Ở các bài trước trong loạt bài này, chúng ta đã biết về địa vị của cờ vua trong việc giáo dục và nghiên cứu tâm lí học nhận thức. Và dẫu cho cờ vua có thực sự giáo dục được con người hay không thì thái độ của con người trước trò chơi này vẫn là một cảm xúc tích cực.
Tuy nhiên, giống như một đồng xu luôn có mặt sấp ở bên kia của mặt ngửa, trong suốt lịch sử của mình, cờ vua không phải lúc nào cũng được nhìn nhận tích cực. Cờ vua đã từng bị chỉ trích vì tính vô bổ, sự liên quan đến bệnh tâm thần, hành động tự sát, và thậm chí cả hành động giết người.
Mặt tiêu cực liên quan đến tâm thần của cờ vua có vẻ là thứ mà ít người Việt Nam biết đến, nhưng nó vẫn luôn tồn tại trong thế giới cờ vua quốc tế. Đến mức mà Magnus Carlsen – vua cờ của hiện tại, và có lẽ là vua cờ vĩ đại nhất lịch sử – từng bị một phóng viên ướm hỏi vào 12 năm trước, rằng các thiên tài cờ vua thường có vấn đề tâm thần, vậy Carlsen thì sao?
(May thay, câu trả lời của Carlsen cho thấy khả năng giao tiếp xã hội và óc hài hước của anh rất tốt, qua đó gián tiếp chứng tỏ mình bình thường: “Anh biết đấy, em mới 21 tuổi thôi, có lẽ cần thêm thời gian để bệnh điên của em phát triển.”)
Nhưng cụ thể thì các kì thủ hàng đầu trong lịch sử đã gặp các vấn đề tâm thần như thế nào? Và cờ vua có mối tương quan với bệnh tâm thần ra sao? Bài viết này sẽ trình bày điều đó.

1. Niềm kiêu hãnh và nỗi muộn phiền của cờ vua

Từ xưa đến nay, thực ra cờ vua không được tôn vinh hơn các trò chơi khác, nó giữ một vị trí hợp lí của trò chơi tuỳ theo các giai đoạn lịch sử mà thôi. Trong thời kì quân chủ, cờ vua được tôn vinh bởi vì nó là trò chơi của vua chúa và quý tộc. Trong giai đoạn lịch sử ấy, tất cả trò chơi của giới thượng lưu đều được tôn vinh một cách mặc nhiên, rất nhiều trò chơi của tầng lớp có đặc quyền được đề cao là săn bắn, mã cầu, huấn luyện chim ưng, v.v. và cờ vua chỉ là một trong số chúng.
Đến thời kì cộng hoà khi quyền lực của giới vua chúa suy giảm, quyền lực của người dân tăng cao, cờ vua được xã hội hoá, thì trò chơi này cũng trải qua đủ các thăng trầm và đa chiều ý kiến trong dư luận.
Sự kiện đáng chú ý đầu tiên là chuyến du đấu châu Âu của Paul Morphy.
Paul Morphy là một thần đồng cờ vua người Mĩ sinh năm 1837. Năm 10 tuổi, Morphy được cha dạy chơi cờ vua. Cả gia đình của Morphy đều là những tay chơi cờ có hạng, đặc biệt bác của cậu là vua cờ ở New Orleans thời bấy giờ. Thế nhưng chỉ mới ở tuổi 12, Morphy đã thắng bác của mình ngay cả khi chơi cờ bịt mắt. Cũng trong thời gian đó, cậu được đấu với các bậc thầy cờ vua đương thời như Eugène Rousseau và Johann Löwenthal, và đều thắng. Tám năm sau đó Morphy dành thời gian cho việc học luật và tạm dừng chơi cờ một cách nghiêm túc.
Giải cờ vua quốc tế đầu tiên diễn ra ở London 1851, với chức vô địch thuộc về Adolf Anderssen (tuy nhiên, giới nghiên cứu lịch sử cờ vua vẫn coi đây là giải đấu quốc tế không chính thức, giải đấu chính thức đầu tiên phải là World Chess Championship 1886, và nhà vô địch đầu tiên phải là Wilhelm Steinitz). Năm 1857, giải đấu này tổ chức ở New York và Paul Morphy dễ dàng dành chức vô địch khi mới ở tuổi 20.
Một năm sau, Morphy lên thuyền sang châu Âu, đặc biệt đến London và Paris để chơi cờ với các bậc thầy đương thời. Mọi chuyện diễn ra ở đó cứ như được phù phép: Một chàng trai trắng trẻo, nhỏ nhắn, trông trẻ hơn tuổi 21 đã đánh cờ thắng mọi bậc thầy mà mình gặp được, bao gồm chính nhà vô địch 1851 Anderssen; một số bậc thầy còn từ chối gặp anh một cách khá bất lịch sự (mà Howard Staunton là điển hình). Nhưng không chỉ thắng không thôi, Morphy còn biểu diễn chơi cờ bịt mắt với họ và chiến thắng, một dịp khác anh còn có tiết mục biểu diễn bất đắc dĩ là chơi cờ khi đang ốm, và cũng thắng.
Sau chuyến du đấu như giấc mơ này, Morphy về lại Mĩ năm 1859. Tại đây anh đã làm dấy lên phong trào xã hội hoá cờ vua một cách chưa từng thấy. Toàn dân đều biết đến chiến công của Paul Morphy qua báo chí, toàn dân đều coi Paul Morphy là người hùng, toàn dân đều muốn trở thành Paul Morphy, và toàn dân đều chơi cờ vua.
Ảnh: The Charleston Daily Courier, 18/04/1859
Ảnh: The Charleston Daily Courier, 18/04/1859
Tờ The Charleston Daily Courier, ngày 18 tháng Tư năm 1859, có lên một bản tin ngắn gọi hiện tượng này là “cơn cuồng cờ vua” và “bệnh dịch cờ vua” xuất phát từ việc quá nhiều đàn ông ham mê trò chơi này đến mức làm xao nhãng các công việc đời thường trong gia đình.
Tác giả bài báo thuật lại rằng một bà nội trợ viết thư cầu xin tờ báo hãy lên tiếng trước cơn cuồng loạn này. Tác giả đã xác nhận có hiện tượng mọi người “ăn cờ vua, uống cờ vua và mơ về nó khi ngủ,” cũng như chỉ trích cờ vua rằng “quá tốn thời gian, độc chiếm quá nhiều trí tuệ chỉ để giải trí, và không mang lại lợi nhuận về mặt tiền bạc,” và “việc những chàng trai trẻ trở nên cuồng loạn về trò chơi này, và tin rằng họ sẽ trở thành Paul Morphy, là một trong những tác động phi lí, cũng như đáng buồn, của cơn cuồng cờ vua.”
Nhưng vấn đề lớn hơn xuất hiện vào thời kì sau đó, quãng thời gian mà Paul Morphy tuyên bố giải nghệ cờ vua chỉ sau vẻn vẹn 18 tháng toả sáng. Morphy chưa bao giờ coi cờ vua là một công việc chuyên nghiệp cả, anh vẫn luôn coi nó “tốt nhất chỉ là thú giải trí sau những giờ theo đuổi công việc nghiêm túc hơn,” và sau chuyến du đấu lịch sử ấy, anh từ bỏ cờ vua để theo đuổi ngành luật.
Sự nghiệp làm luật gia không suôn sẻ với Morphy nên gần như cả đời anh sống trong nhàn rỗi bằng số tiền khổng lồ mà người cha hành nghề thẩm phán để lại. Phần sau của cuộc đời, Morphy dần dần đắm chìm vào cuộc sống ẩn dật, lập dị, xa lánh người lạ, và đỉnh điểm là bệnh hoang tưởng.
Ông thường xuyên tưởng tượng mình bị người khác hãm hại. Đối tượng cho bệnh hoang tưởng của ông tập trung vào người anh rể – người quản lí tài sản của cha ông. Morphy từng thách đấu tay đôi và khởi kiện người anh rể, nhưng dĩ nhiên là thua kiện. Ông tưởng tượng rằng người anh rể muốn đầu độc mình nên có một thời gian ông không ăn gì trừ thức ăn mà mẹ và em gái đưa cho. Một ảo tưởng khác là ông cho rằng người anh rể cùng người bạn thân âm mưu huỷ hoại quần áo – một sở thích phù phiếm của ông – và mưu toan giết ông.
Morphy trong thời kì này đã trở nên khác xa so với chàng trai Morphy lúc nào cũng lịch thiệp và vẫn khiêm tốn ngay cả được khi nổi tiếng bất ngờ của ngày xưa.
Ảnh: Bigthink
Ảnh: Bigthink
Paul Morphy qua đời vì đột quỵ vào năm 1884, đi kèm với tin đồn người ta tìm thấy rất nhiều giày của phụ nữ xếp thành hình bán nguyệt trong phòng ông. Bên cạnh đó, vua cờ chính thức đầu tiên của thế giới, Wilhelm Steinitz, phải trải qua quãng thời gian cuối đời vật lộn với bệnh tâm thần, và qua đời vào năm 1900, đi kèm với giai thoại Steinitz tuyên bố mình đã chơi cờ với Chúa qua điện thoại, chấp Chúa quân Tốt, và Chúa đã thua. Bước sang thế kỉ thứ hai mươi, thế giới chứng kiến vấn đề của một kì thủ lỗi lạc khác là Harry Nelson Pillsbury, ông qua đời năm 1906 sau khi chịu đựng bệnh tật cả về thể xác lẫn tâm thần, trước đó ông từng cố gắng nhảy lầu tự sát khi được điều trị tâm thần trong một bệnh viện ở Philadelphia.
Thảy những sự này đưa ra lí do chính đáng để báo chí chất vấn liệu cờ vua có phải là nguyên nhân khiến các kì thủ hàng đầu hoá điên hay không.

2. Một lịch sử không vẻ vang cho lắm của thế giới cờ vua

Đã đành rằng bệnh tâm thần có thể xuất hiện ở bất cứ ngành nghề nào và với bất cứ ai, nhưng không phải tự nhiên mà vấn đề tâm thần và cờ vua vẫn nhức nhối với chúng ta đến tận bây giờ.
Morphy, Steinitz, và Pillsbury dường như chỉ là khúc dạo đầu cho bản hợp âm quái đản này. Lịch sử cờ vua đã ghi nhận vô cùng nhiều trường hợp các kì thủ hàng đầu – các kiện tướng – đã mắc bệnh tâm thần, một số còn đi đến kết cục bi thảm là tự sát. Chúng nhiều đến mức người lạc quan nhất cũng không thể coi đây chỉ là trùng hợp.
Nổi tiếng hơn hết là Robert Fischer. Sau khi dành chức vô địch năm 1972 trước Boris Spassky, cắt đứt thời kì “đế chế cờ vua” Liên Xô thống trị chức vô địch của trò chơi này, Fischer đột ngột rút lui khỏi làng cờ và sống lánh đời. Tuy chưa bao giờ được tuyên bố bị bệnh tâm thần, vì Fischer từ chối mọi loại hỗ trợ tâm thần, nhưng qua lời kể của bạn bè thì ông đã có vấn đề tâm thần từ hồi còn trẻ. Về già, Fischer công khai các tuyên ngôn bài Do Thái, đỉnh điểm là ông tỏ ra vui mừng và ủng hộ vụ khủng bố 11/9.
Gustav Neumann, kiện tướng người Đức, một trong những kì thủ giỏi nhất ở nửa sau thế kỉ thứ mười chín, đã phải bỏ cờ vua hoàn toàn vì bệnh tâm thần nghiêm trọng vào năm 1872, và sống trong nhà điều dưỡng đến hết đời.
Akiba Rubinstein, kiện tướng người Ba Lan, một trong những kì thủ vĩ đại nhất mà chưa đoạt được danh hiệu vua cờ, đã phải trải qua 30 năm cuối đời sống trong viện tâm thần.
Carlos Torre Repetto, đại kiện tướng đầu tiên của Mexico, sự nghiệp cờ vua của ông bị huỷ hoại vì bệnh tâm thần. Torre phải bỏ cờ và điều trị tâm thần gần như toàn bộ cuộc đời kể từ sau lần suy sụp năm 1926, lúc ông mới chỉ 22 tuổi. Năm 1977, để ghi nhận và tri ân những gì ông đã có với cờ vua, FIDE phong tặng ông danh hiệu Đại kiện tướng Quốc tế.
Gersz Rotlewi, kiện tướng người Ba Lan, một tài năng trẻ phải sớm từ bỏ cờ vua chuyên nghiệp từ năm 22 tuổi vì “rối loạn thần kinh” và qua đời không lâu sau đó, năm 31 tuổi.
Albin Planinc, đại kiện tướng người Slovenia-Yugoslavia, sau khi nhận danh hiệu vào năm 1972 ông lui về làm huấn luyện viên vì bị trầm cảm nặng. Planinc đã trải qua những năm cuối đời trong bệnh viện tâm thần ở Ljubljana.
Alvis Vītoliņš, kiện tướng người Latvia, sau nhiều năm chịu đựng bệnh trầm cảm, ông tự sát bằng cách nhảy sông vào năm 1997, hưởng dương 51 tuổi.
Karen Grigorian, kiện tướng người Armenia, là bạn của Vītoliņš, ông cũng bị bệnh tâm thần và tự tìm đến cái chết giống như bạn mình, bằng cách nhảy cầu vào năm 1989, hưởng dương 42 tuổi.
Lembit Oll, đại kiện tướng người Estonia, ông bị trầm cảm nặng sau khi li hôn và mất quyền nuôi con. Sau một thời gian chống chọi với bệnh trầm cảm, ông tự sát bằng cách nhảy qua cửa sổ căn hộ tầng bốn vào năm 1999, hưởng dương 33 tuổi.
Buồn thay, hành động bạo lực đôi khi còn bị hướng ra bên ngoài. Raymond Weinstein, kiện tướng người Mĩ, từng bị trục xuất khỏi Hà Lan vì phạm tội hành hung – một hệ quả của chứng bệnh tâm thần mà lúc ấy Weinstein đang mắc phải. Sau đó ông bị trả về Mĩ và sống trong trại cải tạo, ở đây Weinstein đã giết chết bạn cùng phòng của mình. Hiện ông vẫn đang sống trong trại tâm thần.
Những trường hợp trên đây là tiêu biểu, chứ không phải toàn bộ. Chúng đáng chú ý ở chỗ các nhân vật kể trên đều là kì thủ đạt trình độ kiện tướng trở lên, tức là những đối tượng tinh hoa trong lĩnh vực này. Nếu như các tinh hoa, những người được nhận nhiều sự quan tâm và đào tạo bài bản, mà vẫn không được bảo vệ đủ kĩ khỏi vấn nạn bệnh tâm thần trong cờ vua, thì hẳn những người chơi ở đẳng cấp thấp hơn còn gặp vấn đề với số lượng nhiều hơn thế nữa.

3. Tổng kết

Một điều chúng ta cần lưu ý: Tương quan không phải là nhân quả. Khoa học hiện tại chưa tìm được bất kì bằng chứng nào cho thấy cờ vua gây ra bệnh tâm thần; thậm chí ngược lại, giới khoa học đã có vài nghiên cứu cho thấy việc chơi cờ vua tạo ra chuyển biến tích cực cho người bị tâm thần phân liệt và người già bị suy giảm trí nhớ, dẫu rằng các kết quả thu được vẫn chưa chắc chắn và cần nhiều nghiên cứu khác trong tương lai hơn.
Ở đây người viết chỉ có thể phỏng đoán: Cờ vua không gây ra bệnh tâm thần, mà là người vốn có vấn đề tâm thần thì thường chơi cờ giỏi hơn người bình thường. Cờ vua – với các đặc trưng của nó như đề cao tư duy hệ thống và không cần đến trí tuệ cảm xúc trong việc giành chiến thắng – là trò chơi lí tưởng cho những người mắc chứng tự kỉ. Và người tự kỉ sẽ có khả năng cao bị trầm cảm hoặc các vấn đề tâm thần khác hơn.
Ngoài ra, chơi cờ vua dưới vai trò một sở thích thì có thể rất nhẹ nhàng và vui vẻ, nhưng chơi cờ vua để thi đấu thì lại là chuyện khác. Cờ vua chuyên nghiệp là môi trường rất mệt mỏi và cạnh tranh rất gay gắt, đặc biệt ở các thế kỉ trước thời mà bệnh tâm lí là vấn đề vẫn còn bị xem nhẹ đối với dư luận và với cả chính các kì thủ, thì hiện tượng trên có thể là hệ quả của việc thiếu sự quan tâm y tế của toàn bộ làng cờ chuyên nghiệp.
Và bài viết này, bên cạnh mục đích giới thiệu đến các bạn mặt tối ít người biết này của cờ vua, còn nhằm lưu ý rằng tất cả chúng ta nên quan tâm một cách nghiêm túc đến sức khoẻ tâm thần của giởi kì thủ.
Đây ít nhất sẽ là một bài học nào đó mà lịch sử cờ vua có thể dạy cho chúng ta.

Tài liệu tham khảo:

• “Chess Was Once Blamed for Causing Insanity, Suicide, and Even Murder.” Big Think, 6 Apr. 2022, bigthink.com/pessimists-archive/chess-insanity/. Accessed 18 Mar. 2024. • March 14, Henrik Ginderskov, and 2021 at 2:08 Pm. “Chess and Mental Illness: 12 Chess Player Who Suffered from Severe Mental Problems.” Chessentials, 6 July 2019, chessentials.com/chess-and-mental-illness/. • Lillo-Crespo, Manuel, et al. “Chess Practice as a Protective Factor in Dementia.” International Journal of Environmental Research and Public Health, vol. 16, no. 12, 14 June 2019, p. 2116, https://doi.org/10.3390/ijerph16122116. • Demily, Caroline, et al. “The Game of Chess Enhances Cognitive Abilities in Schizophrenia.” Schizophrenia Research, vol. 107, no. 1, Jan. 2009, pp. 112–113, https://doi.org/10.1016/j.schres.2008.09.024. • Ponterotto, Joseph G. “Bobby Fischer, a Psychological Autopsy.” Pacific Standard, psmag.com/social-justice/a-psychological-autopsy-of-bobby-fischer-25959. • “Paul Morphy by Reuben Fine .” Www.edochess.ca, www.edochess.ca/batgirl/Fine.html. Accessed 18 Mar. 2024.
TORNAD
18/03/2024
Hình ảnh được tạo nhờ AI
Mời các bạn tham gia group cờ vua của Spiderum: