Lời đầu tiên

Ảnh minh họa. Nguồn: BBC.
Ảnh minh họa. Nguồn: BBC.
Kính chào quý độc giả,
Từ tháng Chín năm 2023 đến đầu tháng Giêng năm 2024, vì bận phải xử lý một số việc cá nhân, tôi không có nhiều thời gian cho việc lên đăng tải bài viết mới, cũng như tham gia thảo luận trên Spiderum. Việc công và việc tư là một chuyện, nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là có lẽ tôi đã có phần mệt mỏi và bất lực trước tình trạng phản tri thức trên không gian mạng và sự suy thoái tư duy trên các diễn đàn. Tôi đã từ bỏ mục tiêu cá nhân là phải đăng ít nhất mỗi tháng hai bài như thời điểm trước đây. Mục tiêu này là thứ tôi đã làm thành tôn chỉ trong khoảng thời gian đầu tham gia thảo luận trên Spiderum. Tuy nhiên, dần về sau, suy nghĩ lại, tôi nhận ra rằng mục tiêu trên đã dẫn đến chất lượng nhiều bài viết đầu (tính từ tháng Hai đến tháng Sáu năm 2022) có vấn đề, xuất phát từ sự duy ý chí và cẩu thả về tư duy của tôi, đặc biệt là trong series Chiến tranh Nga - Ukraine. Tôi chân thành xin lỗi quý độc giả vì những bất tiện trên.
Tôi đã theo dõi sự việc bác sĩ nội trú trẻ đồng loạt đình công ở Hàn Quốc ngay từ khi nó bắt đầu vào cuối tháng Hai. Chuyện đã đi quá xa khi có tin tức các Giáo sư Y khoa cũng đe dọa nghỉ việc, và chính phủ Hàn Quốc dự định tước giấy phép hành nghề của các bác sĩ đình công [1].
Sau khi tìm hiểu, tôi được biết, cũng vào tháng Hai, các bác sĩ trẻ (junior doctor) ở Anh Quốc cũng đã tổ chức đình công hàng loạt, yêu cầu được tăng lương và cải thiện chế độ lao động. Ở Anh Quốc, junior doctor hàm ý cấp chuyên môn thấp, và các bác sĩ trẻ phải làm việc theo các ca trực cuối tuần. Với lương khởi điểm sau khi tốt nghiệp trường Y là khoảng 22 - 23 nghìn bảng Anh/năm chưa trừ thuế, một bác sĩ vẫn tiếp tục bị coi là “mới ra trường” hoặc “trẻ” (junior) cho đến bảy năm sau đó. Chỉ sau khi làm bác sĩ chuyên ngành, lương hàng năm của họ mới tăng lên từ 30 nghìn đến 70 nghìn bảng. [2]
Nếu tính cả bảy năm học ngành Y với học phí cao, đầu tư vào chừng 14 - 15 năm học và tập sự, ngành Y trở nên tốn kém về thời gian và tiền bạc, mà thu nhập vẫn chỉ ở mức trung bình so với các nghề khác.
Tuy nhiên, việc bác sĩ đình công cũng tạo ra một nghịch lý đạo đức. Ngành Y có lời thề y đức (lời thề Hippocrates) và nó cũng được xem là tiêu chuẩn về mặt đạo đức nghề nghiệp của ngành Y. Trong lời thề Hippocrates (phiên bản hiện đại) cũng có một dòng khẳng định, và đây cũng chính là nguồn cơn tranh luận về mặt đạo đức trên mạng xã hội giữa các phe về vụ bác sĩ đình công, đó là:
Tôi sẽ ứng dụng, vì lợi ích của người bệnh, tất cả các biện pháp khi cần thiết, tránh sa vào việc điều trị thái quá và điều trị theo Chủ nghĩa hư vô.
Trong bài viết này, tôi hy vọng sẽ có thể giải quyết phần nào nghịch lý đạo đức và câu hỏi rằng bác sĩ có thể đình công hay không về mặt luân lý. Đây là vấn đề về mặt Triết học đạo đức mà tôi đặc biệt quan tâm; và Triết học đạo đức cũng là lĩnh vực Triết học khó và kích thích tư duy mạnh mẽ. Là một người ngoài cuộc và theo dõi sự việc, tôi mong có thể phân tích cho quý độc giả hiểu được góc nhìn của các bên, cũng như bàn luận mở rộng vấn đề ra một cách sâu hơn.

Phần I: Nguồn cơn đình công.

Ảnh minh họa. Nguồn: Yonhap.
Ảnh minh họa. Nguồn: Yonhap.
Nguồn cơn khiến bác sĩ Hàn Quốc đình công là vì chính phủ đưa ra chương trình cải cách đào tạo ngành Y, tăng chỉ tiêu tuyển sinh thêm 2.000 người mỗi năm từ 2025. Theo các bác sĩ biểu tình, tình trạng bất bình đẳng thu nhập và chênh lệch quyền lợi giữa các khoa điều trị thiết yếu với những khoa nhiều lợi nhuận trong ngành Y ở Hàn Quốc không thể được giải quyết chỉ bằng cách tăng số lượng tuyển sinh. Tình trạng của các bác sĩ trẻ ở Hàn Quốc cũng khá tương đồng với các bác sĩ ở Anh Quốc mà tôi đã trình bày ở trên. Các bác sĩ thực tập và nội trú ở Hàn Quốc trực ca 36 giờ, nhiều hơn so với ca dưới 24 tiếng ở Mỹ. Chỉ một nửa số bác sĩ trẻ ở Mỹ làm việc 60 giờ một tuần trở xuống; trong khi đó, bác sĩ ở Hàn Quốc thường xuyên làm việc hơn 100 giờ [3]. Mức lương của các bác sĩ trẻ cũng bị đánh giá là bèo bọt, và nhỏ hơn mức lương của các bác sĩ trẻ ở Mỹ [4]. Ngoài ra, họ cho rằng, sinh viên sẽ cố gắng chọn những ngành lên ngôi, tức là khu vực có thu nhập cao như da liễu, phẫu thuật thẩm mỹ, tức thiên về chăm sóc sức khỏe, dịch vụ sắc đẹp hơn là y tế, điều trị để có thu nhập cao, thay vì chọn trở thành bác sĩ nội trú vốn vất vả và lương thấp hơn nhiều.
Chính phủ cũng có lý do để theo đuổi kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Hàn Quốc đang đối mặt vấn đề dân số già đi nhanh chóng và số bác sĩ trên đầu người thấp. Trong các thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chỉ Mexico có ít bác sĩ trên đầu người hơn Hàn Quốc. Nước này có khoảng 140.000 bác sĩ, và theo ước tính của chính phủ, trong khoảng thập kỷ tới, đất nước này dự kiến sẽ thiếu 15.000 bác sĩ. [5]
Từ 20/02, khi cuộc đình công tập thể của các bác sĩ nội trú diễn ra, những bệnh viện lớn nhất Hàn Quốc phải giảm 50% công suất hoạt động, từ chối bệnh nhân hoặc hủy phẫu thuật, đối diện nguy cơ gián đoạn hệ thống y tế nếu phong trào biểu tình vẫn kéo dài. Tuy bác sĩ đình công chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 100.000 bác sĩ của Hàn Quốc, nhưng chiếm đến hơn 40% lực lượng tại các bệnh viện giảng dạy lớn, thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong phòng cấp cứu, chăm sóc đặc biệt và phẫu thuật.
Hôm 11/03, theo Hiệp hội Y khoa Daegu, nhóm các trưởng khoa tại Trường Y Đại học Quốc gia Kyungpook đã đưa ra tuyên bố sẽ từ chức tập thể để “chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình hiện tại”. Hôm 12/03, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết 30 trường Y phải hoãn khai giảng học kỳ mới trong bối cảnh các bác sĩ và sinh viên y khoa đình công phản đối kế hoạch bổ sung 2.000 chỉ tiêu vào năm tới. Tính đến 10/03, tổng cộng hơn 5.400 sinh viên nghỉ học có đơn xin phép hợp lệ, chiếm 29% tổng số 18.700 sinh viên toàn Hàn Quốc. Tình trạng đang trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết khi cả chính phủ và bác sĩ đình công không thể thỏa hiệp.

Phần II: Bác sĩ đình công có vi phạm y đức và luân lý hay không?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Tôi sẽ không bàn đến mặt pháp lý. Tuy một số nước, ví dụ như Anh Quốc, cho phép bác sĩ đình công và điều này cũng được quy định trong luật năm 1992, Hàn Quốc không cho phép điều này. Việc bàn luận về mặt pháp lý đã trở nên vô nghĩa ngay từ đầu, nhưng việc đình công, vốn không được cho phép về mặt pháp lý, có vi phạm luân lý hay không?
Vi phạm pháp luật chưa chắc đã là vi phạm đạo đức, và vi phạm đạo đức không phải là vi phạm pháp luật. Có lẽ tôi không cần phải chứng minh điều này. Về mặt pháp lý, Hàn Quốc đang có hành động pháp lý để cố gắng ngăn chặn làn sóng đình công là tước giấy phép hành nghề ba tháng nếu bác sĩ đình công không quay trở lại làm việc. Về mặt luân lý thì như thế nào đây?
Có hai tiên đề mà tôi nghĩ quý độc giả cần thừa nhận để làm cơ sở lý luận về sau cho toàn bài viết:
Thứ nhất, bác sĩ cũng là người lao động.
Thứ hai, nghề Y cũng là một nghề nghiệp như các nghề nghiệp khác.
Một bình luận trên VnExpress.
Một bình luận trên VnExpress.
Khi các bác sĩ bắt đầu đình công, việc này thường được công chúng coi là phi đạo đức. Họ cho rằng các bác sĩ có “mối quan hệ đặc biệt” hay “khế ước” với xã hội để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bất kể nghĩa vụ cá nhân và hoàn cảnh cá nhân. Khế ước xã hội, trong Triết học và Khoa học Chính trị, là một lý thuyết mô tả việc con người cùng thỏa thuận từ bỏ trạng thái tự nhiên để xây dựng cuộc sống cộng đồng. Về mặt pháp lý, khế ước xã hội thể hiện cụ thể là một tờ khế ước, một bản hợp đồng trên đó các thành viên xã hội thống nhất các nguyên tắc để cùng chung sống với nhau. Hiến pháp chính là bản khế ước xã hội cơ bản nhất, là nền tảng cho tất cả các khế ước khác của cộng đồng.
Nhà Triết học Thomas Hobbes lần đầu tiên đưa ra khái niệm khế ước xã hội trong quyển “Leviathan” vào năm 1651, đặt nền tảng cho Chủ nghĩa hiện thực và lý luận về khế ước xã hội. Theo Hobbes, con người ban đầu vốn sống ở trạng thái tự nhiên, trong tình trạng vô chính phủ, khi chưa hề có sự cưỡng bức có tổ chức lên mỗi cá nhân. Con người qua khế ước xã hội từ bỏ những quyền tự do tự nhiên của mình để được hưởng sự an toàn và trật tự của xã hội văn minh. Có thể suy ra rằng khế ước xã hội chính là bản thỏa hiệp của các thành viên cộng đồng, theo đó một con người sẽ từ bỏ quyền tự do tự nhiên - đổi lại anh ta trở thành một thành viên, được cộng đồng che chở và công nhận. Đối với một quốc gia, nhà nước là tập hợp những người đại diện đứng ra bảo đảm sự tôn trọng bản thỏa ước. Tư tưởng của Hobbes tiếp tục được phát triển bởi các Triết gia kế tục, như Jean-Jacques Rousseau, John Locke, và John Rawls.
Việc mong đợi các bác sĩ bị ràng buộc và buộc phải thương lượng tập thể ngay cả khi phúc lợi cá nhân và phúc lợi nghề nghiệp của họ bị đe dọa bởi cùng một khế ước xã hội là không phù hợp về mặt đạo đức.
Khế ước xã hội giữa ngành Y và xã hội đã bị thay đổi do sự trỗi dậy của Chủ nghĩa tiêu dùng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và cần phải được đánh giá lại.
