Để tôi nói cho bạn nghe một bí mật, tôi (đã từng) là một người nghiện nói dối.
Tôi (tin là) mình không nói dối hay bịa đặt hãm hại người khác, nhưng tôi nói dối để trục lợi cho chính mình, thậm chí ở những món lợi ích nhỏ xíu và vô nghĩa.
_____
Trong bộ truyện tranh XXXHolic (Clamp)*, có một chương truyện như thế này: một cô gái trẻ bước vào nhà của pháp sư Yuuko, ngơ ngác không biết tại sao mình lại bước vào đây. Yuuko nói, chỉ những người cần sự giúp đỡ mới có thể nhìn thấy và bước vào tòa nhà này. Cô gái ngẫm nghĩ rồi nói rằng cô không nghĩ ra được tại sao mình lại cần giúp đỡ, chỉ có một việc duy nhất là ngón tay út của cô dạo này bị cứng đờ, cử động không thoải mái như trước. Yuuko đưa cho cô gái một chiếc nhẫn cổ, nói cô đeo vào, nhưng cô phải tự suy ngẫm xem mình đang gặp vấn đề gì. Cô gái mỉm cười và rời đi.
Hôm sau, cô gái lại vô tình bước vào tòa nhà của Yuuko mà không hiểu tại sao. Cô nói, chiếc nhẫn cũng không giúp ích gì cả, ngón tay của cô vẫn cứng đờ. Yuuko hỏi cô bao nhiêu tuổi, cô trả lời: 21 tuổi. Đang làm việc ở đâu? Ở một công ty quảng cáo. Yuuko mời cô uống trà, cô mỉm cười trả lời: bây giờ tôi phải rời đi vì tôi có hẹn với một người mà tôi hay nói chuyện dạo này (aka bạn trai).
Watanuki – tạm giới thiệu là chàng trai đang giúp việc ở nhà Yuuko, vô tình đi mua đồ và nhìn thấy cô gái đó. Cô bước ra từ một phòng nha sĩ, vừa đi vừa nói với những người đồng nghiệp là mình sẽ mua đồ theo lời họ dặn – cô là trợ lý phòng nha. Watanuki nghe mọi người xung quanh nói rằng cô ấy đã 28 tuổi rồi, là một trong những nhân viên lớn tuổi nhất ở phòng nha này. Họ còn nói với nhau rằng nhìn cô ấy xinh đẹp như vậy, nhưng cô chưa từng có bạn trai.
Trên đường đi, cô gái gặp một người nghiên cứu thị trường mời cô phỏng vấn, người đó hỏi tuổi cô, và cô trả lời: 22 tuổi. Làm việc ở một công ty thời trang.
Sau đó, cô gái vô tình gặp một người bạn từ thời học phổ thông, người đó hỏi cô đang làm gì, cô trả lời rằng mình là bác sĩ khoa nhi. Người đó hỏi cô: đã cưới chưa? Cô trả lời, chưa, nhưng mình có một người bạn trai. Người đó nhìn thấy chiếc nhẫn mà Yuuko đưa cô đeo trên ngón tay út, bèn hỏi: chiếc nhẫn này là bạn trai tặng à. Cô gái trả lời: phải, và nó đắt lắm vì nó là đồ cổ đấy.
Nói dối.
Nguồn hình: anime XXXHolic (Clamp)
Nguồn hình: anime XXXHolic (Clamp)
________
Hôm qua, mẹ tôi kể chuyện trong đoàn đi đám cưới hôm trước có ba người phụ nữ, họ đi đến đâu thì chụp hình đến đó, mỗi cái bình bông giả trong khách sạn cũng đủ cho họ “tự-sướng” nửa tiếng đồng hồ. Mỗi cái đít xe hoa gắn bông cũng đủ cho họ tạo dáng cả tiếng đồng hồ. Nhưng đó chưa phải phần đặc sắc nhất. Tấm hình cuối cùng họ đăng lên facebook được mẹ tôi bình luận như sau: để chân họ dài ra, thì cái cốp sau chiếc vios bị kéo cao ngang ngửa cái thùng xe bán tải kế bên. Tôi đã cười rất to khi nghe bình luận này.
Chụp hình “sống ảo” – dạng thức hình ảnh của nói dối.
________
Quay lại vấn đề, tại sao chúng ta nói dối? Nói dối để làm gì?
Đầu tiên, con người không phải là loài động vật duy nhất có khả năng lừa dối. Trong vương quốc động vật tuyệt đối không thiếu những ví dụ về sự lừa dối. Động vật dùng sự lừa dối như một vũ khí và lá chắn. Chẳng hạn, loài bọ Lomechusa pubicollis có thể xâm nhập vào đàn kiến bằng cách giả vờ là một trong số chúng, nó làm được điều này bằng cách phát ra một chất hóa học khiến nó có mùi giống như kiến. Khi vào bên trong, bọ cánh cứng ăn trứng kiến và ấu trùng kiến. Ví dụ, những con tắc kè có khả năng đổi màu để hòa nhập và môi trường xung quanh chúng – đấy cũng là một kiểu lừa dối. Hay màn lừa dối kinh điển nhất và trớ trêu nhất trong tiến hóa: cái đuôi của con công đực. Ngoài việc dùng để thu hút con công cái, con công đực còn giương đuôi khi chúng đánh hơi thấy nguy hiểm, cái đuôi khiến chúng trông to lớn hơn, qua đó, động vật săn mồi của chúng cũng e dè hơn, cái đốm màu trên đuôi khiến thú săn mồi hoa mắt hơn. Trong khi, trên thực tế, cái đuôi cồng kềnh không có bất kỳ lợi ích thực tế nào cả, nó khiến chúng di chuyển khó khăn và khó chạy thoát khi trở thành con mồi.
Con công với bộ đuôi rực rỡ. Nguồn hình: tôi.
Con công với bộ đuôi rực rỡ. Nguồn hình: tôi.
Nhưng rõ ràng, không loài động vật nào có thể sánh được với khả năng nói dối của con người.
Các nhà sinh vật học tiến hóa suy đoán rằng chính việc phát triển của ngôn ngữ loài người là nguồn gốc cũng như nguồn lực để chúng ta phát triển năng lực lừa dối của mình. Cụ thể là, ban đầu, ngôn ngữ hình thành để tăng khả năng giao tiếp, giúp con người truyền đạt thông tin và ý muốn. Sau đó, con người nhận ra có thể dùng ngôn ngữ để truyền đạt những thông tin không đúng để tranh giành các nguồn lực khan hiếm trong xã hội lúc bấy giờ. Và, boom, nói dối ra đời.
Tuy nhiên, nếu nói dối ra đời bởi vì chúng ta phải tranh giành những nguồn lực khan hiếm, thì trong một thế giới dư dả vật chất, tại sao thói nói dối lại phát triển đến đỉnh điểm, (và còn rất nhiều tiềm năng để nó đạt tới đỉnh khác trong tương lai) như “chính trị hậu sự thật”, “quảng cáo”… và trong cả đời sống hàng ngày, khi những lời nói dối không phải để tranh nguồn lực khan hiếm, thì chúng ta nói dối vì điều gì?
Người trưởng thành trung bình nói dối từ 0,59 đến 1,56 lần mỗi ngày.
Hôm nay, bạn đã nói dối mấy lần?
______
1.     Chúng ta nói dối chủ yếu là để tranh giành nguồn lực – nhưng ở thời điểm hiện tại khi vật chất thừa mứa, thì chúng ta không tranh giành vật chất nữa, chúng ta tranh giành thứ khan hiếm khác, đó là sự chú ý.
2.     Khi chúng ta nói dối, có một yếu tố cốt lõi hiển nhiên, đó là thay vì suy nghĩ về bản thân mình, chúng ta đang suy nghĩ về việc người khác nghĩ gì về mình.
3.     Nói dối có thể biến thành một thói quen. Ban đầu, chúng ta nói dối những điều lớn lao, nhưng dần dần, những lời nói dối của chúng ta vụn vặt và thậm chí khi nghĩ lại, thật ra cũng không cần phải nói dối về điều vụn vặt đó. Nhưng chúng ta đã quá quen nói dối đến mức cảm thấy nói ra sự thật là một việc xa lạ và có gì đó sai sai. Lúc này, nói dối đã trở thành một loại bệnh lý.
4.     Chúng ta nói dối. Một là vì chúng ta tự ti về sự thật. Hai là vì, chúng ta muốn tạo ra một ảo giác về hình ảnh mà chúng ta muốn hướng tới.
Nguồn hình: tôi.
Nguồn hình: tôi.
________
Trong chương truyện của bộ truyện XXXHolic (Clamp) mà tôi đã kể ở trên, kết quả của cô gái nói dối chính là: đầu tiên ngón tay út của cô không cử động được, sau thì tới bàn tay, nhanh chóng sau đó cổ của cô cũng khó cử động, và sau khi tạm biệt người bạn cũ mà cô tình cờ gặp trên đường, cô bước qua đường, cả cơ thể cứng đờ, không di chuyển được và bị xe tải tông chết.
Cô ấy cứng đờ cả người, không phải vì cô đã làm hại ai, mà là vì cô đã làm hại chính bản thân mình.
______
Nhà thần kinh học Christian Ruff và các đồng nghiệp của ông đã nghiên cứu cơ chế sinh học thần kinh của sự trung thực. Trong một thử nghiệm, họ mời những người tham gia (tổng cộng 145 người) chơi một trò chơi, trong đó người chơi tung xúc xắc để kiếm tiền trên máy tính. Trước mỗi lần tung, màn hình máy tính cho biết kết quả nào sẽ mang lại tiền thưởng, lên tới 90 franc Thụy Sĩ (khoảng 100 đô la Mỹ).
