Có nên hợp pháp hóa mại dâm? (Part 1)
Phần này nhìn vấn đề từ góc độ người bán/mua dâm. Từ góc độ doanh nghiệp/nhà lập pháp, đón đọc part 2 và 3.
I. Lời tựa
Là nguồn cảm hứng bất tận cho các phóng sự ngàn like, mại dâm đã được tôn lên làm “ngành công nghiệp không khói”, chắc chỉ còn thiếu điều quảng cáo trên Facebook nữa thôi là xứng đáng thành ngành nghề hot nhất cả đất nước - theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Mới ngày nào nàng Kiều còn đăng status dảk deep (không lmao) ở Lầu xanh, bây giờ cái nghề “bán trôn nuôi miệng” ấy đã chễm chệ nhảy lên trang nhất của mấy tờ báo lá cải và thành đầu đề cho những cuộc tranh luận bất tận của những anh hùng bàn phím. Thở dài ngao ngán quá nhiều mỗi khi thấy các cuộc chửi dạo ấy lướt qua Facebook Feed, tác giả quyết định viết bài, gọi là cái thú vui tao nhã của người có học.
Tuy đã cố gắng khách quan nhất có thể, song vấn đề này lấn sân sang một số vùng xám của đạo đức. Cho nên bài viết chống chỉ định với người nghiêm túc, người nhả nhớt, người thích comment dạo, người thích đọc self-help, người nghĩ mình thông minh, vv...
II. Khái niệm mại dâm
- Mại dâm, tức là mua bán dâm, là hoạt động dùng các dịch vụ tình dục giữa người mua dâm và người bán dâm để trao đổi lấy tiền bạc, vật chất hoặc một số quyền lợi/ưu đãi nào đó. [1]
- Có 2 loại mại dâm, đó là hộ tống (bán dâm tại khách sạn, nhà hàng,...) hoặc là mại dâm đứng đường (đối tượng này trong mấy phóng sự hay được gọi là trai bao, gái gọi,...)
- Hầu hết người mại dâm là nữ, và mãi dâm (tức mua dâm) là nam, nhưng tất nhiên cả hai đều có thể thuộc bất kì giới tính hay xu hướng tính dục nào. [2]
- Tiện thể nói luôn, nhà chứa, hay là nhà thổ, lầu xanh,... là các tòa nhà được trưng dụng cho hoạt động mại dâm.
III. Lí do nên hợp pháp hóa mại dâm
1. Đáp ứng nhu cầu về mặt thể xác/tinh thần của người mua dâm
Theo Sigmund Freud (dạ vâng, lại là nhà tâm lí học thần thánh, trăm năm sau người ta vẫn còn gọi hồn ông bằng tiếng “Daddy” đầy mùi mẫn), do có sự “thèm muốn nhục dục” mà nhiều người (chủ yếu là nam) không thể thỏa mãn với các quan hệ với người yêu hay vợ/chồng, mà cần tìm tới “ảo giác dâm dục” để có được sự hứng thú. Sự hứng thú này kết hợp giữa "phấn khích" (quan hệ tình dục với người khác ngoài bạn đời của họ) và "mạo hiểm" (về mặt đạo đức, pháp luật, hôn nhân, bệnh hoa liễu...)
Hơn nữa, xét từ mặt sinh học, với tâm lí liên tục tìm kiếm một bạn tình lí tưởng để bảo toàn nòi giống có từ tổ tiên thời nguyên thủy, qua hàng triệu năm chọn lọc tự nhiên, giống loài Homo Sapiens đã hình thành một bản năng ăn vào tiềm thức của não bộ. Điều này dẫn tới nhu cầu được thỏa mãn về mặt thể xác mà không đi kèm sự cam kết về mặt tinh thần, từ đó diễn ra hoạt động bán và mua dâm.
Hay nói cách khác, việc mua và bán dâm có phần giống với việc sử dụng ma túy và các chất gây nghiện - theo quy luật kinh tế thị trường, có cung thì phải có cầu, chừng nào còn có người có nhu cầu thỏa mãn về mặt thể xác, chừng đó còn có người bán dâm, cũng như có người nghiện thì có phạt mấy cũng sẽ có người muốn bán ma túy. [3]
2. Hoạt động chịu sự quản lí của pháp luật
Việc hợp pháp hóa bán dâm như một loại nghề nghiệp tất nhiên đồng nghĩa với việc phải đưa ra các đạo luật quy định điều kiện làm việc, mức lương tối thiểu, chế độ phúc lợi, chăm sóc sức khỏe, nghỉ hưu,...khi tham gia vào hoạt động mại dâm. Hay nói cách khác, điều này sẽ:
- Cung cấp cho người bán dâm sự bảo vệ của pháp luật trước các loại tội phạm như xâm hại tình dục, ẩu đả.
- Ngăn chặn sự thụ thai ngoài ý muốn, cũng như sự lây lan các bệnh qua đường tình dục. Việc đảm bảo rằng các hoạt động như uống thuốc tránh thai, sử dụng bao cao su, xét nghiệm về khả năng lây nhiễm bệnh sẽ giúp hoạt động mua bán dâm diễn ra một cách an toàn hơn so với bây giờ rất nhiều.
- Cải thiện điều kiện làm việc. Các quy định về điều kiện lao động sẽ tác động lên các nhà chứa (VD như khi làm việc chui, nhà thổ có thể là một nơi xập xệ, thiếu vệ sinh và không khí, nhưng khi luật có hiệu lực, các tòa nhà như vậy sẽ được đập đi, thay bằng các cơ sở đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh cũng như sự an toàn).
- Hạn chế sự ảnh hưởng đến các không gian công cộng. Cái này tác động lớn nhất đến việc mại dâm đứng đường, có khả năng xóa bỏ cảnh đứng bên lề đường bắt khách, đỡ gây mất mĩ quan nơi sinh hoạt công cộng. Cũng có thể có khu phố riêng dành cho mại dâm, để hạn chế ảnh hưởng lên các khu dân cư khác.
3. Giáo dục giới tính qua phương pháp thực nghiệm
- Không thể phủ nhận sự thật rằng chương trình giáo dục giới tính hiện tại ở Việt Nam gặp rất nhiều thiếu sót. [4] Hầu hết các chương trình được giảng dạy chính thống đều chỉ xoay quanh các biện pháp tránh thai và phòng chống xâm hại tình dục, chứ đề cập rất ít đến cách quan hệ mà đạt được sự khoái cảm cho cả đôi bên.
- Trên một phương diện nào đó, việc quan hệ tình dục qua mua dâm có thể đưa ra những kiến thức thực nghiệm nhất, chân thực nhất để đảm bảo sự viên mãn về thể xác sau này?
IV. Lí do không nên hợp pháp hóa mại dâm
1. Người bán dâm phải đăng kí nghề nghiệp -> Mất đi sự ẩn danh
- Dĩ nhiên, để hợp pháp hóa mại dâm và coi nó như một nghề, cần xác định danh tính của người làm nghề bán dâm, để phục vụ cho việc kiện cáo và bồi thường sau này (nếu có). Tuy nhiên, vô hình chung chính việc này đã cướp đi sự ẩn danh của những người hành nghề, từ đó có thể gây ra nhiều khó khăn trong khi làm nghề bán dâm (sự đánh giá từ những người khác) và kể cả khi bỏ nghề (họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đi xin việc, cũng như sẽ vấp phải rất nhiều kì thị từ các đồng nghiệp). Từ đó, vấn đề miệt thị, bắt nạt hay thậm chí là hành hung người từng tham gia bán dâm càng thêm sâu sắc.
- Thêm nữa, để đảm bảo sự an toàn và minh bạch khi bán dâm, mọi thông tin về sức khỏe và các bệnh truyền nhiễm đều phải được công khai, và đây là thông tin nhạy cảm mà tất nhiên ai cũng muốn giữ bí mật. Chính vì lí do này mà nhiều người bán dâm chỉ muốn mại dâm được phi tội phạm hóa, chứ không muốn nó trở thành một nghề hợp pháp. [5]
2. Các biện pháp bảo vệ trong khi bán dâm khó có thể được tuân thủ nghiêm ngặt
- Cái này thì khỏi nói. Trong khi quan hệ, tất nhiên là khó mà có sự can thiệp của người ngoài được, mà chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào người bán và mua dâm.
- Cho nên, dù cho có các đạo luật về việc mại dâm an toàn, thì vẫn có trường hợp không tuân thủ. Cộng thêm xu hướng bạo lực ở nhiều khách hàng (xin nhắc lại, phần lớn người bán dâm là nữ và mua dâm là nam) đồng nghĩa với nguy cơ xảy ra tội phạm, hay quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến các bệnh như HIV/AIDS, nạo phá thai,...có thể vẫn không giảm đi là mấy.
3. Sự tự nguyện một cách bắt buộc
- Để nói về vấn đề này thì chắc là cần dành ra thêm nguyên một bài viết nữa, nhưng nói ngắn gọn là việc bán dâm, với nhiều người, không giống như một “lựa chọn”. Rõ ràng, những người bán dâm với đủ nguồn thu nhập tài chính để sống một cách thoải mái có thể tồn tại, tuy nhiên trong hoàn cảnh hiện nay, thì rất ít người làm được như thế.
- Hầu hết họ là những người bị thao túng bởi sự nghèo đói/ không còn cơ hội để phát triển học vấn và làm những công việc khác/ hoàn cảnh đặc biệt/…mới tìm đến và gắn với nghề bán dâm. [6]
- Như vậy, việc hợp pháp hóa mại dâm, tuy nhìn như trao cho người bán quyền tự nguyện được tiếp tục kinh doanh thân thể hoặc từ bỏ, song lại không giải quyết được các vấn đề liên quan đến việc tìm đến bán dâm từ đầu. Hay nói cách khác, họ thật sự không có lựa chọn nào khác để đổi nghề, và nghề bán dâm có thể lại bị đem ra để làm lí do ngăn cản họ tìm cho mình một công việc khác (thật chẳng có mấy người bán dâm vì đam mê).
V. Lời bạt
Ai tinh ý một chút sẽ để ý thấy bài viết vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa được đề cập đến, như việc hợp pháp hóa mại dâm là cách để gián tiếp thao túng người bán dâm và làm giàu cho ngành công nghiệp người lớn chẳng hạn. Tuy nhiên, tác giả không có ý định mở rộng bài viết, vì:
- Phạm vi của bài viết chỉ xoay quanh những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới người trong ngành.
- Những bất cập như trên có quá ít dữ liệu thống kê đáng tin cậy, có nêu ra thì có lẽ giống thuyết âm mưu hơn là báo cáo khoa học, nên sẽ lược bỏ.
- Mục đích của bài viết không phải là để kết luận rằng có nên, hay không nên, hợp pháp hóa mại dâm, mà chỉ đơn giản là gợi ý một số lí lẽ đằng sau việc ủng hộ hay phản đối việc làm này, từ đó tạo nên những luận điểm mang tính xây dựng (hoặc ít nhất là dân trí hơn những comment dạo trên Facebook).
Cho nên đến đây bài viết coi như đã hoàn thành. Or, as they say:
Thank you for coming to my TED talk.
*Chú giải & Đọc thêm
[2]: Xem Wikipedia, Prostitution statistics by country,
[3]: Một bài viết khác của mình về ma túy:
[4]: Tham khảo báo Tuổi trẻ online, Giáo dục giới tính: môn học bắt buộc?,
[5]: Tham khảo Vancouver rape relief & women’s shelter, 10 reasons for not legalizing prostitution,
[6]: Không khách quan, tuy nhiên có thể tham khảo, https://tuoitre.vn/than-phan-mai-dam-nam-ky-2-muon-neo-vao-nghe-555735.htm
(Special thanks to Letty and Ying for being the inspiration of this article)
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất