Xin chào, mình là Scarlet, hiện đang là sinh viên năm hai ngành Khoa Học Máy Tính (Computer Science) ở Canada. Mục đích của bài viết này là để chia sẻ những bài học mà mình nghĩ sẽ giúp được cho các bạn sinh viên đang và sẽ trải qua quá trình nộp đơn đầy gian nan cho các chương trình thực tập trong thời gian đại học. Những trang web và công cụ mà mình nhắc tới trong bài có thể khác với môi trường làm việc ở Việt Nam, nhưng về bản chất trong tư duy tiếp cận vấn đề thì không thay đổi nên hy vọng bài viết vẫn có ích với mọi người hén :)

Giới thiệu

Để nhận được công việc thì thứ đầu tiên cần phải vượt qua khiến ai cũng đau đầu là vòng xét CV và phỏng vấn. Mục đích cốt lõi của việc phỏng vấn là để tìm ra ứng cử viên phù hợp nhất cho một vị trí cụ thể, chứ không nhất thiết phải là người giỏi nhất trong lĩnh vực đó. Khi đứng ở vị trí nhà tuyển dụng, các thông tin được xem xét thường được chia thành 3 nhóm chính:
Điều kiện cơ bản: Ứng cử viên này đã đạt được hết những yêu cầu tối thiểu được đưa ra hay chưa? (vd: bằng cấp, kinh nghiệm làm việc, giấy tờ đầy đủ, etc.) Thông tin này thường được xét ở vòng CV hoặc nhà tuyển dụng sẽ gọi thẳng cho ứng cử viên để xác nhận.
Kỹ năng cứng: Ứng cử viên này có đủ kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm cần thiết cho vị trí này không? Thiếu, đủ, hay dư? Thông tin này thường sẽ được xét ở vòng phỏng vấn trực tiếp hoặc qua các bài kiểm tra mà công ty giao cho ứng cử viên.
Kỹ năng mềm: Ứng cử viên có tính cách, giá trị, và quan điểm phù hợp với công ty hay không? Thông tin này thường được xét dựa trên cả quá trình nhà tuyển dụng tiếp xúc với ứng cử viên, đồng thời qua thái độ và cách trả lời các câu hỏi tình huống trong vòng phỏng vấn.
Dựa trên nền tảng này, qua 5 năm lăn lộn đi thực tập mình đã liên tục quan sát và thử nghiệm nhiều cách rải đơn khác nhau nhằm tạo ra chiến thuật tối ưu nhất cho bản thân, đồng thời tự phát triển một phong cách phỏng vấn khá đặc trưng mà ít ai bắt chước được. Quá trình mà mình thường áp dụng diễn ra như sau:

1. Đặt mục tiêu rõ ràng

Bằng cách hỏi bản thân: "Mình muốn học được gì ở công việc tiếp theo? Muốn trải nghiệm ở môi trường công ty thế nào? Những yếu tố và giá trị nào quan trọng với mình ở thời điểm hiện tại? Có công ty nào nằm trong danh sách mơ ước của mình không? Những mảng nào mình quan tâm?"
Ví dụ:
Bạn A: "Mình muốn làm ở những tập đoàn lớn để thử trải nghiệm cách họ xây dựng hệ thống và điều hành từ bên trong như thế nào. Mình muốn nhắm vào một trong những công ty trong FAANG (Facebok, Apple, Amazon, Netflix, Google)"
Bạn B: "Mình muốn thử sức với môi trường năng động như startup để được học những công nghệ mới nhất và làm nhiều dự án đa dạng, có tầm ảnh hưởng lớn đến công ty / khách hàng."
Bạn C: "Mình quan tâm tới sức khoẻ hoặc tài chính nên mình muốn chỗ làm cũng phải liên quan tới những mảng đó. Công ty lớn hay nhỏ đối với mình không quan trọng ở thời điểm này."
Giá trị ưu tiên và những kỹ năng mà một người học được từ startup giai đoạn đầu sẽ rất khác so với unicorn hoặc những công ty lớn.
Giá trị ưu tiên và những kỹ năng mà một người học được từ startup giai đoạn đầu sẽ rất khác so với unicorn hoặc những công ty lớn.
Việc đặt mục tiêu và kỳ vọng rõ ràng ngay từ đầu sẽ thường giúp mình khoanh vùng "đối tượng" hợp lý hơn, tránh mất thời gian rải đơn hàng loạt nhưng không đạt được kết quả như mong muốn (chất lượng > số lượng). Đồng thời, câu trả lời của mình cho những câu hỏi trên sẽ là một nền tảng thiết yếu để xây dựng chiến thuật tấn công hiệu quả cho những những bước tiếp theo. Mình thường không tính toán quá lý trí trong giai đoạn này mà thường để sự tò mò tự nhiên dẫn dắt tới đáp án, và tuyệt nhiên né hẳn những suy nghĩ tự nhát bản thân như: "Công ty này nghe đồn khó lắm, thiếu kinh nghiệm như mình chắc còn lâu mới vào được" vì ai cũng phải có điểm khởi đầu. Lo lắng vì chưa có kinh nghiệm đi làm? Cứ đọc đi, lát chỉ cho :)

2. Khoanh vùng đối tượng

Dựa trên câu trả lời ở bước 1, mình lướt mạng tìm hiểu loanh quanh về các chương trình thực tập để lọc ra thành một danh sách tên của 10 công ty mà mình có hứng thú muốn thực tập nhất, rồi rút gọn dần xuống còn 5 > 3 > 1 để lập rank. Bắt đầu từ top 1 đi lên, cho mỗi công ty, mình sẽ tìm hiểu những thông tin sau:
✅ Những yêu cầu tối thiểu mà thực tập sinh phải có (nếu thấy bản thân không đạt đủ điều kiện thì cho công ty xuống rank trong danh sách)
✅ Ngày mở đơn trong năm thường bắt đầu khi nào => đánh dấu lại trong Apple/Google Calendar
✅ Vị trí thực tập yêu cầu những kỹ năng chuyên môn hoặc kinh nghiệm gì để qua được vòng CV => Cần thiết cho bước 4
✅ Sơ bộ các bước trong quá trình phỏng vấn (có bao nhiêu vòng? gồm những vòng gì?)
✅ Giá trị cốt lõi và hướng đi tập trung hiện tại của công ty
P/s: thường sau đó mình sẽ chia thời gian để rải đơn như này: 80% dành ra chăm chút hồ sơ nộp cho top 10 công ty mình mong muốn, 20% còn lại nộp đại trà cho các công ty khác.

3. Chủ động tìm hiểu

Những thông tin ở bước 2 hầu hết đều có thể tìm được ở rất nhiều nơi rải rác trên Internet. Mình thường bắt đầu bằng cách tìm các từ khoá trên Google, vô trang web công ty, rồi lân la qua các câu hỏi liên quan trên Quora, các cuộc bàn luận trên Reddit và Blind, các cuộc phỏng vấn trên Glassdoor, các hội nhóm trên Facebook, hoặc tìm người từng thực tập / làm việc ở công ty đó trên LinkedIn để soi CV của họ rồi nhắn tin hỏi thẳng về quá trình tuyển dụng thế nào. Nếu vẫn không tìm ra được gì thì có thể thử đăng lên những diễn đàn chuyên môn trên mạng xã hội để hỏi thông tin thêm về công ty đó. Chủ động trong việc tìm thông tin và biết cách đặt đúng câu hỏi cho người khác là hai kỹ năng cực kỳ quan trọng lúc đi làm nên hãy rèn luyện từ bây giờ.
Nhưng đừng quên hỏi đúng cách ahihi
Nhưng đừng quên hỏi đúng cách ahihi
Đối với những startup ít thông tin trên mạng, mình thường nhắn thẳng trên LinkedIn cho nhà tuyển dụng hoặc những người có vị trí cấp cao ở công ty đó hỏi xem có vị trí thực tập nào đang mở không? Nếu không có thì mình có thể làm ứng cử viên đầu tiên cho chương trình của họ không? Phần lớn đối phương sẽ lơ đẹp, nhưng có một lần may mắn bác trưởng ban kỹ sư của một unicorn startup ở Vancouver chịu trả lời và cho mình thử sức các vòng phỏng vấn kéo dài suốt 1 tháng. Rốt cuộc mình lại lọt vào thành thực tập sinh đầu tiên ở công ty đó, lại còn được đãi ngộ tốt với mức lương rất ổn. Thế nên dù cơ hội được trả lời không cao nhưng mình nghĩ đây là một con đường rất đáng để mọi người thử vì ít ai dám nghĩ tới. Một lần nữa, hãy chủ động, cơ hội chỉ đến với những người chịu tìm kiếm :)
Lúc này mới mình nhắn trước, bảo là có hứng thú với công ty, thế là bác ấy bảo ok thế để bác gọi thử xem trình như nào :))
Lúc này mới mình nhắn trước, bảo là có hứng thú với công ty, thế là bác ấy bảo ok thế để bác gọi thử xem trình như nào :))
1 tháng sau thì nhận được offer, mình báo bác đầu tiên vì vui quá, cảm ơn quá trời quá đất :3
1 tháng sau thì nhận được offer, mình báo bác đầu tiên vì vui quá, cảm ơn quá trời quá đất :3

4. Hoạt động ngoại khoá

Sau bước 3, khi đã nhìn được những điểm chung mà các công ty yêu cầu, mình bắt đầu tìm những hoạt động ngoại khoá có những yếu tố sau đây:
(1) Giúp mình đạt được những kỹ năng chuyên môn hoặc kinh nghiệm cần thiết cho công việc (2) Mang lại trải nghiệm càng mới / đa dạng càng tốt (3) Khiến mình cảm thấy thú vị
Mặc dù dựa vào tính chất đặc trưng của từng chuyên ngành, đây sẽ là khoảng thời gian mọi người có rất nhiều lựa chọn để thoả thích sáng tạo: làm dự án nhóm / cá nhân / cộng đồng, thi thố trong và ngoài nước, làm freelance, học các khoá online, đi tình nguyện, etc. Bước này có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm, tuỳ vào mục tiêu phấn đấu và kinh nghiệm làm việc của mỗi người.
Ví dụ: để vào được Hootsuite, công ty đầu tiên mình thực tập, trước đó mình dành hẳn 2 năm hoạt động ngoại khoá chỉ cho bước chuẩn bị này, hoặc để vào Google, mình chuẩn bị từ 1 năm trước đó cộng với 2 năm thực tập ở Hootsuite để có thể qua được vòng xét CV ban đầu. Sau này, khi đã tích góp được kha khá kinh nghiệm đi làm, mình chỉ mất khoảng 1 tháng để vượt qua các vòng phỏng vấn cho các công ty như LinkedIn và Slack. Có vài chuyện mình đã từng kể rồi, ai thích thì tham khảo lại cho vui:

5. Mài dũa khả năng kể chuyện

Cứ xem như khi xong bước 4, khi đã chuẩn bị kỹ càng xong, thì ta đã có đủ kiến thức, trải nghiệm và kỹ năng vừa đủ xài để vượt qua phần phỏng vấn kỹ năng cứng. Yếu tố còn lại chỉ còn có mỗi phần kiểm tra kỹ năng mềm, mảng mà mình chưa bao giờ thất bại vì đơn giản mình nắm được kỹ năng quan trọng nhất để vượt qua vòng này: kỹ năng kể chuyện.
Hầu hết những câu hỏi đánh giá kỹ năng giao tiếp sẽ yêu cầu ứng cử viên nhớ về một sự kiện trong quá khứ và thuận lại mạch chuyện cũng như cách xử lý tình huống. Những câu hỏi quen thuộc gây ám ảnh thường nằm dưới dạng "Hãy kể về một lần..."
- "Hãy kể về một lần bạn có tranh chấp với đồng nghiệp. " - "Hãy kể về một lần bạn tự học."
Ví dụ, cho câu hỏi #2: "Hãy kể về một lần bạn tự học."
Trả lời #1: "Có một lần, em gặp một dự án khó nên em tự lên mạng tìm tòi và làm theo các video hướng dẫn."
Trả lời #2: "Năm ngoái, em đụng phải một dự án khá đau đầu mà trong lớp khoa học máy tính chưa có ai làm qua. Thế là em nhìn vào chủ đề chính, chia nó ra thành nhiều chủ đề nhỏ hơn để dễ tìm hiểu từng nhánh và đặt thời gian (timebox) đề tìm hiểu từng chủ đề, từ 1 tới 3 tiếng, tuỳ vào mức độ phức tạp của mỗi chủ đề nhỏ. Khi hết thời gian, nếu em vẫn chưa tìm được giải pháp hay chưa hiểu cặn kẽ chủ đề đó thì em sẽ tìm những người liên quan để đặt những câu hỏi sâu hơn hoặc hỏi họ có biết ai khác hiểu rõ về chủ đề này hơn không. Em lặp lại quá trình này cho các chủ đề nhỏ cho tới khi em có đủ thông tin để sắp xếp, phân loại và tìm ra hướng tiếp cận phù hợp cho chủ đề lớn ban đầu. Em học được cách giải quyết này từ việc đọc blog của công ty anh và thấy một trong những giá trị của công ty là Luôn Tìm Tòi rất thú vị. Em tin là nếu được nhận vào, em sẽ đóng góp được rất nhiều cho văn hoá đó."
Giờ cho đoán thử xem câu trả lời nào được duyệt? :3
Những yếu tố mà mình nghĩ thường khiến một câu trả lời trở nên lôi cuốn hơn là:
• Nêu tình huống cụ thể chứ không chung chung
• Mạch thời gian rõ ràng, logic, không bị đứt quãng hay nhảy cóc mà không có lý do
• Mang lại cảm giác gây cấn cho người nghe: người kể gặp phải những khó khăn, cản trở, và cuối cùng qua nhiều bước khác nhau đã giải quyết được vấn đề
• Thể hiện được rành mạch luồn suy nghĩ và hành động của người kể mà thông qua đó nhà tuyển dụng nhìn ra được tư duy hoặc thái độ của người đó đối với khía cạnh cụ thể được nêu ra trong câu hỏi
• Thể hiện được mối liên kết cá nhân với công ty, cho nhà tuyển dụng thấy được sự quan tâm qua việc tìm hiểu kỹ trước đó
• Đa dạng, có chiều sâu: phần này này dùng hết những trải nghiệm ở bước 4 ra rồi chia đều cho các câu hỏi để nhà tuyển dụng thấy được sự cố gắng, luôn thích học cái mới ở người kể
Để thuần thục kỹ năng kể chuyện này, mình thường luyện bằng cách...mời người lạ một cốc cafe và 30 phút tìm hiểu nhau online. Khi tập kể câu chuyện của mình bằng nhiều cách khác nhau với nhiều người, mình dần học được cách điều chỉnh câu chuyện của bản thân sao để người nghe thích thú hoặc dễ hiểu hơn, từ đó khi vào phỏng vấn thì cứ theo tự nhiên mà chém gió là auto qua vòng :)

Kết bài

Tổng kết lại, khi đi tìm việc mình thường đi qua 5 bước:
1. Đặt mục tiêu rõ ràng 2. Khoanh vùng đối tượng 3. Chủ động tìm hiểu 4. Hoạt động ngoại khoá 5. Mài dũa khả năng kể chuyện
Giai đoạn tìm việc thường rất khó khăn và may mắn cũng chiếm phần lớn nên mình hy vọng mọi người đừng vội nản khi chưa nhận được kết quả mong muốn. Bình tĩnh tự tin ắt sẽ có ngày sẽ làm được! Ai có câu hỏi gì cho mình thì cứ mạnh dạn đặt câu hỏi ở dưới nhá, biến phần bình luận thành chủ đề tìm việc / hướng nghiệp được luôn thì vui :>
Chúc may mắn, Scarlet.