Không giống như đánh bạc trong sòng bạc, những người tham gia có thể nói dối về kết quả của lần tung xúc xắc để tăng số tiền thắng cược của họ. Các nhà nghiên cứu có thể xác định mức độ gian lận bằng cách so sánh tỷ lệ phần trăm trung bình của số lần tung xúc xắc thành công mà người tham gia báo về, với mức chuẩn 50% được báo cáo khi người tham gia hoàn toàn trung thực. Không ngạc nhiên chút nào khi những người tham gia nói dối thường xuyên. So với tiêu chuẩn trung thực 50%, những người tham gia báo cáo rằng 68% số lần tung xúc xắc của họ có kết quả mong muốn.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng điện để tăng cường tính nhạy cảm của tế bào thần kinh trong vỏ não trước trán của những người tham gia, sử dụng một công cụ gọi là kích thích dòng điện trực tiếp xuyên sọ (tDCS). Vỏ não trước trán là phần phía trước nhất của bộ não, ngay sau trán và tham gia vào quá trình ra quyết định, điều chỉnh cảm xúc và lập kế hoạch tương lai, cùng nhiều quá trình phức tạp khác. Nó cũng là một phần não quan trọng liên quan đến việc kể chuyện.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khả năng nói dối giảm đi một nửa khi độ nhạy cảm thần kinh ở vỏ não trước trán tăng lên. Ngoài ra, sự gia tăng tính trung thực “không thể được giải thích bằng những thay đổi về tư lợi vật chất hoặc niềm tin đạo đức và không liên quan đến tính bốc đồng, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và tâm trạng của người tham gia.”
Họ kết luận rằng tính trung thực có thể được củng cố bằng cách kích thích vỏ não trước trán, phù hợp với ý kiến cho rằng “bộ não con người đã phát triển các cơ chế dành riêng để kiểm soát các hành vi xã hội phức tạp”.
______
Nếu sự nhạy cảm của tế bào thần kinh trước trán tăng lên khiến người ta muốn nói thật hơn, thì chúng ta có thể tạm suy ra rằng việc nói dối sẽ khiến sự nhạy cảm của các tế bào thần kinh này giảm đi hay không? Câu trả lời vẫn tạm treo đó, vì chưa có sự đo lường nào để chứng minh việc này.
Và, đa số chúng ta sẽ không cứng đờ người khi đứng trước ngã tư vì nói dối quá nhiều giống như cô gái trong XXXHolic đâu.
Tuy nhiên, chắc chắn là việc nói dối khiến chúng ta mệt mỏi hơn rất nhiều, bởi vì:
1.     Đòi hỏi việc nhớ lời nói dối: Khi nói dối, người ta phải nhớ và theo dõi những câu chuyện hoặc thông tin không chính xác mà họ đã truyền đi. Điều này đòi hỏi sự chú ý và năng lượng tâm trí để không bị lộ thông tin không đúng. (Nếu bạn có xem Như Ý Truyện, bạn hẳn sẽ nhớ màn lật mặt kinh điển khi Hoàng Thượng bảo A Nhược thuật lại những điều ả đã nói năm đó khi tố cáo Nhàn Phi. Ả không nhớ được. Vì ả bịa chuyện.) Như ngạn ngữ có câu: “It takes several lies to cover just one lie”, nói dối một lần thì phải nói dối thêm nhiều lần nữa để che đậy nó.
2.     Lo lắng về việc bị phát hiện: Khi nói dối, người ta thường phải lo lắng về việc bị phát hiện và đối mặt với hậu quả của hành động không chân thực. Điều này gây căng thẳng và sự áp lực tâm lý liên quan đến việc giữ bí mật và che giấu sự thật.
3.     Trung thực là nền tảng của một mối quan hệ, vì thế nói dối có thể gây ra sự mất ổn định trong mối quan hệ với người khác. Khi người ta phát hiện ra sự không chân thực hoặc nói dối, mối quan hệ có thể bị tổn thương và mất đi sự tin tưởng và sự tôn trọng.
Ngoài ra, khi một người nói dối quá nhiều, họ có thể phát triển sự hoài nghi và nghi ngờ đối với người khác. Điều này có thể dẫn đến một tình huống mà họ cho rằng mọi người xung quanh cũng đang nói dối họ. Các lí do có thể dẫn đến suy nghĩ như vậy bao gồm:
1.     Gương phản chiếu: Người nói dối quá nhiều có thể áp đặt suy nghĩ và hành vi của mình lên người khác. Họ cho rằng mọi người có thể hành động như cách mà họ làm, do đó xem xét mọi thông tin từ người khác với sự hoài nghi và nghi ngờ.
2.     Mất niềm tin vào người khác: Khi một người liên tục nói dối, họ có thể mất niềm tin vào người khác. Họ có thể tin rằng người khác cũng có cùng quyền lợi và mục tiêu như chính mình và do đó, có thể thụ động hoặc chống đối hành động của người khác.
3.     Tâm lý tự vệ: Một người nói dối quá nhiều có thể phản phát lên việc đặt ra giả thuyết rằng mọi người xung quanh đang nói dối để bảo vệ bản thân. Điều này có thể là kết quả của sự sợ hãi hoặc lo lắng về việc bị lộ thông tin cá nhân hoặc tác động tiêu cực từ người khác.
Khi chúng ta nói dối, trước tiên – chúng ta đang làm hại bản thân mình. Hoặc chí ít, chúng ta đang làm hại tâm lý của chính mình. Dù chúng ta có thấy kết quả tức thời hay không, thì chắc chắn chúng ta sẽ nhìn thấy kết quả lâu dài trong sự bất an, bồn chồn, lo lắng, trong sự nghi ngờ thường trực, trong thói quen “sống ảo” đầy mệt mỏi, và trong sự chông chênh “khử thực”.
Trong cuốn sách Dopamine Nation, Anna Lembke kể về bệnh nhân của bà: Tony. Tony trên mạng xã hội là một chàng trai trẻ ở độ tuổi đôi mươi, chạy bộ mỗi sáng để đón bình minh, dành cả ngày để tham gia vào các công việc nghệ thuật mang tính xây dựng và đầy tham vọng, đồng thời là người đã nhận được nhiều giải thưởng. Trong cuộc sống thực của mình, Tony gần như không thể ra khỏi giường, cậu xem nội dung khiêu dâm trực tuyến một cách mất kiểm soát, đấu tranh để tìm được việc làm có thu nhập cao, và bị cô lập, trầm cảm và muốn tự tử.
Khi những điều chúng ta thực sự trải nghiệm trong cuộc sống thực khác với những gì chúng tưởng tượng, chúng ta dễ bị tách rời với thực tế, điều này tạo ra một thứ cảm giác giả tạo như những hình ảnh giả tạo mà chúng ta đã tạo ra. Các bác sĩ tâm thần gọi cảm giác này là hội chứng mất cảm giác thực tế (derealization) và mất cảm giác cá nhân (depersonalization)*. Đó là một cảm giác đáng sợ, thường dẫn đến ý nghĩ tự tử.
Nếu chúng ta cảm thấy mọi thứ không có thật, thì chúng ta cũng sẽ cảm thấy việc kết thúc cuộc đời mình là chẳng thành vấn đề.
Trong bộ phim Inception (Christopher Nolan), người vợ của nhân vật chính đã chọn tự tử vì cô nghĩ cuộc sống này không có thực sau khi đã sống trong mơ quá lâu. Liệu chúng ta, khi sống trong lời nói dối của mình quá lâu, cảm giác của chúng ta về cuộc sống thực có còn đủ “thực”?
Thế là đã đủ về nói dối. Điểm cần nhấn mạnh ở đây là, khoan hãy kể đến việc hại người, khoan hãy kể đến những “lợi ích” mà nói dối đem lại trong ngắn hạn, khi chúng ta nói dối – trước tiên và tiên quyết, là chúng ta đang tự hại bản thân mình.
________
Vậy, khi nói dối đã trở thành bệnh lý, làm sao để chữa được bệnh nói dối?
Tương tự như câu: Thuốc giải độc cho cái tôi giả tạo là cái tôi chân thực. Thuốc giải độc cho nói dối, chính là nói thật. Thật với người khác, và thật với chính bản thân mình.
Trong thần thoại Hy lạp về nhân vật Odysseus, một trong những hiểm nguy chờ đợi nhân vật Odysseus khi anh ta quay về từ trận chiến Tojan, chính là Sirens – loài sinh vật nửa người nửa chim, với những bài hát quyến rũ dụ hoặc các thủy thủ đến với cái chết của chính họ trên các vách đá gần các hòn đảo.
Cách duy nhất để một thủy thủ có thể vượt qua bầy Sirens chính là không nghe theo những gì chúng hát. Odysseus yêu cầu các thủy thủ nhét sáp ong vào lỗ tai họ, và trói anh vào cột buồm trên thuyền, cột thật chặt và thậm chí còn phải buộc chặt hơn nếu anh van xin họ nới lỏng dây.  
Tại sao Odysseus không đơn giản là nhét sáp ong vào lỗ tai chính mình?  Như vậy thì anh sẽ an toàn hơn và đỡ đau đớn hơn? Odysseus muốn nghe Sirens trình diễn sao? Không. Odysseus có khuynh hướng tự ngược đãi bản thân sao? (Chắc là) không. Anh ấy làm như vậy là bởi vì: nếu có người nghe thấy Sirens mà vẫn còn sống để kể trải nghiệm của mình, thì Sirens sẽ bị giết chết. Odysseus đã đánh bại các Sirens bằng cách thuật lại chuyến hành trình cận kề cái chết của mình. Odysseus đã giết Sirens, bằng sự thật.
Nguồn hình: tranh của John Willam Waterhouse
Nguồn hình: tranh của John Willam Waterhouse
________
Nếu bạn cảm thấy liệu pháp “nói thật” nghe đơn giản tới mức “không thật”, thì, tôi khẳng định, nó không “đơn giản” chút nào đâu.
Bước đầu tiên trong quy trình 12 bước cai nghiện đến từ hội AA (Những người nghiện rượu ẩn danh), chính là: “Chúng ta thừa nhận rằng mình không đủ sức mạnh để vượt qua chứng nghiện và chúng ta không thể kiểm soát được cuộc sống nữa.
Bất kỳ liệu trình tâm lý nói riêng, hay liệu trình trị bệnh nói chung nào cũng phải bắt đầu bằng bước nói thật. Bác sĩ sẽ không bao giờ giúp được bệnh nhân nếu người đó không nói thật, hoặc không chịu nhìn vào sự thật.
Có một góc khuất mà ít khi chúng ta nhìn thấy khi nói dối, đó là “tâm lý nạn nhân”.
Bạn có bao giờ nghe một người than vãn về đời họ, và bạn dư biết rằng người kể đã giấu đi những lời nói/hành động xấu xí của chính họ trong kết quả bi thảm mà họ kể. Hoặc ít nhất, họ từ chối nhận lãnh phần trách nhiệm của mình trong việc chịu đựng kết quả bi thảm đó mà không nỗ lực thay đổi nó.
“Nói thật” ràng buộc chúng ta với sự tồn tại của chúng ta và khiến chúng ta cảm thấy mình thực sự tồn tại trên thế giới này. “Nói thật” cũng giảm tải nhận thức cần thiết để duy trì tất cả những lời nói dối đó, giải phóng năng lượng tinh thần để sống tự nhiên hơn trong thời điểm hiện tại.
Quay lại với câu nói đầu tiên mà tôi đặt ở đầu bài với mục đích dụ dỗ bạn đọc bài này. Tôi (đã từng) là một con nghiện nói dối.
Thói quen nói dối của tôi, nếu truy tung ra, thì hẳn là bắt nguồn từ chính gia đình của mình. Mẹ tôi không ưa gia đình bố tôi, và bố tôi cũng không ưa gia đình của mẹ tôi. Họ hay nói về điều này trước mặt tôi. Họ không nói về điều này trước mặt nhau. Đây là một kiểu hành xử mang đậm tính gia đình Đông Á toxic. Tôi đã nghĩ là những điều này là bình thường – thậm chí còn tốt nữa, vì họ có thể xả cảm xúc tiêu cực (vào tôi) mà không tổn thương (trực tiếp) đến người kia. Cho đến khi tôi – sau một thời gian dài thấm nhuần sự ghét bỏ, vẫn phải vui vẻ tươi cười tỏ ra yêu thương và nói những lời tôi không muốn nói với những người mà bố mẹ tôi ghét bỏ, tôi bắt đầu cảm thấy kiệt sức.
Ngoài ra, chúng tôi còn bị ám ảnh bởi cái nhìn của người khác. Bất kể người khác là ai. Tôi còn nhớ cách đây rất lâu rồi, khi công việc đầu tiên sau khi ra trường của mình có mức lương là ba triệu rưỡi, mẹ tôi đã dặn tôi rằng: nếu có ai hỏi thì phải nói là mức lương mười triệu, để cha mẹ tự hào. Thay vì chỉ nghĩ đó như một hành động white-lie vô hại (vì thực sự nó chẳng gây hại đến ai cả), thì tôi lại quằn quại đau khổ trong suốt một thời gian dài vì nó. Đúng nghĩa đen của cụm từ “quằn quại đau khổ”, vì lúc đó tôi nghĩ rất nhiều đến cái chết.
Vì tôi cảm thấy mình vô dụng. Phải vô dụng thì mới phải nói dối như vậy.
Nói cho cùng, mục đích cốt lõi nhất của nói dối là để che đậy khuyết điểm mà chúng ta muốn giấu đi nhất.
Mỗi lần tôi nghe các cô gái nói với nhau rằng: những bộ đồ xinh đẹp, những đôi giầy xinh đẹp, mất cả tiếng đồng hồ để trang điểm tạo nên một gương mặt xinh đẹp, mất thêm cả tiếng đồng hồ để chỉnh sửa ảnh tạo ra bức hình lung linh nhất – nhưng tất cả những điều đó, chỉ là để cho bản thân vui vẻ, nhìn thấy mình xinh đẹp là đủ vui vẻ rồi, không cần phải để ý đến người khác. Tôi hay tự hỏi: thiệt hả? Các bạn nghĩ như vậy thiệt đó hả?
Về sau, mọi chuyện dần ổn hơn, dù – như bất kỳ gia đình Đông Á toxic nào, gia đình tôi vẫn có xu hướng giấu nhẹm mọi thứ xấu xí tiêu cực đi, và khoe ra những thứ đẹp đẽ dù thật dù giả. Thực hành đúng triết lý tổ tiên ngàn đời để lại “tốt khoe xấu che”. Cho đến một ngày nọ, tôi nhận ra, mình có thói quen nói dối. Nói dối như nghiện.
Nó giống như một sát na kì diệu của đời người. Tôi thấy mình đang gõ những dòng chữ biện minh một cách rất nực cười. Cụ thể là tôi đang chat với khách hàng, tôi đã gõ xong dòng chữ bảo rằng: mình đã gửi hàng đi nhưng đơn vị vận chuyển báo là hết giờ nhận hàng rồi, giờ shipper của mình vẫn đang đứng ở chỗ đơn vị vận chuyển, phí shipper mình vẫn phải trả nhưng không gửi hàng được. Trong khi, gói hàng vẫn đang ở trước mặt tôi – vì tôi quên mất việc để ý tới thời gian mà đơn vị vận chuyển nhận hàng nên tôi chưa kịp gửi đi và giờ thì có đi cũng đã muộn. Trong thâm tâm, tôi sợ bị trách mắng nên tôi giả vờ bản thân đã trả giá trước. Trước khoảnh khắc nhấn nút send, tôi chợt nhận ra, mình đang làm cái quái gì thế này. Tại sao phải nói dối?
Sau đó, tôi xóa hết tin nhắn đi, soạn lại một tin nhắn khác với khách, trực tiếp thừa nhận rằng gói hàng vẫn ở đây và đơn vị vận chuyển báo là hết giờ nhận hàng rồi, liệu có cách giải quyết nào khác không. Tôi chờ đợi sự khiển trách và thất vọng đến từ khách. Nhưng không, khách chỉ nói với tôi tên một đơn vị vận chuyển khác và nói tôi liên hệ với họ thử vì thời gian nhận hàng của họ lâu hơn đơn vị kia. Tôi gọi, và sau đó đặt shipper giao tới đơn vị mới này.
Chỉ vậy thôi.
Nhưng điều kỳ lạ là cảm giác thanh thản lạ lẫm mà tôi cảm nhận được từ việc thừa nhận sự thật. Đầu óc tôi vô cùng nhẹ nhàng. Tôi đã nghĩ, nếu khách trách tôi, thì tôi sẽ xin lỗi. Chỉ vậy thôi. Tôi thật sự có lỗi, thì tôi xin lỗi.
Nếu có lỗi thì xin lỗi thôi. Nguồn hình: tôi.
Nếu có lỗi thì xin lỗi thôi. Nguồn hình: tôi.
Từ cái sát na kì diệu đó trở đi, tôi tự hứa rằng từ nay, tôi không bịa chuyện nữa, có gì thì tôi nói đó. Tôi thực hành điều đó hằng ngày. Làm sai, thì xin lỗi. Tôi thừa nhận các khuyết điểm của mình. Tôi thừa nhận những khó khăn của mình. Và giống như cách tôi đang làm trong bài viết này, tôi thừa nhận sự thật xấu xí về gia đình mình.
Dĩ nhiên là tôi không bao giờ oán trách cha mẹ mình hay hoàn cảnh mình lớn lên. Cha mẹ tôi chỉ là nạn nhân của ông bà, còn ông bà thì là nạn nhân của ông bà cố. Còn ông bà cố thì là nạn nhân của cái truyền thống gia đình Đông Á lâu đời khi mà tính cộng đồng của nền văn minh lúa nước cao tới mức toxic.
________
Ngoài việc giảm tải cho não, việc nói thật còn giúp các mối quan hệ giữa người và người trở nên gắn bó hơn.
Dù chúng ta có chịu thừa nhận hay không, thì loài người có tính chất bầy đàn, chúng ta cần đồng loại để sống. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc tách rời đồng loại ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lý của con người. Cụ thể, khi bị tách rời khỏi xã hội, chúng ta tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, hệ miễn dịch yếu đi, chất lượng giấc ngủ kém, tăng nguy cơ các bệnh rối loạn tâm thần (trầm cảm, căng thẳng), suy giảm trí tuệ… Hikkikomori* chưa bao giờ là một giải pháp, ngược lại, nó là một vấn đề xã hội vô cùng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, lý do của hiện tượng Hikkikomori, có thể lý giải một cách đơn giản hóa bằng một cuộc họp lớp cũ. Ngày nay, càng ngày càng nhiều người ghét bỏ việc họp lớp. Lý do đơn giản là thay vì gặp mặt bạn cũ, các cuộc họp lớp giống như một dịp để những người tham gia khoe khoang và phô trương về sự thành công của mình. Nó cũng giống như news feed trên facebook, người ta có xu hướng giấu nhẹm những thứ xấu xí đi (hoặc nói quá những “bất hạnh” lên), và trưng ra những thứ xinh đẹp lộng lẫy. Điều đó cũng giống như nói dối – mang lại chút hào quang ngay lúc đó, nhưng sự buồn bã và nặng nề về lâu dài. Kết quả, dù có khoe hay không, ai cũng áp lực, ai cũng mệt mỏi cả.
Chúng ta nói dối, chủ yếu là để mọi người yêu quý chúng ta hơn. Khi bắt đầu thực hành nói thật, có một điều kỳ lạ xảy ra trong tôi là tôi không ghét small-talk với người lạ nữa. Tôi có một thói quen xấu – tôi luôn bắt mình phải khen người khác, dù tôi có thực sự nghĩ như vậy hay không (trong đa số trường hợp là không). Ví dụ, ở hồ bơi, tôi nói chuyện với chị kia bằng cách khen chị ấy bơi đẹp (dù tôi không nghĩ thế), chị ấy có vui hay không thì tôi không biết, nhưng bản thân tôi không vui. Chính vì việc nhận ra rằng mình không vui, nên tôi phát hiện ra, hóa ra tôi không ghét small-talk, tôi chỉ ghét việc bản thân nói dối trong small-talk, cố gắng khen ngợi người khác, nhằm được họ yêu quý, trong khi bản thân không nghĩ vậy. Và bất cứ khi nào tôi nói những điều tôi không nghĩ, thì đấy là nói dối rồi.
Sau này, khi small-talk với người lạ, tôi thả cho mình “go with the flow”, nghĩ gì thì nói đó, không cố gắng làm người khác yêu quý mình nữa, thăm hỏi những điều mình thật lòng muốn biết, không có gì để nói thì im lặng mỉm cười. Những điều người ta nói không hợp ý mình thì cũng im lặng từ chối bình luận chứ không hùa theo nữa. Và, tôi bớt ghét small-talk hẳn, và tôi đỡ sợ người lạ hẳn.
Thật kì lạ khi việc nói thật lại có tác dụng phụ hay ho như thế.
Tôi nhớ đến khi làm việc với một quản lý vùng người Nhật trong công ty cũ. Lúc đấy tôi làm trợ lý cho một chị account manager, tôi hay cố gắng dùng thứ tiếng Nhật sứt sẹo của mình để giao tiếp với vị quản lý vùng đó. Cô ấy là một người tử tế, cô ấy luôn khuyến khích bằng cách khen ngợi tiếng Nhật sứt sẹo của tôi. Mọi chuyện chẳng có gì cho đến một ngày, tôi rót trà cho cô, chỉ kịp nói hai tiếng “douzo”, và cô ấy khen tôi tới tấp là tiếng Nhật của tôi tiến bộ quá nhỉ, tôi nói giỏi hơn nhiều so với lần gặp trước. Và tôi kiểu, “có cần vậy không chị? Có hơi quá rồi không chị? Chỉ mới nói có hai tiếng “douzo” thôi mà.” Tôi – dĩ nhiên, là không tin tưởng gì vào lời khen đó. Một điều kỳ lạ kéo theo là từ đó về sau những lời khuyến khích của cô ấy không còn tác dụng gì với tôi nữa, tôi biết là / tin là / nghĩ là, người ta không thực sự nghĩ vậy, người ta chỉ đang khách sáo thôi.
Người ta, đang, nói dối.
Người ta chỉ đang nói dối với mình thôi. Nguồn hình: tôi.
Người ta chỉ đang nói dối với mình thôi. Nguồn hình: tôi.
________
Ngược lại.
Nói thật mới là thứ hấp dẫn mọi người, đặc biệt là khi chúng ta sẵn sàng phơi bày những điểm yếu của chính mình. Suy nghĩ này mang tính chất phản trực giác, bởi vì chúng ta luôn cho rằng việc bộc lộ những khía cạnh kém hấp dẫn của bản thân sẽ khiến mọi người rời xa chúng ta. Chúng ta luôn nghĩ rằng mọi người sẽ xa cách ta nếu họ biết về những khuyết điểm và những điều xấu xí trong tính cách của ta.
Thực tế thì ngược lại. Mọi người đến gần ta hơn. Họ nhìn thấy chính họ trong sự yếu đuối của ta. Họ nhìn thấy sự tổn thương và nhân tính của họ trong khuyết điểm của chính ta. Họ cảm thấy được trấn an rằng không chỉ mình họ phải loay hoay trong nghi ngờ, sợ hãi và yếu kém của chính mình.
.
Nói đến đây thì tôi muốn hỏi bạn, khi bạn đọc câu chuyện mà tôi kể về việc mình đã nghiện nói dối, và môi trường lớn lên của tôi đầy rẫy sự nói dối, bạn cảm thấy muốn tránh xa tôi, hay bạn sẽ cảm thấy muốn đến gần tôi hơn?
Lần sau, mỗi khi đấu tranh với việc nên nói thật hay nói dối, hãy nhớ đến cảm giác này của chính bạn.
Chúng ta sẽ yêu quý nhau hơn (ít nhất là tôi hy vọng vậy). Nguồn hình: tôi.
Chúng ta sẽ yêu quý nhau hơn (ít nhất là tôi hy vọng vậy). Nguồn hình: tôi.
__________
Cuối cùng, để kết bài (vì hơi quá dài rồi), tôi sẽ kể bạn nghe về thí nghiệm món MarshMallow với những đứa trẻ, thực hiện ở đại học Stanford, thí nghiệm này có thể bạn đã nghe rồi, vì nó vô cùng nổi tiếng.
Nguồn hình: Simply Psychology
Nguồn hình: Simply Psychology
Đối tượng thí nghiệm ở đây là những đứa trẻ từ ba đến sáu tuổi. Chúng được đưa vào một căn phòng trống và phải ở một mình với một viên kẹo MarshMallow. Nhà nghiên cứu nói với chúng rằng: nếu con không ăn viên kẹo này trong vòng 15 phút, thì 15 phút sau con sẽ có thêm một viên nữa. Thí nghiệm này dùng để đo đạc khả năng “trì hoãn phần thưởng” của những đứa trẻ. Tóm tắt thì, sau một quá trình dài theo dõi, các nhà nghiên cứu phát hiện ra khả năng “trì hoãn phần thưởng” của một đứa trẻ tỷ lệ thuận với năng lực học tập và quản lý hành vi của nó. Những đứa trẻ có thể trì hoãn – không ăn viên kẹo MarshMallow trong 15 phút để được thêm một viên nữa, chúng có khả năng thành công hơn trong việc học tập, cũng như thói quen lên kế hoạch và cư xử tốt hơn.
Nhưng có một thí nghiệm kèm theo thí nghiệm MarshMallow nổi tiếng này mà chúng ta ít biết đến hơn, nó ít nổi tiếng hơn, nhưng kết quả rút tỉa ra thì (theo ý kiến cá nhân của tôi) có giá trị gần như tương đương.
Trong thí nghiệm mới này, nhà nghiên cứu chia trẻ ra thành hai nhóm. Nhà nghiên cứu để trẻ một mình trong căn phòng với một cái chuông, họ nói với đứa trẻ rằng: nếu con muốn gặp nhà nghiên cứu, con hãy nhấn chuông và nhà nghiên cứu sẽ trở lại. Với nhóm trẻ thứ nhất, họ giữ lời hứa, họ quay lại ngay khi đứa trẻ nhấn chuông. Với nhóm thứ hai, họ không giữ lời, họ không quay lại khi đứa trẻ nhấn chuông. Sau đó, hai nhóm trẻ được đưa vào thí nghiệm MarshMallow nổi tiếng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi kết quả là: với nhóm trẻ thứ nhất (nhóm được giữ lời hứa), chúng có khả năng trì hoãn phần thưởng lâu hơn. Còn với nhóm trẻ thứ hai (nhóm bị thất hứa), chúng ít có khả năng trì hoãn phần thưởng hơn, nghĩa là, chúng ăn luôn viên kẹo MarshMallow chứ không chờ 15 phút để lấy viên kẹo thứ hai.
Kết luận của thí nghiệm này là: khi chúng ta nói thật (giữ lời hứa), thì nó không chỉ khiến chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, mà nó còn có sức ảnh hưởng đến mọi người xung quanh ta, nó khiến họ muốn trở nên tốt đẹp hơn.
________
Lời cuối:
1/ Vui lòng phân biệt rõ giữa việc “nói thật” và việc “thô lỗ”, chê bai hoặc làm tổn thương một người không phải là “thẳng tính”, “thật thà”, mà là “thô lỗ” và “vô duyên”. (điều này quan trọng tới mức phải tô đậm gạch dưới)
2/ Bài viết này lấy cảm hứng từ cuốn sách Dopamine Nations của Anna Lembke
Một số thông tin về thuật ngữ và các nghiên cứu nhắc đến trong bài:
* Derealization: ám chỉ một trạng thái mà người trải qua có cảm giác không thực, không thực tế đối với môi trường xung quanh. Người bị derealization có thể cảm thấy như đang quan sát mọi thứ xung quanh qua một tấm màn mờ, không cảm nhận được sự kết nối với thế giới thực, và cảm giác môi trường xung quanh mất đi sự thực tế, cảm giác lạnh lẽo hoặc không tồn tại.
* Depersonalization: là trạng thái mà người trải qua có cảm giác mất đi sự kết nối với bản thân, mất cảm giác thân thể và nhận thức về bản thân. Người bị depersonalization có thể cảm thấy như đang quan sát bản thân từ một góc độ bên ngoài, như thể họ không phải là chủ thể của hành động và cảm xúc của mình. Họ có thể mất đi cảm giác thân thể, như không cảm nhận được đau đớn, nóng lạnh hoặc kích thích từ môi trường xung quanh.
* Hikkikomori là một thuật ngữ tiếng Nhật được sử dụng để mô tả một hiện tượng xã hội và tâm lý, đặc biệt phổ biến ở Nhật Bản. Hikkikomori là tình trạng mà một người trẻ hoặc người trưởng thành, thường là nam giới, tự rút khỏi xã hội và từ chối giao tiếp xã hội trong một khoảng thời gian dài. Các cá nhân bị ảnh hưởng bởi hikkikomori thường sống cách ly trong phòng của mình, tránh liên hệ với bạn bè, gia đình và xã hội ngoại trừ một số ít trường hợp cần thiết. Họ thường không ra khỏi nhà trong thời gian dài, dành thời gian nhiều cho trò chơi điện tử, xem phim hoặc sử dụng Internet. Hikkikomori có thể kéo dài từ vài tháng đến nhiều năm.
* Thí nghiệm của Christian Ruff: Increasing honesty in humans with noninvasive brain stimulation - https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28396395/
* Thí nghiệm làm lại từ thí nghiệm Marshmallow cổ điển của đại học Rochester: https://www.rochester.edu/newscenter/the-marshmallow-study-revisited/