THIÊN ĐƯỜNG ĐÃ MẤT - Sự đánh mất của ý nghĩa, tính toàn vẹn và cộng hưởng trong xã hội phương Tây hiện đại phi thần thoại
(Tựa đề gốc: "Lost Paradies - Der westliche Verlust der Bedeutung, Einheit und Resonanz in einer mythenlosen Moderne") Đây là bài...
(Tựa đề gốc: "Lost Paradies - Der westliche Verlust der Bedeutung, Einheit und Resonanz in einer mythenlosen Moderne")
Đây là bài luận của mình môn Triết học Văn hóa (Cultural Philosophy: How to do Philosophy with Culture?) mà mình khá là tâm đắc và muốn dịch lại.
Bài viết dùng từ "xã hội phương Tây" để có thể khoanh vùng vấn đề rõ ràng hơn, bởi sử dụng nguồn tài liệu của các học giả phương Tây. Tuy nhiên, vấn đề này mình tin là cũng có thể đọc và cảm nhận trong bối cảnh phương Đông, khi các xã hội cũng chịu tác động bởi những hiện tượng kinh tế - chính trị tương đương, con người cũng chịu những áp lực tâm lý tương đương.
Bài viết dùng từ "xã hội phương Tây" để có thể khoanh vùng vấn đề rõ ràng hơn, bởi sử dụng nguồn tài liệu của các học giả phương Tây. Tuy nhiên, vấn đề này mình tin là cũng có thể đọc và cảm nhận trong bối cảnh phương Đông, khi các xã hội cũng chịu tác động bởi những hiện tượng kinh tế - chính trị tương đương, con người cũng chịu những áp lực tâm lý tương đương.
Bài viết này là nỗ lực của mình trong nhiều năm để lý giải, liên kết những vấn đề tâm lý cá nhân với các vấn đề của xã hội, thời đại. Có phải lúc nào nỗ lực (tâm lý học) đi vào sâu trong bản thân để tìm câu trả lời cũng có thể chữa lành chúng ta? Nếu như chúng ta cố gắng hết sức để chữa lành bản thân, nhưng tác động xã hội, lịch sử, văn hóa đã tạo nên những khung sườn nhất định tạo tác nên vấn đề tâm lý và sự bất mãn của chúng ta thì sao?
1. Dẫn nhập
2. Thần thoại trong xã hội hiện đại phương Tây
3. Điều gì đã gây nên sự mất mát tính thần thoại trong thời hiện đại?
3.1 Chủ nghĩa tư bản và những tác động đi kèm với nó
3.2. Sự đánh mất tính mơ hồ
4. Kết luận
[Giải thích từ "cộng hưởng" (tiếng Đức: Resonanz; tiếng Anh: resonance): Trong âm học, cộng hưởng là một hiện tượng vật lý, khi hai lực tác động nhau gây nên sự rung động phản xạ lại âm thanh (tiếng La tinh: "resonare" = vang dội, dội lại); sự gặp nhau của hai dao động có cùng tần số. Nhưng, cộng hưởng cũng có nghĩa là hai cơ thể có khả năng "dao động" với nhau. Đó là một nhu cầu và khả năng cơ bản của con người - được chạm vào và đáp ứng lại về mặt cảm xúc, thể chất, tinh thần. Chúng ta có thể cộng hưởng với người khác, với thiên nhiên, nghệ thuật hay tôn giáo. Không thể ép buộc được cảm xúc này. Một buổi đi nghe hòa nhạc trịnh trọng, chẳng hạn, có thể lại ít "chạm" đến tôi hơn là một cuộc chạm trán tình cờ với những nghệ sĩ đường phố. Cảm giác này cũng có thể được sinh ra sau khi khi tôi có một cuộc trò chuyện gần gũi, sâu sắc, không tính toán trước với người khác, khiến tôi cảm thấy có sự thay đổi trong mình sau đó. Nhà xã hội học Hartmut Rosa sử dụng từ này để nói về hiện tượng con người đánh mất cảm giác cộng hưởng, hình thành cảm quan "xa lạ" (estrangement, self-enstrangement) với nhau, với môi trường và với chính mình, vốn xảy ra từ sự thiếu vắng đối thoại, tương tác, hồi đáp - cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.]
1. Dẫn nhập
"Bi kịch của tinh thần thời hiện đại là nó đã giải được mọi câu đố của vũ trụ nhưng lại không giải được câu đố về chính mình." (Koyré 1965) Trích dẫn này có thể tiết lộ về tình trạng của chúng ta trong thời đại dịch: làm thế nào mà chúng ta lại ở thời điểm này trong lịch sử, khi mà cuộc sống con người trở nên quyền lực hơn bao giờ hết nhờ có công nghệ, nhưng chúng ta, ngược lại, vẫn cảm thấy mong manh và không toàn vẹn hơn bao giờ hết?
Sự đánh mất tính cộng hưởng của con người với đời sống là một chủ đề thường được bàn luận trong triết học phương Tây. Tuy nhiên, nó không thuộc vào hàng những câu hỏi lớn của triết học mà là một vấn đề của thời hiện đại. Câu hỏi mà bài luận này đặt ra là: những yếu tố nào của xã hội hiện đại đã khiến con người rơi vào tình trạng phi thần thoại? Mối quan hệ giữa việc mất đi các thần thoại và cảm giác bất mãn thường trực của con người hiện đại là gì?
Mục tiêu của tôi không phải là tái định nghĩa “thời hiện đại” hay liệt kê những vấn đề của nó, mà là phân tích điều gì khiến con người hiện đại đánh mất ý nghĩa, cảm giác toàn vẹn và thuộc về, sự cân bằng, tính cộng hưởng (trong bối cảnh xã hội phương Tây).
Trước tiên, tôi sẽ đưa ra cái nhìn tổng quan về thần thoại trong xã hội phương Tây. Nếu như con người là những sinh vật "thiếu sót" đúng như lý thuyết của Gehlen, thì chúng ta phải sống như thế nào với sự thiếu sót ấy, và thần thoại hỗ trợ cho sự sinh tồn của con người ra sao?
[Chú thích: Arnold Gehlen là nhà triết học và xã hội học người Đức. Trong cuốn "Con người: Bản chất và vị trí của nó trong thế giới" (Der Mensch: Seine Natur und seine Stellung in der Welt), từ góc nhìn triết học - nhân học, Gehlen cho rằng con người là sinh vật "thiếu sót" (Mängelwesen). Về đặc điểm sinh học, khả năng sinh tồn của con người kém hơn những con vật khác: thiếu nanh vuốt - bộ phận tấn công, cấu trúc cơ thể không thích hợp để chạy thoát nhanh khỏi kẻ thù, không có lớp lông dày để bảo vệ cơ thể, thời gian mang thai cũng như thời gian trưởng thành kéo dài hơn những động vật khác - dễ bị tổn thương khi sinh tồn trong tự nhiên vv.. Con người vì thế, theo Gehlen, tạo ra “văn hóa” bằng cách thuần phục tự nhiên, tạo ra công cụ và các dụng cụ vật chất nhằm phục vụ cho nhu cầu của mình (đặc tính "cởi mở với thế giới") để có thể sinh tồn.]
Tiếp đó, tôi sẽ tìm hiểu những yếu tố chính dẫn đến sự mất cân bằng của con người hiện đại, đó là chủ nghĩa tư bản (đi kèm là hiện tượng hay cảm thức xa lạ - estrangement ở mỗi cá nhân; sự biến mất của các nghi lễ/ nghi thức - rituals), cũng như sự suy giảm khả năng khoan dung cái mơ hồ (hay chịu đựng cái mơ hồ) - ambiguity tolerance.
[Chú thích: Khả năng chấp nhận/ khoan dung với điều mơ hồ có nghĩa là chấp nhận được sự không chắc chắn, tình trạng đứng giữa những quan điểm, lựa chọn, vv.. trái chiều mà không cảm thấy căng thẳng hay phải đưa ra quyết định. Trong lĩnh vực tâm lý, một cá nhân có thể phản ứng bằng sự cởi mở hoặc cảm thấy bị đe đọa với những tác nhân/ sự kiện/ thông tin mơ hồ. Người ít khoan dung với sự mơ hồ thường: muốn mọi thứ phải chắc chắn, không chấp nhận việc người khác có thể vừa (có những tính cách) tốt và xấu, nhìn mọi chuyện trên đời theo hai màu đen-trắng, thích cái quen thuộc hơn cái gì không quen thuộc, chối bỏ những thứ khác thường, do đó có xu hướng trở nên giáo điều, cứng nhắc, thiếu cởi mở, thiếu sáng tạo, hay lo lắng, vv..]
Để các lập luận có thể dễ dàng theo dõi, tôi sẽ nói về khả năng khai phá lại tính thần thoại trong đời sống cũng như khả năng tư duy thần thoại trực tiếp dưới các phần trong bài luận.
2. Thần thoại trong xã hội hiện đại phương Tây
[Định nghĩa thần thoại hay huyền thoại (myth): Thần thoại là sáng tạo của trí tưởng tượng tập thể như một nỗ lực phản ánh lại hiện thực thông qua các vị thần (được nhân cách hóa), hoặc những sinh thể có linh hồn. Nó cho thấy các ý niệm hay biểu tượng mà con người cổ đại tạo ra về thế giới, được bộc lộ không chỉ qua truyện kể mà cả những hình thức khác như: nghi lễ, lễ thức, các điều răn dạy, các bài ca, vũ điệu vv..]
Vô số các học giả từ cổ chí kim đã nỗ lực miêu tả và định nghĩa về (các) thần thoại, dựa trên chuyên môn của họ cũng như tinh thần thời đại, thời kỳ lịch sử mà họ sống. Nhà triết học chủ nghĩa Cấu trúc (structuralism) thế kỷ XX Roland Barthes cho rằng thần thoại là một hình thức giao tiếp hay một hệ thống giao tiếp (Barthes 1972, tr.107-108). Vài vật sẽ tạm thời mang tính thần thoại, rồi những vật khác có thể thay vị trí của nó và trở thành “thần thoại”.
Barthes quan sát những phương tiện thông tin, truyền thông và công nghệ của thời đại mình, cho rằng mọi thứ kể cả nhiếp ảnh, điện ảnh, thể thao, quảng cáo vv.. đều có thể mang tính thần thoại, miễn là chúng được con người gán cho ý nghĩa. Trong thần thoại, thứ tầm phào nhất cũng có thể trở nên đầy ý nghĩa thông qua khả năng tưởng tượng, những ước muốn, kỳ vọng, nỗi sợ và sự bất an của con người.
Khái niệm “thần thoại” ngày càng được chấp nhận như là "câu chuyện có thật" đúng như cách nó được hiểu ở các xã hội cổ đại - một câu chuyện thiêng liêng và mang tính răn dạy. Điều đó cũng được nhận thấy bởi Mircea, học giả chuyên nghiên cứu về tôn giáo và thần thoại trong cuốn sách "Myth and Reality" (Thần thoại và Thực tại) (Mircea 1963, tr.1).
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn tồn tại quan điểm rằng thần thoại (myth) là ngược lại với lý tính.
“Thần thoại” vẫn được dùng như từ đồng nghĩa với “hư cấu, giả tưởng, ảo tưởng” - fiction, illusion.
Về điều này, triết gia Blumenberg nêu quan điểm của mình từ góc độ nhân học rằng: khoan nói đến việc thần thoại là sự thực hay là "tấm vải" ngụ ngôn khoác lên sự thực, hãy bàn về việc thần thoại đã đem lại những gì cho con người.
[Chú thích: Hans Blumenberg là nhà sử học, triết gia người Đức. Những tư tưởng và quan điểm của ông ngày càng trở nên quan trọng trong thời đại Anthropocene - thời đại địa chất (từ TK 18 đến) ngày nay, khi các hoạt động của con người có ảnh hưởng lớn và làm thay đổi khí hậu, môi trường, hệ sinh thái của Trái Đất.]
Ông cho rằng con người cần đến những yếu tố của thần thoại như tranh ảnh, biểu tượng, các nghi lễ và nghi thức để có thể sinh tồn, vượt qua cảm giác mất mát, choán ngợp trong thế giới tự nhiên xa lạ, đáng sợ và luôn mang tính áp đảo (Blumenberg 1979).
3. Điều gì đã gây nên sự mất mát tính thần thoại trong thời hiện đại?
