I. Đính chính

Đầu tiên, cần phải khẳng định một cách rõ ràng rằng bài viết này không, dưới bất kì hình thức nào, cổ súy việc buôn bán, tàng trữ và sử dụng ma túy. Ma túy, cũng như vô số các loại chất kích thích khác, có khả năng gây nghiện rất cao, và gây ra một lượng lớn những hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe con người (Để biết thêm về các loại ma túy, cũng như tác động sinh học của nó lên cơ thể người, truy cập https://vi.wikipedia.org/wiki/Ma_t%C3%BAy).
  Mục đích của bài viết này là đem lại một góc nhìn mới, không phải về bản thân chất ma túy, thứ mà các sách giáo lí đại cương đã viết quá nhiều và hàng thê kỉ những nghiên cứu khoa học đã cho ta biết quá rõ, mà là về những người bị nghiện ma túy – hay như ta thường gọi, là “con nghiện”, và (hi vọng) sử dụng góc nhìn mới này để giải thích bức tranh toàn cảnh về thực trạng, lí giải sự kém hiệu quả của những biện pháp hiện đang được sử dụng để nỗ lực ngăn chặn sự lan truyền của ma túy, và từ đó đưa ra một phương hướng mang tính khả quan hơn trong cuộc chiến chống lại thứ chất kích thích này.
  Và tất nhiên, bài viết thể hiện quan điểm chủ quan của tác giả, người không có bất kì kinh nghiệm nào với việc sử dụng ma túy, và tốt nhất không nên được sử dụng để làm tài liệu/ chứng cứ khoa học để bào chữa cho hành động của bất kì người nào.

II. Nhìn lại, và nhìn kĩ, vào ma túy

1. Nguyên nhân con người sa vào ma túy

Có 2 lí do chính để một con người trở nên phụ thuộc vào các chất gây nghiện:
+ Để làm giảm sự đau đớn về mặt vật chất. Điển hình là trong các bệnh viện Y học hiện đại, hầu hết (nếu không muốn nói là tất cả) bệnh nhân với những căn bệnh ở giai đoạn cuối sử dụng các loại thuốc gây nghiện với liều lượng cực lớn như morphine để làm giảm cơn đau về mặt thể xác.[1] Theo lẽ tất nhiên, không lực lượng an ninh nào đến áp giải những bệnh nhân này đi cả.
+ Để làm giảm cơn đau về mặt tinh thần. Điều này đúng với hầu hết những người bị nghiện, và phụ thuộc vào, ma túy. Do các tổn thương về mặt tâm lí (VD: Có tuổi thơ bị mọi người bắt nạt và xa lánh, không được nhận sự chăm sóc; những mất mát lớn trong cuộc đời như sự ra đi của người thân, li hôn; sự kì thị, chế giễu trong thời gian dài vì thuộc cộng đồng LGBT+;…), hay do chịu sự căng thẳng thần kinh liên tục và trong thời gian dài (VD: Phần lớn những lính Mĩ khi tham gia chiến tranh ở Việt Nam có sử dụng ma túy[2]) những người này tìm đến ma túy như một chất kích thích giúp họ quên đi thực tại và tận hưởng một niềm hạnh phúc tức thời, thứ mà họ không thể tìm được trong cuộc sống.
Tất nhiên, có thể có sự ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan bên ngoài (Có cha mẹ là người nghiện, chịu sự ảnh hưởng từ bạn bè,…), song các trường hợp như vậy chiếm số lượng không lớn trong số những người nghiện.

2. Tại sao các biện pháp phòng chống ma túy hiện tại ở Việt Nam không mang lại nhiều hiệu quả

Trên các phương tiện truyền thông, việc bắt gặp một bài báo viết về việc bắt giữ người tàng trữ và sử dụng ma túy là cực kì dễ dàng.[3] Tuy nhiên, mặc dù những bài báo về bắt giữ con nghiện ngày càng nhiều (lạ thay, phần lớn con nghiện được đề cập trong các bài báo lại là thanh niên, những người trẻ tuổi, và đều thuộc mô tuýp chung : học hành chểnh mảng + bị bạn bè rủ rê + phòng kín = ma túy), song việc sử dụng ma túy không có bất cứ dấu hiệu gì là sẽ thuyên giảm cả. Có vẻ như công an cứ bắt, mà người nghiện thì cứ nghiện!
  VD: Vào năm 2011, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (USA) triển khai chiến dịch cấm hoàn toàn các loại ma túy và chất gây nghiện.[4] Kết quả là không những số người nghiện không hề thuyên giảm (mặc dù lượng người bị bắt vì tội mua bán, tàng trữ và sử dụng ma túy thì nhiều lên vô kể, đến mức vượt quá cả sức chứa của các nhà tù), mà lại còn tăng hơn cả trước khi có lệnh cấm. Hơn nữa, người ta không chỉ nhập khẩu hàng tấn ma túy từ Mexico vào, mà còn điều chế chất gây nghiện ở nhà, khiến cho số con nghiện còn vọt lên lớn hơn. Chiến dịch chống Ma túy bằng vũ lực của Mĩ thất bại hoàn toàn, và cuối cùng phải hủy bỏ do không đủ kinh phí.
Cho đến thời điểm viết bài, ở các chính sách được áp dụng ở Việt Nam cũng cứng rắn không kém, với những người mua bán và tàng trữ ma túy đối mặt với hình phạt nhiều năm tù giam, còn những người sử dụng chất gây nghiện thì được đưa vào các trại cai nghiện. Khách quan mà nói thì kết quả không mấy khả quan: Bên cạnh Tam giác vàng[5] nổi tiếng về ma túy không kém gì Tam giác Bermuda nổi tiếng làm tàu chìm, ta còn có những trại cai nghiện mà, chứa chấp trong những bức tường đổ vữa, xuống cấp và điều kiện y tế hết sức tồi tàn, là những người không những không được cai nghiện mà lại càng nghiện hơn, vì cả cái trại đã thành tụ điểm của ma túy.[6] Hay nói cách khác, là không có hiệu quả.
Lí giải cho sự kém hiệu quả này, nằm ở chính bản thân người nghiện: Việc cai nghiện bằng phương pháp thiếu khoa học – yêu cầu người nghiện lập tức ngừng sử dụng chất gây nghiện, cùng các hình phạt, kết hợp với sự giáo dục không đầy đủ, đồng nghĩa với việc vấn đề cốt lõi của họ thậm chí không được đề cập đến, và từ đó không được giải quyết. Bản chất của việc nghiện không phải…là thích, mà là do các vấn đề tâm lí nằm sâu bên trong và sự bế tắc không có hướng giải quyết, dẫn đến việc sa vào vòng xoáy của sự nghiện ngập. Hầu hết người nghiện ma túy cũng gặp các vấn đề tâm lí như trầm cảm, OCD, ADHD, PTSD,…, những vấn đề mà gần như không bao giờ được nhắc đến ở trong các trại cai nghiện. Và với những căn bệnh về tâm lí không được điều trị, khả năng họ quay lại với ma túy sau khi cai nghiện là rất lớn. Có người mua thì sẽ có người bán, chừng nào còn người muốn ma túy, chừng đấy còn có người bán ma túy, và nếu tập trung mọi nguồn lực vào việc bắt giữ người bán, thì thất bại là điều hiển hiện (Như ví dụ của nước Mĩ đã chứng minh một cách quá rõ ràng).

3. Khai sáng

Vào năm 1980, Thụy Sĩ, ngập trong một cuộc khủng hoảng y tế khi phải đối mặt với quá nhiều con nghiện, đã thử nghiệm một phương pháp mới, một phương pháp mà không nước nào đi trước dám làm.[7] Khi bắt gặp một người đang sử dụng ma túy, các nhà chức trách và lực lượng cảnh sát, thay vì bắt giữ họ, đưa họ vào các cơ sở y tế, nơi mà bệnh tâm lí của họ được điều trị, họ có ma túy cùng kim tiêm hợp vệ sinh mỗi ngày để sử dụng (!), và nơi ăn chốn ở của họ được chăm sóc đầy đủ bởi các nhân viên y tế. Kết quả là số ca HIV giảm 78%, cứ 3 người nghiện thì có 2 người tái hòa nhập cộng đồng và thành công trong việc tìm việc và không bao giờ quay trở lại nơi cai nghiện nữa, và số lượng bơm kim tiêm trên đường phố gần như là = 0.
  Năm 2001, Bồ Đào Nha cũng gặp vấn đề tương tự, khi mà lượng người sử dụng cần sa đã vượt quá tầm kiểm soát.[8] Thay vì cố gắng bắt giữ tất cả, các nhà chức trách coi việc sử dụng và tàng trữ cần sa không như một loại tội ác, mà như một vấn đề y tế, và phát động chiến dịch y tế  tương tự như Thụy Sĩ đã làm. Sau chiến dịch này, số ca tử vong vì dùng cần sa quá liều…là 80 người/năm.
Một ví dụ nữa: Vào những năm 1970, một thí nghiệm hết sức thú vị đã được thực hiện, lấy tên là Rat Park (tạm dịch: Công viên chuột).[9] Trong thí nghiệm này, một lượng chuột được phân thành 2 loại:
+ Loại 1 bị nhốt trong 1 cái lồng rỗng, mỗi con chuột được nhốt riêng, và không được giao tiếp với nhau. Mỗi con chuột có 2 bình nước: 1 bình chứa nước lọc, 1 bình chứa nước lọc pha cocaine, 1 loại ma túy. Tất cả con chuột đều chọn uống bình nước pha cocaine liên tục cho đến khi ngất đi vì kiệt sức.
+ Loại 2 được thả vào trong 1 môi trường mà nó có nhà bóng để chơi, có chỗ để giao tiếp giữa các con chuột, thậm chí có chỗ để quan hệ tình dục (Đó cũng chính là cảm hứng cho cái tên của thí nghiệm). Cũng có 2 bình, 1 bình chứa nước, 1 bình chứa nước pha cocaine. Bình có cocaine gần như không bao giờ được sử dụng.
Và như vậy, hẳn đã quá rõ giải pháp cho tệ nạn ma túy là gì?

III. Chú giải

(1): Xem Addiction, Kurzgesagt Archived Video,
(2): Giống (1)
(3): VD như https://thanhnien.vn/ma-tuy/, sẽ tìm được rất nhiều bài báo liên quan đến bắt giữ người sử dụng ma túy.
(4): Xem Kurzgesagt, Why the war on drugs is a huge failure,
(5): Xem Tam giác vàng, Wikipedia,
(6): Xem VTV 24, Mua bán & sử dụng ma túy tại Trung tâm điều trị Methadone,
(7): Giống (4)
(8): Xem Kurzgesagt, 3 Arguments Why Marijuana Should Stay Illegal Reviewed,
(9): Xem Rat Park, Wikipedia, https://en.wikipedia.org/wiki/Rat_Park