Trước tiên, cần nhận thức rằng tính đến thời điểm tôi viết bài này thì thông tin về việc ngành giáo dục Hà Nội "ngăn chặn" không cho học sinh yếu thi vào lớp 10 là chưa được xác minh. Cho nên, thông tin này chưa chắc đã đúng (dù cá nhân tôi tin nó là thật). Dẫu sao thì nó cũng không ảnh hưởng tới những gì tôi sắp trình bày. Bởi trọng tâm của bài viết không phải là 1 vụ việc cỏn con kia, mà là cái ung nhọt ở đằng sau nó.

KHÔNG CHỈ LÀ BỆNH THÀNH TÍCH, VẤN ĐỀ LỚN HƠN RẤT NHIỀU

Những ai đã nắm bắt được thông tin và chịu khó động não thì ắt hẳn có thể hình dung ra nguyên nhân đằng sau chính sách phi nhân đạo kia. Đó là chủ trương khuyến khích học nghề thay vì cố gắng theo đuổi con đường học tập. Đó là một chủ trương nhân văn, và nó cũng nhận được nhiều sự hưởng ứng từ xã hội. Đã không ít lần, chúng ta bắt gặp ai đó nêu lên ý kiến rằng đại học không phải con đường duy nhất để thành công. Đối với nhiều người, nó thậm chí còn không phải còn đường tốt nhất.
Quả thật, nếu một em học sinh cảm thấy việc học là khó khăn tẻ nhạt, và có niềm yêu thích với một ngành nghề nào đó, thì rất nên tạo điều kiện để em đó học nghề thay vì cứ cố lao vào con đường học tập vốn không có nhiều tương lai. Các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đều rất chú trọng vào công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề ngay từ bậc phổ thông. Tôi tin rằng đó là nguồn cơn dẫn đến vụ việc mà chúng ta đang nhắc tới. Bởi việc áp dụng chủ trương này gặp quá nhiều vấn đề.
Thứ nhất, phần lớn phụ huynh không thích ý tưởng cho con đi học nghề. Họ có thể hô hào hưởng ứng một cách nhiệt tình, nhưng với điều kiện đứa nghỉ học để vào trường nghề là con người khác chứ không phải con họ. Và trong một gia đình người Việt điển hình, đứa trẻ thường không có quyền tự quyết. Nó hoàn toàn chịu sự áp đặt từ bố mẹ. Cho nên, đưa ra chủ trương là một chuyện, còn thực hiện được đến đâu thì phụ thuộc phần nhiều vào trình độ nhận thức của phụ huynh. Mà điều này thì nằm ngoài tầm với của ngành giáo dục.
Thứ hai, cứ giả sử bố mẹ cho con họ quyền tự quyết, lấy gì đảm bảo là nó đã đủ hiểu biết để quyết định chuyện tương lai? Ngay cả người lớn chúng ta còn không biết mình muốn gì, không thể tự quyết trong nhiều tình huống hệ trọng, thì trẻ con lại càng không. Hôm nay nó cho rằng được cầm máy ảnh đi đây đi đó thật tuyệt và muốn nghỉ học để theo đuổi nghề chụp ảnh. Ngày mai nó lại thấy chụp ảnh được ít tiền, chuyển sang đòi học nấu ăn. Rồi ngày kia nó lại thấy nấu ăn không ngầu nên muốn làm Youtub-er cho oách.
Cho nên, chủ trương trên chỉ đạt được hiệu quả khi phụ huynh đủ trình độ nhận thức để định hướng và đồng hành cùng con. Hoặc đào tạo những chuyên gia tư vấn nghề nghiệp cũng là một biện pháp đáng để cân nhắc. Nhưng khi mà phụ huynh trông chờ vào các chuyên gia này thì họ cũng phải sẵn lòng đối mặt với rủi ro. Bởi dưới góc độ vĩ mô, mục đích của nhà quản lý là tối ưu tổng lợi ích cho toàn xã hội chứ không phải tối ưu lợi ích cho từng cá nhân.
Cho nên, các chuyên gia sẽ có xu hướng tư vấn cho học sinh theo kiểu "one size fits all" - họ nắm trong tay một danh sách các nghề mà xã hội đang và sẽ cần, rồi phân loại học sinh vào các nghề đó sao cho phù hợp với năng khiếu của các em, không cần biết nguyện vọng của các em là gì. Việc này hoàn toàn dễ hiểu khi mà họ không có thời gian để lắng nghe, tìm hiểu kỹ lưỡng về từng học sinh.
Phân tích như vậy để thấy rằng xã hội Việt Nam chưa sẵn sàng cho chủ trương trên. Không phải cứ thấy Âu Mỹ áp dụng là cho rằng chúng ta cũng có thể bắt chước theo. Nói như các cụ là:
Thấy người ta ăn khoai cũng đòi vác mai ra đào.
Thật đáng buồn là chúng ta vác mai ra đào khoai thật. Nhưng khu vườn của chúng ta làm gì có khoai, đã trồng bao giờ đâu mà đòi thu hoạch. Đào không được thì phải làm sao? Chúng ta đối phó bằng biện pháp truyền thống đã có từ hàng ngàn năm qua. Đó là gian dối và khôn lỏi. Hậu quả chính là cái thủ thuật "ngăn chặn" học sinh yếu thi lên lớp 10 mà xã hội đang lên án hiện tại.

KHÔNG AI BỎ TÙ CON DAO, HỌ BỎ TÙ KẺ DÙNG DAO HẠI NGƯỜI.

Mọi thứ công cụ, phương pháp, chủ chương trên đời, đạt hiệu quả đến đâu, tốt hay xấu, phụ thuộc phần nhiều vào người thực hiện. Con dao ở trong tay kẻ tốt là một công cụ lao động, ở trong tay kẻ xấu là một hung khí hại người. Trước khi nghĩ đến việc mua 1 con dao sắc, cần phải nâng cao trình độ, nhân cách của kẻ dùng dao. Bằng không, họ sẽ tự làm đứt tay bản thân và gây tổn thương cho những người xung quanh.
Nào là bài học Phần Lan, nào là Montessori, nào là ở Mỹ họ thế này ở Pháp họ thế kia. Dăm ba khẩu hiệu đao to búa lớn đó mà giao vào tay những người khôn lỏi tự nhận là "trí thức" thì chỉ có gây hại cho xã hội.
Đó là lý do tôi rất hạn chế viết về những chuyện ở trời Tây xa lắc xa lơ, cũng rất hạn chế hô hào ngành giáo dục phải thế này thế nọ. Thay vào đó, tôi tập trung vào những bài viết giúp người đọc thức tỉnh, giúp họ hiểu rằng chính bản thân họ phải trở nên tốt đẹp hơn, sâu sắc hơn, tử tế hơn, để có thể hiểu đúng và làm đúng những gì mà xứ văn minh đang áp dụng.
Chạy theo chính sách, công cụ, phương pháp của người ta chỉ là chạy theo thứ bề nổi. Và tập trung chỉ trích những vụ việc như trên cũng chỉ là tập trung vào thứ bề nổi. Cốt lõi vẫn là trình độ nhận thức của xã hội mà bạn và tôi là một phần trong đó. Chừng nào mỗi chúng ta, với tư cách là công dân, là con người, là cha mẹ, còn chưa chịu học hỏi để nâng cao nhận thức của bản thân, thì chẳng điều tốt đẹp nào có thể xảy ra.
HÃY TỰ GIÁO DỤC BẢN THÂN TRƯỚC KHI NGHĨ TỚI CHUYỆN GIÁO DỤC NGƯỜI KHÁC
PS: Tác giả bài viết là admin của kênh Youtube HAM HỌC chuyên về khoa học và giáo dục. Nếu được, rất hy vọng bạn ủng hộ tác giả bằng cách bấm theo dõi kênh. Cảm ơn bạn rất nhiều!