Đã nhiều người bàn về chủ đề tích cực độc hại rồi. Nhưng mà, có ai đã từng gánh chịu tích cực độc hại chưa?
Bản thân tôi từng bị ảnh hưởng bởi tích cực độc hại khiến cho mất lòng tin vào tình bạn của chính mình.
Những người bạn chỉ thích nghe những câu chuyện vui vẻ, vì cuộc sống họ mệt đủ rồi, và chúng ta đến cạnh họ thì phải vui vẻ mới được.
Những câu bao biện cho một sự thật là họ không thể thấu hiểu, và nhiều quá những tiêu cực từ một người sẽ khiến họ thấy tệ đi. Và họ bảo là họ muốn thấy chúng ta hạnh phúc, vui vẻ hơn là buồn khổ. Và buồn khổ thì có được cái gì đâu, nên VUI LÊN ĐI.
Quen chứ?
Những câu từ an ủi sáo rỗng “thôi đừng khóc nữa,” “Vui lên đi”, “Buồn vậy có được gì đâu.”, “Tao còn khổ hơn mày.”
Vân vân và mây mây đều xuất phát từ tích cực độc hại. Khi một xã hội nghĩ rằng nỗi buồn là một thứ gì đó ghê gớm, và đáng bị chối bỏ. Ừ thì đúng là những câu nói đó mang hàm ý an ủi, nhưng với tần suất quá nhiều, và khi ai đó bắt đầu nói về nỗi buồn của họ và nghe những lời như thế thì vô tình đẩy họ vào cảm giác “tích cực độc hại”. Và cảm thấy nỗi buồn cần phải giấu nhẹm đi, và không đáng để phải buồn.
Nhưng con người cần gì phải chối bỏ và trốn tránh nỗi buồn?
Và tại sao khi những người bạn quây quần bên nhau thì chỉ có thể kể những câu chuyện vui?
Tại sao chúng ta lại sợ NỖI BUỒN?
Thật ra, nếu chúng ta giấu đi nỗi buồn và sự tiêu cực của mình, chúng ta sẽ phải tự gặm nhắm nó một mình.
Nếu tinh thần bạn đủ tốt, tích cực độc hại sẽ ăn mòn bạn tính theo hàng chục năm, có khi là cũng không bao giờ tới, hoặc sẽ tới trong một thì tương lai xa.
Nếu tinh thần bạn không đủ tốt, nó sẽ ăn mòn bạn tính theo giờ, phút và giây. Ngay sau khi bạn vui vẻ cười nói với những người bạn tôn sùng sự vui vẻ. Bạn suy sụp và gục ngã trong chính những suy nghĩ đau buồn của chính mình.
Ngay sau khi bạn chỉ còn một mình, tất cả những nỗi buồn sẽ lại bủa vây và bạn không thể nhìn khác đi được.
Và chúng ta, không ai biết được rằng mình có một tinh thần mạnh mẽ hay yếu đuối. Vậy nên, tại sao không đối mặt với nỗi buồn của mình?
Để những người thật sự biết cảm thông và chia sẻ đưa ra một góc nhìn tích cực khác cho chính nỗi buồn của mình.
Mình buồn vì điểm thấp.
Nhưng tại sao điểm thấp thì lại buồn? Là do mình cầu toàn muốn điểm cao nhất? Hay tại sao còn một điểm nữa là 10 thì lại không lấy được? Mình sai ở đâu, và khắc phục thế nào.
Mình buồn vì bản thân yếu kém.
Những cách khắc phục của những người xung quanh là gì? Làm cách nào để khiến yếu kém trở nên tốt hơn.
Những cuộc hội thoại nhìn thẳng vào nỗi buồn của chính chúng ta. Để chúng ta biết, nỗi buồn hóa ra cũng là một phần quan trọng trong cuộc sống.
Chúng ta sẽ chẳng thể mãi mãi sống trong sự vui vẻ, vì sự vui vẻ khiến chúng ta lười thay đổi. Chẳng ai hy vọng sẽ không còn vui vẻ nữa. Thế nên, thôi cứ dĩ hòa vi quý để cho vui nhà vui cửa, thôi cứ thế này thì ai cũng vui. Nhưng thực tế là nỗi bực dọc đó vẫn sẽ luôn ở trong lòng chúng ta, và ăn mòn chúng ta từng chút một.
Chúng ta sẽ không thể để bản thân một mình, vì một mình là tiêu cực sẽ ập đến và dày vò chúng ta đến thảm hại. Chúng ta trở nên yếu đuối và dựa dẫm người khác.
Tiêu cực và nỗi buồn thì đáng sợ thật.
Nhưng đáng sợ nhất là chúng ta cố chôn vùi nỗi đau tinh thần của mình bằng sự vui vẻ giả tạo, chứ không phải là tìm cách để chữa lành.
Những vết thương trên da thịt thì dễ lành, vì chúng ta đau, chúng ta sẽ tìm cách băng bó chúng lại.
Nhưng vết thương trên tinh thần, chúng ta lại cố dùng bùn đất của sự giả tạo để lấp lại. Vậy thì một ngày nào đó, vết thương sẽ lỡ loét và khiến chúng ta đau đớn còn hơn thế gấp trăm lần.
Đừng trốn tránh nỗi buồn, đừng để nỗi buồn có thể làm chủ tâm trí, cách duy nhất để vượt qua nó là đối mặt.
Và tích cực không phải lúc nào cũng tốt, cứ vui vẻ mà sống chúng ta sẽ chẳng biết mình nên thay đổi thế nào để trở nên tốt hơn.
Và nếu chỉ vui vẻ thì mới có bạn bè, thì chúng ta thật chất chưa bao giờ có bất kỳ người bạn thật sự nào cả.
Hãy nhớ, để hoàn thiện con người chúng ta cần có buồn, vui, giận, ghét và yêu thương. Mất đi một thứ, chúng ta chỉ là một bản thể giả tạo đến vô thường.
Những người bạn luôn cố gắng khiến chúng ta chối phăng đi những cảm xúc tiêu cực, thì hãy nói chuyện với họ xem. Bởi đâu chừng, chính họ cũng là nạn nhân của một xã hội luôn sống dưới góc nhìn “tích cực độc hại”. Và cũng đâu biết chừng, họ cũng đang chẳng biết phải thể hiện sự đồng cảm với bạn như thế nào. 
Còn nếu họ vẫn kiên quyết không muốn nhìn nhận vấn đề và chối bỏ những nỗi buồn đau của bạn, vậy thì đơn giản thôi, họ chỉ là những người chúng ta sẽ không thể nào tâm sự. Hãy tìm một ai đó khác, và hãy tự bản thân đối diện với nỗi buồn của mình. Đừng để những người bạn như thế ảnh hưởng tới bạn.
Họ không phải là bạn xấu, nhưng cả đời có thể sẽ mãi mãi không phải là người để bạn có thể thoải mái tâm sự.
Đừng gán cho họ những cái mác “bạn thân” rồi khi chúng ta không thể tâm sự với họ, chính chúng ta lại phải tự dày vò mình bởi những cái mác như thế.
Người có thể thấu cảm và sẻ chia sẽ là người chúng ta có thể tâm sự, còn nếu họ không thể như thế, đừng ép họ. Bởi vì nếu họ muốn thay đổi, họ sẽ tự tìm cách, còn nếu không, thì cứ để họ hạnh phúc với những gì họ lựa chọn.
Chúng ta, ai rồi cũng phải sống cho bản thân mình thôi.
-Nomad’s Mind-
Follow tụi mình tại đây nha.