Chuyện Hướng Nghiệp Cho Người Thích Đủ Thứ
Có hai kiểu người thường thấy trong công việc: người thích và giỏi chuyên môn một lĩnh vực ( specialist ), người thích và giỏi làm...
Có hai kiểu người thường thấy trong công việc: người thích và giỏi chuyên môn một lĩnh vực (specialist), người thích và giỏi làm nhiều thứ khác nhau (generalist). Trong tư vấn hướng nghiệp, mình có cơ hội được gặp rất nhiều bạn ‘generalist’ – hay gọi vui là ‘người thích đủ thứ’. Với những người ‘thích đủ thứ’, công việc nào là phù hợp?
1/ Bạn thích một thứ hay thích đủ thứ?
Người thích một thứ là người thường chỉ quan tâm đến 1-2 lĩnh vực nhất định trong công việc và dành nhiều thời gian để học sâu về nó. Người thích một thứ có thể xuất hiện ở bất kỳ nghề nghiệp nào. Bạn có thể gặp những bác sĩ, giáo viên, luật sư rất siêu chuyên môn nhưng không biết gì nhiều về những thứ đang diễn ra trong thế giới giải trí. Đó là một ví dụ.
Người thích đủ thứ thường quan tâm và hứng thú với nhiều chủ đề, có khi là cả những chủ đề chẳng liên quan đến nhau. Ví dụ Tuấn Anh là một người thích đủ thứ, trong nghề nghiệp mình thích các công việc xã hội, thích cả các công việc bảo hiểm, thích cả các công việc nghệ thuật, Marketing mình cũng thích nữa. Rất có thể bạn đang đọc bài này vì bạn quan tâm đến nhiều lĩnh vực như Tuấn Anh.
Một trong những cách nữa để biết mình có thuộc nhóm “thích đủ thứ” hay không là làm bài trắc nghiệm tính cách Holland. Nếu bạn có điểm số cao từ 4 nhóm trở lên, rất có thể bạn thuộc kiểu người thích nhiều.
2/ Nỗi khổ của người thích đủ thứ
Bài viết này được ra đời vì có nhiều người ‘thích đủ thứ’ tìm đến tư vấn hướng nghiệp than khổ. Nếu mà họ sướng thì đã không cần phải viết bài này rồi. Vậy sao những người thích đủ thứ lại khổ?
- Khổ vì nhìn xung quanh bạn bè (thường là những người chuyên môn) đã biết rõ lĩnh vực theo đuổi, hoặc có đứa đã lên đến chức quản lý, còn mình thì vẫn cứ loay hoay tìm xem đam mê thực sự là gì.
- Khổ vì mỗi thứ biết một chút mà lại không sâu về thứ gì, nên khi đi tìm việc cứ bị các công ty từ chối hoài.
3/ Người thích đủ thứ cũng có những lợi thế nhất định
Khi mình làm tư vấn hướng nghiệp, mình giúp cho người được tư vấn nhìn rõ hơn 2 mặt của vấn đề. Thường người tìm đến tư vấn hướng nghiệp bị mắc kẹt ở mặt trái/xấu, mình sẽ giúp bạn ấy nhìn ra mặt phải/đẹp của chủ đề. Vậy thật ra, người ‘thích đủ thứ’ cũng có những lợi thế nhất định khi đi làm đấy là:
- Trong khủng hoảng – ví dụ như Covid-19, những người chuyên môn hóa chật vật với một lĩnh vực, người thích nhiều thứ có khả năng thích nghi tốt và tìm những công việc khác.
- Trong công việc, người thích nhiều thứ và được đào tạo về kỹ năng lãnh đạo sẽ trở thành một lãnh đạo toàn diện hơn.
- Trong công việc, nhiều công ty ưu tiên những người có chuyên môn ở nhiều lĩnh vực khác nhau hơn là tập trung vào một mảng. Người thích nhiều thứ có nhiều cách tiếp cận cho một vấn đề.
4/ Người ‘thích đủ thứ’ hợp kiểu môi trường làm việc thế nào?
‘Thích đủ thứ’ sẽ là một tố chất rất cần thiết cho một người làm việc tự do, làm cho công ty nhỏ hoặc làm quản lý chung.
Để trở thành một người làm việc tự do (freelancers), ngoài thứ bạn làm giỏi (viết, thiết kế, chụp hình hoặc gì đó), bạn còn phải có sự quan tâm đến nhiều lĩnh vực, kết nối được với nhiều người – như vậy mới đảm bảo sự ổn định tài chính.
Các công ty nhỏ thì họ cần tận dụng ‘người thích đủ thứ’ để có thể kiêm nhiệm 2-3 vai trò khác nhau, giúp giảm thiểu chi phí. Ví dụ một người có thể làm cả nhân sự, kế toán, marketing cùng một lúc cho cùng công ty.
Một người quản lý chung thì cần ‘thích nhiều thứ’ để nắm được thông tin cơ bản của các công việc cấp dưới, ví dụ cấp dưới có gửi báo cáo lên đọc còn hiểu để mà phản hồi.
5/ Vậy người ‘thích đủ thứ’ muốn ứng tuyển vào các công ty/ tập đoàn phải làm sao?
Đầu tiên, về bằng cấp, người thích đủ thứ nên cân nhắc học thêm một văn bằng về MBA hoặc thạc sĩ quản lý bởi bạn sẽ được dạy thêm về tư duy quản trị, tư duy lãnh đạo và kiến thức chung và nhiều lĩnh vực của thị trường kinh tế.
Khi làm việc trong một đơn vị, phải chấp nhận rằng mình không chuyên sâu như những người chuyên môn. Tuy nhiên, hãy tận dụng việc mình biết nhiều thứ và biến nó thành thế mạnh của mình, ví dụ như trở thành người kết nối, người quản lý, hoặc sáng tạo ra những công việc mới.
Các công ty lớn, thường họ tìm những người có chuyên môn hóa ở một lĩnh vực nào đó. Bạn cần phải biết nhiều thứ để thành công trong cuộc sống, nhưng bạn cần phải chuyên môn hóa ở một lĩnh vực nào đó đủ để người ta nhớ đến bạn – có thể là ở top 20%. Bí mật ở đây: chọn một thứ bạn đã làm, tập trung để giỏi một thứ và dùng nó để tìm việc, sau khi đã có cơ hội hãy sử dụng sự ‘thích đủ thứ’ của mình. Thay vì học cái mới, hãy tìm ra thứ mình có thích thú nhất và xây dựng một thói quen để phát triển nó lên một mức nào đó.
Chúc các bạn ‘thích đủ thứ’ thành công.
Nếu bạn có những khúc mắc về nghề nghiệp, hãy đăng ký tư vấn hướng nghiệp cùng Tuấn Anh tại đây: https://anhtuanle.com/tuvan
Các bài viết khác của Tuấn Anh: https://anhtuanle.com/articles-2/
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất