Cuba: sống giữa yêu và ghét, định kiến, áp bức và tỏa sáng
Cuba, vẫn sống giữa lằn ranh yêu và ghét. Đất nước anh em của chúng ta thật là lạ kỳ, họ có nhiều người ghét bỏ, nhưng cũng có rất...
Cuba, vẫn sống giữa lằn ranh yêu và ghét. Đất nước anh em của chúng ta thật là lạ kỳ, họ có nhiều người ghét bỏ, nhưng cũng có rất nhiều người yêu quý. Có nhiều người biết ơn, nhưng cũng có một vài người thù ghét.
Cuba sống giữa định kiến và áp bức
Từ năm 2013 đến cuối năm 2018, đã có khoảng 20 ngàn lượt bác sĩ Cuba đến làm việc tại Brazil. Hơn 113 triệu lượt bệnh nhân của "vương quốc bóng đá" đã được cứu chữa. Điều đáng chú ý, khu vực hoạt động của các bác sĩ Cuba tại Brazil chủ yếu ở những nơi vùng sâu, vùng xa, khu vực miền Tây Brazil, lưu vực sông Amazon...
Năm 2018, những lượt bác sĩ Cuba đầu tiên bị buộc phải rời khỏi Brazil do lãnh đạo Brazil khi đó là Bolsonaro cho rằng các bác sĩ này làm việc cho "một chính quyền độc tài, bóc lột". Ngoài ra, một nguyên nhân khá là hài hước khác được vị lãnh đạo này đưa ra, đó phía Cuba không tạo điều kiện làm việc tốt nhất hay cải thiện đời sống sinh hoạt cho các bác sĩ Cuba đang làm việc tại... Brazil (?).
Người dân tại một số bang mà các bác sĩ Cuba từng làm việc đã tổ chức một vài cuộc biểu tình nhỏ để phản đối. Theo RFI, khi Cuba bực tức và đưa các bác sĩ trở về nước, chính quyền Brazil lại đăng đàn phản đối và tiếp tục chỉ trích các bác sĩ đã rời Brazil và phía Cuba là “chế độ độc tài tỏ ra vô trách nhiệm đối với bệnh nhân Brazil” (?)). Điều vô lý ở đây, là chính phía Brazil muốn các bác sĩ Cuba rời đi và khi họ rời đi thật, thì lại kêu ca rằng họ rời đi "vô trách nhiệm". Đúng là không biết sống sao cho vừa lòng thiên hạ.
Năm 2019, một số quốc gia Nam Mỹ khác là Ecuador hay Bolivia cũng đã chọn "quay lưng" với các bác sĩ Cuba. Tại các quốc gia này, các bác sĩ Cuba phải làm việc ở nhiều nơi hẻo lánh tại các địa bàn trên vùng núi cao như tại dãy Andes phủ tuyết. Đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 tràn vào, các quốc gia này "thấm đòn", họ mới tự đặt ra câu hỏi: Nếu đoàn y bác sĩ Cuba ở lại, liệu họ có thể cứu chữa những mạng sống đó không?
"Không chắc chắn là cứu được hết, nhưng sẽ cứu được nhiều hơn" - Một bác sĩ tại Ecuador bình luận. Hay như lời bác sĩ Ricardo Ramírez đang làm việc tại Ủy ban Chống Tham nhũng ở Guayaquil, Ecuador cho rằng: "Khi họ rời đi, không chuyên gia nào có thể thay thế". Các bác sĩ bản địa cho rằng, những bác sĩ Cuba có chuyên môn rất sâu rộng, nếu giữ họ ở lại, cuộc chiến với đại dịch sẽ không vất vả đến thế. Bên cạnh đó, các bác sĩ Cuba có thể là "cầu nối" giúp chính quyền các quốc gia này thúc đẩy việc mua bán vật tư, thuốc chữa bệnh với phía Cuba chứ sẽ không bị phụ thuộc vào nguồn cung đến từ Mỹ như hiện tại. Nhưng cuộc đời, nếu biết trước được mọi thứ, đã không có "giá như".
"Tại sao ư? Vì bác sĩ Cuba luôn có mặt ở nơi không ai dám đến" - María Bolivia Rothe, một quan chức y tế dưới thời Tổng thống Evo Morales nói.
Ecuador kêu gọi Cuba hỗ trợ y tế trong dịch sốt xuất huyết năm 2001 và sau trận động đất năm 2016.Tại quốc gia này, các bác sĩ Cuba "đến những nơi không ai dám đến", tham gia cứu chữa cho những bệnh nhân ở những khu vực "gần như không có y bác sĩ". Nhưng sau đó, Ecuador đã "quên bẵng" đi mọi thứ, họ thân thiết với Mỹ hơn, sau khi có gói vay từ IMF, Ecuador tiến hành hủy bỏ các thỏa thuận y tế với Cuba, trục xuất các bác sĩ Cuba về nước.
Ngày 07/11/2019, gần như toàn bộ Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu lên án lệnh cấm vận của Mỹ với Cuba, đây cũng là năm thứ 28, đại đa phần Liên Hợp Quốc phản đối lệnh cấm vận này nhưng phía Mỹ vẫn cho rằng việc Mỹ buôn bán với ai là quyền của họ, việc các quốc gia khác phản bác việc cấm vận là "đáng lo ngại". Chỉ có duy nhất ba đại diện bỏ phiếu chống lại việc lên án này, đó chính là Mỹ, Israel và Brazil. Đó cũng là lần đầu tiên, chính quyền Brazil bỏ phiếu ủng hộ Mỹ, chống Cuba. Cần biết rằng, từ trước đến nay, Cuba và Brazil gần như không có bất đồng chính trị, không xảy ra tranh chấp lãnh thổ, không có xung đột lớn nào trên trường quốc tế.
Theo trang Miamiherald, phía Mỹ cho rằng những "đội quân y tế" của Cuba là một biểu hiện của hành vi vi phạm nhân quyền. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng phía Cuba đã "cưỡng bức lao động" các y bác sĩ này khi điều 50 ngàn bác sĩ đến hơn 60 quốc gia trên thế giới. Phía Mỹ cho rằng việc hơn 50 ngàn bác sĩ hoạt động tại nhiều quốc gia là một dấu hiệu của nạn buôn người.
Nhưng cần phải chú ý rằng trong số 60 quốc gia mà các bác sĩ Cuba làm việc, không có quốc gia nào lên án, phản đối việc chính quyền Cuba "cưỡng bức" hay "bóc lột" các bác sĩ. Toàn bộ 60 quốc gia mà các chuyên gia Cuba làm việc trực tiếp hiện tại đều bỏ phiếu lên án hành vi cấm vận của Mỹ vào Cuba tại Liên Hợp Quốc.
Trong Call of Duty: Black Ops, người chơi sẽ nhập vai vào là một người lính thực hiện nhiệm vụ ám sát chủ tịch Fidel Castro. Chính người Mỹ từng chua chát thừa nhận rằng, những gì mà người Mỹ không làm được ở ngoài đời, họ sẽ làm trong game.
Dù sống giữa áp bức, bất công nhưng Cuba vẫn luôn "tỏa sáng"
Mặc kệ những áp bức và bất công, Cuba vẫn cử các "binh đoàn" áo trắng đến các quốc gia khác, từ châu Âu đến châu Á rồi cả châu Phi. Tại Ý, CLB Juventus đã tặng áo có chữ ký của CR7 đến tận tay các bác sĩ Cuba - những người được cử đến Turin, Italy để chống Covid-19. Tại Pháp, chính quyền Paris đã làm việc với chính quyền Cuba tạo điều kiện cho phép các bác sĩ Cuba làm việc tại các lãnh thổ hải ngoại xa xôi.
Cuối tháng 4/2020, hơn 200 chuyên gia y tế Cuba đã đến Nam Phi, bắt đầu nghĩa vụ quốc tế nhằm giải cứu quốc gia này thoát khỏi đại dịch. Thành tích của các chuyên gia y tế Cuba là việc góp phần khiến cho Nam Phi tuy có nửa triệu ca mắc Covid-19 nhưng chỉ có khoảng 10 ngàn người tử vong. Một thành tích khiến các quốc gia y tế phát triển "thèm thuồng".
Những bác sĩ Cuba từng được người dân các nước châu Phi, cụ thể là Liberia, Guinea và Sierra Leona coi là những "thiên thần áo trắng" vì họ là "binh đoàn" đầu tiên tham gia vào cuộc chiến chống đại dịch Ebola vào năm 2014. Cũng chính những bác sĩ Cuba đã được điều động "gần như ngay lập tức" đến Indonesia tham gia khắc phục hậu quả tại thảm họa sóng thần 2014. Năm 2010, họ cũng có mặt tại Haiti để tham gia hỗ trợ khắc phục "thảm họa kép" là động đất và dịch tả.
Mới đây, hàng ngàn lọ thuốc INTERFERON ALFA 2B được điều chế trực tiếp tại Trung tâm Di truyền và công nghệ sinh học Cuba đã đến Việt Nam. Một lần nữa như bao lần trước đó, những liều thuốc viện trợ từ người anh em ở cách xa nửa vòng Trái Đất lại đến chúng ta. Bên cạnh đó, đội ngũ y bác sĩ Cuba cũng sẽ trực tiếp tham gia vào công tác điều trị các bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam. Cần biết rằng, đây là đội ngũ chuyên gia nước ngoài đầu tiên và duy nhất có mặt tại Việt Nam tham gia phòng chống đại dịch.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh gọi những người bác sĩ Cuba đến Việt Nam là "đồng chí". Đại sứ Cuba tại Việt Nam là Lianys Torres Rivera gọi việc các chuyên gia Cuba đến Việt Nam là việc "giúp đỡ người anh em lúc hoạn nạn".
Chúng ta có câu: "Bán anh em xa, mua láng giếng gần". Nhưng dường như khi nói về mối quan hệ với người anh em Cuba, thì phải ngược lại mới đúng: "Bán láng giềng gần, mua anh em xa".
Trong lúc chúng ta gặp khó khăn, người anh em Cuba chìa tay ra giúp đỡ "đâu cần anh em có, đâu khó có anh em". Có nhiều người Việt, dường như đã quên "vết sẹo Cuba" ở bả vai, đã quên những gì mà người anh em Cuba đã ủng hộ Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, đã quên đi lời nguyện "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu thịt của mình", mình cho rằng, những người đã lãng quên đó, là những kẻ vô ơn.
Người anh em Cuba của chúng ta, như là nhân vật chính của cho tác phẩm: "Thép đã tôi thế đấy" vậy.
Mời các bạn tham gia viết bài tại https://mvatoi.com.vn. Đăng nhập dễ dàng bằng zalo chỉ với 1 click là có thể viết bài. Hiện M & Tôi đã có tính năng nghe bài viết. Mỗi bài viết đăng tại M & Tôi sẽ được chuyển đổi tự động thành audio
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất