Chắc hẳn các bạn đã từng nghe đến câu chuyện sau:
Một hôm nọ, vị giáo sư mang đến lớp vài hòn đá, vài viên sỏi, một bịch cát và một chiếc lọ thủy tinh. Ông ra đề cho các sinh viên của mình làm sao đặt vừa hết đá, sỏi và cát vào trong chiếc lọ. Những sinh viên thử cho sỏi và cát vào trước sẽ thấy rằng những hòn đá cuối cùng sẽ không vừa. Từ từ, vị giáo sư đưa ra giải pháp cho vấn đề: ông đặt những viên đá vào trước, sau đó là những hòn sỏi, và cuối cùng thì đổ cát vào. Kết quả ? Tất cả đều đựng vừa trong chiếc lọ. Bài học ở đây là bạn cần phải dành thời gian cho những thứ quan trọng trước, sau đó đến những thứ bớt quan trọng hơn, và cuối cùng là những thứ không quan trọng / ít quan trọng nhất. Theo đó, bạn có thể hoàn thành tất cả mọi việc. Và nếu bạn không đặt hòn đá vào trước, bạn sẽ nhận ra mình không thể bỏ vừa chúng vào nữa.
Nguồn ảnh: https://mcg-corp.vn/2020/10/05/cau-chuyen-vien-soi-va-ky-nang-quan-ly-thoi-gian/
Nguồn ảnh: https://mcg-corp.vn/2020/10/05/cau-chuyen-vien-soi-va-ky-nang-quan-ly-thoi-gian/
Câu chuyện kết thúc ở đây.
Nhưng không, tất cả chỉ là một cú lừa.
Vị giáo sư đáng kính đã gian lận. Ông đã mang đến lớp chỉ một vài hòn đá, vài hòn sỏi, và một chút cát. Ông đã biết trước rằng tất cả sẽ đựng vừa trong chiếc lọ (theo thứ tự mà ông muốn truyền tải đến sinh viên của mình).
Vấn đề quản lý thời gian trong thực tế lại không đơn giản như thế. Không phải là chúng ta không biết phải cho những hòn đá trước rồi mới đến hòn sỏi và rồi đến cát, vấn đề là, có quá nhiều hòn đá - và đa phần trong số chúng sẽ chẳng bao giờ có chỗ trong chiếc lọ bé nhỏ kia. Chúng ta buộc phải lựa chọn, không phải là chọn giữa đá và sỏi, vì chúng dễ phân biệt và lựa chọn hơn, mà là lựa chọn giữa vô số các hòn đá.
Quỹ thời gian của chúng ta (chiếc lọ) là hữu hạn. Nếu vị giáo sư mang đến một đống đá to và hỏi cách nhét vừa chúng vào chiếc lọ, chắc hẳn các sinh viên sẽ nghĩ ông có vấn đề về thần kinh. Vì đơn giản điều đó là không thể. Ấy thế nhưng đó chính xác là điều mà những cuối sách self-help, những podcast hay video youtube về quản lý thời gian đang cố gắng rao giảng : Get all things done. Thay vì lựa chọn và buộc phải từ bỏ những thứ quan-trọng-ở-một-mức-độ-nào-đó, chúng ta cố gắng gò ép bản thân, áp dụng ‘7 thói quen của người thành đạt’, ‘5 nguyên tắc quản lý thời gian cho bạn trẻ’, multi-tasking để làm được tất cả mọi việc, từ đó những lựa chọn khó khăn là không cần thiết.
Sự thật là, bạn sẽ không bao giờ có đủ thời gian cho tất cả những thứ bạn muốn làm (hoặc người khác muốn bạn làm). Nếu bạn cố bỏ thật nhiều hòn đá vào cái lọ, nó sẽ vỡ (burn out).
Tệ hơn nữa, mạng xã hội xuất hiện, dần khiến những lựa chọn của chúng ta trở nên khó khăn hơn gấp nhiều lần.. Nếu bạn lướt Facebook trong vòng 1 giờ đồng hồ, và tự an ủi bản thân rằng :ồ, vậy cũng được, mình chỉ lãng phí có 1 giờ mà thôi, thì bạn đã nhầm. Mạng xã hội được thiết kế không phải để ưu tiên đề xuất những thứ đúng sự thật, mà là những thứ có thể tác động mạnh mẽ đến tâm trí của người dùng. Một cách có hệ thống, chúng bóp méo cách mà ta nhìn thế giới. Chúng ảnh hưởng đến cách ta định nghĩa một thứ là quan trọng : từ những nguy cơ về dược phẩm giả, các yếu tố chính trị, và hàng nghìn thứ khác nữa - qua đó trực tiếp ảnh hưởng đến cách mà một người sử dụng thời gian ‘offline’ của anh ta. Lấy ví dụ, nếu mạng xã hội thành công thuyết phục bạn rằng tệ nạn xã hội, trộm cướp hay tình hình ô nhiễm ở nơi bạn sống đang trở nên đáng báo động (hơn nhiều mức thực tế), bạn sẽ đi ngoài đường với một nỗi sợ vô hình, dành thời gian ở nhà nhiều hơn là ra ngoài, tránh tiếp xúc với người lạ. Nếu tất cả những gì chúng ta thấy trên internet là tham nhũng và hối lộ, chúng ta dần trở nên mất niềm tin, coi tất cả những người có quan điểm khác với mình cũng đều xấu xa như những người tham nhũng kia, từ đó khiến cho các mối quan hệ dần trở nên khó để duy trì. Chính vì thế, mạng xã hội không chỉ làm chúng ta phân tâm khỏi những điều quan trọng với bản thân, chúng khiến ta quan tâm đến những điều ta không muốn quan tâm, cuối cùng là cách mà ta định nghĩa về những gì là quan trọng ngay từ đầu, tức tạo ra quá nhiều ‘hòn đá’.
Việc có quá nhiều bạn trẻ trở nên ‘thành đạt’ và khoe chúng trên mạng càng hối thúc nhiều người cần phải nhanh hơn nữa, làm sao nhồi tất cả những hòn đá to đó vào trong chiếc lọ vốn đã nhỏ bé của mình. Sau đây là những ‘hòn đá’ tiêu biểu mà mình cho rằng nhiều người đang có nhất, cũng như được nhồi nhét nhiều nhất trên mạng xã hội:
- Hòn đá kiếm nhiều tiền (riêng hòn đá này có khi cũng đã to hơn chiếc lọ của rất nhiều người rồi)
- Hòn đá phải trải nghiệm, phải đi (đưa bố mẹ đi) khắp thế giới.
- Hòn đá body chuẩn
- Hòn đá giỏi ngoại ngữ
- Hòn đá lập gia đình
- Hòn đá nuôi dạy con cái
và rất, rất nhiều nữa.
Vậy chúng ta cần làm gì, khi mà có quá nhiều hòn đá chờ bạn xếp vào chiếc lọ ?
Câu trả lời duy nhất là: chúng ta buộc phải lựa chọn.
Lời khuyên của Buffett là: hãy liệt kê 25 điều mà bạn muốn làm nhất, sắp xếp theo thứ tự từ quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất. Năm điều đầu tiên, Buffett nói, phải là những gì mà bạn dành toàn bộ thời gian của mình cho chúng. 20 điều tiếp theo, không phải là bạn sẽ làm chúng mỗi khi rảnh hoặc mỗi khi hứng thú, mà là TRÁNH BẰNG MỌI GIÁ— bởi vì chúng là những điều không đủ quan trọng đối để tạo ra những chuyển biến đáng kể trong cuộc đời của bạn, nhưng cũng đủ hấp dẫn để khiến bạn phân tâm khỏi những thứ quan trọng nhất.
Với bản thân người viết, mình chọn con số 3 để bắt đầu: viết ra tất cả những điều mình muốn thực hiện, sắp xếp và chọn ra 3 điều quan trọng nhất, tất cả những thứ còn lại, tránh bằng mọi giá. Một khi hoàn thành được 1 trong 3 điều quan trọng nhất, mình sẽ chuyển nó sang ‘done list’, sau đó tìm ra một ‘ứng cử viên’ trong danh sách dự bị kia cho vào đội hình ‘chính thức’. Cứ như thế, mình sẽ dành tâm trí để chỉ tập trung vào những điều thật sự có khả năng thay đổi cuộc đời, và cảm thấy yên tâm khi nhìn vào ‘done list’ chứ không chỉ chăm chăm ‘to-do-list’ như ngày xưa nữa.
Hy vọng các bạn sẽ nhận được một giá trị nào đó từ bài viết.
Have a good holiday.
01/09/2022