Emil Cioran ghi lại trong nhật ký của mình những dòng sau: ".. tôi nhìn vào gương để thắt lại khăn. Bỗng nhiên, một sự sợ hãi không tên trỗi dậy: kẻ này là ai? Không thể nhận ra được chính bản thân mình nữa." (Cioran 1957-1972, S.14)
[Chú thích: Emil Cioran là triết gia và nhà văn người Rumani. Các tác phẩm của ông mang màu sắc triết học bi quan với những chủ đề về sự đau khổ, suy đồi và chủ nghĩa hư vô. Các tác phẩm chính: On the Heights of Despair, The Trouble with Being Born, A Short History of Decay. Tìm hiểu thêm về Cioran bằng tiếng Việt trên: Zzzreview, hoanghannom, talawas, blog của Phan Quỳnh Trâm, vv..]
Chủ đề làm bận tâm Cioran và vô số tác giả khác của thế kỷ XIX - XX là trải nghiệm về việc nhìn chính mình bằng con mắt của kẻ khác, nhìn mình như một kẻ xa lạ.
Phần lớn cái được gọi là "chủ nghĩa Hư vô" - nihilism thực chất là triệu chứng của hiện tượng xa lạ với bản thân - self-alienation này. Đó là hậu quả của một thực tại (không chỉ vô thần mà còn) phi thần thoại - mythless, khi không còn điều gì "linh thiêng" nữa.
Thế giới đã được giải phóng khỏi mọi thói quen, tập tục và niềm tin. Vì lẽ đó, nó trở nên xa lạ một cách đáng sợ.
Người ta không còn tin vào những tích truyện tôn giáo, những huyền thoại cổ đại - vốn là nền tảng lý giải cho sự hiện diện (và ý nghĩa sự hiện diện) của con người trên thế gian qua nhiều thế kỷ - nữa.
Foucault cũng nhận thấy điều đó: ".. mỗi sinh vật sống không còn tồn tại cho ai khác - không cho chính mình, không cho người khác, cũng không cho Thượng Đế, mà chỉ đơn thuần tồn tại." (Foucault 1978, S.29)
[Chú thích: Paul-Michel Foucault là triết gia, nhà phê bình văn học và lý thuyết xã hội người Pháp. Tên tuổi của ông thường được gắn với chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại, chủ nghĩa Cấu trúc và Hậu cấu trúc. Ông là một trong những học giả khoa học nhân văn được trích dẫn nhiều nhất.]
Thế giới không còn cho thấy nó đang tuân theo bất cứ một ý chí, một mệnh lệnh nào (của Đấng Thượng đế) cao hơn con người. Thực tại mà con người đang sống thậm chí còn không phải là xa rời Thượng Đế - các vị thần đã hoàn toàn biến mất và không còn tồn tại.
Dường như, ".. chúng ta, một cách chậm mà chắc, đã cởi bỏ mọi ràng buộc với thần học và siêu hình học, chẳng còn phải nỗ lực tìm kiếm một lối thoát ra khỏi không gian hay thời gian." (Rorty 1989, S.12) Sự mất mát tính “linh thiêng” trong đời sống không nên chỉ được nhìn nhận về khía cạnh tôn giáo, về Thượng Đế hay thần thánh nào nói riêng, mà cả trong toàn bộ lĩnh vực tinh thần và tâm linh nói chung.
Theo Mircea, thần thoại là lời gợi nhắc con người rằng những sự việc vĩ đại đã diễn ra trên thế gian này, và "quá khứ" ấy có thể phần nào được tái dựng lại, "nâng" con người lên (khỏi thực tại) thông qua các phương tiện của nó - tranh ảnh, biểu tượng, nghi lễ vv.. (Mircea 1963, S.145)
Chẳng hạn, lối tư duy của một người hiện đại và một người cổ đại có thể được hình dung như sau: một người hiện đại nhìn bản thân mình như là kết quả của dòng chảy lịch sử liên tục và lũy tiến; anh ta không cảm thấy mình cần phải biết hay hiểu tất cả.
Ngược lại, một thần dân của bộ lạc cổ đại phải thường xuyên tái hiện lại lịch sử thần thoại thông qua những sự kiện của bộ lạc như nghi thức hay lễ hội. Với người hiện đại, những sự kiện của lịch sử là không thể bị đảo ngược. Tuy nhiên, điều đó lại không đúng với người cổ đại. Rất có thể vì lý do này mà người cổ đại không cảm thấy sợ hãi trước tương lai. Niềm tin của anh ta vào một trật tự có ý nghĩa, vào vị trí được định sẵn của mình trong vũ trụ, trong thời gian và không gian, cũng như trong mối quan hệ với các sinh vật khác đem lại cho anh ta cảm giác trọn vẹn, được thuộc về và cân bằng. Vì thế, anh ta có thể cảm thấy bình yên trong thế giới xa lạ của tự nhiên và vật chất.
[Chú thích: Tất nhiên, không loại trừ lý do sinh học tiến hóa - tâm lý học, rằng con người hiện đại có nhận thức phát triển hơn và do đó có nhiều nỗi lo sợ về tương lai hơn người cổ đại.]
3.1 Chủ nghĩa tư bản và những tác động đi kèm với nó
Một trong những "tội đồ" thường được nhắc đến trong các cuộc tranh luận về sự đi xuống của phẩm giá của con người (trong xã hội phương Tây) là chủ nghĩa tư bản. Điều này không ngạc nhiên, bởi hệ thống (kinh tế - xã hội) này cổ vũ những giá trị liên quan đến "cái Tôi" hoặc "tư lợi cá nhân", chứ không chú trọng tới mối liên kết hài hòa mà cái Tôi có thể hoặc nên có với thế giới, với vũ trụ và những sinh thể, cá thể khác.
[Chú thích: Người viết không phân tích về chủ nghĩa tư bản trong góc nhìn chính trị - hệ tư tưởng. Bài luận do đó không nói lên quan điểm và xu hướng chính trị của người viết.]
Khi bàn về tiền bạc, đại diện quan trọng nhất của chủ nghĩa tư bản, phần đa các nhà phê bình cho rằng nó không chỉ có khả năng quy đổi mọi vật thành hàng hóa mà còn có thể “san bằng” cả các mối quan hệ xã hội của con người. Đi cùng với sự toàn cầu hóa, tiền bạc góp phần vào sự phổ quát hóa các tập tục và giá trị. Mọi “tính riêng” trở thành “một màu” trong xã hội thị trường cạnh tranh; mọi giá trị nhân bản vô hình đều có thể được quy ra con số để “đo lường, so sánh”.
Với luận thuyết về sự “tăng tốc xã hội” - social acceleration, Hartmut Rosa cho rằng bản chất của xã hội hiện đại tư bản khiến nó phải không ngừng phát triển, phải không ngừng gia tăng các khả năng kết nối, sản xuất, tiêu thụ để có thể tồn tại về mặt văn hóa và cấu trúc (Rosa 2016). Xu hướng “tăng tốc” không ngừng, không mục đích, không có điểm dừng này là vòng tròn bóc lột luẩn quẩn. Nó không chỉ làm thay đổi mối quan hệ của con người với thế giới (cảm quan của chúng ta về không gian, thời gian), với những người, đồ vật xung quanh, mà còn với chính bản thân mình (thể chất cũng như tâm lý, tinh thần).
[Chú thích: Hartmut Rosa là nhà xã hội học, chính trị học người Đức. Cuốn sách của ông “Social Acceleration: A New Theory of Modernity” tìm hiểu về cách xã hội tăng tốc không ngừng cả trong nhận thức lẫn thực tại của con người. Tìm hiểu thêm: https://www.youtube.com/watch?v=7uG9OFGId3A - TED Talk: Why are we stuck behind the social acceleration?)]
Bên cạnh tiền bạc, một yếu tố khác mang tính hủy hoại của chủ nghĩa tư bản là lời hứa về sự tự do - freedom và tự trị - autonomy.
Xã hội phương Tây hiện đại đã từ bỏ hình dung về con người như những cá thể được sinh ra với mục đích riêng. Mỗi người phải được quyền mong cầu và theo đuổi tất cả những khả năng hay ước vọng mà anh ta mong muốn. Quyền cá nhân ấy phải được nhìn nhận rộng mở tuyệt đối, đến mức nếu như một người gặp thất bại hay thành công, thì bất chấp những cách thức khác nhau mà địa vị xuất thân và môi trường gia đình đã tạo nên anh ta, cá nhân vẫn phải tự chịu trách nhiệm cho định mệnh của mình.
[Chú thích: Thuật ngữ xã hội học để tìm hiểu thêm về cách hoàn cảnh sống tạo nên con người: social milieu, habitus. “Nỗi lo âu địa vị” của Alain de Botton có thể là một chỉ dẫn dễ hiểu về vấn đề này - lời kêu gọi thúc đẩy bình đẳng của thời hiện đại dẫn theo hậu quả là sự gia tăng nỗi lo âu về địa vị, đến từ niềm tin vào năng lực vô hạn rằng mỗi cá nhân có thể đạt được bất cứ thứ gì họ muốn. "Tuy nhiên, trong phần lớn lịch sử, điều ngược lại mới đúng : sự thống trị, bất bình đẳng và giữ kỳ vọng thấp mới là bình thường. Chính những người bị áp bức cũng tin rằng sự bất bình đẳng là không thể tránh khỏi và là một phần trật tự tự nhiên. Con người có thể bình đẳng trước Chúa, nhưng không có lí do để tìm kiếm sự bình đẳng như thế trong thực tiễn." "Khi bất bình đẳng là quy tắc chung trong xã hội, những mối bất bình đẳng lớn nhất cũng không được chú ý. Nhưng khi mọi thứ đều gần như ngang bằng, một dao động nhỏ nhất cũng được nhận ra." "Thời Trung Cổ, tầng lớp nghèo ngày đó có được sự thanh thản tâm hồn mà chúng ta ngày nay không có. Tự do của họ nằm ở chỗ : không phải lấy những thành tựu của những người trong xã hội như điểm tham chiếu." ".. nền dân chủ phá bỏ mọi rào cản dẫn tới sự kỳ vọng. Sự tuyên truyền của báo chí và công luận không ngừng hứa hẹn với tầng lớp thấp rằng họ có thể đạt đến đỉnh cao xã hội. Theo thời gian, khi đa số đều thất bại trong việc tự vươn lên, tâm trạng họ trử nên u ám, cay đắng và căm ghét bản thân. Đó là vấn đề khi xã hội mang đến kì vọng không giới hạn cho các thành viên của mình."]
Con người trở nên kiệt quệ sức lực và được yêu cầu tìm kiếm giải pháp từ bên trong bản thân mình (thông qua hệ thống y tế, phân tâm học, tâm lý học, các hình thức trị liệu - therapy, sách self-help vv..), thay vì nhìn ra bên ngoài để hiểu về cách vận hành của những mô hình chính trị - xã hội - văn hóa đã tạo nên cơn kiệt sức tập thể.
Khi nhìn vào thế giới điện ảnh, ta có thể bắt gặp sự xuất hiện của motif cá nhân xa lạ với chính mình - self-estrangement, ẩn dụ cho sự mất kiểm soát bản thân, sự xa lạ với cái Tôi trong thời hiện đại, bất chấp lời hứa về sự tự do và tự trị.
Nhân vật chính có thể bỗng nhiên một ngày gặp khủng hoảng với danh tính của mình: anh ta thực chất là một người khác, một vật thể khác (clone - nhân bản vô tính của tế bào gốc; hay robot); hoặc thực tại mà mà anh ta vẫn tin từ trước đến nay mình trải nghiệm lại được lập trình bởi máy tính.
Motif này cho thấy sự gia tăng nhận thức ở con người như là một sinh vật thông minh, nhưng đồng thời cũng cho thấy cảm thức xa lạ với bản thân theo cách sâu sắc nhất. Tôi sẽ giải thích về cảm giác xa lạ thời hiện đại này bằng việc phân tích về vai trò của thần thoại với con người cổ đại.
Mircea cho rằng những thần thoại (cũng như tư duy thần thoại) đã giúp người cổ đại tìm thấy ý nghĩa trong sự tương đồng giữa cái vi mô và vĩ mô (đời sống của anh ta như là một cá nhân, một “hạt cát” trong cộng đồng, trong tự nhiên và vũ trụ rộng lớn).
