Học trái ngành và chỉ biết đến Marketing sau khi tự vận hành một mô hình kinh doanh, đó là những bước đi đầu tiên của anh Trịnh Minh Đức trên con đường theo đuổi nghề Marketing.

Từ quyết định tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng Boo-tential của nhãn hàng thời trang BOO (Bò Sữa) và giành ngay một vị trí chính thức trong Project Team cho tới làm Branding tại MICOEM với nhãn hàng mỳ ly Cung Đình, hành trình chinh phục ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG tại Hà Nội của chàng sinh viên từng mơ hồ với khái niệm Marketing hẳn sẽ có nhiều điều đáng để suy ngẫm cho mỗi chúng ta.

Nhưng liệu quyết định từ bỏ công việc đáng mơ ước với nhiều bạn trẻ ngày đó để Nam tiến có là quyết định mạo hiểm với một Marketer trái ngành từ Hà Nội?

Cùng dõi theo phần tiếp của cuộc  “tái ngộ" sau 4 năm giữa anh Đỗ Xuân Khoa - Founder Markus Marketing School - và anh Trịnh Minh Đức, cựu học viên khóa Marketing Thinking - Markus để có được góc nhìn thực tế về con đường Nam tiến của một Marketer Hà Nội đặc biệt trong ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG.
Mời bạn theo dõi nội dung phần đầu của bài phỏng vấn tại đây
----------------------------------------------------
Anh nghĩ đó là một nước đi đầy tham vọng và dũng cảm khi em đã có tới 3 năm kinh nghiệm tại Hà Nội. Đức đã nộp hồ sơ xin việc trước từ Hà Nội hay vào Sài Gòn rồi mới tìm doanh nghiệp phù hợp? 
Ngay khi nghĩ nghiêm túc về việc vào Nam, em đã quyết định nghỉ Micoem mà chưa hề có offer trong đó. Quyết định này khá mạo hiểm, bởi sau khi vào Sài Gòn, em apply khá nhiều nơi nhưng họ không liên lạc lại. Lúc ấy, ở Sài Gòn gần 3 tháng, tiền tiết kiệm đã gần cạn. Em đã dựa vào mạng lưới network cá nhân để được giới thiệu, và trong số đó có NutiFood quan tâm tới CV của em và gọi phỏng vấn. Mọi thứ không quá thuận lợi, bởi gần một tháng sau vòng cuối họ mới liên lạc và offer em một vị trí.

Cuộc hành trình mới này đã thực sự giúp em bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình. Vào Sài Gòn đồng nghĩa với việc làm lại từ đầu, bởi thị trường trong đó khác hoàn toàn với thị trường ngoài Bắc. Em đã học mọi thứ lại từ đầu: phát triển sản phẩm ra sao, đưa sản phẩm ra thị trường thế nào. Tại NutiFood, em làm trong ngành hàng sữa hạt, có nhiệm vụ nghiên cứu một số sản phẩm mới và triển khai một vài hoạt động truyền thông, quảng cáo.
Vừa nghiện thách thức, vừa có duyên với việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm mới. Anh đoán những trải nghiệm ở NutiFood sẽ rất khác so với Boo và Micoem nhỉ?
Những điều em rút ra được tại NutiFood thiên nhiều về hoạt động Activation tại điểm bán, bởi đây là công cụ Marketing chính của NutiFood. Đặc biệt, ngân sách Marketing dành cho ngành hàng mới của NutiFood tập trung nhiều nhất vào các hoạt động Sampling Activation (Phát mẫu thử). Bởi vậy, cơ hội đi thị trường là rất nhiều.

Một hoạt động cực kì thú vị mà em sẽ không bao giờ quên chính là việc tài trợ cho chương trình “Vượt lên chính mình". Để Tổng Giám đốc đồng ý với đề xuất này, em đã đưa ra hai lí do. Thứ nhất, chương trình diễn ra ở khu vực nông thôn - nơi tập trung nhiều đối tượng chính sử dụng sữa đậu nành. Thứ hai, bên cạnh Digital, tạo quầy hàng, liên kết với các tiệm tạp hoá, hoạt động Sampling còn nên thông qua những chương trình truyền hình mà người dân nông thôn đặc biệt thích xem.

Vậy là tại mỗi nơi ghi hình, bọn em đều đưa một xe bán tải có tất cả dụng cụ như quầy hàng, standee, băng-rôn, sản phẩm mẫu,... tới điểm quay cho bà con thử trực tiếp; đồng thời liên hệ với các điểm bán chính ở khu vực, cho các chủ tiệm uống thử. Cứ như vậy, tận dụng hiệu ứng đám đông (1200-1500 người/nơi ghi hình), salesman phát cho bà con uống thử vào giờ nghỉ giữa các set quay, rồi mang theo vật phẩm “mua 1 lốc tặng 1 ly". Hoạt động tài trợ này kéo dài gần một năm trời, nên em đã có cơ hội đi tới 30 tỉnh thành từ Nam ra Bắc. Bên cạnh công việc, trải nghiệm này đã giúp em hình dung được đất nước dài rộng tới thế nào, mỗi nơi đa văn hoá ra sao.

Để anh tổng hợp lại chút nhé. Đức vào Micoem, được tiếp xúc với các công cụ truyền thông đa dạng. Đức vào NutiFood, được thực chiến với BTL, Activation, Trade Marketing. Vậy đến với tập đoàn TCP, đâu là trải nghiệm đáng nhớ nhất? 
TCP là công ty Global đầu tiên mà em làm. Cách vận hành của công ty Global khác với Local rất nhiều, bởi sẽ có những điều hướng từ phía vùng áp sang mà đôi khi không phù hợp với thị trường Local. Khi đó, em sẽ phải tìm cách “localize" (địa phương hoá) chúng.

Ở TCP, em tâm đắc nhất với chiến dịch truyền thông cuối năm vừa rồi, tầm giữa tháng 11 – đầu tháng 12 năm 2019. Đề bài của chiến dịch là tạo ra một “buzz" (sự bùng nổ) trên mạng xã hội cho nhãn hàng Warrior, bởi kết quả báo cáo của BuzzMetrics về nhãn hàng này khá kém. Sau khi ngồi với đội ngũ Inhouse và Agency, bọn em đã đưa ra được một ý tưởng khá thú vị. Ý tưởng này tập trung giải quyết vấn đề sau: Warrior là một từ Tiếng Anh, không thân thiện với các chủ tạp hoá. Hơn nữa, người sử dụng cũng thường phát âm sai nên có rất nhiều biến thể. Đi từ quan sát này, em và team quyết định sử dụng tên Warrior để viết ra một đoạn nhạc dễ nhớ, có giai điệu gây ám ảnh người nghe, rồi tạo bài hát, điệu nhảy để chúng trở nên viral. Kết quả như mong đợi, chiến dịch đã tạo được buzz trên mạng xã hội. Điều này được thể hiện rất rõ qua Brand Health Track của tháng 12 và tháng 1. 
Sau trải nghiệm thành công ấy, Đức có rút ra một bài học cụ thể nào không?
Có hai điều thú vị em lần đầu được trải nghiệm. Đầu tiên, em được làm việc cùng lúc với rất nhiều Agency, từ Creative, Media, tới Platform (chính là TikTok). Tất cả cùng ngồi trong một buổi họp, và cho ra được kết quả cuối cùng mà ai cũng hài lòng. Thứ hai, em được tiếp xúc với một kênh hoàn toàn mới, trước đây chưa từng sử dụng tới: TikTok. Em đã tìm cách “leverage" (tận dụng và khai triển) được các nội dung trên mạng xã hội thông thường để đem lên TikTok, giúp người chơi dễ dàng engage (tham gia vào). Chẳng hạn như thay vì song ca cùng thần tượng thì chuyển thành nhảy cùng thần tượng.

Sau tất cả những bước chuyển của mình, từ loại hình sản phẩm này sang loại hình sản phẩm khác (khác lĩnh vực, khác đối tượng, khác quy mô), Đức nhận thấy mình đã có những thay đổi gì nổi bật? 
Em nghĩ phần lớn là những thay đổi về mặt kĩ năng. Nhờ được làm việc với nhiều bên hơn (các Agency khác nhau) nên kĩ năng quản trị nhân sự của em đã cứng cáp hơn nhiều. Bên cạnh đó, khả năng phối hợp nhiều công cụ truyền thông với nhau để tạo ra hiệu quả cuối cùng cũng được mài sắc. Hai điều này có lẽ theo thời gian ai cũng sẽ dần học được.

Tuy nhiên, có một thứ có lẽ không bao giờ thay đổi, mà được củng cố thêm từng ngày: đó là quan niệm của em về việc làm thương hiệu. Như em đã chia sẻ, đây là quan niệm từ những ngày đầu tiên trong ngành: Làm thương hiệu không nên dừng lại ở việc quảng bá sản phẩm, mà nên tìm cách đưa được những giá trị thật đến với audience (đối tượng tiếp cận) của mình. Với FMCG, có những thương hiệu quảng bá sản phẩm theo hướng chi nhiều ngân sách thuê KOLs, tổ chức các sự kiện ca nhạc lớn,... Đây là lựa chọn dễ thực hiện, nhưng chỉ mang tính chất giải trí, không tạo ra được giá trị thực tế cho audience. 

Vậy là để đạt được những thay đổi này, Đức đã chấp nhận đánh đổi sự an toàn khi Nam tiến. Anh thấy đây là một trường hợp khá hiếm, bởi thường khoảng 3-4 năm sau khi ra trường, nếu còn ở Hà Nội, các bạn trẻ sẽ nghĩ tới việc đi du học hoặc lập gia đình. Giai đoạn đó em đã vượt qua áp lực đến từ những người xung quanh như thế nào? 
Lúc đó có hai điều thôi thúc em. Một là em đã có những thất bại đủ nhiều, như là từng đi đến vòng cuối của chương trình Management Trainee nhưng không được nhận. Hai là nếu nghỉ Micoem, em vẫn có thể tìm được cơ hội ở Hà Nội, nhưng sẽ không thể đạt được mục tiêu mình đề ra (là làm việc ở một công ty FMCG có hệ thống phân phối mạnh hơn). Từ đó, em thấy rằng chẳng có lí do gì để mình không thử mạo hiểm một lần nữa. Có thể em sẽ lại thất bại chứ, nhưng ít nhất mình đã thử. Và em sẽ không theo “đường cũ" - vào Sài Gòn qua một cuộc thi - vì lúc đó cũng quá tuổi rồi.

Du học thì không phải muốn hay không, mà còn liên quan tới tài chính. Hơn nữa, chưa chắc kiến thức của em lúc đó đã tích luỹ đủ để học Thạc sĩ. Lập gia đình thực ra là chuyện cá nhân, thời điểm đó em vẫn ưu tiên làm giàu vốn sống, muốn trải nghiệm thêm thay vì ổn định cuộc sống.

Với những trải nghiệm của mình, Đức có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ miền Bắc đang loay hoay “đi đường vòng" giống mình không? Các bạn ấy đắn đo rất nhiều về chuyện nên hay không chuyển sang FMCG khi đã có vài năm kinh nghiệm trong một ngành hàng khác, và nên hay không vào Sài Gòn khi đã ở Hà Nội được 3-4 năm.
Về chuyện chuyển sang FMCG, em mong các bạn trẻ đừng nên quá hài lòng với bản thân hoặc tiếc nuối kinh nghiệm đã có. Bởi thực ra tích luỹ 3-5 năm trong một lĩnh vực nào đó chưa bao giờ là đủ. Để thành thục, chúng ta cần ở một tâm thế mở, sẵn sàng đón nhận những thứ mới mẻ, đặc biệt là trong thế giới Marketing - nơi mọi thứ thay đổi từng ngày từng giờ. Có thể ngày nào đó chúng ta sẽ không còn thấy những YouTube, những Facebook, hay cả TikTok, mà thay vào đó là hàng loạt công cụ mới tinh.

Còn về quyết định ở lại hay Nam tiến, các bạn trẻ cũng đừng nên đặt mình vào một “vùng an toàn" cố hữu, sẽ rất khó để phát triển bản thân. Điều này tuỳ thuộc vào quan điểm của mỗi người, nhưng nếu như các bạn ấy khao khát làm giàu vốn sống, vốn trải nghiệm, cứ 2-3 năm các bạn lại sẽ lại thấy mình đang ở trong một vùng an toàn mới. Chẳng hạn như hiện tại, đối với em, Sài Gòn đã trở thành vùng an toàn. Rất có thể một năm nữa em sẽ lại phải bước ra khỏi đây để “nâng cấp" bản thân.

Nhìn chung, không cần phải tiếc nuối kinh nghiệm 3 năm, 5 năm hay 10 năm trong một lĩnh vực mà không thử đổi hẳn sang lĩnh vực hoàn toàn mới nếu thực sự muốn.

Anh đánh giá đây là một lời khuyên rất thực tế và chân thành dành cho các bạn Marketer trẻ. Vậy kế hoạch sắp tới của Đức sẽ là gì? Tiếp tục làm Brand Team hay về Hà Nội lập nghiệp?
Đây có lẽ là một câu trả lời “để ngỏ", vì em vẫn đang trong quá trình học. Em chưa hoàn toàn tự tin rằng mình đã nắm chắc “đủ" lượng kiến thức và công cụ. Khi nào cảm thấy “đủ", em sẽ có hai hướng đi để lựa chọn. Một là tìm ngành hàng khác, thử áp dụng những kiến thức đã biết để triển khai xem liệu những thứ ấy có hiệu quả với các ngành hàng khác không. Hai là quay về với những thứ mình bắt đầu từ thời sinh viên - mô hình doanh nghiệp xã hội - sử dụng sức mạnh của việc kinh doanh để giải quyết các vấn đề xã hội. Còn trước mắt, em vẫn sẽ tập trung vào việc hoàn thiện kiến thức và kĩ năng làm thương hiệu trong brand team.
----------------------------------------------------
Vậy ra, chẳng có điều gì là bất khả. Muộn màng cũng không sao, mà chần chừ sợ hãi mới là thứ khiến người ta giậm chân tại chỗ.

Dám ước mơ, dám thử, dám làm - đó là thông điệp mà anh Trịnh Minh Đức muốn nhắn gửi tới thế hệ Marketer trẻ.

Cuộc trò chuyện này, bên cạnh việc khiến anh Khoa cảm mừng, lại dấy lên một băn khoăn lớn hơn nữa. Liệu Markus có thể tiếp tục mang lại những giá trị nào cho các cựu học viên - những người đã có trong tay một vài thành tựu nhất định như anh Đức? Liệu Markus có thể làm gì để đồng hành cùng anh Đức trong thời gian sắp tới và cả trong chặng hành trình dài mãi về sau? Đó vẫn là một thách thức, và cũng là một ước mơ mà Markus nhất định sẽ chạm tới, vào lúc này hay lúc khác.

Cảm ơn anh Trịnh Minh Đức về một buổi trò chuyện thật chân thành. Hi vọng anh sẽ có thêm nhiều trải nghiệm thú vị trong khoảng thời gian sắp tới.
----------------------------------------------------
Thông tin về nhân vật:
Anh Trịnh Minh Đức – 29 tuổi, cựu học viên khóa Marketing Thinking tại Markus Marketing School.
Sau khi tốt nghiệp, anh đã từng làm Marketing tại 4 công ty sau:
1. Boo - ngành hàng thời trang bán lẻ
2. Micoem - ngành hàng tiêu dùng nhanh (mì Cung Đình)
3. Nutifood - ngành hàng tiêu dùng nhanh (sữa đậu nành/sữa hạt)
4. TCP Vietnam - ngành hàng tiêu dùng nhanh (nước tăng lực; hiện anh đang phụ trách nhãn hàng Warrior)
----------------------------------------------------
Bài viết thuộc series #StoaTalks by Markus.
Stoa Talks - Trò chuyện dưới Mái hiên, chủ đề Sự Nghiệp - là series những bài phỏng vấn đa chiều về câu chuyện nghề Marketing của cựu học viên Markus. Trải nghiệm từ chính những Marketer trẻ có xuất phát điểm khác nhau nhưng đều gặt hái được những thành công nhất định sẽ mang đến cho người đọc các góc nhìn mới mẻ, từ đó giải đáp “một ngàn lẻ một" những băn khoăn về ngành Marketing. Mời các bạn đón đọc những số tiếp theo.