Hôm trước có bạn hỏi trên Spiderum Confessions tại sao lâu lâu không thấy ông @please viết bài. Rất xin lỗi tất cả vì thời gian vừa qua mải suy nghĩ việc nước quá nên đầu óc hơi bí ý tưởng và viết cũng không xuôi.
Là một người có lương tâm, lại được quán triệt sâu sắc tư tưởng "Phê bình và tự phê bình là phẩm chất hàng đầu...". . .à mà thôi. . . Tóm lại tôi sẽ cố gắng viết hẳn một series về những điều bản thân học được qua các trải nghiệm từ trước tới giờ để tạ lỗi các Spiderumers.
Tôi tính cả rồi, nếu chán quá các bạn không đọc thì chí ít lương tâm của bản thân tôi cũng được gột rửa sáng ngời như Vũ Nương from Nam Xương. So bear with me.
**Chú thích: Việc nước ở đây là các công việc liên quan tới nước: từ bê nước, uống nước cho tới sửa ống nước. Đại ý là rất vất vả và nặng nhọc. 

Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể xem clip tại đây:


Lời mở đầu

Ai ai trong chúng ta cũng có rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ trong đời. Tôi cũng vậy, từ sửa ống nước, giao bánh pizza, trồng "rau" . . . nhầm, từ cọ toilet, giao báo, trồng dâu . . . tới du học, làm Spiderum, làm vận động viên hay làm chuột thí nghiệm . . .
Mỗi trải nghiệm đều cho tôi những bài học quý báu - thậm chí còn quý hơn cả những gì học được trên trường lớp hay qua sách vở  (thật ra là vì tôi học hành thì bố láo còn đọc sách thì ít nên thấy thế thôi - các bạn cho tự sướng tí đê). 
Series này ghi lại những bài học đó. Rất hy vọng có thể giúp ích hay chí ít là mua vui được cho độc giả.


Phần 1: Tôi học được gì khi là một vận động viên?

Tôi từng là một vận động viên Thể Dục Dụng Cụ (TDDC) trong khoảng 10 năm (từ 5 tới 15 tuổi). Đó là một quãng thời gian tuyệt đẹp, mọi thứ cứ như một giấc mơ . . .
Đùa đấy.
Nhìn lại thì đó là một quãng thời gian khá . . . đáng sợ.
Dẫu vậy, 10 năm này đã cho Tôi một trong những tài sản lớn nhất cuộc đời ở thời điểm hiện tại: sức khỏe và khả năng chịu áp lực, cả về thể chất lẫn tinh thần. 
Đồng thời, tôi cũng nhận được một di sản không kém phần hấp dẫn: tới giờ vẫn có đứa luôn gắn tôi với hình ảnh mặc đồ bó, cầm dải lụa uốn éo trên thảm thi đấu . . .

Như thế này này. Có điều đây là Thẻ dục Nghệ thuật, không phải Thể dục Dụng cụ nhé . . .
Nope. 
Nope. 
NOPE
Đây mới đúng này:

Như một cánh chim.

Hơi bó tí thôi. Nhưng mà manly +1000 nhé.

Hình ảnh mang tính chất minh họa thôi. Tôi cùi lắm.
Có lẽ một chút thông tin vậy là đủ để các bạn có được hình dung cơ bản rồi. Giờ vào phần quan trọng hơn thôi nào: Tôi đã học được những gì?

