Đôi lời nhắn gửi khích lệ tinh thần trước kì thi THPT Quốc Gia
Đôi lời nhắn gửi khích lệ tinh thần trước kì thi THPT Quốc Gia
Ai quan tâm tới vấn đề xã hội, học tập trên các nền tảng xã hội như Facebook, Tiktok,... chắc chắn sẽ gặp qua các bài viết, video đưa ra các dẫn chứng rằng anh A, chị B ngày xưa học giỏi nhất, nhì lớp về sau vẫn phải làm nhân viên cho anh C, chị D ngày xưa học kém nhất, nhì lớp; cuối cùng đưa ra kết luận "Học giỏi chắc gì thành công". Sau khi hàng tá clips như thế, tôi đã bị hoàn toàn bị thuyết phục... Bị thuyết phục rằng tôi đã thực sự ngán tới tận cổ và phải mượn dịp chăm sóc Spiderum mà đưa ra lời phản biện, đặc biệt là trước thềm thi THPT Quốc Gia của các bạn 2k6.
Không hẳn câu nói trên hoàn toàn sai, nhưng có đôi phần quá phiến diện, một khi được đưa đến tai những thánh nay đã mọc rễ trên giường, thậm chí có thể cố xúy cho thái độ hay kể lể và lười biếng. Tôi không muốn dùng lối hành văn quy nạp làm gì cho mệt hơi, tôi sẽ khẳng định vào đây trước khi phản biện lại câu nói trên, rằng học giỏi sẽ dẫn đến thành công. Trong bài bài viết này cùng với các tham chiếu, tôi sẽ đưa chữ "học" vào đúng vị trí mà nó nên đứng.

I. "HỌC GIỎI"?

Trước hết, hãy cùng nhau phân tích và mở rộng vấn đề để thấy sự phiến diện của câu nói "Học giỏi chưa chắc đã thành công".
Thế nào mới là "Học giỏi"?
"Học" theo định nghĩa của Wikipedia, có nghĩa là "tiếp thu sự hiểu biết, kiến thức, hành vi, kỹ năng, giá trị, thái độ và sở thích mới". Điều này cũng đồng nghĩa rằng, bất kì phản xạ có điều kiện nào, được lặp đi lặp lại nhiều lần gọi là "học". Học không chỉ nằm gói gọn trong môi trường các lí thuyết của các môn học trên lớp mà nằm ở tất cả các hành động có sự lặp lại và rèn luyện, khi bạn thành thạo và uyên bác kiến thức với việc nào đó và vận dụng linh hoạt được việc ấy, bạn sẽ được gọi là "học giỏi". Vâng, bạn A học chăm chỉ môn Toán từ ngày bé, ngoài học trên lớp ra, bạn còn đọc thêm nhiều sách nâng cao, giờ đây độ chính xác độ chính xác trong bài làm gần như tuyệt đối, bạn A học giỏi. Cậu B không học giỏi với lí thuyết trên lớp, nhưng cậu B lại sở hữu khả năng gấp giấy Origami vừa nhanh vừa đẹp sau nhiều năm luyện tập, bạn B cũng học giỏi. Chị C gia đình không có điều kiện để được đưa vào các trường lớp đào tạo như Đại Học hay Cao Đẳng, hết cấp 2 đã vào trường nghề học may, nhưng chị lại luyện tập cho đến khi có một tay nghề cực kì khéo léo, chị C học giỏi. Đến lúc này sẽ có người quay ra bảo với tôi rằng, thế thì thế giới này lại nhiều người học giỏi và thành công quá. Trên lí thuyết là vậy nhưng khi bước vào quá trình chạm tới sự thành thạo trong một kĩ năng lại thực sự rất khó.
Quy tắc 10.000 giờ.
Để "học giỏi", trung bình cho một kĩ năng sẽ mất khoảng 10000 giờ, sẽ ít hoặc nhiều thời gian hơn phụ thuộc vào các kĩ năng khác nhau. Nhìn chung bất kì kĩ năng nào cũng cần bỏ ra một khoảng thời gian tương đối lớn. Tuy nhiên ta hãy thử lấy con số 10.000 này để cùng nhau thực hiện một phép toán nho nhỏ.
Nếu một người tập luyện một kĩ năng trung bình 2 tiếng một ngày, họ sẽ mất gần 14 năm để hoàn thành một kĩ năng.
Nếu một người tập luyện một kĩ năng trung bình 4 tiếng trong một ngày, họ sẽ mất gần 7 năm để hoàn thành một kĩ năng.
Nếu như không làm gì ngoài luyện tập kĩ năng ấy, một cách cuồng nhiệt và không ngừng nghỉ, có lẽ bạn sẽ luyện 8 tiếng trong một ngày, nhưng cũng sẽ dành ra tới tận 3-4 năm để hoàn thành mục tiêu thuần thục kĩ năng đó. Nếu bạn hay tản mạn trên các kênh Youtube nhạc cụ giống tôi, chắc chắn cũng phải biết tới hai anh chàng chơi nhạc Vĩ Cầm thiên tài, liên tục có nhiều show thành công và đã tổ chức được cả tour lưu diễn trên thế giới "Twoset Violin". Bộ đôi Eddie và Brett đã có một câu đùa sử dụng nhiều trong các video của hai anh đến mức nó trở thành câu nói thương hiệu trên tiểu sử Wikipedia "Ling Ling 40 hours" - Tức là một ngày nên tập luyện 40 giờ ngay cả khi một ngày chỉ có 24 giờ. Hay hai anh cũng khẳng định "Geniuses aren't born, they are created" - "Thiên tài không được sinh ra, học được tạo nên".
Eddie và Brett là hai nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng
Eddie và Brett là hai nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng
Benjamin Bloom - cha đẻ của thang đo Bloom
Benjamin Bloom - cha đẻ của thang đo Bloom
Đến với một nguồn khảo sát diện rộng hay uy tín hơn, trong bài viết "The Making of an Expert", tạm dịch là "Sự hình thành của một chuyên gia" của Havard Business Review thuộc trường đại học Havard, khẳng định "experts are always made, not born" - "Chuyên gia luôn luôn được tạo nên, không phải sinh ra mà có".
Benjamin Bloom - cha đẻ của Thang Đo Bloom đã làm một cuộc khảo sát với 120 người thành công, từng đạt các giải thưởng cao quý và các huy chương quốc tế, trải dài từ nhiều lĩnh vực từ Thể Thao, Toán học cho tới các lĩnh vực nghệ thuật khác, họ là những người rèn luyện cực khổ và chăm chỉ nhất.
"Học giỏi" không phải là một chuyện tầm thường...
Để khiến bạn cảm thấy việc học giỏi một môn học, việc gấp giấy tạo thành những hình thù nhanh như máy, hay việc may quần áo đẹp, hoặc bất kì kĩ năng nào cần có thời gian để "brush up"-"mãi dũa", tôi cũng đưa ra cho các bạn một thống kê nho nhỏ về tỉ lệ bỏ cuộc trước khi đạt tới độ thành thạo ở một số kĩ năng sau đây:
Ngôn ngữ: Lên tới 70%, trong 10 người học ngôn ngữ sẽ có 7 người bỏ cuộc trước khi "học giỏi".
Nhạc cụ: Còn tùy thuộc vào nhạc cụ, nhưng trung bình khoảng 30-50% bỏ cuộc ngay từ trong năm đầu tiên luyện tập.
Thể thao: 50-80% trung bình người chơi một môn thể thao không thể theo đuổi thành công trên đường dài.
Từ đó quy ra rằng, cũng có mấy ai được như một số ví dụ mà tôi nói ở trên, có phải ai cũng luyện thành giỏi để rồi thành công được, trong khi tỉ lệ người bỏ cuộc và thất bại trước khi chạm tới mức "học giỏi" vẫn chiếm đa số. Đương nhiên, đối với việc tuyển dụng hay lựa chọn công việc, người ta sẽ ưng ý một người có biểu hiện nhanh nhẹn và uyên bác với kĩ năng họ ứng tuyển hơn là những người chỉ dừng lại ở mức độ trung bình và hiểu biết sơ đẳng. Có bạn sẽ nói, còn các yếu tố khác, như con ông cháu cha, cất nhắc chắc vụ. Việc này còn mở rộng ra một vấn đề rộng hơn, nếu thuộc dạng con ông cháu cha nhưng vẫn phấn đấu "học giỏi" thì chẳng có gì đáng bàn cãi. Còn nếu như đúng là chẳng có thực lực gì mà có được vị trí mà người "học giỏi" đáng lẽ phải ngồi thì "cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra". Ngồi ở một vị trí cao không tương xứng với thực lực thì sẽ không có được sự tôn trọng từ bất kì ai, cũng không có ít vụ việc không có thực lực như thế bị phanh phui rồi người thực sự có tài và bỏ ra sự cống hiến sẽ được kính nể và đưa nên vị trí họ xứng đáng thuộc về. Vậy nên tốt nhất là không nên đổ thừa cho hoàn cảnh mà nên hoàn thiện kĩ năng của mình từng ngày, càng sớm càng tốt.

II, HỌC ĐÊ!

Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau thu hẹp khái niệm chữ "học" như góc nhìn từ đa số đại chúng, tức là việc học tập các lí thuyết trên lớp.
Chuyện học giỏi trên các trường lớp.
Dường như câu nói "Học giỏi chưa chắc đã thành công" trở thành một liều thuốc dưỡng tinh thần lười cho người lười trở nên phê pha nhất. Mặc dù người học giỏi vẫn có thể thất nghiệp, nhưng người lười biếng với các tiết học trên lớp cũng chưa có một bằng chứng cụ thể nào là họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn hay thành công hơn. Cũng ít thấy một người thành công nào nói "Học giỏi chưa chắc đã thành công", nhưng đa số lại đến từ những bạn học sinh có thành tích chưa tốt trên lớp + chẳng chịu học kĩ năng xã hội nào bên ngoài. Khi cất lời như thế, các chuyên gia xã hội, kinh tế thường vứt bỏ luôn cái quá trình một người đã cố gắng và nỗ lực để chạm vào chữ "giỏi".
LƯỜIIIIIIIII
LƯỜIIIIIIIII
Không biết trải nghiệm cá nhân của các bạn ra sao, thế nhưng tôi thấy những người có biểu hiện "học giỏi" trên lớp mà tôi từng gặp, từng nghe qua luôn có cuộc đời thành công, hoặc ít nhất là ổn định, có lẽ tỉ lệ một cuộc đời bếp bênh hay khổ sở là rất thấp. Xin đừng đưa Bill Gates and Steve Jobs làm ví dụ cho việc những người bỏ học đại học nhưng vẫn thành công, hay Albert Einstein từng bị điểm kém nhưng vẫn thành công nữa! Hãy xem lại cái tên của họ, hãy đánh giá trí tuệ của họ và đừng đưa mình vào cùng thuyền với họ - những người với bộ não nằm trong top 0,01% thế giới! Phải thực tế lên và phải cố gắng nhất trong khả năng của mình. Các kiến thức Vật Lí hay Toán học mà nhiều bạn cho rằng chúng sáo rỗng, có nhiều lợi ích hơn bạn tưởng đấy. Ví dụ như có thể dùng Toán để đi cá cược hay dùng Lí để đi bắn Bi-a chẳng hạn.
Quay trở lại việc phân tích học giỏi trên lớp sẽ giúp bạn có một cuộc đời thành công hoặc ít nhất là ổn định. Có một hiệu ứng tâm lí học gọi là Pygmalion Effect. Đây là hiệu ứng mà nhiều giáo viên hiểu về tâm lí học đã lợi dụng để gián tiếp cải thiện thành tích học tập và sự nỗ lực cho học sinh của họ.
Pygmalion Effect
Pygmalion Effect
Giải thích nôm na là: việc ai đó có những biểu hiện tốt hay tích cực trong năng lực định hình cách mọi người nghĩ về họ, sau đó người ngoài sẽ đối xử đầy coi trọng và đặt kì vọng nhất định vào họ, điều này khiến những người có biểu hiện năng lực tốt luôn thấy 1 nguồn cảm hứng thôi thúc họ ngày càng phát triển để xứng đáng với kì vọng đấy.
Những học sinh giỏi nhờ đó mà càng ngày càng phải nỗ lực để trở nên thành công hơn trong học tập, công việc, cũng như là cuộc sống của họ. Họ từ nhỏ đến lớn đã có một ánh hào quang trước mọi người xung quanh, nên họ phải nỗ lực để bảo vệ ánh hào quang ấy. Tuy nhiên hiệu ứng này đôi khi cũng tác dụng ngược, nhưng đây không phải là vấn đề cần phân tích trong bài viết này.
Xã hội ngày nay là một xã hội nhân tài trị - Meritocracy, một xã hội vẫn còn chuộng bằng cấp, tờ giấy minh chứng cho năng lực vẫn khiến nhiều nhà tuyển dụng cảm thấy thuyết phục hơn và dễ dàng cho việc thăng cấp hay đàm phán tiền lương hơn.
Nói chung việc học giỏi hoặc ít nhất là nắm chắc các kiến thức trên lớp hại ít lợi nhiều, nó không chỉ nằm ở khả năng tiếp thu mà còn liên đới với nhiều kĩ năng khác như kĩ năng đưa ra lựa chọn (các lựa chọn ưu tiên), kĩ năng quản lí thời gian, khối lượng công việc,...
Còn thành công hay được việc còn phải phụ thuộc vào vấn đề phong độ hay tiềm lực kinh tế, sự ổn định của hoàn cảnh gia đình, tính cách,.... Nhưng học tốt sẽ tạo nền tảng vững chắc, ít nhất là trong tinh thần để bạn bước vào thị trường lao động.
Chuyện học không tốt trên lớp.
Có những cô cậu học trò từng rất nghịch ngợm hay học hành lêu lổng trên lớp, sau này vẫn là một người có kinh tế và có tiếng nói trong xã hội. Nhưng việc họ thành công khi trưởng thành lại không liên quan gì đến việc họ nghịch ngợm hay lêu lổng trong việc học tập! Vì đơn giản là những người này vẫn học và điêu luyện với các kĩ năng xã hội ngoài kiến thức phổ thông trường lớp ra, có người giỏi xã giao, đàm phán, có người bán hàng, có người có mắt nhìn thời trang rất cầu toàn và sáng tạo. Vậy thì họ vẫn học thôi, vì chẳng ai tự sinh ra mà biết làm này làm nọ cả, tất cả đều phải có sự chăm chỉ gắn liền, đều liên quan đến việc tích lũy kiến thức lí thuyết cho đến thực hành.
Tôi có một người anh họ (người mà tôi sẽ không nói cho các bạn biết rằng anh tên là Cường). Ngày bé anh thường khá rụt rè và chậm chạm, thành tích cũng không có gì nổi bật trên lớp, nhưng anh vẫn chịu khó học vẽ từ năm lớp 8, sau này học Đại Học Xây Dựng đến năm ba thì anh bỏ học và theo nghiệp thiết kế đồ họa, ngành liên quan đến sở thích và phù hợp với anh. Hiện nay anh đang trong một công ty game và lương phải từ 30 triệu đổ lên.

III. NÊN NÓI THẾ NÀO CHO THUẬN TAI?

"Học giỏi chưa chắc đã thành công"? Quay lại ví dụ mà người ta hay đưa ra để làm luận cứ cho luận điểm "Học giỏi chưa chắc đã thành công", tức là câu chuyện bạn A từng học giỏi trên lớp làm nhân viên cho bạn B học kém trên lớp. Câu nói này có phần chưa đầy đủ và chủ yếu mang mục đích hạ bạn A xuống và nâng bạn B lên. Thế nhưng cả hai bạn A và B đều là những người học giỏi, bạn A là người cần cù luyện tập và thành công với việc học hành trên lớp, còn bạn B có thể đã không học giỏi các môn học trên lớp nhưng bạn học được các kĩ năng xã hội mà bạn A không có. Chỉ là bạn A đã không học giỏi thứ quyết định yếu tố thành công trong môi trường mà bạn B chiếm lĩnh được yếu tố thành công đó. Rất khó để hiểu được mục đích sau cùng có những videos, clips kể những câu chuyện như vậy, vì dường như nó làm mất đi động lực và giảm sút tinh thần phấn đấu, phát triển năng lực của mỗi người, vì nội lực các cá nhân là riêng biệt và khác nhau. Để thúc đẩy một tinh thần sao cho người người hoàn thiện và yêu thương bản thân mình hơn mỗi ngày. Ta nên nói "Học giỏi sẽ thành công, nhưng cần đặt vào đúng môi trường để phát huy, đồng thời trau dồi thêm các kĩ năng xã hội".
VẬY NHÉ, CHỌN CÁI GÌ THÌ CHỌN, THI ĐẠI HỌC HAY HỌC TRƯỜNG NGHỀ, KHÔNG MỘT TRONG HAI CŨNG ĐƯỢC, NHƯNG PHẢI "HỌC" CÁI GÌ ĐÓ ĐI!