Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:

Có lẽ chưa bao giờ những khái niệm startup hay gọi vốn lại được nhắc đến ở Việt Nam nhiều như trong khoảng vài năm trở lại đây, thậm chí đôi lúc hơi... nhiều quá đến mức nhiều người sẽ có suy nghĩ rằng chỉ cần họ có một ý tưởng, sẽ không thiếu cách để đi tìm nguồn vốn đầu tư cho mình. Trên một bình diện rộng hơn, khoảng thời gian năm 2019 - 2020 đã chứng kiến một sự tăng trưởng đột biến về mặt số lượng các nhà đầu tư gia nhập vào thị trường Việt Nam (gần 130 quỹ/nhà đầu tư), trong đó ngoài các nhà đầu tư nội địa thì chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid19. Số lượng các thương vụ đầu tư và quy mô của từng deal cũng tăng lên đáng kể.
Từng trải qua nhiều khó khăn từ những ngày đầu thành lập, team Spiderum cũng hiểu rõ việc gọi vốn rất gian nan và tốn không ít thời gian. Vì vậy trong bài viết này mình muốn chia sẻ câu chuyện từ chính trải nghiệm bản thân, hi vọng có thể đem đến cho những founder nào đang tìm hiểu về chủ đề này một góc nhìn của người trong cuộc. Gọi vốn là một quá trình đặc biệt mà sự phù hợp nên được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định, và đó là lý do tại sao mình không khuyến khích ai "làm theo", "nghe theo" lời khuyên nào nếu chưa thực sự hiểu rõ bản thân là ai và thực sự muốn gì. Do đó, bạn hãy tiếp cận bài viết này như một câu chuyện tham khảo, có gì cần tìm hiểu thêm thì cứ bình luận, mình sẽ cố gắng trả lời nhé!

Cuối năm 2019, Spiderum huy động vốn thành công từ Reapra, một công ty đầu tư theo mô hình nôi khởi nghiệp (venture builder) có trụ sở tại Singapore. Đối với cá nhân mình và đội ngũ Spiderum lúc bấy giờ, đây là một bước ngoặt thú vị, mở ra nhiều cơ hội để thời điểm này mình có thể ngồi viết những dòng này khi Spiderum Team đã phát triển và hoàn thiện hơn rất nhiều, với khoảng 15 anh em full-time và khoảng 10 nhân sự part-time/cố vấn. 
Điều thú vị nhất, như mình đã từng chia sẻ trong các bài viết trước đây, là việc Spiderum đã tăng trưởng và phát triển như hiện tại dựa vào chính lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, không phải từ tiền của nhà đầu tư. Bằng chứng là ngay trong năm 2020, tụi mình lần đầu tiên có lãi từ hoạt động kinh doanh, và quan trọng hơn là có nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển trên con đường đã chọn. Đầu năm 2021, mình kéo được những nhân sự cộm cán và giàu kinh nghiệm chinh chiến ở các tập đoàn, công ty lớn về phát triển Spiderum, một điều trước giờ chỉ dám ước chứ không nghĩ sẽ sớm trở thành hiện thực như vậy.
Trong bối cảnh Covid-19 hoành hành, rất nhiều công ty gặp không ít khó khăn để duy trì hoạt động, Spiderum vẫn may mắn sống tốt với nguồn doanh thu chính từ sách - dòng sản phẩm tưởng như đã… lỗi thời và khó khai thác trong bối cảnh ai ai cũng thảo luận rất nhiều về trào lưu số hóa trong mọi mặt đời sống. Tụi mình làm được điều này một phần vì dòng sản phẩm sách của Spiderum được đóng góp từ cộng đồng nội dung hơn 60.000 thành viên đông đảo có chất lượng nội dung rất tốt, đặc biệt là dòng sách hướng nghiệp đang giải quyết hiệu quả khoảng trống thị trường khi công tác hướng nghiệp trong nhà trường và xã hội vẫn chưa đạt mức tối ưu. Một phần nữa là bởi hầu hết các hoạt động kinh doanh của Spiderum đều được thực hiện trên các kênh online nên không mất quá nhiều chi phí cho cửa hàng, kho bãi… với quy trình được tối ưu liên tục sau hàng loạt các tình huống thử nghiệm đúng - sai đi vào lòng người (cũng có lúc là… lòng đất, nhưng mà fail fast và sẵn sàng đứng lên làm tốt hơn mới là điều quan trọng). Do đó, dù sản phẩm là vật lý nhưng quy trình trực tuyến vẫn giúp tụi mình đẩy nhanh đà phát triển trong bối cảnh đại dịch. Có thể nói, sức mạnh từ cộng đồng online trên website và hệ thống kênh dẫn trên các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Spotify, vốn là lợi thế cạnh tranh (competitive advantages) lớn nhất của Spiderum, nay lại càng đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của cả công ty. Cá nhân mình cũng càng tin hơn rằng sự sáng tạo, đột phá không nhất thiết phải đến từ sản phẩm mới lạ không ai nghĩ tới, mà hoàn toàn có thể đến từ những cải tiến để khai thác hiệu quả nhất những sản phẩm tưởng như quen thuộc.
