Nguồn ảnh: CTV News
Thực ra mình có ý định viết về Soul kể từ khi phim mới ra, tranh thủ đọc về chủ nghĩa hiện sinh - thứ mình đáng ra phải đọc từ lâu, và giờ nước đến chân mới lấy ra đọc. Nhưng đã có rất nhiều bài viết về cái bẫy của đam mê, định hình bản thân và khủng hoảng hiện sinh rồi.   
Dù có hơi buồn vài tẹo, mình vẫn ra rạp xem Soul vì vẫn thích Pixar. Ngày mình đi xem phim, quyển “Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản” của Jean-Paul Satre nằm gọn trong ba lô mình kể cả lúc đi đến rạp. Xong lười, lại không đọc. Và thực sự, dạo gần đây mình cảm thấy thực sự chán với lối phân tích, quan sát chi tiết qua từng câu thoại, chi tiết rồi xem lại script, tìm kiếm tư liệu, lĩnh vực để lồng ghép vào. 
Mình xem những phim của Pete Docter đủ nhiều để hiểu kha khá về mô típ (bạn có thể đọc một vài bài viết cũ của mình trên trang này). Monster Inc và Up có nói về những ước mơ và kỳ vọng, nhưng gửi lại thông điệp muốn bứt phá hơn cần phải buông bỏ. Và đam mê, không phải thứ để tô hồng. Mình kỳ vọng vào Soul khi tất cả những thứ về hy vọng, và câu hỏi sống để làm gì cứ văng vẳng bên tai. Người nhạc công da màu chơi nhạc jazz sẽ mang lại cho mình điều gì ngoài đam mê của anh ấy? Và mình sẽ viết gì, cảm gì sau khi xem phim này, có thể vào lối mòn không?
Khi đã viết về hoạt hình nhiều rồi, mình dần có nỗi sợ khi mai một đi việc cảm thụ được cái hồn của phim. Trước đây, mình xem với cảm xúc nguyên thuỷ nhất, rơi nước mắt trước những phân cảnh đinh của phim. Giờ thì không còn nữa. Những phút đầu trong rạp, mình thú thật là đã có rơi nước mắt ở vài đoạn, nhưng thi thoảng lại cứ lôi điện thoại để note lại những điểm nhấn và chi tiết để viết (mình vốn dở tệ về trí nhớ ngắn hạn). 
Nhưng khi về nhà, mình không nhìn vào những note đó luôn. 
30 phút đầu, thứ mình hướng nhiều hơn là hint, chi tiết về kiếp sau, bản ngã. Rồi mình bỏ điện thọai vào ba lô, để chế độ tắt tiếng, hít thở thật sâu và thả lỏng, mở rộng cảm xúc của mình. 
Vì mình biết mình đang thiếu điều gì. Lắng nghe và thả hồn mình trôi theo những thanh âm trong phim. Và đó mới là thứ thực sự làm nên Soul. 

Khi ngôn ngữ của đam mê được cất lên bằng âm nhạc

Trước khi vào phim, nền nhạc “When you wish upon a star” quen thuộc giới thiệu hãng phim Disney được thay bằng tiếng kèn trombone- nhạc cụ đặc trưng của jazz. Đó là một điểm khơi gợi thích thú nhẹ, gợi ý cho việc jazz sẽ là ngôn ngữ nói hộ cho tất cả những điều nhân vật muốn nói. Và hứa hẹn cho một buổi tiệc âm nhạc mãn nhãn đậm âm hưởng kèn trombone và piano sắp tới. Trong suốt phim, những đoạn nhạc jazz được truyền tải và dẫn dắt, làm mạch sống khiến mình phải gật gù nhịp chân trong suốt một tiếng liền.
Thực ra đây không phải lần đầu tiếng kèn trombone và âm hưởng jazz cất lên tiếng lòng của mình. Trước Soul đã có người tiền nhiệm - Princess and The Frog có giá trị cốt lõi và câu hỏi nhân sinh về mục đích sống tương tự (bài hát “Dig a Little Dipper” của Mama). Tuy nhiên, Disney mang yếu tố nhạc kịch lồng ghép quá nhiều, những nhạc cụ chỉ mang tính làm nền cho bài hát, tạo bản sắc New Orleans cho bộ phim. 
Trong Soul, đến hết phim mới có được một bài hát hoàn chỉnh “It’s all right”. Những bản nhạc Joe dạy ở lớp, chơi đơn thuần và biểu diễn là những bản instrumental, vang lên lúc người nhạc sĩ đang “phiêu”, tức ở thế giới đó- chỉ có nhạc cụ và cái hồn của họ- Soul cất lên tiếng nói của mình.  

Nhân vật chính của Soul là  Joe Gardner - một thầy giáo dạy nhạc ở trường cấp hai. Công việc dạy học trên lớp mà anh đang làm, với anh nó chỉ mang tính sinh tồn, để anh cầm cự lo cho đam mê của đời mình - trở thành một nghệ sĩ jazz dương cầm nổi danh như cha anh. Joe giành cả đời vật lộn với việc thành danh, chờ đợi và khao khát được công nhân cho đến cái ngày định mệnh ấy. Người học trò cũ giới thiệu cho Joe chơi thử nhạc cho một nghệ sĩ jazz nổi tiếng và cuối cùng, anh được nhận. Chỉ tiếc rằng trên đường báo tin vui cho giây phút mà cuối cùng có thể gọi là khởi đầu cho cuộc đời mình, Joe rơi xuống một cái hố và trải nghiệm hành trình của những người chết, và ở đó anh phải hướng dẫn số 22 bước vào Thế giới Trần Gian.
Phân đoạn đầu, giai đoạn Joe còn tồn tại ở trần gian, khi anh dạy học, nhảy múa trên đường phố, và khi biểu diễn, tiếng kèn trombone và jazz là phần đinh ở khúc này. Nó cho thấy một thế giới sống của Joe chỉ xoay quanh dương cầm, kèn trombone và biểu diễn. Có thể nói, âm nhạc là thứ ngôn ngữ riêng mà Joe sử dụng để kết nối bản thân mình với những đứa trẻ, với gia đình, với thần tượng của mình. Chỉ khi ngồi trước cây dương cầm, Joe mới thực sự là anh - một người đang phiêu với cảm xúc của mình, sống thật với lòng mình. Những đoạn luyến láy của chiếc dương cầm lúc thì trong trẻo, lúc lên cao trào thể hiện nội tâm của Joe - bên ngoài luôn nhẹ nhàng, thư thái nhưng bên trong lại chứa nhiều tranh đấu về lẽ sống của riêng mình. Khi nói chuyện lần đầu với Dorothea, Joe khúm núm. Chính chiếc dương cầm đã thay anh nói chuyện với thần tượng của mình. Khi không ngồi trước chiếc đàn, anh chẳng thể bảo vệ đam mê của mình trước sự phản đối của mẹ, cũng như quản lý nổi một lớp học ồn ào náo nhiệt.
Cảnh Joe dạy nhạc và truyền cảm hứng cho tụi nhỏ có một cụm từ khá hay “float on the stage”. Tức là tụi con muốn thực sự chơi một nhạc cụ, hãy thả mình và phiêu theo nó. Trong không khí lớp học mang gam màu xám xịt ấy, một cô bé thổi say sưa chiếc kèn trombone đã làm sáng lên căn phòng ảm đạm và tâm trạng của Joe.
Tuy nhiên ở khúc sau sau đó nữa, khi Joe trong thân hình của một cô mèo và 22 ở thân xác Joe, chính cô học trò đó lại chạy đến đòi bỏ học. Âm nhạc lúc này không phải thứ để kéo lại cô bé, vì cô không thấy được mục đích của việc học.
Vậy âm thanh nào đã khiến học trò của Joe quay lại với chiếc kèn trombone đó?
Và chúng ta có 22. 

Nguồn ảnh: Pixar Wiki

Khi Joe chỉ còn là một linh hồn xanh rơi xuống vực thẳm, anh đã vô cùng hoảng loạn. Lúc này, kể cả khi biết mình có thể không còn tồn tại, thế giới của anh vẫn xoay quanh chiếc dương cầm. Bởi vì những bậc thang của Great Beyond được thiết kế giống như những phím đàn piano mà Joe chơi. Và Joe chỉ có một việc - thay vì chạy ngón trên những phím đàn như khi sống, anh phải chạy trốn khỏi phím đàn lớn đưa anh đi vào hư vô. 
Đó là thứ khiến mình khóc - thứ khiến Joe thực sự sống và cuối cùng lại là thứ có thể khiến anh biến mất vĩnh viễn. Nói làm thế nào, khi một con người vừa mới có ngay khoảnh khắc chớm nở cho cuộc đời, lại phải kết thúc trong chớm tàn ấy? 

Nguồn ảnh: geoff.kim
Âm nhạc lúc này không còn tạo không khí sống động và phiêu lãng nữa, mà chuyển thành chậm dần chậm dần nhưng lại nguy hiểm tích tắc - những nốt xylophone (mình đoán thế) thay thế cho những khúc chạy ngón của piano và tiếng kèn trombone. Tất cả mọi thứ để Joe quay lại với trần gian chỉ còn thời gian tích tắc.
Những âm thanh nối tiếp theo sau cũng vậy, vẫn chậm rãi, chậm rãi, không có kèn, không có đoạn piano luyến láy. Mọi thứ chỉ trở lại khi anh cho 22 thấy được cuộc đời mình. 
Nếu Joe mang lại cho người xem sự đồng cảm và hình ảnh của một con người mẫu mực, sống chết vì đam mê, thì số 22 mang màu sắc đối ngược. 
22 mang lại cho người xem câu hỏi: “Nếu mình không thực sự biết được thứ mình cần tìm và thích như bao người khác thì sẽ ra sao? Nếu chưa có được con đường mình đi, mình có sẵn sàng bước chân vào cuộc đời một cách độc lập và tận hưởng nó?”
Mình đến xem vì sự tò mò với số 22, vì qua những trailer nhân vật này khá là láo và mình thích thế =))) 22 ban đầu đã được định đoạt giao cho một bác sĩ về trị liệu tâm lý, hình mẫu kinh điển cho việc chữa lành và giúp con người khai thác được giá trị tốt nhất của cuộc sống, để cảm thấy việc sống có ý nghĩa hơn. Trước đấy, cô là con ngựa bất kham khi trải qua nhiều đời mentor ở You Seminar với Mẹ Teresa, Tổng thống Lincoln và nhiều nhân vật nổi tiếng khác, và tất cả họ đều ghét bỏ cô.
Hai mảnh ghép chẳng liên quan gì nhau từ ban đầu, nên đến với nhau vì lợi dụng lẫn nhau. Joe cần tìm đường về nơi sống, giống như hình ảnh những người chết chưa thỏa mãn ý nguyện hiện hồn về. 22 cần lưu lạc ở đây càng lâu càng tốt. Nhưng bằng một sự cố, họ lại hoán đổi linh hồn cho nhau - Joe trong cơ thể của đại boss, còn 22 trong cơ thể của Joe ở Trần gian.
Ban đầu khi Joe chiếu cuộc đời mình cho 22, cô há hốc mồm vì cuộc đời anh sao lại tẻ nhạt đến vậy. 22 không cảm được jazz của Joe. Trước khi ra rạp xem, mình cũng đã đọc vài bài viết và băn khoăn về chi tiết này. Ban đầu mình đoán rằng Joe sẽ cho cô thấy đam mê là thứ có thể ở lại sau khi mọi thứ khác đều đi. Và việc của 22, là sẽ thử, trải nghiệm nhiều thứ khác nhau để kiếm điều gì đó khác. 
Nhưng cuối cùng không phải vậy. Và đó là điểm hay trong Soul. 

22 - khi cuộc sống không chỉ là âm thanh của những bản jazz

Nếu bạn đã ra rạp xem, hãy để ý thật kỹ vào giây phút Joe còn hiện hữu ở thế giới sống, và khi anh chiếu lại cuộc đời của mình cho 22. Tất cả những khúc đó chỉ thấy được anh bên chiếc dương cầm và mải miết chạy ngón. Những đoạn chơi nhạc của Joe không hề có những khoảng nghỉ.
Nó giống con người của Joe vậy, cứ đâm đầu mải miết vào đam mê của mình, còn những vấn đề khác không quan trọng.
“Sao đời ông nhạt vậy?”
Và 22 mang đến cho Joe khoảng nghỉ đó. Vì bản thân cô cũng cần khoảng nghỉ. Và cần được lắng nghe. Hầu hết các phân đoạn khi 22 bắt đầu trải nghiệm sống không có âm thanh của nhạc cụ, thậm chí có những đoạn đệm ấy cũng nhẹ nhàng, mang hơi thở cuộc sống. Đa số là tiếng người nhẹ nhàng giao tiếp với nhau, tiếng cắn của miếng bánh pizza, và tiếng lá vàng rơi. 
Có lẽ chính từ con mắt còn lạ lẫm, khi sống trong cơ thể của một người, 22 cảm thấy mọi thứ lúc này mới thực sự là sống. Trước khi sống ở trên You Seminar, mình phải phì cười. Làm sao con người ta sống được khi chưa cảm nhận hết mọi thứ bằng tất cả những giác quan? Và cái tên You Seminar khiến mình cảm thấy chẳng khác gì hội thảo đa cấp vậy - nơi diễn giả chỉ có việc nói liên mồm còn cảm nhận của người khác thì họ không cần biết.

Coi cảnh này đến giờ vẫn cười không nhặt được mồm. Nguồn ảnh: Kenh14.vn
Những phân cảnh kể về thất bại của 22 trước khi gặp những mentor cây cao bóng cả - tất cả những gì hồi lại trong cô chỉ là những cuộc cãi nhau tóe lửa, cả hai gân cổ hét vào mặt nhau để bảo vệ ý kiến của mình.
Không có cuộc đối thoại nhẹ nhàng nào trước khi cãi vã xảy ra. Chẳng ai chịu lắng nghe nhau cả. 
Thậm chí ở Great Before, nơi cô lẩn tránh, không ngớt những tiếng đùa náo nhiệt của linh hồn non, tiếng giáo điều của những kiểm soát viên. Điều nực cười, khi thính giác là thứ duy nhất nhạy cảm nhất, chi phối 22, thì xúc giác lại không có. Chỉ đến khi ở trần gian Trong thân xác của Joe, 22 mới tìm thấy được sự yên lặng, khi đi bộ qua những dãy phố và trò chuyện với những người xung quanh. Chỉ khi ở Trần gian, cô mới cảm nhận được cuộc sống bằng tất cả các giác quan của mình.
Thông điệp tận hưởng và tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời ở đây không còn là tận hưởng và yêu những điều nhỏ nhặt nhất. Chỉ đơn giản là hãy luôn cảm nhận hơi thở của cuộc sống, bằng tất cả giác quan. 
Mọi người nghe bài này trước. Xong đi xem cảnh có bài hát này đi. Nó là khoảnh khắc mà Joe dần học cách chấp nhận thêm những cái tôi khác í <3

22: giá trị của thinh lặng và lắng nghe

Trở lại câu hỏi ở đoạn đầu, vì sao học trò của Joe ban đầu muốn bỏ học nhạc, cuối cùng lại trở về với niềm đam mê của mình?
Câu trả lời là: 22 trong thân xác của Joe đã nói chuyện với cô bé ấy bằng chính sự thấu cảm.
Connie (học trò của Joe): Thưa thầy em muốn nghỉ học. Em thấy nhạc vô cùng nhạt nhẽo, chẳng có mục đích gì để em theo đã.
Joe nói với 22: Nó muốn nghỉ thì cho nó nghỉ, đừng nói năng gì cả. Đừng làm lớn chuyện lên.
22 khi đó đã mở cửa và ngồi lại nói chuyện với Connie.
22: Cũng như em, tôi cũng thấy giáo dục chẳng có mục đích gì cả. Suốt ngày vào lớp chỉ cầm tập sách và nghe giảng. Connie : Đúng vậy, chẳng nghĩa lý gì.
Mình không nhớ rõ tường tận đoạn đối thoại đó, nhưng cuối cùng sau một thời gian xuôi chiều, cô bé cũng tự nói rằng mình cảm thấy sợ khi chơi bản nhạc của mình không tốt, 22 đã lắng nghe đoạn nhạc và khen Connie. Connie sau đó đã tiếp tục chơi kèn trombone.
Hai cuộc đối thoại sau đó, một với người thợ cắt tóc, và sau đó là với mẹ của Joe cũng thế.  22 chỉ nhẹ nhàng hỏi han người thợ về câu chuyện cuộc đời anh. Lần đầu tiên, Joe mới thực sự hiểu rõ cuộc đời của một người mà mình hằng trò chuyện. Còn với người mẹ, 22 thay thế Joe nói lên ước vọng của mình về việc có được buổi trình diễn để đời, đuợc công nhận. Và ở nơii người mẹ đã nơi cất giữ bộ suit mà người cha mang đi trình diễn ấy, có một bảng hiệu mang tên “Sewing for the the Souls” - hàn gắn tâm hồn, như một gút thắt về sự làm lành của những tổn thương. Những gánh nặng cơm áo gạo tiền làm mất đi phần hồn, mau chóng được hàn gắn bởi sự im lặng của đường kim mũi chỉ.
Ở những cảnh này, chỉ có tiếng cắt của cây kéo, hay tiếng lạch tạch của chiếc máy may. Tuyệt nhiên không có cao trào của âm nhạc. Và vấn đề của Joe như những nghệ sĩ nói chung là sở hữu cái tôi quá lớn. Anh đã quá lạm dụng tiếng nhạc để giải quyết những vấn đề của mình. Trong khi ở những người xung quanh anh, ngôn ngữ chính lại là sự thinh lặng và giao tiếp. Sự bất đồng về thể hiện ngôn ngữ và cảm nhận âm thanh khiến họ mất kết nối lẫn nhau. 
22 thổi hồn vào con người anh sự kết nối, lắng nghe và mở lòng với những câu chuyện của người khác. Và giúp anh dần tập làm quen với những âm thanh mới: những tiếng động của cuộc sống và thinh lặng. 
Và với mình, đoạn đắt giá nhất, không phải là bất kỳ lời tham vấn nào, lời thoại nào của nhân vật. Những thứ ấy, sau này bạn có thể kiếm phim lại, đọc sub tiếng Anh để thấm từng chữ. Bạn có thể viết hay hơn mình. Mà là đoạn Joe ngồi lặng lẽ ở một góc nhà, ngắm nhìn chiếc lá vàng rơi, nhìn chiếc lá rụng và những bông chò nâu bay phấp phới trong những tia nắng vàng nhảy múa. Mình không biết ngụ ý của nhà làm phim khi ấy là gì, nhưng nếu đã ẩn ý về cái chết, mình có thể suy diễn về sự ngắn ngủi của cuộc sống: con người một ngày nào đó cũng sẽ chết một cách lặng lẽ. Chiếc lá ấy đã dành thời gian ngắn ngủi ở trên cành để xanh, đón những tia nắng hằng ngày, không cất tiếng nói để tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống. Vòng đời của lá và hoa ngắn để tận hưởng đủ vẻ đẹp của xung quanh. Cớ sao con người chúng ta lại không dành khoảnh khắc lặng yên để tận hưởng điều đó.

Cảnh mình thích nhất phim. Nguồn ảnh: CNN.com
Mọi thứ chỉ lên đến cao trào khi Joe thực sự biểu diễn buổi để đời của mình. Trong thân xác của 22, những đam mê và nhiệt huyết của anh không hề bớt. Công chúng vỗ tay, mẹ và các dì của anh cuối cùng cũng công nhận về sự nghiệp của anh. Những tưởng cuộc đời mình sẽ khởi sắc, cuối cùng Joe lại chưng hửng sẽ phải chơi lại đoạn nhạc y như cũ vậy. 
Bỏ qua câu chuyện về triết lý đại dương- vũng nước của Dorothea Williams đi. Thứ mình muốn nói ở đây, là Joe đã tạo cho mình một bản hit để đời, đoạn chạy ngón một lần duy nhất. Nhưng cuối cùng anh phải thất vọng khi phải biến thứ âm thanh đó thành phong độ và sự hằng định trong cuộc sống của mình.

Trở thành người nghệ sĩ, không phải lúc nào cũng sẽ giống như những khúc luyến láy chạy ngón được. Không phải lúc nào cũng có cao trào được. Và nhiều khi để tiếp tục bước đến những cao trào mới hơn, phải chấp nhận những khoảng bình thường và cả khoảng nghỉ.
Giống như những bản nhạc dương cầm, sẽ có những nốt đen thường, nốt móc đơn, móc kép. Nhưng giữa các đoạn chuyển giao vẫn sẽ có những nốt lặng tròn.
Bản thân Joe là người nghệ sĩ dương cầm. Anh chắc chắn đã chơi cả hàng trăm, hàng nghìn bản nhạc rồi. Cuộc đời anh liên tục là những nốt đen của sự chán nản, móc đơn và móc kép của những hối hả và muộn phiền, móc trắng của những nhịp nghỉ ngắn hay bất lực về hy vọng của mình. Thứ bây giờ anh cần là những nốt lặng tròn, để anh tập cảm nhận những thanh âm khác xung quanh. 
Và dần dà mình nhận ra giá trị của những bản hit. Sẽ có những người tạo ra One Hit Wonder, và sau đó không tạo nên những bản hit khác (một thuyết âm mưu là trong rạp khi hết ending credit của Soul rồi xuất hiện bài Happy của Pharell Williams- One Hit Wonder của ổng). Có những người tạo nên rất nhiều bản hit, nhưng để làm được điều ấy cũng phải có những lúc họ im hơi lặng tiếng. Họ cần khoảng nghỉ. 

Câu chuyện về tinh hoả và việc tìm kiếm tiếng nói bên trong của mình

 “Thích thú quá thì cũng đâm ra lạc lối.”
Đó là câu nói của một hướng dẫn viên của Great Before khi Joe hỏi lại ý nghĩa của việc đào tạo những linh hồn để đến với trần gian. Mục đích cuối cùng của việc sống không phải là tìm kiếm niềm đam mê, mà để tìm thấy ý nghĩa cuộc đời.
Mình nhìn nhận điều này theo một cách khác. Ở Great Before, luôn xuất hiện rất nhiều âm thanh của sự náo nhiệt, thích thú. Thậm chí người đáng ra huấn luyện cho 22 cũng là một nhà trị liệu thiên về nói năng. Có thể nói, Great Before không hề thiếu sự thích thú. Nhưng chính việc có quá nhiều âm thanh đó đã cản trở 22 tìm kiếm tiếng nói bên trong của mình.
Mình thích cách Soul khắc hoạ khi 22 trở thành linh hồn lạc lối (lost soul). Lúc Joe chui vào 22 ở bộ dạng bóng đen ấy, anh chứng kiến tất cả những tiếng nói của tất cả những người từng mentor cho cô phía bên ngoài dìm cô xuống, khiến cô hoảng loạn và sợ hãi. Nó cho thấy bên ngoài một con người có vẻ là quái vật, sẽ luôn tồn tại một linh hồn yếu đuối bất an.
Joe đi thẳng vào bên trong con người đó, ôm chầm lấy 22. Vỏ bọc quái vật bên ngoài biến mất.
Thứ Joe giúp 22 về với Trần gian, chỉ là một cái chạm.
Trước 22, có một trường hợp về anh nhân viên tài chính. Ở trần gian, ngày ngày anh ngủ vùi vì chán nản với những con số. Để cứu anh, mình nhớ là đã có một ai đó đến và đưa anh cái chạm.
Điều đó làm mình nhớ đến việc mình hay buồn ngủ mỗi buổi sáng. Để tỉnh giấc, nhiều lúc mình vẫn hay cắm tai nghe để tránh việc phải ngồi yên hay tập trung vào thứ gì đó. Về nhà lại cắm tay nghe vào máy tính và điện thoại liên tục, bật bản nhạc chỉ để né tránh và cho mình cái thứ gọi là “thời gian thư giãn”. Nhưng vô hình trung, những khoản thời gian đó biến thành thời gian chết. Mình đâm ra trì trệ, buồn ngủ và bỏ luôn thứ cần thiết mà mình cần làm trong ngày.
Có một lần năm lớp 8 khi mình bật tai nghe khi học, bố đã mắng và cấm mình vì bảo việc đó khiến mình mất tập trung. Sau này bố chỉ nhẹ nhàng nói nghe nhiều sẽ loạn óc. Không biết sao, nhưng dần dà mình ngẫm lại thấy điều đó là đúng.
Rất nhiều người xung quanh sáng cắm tai nghe, nhưng vẫn vật và vật vờ. Đi đến các quán cà phê, cửa hàng và trung tâm thương mại đều không thiếu nhạc với âm sắc cao từ các loa, máy. Nhạc vừa phải có thể khiến người đến thích thú đôi chút, nhưng càng ngày gây nhức đầu. Bạn có bao giờ ngồi yên quá lâu ở những nơi ấy, trừ mục đích mua sắm tiêu xài cho nhu cầu của mình?
Và những người buổi sáng ngủ vùi vì chán nản, thứ họ cần không phải ở âm thanh. Họ cần một cái chạm, một sự thức tỉnh để có động lực sống. Đánh thức một người buồn ngủ và lạc lối quá sâu không ai dùng tiếng động cả, cái họ cần là cái chạm, quan sát và thấu cảm mà thôi. Và quan trọng cuối cùng, hãy dần để họ tự tạo nên thanh âm của mình, là inner call - thứ âm thanh bên trong dẫn dắt họ định hướng bản thân.
Với linh hồn chưa thành người, cần một Spark để họ thực sự sống. Trong phim, Spark được khắc hoạ như một chiếc huy hiệu gắn trên linh hồn. Nhưng đó chỉ là khuôn khổ. Ý nghĩa lớn hơn của Spark không chỉ là tinh hoả - kiểu ngọn lửa như bản dịch. Theo mình, Spark là một điểm sáng, giống như pháo bông vậy, chỉ chờ để phát nổ và khiến con người sống dậy. Một lần phát sáng và sau đó mãi sáng âm ỉ để sống vậy. 
Giống như những người buổi sáng ngủ vùi vì chán nản, họ cần một tia pháo bông để tỉnh lại và muốn sống. Và để có Spark, mình nghĩ không cần âm thanh để nói lên quá nhiều. Âm thanh có thể là thứ khiến con người có thêm năng lượng, nhưng không đồng nghĩa rằng con người thấy ý nghĩa cuộc đời. Ý nghĩa cuộc đời nằm ở đôi mắt và cái chạm. Pháo hoa cần điểm nhiệt thật chín để phát sáng. Spark cần thời gian để nung nóng, và yên lặng để hình thành.
Đoạn cuối cùng, Joe được cho cơ hội trở lại với Trần gian lần nữa (mà thực ra ổng chết cũng lãng xẹt, chết do không nhìn đường nên mới được dặn là về trần gian đừng có ngáo ngơ nữa). Bây giờ Joe có thể vừa sống hết mình trên những bản trình diễn, nhưng anh cũng sẽ để cho bản thân một khoảng nghỉ, và lắng nghe thêm những âm thanh khác. Và có thể những giác quan của anh bắt đầu có thêm những chuyển biến. 

Một vài câu chuyện của mình

Soul được ra mắt trong thời điểm dịch Covid-19 còn đang hoành hành, và đa phần mọi người ở các quốc gia cũng từng trải qua đợt giãn cách xã hội ít nhất một hai lần rồi. Việc không thể ra ngoài đường khiến chúng ta có dịp nhìn kỹ những người thân thiết như gia đình, bạn bè mình nhiều hơn, và đồng nghĩa phải đối thoại nhiều hơn. Mình biết có những trường hợp khi người ta có cơ hội hiểu rõ và quan sát nhau kỹ hơn rồi, mối quan hệ trở thành tan tành mây khói. Đơn giản vì không thể giao tiếp được với nhau. Mà việc này xuất phát từ sự mất cân bằng trong đối thoại.
1)  khi hai bên có ngôn ngữ nhìn nhận khác nhau 
2) một bên nói quá nhiều bên kia chỉ nghe
3) một người áp cái tôi của mình lên người khác
Và mình trải qua đủ ba điều này trong suốt thời gian giãn cách xã hội đó. Trải qua những mối quan hệ ở xa khi đa phần giải quyết bằng tin nhắn khiến bản thân mệt mỏi. Có những cuộc trò chuyện tạo cảm giác ngộp thở, nhất là qua những tin nhắn trên mạng hay call online vì cả hai đều cố gắng nhắn nhanh nhất có thể. Ban đầu những tưởng vui và rất hợp về suy nghĩ, nhưng sau đó phải chấm dứt vì cảm thấy quá nhiều sự ồn ào trong đó, không có một khoảng nghỉ.
Nhưng rồi, từ điều đó mình bắt đầu tự cải thiện bản thân. Tập lắng nghe hơn chút xíu và ít đánh giá mối quan hệ dựa trên sự tương đồng nhất thời. Và mình càng trân trọng hơn những ai chịu khó đưa mình ra thế giới bên ngoài, ngồi quan sát và cho nhau những khoảng nghỉ cần thiết, để cả hai có thể cùng trưởng thành và tốt hơn.
Mình có thêm một xíu liên tưởng nữa ở đoạn đầu trước khi Joe chết. Thực ra cả cuộc đời của anh khi flashback lại cho 22, tất cả chỉ là những buổi trình diễn và tập dượt trước khi lên sân khấu. Không có khoảnh khắc nào mang sự đối thoại, hay anh quan tâm chăm sóc một ai đó.
Nó chẳng khác gì những chương trình hẹn hò, hay talkshow ngày nay hay thấy trên tivi hoặc Youtube vậy. Đa phần đều là nơi để con người phô diễn bản thân. Bạn có dám chắc tất cả những cuộc trò chuyện ấy là thật không? Những sự đồng điệu chớp nhoáng ngắn ngủi, không hề có một khoảng nghỉ ấy rồi đi về đâu? Làm sao có thể giao tiếp với nhau, khi chỉ duy nhất có hai giác quan là thính giác nhất thời và lời nói?
Từ nhỏ, tính mình vốn luôn hoạt ngôn. Càng lớn, mình dần quý sự yên lặng, dần bớt nghe nhạc hơn, thậm chí ra ngoài hay ở nhà nói chuyện cũng ít chạm vào điện thoại và máy tính. Dạo gần đây mình thấy mối quan hệ tốt nhất vẫn là việc đối thoại vừa phải, đúng lúc và trực tiếp với nhau. 

Đoạn Joe dạy các em nhỏ trong lớp học làm mình sống lại những ký ức của những lần còn bé khi học nhạc. Mình thú thật, mình học keyboard từ hồi lớp 3, sau đó bỏ vào lớp 5. Một phần do lười, nhưng sau này khi nhìn lại, đó là lý do hoàn toàn khác. Mình chỉ cảm nhận ở thời điểm đó đang đánh đàn theo đúng nghĩa vụ, đúng nghĩa là “đánh vào những phím đàn” không phải chơi. 
Mình chỉ biết làm theo mệnh lệnh của quyển sách dạy đàn, chơi theo rhythm và tempo sách đã dặn. Không cảm được cái nhạc, không hiểu tại sao lại phải chơi như vậy, cũng không muốn phải chia sẻ âm thanh của mình với ai nên cuối cùng bỏ.
Phân cảnh Joe dạy nhạc cho tụi nhỏ, truyền cảm hứng và hồn cho tụi nó khiến mình đồng cảm. Và thực sự thì chưa bao giờ thấy cô giáo của mình chơi đàn, chỉ toàn những lời phê bình và dặn dò cứng nhắc. Họ không dạy được mình cảm giác như trong phim, đó là “float on the stage”, thả lỏng bản thân, không nghĩ ngợi gì cả, chỉ biết mình và những nốt nhạc ở đó. Buổi học piano đầu tiên ở nhà thiếu nhi, mình bị mắng không rõ nguyên do mình chưa quen khi không hiểu nhịp là gì. Sau đó được chuyển qua học người cô khác học đàn keyboard, mình dần biết mới biết thế nào là hợp âm. Đến khi chạy ngón vào lớp 4, mình thích thú khi được được chạy ngón. Khi chơi những bản tiết tấu ấy, mình quên hết tất cả. Dù chạy ngón rất mệt nhưng nó tạo mình cảm giác phiêu, nhất là một vài bản classic, khi mình cảm thấy được nhảy múa ngay trên phím đàn. 
Chí ít, mình cũng đã có được những khoảnh khắc tuyệt vời như thế. Nhưng tiếc thay, niềm hạnh phúc ấy không được lâu. Đơn giản vì mình không được nghe nhạc để cảm thụ thêm cái hay, rồi cái hồn vào bản nhạc. Dù sau này nhiều lần hối tiếc khi biết có thể đi dạy thêm nhạc nếu học hành đàng hoàng, nhưng mình tìm thấy cái “hồn” của mình trong việc khác- đó là viết và vẽ.
Vẽ cho mình cảm giác của sự bất chấp, bứt phá và tưởng tượng. Viết cho mình phần hồn của sự chia sẻ. Và mình chỉ thấy thoải mái khi làm điều ấy lặng lẽ một mình, tức là có dùng hơi thở và khoảng nghỉ để cảm nhận được. Và thực ra kể cả khi mình không thực hiện điều đó thường xuyên, cái hồn đó bằng một sự kỳ diệu nào đó, thi thoảng sống lại và thức tỉnh mình. 
Và đó là lý do khi dịch “Soul” thành “Cuộc sống nhiệm màu”, mình cảm thấy nó chưa đủ để nói. Đồng ý rằng cuộc sống nhiệm màu là đích đến cuối cùng, là thứ mà Joe Gardner và 22 tìm thấy được sau bao loay hoay về cuộc đời mình, nhưng đó chỉ là phần ngọn. Cái gốc nằm ở chính từ ngữ “Soul”. “Soul” cũng không phải cảm giác phiêu.  “Soul” là linh hồn, nhưng nói rộng ra, nó là phần “hồn”, thứ tạo nên bản thể của mỗi con người. “Hồn” là thứ để mình hiện hữu, để thở, chạm, đối thoại và nếm những gia vị và âm hưởng của cuộc sống này. Chỉ khi có được khoảng lặng, phần “Hồn” mới được lộ rõ để thấy hết vẻ đẹp của cuộc sống này. 
Để kết lại bài viết, mình xin gửi bạn một trích đoạn mình từng rất tâm đắc trong quyển sách "Âm thanh của thinh lặng". Yoshio, cậu bé trong quyển sách đi khắp các nơi để tìm câu trả lời cho thắc mắc của mình "Âm thanh đẹp nhất là âm thanh nào?". Cậu rong ruổi trên cuộc hành trình cảm nhận mọi âm thanh từ hùng tráng nhất đến nhỏ nhặt nhất - từ thành phố Tokyo luôn náo nhiệt như bản hòa nhạc khổng lồ, đến khu rừng, trong nhà và rồi dừng chân ở lớp học. Để cuối cùng cậu nhận ra rằng thinh lặng luôn len lỏi giữa những thanh âm. Điều ngạc nhiên ở đây chính là ông cụ chơi đàn koto đã trả lời thinh lặng là âm thanh đẹp nhất trước khi cậu bé bắt đầu khám phá. Mình xin trích lại đoạn lời tựa của tác giả Katrina Goldsaito với quyển sách này.
“Người Nhật quan niệm “ma” - thinh lặng - là khoảng lặng giữa các âm thanh. Đó là khoảng lặng giữa các âm thanh. Đó là khoảnh khắc khi các nhạc công cùng ngừng lại, và thinh lặng là trung tâm của âm nhạc, vũ điệu, nghi lễ trà đạo, nghệ thuật cắm hoa, kể chuyện và thậm chí cả nghệ thuật truyền thống Nhật Bản. [...]
“Dòng chảy âm thanh” của Tokyo chính là điều mà cậu bé Yoshio yêu thích. Hồi tôi còn nhỏ, cha dạy chúng tôi thiền định bằng cách lắng nghe những âm thanh xung quanh. Sau đó, ông hỏi chúng tôi: “Các con nghĩ bao nhiêu thời gian đã trôi qua?” Và chúng tôi không bao giờ biết là năm phút hay ba mươi phút đã qua. Tính co giãn của thời gian khi Yoshio cảm thụ tất cả những âm thanh quanh mình là một phần của mục đích hành Thiền về sự hiện diện giữa hiện tại.
Cuối cùng, quan niệm về “ma” - thinh lặng - là điều mà cậu bé Yoshio tìm kiếm và đã tìm thấy, và “ma” là sự tĩnh lặng mà chính bạn cũng có thể tìm được trong những khoảng không giữa các âm thanh.”
P.s: mình viết bài này cũng đã phải nghỉ chục lần viết đi viết lại rồi.
Cái tít này là trigger thôi nhé.
 Cảm ơn bạn đã đọc.
Tặng bạn thêm một bài hát
Vĩnh Anh
Special thanks to Buoi Than for the chit-chat and feedback.