Cùng với khái niệm cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì cơn cuồng STEM đang lan rộng trên toàn thế giới. STEM là viết tắc của Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán học); phương pháp STEM là phương pháp dạy học tích hợp liên môn, vận dụng kiến thức nhiều ngành để giải quyết một vấn đề. [1]

STEM ra đời trong hoàn cảnh nào?


STEM ra đời trong hoàn cảnh giáo dục Mỹ đang ngày càng đi xuống. Hơn nửa thế kỷ trước, Mỹ được xem là quốc gia hàng đầu về giáo dục khi mà nó là nước đầu tiên trên thế giới hoàn thành phổ cập giáo dục phổ thông. Tuy nhiên qua nhiều năm, chất lượng giáo dục Mỹ ngày càng đi xuống khi mà học sinh Mỹ bộc lộ rõ sự yếu kém về kiến thức cũng như khả năng vận dụng so với học sinh của nhiều nước khác trên thế giới. [2] Và áp lực xã hội về nhu cầu nhân lực trình độ cao, làm việc được ngay, thích ứng được trong môi trường đa ngành ngày càng lớn. Tình hình này đặt Mỹ trước hai lựa chọn: một là cải cách giáo dục sao cho nguồn nhân lực mới có khả năng vận dụng linh hoạt kiến thức toán học, khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ. Đòi hỏi này buộc phải thay đổi chương trình học theo hướng tích hợp liên môn hướng đến vận dụng kiến thức hơn là phân tích lý thuyết các công thức và định nghĩa. Hai là: thay đổi chính sách nhập cư để tuyển dụng nhân tài trên toàn thế giới. Với tham vọng duy trì vị thế số một của mình, Mỹ đã tiến hành cải cách giáo dục. Đây mới là con đường phát triển lâu dài cho tương lai Mỹ. Người ta bắt đầu bàn tán nhiều hơn về STEM, sự thật thì STEM không hoàn toàn mới, tiền thân của nó là METS. Sau khi đổi tên thành STEM tại hội nghị liên ngành về giáo dục khoa học được tổ chức bởi Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NSF) thì nó được trở nên phổ biến hơn. [1] Trong bài diễn văn về đổi mới  giáo dục của ông Obama vào năm 2009 tại nhà trắng, ông nói: “Hãy tái khẳng định và làm mạnh mẽ hơn nữa vai trò của nước Mỹ đối với phát minh khoa học và công nghệ trên thế giới. Hãy xem giáo dục STEM là ưu tiên hàng đầu của nước Mỹ trong thập niên tới.” [3]

Cơn cuồng STEM trên thế giới

Mỹ đã đầu tư hơn 1 tỷ đô-la vào chương trình giáo dục STEM của mình. Dự kiến sẽ đạt tới 4,32 tỷ đô-la vào năm 2020. [3] Đây quả thực là một khoản đầu tư chưa từng có cho ngành giáo dục tại Mỹ. Sự trở mình của gã khổng lồ làm ảnh hưởng đến cả thế giới. Nhưng ta hãy tạm quên xuất thân của nó, điều quan trọng làm cho STEM phổ biến trên toàn thế giới là khả năng xóa bỏ được khoảng cách giữa kiến thức hàn lâm với ứng dụng thực tiễn - điều mà hầu hết các nền giáo dục trên thế giới đang hướng tới. Giáo dục truyền thống tạo ra sự cản trở việc phát triển vô cùng lớn cho trẻ khi mà nó tách rời toán học với các môn khoa học cơ bản, công nghệ và kỹ thuật. Học sinh vận dụng rất kém các kiến thức học được vào các vấn đề thực tiễn vì chúng không được rèn luyện để làm điều đó. Diễn đàn giáo dục STEM lần thứ 6 tại Florida có hơn 2.500 đại biểu đến từ 120 quốc gia trên toàn thế giới. Châu Mỹ có Mỹ đứng đầu khởi xướng, Canada và Brasil; châu Âu tiêu biểu là Anh, Pháp, Đức; Châu Á có Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông..., vùng trung đông có Quatar. Thậm chí STEM còn tiếp cận rộng khắp các quốc gia châu Phi cận Sahara. [1] Cơn cuồng STEM lan rộng trên toàn cầu và trở thành cuộc cách mạng giáo dục thế giới.

Công nghệ thay đổi kinh tế


Ngày nay công nghệ đang làm chủ thế giới, nó có mặt ở tất cả các lĩnh vực và làm thay đổi về cách thức vận hành của kinh tế, ví dụ như Uber là công ty đặt xe hàng đầu thế giới vậy mà nó chẳng có một chiếc xe nào. Đến tiền cũng ảo, Bitcoin nó chẳng có gì là đảm bảo khi mới ra đời cả, không vàng, không bạc, không đô-la, không chính phủ nào bảo đảm. Vậy mà nó là đồng tiền ảo mạnh nhất tính đến thời điểm này. Giá trị của một đồng bitcoin khoảng 8800 đô (mình không cổ vũ bitcoin nha, chỉ là lấy ví dụ thôi 😊). [4] Trong một xã hội mà công nghệ là bá chủ thì chúng ta không thể đào tạo riêng lẻ các môn học, lại càng không thể tách nó ra khỏi công nghệ được.

Hội nhập vào Việt Nam


Hiểu được xu thế phát triển của thế giới, vào tháng 5 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 16 nêu rõ: "Cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông;" và yêu cầu "Bộ Giáo dục và Đào tạo: Thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức thí điểm tại một số trường phổ thông ngay từ năm học 2017 - 2018." [5]  Ngày 19/1/2018 Bộ giáo dục và đào tạo đã công bố dự thảo chương trình 20 môn học mới, trong đó cấp THCS sẽ gộp ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên; cấp THPT ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học là môn lựa chọn thuộc nhóm Khoa học tự nhiên; cùng với các chuyên đề học tập tích hợp liên môn và các chuyên đề phân môn ứng dụng thực tế cho thấy đây thực sự là một bước nhảy trong giáo dục Việt Nam. [6]

Nội lực và ngoại lực

Để thành công chúng ta cần có nội lực và ngoại lực. Chúng ta đang làm rất tốt và tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế, ông Obama tuyên bố: “Những cơ sở học thuật và công nghệ hàng đầu như Intel, Oracle, Đại học Arizona State và những đơn vị khác sẽ giúp các trường Đại học Việt Nam nâng cao việc đào tạo trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.” [7] Nhưng về đối nội thì không được như vậy. Có một điều chắc chắn rằng những nỗ lực cải cách và sự ủng hộ ấy sẽ chẳng có ý nghĩa nếu không nhận được sự đồng tình ủng hộ từ gia đình và xã hội Việt Nam. Bởi  gia đình là nơi trẻ học những bài học đầu tiên và là nơi hình thành nên các nhận thức xã hội một cách tự nhiên nhất của trẻ. Có nhiều những cải cách không tốt làm dấy lên quá nhiều nghi ngờ trong xã hội nhưng cải cách lần này là cần thiết, là điều tất yếu để giáo dục phát triển và tạo tiền đề cho tương lai. Còn quá sớm để nói thành công của Việt Nam sẽ tới đâu nhưng tôi hy vọng mọi người cần nhìn nhận một cách tích cực, có thế xã hội mới tích cực và mọi nỗ lực của chúng ta mới có ý nghĩa.

Tài liệu tham khảo
[1]
wikipedia, “wikipedia,” [Trực tuyến]. Available: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%A0nh_STEM. [Đã truy cập 20 4 2018].
[2]
Đ. V. Tuấn, "vtc.vn," 25 5 2014. [Online]. Available: https://vtc.vn/nha-khoa-hoc-viet-noi-ve-su-than-ky-cua-giao-duc-stem-d158066.html. [Accessed 20 4 2018].
[3]
N. T. Hải, "Từ giáo dục STEM đến Giáo dục STEAM: những gợi ý cho đổi mới giáo dục Việt Nam," 15 7 2016. [Online]. Available: http://sinhvienusa.org/2016/07/15/ms05-bai-du-thi-htnm4-giao-duc-steam/#_ftn1. [Accessed 20 4 2018].
[4]
coinmarketcap. [Online]. Available: https://coinmarketcap.com/. [Accessed 21 4 2018].
[5]
N. X. Phúc, "Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ : Về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4," 4 5 2017. [Online]. Available: http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&mode=detail&document_id=189610. [Accessed 20 4 2018].
[6]
Bộ giáo dục và đào tạo, "Dự thảo chương trình 20 môn học," Bộ giáo dục và đào tạo, 2018.
[7]
Báo Tia Sáng, "Các ngành STEM trong phát biểu của ông Obama," 25 5 2016. [Online]. Available: http://thegioihoinhap.vn/cong-nghe/startup/cac-nganh-stem-trong-phat-bieu-cua-ong-obama/. [Accessed 20 4 2018].
[8]
N. T. Hải, “Giáo dục STEM: xu hướng của giáo dục thế giới,” 14 7 2017. [Trực tuyến]. Available: https://tuoitre.vn/giao-duc-stem-xu-huong-cua-giao-duc-the-gioi-1351756.htm. [Đã truy cập 20 4 2018].
[9]
Đ. Đ. Thái, "Việt Nam học được gì từ giáo dục STEM?," 27 7 2017. [Online]. Available: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/viet-nam-hoc-duoc-gi-tu-giao-duc-stem-20170727085028452.htm. [Accessed 20 4 2018].