Mình nghĩ những thay đổi mang tính bước ngoặt này có đóng góp không nhỏ từ Reapra, và đó là lý do tại sao mình muốn viết bài viết này - một bài chia sẻ để những founders còn đang lạc lối như mình trước kia sẽ tìm được thêm một lựa chọn có thể phù hợp với phong cách và “khẩu vị” của bạn. 
Bài viết cũng là lời cảm ơn chân thành mình muốn gửi tới toàn bộ đội ngũ Reapra, đặc biệt là chị CIO Priscilla Han và chị Liên Phạm (hiện đã chuyển công tác, nhưng trước đó chính là người đã kết nối và đồng hành cùng mình trong hành trình gọi vốn tại Reapra).

Khởi đầu một hành trình

Mình biết tới Reapra vào khoảng cuối tháng 6 năm 2020, khi Spiderum cần huy động vốn để phát triển. Ở thời điểm đó bọn mình đang khá khó khăn về tiền mặt, nhưng đã từ chối đề nghị đầu tư từ một quỹ khác tại Việt Nam vì cảm thấy không phù hợp; và ngoài Reapra ra thì cũng có liên lạc trao đổi với một quỹ khác ở Hàn Quốc. Nói vậy để thấy thật ra với Spiderum, sự phù hợp của nhà đầu tư là điều kiện tiên quyết mà tụi mình luôn tìm kiếm và sẵn sàng chấp nhận rủi ro để chờ đợi. Vì trước đó, khi còn là những tấm chiếu mới, tụi mình cũng từng phạm sai lầm khi nhận tiền đầu tư, chịu ảnh hưởng từ nhà đầu tư nên tiêu vô tội vạ vào những thứ màu mè phù phiếm không cần thiết, tới lúc nhận ra và tập trung nhiều hơn vào sản phẩm thì... hết tiền và phải vật lộn suốt mấy năm sau đó, chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Trải nghiệm đó giúp mình nhận ra tiền không phải là tất cả trong khi làm startup, và đôi khi thứ các startup founder cần là sự tận tâm đồng hành của những nhà đầu tư có mục tiêu và triết lý phù hợp.
Nói về điểm này thì ở giai đoạn đó, mình nghĩ Reapra cũng... không phù hợp với Spiderum lắm. Lý do là khi đó, mình thấy họ hơi... cứng nhắc quá, luôn đòi hỏi mình phải đưa ra một tầm nhìn (vision) rộng hơn, phải có hình dung rõ ràng và cụ thể hơn về doanh thu, lợi nhuận và mô hình kinh doanh. Mà những yếu tố này ở thời điểm đó mình vẫn chưa thực sự suy nghĩ đủ sâu để lượng hóa thành những con số cụ thể được. Khi đó mình chỉ tự tin rằng với con đường đang đi và mô hình đang lựa chọn (sản xuất và phát hành sách), Spiderum sẽ vừa tạo được doanh thu vừa tiếp tục phát triển cộng đồng mạnh hơn, nhiều người dùng hơn. Sau đó, khi đạt được một số lượng người dùng đủ lớn, mình hoàn toàn có thể nghĩ tới các mô hình khác với tiềm năng sinh lời cao hơn sách nhiều lần. 
Đó là mình nghĩ như vậy, còn Reapra thì đơn giản chỉ hỏi đi hỏi lại:
"Ê, ông làm startup này làm gì? Mô hình kinh doanh của ông là gì? Đưa dự toán tài chính 3-5 năm đây. Bao giờ ông định hòa vốn?"
academy awards oscars GIF

Nghĩ lại hồi đó cũng... cay. Mình mà biết mọi thứ rõ ràng và chắc chắn được thế thì còn gọi gì là nhận "đầu tư mạo hiểm" nữa chứ. Mạo hiểm mà chắc kèo thế thì ai chơi... Lúc đó nói thật mình chỉ quan tâm làm sao có thêm vốn thật nhanh để tiếp tục thử nghiệm và phát triển, nếu không có vốn có khi sống chết còn chưa biết thế nào nữa là vision với mission… Mà kể cũng lạ, lúc nào Reapra cũng kêu là tập trung vào tìm founder có con người phù hợp chứ không quan trọng mô hình kinh doanh, thế mà cứ hỏi mô hình kinh doanh hoài, lời nói và hành động cứ bất nhất sao sao. Thế nhưng sau vài lần trao đổi (và mấy lần suýt thì rage quit vì mất kiên nhẫn) với Reapra (họ đánh giá ứng viên qua rất nhiều vòng, bạn sẽ phải nói chuyện với nhiều người lắm), đồng thời tìm hiểu thêm về nguồn gốc hình thành của Quỹ, mình mới càng hiểu hơn lý do của cách tiếp cận này. Hóa ra Reapra đúng là tập trung vào con người thật (từ 2019 tới nay họ còn càng tập trung vào con người thay vì mô hình kinh doanh hơn), chẳng qua là mình lúc đó… vẫn còn là manh chiếu mới nên chưa hiểu rõ sự gắn kết của bản thân với những gì đang làm; do đó việc làm rõ vision, mission, business model chỉ là một cách để Reapra đánh giá mình và để chính mình nhìn nhận lại những giá trị vốn dĩ vẫn ở đó nhưng chưa được thấu hiểu kỹ càng.
Số là Reapra được thành lập bởi Shuhei Morofuji - một tỷ phú người Nhật. Câu chuyện của Shuhei cũng khá đặc biệt và thú vị. Trong suốt quá trình đi học, Shuhei tự nhận thấy mình chỉ “thường thường bậc trung", trong khi văn hoá kinh doanh của người Nhật, những cá nhân có lý lịch xuất sắc sẽ có những vị trí thăng tiến tốt khi gia nhập các công ty. Năm 25 tuổi, nhận ra rằng mình sẽ không thể cạnh tranh được nếu đi theo con đường có sẵn đó, Shuhei quyết định mở một nền tảng giúp người già kết nối với các cơ sở dưỡng lão dựa vào vốn tự có và vay mượn bạn bè, người thân. Anh lựa chọn lĩnh vực này vì quan niệm rằng việc kinh doanh cần không chỉ tiềm năng lợi nhuận mà cả sự phù hợp với những giá trị cá nhân của người sáng lập. Cụ thể, Shuhei nhận định chăm sóc sức khỏe người cao tuổi sẽ là một lĩnh vực tiềm năng lâu dài ở Nhật Bản, đồng thời cũng phù hợp với thiên hướng của cá nhân anh, vốn là một cá nhân có xu hướng “lo xa” về tương lai. Tuy công ty đầu tiên này thất bại, anh vẫn kiên trì theo đuổi lĩnh vực này bằng việc thành lập SMS Co., Ltd, khởi đầu là một công cụ tuyển dụng online giúp các bệnh viện và viện dưỡng lão tìm được nhân sự phù hợp. Ngày nay, công ty của anh là một trong những nền tảng hàng đầu Châu Á về chăm sóc sức khỏe, hiện có mặt ở hơn 13 quốc gia với hơn 30 dòng doanh thu khác nhau. Shuhei chỉ cần 5 năm kể từ ngày khởi nghiệp để đưa công ty của mình lên sàn, đồng thời trở thành một trong những doanh nhân Nhật Bản nhanh nhất và trẻ nhất làm được điều này. Điều đặc biệt hơn nữa là SMS Co., Ltd bắt đầu hòa vốn và có lợi nhuận chỉ sau 6 tháng từ khi bắt đầu, và tiếp tục phát triển dựa trên nguồn lợi nhuận đó, thông qua việc mở rộng liên tục, thử nghiệm đủ các loại mô hình kinh doanh cho tới hiện tại. Sau khi rời vị trí CEO SMS, Shuhei thành lập Reapra năm 2014 tại Singapore, với mục tiêu tìm kiếm và xây dựng những startup có tiềm năng phát triển bền vững, tạo được ảnh hưởng tích cực và lâu dài cho xã hội và có thể trở thành những đơn vị dẫn đầu thị trường trong tương lai. Anh tiếp tục phỏng vấn hơn 500 CEO thành công khác, đồng thời tổng hợp lại những trải nghiệm cá nhân trong quãng thời gian kinh doanh để xây dựng triết lý đầu tư của riêng mình.
Shuhei Morofuji
Thôi xong, thế là đủ hiểu tại sao Reapra lại chọn lựa kỹ càng và kỳ vọng những thông số rất cụ thể như vậy rồi. Với một founder như Shuhei, Reapra dĩ nhiên muốn đầu tư dài hạn, hướng đến những mục tiêu 5 năm, 10 năm đồng hành và hỗ trợ startup; do đó cách tuyển chọn cũng sẽ khác biệt ít nhiều: Tập trung vào phân tích động lực thực sự bên trong founder; tập trung giúp founder tự xây dựng mô hình kinh doanh bền vững (tạo ra doanh thu) thay vì liên tục tìm kiếm các vòng gọi vốn; là một người bạn đồng hành với startup không chỉ trong công việc mà cả trong đời sống cá nhân. Một là mình chấp nhận thay đổi, hai là dừng lại và tìm kiếm những cơ hội khác phù hợp hơn. Sau một thời gian dài suy nghĩ, mình quyết định chọn phương án 1. Kể từ thời điểm đó, mình bắt đầu phải nghiêm túc suy nghĩ và tư duy thực tế hơn, một phần vì không thực tế hơn thì... tạch, phần khác cũng vì được truyền cảm hứng khá nhiều từ câu chuyện của Shuhei. Thì ra vẫn có những con đường kinh doanh như vậy, và quan trọng hơn là nếu làm đúng, mình chưa chắc đã phải mất quá nhiều thời gian để thấy được những thành quả. Mình dần nhận ra trước đây bản thân cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh lung linh kiểu startup gọi vốn triệu đô, sản phẩm hàng triệu người dùng... mà quên mất vẫn còn đó những con đường tuy trầm lắng hơn nhưng có lẽ lại phù hợp với bản thân mình hơn. Nói cách khác, cơ duyên với Reapra dần giúp mình nhận ra bản thân là ai, trân trọng những giá trị gì, từ đó xây dựng nền tảng để tiếp tục phát triển.
Xuyên suốt những cuộc gọi với nhân sự của Reapra, mình không biết đã phải kể đi kể lại bao nhiêu lần chuyện cuộc đời mình từng đi làm vận động viên ra sao, từng cạnh tranh và cay cú thế nào, từng cảm thấy những người trẻ Việt như mình có phần kém cạnh bạn bè Tây về tư duy và kiến thức nền nên mới cú quá mà về quyết tâm làm Spiderum chờ một ngày bọn nó phải nể về năng lực của người Việt, từng sấp mặt bao nhiêu lần không chừa, vẫn cứ cay cú mà làm tiếp làm tiếp mãi (các bạn có thể đọc thêm bài Cố nhiều để làm gì? của mình để hiểu rõ hơn về điều này). Sau này mình mới nhận ra, mỗi lần kể như vậy lại càng khiến mình nhìn rõ hơn thứ động lực ẩn giấu phía sau, hay như cách nói của Reapra, là nguồn năng lượng bí ẩn khiến các nhà sáng lập kiên trì bền bỉ ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất. Hóa ra mình làm Spiderum vì muốn những người trẻ Việt, trong đó có cả chính mình, có thể phát triển bản thân và phát triển tư duy với một tâm thế mở, tôn trọng sự khác biệt. Nhưng mình kiên trì theo đuổi được vì vốn dĩ rất cay cú tryhard (một sản phẩm từ quá khứ thi đấu thể thao), và phần nào vì mình không muốn phụ lòng tin của những người bạn, những đồng nghiệp, đối tác từng tin tưởng và đồng hành với Spiderum từ những ngày đầu cho tới hôm nay. Mình muốn những anh em trong tập thể Spiderum Team phải có được cuộc sống tốt, tài chính ổn; còn những người dùng vẫn hàng ngày đóng góp cho Spiderum phải nhận lại được những giá trị lớn hơn nữa cả về vật chất lẫn tinh thần. Để làm được điều này, Spiderum cần phát triển hơn nữa, và quan trọng là phải có đủ lợi nhuận để hướng tới con đường phát triển bền vững, không phải chịu sự ảnh hưởng quá nhiều từ bên ngoài. Lúc này, những câu hỏi khó của Reapra mới dần trở nên có ý nghĩa, tạo tiền đề để mình (với sự giúp đỡ cực lớn từ anh Định Vũ) dần xây dựng được bức tranh tài chính thực tế và rõ ràng hơn rất nhiều so với trước đó. 
Với triết lý "Founders are nurtured, not born", Reapra có xu hướng dành nhiều thời gian để trang bị cho các founder tư duy đúng đắn, hướng tới việc họ có thể tự đứng trên đôi chân của mình thay vì phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn đầu tư bên ngoài. Trong trường hợp của mình, có lẽ quá trình "nurture" được bắt đầu một cách tự nhiên và nhẹ nhàng từ những ngày đầu tiên cho tới tận hôm nay. Mình nghĩ Reapra làm rất tốt điểm này vì sự nhiệt tình và tận tâm của các thành viên quỹ thực sự khiến mình có cảm giác rất gần gũi và có phần... cảm động. Mình vẫn nhớ hồi sang Sing để pitch vòng cuối cùng trước Hội đồng Đầu tư (Investment Committee), chị Liên giúp mình rà soát và chỉnh sửa lại pitch deck tới tận nửa đêm, còn chị Pris thì hẹn riêng mình tới trước khoảng 15' để dặn dò và cho mình một số lời khuyên để thể hiện tốt nhất ngày hôm đó. Sau này, khi thỏa thuận đã được chốt, chị Pris trở thành Relationship Manager (vị trí cầu nối giữa Reapra với 1 startup được đầu tư) của Spiderum và là người sẵn sàng dành thời gian lắng nghe hầm bà lằng mọi thứ chuyện từ cá nhân tới công việc của mình ở giai đoạn Foundation Design (Thiết kế nền tảng) trong lộ trình phát triển founder của Reapra. Chị Pris và cộng sự còn dành thời gian sang Việt Nam, “ăn cơm hộp" cùng team Spiderum trong văn phòng nho nhỏ của bọn mình ở Cầu Giấy hồi đó để training cho team những vấn đề cơ bản về quản trị.
Lại nói về Foundation Design, với cá nhân mình thì đây là điểm khác biệt thú vị nhất của Reapra so với các Quỹ đầu tư mạo hiểm khác. Về cơ bản thì Foundation Design được thiết kế để xây dựng cho founder tư duy chuẩn trước khi bắt tay vào xây dựng startup của mình. Trường hợp của Spiderum thì hơi khác do tụi mình đã có sản phẩm, team và cả doanh thu từ khi mới nhận đầu tư nên quá trình Foundation Design diễn ra song song với quá trình trao đổi và tối ưu thêm về vận hành. Còn với hầu hết các founder được đầu tư ở giai đoạn ý tưởng, Reapra chủ trương dành tương đối nhiều thời gian (có thể tới 6-12 tháng) giúp founder đi sâu vào những trải nghiệm cá nhân và công việc, từ đó giúp họ tìm ra thứ động lực sâu thẳm trong chính bản thân mình, đồng thời hiểu được cách bản thân ra quyết định. Dựa trên những khám phá này, founder sẽ định hình được tầm nhìn (vision) dài hạn, đồng thời xây dựng được tư duy làm kinh doanh chuẩn hướng đến lợi nhuận bền vững để đạt được vision. Khi đó, Reapra tin rằng, founder sẽ tự đứng vững, và sẵn sàng thay đổi linh hoạt mô hình kinh doanh, hay thậm chí là cả sản phẩm, để luôn hướng tới "kim chỉ nam" tối thượng này. Vậy nên, Reapra đôi khi có thể bị nhìn nhận như hơi... rề rà, chậm chạp, vì thường sau khi nhận tiền, hầu hết các founder đều ngay lập tức muốn bắt tay vào làm thật nhanh, chưa chắc đã có mấy ai đủ bình tĩnh để... ngồi nói chuyện thêm vài tháng rồi mới triển khai cả. Nhưng với mình, vốn dĩ cũng có thiên hướng không ngại chuyện đi chậm lúc đầu để có thể đi nhanh hơn về sau, thì Foundation Design là một trải nghiệm khá thú vị giúp mình hiểu rõ bản thân và sự gắn kết của bản thân với hành trình Spiderum hơn. Công bằng mà nói, Foundation của mình vốn dĩ cũng đã định hình (vì trước đó đã ăn hành bao nhiêu năm với Spiderum rồi) và tương đối ăn khớp với kỳ vọng của Reapra nên quá trình này diễn ra cũng nhanh hơn. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận được rằng mình đã trở nên thực tế hơn, hiểu bản thân hơn và quan trọng nhất là biết cách áp dụng thế mạnh hay hạn chế yếu điểm của mình trong quá trình đưa ra những quyết định từ lớn đến nhỏ cho Spiderum. 

Spiderum đang ở đâu?

Một năm qua diễn ra phần nào giống như tụi mình đang làm Foundation Design cho chính Spiderum vậy. Và cũng giống như bản chất của quá trình này, tụi mình chủ trương đi chậm trước để xây dựng lại nền móng cho giai đoạn tăng tốc sắp tới, thay vì vội vã dùng tiền để giải quyết những vấn đề "tiền không giải quyết được".
Đó là lý do tại sao các bạn vẫn đang nhìn thấy Spiderum gần như không có thay đổi gì về sản phẩm chính (website) hay app Spiderum thì vẫn lỗi không chấp nhận nổi (mình rất xin lỗi huhu). Không phải là tụi mình bỏ bê sản phẩm đâu, thực tế là Spiderum đang ưu tiên "đập đi xây lại" từ những yếu tố cốt lõi nhất, trước khi hướng đến các mục tiêu xa hơn:
Thứ nhất là team. Năm 2020 chứng kiến Spiderum Team tăng trưởng từ 3 nhân sự full-time (tính cả mình + Nga Levi) và 2 nhân sự part-time (tính cả anh Alfred) lên tới 15 anh em full-time và khoảng 10 part-time, đã bao gồm một số cố vấn trong từng lĩnh vực cụ thể như tài chính, pháp lý. Điều quan trọng nhất là gần như tất cả những nhân sự cốt cán nhất đều có trải nghiệm và gắn bó đủ lâu với Spiderum (ít nhất khoảng 1 năm, có những người là 3-4 năm), đủ để hiểu và tin tưởng vào những giá trị cốt lõi mà tụi mình luôn hướng tới. Một năm vừa qua cũng là quãng thời gian mình chủ đích "làm Foundation Design" cho mọi người một cách tự nhiên nhất thông qua những cuộc nói chuyện/chia sẻ cả trong và ngoài công việc. Ở chiều ngược lại, chính mọi người cũng cho mình những phản hồi rất thẳng thắn và cởi mở để cá nhân mình nói riêng và cả công ty nói chung có thể phát triển và trở thành một phiên bản tốt hơn mỗi ngày. Mình nghĩ Spiderum Team đang dần trở thành một gia đình mà mọi thành viên đều cảm thấy yêu quý và muốn gắn bó, một tập thể với đầy những giây phút vui vẻ, ấm lòng, nhưng cũng chẳng thiếu những khoảnh khắc căng thẳng và đầy thách thức. 
Thứ hai là mô hình kinh doanh tạo ra lợi nhuận. Nếu hướng tới mở rộng team để đạt được những mục tiêu xa hơn thì Spiderum cần đủ tiềm năng sinh lời để nuôi được bộ máy đang dần trở nên phức tạp và chuyên môn hóa hơn này. Năm 2020, tụi mình lần đầu tiên có lãi từ hoạt động kinh doanh, và quan trọng hơn, tụi mình biết rõ lãi đó tới từ đâu, có thể tăng trưởng thế nào, phải làm như thế nào để đảm bảo tăng trưởng tốt như thế... Tụi mình cũng thử nghiệm nhiều mô hình kinh doanh khác nhau và rút ra được những bài học cụ thể, từ đó biết cần tập trung vào điểm nào với nguồn lực hạn chế. Bạn có thể thấy Spiderum bán sách, bán áo, nhưng bạn có đoán được là tụi mình từng bán cả dịch vụ... làm SEO cho doanh nghiệp không? Hehe
Sau một năm trôi qua, khi đã có những mảnh ghép phù hợp rồi, tụi mình đang dần chuyển sang trạng thái tăng tốc mà các bạn sẽ sớm thấy được kết quả rất nhanh thôi, cụ thể là trong năm nay:
Một bản update lớn của website với những thay đổi lớn cả về back-end lẫn front-end sẽ sớm ra mắt. Sau đó sẽ là một lộ trình update sản phẩm liên tục để Spiderum ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu và mong muốn sáng tạo của các anh chị em trên nền tảng. Mình tin rằng đây là điều mọi người đang cực kỳ trông chờ, mong anh chị em hãy kiên nhẫn chờ đợi thêm khoảng 1-2 tháng nữa nha.
Nhiều đầu sách chất lượng sẽ tiếp tục được Spiderum giới thiệu, trong đó sẽ có cả những tác phẩm "lạ mà quen" của các tác giả thân quen trên Động Nhện. Sách của Spiderum đương nhiên sẽ tiếp tục hướng đến chất lượng cao cả về nội dung lẫn hình thức, đồng thời hướng tới những nấc thang mới về số lượng phát hành.
Các kênh social như Facebook, Youtube, Instagram, Spotify... sẽ tiếp tục được chăm chút và phát triển mạnh hơn để có thể đưa được tiếng nói và đóng góp của mọi người trên Spiderum tới nhiều người quan tâm hơn nữa. Anh chị em có gì thì hãy tha thứ cho giọng đọc bị dính lời nguyền của mình...
Có thêm nhiều hơn các hoạt động online & offline để tri ân những đóng góp của hàng chục ngàn thành viên đang viết bài trên Spiderum. We know, and we never forget. 
Spiderum sẽ còn ra mắt thêm nhiều sản phẩm số trong hệ sinh thái sản phẩm của tụi mình. Cái này mình chưa bật mí ngay được, các bạn cứ hóng nhaaa.

Sau đó thì sao?

Nhiều người khi nghe mình nói đang làm startup và mới gọi vốn thành công thì thường đùa:
"Thế bao giờ tiếp tục gọi vốn triệu đô? Bao giờ thành unicorn?"
Những lúc như vậy, dù biết là đùa thôi nhưng mình cũng chỉ biết... cười trừ vì:
Thứ nhất, Spiderum cũng mới chỉ chập chững, sống chết nói thật còn chưa biết thế nào, mình cũng chưa dám nghĩ chuyện xa xôi. Nói có thì người ta bảo "dăm ba cái ông Nhện Nhọ mới nhú đã ảo tưởng sức mạnh"; bảo không thì họ nói "ối zời cái thứ làm việc mà không có niềm tin". Trong khi minh thật ra có nghĩ gì đâu, mình chỉ đang quan tâm xem tháng này có trả đủ lương, năm nay có đủ thưởng cho anh em không thôi đã đau hết đầu rồi. 
Thứ hai, quan trọng hơn, mình không tin founder nên đặt ra kỳ vọng kiểu này. Mình nghĩ một startup founder chỉ nên tập trung vào mục tiêu tạo ra giá trị cho khách hàng nói riêng và cộng đồng nói chung, từ đó tạo ra lợi nhuận để phát triển đội nhóm và tiếp tục tạo ra giá trị, tăng thêm lợi nhuận. Giá trị công ty khi đó sẽ dựa trên chính lợi nhuận của công ty, không nhất thiết phải phụ thuộc vào tiềm năng hay kỳ vọng của bất cứ ai. Hay nói cách khác, theo mình, bạn chỉ có thể kỳ vọng và nên kỳ vọng thay đổi những gì thuộc về nội tại thay vì những giá trị do người khác quyết định.
Thứ ba, mình quan niệm việc kinh doanh nói chung và làm startup nói riêng vốn dĩ rất đa dạng, do đó thành công nên được đo đếm trên nhiều thang đo khác nhau thay vì chỉ một hình mẫu cố định. Hay nói cách khác, tại sao cứ phải trở thành unicorn trong khi có thể trở thành dog, cat, hay trong trường hợp của mình, là thành Nhện? Nhện có khi kiên nhẫn chờ đợi, có lúc lại bùng nổ bất ngờ. Và quan trọng hơn hết, Nhện luôn đứng vững trên những chiếc chân của chính mình.
Spiderum cũng vậy, tụi mình sẽ tiếp tục tự đứng trên đôi chân của chính mình. Tuy nhiên nếu Reapra đọc bài này xong mà xúc động quá muốn rót thêm tiền cho cá nhân mình và tập thể Spiderum thì cứ làm cũng được, vì Nhện đứng trên tiền vẫn rất vững chân nha.
Hà Nội, 5/4/2021,
Việt Anh (Please)