nên học gì bây giờ?
Tôi viết bài này dựa trên kinh nghiệm của bản thân, dưới góc độ nghề nghiệp của mình nên mang nhiều cảm tính. Vì vậy bài viết chắc chắn có nhiều thiếu sót, mong được các bạn chia sẻ, góp ý xây dựng để bổ sung thêm cho tôi.
Hơn 10 năm trước, tôi thi trượt đại học lần 2, phải tá túc vào 1 trường cao đẳng. Học xong cao đẳng tôi không học liên thông như các bạn cùng lớp mà lao ra ngoài tìm việc làm. Được khoảng 2 năm thì tôi quay lại trường cũ và học tiếp hệ liên thông đại học. Khi ấy, tôi luôn băn khoăn và trăn trở: Mình học để làm gì? Ngoài kia người ta cần gì? Những điều mình học liệu có ích gì không? Liệu bằng cấp của mình có ai nhận không?... Và khi ấy tôi rất muốn được nghe 1 lời khuyên, 1 lời chỉ bảo từ những người tiền bối: nên học gì, nên học như thế nào.
Lời khuyên cũng chỉ mang tính tham khảo thôi, tất cả phụ thuộc vào thực tế trải nghiệm của bạn, bởi mỗi người sẽ có trải nghiệm không giống nhau, dù trên cùng 1 việc. 

Thứ 1: Học cách hỏi tại sao

Hãy quan sát 1 đứa trẻ 3 tuổi thường hỏi câu gì nhiều nhất? Đó là "Tại Sao?"
Tại sao nó lại hỏi câu đó? Bởi nó chưa biết nguyên nhân dẫn tới những kết quả mà nó nhìn thấy. Nó muốn biết, mặc dù câu trả lời có thể nó chưa hiểu.
- Tại sao bạn chọn học tại trường đại học này? 
- Tại sao phải học môn triết học? 
- Tại sao điểm triết học của bạn thấp? 
- Tại sao cách hỏi này lại là nội dung thứ 1? 
- Tại sao hỏi tại sao nhiều thế?... 
: )
Tôi biết ở lứa tuổi sinh viên, bạn bắt đầu tiếp xúc với xã hội. Khi bạn rời khỏi ngôi trường cấp 3, bạn đã đi xa hơn rất nhiều so với 18 năm trước đó. Thế giới rộng mở ra với bạn. Bạn cũng gặp phải vô vàn vấn đề. Bởi vậy bạn tò mò. Bạn muốn hỏi tại sao nó lại thế, tại sao lại như vậy. Nhưng bạn mà đặt câu hỏi thì chẳng ai trả lời cho bạn đâu. Bạn phải tự đi tìm câu trả lời.
Đó chính là bài học đầu tiên cuộc đời dạy cho bạn. Bạn phải vẽ ra được thế giới xung quanh bạn bằng sự nhận thức, quan sát, trả lời của bạn. Sẽ không ai làm điều đó thay bạn được. Bạn dựa vào câu trả lời của người khác? Bạn sẽ không biết tại sao họ lại trả lời được như vậy. Bởi các câu hỏi nối tiếp nhau. Nó nối tiếp, đan xen lẫn nhau, để từ điều này bạn mới trả lời được điều khác. Nói cách khác, đây chính là nền tảng ban đầu của bạn. Xây dựng nền tảng tốt, vững chắc với vô vàn câu hỏi tại sao. Điều đó sẽ giúp bạn luôn vững chân để bước tiếp trên đường đời.

Thứ 2: học cách tạo mối quan hệ, xây dựng hình ảnh cá nhân.

Cái này có gì cần phải học? Ai mà chẳng biết cách kết bạn, biết cách nghe lời giáo viên. Bạn có nghĩ thế không?
Hãy nghĩ: tại sao cần học cái này, thay vì nghĩ có cần học hay không.
Chính thái độ tiếp cận vấn đề theo hướng: có/không sẽ khiến bạn bỏ qua rất nhiều điều có ích cho bạn trong cuộc sống. Bởi những vấn đề thật sự đáng học lại không bao giờ có câu trả lời chính xác là có/không. Hãy hỏi tại sao, hãy nghĩ rằng nó luôn là có, chỉ là bạn chưa biết tại sao lại là có. Tìm nguyên nhân, lời giải thích hợp, thay vì phủ nhận 1 vấn đề.
Khi bạn là sinh viên, bạn nghĩ kiến thức là quan trọng. Tôi đi làm, tôi thấy cách hợp tác với nhau quan trọng hơn kiến thức. Bạn có thể chưa có sẵn kiến thức đó, thì bạn lên google tìm, bạn vào thư viện đọc sách, dần dần bạn sẽ có kiến thức. Nhưng bạn không biết cách hợp tác làm việc, thì sẽ không bao giờ có việc cho bạn làm - hay nói cách khác là công việc sẽ tìm đến kẻ biết cách hợp tác để làm việc.
Bạn gia nhập 1 môi trường mới, rộng hơn, cởi mở hơn rất nhiều: đó là trường đại học. Nơi mọi điều trong xã hội đều được thu nhỏ lại trong đó. Bạn bè là đồng nghiệp. Giảng viên là sếp. Bạn trả lương cho sếp để có việc làm. Sếp trả lương cho bạn bằng điểm, bằng chứng chỉ, bằng cấp. Đó là cách mà các mối quan hệ xảy ra.
Bạn đối xử với bạn bè ra sao? Kết bạn mới thế nào? Cùng nhau chơi, cùng nhau làm việc, cùng tranh luận với nhau...
Bạn đối diện với giáo viên ra sao? Tranh luận với họ thế nào? Bạn khiến họ hài lòng về bạn hay cáu gắt với bạn? Bạn biết cách làm không khí căng thẳng trong lớp trở nên dễ chịu hơn không? Bạn trả lời câu hỏi của họ với mục đích nào? Khao khát tìm hiểu kiến thức hay trả lời cho qua vấn đề?
Mỗi thứ đó sẽ vẽ nên con người bạn trong tương lai. Bạn sẽ không khác thời kỳ sinh viên của bạn 1 chút nào. Bạn không để ý đến vấn đề này bởi bạn mải mê chạy theo điểm số, chạy theo trào lưu, chạy theo đánh giá của xã hội. Bạn đã bao giờ tự đánh giá bản thân mình thế nào chưa? Đánh giá xem bạn đang có những mối quan hệ thế nào chưa?
Nhận thức thế giới, xây dựng hình ảnh cá nhân, đó là 2 điều bạn cần học nhất, trước khi đề cập tới các vấn đề khác. Bởi vì đó là móng, là cột trụ cho 1 căn nhà. Xây nhà thì người ta xây 2 cái đó trước, đúng không nhỉ?

Thứ 3: Học cách giải quyết vấn đề

Những vấn đề xảy ra xung quanh bạn, khi bạn đang là sinh viên đang được bạn giải quyết thế nào?
- Điểm thấp? Thi lại / Gặp giáo viên hỏi thăm sức khỏe / Chấp nhận...
- Chán trường, chán môn? Bỏ, thi trường khác / Không học / Học cho xong / Phàn nàn...
Bạn thấy đấy, mỗi vấn đề xảy ra lại có nhiều cách giải quyết lắm. Không bao giờ chỉ có 1 đáp án cho 1 câu hỏi. Và vấn đề ngay sau đó lại là Không có câu trả lời nào hoàn toàn đúng, cũng không có câu trả lời nào hoàn toàn sai, chỉ có câu trả lời được bạn chọn để trả lời mà thôi.
Công việc cũng vậy. Bạn được giao làm 1 việc. Nhưng năng lực của bạn có hạn, tài nguyên của bạn có hạn, kinh phí công ty có hạn, mối quan hệ có hạn... rất nhiều thứ hạn chế khiến kết quả công việc của bạn không như mong đợi. Sếp kỳ vọng 1 kết quả tốt, bạn mang về 1 kết quả không như ý, bạn phải đối diện vấn đề này thế nào?
Bạn nỗ lực học nhiều ngày, nhiều tuần để thi cho tốt. Tới lúc thi chẳng hiểu làm sao điểm thấp 1 cách tệ hại. Bạn sẽ giải quyết vấn đề thế nào?
Học cách giải quyết vấn đề, ấy là tìm ra nguyên nhân tại sao lại có kết quả như vậy. Tìm ra những cách giải quyết khác, tìm ra những khả năng có thể cứu vãn tình hình, cân nhắc các phương án để chọn phương án phù hợp với năng lực của bạn nhất, thay vì cố gắng chọn phương án người khác cho là tốt nhất.
Bởi vấn đề đó hoàn toàn có thể lại xảy ra với bạn. Bạn không vượt qua được 1 lần, không dám đối diện với nó 1 lần, thì lần sau bạn sẽ vẫn chỉ dừng lại ở mức đó mà thôi.
Biết cách giải quyết vấn đề, ấy là bạn biết nhiều hơn 1 câu trả lời cho 1 vấn đề. Bạn biết đánh giá các điều kiện hiện có, biết rõ năng lực và các điểm giới hạn, biết cách tập trung sức lực vào điểm nào để bứt phá giới hạn đó, để đem lại kết quả gần mức kỳ vọng nhất. Điều này sẽ theo bạn tới cả sau này, không chỉ trong việc học thôi đâu.

Thứ 4: Học cách phủ nhận kiến thức đã học

Kiến thức, kỹ năng quan trọng phải không nào? Nhưng sao bạn không thấy tôi đề cao nó, mà toàn nói những thứ ba lăng nhăng? Bởi ở điều thứ 4 - kiến thức đôi khi chỉ có tính thời điểm, bạn phải biết khi nào cần, cần tới đâu, luôn tìm những thứ chưa biết, cái mới để phủ nhận cái cũ. Loại bỏ những kiến thức không cần dùng, những thứ đã trở nên lỗi thời.
Hồi sinh viên, tôi cứ nghĩ những thứ tôi học được là cao siêu lắm. Ra trường đời mới thấy nó như muối bỏ bể. Gần như phải gột sạch những thứ đó ra khỏi đầu để nhồi thêm 1 đống kiến thức khác.
Hồi học ôn thi mấy môn như LSĐ, Triết, tôi cố học, cố nhồi vào sọ để kiếm điểm tốt 1 chút. Thi xong tôi quên sạch. Sau này cũng chả thấy ứng dụng gì. Nhưng khi ấy kiến thức đó quan trọng, vì nó dùng cho mục đích thi cử. Và sau này khi có thời gian rảnh tìm hiểu lịch sử, tìm hiểu các nguyên tắc của cuộc sống, thì mấy kiến thức tưởng chừng vô bổ kia lại bổ ích ra trò. Thế mới biết mọi thứ chỉ có ích khi bạn cần. Còn không cần thì chả nói bạn cũng vứt vào sọt rác.
Vấn đề là bạn phải biết học thêm cái gì, phủ nhận cái gì. Cái này như lớp sơn của ngôi nhà của bạn vậy. Lớp sơn chỉ tốt ở 1 thời điểm. Lâu lâu bạn sẽ thấy nó sờn, mốc, chả dùng được nữa. Phải thay màu sơn, phải sơn lại... Luôn làm mới ngôi nhà của bạn, luôn bảo vệ ngôi nhà bởi lớp sơn dày, kín, dùng loại sơn tốt, phối màu nhịp nhàng, bài bản. Đừng vội vả, cẩu thả khi sơn. Bạn sẽ chẳng muốn 1 ngôi nhà có móng tốt, cột trụ tốt, bờ tường vững chắc lại có màu sơn loang lổ, hỗn tạp, phải không nào?
- - - 
Tiếng anh ư? Tin học văn phòng ư? Kỹ năng mềm ư?... nó chỉ là những cái trang trí cho ngôi nhà thôi. Thích 1 ngôi nhà đẹp, nhiều màu sắc, nội thất sang trọng thì bạn cứ học.
Những thứ đó chỉ thích hợp khi bạn đã xây lên được ngôi nhà vững chắc. Còn chưa vững đã lo trang trí, thì sẽ không bền chút nào.
- chiều mưa lạnh 12.12.18 -