Câu hỏi ở tiêu đề chắc chắn ở đâu đó ngoài kia có những người trái ngành thắc mắc. Tài liệu, ngôn ngữ, khóa học của lập trình viên free đầy ra đó, chỉ cần học nó là có thể có lương cao rồi, ngon thật sự nhỉ.
Bài viết này mình xin phân tích một chút về cái nghiệp mà được cho là hot hiện này mà nhiều bạn dự tính theo học.
Phải nói là lập trình như chơi cờ vua vậy. Luật chơi có thể bạn đã biết, hoặc bất kỳ ai cũng có thể đọc nó và học nó, cũng chỉ mất một khoảng thời gian ngắn nào đó mà thôi. Mọi thứ đều mở thả cửa cho bạn, việc của bạn là tìm kiếm và học, phải nói là thật sự dễ dàng và miễn phí khi internet phổ biến như hiện nay. Thực tế nó có thể tốn của bạn khoảng 10 nghìn giờ thực hành như một thống kê mà mình đọc ở đâu đó.
Bạn có thể học miễn phí và dễ dàng thế sao?
Mình biết có một số lập trình viên xuất sắc họ không xuất phát từ bất kỳ bước đệm đà nào như trường học, trung tâm hay thầy dạy nào. Chỉ đơn giản họ học từ sách và các nguồn tài liệu miễn phí trên internet và họ đã trở thành những lập trình viên rất chuyên nghiệp.
Không chỉ vậy những người này mình thấy họ còn lọt vào được những tập đoàn rất lớn và vẫn có rất nhiều công việc săn đón và mức lương rất hậu hĩnh nữa cơ.
Vậy vấn đề nằm ở đâu khi học thì được cho là bỏ ít vốn nhất mà sao lương cao vậy?
Ở đâu đó có thể bạn nghe được những cụm từ người phát triển ứng dụng (developers) hay thợ cốt (coder) rồi lập trình viên (programmer) và người tư vấn (consultant). Có vẻ dịch việt hóa không được hay cho lắm nhưng mà mình muốn đề cập ở đây chính là cách giải quyết vấn đề.
Lập trình viên tốt không phải là một người chỉ biết viết ra một trăm hay một nghìn dòng code mỗi ngày, cũng không phải là đi viết lại những thứ để cho máy hiểu. Nếu bạn ngừng việc phân tích và giải quyết vấn đề lại thì thực chất lập trình viên đúng nghĩa là một thợ cốt, một công nhân công nghệ cao với một công việc duy nhất là dịch ngôn ngữ từ người sang ngôn ngữ của máy và để máy thực thi.
Điều này có lẽ bạn cũng chỉ mất một thời gian khá ngắn để có thể tiếp cận và làm được.
Vậy bạn nghĩ một công ty trả lương cao cho một lập trình viên là vì lý do gì?
Chính xác đó là cách mà anh ta xử lý vấn đề của khách hàng. Bạn thử nghĩ xem, để sửa một cái máy, một anh thợ cầm một cái búa, gõ một cái duy nhất và anh ta lấy 10 triệu của khách, rồi có người nói sao anh mất có chưa đầy 1 giây mà lại được trả cao vậy, anh ta đưa búa cho bạn bạn gõ nát cái máy vẫn không sửa được thì vấn đề nằm ở đâu.
Vấn đề là anh thợ biết vị trí bị lỗi và đó chính là chỗ đáng tiền của anh ta. Tương tự như vậy, lập trình viên đáng tiền và có mức lương cao là những người giải quyết được vấn đề cho công ty cũng như khách hàng. Học thì miễn phí đó, nhưng để thuần thục và có thể xử lý được các vấn đề thì bạn cần phải rèn luyện thêm rất nhiều. 
Một ví dụ thực tế mà mình đã gặp phải đó là một vấn đề nhập liệu của một kho hàng, họ có rất nhiều tem mã hàng khác nhau với nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không mẫu tem nào giống mẫu tem nào. Khách hàng hỏi bạn, có cách nào tối ưu quy trình mà giúp cho công nhân không phải nhập bằng tay hay không?
Bình thường, lập trình viên sẽ viết một website bắt nhân viên tự nhập, họ chỉ chuyển từ nhập giấy sang nhập máy mà thôi, cũng bớt được chút sức lực đó nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề.
Người tư vấn giải pháp lập trình sẽ nghĩ tới đến vấn đề chính là khâu nhập liệu. Có 2 hướng đi là scan tem theo nhận diện ký tự khoanh vùng những thông tin cần và biến nó thành văn bản tự động nhập liệu; hướng thứ 2 là nhập liệu bằng giọng nói thay vì gõ tay của nhân viên để giảm thiểu thời gian nhập liệu. Sau khi đưa ra giải pháp rồi thì họ phân tích ưu và nhược điểm từ đó đưa ra cách xử lý tối ưu nhất cho khách hàng thay vì chỉ lập trình ra một phần mềm và bắt nhân viên ngồi nhập.
Đây chính là điểm mà khách hàng có thể trả bạn rất nhiều tiền để xử lý được khúc rối cho họ. Để có được những phân tích trên liệu chỉ học những thứ miễn phí trên mạng kia thì bạn có làm được không?
Bài viết này mình chỉ nhằm mục đích trả lời cho câu hỏi mà mình đọc được ở đâu đó với thái độ tị nạnh tại sao lương chúng mày cao thế mà tao toàn thấy chúng mày chơi chơi, có làm gì đâu. =)))
Mình cũng chỉ cười vì mình cũng đang trên con đường tích lũy kiến thức cũng như kinh nghiệm mà thôi. Và mình biết mình còn thiếu những gì để phấn đấu.
Hi vọng câu trả lời ở bài viết này có thể giúp anh chị em ngoài ngành cũng như đang có ý định theo học nhìn nhận được một khía cạnh mới đối với cái nghiệp khốn khổ này.