Vấn đề là những thay đổi phức tạp trong ngành Y đương đại đã biến ngành chăm sóc sức khỏe thành một ngành kinh doanh béo bở, chiếm một tỷ lệ đáng kể trong GDP của nhiều quốc gia. Một mặt, yêu cầu công nhận quyền của bệnh nhân với tư cách là người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế, hoặc với tư cách người tiêu dùng, đã xuất hiện. Họ muốn tham gia vào việc ra quyết định chung với bác sĩ trong mọi vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe cá nhân. Mặt khác, bệnh nhân với tư cách là người tiêu dùng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng yêu cầu bồi thường cho những sai sót y tế vô ý hoặc sơ suất xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khiến cho bác sĩ phải xoay sở để trả bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp (malpractice insurance). Những yếu tố này đã tác động đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống, và thu nhập tương lai của bác sĩ. Sự thất vọng của bác sĩ với mức lương thấp, công việc kém các điều kiện, nợ vay sinh viên và triển vọng nghề nghiệp trong tương lai, kết hợp bởi ảnh hưởng của dịch vụ chăm sóc có quản lý, các tổ chức bảo trì sức khỏe và các công ty bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, chính là nguồn cơn cho cuộc đình công hiện tại, và lỗi không gì khác nằm ở Chủ nghĩa tiêu dùng [6].
Tất cả những vấn đề này đã dẫn đến sự vỡ mộng của các bác sĩ, cũng như làm tiêu tan hy vọng về sự thay đổi mô hình trong thực hành chăm sóc sức khỏe hiện đại, khác xa với truyền thống y đức của Hippocrates. Do đó, sẽ thật không phù hợp về mặt đạo đức khi mong đợi các bác sĩ bị ràng buộc bởi cùng một khế ước xã hội và họ không được phép tham gia vào thương lượng tập thể hoặc đình công ngay cả khi phúc lợi cá nhân và phúc lợi nghề nghiệp của họ bị đe dọa, hoặc khi các bác sĩ cảm thấy rằng họ không còn đủ công cụ để cung cấp dịch vụ. chăm sóc sức khỏe tốt nhất có thể cho bệnh nhân của họ, như tôi đã nêu lời thề y đức của Hippocrates ở phần đầu tiên [7].
Tại sao nó lại không phù hợp về mặt đạo đức? Vậy ta cần phải trả lời câu hỏi sau:
Hạnh phúc xã hội có lớn hơn hạnh phúc cá nhân hay không?
Từ tiên đề tôi đã đặt ra, bác sĩ cũng là người lao động, ta có thể lập luận rằng bác sĩ cũng có quyền lợi được hưởng hạnh phúc và phúc lợi lao động bình đẳng với các nghề nghiệp khác. Tức là, bản thân bác sĩ có quyền được bảo vệ về mặt nghĩa vụ đạo đức, và cũng có nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp tương ứng với quyền lợi được bảo vệ. Ở Việt Nam, nghề giáo và nghề y được xem là nghề “cao quý”. Cách nghĩ này khiến việc xã hội đặc biệt quan tâm nghề y và nghề giáo, đồng thời cũng đặt ra những rào cản và nghĩa vụ đạo đức, ép buộc những người trong ngành buộc phải tuân theo. Việc tuyên truyền cũng đóng góp vào tư tưởng này. Khế ước xã hội được tạo ra, và vô hình trung nó trở thành cái cớ để xã hội lờ đi những khó khăn, vất vả mà những người trong ngành gặp phải. Họ xem đó như là chuyện hiển nhiên, như việc giáo viên hay bác sĩ mới ra trường thì lương phải thấp đến mức khó có thể trang trải chi phí sinh hoạt, và phải chịu đựng điều này vì nghề giáo và nghề y là nghề “cao quý”; hay bác sĩ thì phải cứu người, đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết, dẫu cho việc sức khỏe có bị tổn hại đi chăng nữa.
Trong tác phẩm “Một lý thuyết về công lý” (A Theory of Justice), nhà Triết học chính trị John Rawls lập luận rằng cách suy nghĩ về công lý là hãy hỏi xem chúng ta sẽ ưng thuận những nguyên tắc nào trong vị thế bình đẳng ban đầu. Rawls lý giải như sau: Giả sử chúng ta cùng tụ tập lại để lựa chọn các nguyên tắc quản lý cuộc sống chung cho tất cả mọi người - viết ra một khế ước xã hội. Chúng ta sẽ chọn những nguyên tắc gì? Có lẽ sẽ rất khó có được sự đồng thuận. Những người khác nhau tra thích các nguyên tắc khác nhau, phản ánh các lợi ích, giá trị đạo đức, niềm tin tôn giáo và vị thế xã hội rất khác nhau. Người giàu, kẻ nghèo; người có quyền thế và đông bạn bè, kẻ thấp cổ bé họng. Một số là thành viên các nhóm thiểu số về chủng tộc, sắc tộc, hoặc tôn giáo; những người khác thì không. Chúng ta có thể thương lượng bằng cách thỏa hiệp. Tuy nhiên, thỏa hiệp cũng có thể phản ánh ưu thế mặc cả của người này so với người khác. Không có lý do nào cho rằng một khế ước xã hội có được theo cách này sẽ công bằng. [8]
Đây là ý tưởng của Rawls về khế ước xã hội - một thỏa thuận giả thuyết về vị thế bình đẳng ban đầu. Rawls khiến chúng ta tự hỏi: Chúng ta - những người có lý trí và tư lợi - sẽ lựa chọn như thế nào nếu ở trong hoàn cảnh đó. Ông không giả định tất cả chúng ta đều có động cơ tư lợi trong cuộc sống thực, chỉ là chúng ta đặt qua một bên niềm tin của mình về đạo đức và tôn giáo cho mục đích suy tưởng. Chúng ta sẽ chọn những nguyên tắc nào?
Để giải quyết vấn đề này, ta cần đảm bảo hai nguyên tắc:
Nguyên tắc thứ nhất là đảm bảo quyền tự do cơ bản như nhau cho tất cả công dân, chẳng hạn như quyền và phúc lợi lao động, và nguyên tắc này phải đứng trên mọi cân nhắc về lợi ích và phúc lợi của toàn xã hội.
Nguyên tắc thứ hai là công bằng không đồng nghĩa với cào bằng, tức là bắt người tài phải chịu thêm các vật cản. Hình thức công bằng tệ nhất và phi đạo đức nhất mà bất cứ ai có thể nghĩ ra là làm cho tất cả mọi người bình đẳng như nhau về những thứ không bình đẳng.
Ta thực sự biết rằng mình muốn theo đuổi mục đích của bản thân và muốn được đối xử với sự tôn trọng. Trong trường hợp chúng ta là thành viên của một cộng đồng thiểu số, chúng ta rõ là không muốn bị áp bức, thậm chí nếu điều này mang đến niềm vui cho đa số. Khi bức màn vô minh được vén lên và cuộc sống thực tế bắt đầu, chúng ta không muốn thấy mình là nạn nhân của sự đàn áp hay phân biệt. Để tự vệ chống lại những nguy cơ đó, chúng ta sẽ loại bỏ Chủ nghĩa vị lợi và ta sẽ đồng ý nguyên tắc bình đẳng về quyền tự do cơ bản cho tất cả các công dân như đã nêu, bao gồm cả quyền và phúc lợi lao động như trường hợp của các bác sĩ. Và chúng ta có thể khẳng định rằng nguyên tắc này được ưu tiên hơn tất cả nỗ lục để tối đa hóa lợi ích chung. Chúng ta sẽ không hy sinh các quyền và tự do cơ bản vì lợi ích xã hội và kinh tế.
Nói sơ qua về Chủ nghĩa vị lợi, Chủ nghĩa vị lợi là trường phái Triết học đạo đức cho rằng nguyên tắc đạo đức cao nhất là tối đa hóa hạnh phúc, trong mối cân bằng tổng thể giữa hạnh phúc và đau khổ. Người đặt nền móng đầu tiên cho lý thuyết trên là nhà Triết học đạo đức Jeremy Bentham. Bởi chỉ quan tâm tới tổng số của sự thỏa mãn, thuyết này có thể chà đạp lên cá nhân. Đối với người theo thuyết vị lợi, cá nhân cũng quan trọng, con người cũng có ý nghĩa nhưng chỉ trong ngữ cảnh sở thích của mỗi người phải được đặt tương quan cùng với sở thích những người khác. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là logic vị lợi, nếu áp dụng nhất quán, có thể chấp nhận việc đối xử với con người theo những cách vi phạm những gì chúng ta nghĩ là chuẩn mực phải tôn trọng, như trường hợp về bác sĩ mà tôi đã nói ở phía bên trên.
Khi chúng ta nhận thấy rằng nghĩa vụ đạo đức về khế ước xã hội lỗi thời giữa ngành Y và xã hội làm hỏng cả lý thuyết về công lý, về mặt Triết học đạo đức, nhiệm vụ đặt ra là ta nên tiếp cận trên cơ sở của tiên đề thứ hai, đó là xem ngành y cũng như các nghề nghiệp khác. Bác sĩ là người lao động và có quyền lợi và phúc lợi của người lao động. Nếu ta không tôn trọng các y bác sĩ và cố gắng đặt ra các nghĩa vụ đạo đức để ép họ phải phục vụ ta dưới danh nghĩa nghề cao quý, ta đừng mong rằng các y bác sĩ thật sự tôn trọng ta. Bác sĩ cũng là người lao động, và họ chịu tác động của guồng quay kinh tế. Họ trước mắt phải sống tốt và mưu sinh trước đã, việc phục vụ xã hội sẽ xảy ra khi và chỉ khi họ đã đạt được hạnh phúc nghề nghiệp và dư dả tài chính.
Bác sĩ Quan Thế Dân nói rất đúng:
Lương y như từ mẫu, nhưng mặt khác, muốn cứu người, bác sĩ trước hết phải sống được.
[9]
Bài viết được lên ý tưởng và bắt đầu soạn thảo vào 11/03/2024, hoàn thành vào 15/03/2024. Chỉnh sửa và bổ sung thêm phần Chủ nghĩa vị lợi vào 16/03/2024.
Dẫn nguồn và tư liệu tham khảo:
[1] “Giáo Sư Trường Y Hàn Quốc Tuyên Bố “Nghỉ Dạy Tập Thể.”” VnExpress.net, 11 Mar. 2024, vnexpress.net/giao-su-truong-y-han-quoc-tuyen-bo-nghi-day-tap-the-4720974.html. Accessed 12 Mar. 2024.
[2] ““I Earned More Working at Amazon” - Junior Doctors Explain Why They Are Striking.” The Independent, 9 Jan. 2024, www.independent.co.uk/news/health/nhs-junior-doctors-strike-england-b2475066.html. Access 12 Mar. 2024
[3] “Bác Sĩ Hàn Quốc Đình Công: “Tại Sao Chúng Tôi Bị Coi Là Kẻ Phản Diện.”” VnExpress.net, 13 Mar. 2024, vnexpress.net/bac-si-han-quoc-dinh-cong-tai-sao-chung-toi-bi-coi-la-ke-phan-dien-4721550.html. Accessed 13 Mar. 2024.
[4] Như trên.
[5] Như trên.
[6] Chima, Sylvester C. “Doctor and Healthcare Workers Strike: Are They Ethical or Morally Justifiable: Another View” Current Opinion in Anaesthesiology, Jan. 2020, pp. 1-4, https://doi.org/10.1097/aco.0000000000000831. Access 14 Mar. 2024.
[7] Như trên.
[8] Rawls, John. “A Theory of Justice.” Cambridge, Massachusetts : The Belknap Press of Harvard University Press, 1971. pp. 10-14.
[9] “Bác Sĩ Đình Công.” VnExpress.net, 15 Mar. 2024, vnexpress.net/bac-si-dinh-cong-4722465.html. Accessed 15 Mar. 2024.
Ngày 15 tháng 03 năm 2024,
Trần Tuấn