Bài học đầu tiên: Biết trân trọng năng lực của người khác

Phải tập thể thao mới biết khác biệt "một tí xíu" về trình độ có thể phải đánh đổi bằng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn giờ luyện tập, chưa kể có bonus thêm đớn đau và nước mắt.
Trong một cuộc thi, khán giả - hay người ngoài cuộc - chỉ nhìn thấy tôi có một bài biểu diễn chưa hoàn hảo. Cậu bạn tôi thì khá hơn "một tí xíu", nhưng cũng vẫn chưa hoàn hảo.  
Họ không sai. Rõ ràng chỉ có người trong cuộc mới hiểu những gì bản thân phải đánh đổi để đạt tới cột mốc "chưa hoàn hảo" của riêng mình. Hàng ngàn giờ luyện tập đấy. "Chưa hoàn hảo" đâu, nhưng gần hoàn hảo nhất trong khả năng của tôi rồi.
Cũng chỉ có người trong cuộc mới hiểu "một tí xíu" khác biệt giữa tôi với bạn mình có thể là kết quả từ chênh lệch hàng trăm giờ luyện tập. "Một tí xíu" thôi, nhưng san bằng được thì hơi bị khó.
Kết quả hình ảnh cho just a little bit
Chỉ tí thôi mà
Điều này giúp tôi học được cách trân trọng những gì người khác làm; đồng thời bớt được thói quen chỉ tập trung vào bề nổi thành công mà phớt lờ nỗ lực phi thường của những người giỏi hơn mình.
Nếu như trong thời trẻ nghé:
Khi nghe chuyện "Bill Gates đánh rơi 5 đô, ông ta không việc gì phải nhặt lên vì trong quãng thời gian đó (4s), ông có thể kiếm được 1000 đô", tôi-phiên-bản-nghé nghĩ đơn giản:
"Lão này sướng thật. Mua được hệ điều hành DOS từ Gary Kindall với giá $50.000 rồi ký hợp đồng với IBM cho phép Microsoft cấp phép MS-DOS cho những nhà sản xuất khác. Dễ dàng kiếm hàng triệu đô, rồi từ đó tiền lại đẻ ra tiền. Giàu thế thì còn gì phải lo?"
(Thật ra với tính cách của Bill Gates thì khả năng cao là ổng vẫn sẽ nhặt tiền, FYI)
Khi thấy Floyd Mayweather kiếm hàng chục triệu đô mỗi lần thượng đài, tôi-phiên-bản-nghé có khả năng cũng tự nhủ:
"Tay này đọc chữ còn chẳng xong! Được cái đánh đấm giỏi và biết marketing bản thân nên giàu có và sống sung sướng thật!"
Funfact: Floyd Mayweather có vấn đề với khả năng đọc. Rapper 50 Cents đã từng châm chọc điều này bằng cách thách thức anh đọc 1 trang truyện Harry Potter không ngắc ngứ, vấp váp để đổi lấy $750.000. Dĩ nhiên là Floyd không dại gì nhận lời thách thức. 
Thể thao giúp tôi nhận ra sự lố bịch của kiểu tư duy này. Hiểu đơn giản thì, khi đã được thông não rằng để "hơn được một tí" cần cả bầu trời nỗ lực, chúng ta tự khắc biết cách im lặng để học hỏi nhiều hơn từ những người hơn mình một trời một vực.
Bill Gates không ngừng đọc sách, nghiên cứu, cập nhật kiến thức dù có khối lượng công việc và trách nhiệm khó tưởng tượng chỉ để giữ (trước khi nghĩ tới chuyện gia tăng) khối tài sản của mình. Vậy nếu muốn giỏi bằng một phần của ổng, cứ luyện để đọc được bằng một phần của ổng đã.
Floyd Mayweather xuất phát từ một gia đình nghèo khó, từ nhỏ đã tập boxing không ngừng để trở nên giỏi nhất. Anh từng chấp nhận rủi ro rất lớn khi tự chuộc bản thân khỏi hợp đồng với Top Rank để thành lập công ty  Mayweather Promotions của riêng mình và thành công trong việc kiếm nhiều tiền hơn. Vậy nếu muốn được một phần của Floyd, trước tiên hãy cứ đấm nát vài cái bao cát, học Basic of Lăng Ba Vi Bộ và tìm cách để nhanh nhạy bằng một phần anh ta đã.

Bài học thứ hai: Biết cách vượt qua sự sợ hãi

Sợ khổ, sợ mệt, sợ đau, hay nói rộng ra là sợ bước khỏi "vùng an toàn" của bản thân . . . thật ra chỉ là phản xạ tự nhiên ngăn con người đối mặt nguy hiểm. Trong những trường hợp này, cơ thể tự động tiết adrenaline và cortisol, đồng thời đặt chúng ta giữa hai lựa chọn rất bản năng:
Fight: Chiến. Thắng thì ngon mà thua thì thọt
or.
Flight: Chạy. Chết vinh là cái gì? Có ăn được không?
Trên thực tế, Fight không phải lúc nào cũng là lựa chọn tối ưu (chẳng hạn như đừng bao giờ chọn Fight nếu phải tay không cân mấy anh xăm trổ có dao rựa) . Nhưng không bao giờ chọn Fight mà chỉ luôn chọn Flight thì mãi mãi chỉ quanh quẩn trong vùng an toàn, chắc chắn không thể có đột phá.
Các cụ đã nói: "Vào hang mới bắt được cọp". Mà muốn vào hang, muốn bắt cọp, chả Fight thì làm gì bây giờ?
Tập thể thao trao cơ hội cho chúng ta đối đầu và vật nhau với nhiều cọp - tượng trưng cho nhiều nỗi sợ khác nhau trong đời. Cứ mỗi lần vượt qua thì sức chịu đựng sẽ nhích lên một chút. Tới một ngày, bạn sẽ chợt nhận ra bản lĩnh mình được phết, cũng đủ ngang ngửa mấy anh huấn luyện cọp chứ. Vậy là có thể tự tin hành tẩu giang hồ được rồi.
Trong trường hợp của tôi với môn TDDC, đây là một số cọp tiêu biểu:
Đầu giờ tập: Sợ đè dẻo

Kiểu kiểu thế này này

Đây là bài "đè đầu gối". Mục đích để giúp các VĐV có đầu gối thẳng đẹp cho các bài thi đấu.

Bài này gọi là "treo vai". Mục đích giúp tăng sức nắm và dẻo khớp vai.
Cuối giờ tập: Sợ các bài thể lực 
TDDC là môn rất cần thể lực và đó là lý do các bài tập thể lực của chúng tôi hồi đó thường rất nặng. 

Bài này để tăng sức nắm. Thường phải treo khoảng vài phút. Tin tôi đi, dù mạnh mẽ thế nào bạn cũng khóc lóc, nhăn nhó như mấy nhóc này thôi.

Trồng cây chuối. Kỷ lục của tôi là 1 tiếng, được xác lập sau khi bị phạt do ngủ dậy không gấp chăn. Vừa làm vừa khóc sưng mắt. Bình thường thì chỉ phải làm khoảng 10-15' thôi.

Gập bụng. Chân phải thẳng, mũi chân phải lên chạm tay. Kỷ lục của tôi là 40 cái.
Trong khi tập: Sợ chấn thương, sợ tập động tác mới, sợ bị đau vẫn phải tập v.v. 
7 tuổi: Lần đầu tiên tôi chứng kiến bạn tập cùng (khi đó 9 tuổi) gãy tay. Tiếng gãy kèm hình ảnh cẳng tay bị bẻ gấp khúc khi đó là một ám ảnh cho tới tận bây giờ. 
9 tuổi: Lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là mơ màng mất nhận thức sau khi "tiếp đệm" bằng . . . mặt khi thực hiện động tác mới ở môn Nhảy chống (cũng may là đệm, nếu là đất có khi giờ mồ xanh cỏ rồi). Tác động có lẽ là hơi mạnh vào vùng gáy khiến tôi không nghe thấy gì, chỉ lơ mơ thấy nhòe nhòe trước mắt hình ảnh huấn luyện viên lo lắng chạy vội ra massage gáy cho mình. May mà một lúc sau cũng tỉnh.
13 tuổi: Tôi gãy tay lần đầu. Nguyên nhân là do bao tay (một dụng cụ hỗ trợ giảm bong da tay khi tập xà) cũ quá nên bị quấn vào xà, tiện thể . . .  tay cũng bị quấn theo. Đó có lẽ là một trong những chấn thương nặng nhất, còn trước và sau đó thường chỉ bong gân, dãn dây chằng, sưng tím chân tay. Cũng có vài lần chạm tới xương nhưng nặng nhất chỉ bị rạn chứ không tới mức gãy như vậy.

Bong tay khi tập xà là chuyện thường. Tập tiếp khi tay bong cũng bình thường luôn. Bạn có sợ không? Tôi thì có.
Mùa đông: Sợ thời tiết
Mùa đông chân tay hơi nghỉ chút là lại lạnh ngắt, do đó tôi luôn rất sợ lỡ cảm giác không tốt mà chấn thương thì toi. Và cũng sợ va chạm nữa. Mùa hè chân tay đập vào xà đau 1 thì chắc mùa đông phải đau 10.
Mùa hè: Sợ vì KHÔNG ĐƯỢC ĐI HỌC. 
Trong năm học tôi chỉ phải tập một buổi mỗi ngày, khoảng 3h/buổi.
Nghỉ hè? Không đi học? Tốt quá, dành thời gian đó để tập luyện. Vậy là từ 1 buổi 3h/ngày thành 2 buổi/ngày, mỗi buổi 3h . . .


Sau khi sống sót qua tất cả, tôi ngộ ra được một vài câu nghe cũng khá deep:
Sợ hãi là bản năng. Còn đối mặt và vượt qua sợ hãi là bản lĩnh. Không một ai có thể phát triển nếu luôn để bản năng lấn át bản lĩnh của chính mình.
Sợ thất bại là cảm xúc bình thường. Nhưng sợ tới mức không dám chấp nhận rủi ro thì không thể thành công.
Sợ bị từ chối cũng giống vậy. Có điều sợ tới mức không dám thổ lộ tình cảm với crush thì muôn đời vẫn chỉ đi cầu mưa mỗi dịp 8/3, 14/2, 20/10 . . . Mà theo xu hướng bây giờ, mấy ngày đó càng mưa các cặp đôi càng thích nên nếu không muốn tiếp tục khóc thì mạnh dạn lên!

Bài học thứ ba: Sống và tư duy độc lập

Tôi học được bài này phần lớn nhờ trải nghiệm sinh hoạt tập thể với các đồng đội từ khi còn nhỏ. Coi vậy thôi nhưng hơi bị quý giá. Nhờ quãng thời gian đó mà tới giờ vẫn luôn dám vỗ ngực tự tin về khả năng thích nghi, quăng đâu cũng sống khỏe được của bản thân. 
Có nhiều giai đoạn, cả tuần tôi ở đơn vị, sáng đi tập, chiều được đón đi học, tối tự đi xe buýt quay về đơn vị, tự học rồi đi ngủ. Cứ vậy cả tuần, tới tối thứ 7 được về 1 hôm, tối Chủ nhật lại lên.
Thường mỗi tuần kháng chiến này tôi được mẹ cấp cho 2 lốc sữa Mộc Châu, một hộp bánh mặn AFC, vài gói mì Hảo Hảo và khoảng 20k để thỉnh thoảng đi uống sữa đậu nành. 
Việc ăn uống không cần quá lo lắng vì một phần cũng được báo cơm chế độ nên 3 bữa chính nhìn chung đầy đủ. Nhưng những việc khác thì không đơn giản như vậy:
Học 
Bố mẹ xin huấn luyện viên cho tôi vẫn được đi học trường thường như một trường hợp cá biệt - các bạn đồng đội đều chuyển về học trường ngay cạnh đơn vị cho dễ đi lại. Như một lẽ dĩ nhiên, các thanh niên kia không quan tâm nhiều lắm tới chuyện học, khiến giờ tự học mỗi buổi tối chủ yếu biến thành giờ đùa nhau.
Trẻ con nên ham chơi, học được trong không khí đó hơi khó. Vì vậy tôi thường chọn lúc tất cả đi ngủ rồi mới học kỹ hơn. Cái gì cũng phải đánh đổi, và muốn đẹp trai thì phải biết quyết định cool ngầu. 
Chơi
Thời đó rộ lên mấy game Võ Lâm Truyền Kỳ, MU, đồng đội tôi thằng nào cũng chơi và chém gió suốt ngày. May quyết định sáng suốt nên không chơi.
Nhưng game chưa phải thứ cần cảnh giác nhất. Cả khu trung tâm thể thao của tôi hồi đó có rất nhiều VĐV thuộc nhiều bộ môn. Trong đó đặc biệt có mấy tay bóng chuyền độ tuổi dậy thì - thanh niên nhu cầu sinh lý cao và vốn rất thích đầu độc trẻ em. Nói chung nên tránh thì tốt, may là tôi cũng tránh được.
Sinh hoạt
Đấm nhau suốt ngày. Hôm nay cặp này thì mai cặp kia. 
Lôi tên bố mẹ nhau ra chửi, khích bác, rồi lại quay về vòng xoáy đấm nhau.
Đấm chán rồi lại vẫn phải hò nhau đi làm mấy việc cá nhân bình thường như giặt giũ, quét dọn, nấu nướng v.v. Mà bạn, biết rồi đấy, mấy vụ này khi ở trong tập thể có sự phân chia quyền lực không đồng đều sẽ có nhiều cách sử dụng quyền lực mềm hay vũ lực để phân chia lao động cũng không đồng đều luôn.
Nhìn chung không có nhiều quyền lực thì cũng phải học được cách xử sự khôn ngoan, khéo léo tí nếu không muốn thành nạn nhân bất đắc dĩ. Hehe
. . .
Cuộc sống cứ thế trôi . . . còn bài này thì hết rồi.
Please


Bài viết động tới nhiều kỷ niệm gần nửa cuộc đời cho tới thời điểm này nên hơi dài :'( Rất cảm ơn những ai đã kiên nhẫn đọc tới tận đây. 
Bài sau sẽ ngắn hơn, vừa miếng hơn - mong mọi người đón nhận.