Thông qua việc tham gia vào các nghi thức như thụ pháp - initiation ceremony (trải qua cái chết và sự hồi sinh theo cách "biểu tượng), hay qua việc hóa thân thành một linh hồn bằng cách đeo mặt nạ, con người cổ đại (cảm thấy mình) có thể "giao tiếp" và được "thấu hiểu" bởi đất trời, vũ trụ. (Mircea 1963, tr.137).
[Chú thích: Các cách dịch khác của “initiation ceremony”: nghi thức truyền thụ, kết nạp, thành đinh. Nghi thức này đánh dấu sự trưởng thành của cá nhân về mặt xã hội. Trong một khoảng thời gian nhất định, cá nhân sẽ bị tách ra khỏi môi trường sống quen thuộc - gia đình và sống ở nơi biệt lập, thực hiện những thực hành cấm kỵ như ăn kiêng, phải chịu đựng những nghi thức "tẩy uế" đau đớn để có thể bước vào thế giới linh thiêng. Chỉ sau đó, cá nhân mới chính thức được công nhận là thành viên của xã hội đó.]
Thông qua các nghi lễ và nghi thức, các thành viên của bộ tộc cổ đại tham gia vào một phần của ký ức văn hóa tập thể. Claude Lévi-Strauss cho rằng chính nhờ các nghi lễ, nghi thức mà quá khứ được kết nối với hiện tại (Lévi-Strauss 1967); con người cổ đại cảm nhận được sự liên kết ấy - tính liên tục về mặt thời gian trong nền văn hóa của mình, cũng như bản thân mình được thuộc về (hay là một phần của) nền văn hóa.
Ngược lại, đời sống hiện đại diễn ra nhanh đến mức con người thiếu vắng thời gian và cơ hội để thấu hiểu mối quan hệ giữa quá khứ, hiện tại, tương lai (thiếu đi cảm nhận về thời gian/ tính liên tục của thời gian).
Byung-Chul Han nhìn thấy trong sự biến mất các nghi lễ (ở thời hiện đại) một sự biến mất của hình thái đời sống - không chỉ ở bề mặt, mà còn ở tận sâu của nó.
[Chú thích: Byung-Chul Han là nhà triết học và lý thuyết văn hóa người Đức gốc Hàn Quốc. Ông đặt ra khái niệm "xã hội kiệt sức" - The Burnout Society, cho thấy tình thế của nhân loại trong một thế giới phát triển quá nhanh cùng các căn bệnh tâm lý - tinh thần. Ông cho rằng nguyên do của những điều này là sự thừa mứa "tích cực" trong xã hội: con người được định hướng với sự tham vọng phải sống hiệu quả, liên tục đặt cho mình phải đạt đến các thành tựu, không được thất bại, rơi vào vòng tròn của sự tự-bóc-lột-mình. Cá nhân cùng lúc trở thành ông chủ và nô lệ của chính mình. Việc tái tạo bản thân trở thành một sự ám ảnh cưỡng chế và bắt buộc. Cuốn sách mới nhất của ông với nội dung được nhắc đến ở đây là "Vom Verschwinden der Rituale: Eine Topologie der Gegenwart" (Dịch thô: Sự biến mất của các nghi lễ). Tóm tắt nội dung (tiếng Đức): begleitschreiben.net/byung-chul-han-vom-verschwinden-der-rituale/]
Ở các nghi thức và nghi lễ, tính chất lặp lại, nhịp điệu của chúng tạo nên sự cộng hưởng, góp vào sự hình thành các ý nghĩa; mà thiếu đi điều ấy, cơ sở hay căn bản của đời sống con người trở nên bất ổn.
[Chú thích: Để cho dễ hiểu, có thể hình dung tính đều đặn, thường xuyên, nhịp điệu ở trong nghi thức/ nghi lễ giống như trong các thói quen hàng ngày. Các thói quen, VD: giờ giấc ăn - ngủ - sinh hoạt - làm việc giúp định hình, tạo nên cơ cấu, xương sườn cho đời sống mỗi người. Sinh hoạt thiếu thói quen, không điều độ có thể gây ra vấn đề về thể chất, tâm lý và tinh thần.]
Nhờ có các nghi thức mà đời sống cộng đồng cổ đại được thành hình; các thành viên có thể liên kết với nhau mà không cần sự giao tiếp trực tiếp. "Những nghi thức tạo ra một cộng đồng có tính cộng hưởng, hài hòa trong một nhịp điệu chung." (Han 2019, tr. 19)
Ngược lại, Internet, vốn đã trở thành phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của thời hiện đại, lại tạo ra sự "giao tiếp mà thiếu vắng tính cộng đồng thực sự", thiếu đi sự kết nối chân thực giữa những người tham gia.
3.2. Sự đánh mất tính mơ hồ
Tiếp theo, tôi sẽ phân tích về sự đánh mất tính mơ hồ (hay sự suy giảm khả năng khoan dung với điều mơ hồ) trong xã hội phương Tây hiện đại.
[Chú thích: Khi được dịch sang tiếng Việt, từ "ambiguity" mang hàm nghĩa khá tiêu cực: khó hiểu, mơ hồ, nhập nhằng, tối nghĩa, không rõ ràng, lập lờ. Ý nghĩa của nó còn chỉ trạng thái "mở với nhiều cách diễn giải khác nhau" - open to more than one interpretation, "có nhiều hơn chỉ một ý nghĩa" - having more than one possible meaning, can be understood in more than one way. Từ “mơ hồ” trong bài luận này bao gồm tất cả các cách hiểu này.]
Trong thời đại tiêu dùng, mỗi cá nhân trở thành một người tiêu thụ. Chúng ta tin rằng khi cuộc sống có thêm nhiều lựa chọn, khi chúng ta có thể sở hữu nhiều hơn, chúng ta sẽ có thêm tự do và thỏa mãn. Không ngạc nhiên rằng ảo tưởng này (quyền lực về khả năng lựa chọn và quyết định) diễn ra cùng lúc với ảo tưởng mà chủ nghĩa tư bản đem tới (quyền lực rằng con người có thể áp đặt ý chí của mình lên thế giới tự nhiên và vật chất, cho rằng mình có thể kiểm soát môi trường, hệ sinh thái và có giải pháp cho những hậu quả của chủ nghĩa tư bản - tiêu thụ). Hai ảo tưởng này cấu thành nên tâm lý của con người hiện đại.
Trong một thế giới phi thần thoại, con người nhầm tưởng thế giới vật chất (những gì có thể nhìn thấy, nhận thấy, quan sát thấy) với thế giới tuyệt đối, mà không nhận ra rằng thực tại vật chất, vật lý - physical reality không bao giờ là toàn vẹn cả.
Thần thoại (và những yếu tố của nó - tôn giáo, tranh ảnh, biểu tượng, nghi lễ vv..) mở mắt chúng ta với những gì thế giới vật lý không thể nắm bắt, gợi nhắc chúng ta hãy khiêm tốn với khả năng nhận thức hạn hữu của con người. Sau thời Khai Sáng, không ai còn có thể tự tin nói rằng con người có thể nắm bắt được trật tự của thực tại với lý trí và công cụ của mình nữa. Dẫu vậy, cả hai ảo tưởng thời hiện đại ở trên vẫn còn tồn tại.
Trong "The Concept of Anxiety” (1844), Søren Kierkegaard định nghĩa sự âu lo là cảm thức "chóng mặt với sự Tự do", một cảm giác khắc khoải với vô số những cơ hội và lựa chọn hàng ngày mà người hiện đại phải đối mặt.
[Chú thích: Søren Kierkegaard là triết gia, nhà thần học người Đan Mạch. Sự tự do tạo ra âu lo vì sự do bao hàm trách nhiệm cá nhân - một người phải đưa ra các quyết định, chọn lựa và nỗ lực sống cuộc sống của mình. Tuy nhiên, những giới hạn của phận người, khả năng phạm phải sai lầm khiến người ta sợ hãi và lo âu. Trong tiếng Đức, từ gốc của nó là "Angst", có thể dịch sang tiếng Việt là khắc khoải, âu lo, sợ hãi .. nhưng cần hiểu là sự "lo âu" này khác với cách hiểu thông thường. Nó muốn nói đến sự trăn trở, giằng xé trong nội tại con người về sự hiện hữu và tồn tại của mình.]
Chúng ta hàng ngày đều phải đối mặt với quá nhiều các quyết định, thông tin và lựa chọn. Bởi danh tính của mỗi công dân thời hiện đại đã bao gồm là “người tiêu thụ”, những thứ vô hình như trải nghiệm, cảm xúc, thông tin cũng trở thành hàng hóa. Đằng sau sự “tự do” về lựa chọn, trớ trêu thay, lại là một thôi thúc vô hình, gần như là cưỡng chế, buộc chúng ta phải đưa ra những lựa chọn, đôi khi là vô thức và thậm chí không cần thiết.
Thomas Bauer đặt ra câu hỏi rằng liệu chúng ta có "thật sự đang sống trong một thời đại của sự đa dạng" (như chúng ta vốn tin) hay không, hay là đang chịu đựng nó như một nạn nhân? (Bauer 2018)
[Chú thích: Thomas Bauer là giáo sư người Đức chuyên ngành Islam giáo và Ả-Rập học. Nội dung được bàn đến ở đây nằm trong cuốn sách của ông "Die Vereindeutigung der Welt. Über den Verlust an Mehrdeutigkeit und Vielfalt" (Dịch thô: Sự đơn điệu của Thế giới. Về sự mất đi tính mơ hồ và đa dạng).
Nhận xét về cuốn này trên Amazon: “Cuốn sách này cho chúng ta một cách nhìn mới về đời sống ngày nay - nó chỉ ra liên kết vô hình giữa những hiện tượng tưởng chừng như không liên quan đến nhau - chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, sự ám ảnh của con người với "hiệu suất, sự hiệu quả - efficiency", sự kỳ vọng mọi thứ phải rõ ràng, nhất quán và đo đếm được." Cuốn sách chỉ ra rằng khi con người sợ hãi những gì không chắc chắn, họ đánh mất sự trân trọng dành cho "điều mơ hồ". Bauer đã nhận ra sự biến mất của tính đa dạng trong đời sống tưởng chừng như vô cùng "đa dạng" của chúng ta]
Thôi thúc với việc "phải lựa chọn" đôi khi dẫn chúng ta đến những quyết định cực đoan, chẳng hạn như trong lĩnh vực tôn giáo. Hai xu hướng tưởng chừng như trái ngược nhau cùng nổi lên: một bên là tôn giáo cực đoan - fundamentalism (với các sự kiện khủng bố, nội chiến vv..), bên kia là sự thờ ơ với tôn giáo (khuynh hướng vô thần; sự biến mất của những thực hành hay tập tục tôn giáo).
Hồi giáo và kể cả Phật giáo, tôn giáo vốn gắn với hòa bình, được tác giả ví dụ cho những xu hướng ngày càng cực đoan trong thời gian gần đây. Jürgen Habermas cũng đưa ra góc nhìn tương tự:
"Như trong nghệ thuật, trong tôn giáo, sự phản tỉnh đã bị phá vỡ; đức tin thực chất đã bị sụp đổ, trở thành sự thờ ơ hoặc trở thành thứ cảm tính ngụy đạo đức" (Habermas 1987, S.36) .
[Chú thích: Jürgen Habermas là nhà xã hội học, nhà triết học người Đức. Câu gốc: “Just as in art, so also in religion, reflection has broken in; substantive faith has collapsed either into indifference or into hypocritical sentimentality.” Bài "Tư tưởng của Jürgen Habermas về tôn giáo" trên trang triethoc.edu.vn khá hữu ích để tìm hiểu về cách nhìn nhận của Habermas về chức năng của tôn giáo trong xã hội hiện đại.]
Bauer nhấn mạnh rằng: mọi tôn giáo đều được hình thành dựa trên mức độ mơ hồ nhất định. Những văn bản quan trọng nhất của các tôn giáo nhằm truyền tải lời dạy của Thượng Đế đến con người như kinh Tora, Koran và Phúc Âm đều mơ hồ và không rõ ràng. Những văn bản này, do đó, cần để mở cho mọi diễn giải có thể.
Ngoài ra, mọi tôn giáo đều hướng đến sự siêu việt (transcendence), một trạng thái vượt lên trên mọi giới hạn về ngôn từ hay trải nghiệm thông thường của con người, vốn càng khó để có thể đưa ra một định nghĩa chung và chính xác.
Bên cạnh đó, ta có thể nhận thấy sự liên hệ giữa tính "sợ hãi điều mơ hồ" với chủ nghĩa tư bản. Sự mất mát ý nghĩa được tạo ra khi con người có quá ít thời gian hay tự do để suy tư về những giá trị hay bản chất công việc của mình. Đời sống được lý tính hóa - rationalization và quan liêu hóa - bureaucratization, khiến con người dần hình thành xu hướng chối bỏ, hạn chế mọi tình huống mơ hồ, không rõ ràng hay đa nghĩa; thậm chí là chối bỏ cả những rắc rối hay sự không nhất quán trong cảm xúc, suy nghĩ và ước muốn của mình (mà đây vốn là một điều hết sức “con người”, cho thấy tính “người”).
Chúng ta dần quên mất rằng thế giới này không chỉ được tạo nên bởi hai màu trắng và đen, mà còn hình thành từ (cũng như cần đến) rất nhiều khoảng màu xám.
Cái chúng ta đang trải nghiệm ngày hôm nay là sự đánh mất cái "khoảng giữa" đó, một sự cân bằng. Nó là hậu quả của sự suy giảm tính khoan dung với điều mơ hồ. Và một thế giới phi thần thoại chính là một thế giới thiếu đi sự khoan dung dành cho điều mơ hồ.
Nó, hơn nữa, cũng được sinh ra từ nhu cầu muốn được định nghĩa, phân loại rạch ròi - categorization, tách biệt mọi thứ - vốn là tư duy triết học phương Tây điển hình: tách con người khỏi con vật và đồ vật, đàn ông khỏi phụ nữ vv.. Mong muốn tách biệt mọi thứ một cách triệt để, rạch ròi và căn bản.
Chúng ta quá tự hào với lối tư duy này đến nỗi không nhận ra được khía cạnh tiêu cực và hủy hoại của nó. Nó khiến chúng ta không chỉ đánh mất sự trân trọng điều mơ hồ, mà cả sự trân trọng dành cho những gì huyền bí, cho điều bí ẩn và trực giác. Lévi-Strauss gọi đây là "Vết thương của sự chia ly" (Wound of separation), khiến con người khó có thể quay trở về trạng thái toàn vẹn, trọn vẹn, nguyên thủy.
[Chú thích: Đây cũng là lí do bài luận được đặt tên là Lost Paradise - thiên đường đánh mất. Paradise là ẩn dụ cho trạng thái sơ khai, nguyên thủy, toàn vẹn của con người. Trong câu chuyện Kinh Thánh về Adam và Eva, "con người" được sinh ra sau khi phạm lỗi, lấy lá che lại bộ phận sinh dục của mình (đại diện cho hành vi của nền văn minh - biết mặc quần áo), hình thành cảm xúc xấu hổ (với sự trần truồng và tội lỗi). Còn trước đó, Adam và Eva không biết đến tội lỗi, chưa bị trừng phạt. Đó chính là trạng thái hạnh phúc, toàn vẹn, không xấu hổ mà từ Paradise ám chỉ.]
Tôi sẽ làm rõ hơn điều này thông qua một ví dụ.
Dưới đây là hai tác phẩm thuộc triển lãm đặc biệt mang tên "Không thể so sánh: Nghệ thuật châu Phi ở bảo tàng Bode" (Unvergleichlich: Kunst aus Afrika im Bode-Museum) (2017) tại Berlin (Đức), trưng bày các cặp tượng điêu khắc từ châu Phi và châu Âu cạnh nhau để so sánh điểm tương đồng hay khác biệt. Một trong những cặp ấy có tên "Tương phản/ Đối chọi/ Trái ngược hay Bổ sung/ Bù trừ?".
Ở cả hai tác phẩm, chúng ta thấy tượng hai nhân vật đứng quay lưng vào nhau. Nếu bức tượng của châu Âu đưa ra thông điệp đạo đức (dựa trên sự đối lập về ý nghĩa của cặp tượng), thì bức tượng đến từ châu Phi lại trình bày hai nhân vật như là một tổng thể hòa hợp và tích cực.
Memento Mori (hình đầu lâu ở bên trái) là lời nhắc nhở về cái chết cũng như lời dạy dỗ rằng con người ta phải sống không tội lỗi. Tuy nhiên, cách người phụ nữ (bên phải) đặt tay lên vải quần và chỉ tay về bộ phận sinh dục của mình lại cho thấy một điều khác - tội lỗi của sự không đứng đắn, ám chỉ dục vọng và sự đánh mất trinh tiết. Bức tượng ngà voi này thể hiện lời răn của Kito giáo, tập trung vào sự tương phản nhằm răn dạy đạo đức.
Ngược lại, người phụ nữ ở bức tượng đôi châu Phi (bên trái) dù đặt tay lên ngực nhưng lại không cho thấy ám chỉ tình dục hay dụ dỗ. Bức tượng này trưng bày hai yếu tố nam và nữ như hòa hợp và bổ khuyết cho nhau. Những khái niệm như tội lỗi - đạo đức, tốt - xấu rõ ràng là ít hiện diện hơn trong tư duy và cảm quan triết học châu Phi.
Ví dụ này cho thấy là mọi vật không phải lúc nào cũng phải được phân loại trong một cặp tương khắc, đối nghịch nhau. Một cặp thường bị coi là đối ngẫu nhau, thực chất, lại có thể phát triển phụ thuộc vào nhau, giống như một cá nhân không thể phát triển nếu thiếu đi những yếu tố khác xung quanh mình, dù là con người, sự vật, con vật, tự nhiên hay thế giới nói chung.
Nhận thức một cách khiêm nhường về vị trí của mình như là “con người trong thế gian này có liên kết với vạn vật ra sao” là bước đầu tiên để chúng ta có thể tìm lại sự cân bằng và tính cộng hưởng.
Vai trò của sự mơ hồ và tư duy thần thoại nên được đánh giá lại; bởi thần thoại không bao giờ cổ súy cho những diễn giải, chân lý hay thông điệp đạo đức nào là tuyệt đối, duy nhất. Nó luôn luôn để chừa không gian cho sự đa nghĩa và mơ hồ.
4. Kết luận
Trong cuốn sách "The Readability of The World", Blumenberg nhấn mạnh rằng tham vọng có thể "đọc" và "hiểu" thế giới của con người, tham vọng có thể chạm tới thế giới trong tầm tay là bất khả. Bởi với mỗi sự phát triển của khoa học hay công nghệ, thì lãnh địa của những điều bí ẩn, những điều mà con người không thể biết cũng kéo dài ra. Càng nhiều cơ hội mà công nghệ mang tới, đi kèm sẽ là cảm giác kiệt sức ngày càng gia tăng (Blumenberg 1981).
[Chú thích: Blumenberg, như đã giới thiệu ở trên, có các tác phẩm bàn về thần thoại, trí tưởng tượng, tính ẩn dụ, hiện tượng học vv.. Ông coi thế giới là không chỉ gồm một mà nhiều thực tại. Tên gốc của cuốn sách này là "Die Lesbarkeit der Welt". Để “đọc thế giới” có nghĩa là đọc nó như một cuốn sách, tìm kiếm trong thế giới đó các từ ngữ, các ý nghĩa được ẩn giấu, và thử ghép chúng lại với nhau để giải nghĩa. Tựa sách là ẩn dụ về việc con người trải nghiệm thực tại.]
Theo đó, câu hỏi đã được đặt ra là: tại sao con người không ngừng sáng tạo máy móc, các quy trình tối giản để rút ngắn thời gian làm việc, để máy móc làm thay việc cho con người, nhưng rốt cục, chúng ta vẫn phải chịu áp lực khổng lồ từ công việc, với thời gian nhiều hơn, tham vọng nhiều hơn, thậm chí khó có thể tách biệt giữa đời sống cá nhân và đời sống công sở?
Câu hỏi này chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong câu chuyện phức tạp và lớn hơn về những đứt gãy trong tâm lý con người hiện đại mà chúng ta có thể cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết trong đại dịch này.
Những lĩnh vực thường được cho là mang tính chất thần thoại, có khả năng "nói tiếng nói của thần thoại", là nơi con người có thể lui về và tìm kiếm cảm giác toàn vẹn, “sự mơ hồ”, là nghệ thuật và tôn giáo. Tuy nhiên, đây cũng là hai lĩnh vực dễ bị biến tướng thành giáo điều cứng nhắc, những quy tắc nghệ thuật một chiều, hay trở thành cổ vật “chết” trong những bảo tàng, chỉ còn được đem ra trưng bày.
Chừng nào tôn giáo và nghệ thuật còn là nơi sự siêu việt có thể ngự trị, thì hai lĩnh vực này cần phải được cho phép sự cởi mở với mọi diễn giải, không áp đặt; cho phép sự giao tiếp, tương tác với các cá nhân và xã hội, thay vì chăm chăm đi tìm kiếm hay chứng minh những học thuyết, bằng chứng giáo điều nào đó.
Chỉ bằng cách ấy, tôn giáo và nghệ thuật mới có thể góp phần giúp cho nhận thức con người hiện đại mở ra với những trải nghiệm xa xưa, những giá trị cổ đại, và cổ vũ cho sự hòa hợp giữa các cá thể trong xã hội - vốn đã bị bóp nghẹt, cản trở, giới hạn bởi những tác động tiêu cực trong một xã hội cạnh tranh.
Nếu thời hiện đại còn tiếp tục cho rằng mục tiêu của nó là phải không ngừng vươn tới, đạt tới các thành tựu, không ngừng tiến về phía trước bất kể cái giá phải trả (dù là môi trường, hệ sinh thái hay khủng hoảng tâm lý cá nhân và tập thể, vv..), thì câu hỏi là: liệu mục tiêu này, trong một thời đại đã trở nên phi thần thoại , có còn cần thiết và đúng đắn nữa hay không?
Có lẽ, mục tiêu mới mà thời hiện đại phải đặt ra, đó là phải đối mặt can đảm với những mất mát về sự toàn vẹn, tính cộng hưởng và sự cân bằng của con người. Chỉ như thế, chúng ta mới có thể tìm kiếm, khai phá lại thần thoại và những yếu tố của nó - các nghi lễ, nghi thức, tôn giáo, nghệ thuật, cũng như sự thúc đẩy tính đa nghĩa và mơ hồ trong đời sống.
Tài liệu tham khảo:
Barthes, Roland: Mythologies. New York 1972, tr.107-108
Bauer, Thomas: Die Vereindeutigung der Welt. Über den Verlust an Mehrdeutigkeit und Vielfalt. Ấn bản thứ 8, Stuttgart 2018
Blumenberg, Hans: Arbeit am Mythos. Ấn bản thứ 6, Frankfurt am Main 2006
Blumenberg, Hans: Die Lesbarkeit der Welt. Ấn bản thứ 10, Berlin 1986
Cioran, Emil: Cahiers 1957-1972. Tagebücher. Ấn bản thứ 2, Frankfurt a. M. 2001, tr.14
Foucault, Michel: Von der Subversion des Wissens. Ấn bản thứ 5, Berlin 2000, tr.291
Habermas, Jürgen: The Philosophical Discourse of Modernity. Twelve Lectures. Lecture II. Transl. Frederick Lawrence. Cambridge 1987, tr.36
Han, Byung-Chul: Vom Verschwinden der Rituale. Eine Topologie der Gegenwart. Berlin 2019 Koyré, Alexandre: Newtonian Studies. Cambridge 1965
Lévi-Strauss, Claude: Die Struktur der Mythen. In: Strukturale Anthropologie I. Frankfurt a. M. 1978
Lyotard, Jean-François; Das postmoderne Wissen. Ấn bản thứ 7, Wien 2012, S.54
Mircea, Eliade: Myth and Reality. New York 1963, tr.1
Rorty, Richard: Kontingenz, Ironie und Solidarität. Ấn bản thứ 12, Frankfurt/M. 1991, tr.12
Rosa, Hartmut: Resonanz: Eine Soziologie unseres Verhältnisses zur Welt. Ấn bản thứ 7, Berlin 2016
Wiertz, Antoine Joseph: Oeuvres littiraires (Literarische Werke). Paris 1870, tr. 374
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất