“Trí nhớ không tốt, tôi trở thành kẻ không yêu nước”
Dựa vào đâu để có thể kết luận được rằng việc không nhớ sử sẽ ảnh hưởng đến lòng yêu nước? Liệu việc môn Lịch sử là môn tự chọn khiến học sinh quay lưng lại với việc học sử không, hay là vấn đề đã tồn tại từ trước đó?
Đã có rất nhiều ý kiến phản đối gay gắt việc Bộ Giáo dục đưa Lịch sử trở thành môn tự chọn trong Chương trình phổ thông mới. Bài viết này không trực tiếp tranh luận về vấn đề nên để Lịch sử là môn học bắt buộc hay tự chọn. Tác giả chỉ muốn chất vấn lại về những quan điểm của phe phản đối việc để Lịch sử trở thành bộ môn tự chọn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng của cuộc tranh luận. Bên cạnh đó, tôi cũng có tham vọng muốn trình bày một chút về vai trò của Lịch sử và cách tiếp cận Lịch sử.
“Trí nhớ không tốt, tôi trở thành kẻ không yêu nước”
Những người phản đối quyết định của Bộ Giáo dục sử dụng hai luận điểm chính:
Thứ nhất là, nếu để sử là môn tự chọn, sẽ không ai học.
Trước tiên, phải đặt câu hỏi là tại sao lịch sử lại không được lựa chọn? Hiện tại, câu hỏi này đang được lý giải bằng với hai nguyên nhân chính. Một là do môn Lịch sử phải ghi nhớ rất nhiều, trong khi lại rất khô cứng, khó tiếp thu, khó học, khó nhớ. Từ đó khiến học sinh chán và sợ môn Lịch sử.
Xảy ra hiện tượng này, theo mình có các nguyên nhân chính: Nội dung, phương pháp giảng dạy và hình thức thi cử.
Về nội dung và phương pháp giảng dạy. Có thể thẳng thắn mà nói rằng, chúng ta đang giáo dục con em mình chẳng khác gì những kẻ học phiệt.
Hệ thống nội dung, các mệnh đề bị khóa cứng lại, không còn bất kỳ không gian nào để người học tư duy, suy nghĩ. Chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng giữa đánh giá và sự kiện. Sự kiện là cái khách quan cố định, được xác định dựa trên việc khai thác sử liệu bằng các phương pháp của khoa học lịch sử. Đây chính là thứ làm nên tính khoa học cho Sử học. Ngược lại, đánh giá là thứ phụ thuộc vào góc nhìn chủ quan của mỗi người, mỗi nhóm người, mỗi dân tộc, chưa kể còn thay đổi theo thời gian.
Lấy một ví dụ nhỏ trong đời sống. “Đây là bông hoa hồng” có thể coi là một mệnh đề sự kiện. “Tôi thích hoa hồng vì hoa hồng đẹp” là một mệnh đề đánh giá. Còn trong lịch sử, ví dụ như trường hợp của Dương Vân Nga. Việc bà lấy ngai vàng của nhà Đinh giao lại cho Lê Hoàn là một mệnh đề sự kiện. Nhìn nhận về sự kiện này, mỗi người, mỗi thế hệ lại có những đánh giá khác nhau.
Chắc hẳn chúng ta đã quen thuộc với quan điểm coi Dương Vân Nga là một vị anh hùng, hi sinh lợi ích để bảo vệ độc lập dân tộc, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên lợi ích gia tộc. Bạn có thể rất bất ngờ khi biết rằng các thế hệ trước phê phán bà rất nặng nề do đã phá hỏng đạo vợ chồng. Các sử gia trung đại coi bà là một tấm gương tha hóa mà người phụ nữ nào cũng cần tránh. Quan điểm đúng sai phụ thuộc vào hệ giá trị của mỗi người, mỗi nhóm người và mỗi xã hội và cũng sẽ thay đổi theo thời gian. Vậy tại sao lại cố tĩnh hóa một cái động?
Từ nội dung như vậy, nên phương pháp giảng dạy cũng bị bó buộc theo. Những phương pháp dạy Sử được coi là sáng tạo, đổi mới, sinh động thực chất chỉ là những phương pháp giúp tiết học vui hơn và giúp Sử dễ nhớ hơn chứ không hề chạm đến gốc rễ của vấn đề. Nó giống như những viên thuốc giảm đau, có thể làm cơn đau dịu lại. Nhưng cơn đau không biến mất mà vẫn mãi còn đó.
Như một điều tất yếu của quá trình này. Việc đánh giá chất lượng giáo dục lịch sử trở thành những cuộc thi về trí nhớ. Việc học sử thật sự đã trở thành cuộc thi xem khả năng ghi nhớ của ai tốt hơn.
Nỗ lực ép người khác phải theo quan điểm của mình là một sự áp đặt. Và mọi tham vọng áp đặt đều sẽ phải trả giá đắt. Như hiện nay, học sinh quay lưng lại với môn Lịch sử ở trường phổ thông, chính là một hình thức phản kháng.
Tất nhiên, với những nhu cầu quản trị xã hội, yêu cầu đoàn kết, thống nhất quốc gia dân tộc, có lý do cho để làm như vậy. Mặc dù bạn có thể bĩu môi và phê phán rằng mọi thứ đều quy về chính trị. Nhưng đây là vấn đề tồn vong của một đất nước, không cá nhân nào nằm ngoài và không có ai là không có trách nhiệm.
Tuy nhiên, với việc nỗ lực trên đã phản tác dụng, thiết nghĩ, cùng một mục đích như vậy, nên có những cách làm khác lý tính và cởi mở hơn chăng? Có làm vậy, thì may ra học sinh mới đỡ sợ và chán Lịch sử.
Thứ hai là tâm lý theo đuổi những ngành hot để đảm bảo về mưu sinh và thành công trong sự nghiệp sau này và việc theo đuổi môn Lịch sử không mở ra nhiều lựa chọn. Nói thẳng, đây là tình trạng xảy ra phổ biến trên toàn thế giới. Không chỉ riêng Sử, các ngành khoa học Xã hội, Nhân văn khác cũng chẳng phải là ngành thu hút nhiều người theo học phạm vi toàn thế giới vì những lý do vô cùng thực dụng như thị trường lao động, thu nhập. Đây cũng là một điều dễ hiểu và cũng nên chấp nhận.
Dù có là môn học bắt buộc, nhưng với tâm thế học tập như hiện nay, thì quá trình học tập cũng không thu được quá nhiều hiệu quả mà còn là sự ép buộc dễ dẫn đến những phản ứng tiêu cực. Vấn đề của môn Lịch sử trong trường phổ thông không nằm ở chỗ nó là môn bắt buộc hay tự chọn.
Nhìn vào lượt view của các clip về lịch sử trên youtube, nhìn vào các cuộc tranh cãi nảy lửa về một chủ đề lịch sử nào đó trên các trang mạng xã hội. Ta có thể thấy rằng lịch sử chưa bao giờ hết sức hấp dẫn với mọi lứa tuổi và mọi nhóm người thuộc đủ mọi ngành nghề. Rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử là tay ngang từ các ngành nghề khác chuyển sang, ví dụ như Nguyễn Duy Chính. Với những câu chuyện mang tính drama, những mối liên hệ tinh thần, lịch sử sẽ mãi còn đó những sức hút. Có chăng lịch sử chỉ bắt đầu chán khi ta phải học thuộc và làm với sự bắt ép
Thứ hai là, để sử là môn tự chọn sẽ ảnh hưởng đến lòng yêu nước và hiểu biết về dân tộc.
Có người viện đến bài học Hàn Quốc như một dẫn chứng xác đáng để nêu lên tác hại của việc để Lịch sử thành môn tự chọn:
“Năm 2013, Bộ Công an và An ninh Hàn Quốc công bố số liệu khảo sát giật mình rằng, có tới 52% học sinh Hàn Quốc không biết ngày nổ ra và kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Đó là con số cay đắng sau khi Hàn Quốc đã biến Lịch sử trở thành môn "tự chọn”. [1]
Xin được hỏi, trước khi để Lịch sử là môn tự chọn, có bao nhiêu phần trăm học sinh Hàn Quốc không biết ngày nổ ra và kết thúc của chiến tranh Triều Tiên? Sao biết được rằng nguyên nhân của hiện tượng này là do Lịch sử đã trở thành môn tự chọn? Một hiện tượng B xảy ra sau sự việc A, không có nghĩa A là nguyên nhân của B.
Thêm vào đó, dựa vào đâu để nói những người học Sử chăm chỉ và nhớ được những sự kiện lịch sử yêu nước hơn những người không học sử cẩn thận và không nhớ được các sự kiện lịch sử?
Trước năm 1945, 95% dân ta không biết chữ. Những ai được đào tạo về lịch sử là thuộc hàng hiếm trong xã hội, đến mức thông thạo lịch sử là một dấu hiệu của tầng lớp tinh hoa. Vậy có thể kết luận rằng 95% dân ta không yêu nước chăng? Và trong những người thông làu kinh sử kia, đâu có thiếu những kẻ vì lợi ích cá nhân mà phản bội đất nước. Những viên chức làm việc cho các chính quyền Đô hộ, kể cả nhà Minh hay người Pháp sau này, chính là những người được đào tạo và có hiểu biết về lịch sử.
Không phủ nhận rằng giáo dục Lịch sử có vai trò trong việc bồi đắp tinh thần dân tộc và lòng yêu nước. Nhưng cũng phải có những cái nhìn tách bạch, không phải không nhớ sử, không học sử là không yêu nước. Và không phải ai thông kinh thuộc sử cũng là người hết lòng với quốc gia dân tộc.
“Học sử để làm gì?”
Để làm những cuộc tranh luận trở nên lý tính hơn, thiết nghĩ nên nói qua về chức năng của lịch sử.
Hãy nhìn nhận Lịch sử như một ngành khoa học với sứ mệnh của riêng mình. Sứ mệnh của Khoa học Lịch sử chính là khai thác quá khứ để phục vụ hiện tại và tương lai.
Một là chức năng nhận thức. Lịch sử, dựa trên các nguồn sử liệu và các phương pháp riêng biệt dành cho ngành của mình, tất nhiên trên nền tảng luận lý học, tái hiện lại quá khứ một cách chân thực nhất có thể, như nó vốn có. Để từ đó phân tích, giải thích và rút ra các bài học từ lịch sử.
Hai là chức năng dự đoán. Dựa trên việc nghiên cứu quá khứ, các nhà Sử học tổng kết lại thành các quy luật về lịch sử xã hội loài người. Dựa vào các quy luật đó, có thể dự đoán được sự phát triển của tương lai. [2].
Cuối cùng là chức năng giáo dục. Chức năng mang tính xã hội của Lịch sử. Đây cũng là chức năng được mọi người nhắc đến nhiều nhất trong các cuộc tranh luận về việc học và dạy sử ở trong chương trình phổ thông. Chức năng này được nêu ra để trả lời cho câu hỏi “Học sử để làm gì?”. Với chức năng này, Lịch sử góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống…
Chương trình giáo dục Lịch sử trong trường phổ thông chỉ nhằm mục đích thực hiện chức năng giáo dục của Lịch sử. Hai chức năng còn lại chủ yếu thể hiện vai trò của mình ở các cấp độ cao hơn, dành cho những chuyên gia, những nhà hoạt định chính sách và những người lãnh đạo xã hội.
Tuy chủ yếu chỉ thực hiện chức năng giáo dục, nhưng nếu thực hiện việc giáo dục một cách trực tiếp bằng những đánh giá đã chuẩn hóa liệu có còn phù hợp trong một xã hội năng động và càng ngày càng lý tính hóa như hiện tại.
Quá trình học phải là một quá trình trao đổi giữa người dạy và người học. Phải thuyết phục được người học trên tình thần cởi mở. Việc áp đặt mà không giải thích đủ thuyết phục sẽ làm mất đi giá trị của kiến thức và cũng làm ảnh hưởng đến chức năng giáo dục của Lịch sử.
Nên học sử như thế nào?
Lịch sử trong chương trình phổ thông là một thứ chân lý tuyệt đối. Không cần tư duy hay luận bàn gì thêm, nhiệm vụ của người học là chấp nhận và ghi nhớ nó như những điều hiển nhiên phải thế. Hơn nữa, những điều này còn được mặc định là bất biến. Ai nhìn nhận lại sẽ là “kẻ xét lại lịch sử”, được coi như những tội đồ đốt ngôi đền thiêng của Lịch sử.
Với việc coi như chân lý tuyệt đối và không có những tranh luận gì thêm. Những kiến thức đó trở thành những niềm tin thiếu chắc chắn. Một niềm tin không có một nền tảng lý tính vững chắc thì không sớm thì muộn cũng sụp đổ. Và hậu quả cực nguy hại, chúng ta sẽ có những thế hệ lạc lối, không dám tin, không thể tin. Đừng biến Lịch sử thành những niềm tin như vậy.
Chưa kể, việc ghi nhớ những ngày tháng, những chuỗi sự kiện dài dằng dặc kia có thật sự cần thiết? Con người phát minh ra chữ viết, dùng việc ghi chép để truyền đạt lại thông tin, tri thức cho thế hệ sau. Nhờ có sách vở, trí não con người được giải phóng. Khi không còn phải đặt nặng vào việc học thuộc lòng, ta mới có thể dành năng lượng cho các hình thức tư duy cao hơn như phân tích, lý giải.
Tại sao phải cố ghi nhớ khi ta đã có sách vở ghi lại.
Hãy tiếp cận với lịch sử như một môn khoa học về tư duy và nhận thức. Cái quan trọng nhất cần học khi tiếp cận lịch sử, chính là Tư duy lịch sử. Thay vì ép người học ghi nhớ các sự kiện, các mốc thời gian, tại sao không dạy người học cách tiếp cận và xử lý, phê phán các nguồn tư liệu, cách khai thác thông tin từ những nguồn tư liệu đó.
Chưa kể, việc trang bị những kiến thức về việc tiếp cận và xử lý các nguồn thông tin, người học cũng sẽ mang lại rất nhiều ích lợi giữa một thế giới tràn ngập thông tin thật giả lẫn lộn như hiện nay.
Lịch sử cũng là những bước đường mà xã hội loài người đã trải qua. Nắm được tư duy, biết cách nhận thức lịch sử, ta cũng sẽ nắm trong tay chìa khóa để nhìn nhận thế giới xung quanh ta một cách sâu sắc hơn. Đó chính là lý do tại sao bảo rằng “Lịch sử củng cố cho hiện tại”.
Việc học sử sẽ trở thành một hành trình của tư duy logic. Lịch sử rất khó, nhưng không phải khó nhớ, khó thuộc mà là khó ở cách tư duy và “khoa học hóa Lịch sử”.
Nhà sử học sẽ không quan tâm anh kết luận ra sao, mà quan tâm rằng anh dựa vào đâu, làm thế nào để có được kết luận đó.
Đừng cố nhớ sử, hãy học cách tư duy về lịch sử.
—
[1] Bài viết “'Lịch sử không thể là môn tự chọn” của Vũ Hồng Đăng.
[2] Chức năng này của lịch sử đã bị Karl Popper phê phán, mọi người có thể tìm hiểu thêm bằng việc đọc tác phẩm Sự nghèo nàn của Thuyết sử luận của ông.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất