và chuyển sang mặt hàng tiêu dùng nhanh?
- Để nói về lí do thì cũng có cả mặt khách quan và mặt chủ quan anh ạ. 
Về mặt khách quan, qua hai mùa thử nghiệm Xuân - Hạ - Thu - Đông, performance (hiệu quả Marketing) không được như kì vọng. Vậy nên định hướng công ty thay đổi, sự đầu tư của Ban Giám đốc dành cho dự án Bê Sữa không còn như ban đầu. 
Còn chủ quan mà nói, em nhận ra muốn làm trong ngành thời trang, sáng tạo thôi là chưa đủ. Để đi được đường dài, sẽ cần có một “chất” riêng. Chẳng hạn như áo T-shirt mặc lên nhìn rất bình thường, nhưng người làm thời trang sẽ biết cách mix match để tạo ra một cái nhìn khác biệt. Em đã nghĩ, sẽ khó để mình đi được đường dài trong mảng này.
Nhưng nói gì thì nói, thời gian ở Boo đã giúp em đúc kết ra được một triết lí của riêng mình: Làm thương hiệu không nên dừng lại ở việc quảng bá sản phẩm, mà nên tìm cách đưa được những giá trị thật đến với audience (đối tượng tiếp cận) của mình. Vào thời điểm đó, với định vị của mình, Bê Sữa đã giúp những đứa trẻ nói lên suy nghĩ của mình thay vì bị áp đặt bởi cha mẹ. Khi cho con mặc đồ của Bê Sữa, cha mẹ cũng chính là đại diện của thế hệ cấp tiến, lắng nghe và cho con quyền thể hiện chính kiến. Thương hiệu Bê Sữa đã thực sự tạo ra giá trị cho khách hàng của mình.

Pha bẻ lái bất ngờ trước giấc mơ FMCG “huyền thoại"


- Anh nghĩ nếu không hợp với thời trang, em cũng còn rất nhiều lựa chọn khác. Không rõ cơ duyên nào đã đưa em đến với ngành hàng tiêu dùng nhanh - giấc mơ của mọi marketer trẻ, mà cụ thể hơn là công ty Micoem?
- Thời điểm ngừng làm việc ở Boo, em đã đưa ra hai quyết định đúng đắn. Thứ nhất là tham gia khoá học Marketing Thinking của Markus để củng cố lại kiến thức và nhìn ra những thứ cần hoàn thiện. Em nhận ra rằng FMCG là ngành hàng duy nhất giúp em được tiếp xúc với tất cả các công cụ truyền thông. Và công ty càng lớn, tiềm năng đầu tư vào các công cụ cơ bản như TVC lại càng cao. Thứ hai là chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm. Thay vì tìm kiếm trên các kênh trung gian, em đã vào thẳng website của Micoem, gửi email trực tiếp cho phòng nhân sự, và được nhận. 
- Rồi trải nghiệm tại Micoem có đúng như những gì Đức đã kì vọng?
- Bởi ban đầu em chuyển sang FMCG với mong muốn được sử dụng đa dạng các công cụ truyền thông, nên Micoem đã cho em những trải nghiệm như kì vọng. Với kinh nghiệm xây dựng thương hiệu mới ở Boo, em được giao nhiệm vụ quảng bá dòng sản phẩm mì ly - mới hoàn toàn so với mì gói. Vậy là em thoả sức triển khai các Social Campaign cho kênh Digital. Nào là lên Big Idea, rồi trao đổi với Agency, chạy bài PR, chạy Social Content, thực hiện các hoạt động activations tại điểm bán. 
Nhưng đúng là càng làm càng tham, em bắt đầu muốn tìm tới một nơi nào đó cho mình nhiều cơ hội hơn để thực chiến, với hệ thống phân phối mạnh hơn. Và đó là lúc em hình dung ra một bước ngoặt lớn: rời khỏi Hà Nội để Nam tiến. 
--Hết phần 1--
-----------------------------
Thông tin về nhân vật:
Anh Trịnh Minh Đức – 29 tuổi, cựu học viên khóa Marketing Thinking tại Markus Marketing School.
Sau khi tốt nghiệp đại học, hành trình làm Marketing của anh đã trải qua 4 công ty:
1. Boo - ngành hàng thời trang bán lẻ
2. Micoem - ngành hàng tiêu dùng nhanh (mì Cung Đình)
3. Nutifood - ngành hàng tiêu dùng nhanh (sữa đậu nành/sữa hạt)
4. TCP Vietnam - ngành hàng tiêu dùng nhanh (nước tăng lực; hiện anh đang phụ trách nhãn hàng Warrior)
-----------------------------
Bài viết thuộc series #StoaTalks by Markus.
Stoa Talks - Trò chuyện dưới Mái hiên, chủ đề Sự Nghiệp - là series những bài phỏng vấn đa chiều về câu chuyện nghề Marketing của cựu học viên Markus. Trải nghiệm từ chính những Marketer trẻ có xuất phát điểm khác nhau nhưng đều gặt hái được những thành công nhất định sẽ mang đến cho người đọc các góc nhìn mới mẻ, từ đó giải đáp “một ngàn lẻ một" những băn khoăn về ngành Marketing. Mời các bạn đón đọc những số tiếp theo.

Bài viết cùng tác giả: