img_0

Chú ý: Bài viết này mang nhiều quan điểm cá nhân cũng như nặng tính kinh nghiệm, tư vấn, đúng sai phụ thuộc rất lớn vào người đọc, nguồn tham khảo là thực tế làm việc nên tôi không có trích nguồn ở đâu đâu. Có những phần lý thuyết "sách vở", nhưng tôi không đủ độ chăm để lùng lại cụ thể. Đây cũng không phải báo cáo khoa học.
Tôi nghĩ là ai cũng đã trải qua, hoặc đang trải qua, hoặc sẽ trải qua giai đoạn kiểu như thế này:
- Thất nghiệp
- Rải CV
- Tìm được một công việc "có vẻ như hợp với mình"
- Đến khi vào làm thì hóa ra lại không hợp
- Xin nghỉ
- Thất nghiệp
- Rải CV
- Tìm được...
Tôi nghĩ là các bạn hiểu tôi muốn nói gì. Nhưng làm thế nào để thoát khỏi cái vòng lặp chán đời này, cũng như hiểu về mình hơn và công việc của mình hơn, bài viết này hi vọng sẽ giải đáp được phần nào những thắc mắc của những người đang đi tìm câu hỏi.
I - Chuyên gia
Ngày nay chúng ta được nghe quá nhiều những câu chuyện về "đổi đời", về "làm giàu", về "khởi nghiệp", về "thành công", về "gọi vốn", về "đam mê", về "bitcoin" và về "AI"... Nhưng đến khi phải hỏi một cách vô cùng cụ thể rằng ngày mai chúng ta phải làm gì thì thường các "chuyên gia mạng" đều ấm ớ hội tề một lượt. Và họ ấm ớ hội tề có thể là vì họ chẳng phải chuyên gia thật, mà cũng có thể là vì họ muốn giấu nghề, hoặc khả năng cao hơn là định nghĩa "chuyên gia" bây giờ đã thay đổi ở trên thế giới, nhưng có lẽ tôi không sống trong thế giới đấy.
Tôi nghĩ là nhiều bạn đọc đến đây sẽ ngay lập tức Google "chuyên gia", "expert" và những từ khóa liên quan để xem chuyên gia là cái gì. Nhưng tôi sẽ giúp bạn tiết kiệm một chút thời gian nếu như bạn muốn đọc tiếp. May mà sếp cũ của tôi chỉ cho tôi một cách mà đến giờ tôi vẫn thấy hợp lý để kiểm tra xem một chuyên gia có thực sự là một chuyên gia hay không, đó là:
"Hỏi anh ta ngày mai anh ta sẽ làm công tác chuyên môn gì? Và mỗi một tác vụ chuyên môn mất bao nhiêu thời gian."
Rất nhiều người nghĩ chuyên gia là những người có kiến thức sâu rộng, nhưng nếu như kiến thức sâu rộng đấy nằm ở phần lý thuyết, thì họ sẽ thường đi theo nhánh nghiên cứu thuần túy hơn là chuyên gia. Chuyên gia trong thời đại hiện nay thường gắn liền với thực tế. Và họ là những người phải cân bằng giữa lý thuyết và thực hành.
Hãy lấy ví dụ trong ngành IT. Ngành này có một vị trí rất hay dành riêng cho chuyên gia, đó là "Solution Architect", dịch đơn giản ra là "Kiến trúc sư giải pháp". Và công việc của họ là gì? Là thiết kế những khung làm việc để giúp giải quyết những vấn đề khó nhằn.
Sự khác biệt lớn giữa một chuyên viên và một kiến trúc sư, đó là một chuyên viên thường chỉ giỏi thực thi, còn kiến trúc sư thì giỏi cả ở mức độ bao quát cũng như thực thi. Một chuyên viên có thể tự mình giải quyết được một số vấn đề, nhưng một kiến trúc sư có thể thiết kế quy trình để giải quyết được nhiều vấn đề. Thiết kế quy trình là một quá trình phức tạp, bởi nếu không có chuyên môn, quy trình sẽ bị xa rời thực tế, còn nếu quá nhiều chuyên môn, quy trình sẽ bị xung đột với các quy trình khác trong công ty.
Để nắm được quy trình, bạn sẽ phải hiểu một số vấn đề:
Đối với hoạt động vận hành:
- Các tác vụ trong quy trình
- Nhân sự phụ trách các tác vụ trong quy trình
- Phản ứng, kết hợp giữa các chuỗi quy trình
-...
Đối với hoạt động dự án:
- Các vấn đề chung trong quản lý dự án
- Các vấn đề cụ thể trong các tình huống phát sinh
Và nhân tố cơ bản của cả hai loại hoạt động này là các tác vụ hàng ngày. Dữ liệu liên quan đến tác vụ hàng ngày là cơ sở để các chuyên gia giải quyết vấn đề trong cả hoạt động vận hành lẫn hoạt động dự án. Đối với chuyên gia, kiến thức về vận hành, quản lý không hề kém quan trọng hơn so với kiến thức chuyên môn. Chính vì thế nên khi đưa ra hai câu hỏi:
- Ngày mai anh sẽ làm công tác chuyên môn gì?
- Mỗi một tác vụ chuyên môn mất bao nhiêu thời gian?
Bạn có thể ngay lập tức kiểm tra được một chuyên gia hiểu biết đến đâu hệ thống mình đang ngồi trong, cũng như kỹ năng vận hành, quản lý của anh ta đi kèm với khả năng chuyên môn. Lý do:
- Ngày mai trong hoạt động quản lý dự án là một thời điểm rất cụ thể.
- Công tác chuyên môn của ngày mai sẽ là một loạt những tác vụ chuyên môn một người phải xử lý, số lượng tác vụ chuyên môn của chuyên gia thường nhiều hơn so với chuyên viên, nên cách họ liệt kê tác vụ chuyên môn rất quan trọng.
- Mỗi một tác vụ chuyên môn mất bao nhiêu thời gian sẽ thể hiện khả năng quản lý của chuyên gia, đây là lúc kinh nghiệm đóng vai trò quan trọng, bởi chuyên gia có thể dựa vào những dữ liệu từ quá khứ của bản thân, của mô hình, của đội nhóm để đưa ra dự đoán. Chuyên gia càng giỏi, độ lệch giữa dự đoán và thực tế sẽ càng nhỏ.
Tuy nhiên các chuyên gia không phải là những người đi "truyền cảm hứng". Đấy không phải nhiệm vụ của họ trong một tổ chức, làm ở ngoài là chuyện khác. Nhiệm vụ "truyền cảm hứng" thuộc về lãnh đạo. Các chuyên gia muốn trở thành lãnh đạo lại là một câu chuyện khác về cân bằng giữa chuyên môn, quản lý, và lãnh đạo, mà tôi cũng không phải người rõ về cái này nên để sau. Dù gì đi chăng nữa, từ khóa của chuyên gia vẫn là "chuyên môn" và "quản lý" chứ không phải "lãnh đạo". Trong trường hợp dự án cần các chuyên gia ngồi với nhau, thì lúc đó người đứng đầu các chuyên gia không phải là người làm chuyên môn, mà là người làm công tác lãnh đạo. Hãy luôn nhớ rằng, chuyên gia là những người:
img_1

Vậy, làm thế nào để trở thành chuyên gia? Đây là lúc quy tắc 10.000 giờ phần nào có thể áp dụng được. Phần nào, bởi vì việc thực hành quá nhiều đôi khi sẽ biến bạn thành thợ, thành nghệ nhân, chứ không phải chuyên gia. Chuyên gia cần phải cân bằng giữa công tác chuyên môn và công tác quản lý, vì họ sẽ cần phải đưa ra những giải pháp mang tính tổng quan hơn, có tính lâu dài hơn. Như vậy, 10.000 giờ kia không thể chỉ dành cho mỗi công tác chuyên môn, mà cần phải chia ra thành các tác vụ và có độ ưu tiên theo thời gian cho các tác vụ đó. 
Ví dụ:
- 5000 giờ đầu tiên: Công tác chuyên môn
- 1000 giờ tiếp theo: Công tác tối ưu hóa tác vụ chuyên môn
- 2000 giờ tiếp theo: Công tác quản lý
- 3000 giờ tiếp theo: Kết hợp công tác tối ưu hóa tác vụ chuyên môn với công tác quản lý
Nói chung, số to không có ý nghĩa gì đâu, số nhỏ kết hợp lại mới có ý nghĩa. Và chuyên gia biết chính xác mình làm được gì, trong thời gian bao nhiêu lâu, trong trường hợp cụ thể nào, với những ai.
Chúng ta sẽ đến với phần tiếp theo, việc làm chuyên gia thì liên quan gì đến chuyện chọn nghề và bảng mô tả công việc.
II - Chọn nghề và "bẫy mô tả công việc"
Một trong những kỹ năng cần có của người đi xin việc là hiểu được mình làm gì, và hỏi lại nhà tuyển dụng nếu như thiếu thông tin. Phần đầu thì thực ra chỉ cần bạn mới ra trường đi làm 1, 2 năm là đủ, nhưng phần tiếp theo thì khác, nó là thứ sẽ quyết định bạn có thể tiến xa trong công việc hay không. Đó là thứ phân biệt giữa một anh chuyên viên và một anh chuyên gia. Tại sao lại như vậy?
Tôi sẽ lấy rất ngẫu nhiên một mẫu tuyển dụng trên mạng:
Vị trí: CHUYÊN VIÊN TƯ VẤN
👉 Mô tả công việc:
♦️ Tư vấn cho khách hàng về các khóa học trực tiếp tại trung tâm, qua điện thoại hoặc online.
♦️ Chăm sóc, giải đáp thắc mắc của học viên và phụ huynh học sinh.
♦️ Tiếp nhận các phản hồi của giáo viên và phản hồi lại cho cấp trên và ban chuyên môn.
♦️ Báo cáo tình hình của trung tâm cho quản lý.
♦️ Chuẩn bị dụng cụ phòng học, in ấn tài liệu.
♦️ Một số công việc văn phòng khác.
Rất bình thường, rất chuẩn mực đúng không, bạn sẽ đi đến cuộc phỏng vấn, gặp gỡ anh/chị tuyển dụng, hỏi và trả lời vài câu kiểu như:
Q: Em nghĩ mình có làm được công việc này không?
A: Em có, em tự tin vào khả năng của mình.
Q: Em nhìn thấy mình ở đâu trong 5 năm nữa?
A: Em thấy mình ở vị trí quản lý trong công ty này
Rồi 3 tháng sau đã lại phải nộp đơn đi làm ở chỗ khác.
Đây là điển hình của những người không biết mình có thể làm được gì, họ thường ở tầng dưới của lớp tuyển dụng, tức là được nhận thì mừng húm đi làm, hầu như không có quyền lựa chọn. Lý do nằm ở cả phía thị trường tuyển dụng lẫn từ cá nhân họ, nhưng vì thị trường tuyển dụng là phạm trù vĩ mô nên hãy đi từ cá nhân trước đi. 
Cái gì khiến cho bạn không hiểu mình làm được gì? Cái gì khiến cho công việc tưởng chừng như rất phù hợp lại không phù hợp nữa?
Bạn hãy dành thời gian suy nghĩ. Đừng vội vàng kéo xuống dưới để xem tiếp. Nghe hết bài nhạc này thì hẵng kéo xuống:
img_2
Ảnh random
Câu trả lời đó là:
Bạn hoàn toàn không biết những tác vụ trong bảng mô tả công việc kia được phân bổ như thế nào. Bạn không kiểm soát, quản lý được kỹ năng của chính mình.
Hãy thử phân tích, giả sử như phân bổ tác vụ trong bảng mô tả công việc kia như sau:
Tác vụ
Phân bổ
Tư vấn cho khách hàng về các khóa học trực tiếp tại trung tâm, qua điện thoại hoặc online.
30%
Chăm sóc, giải đáp thắc mắc của học viên và phụ huynh học sinh.
10%
Tiếp nhận các phản hồi của giáo viên và phản hồi lại cho cấp trên và ban chuyên môn.
15%
Báo cáo tình hình của trung tâm cho quản lý.
25%
Chuẩn bị dụng cụ phòng học, in ấn tài liệu.
10%
Một số công việc văn phòng khác.
10%
 
Như vậy, công việc này sẽ cần nhiều về kỹ năng giao tiếp qua điện thoại, tư vấn trên mạng, phải làm theo thời gian không cố định (do có online) với phân bổ 30% khối lượng công việc cũng như kỹ năng báo cáo chứ không phải là gặp gỡ trực tiếp với phân bổ 25%, thế nên bạn có đẹp giai xinh gái gì thì cũng chỉ có thể sử dụng vẻ ngoài của mình 10% số thời gian thôi.
Nếu như bộ kỹ năng của bạn không phù hợp với phân bổ công việc này, cho dù bạn có đủ kỹ năng đi chăng nữa, sớm muộn bạn cũng sẽ cảm thấy “không hợp”. Thực ra chuyên gia cũng sẽ nhiều lúc thấy “không hợp”, có điều họ biết chính xác vì sao “không hợp” (do phân bổ công việc lệch với phân bổ kỹ năng của họ) cũng như đưa ra được giải pháp cho cái “không hợp” đấy (học, tìm cách thích nghi, thay đổi phân bổ kỹ năng), chứ không suốt ngày đi nghe Jack Ma truyền cảm hứng xong xì xụp cúi lạy. 
Và không, các bạn sinh viên mới ra trường, hay đi làm 2-3 năm không có kỹ năng này đâu, nhưng sẽ rất có lợi cho các bạn nếu như các bạn biết kỹ năng phân tích này tồn tại, và bắt đầu thực hành. Đồng thời, câu hỏi để hỏi lại nhà phỏng vấn khi đi phỏng vấn sẽ là:
Anh/chị có thể cho tôi biết phân bổ công việc như thế nào không?
Đây cũng là cách để các bạn phân biệt được độ chuyên nghiệp của các công ty. Nếu người phỏng vấn/quản lý không trả lời được câu hỏi này, hay trả lời không rõ ràng, cụ thể, không có dẫn chứng cho câu trả lời của họ, thì bạn nên tìm nơi khác mà gửi đơn xin việc. 
Điều này có thể không đúng cho các công ty startup, do đặc thù phải liên tục biến đổi để phù hợp với tình hình, nhưng tôi không nghĩ những người mới ra trường nên nhảy ngay lập tức vào các công ty startup, nếu bạn không thực sự xuất sắc, phần lớn thời gian bạn sẽ thất bại thôi. Không phải cái nào cũng như Spiderum đâu. Mà số lượng xuất sắc đến khi ra khỏi Đại học, rất tiếc phải thông báo cho bạn, ít vô cùng, do nhiều lý do lắm, lúc khác bàn.
Còn làm như thế nào tìm được cách làm việc hiệu quả cho bản thân khi sử dụng các công cụ/mô hình hiện đại:
Một phút quảng cáo bắt đầu
Còn nữa, bạn có thể hỏi câu hỏi (đểu hoặc thực lòng) là tôi có phải chuyên gia hay không, thì tôi xin trả lời rằng: 
Tùy lĩnh vực. Lĩnh vực nào?
Vấn đề phát triển kỹ năng ở mức độ cụ thể hay tổng quát là vấn đề dài dòng, tôi sẽ dần dần chia sẻ.