Chúng Ta Có Nhiều Hơn Thế
Lần cuối mình thực hiện bài kiểm tra tính cách MBTI có lẽ là năm 2014, trước khi mình vô năm nhất đại học. Những lần kiểm tra trước...
Lần cuối mình thực hiện bài kiểm tra tính cách MBTI có lẽ là năm 2014, trước khi mình vô năm nhất đại học. Những lần kiểm tra trước đó mình đều rơi vào một trong hai nhóm: INTJ hoặc INFP. Mình đã quên mất hai nhóm người đó cụ thể là như thế nào, mình chỉ còn nhớ chữ I là viết tắt của Intuition (thiên hướng sử dụng trực giác).
Mình đi coi bói Tarot hai lần. Một lần là trước khi đi New Zealand học, lần thứ hai là được một bạn bói miễn phí cho xem khi đã về nước. Cả hai lần đều cho hai mục đích khác nhau nên không thể so sánh được kết quả: lần đầu là về cuộc sống của mình ở nước ngoài, lần thứ hai là về bản thân mình. Cả hai lần bói xong mình đều viết note lại ý nghĩa của những lá bài. Đây là 8 lá bài mình bốc được trong lần coi bói thứ 2, chia sẻ với mọi người.
Mình chưa đi coi bói phong cách dân gian bao giờ, tức xem chỉ tay, xem nhân tương học, xem tướng số. Coi ở đây tức là đi gặp một "thầy chuyên nghiệp", lành nghề lâu năm để coi. Tất nhiên trong cuộc sống khi tiếp xúc với người này người kia, sẽ có người coi ngẫu nhiên cho bạn, kiểu: "Ồ các ngón tay trong bàn tay của em không khít vào nhau, sau này dễ mất tiền này."
Rồi cũng như những người khác khi bắt đầu hành trình tìm hiểu bản thân, mình đọc về tâm lý học, đọc về những tính cách, con người khác nhau, đọc về hướng nội hướng ngoại, đọc những bài theo kiểu: 6 dấu hiệu đây là người ái kỷ, 5 dấu hiệu mối quan hệ này độc hại, tại sao bạn nên yêu những cô gái thông minh.
Thế rồi sự quan tâm ấy chỉ kéo dải được một thời gian ngắn, sau đó mình không còn hứng thú với những điều này nữa. Mình vẫn nghe những người bạn tâm sự về tính cách của họ, cung hoàng đạo của họ, những câu nói bí hiểm họ nghe được từ một người họ hàng nào đó coi tuổi cho họ từ nhỏ. Mình vẫn ngồi nghe nhưng không đóng góp ý kiến của mình vào thêm, vì mình cũng không biết nghĩ gì.
Bởi vì mình nhận ra rằng con người chúng ta có nhiều hơn thế
Đọc thêm:
Chúng ta to lớn hơn những cái nhãn
Mình đã từng yêu một người mà có lẽ nếu người khác nghĩ vào sẽ nhanh chóng gọi người đó là "toxic", "passive aggressive", "emotional unstable". Và cách tốt nhất cho bản thân chúng ta đó là, theo những lời khuyên của vô số người trên Internet, chúng ta nên tránh những người như thế. Nhưng trong đầu mình đã có cảm giác rằng chúng ta đang trừng trị những người đáng lẽ phải cần sự giúp đỡ. Qua những tâm sự, chia sẻ, những câu chuyện của bạn, mình hiểu rằng con người mình tiếp xúc đó là kết quả của rất nhiều thăng trầm trong cuộc sống, được tạo nên bởi nhiều tầng lớp cảm xúc khác nhau, với nhiều khao khát cũng như dằn vặt nội tâm. Điều tàn nhẫn mà chúng ta có thể làm là đơn giản hóa những trải nghiệm của người đó và gói gọn chúng vào những cái nhãn giúp chúng ta dễ hình dung, nhưng hoàn toàn hiểu sai lệch vấn đề.
Chúng ta thích dán nhãn bởi vì nó khiến cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng. Nó khiến cho thông điệp của chúng ta dễ dàng lan tỏa và được hiểu bởi nhiều người hơn. Hãy xem những buổi drama live stream gần đây, có thứ gì khiến hàng trăm nghìn người xem dễ dàng nắm bắt được ý của người nói hơn là những nhãn mác "con đ*", "kẻ lừa đảo", "bọn rác rưởi" được sử dụng vô tội vạ.
Dán nhãn cũng khiến chúng ta cảm thấy an tâm hơn về bản thân, bởi điều chúng ta khó chấp nhận nhất là thấy con người mình như một cái hố đen, nhìn vào không biết mình là ai.
Nếu bạn dành thời gian để nghe nhiều người tâm sự khác nhau về cuộc sống của họ, bạn sẽ như thấy được sự phức tạp trong trải nghiệm của từng người, và càng cố gắng gán họ vào những nhãn mác nào đó càng khiến chúng ta trở nên xa cách họ. Thay vào đó nên nghe và cố gắng hiểu mọi việc như bản chất vốn có của nó. Tất nhiên không thể tránh được việc gán một tính từ cho một người, bản tính của chúng ta là như thế. Nhưng hãy dùng nó một cách thật cẩn trọng. Đừng coi đó là một thứ cố định không thể lay chuyển.
Mình không nói rằng những cách phân định tính cách con người là sai, những gì thẻ bài tarot chỉ cho chúng ta hoàn toàn là không đúng. Mình vẫn thấy trải nghiệm làm MBTI và bói tarot rất thú vị. Nhưng đối với mình những điều đó sẽ không bao giờ đúng mãi mãi, chúng sẽ chỉ như những gợi ý nhỏ cho biết con người mình là như thế nào.
Giống như Haruki Murakami đã viết:
I sometimes think that people’s hearts are like deep wells. Nobody knows what’s at the bottom. All you can do is imagine by what comes floating to the surface every once in a while.
It's only confusing if you believe it has to make sense.
It's only confusing if you believe it has to make sense.
Dịch nghĩa là:
Tôi đôi lúc nghĩ rằng trái tim con người giống như giếng khơi. Không ai biết dưới đáy giếng là gì. Tất cả những gì bạn có thể làm là tưởng tượng những thứ có trong giếng đó bằng cách quan sát những thứ đôi lúc nổi lên mặt nước.
Bạn sẽ chỉ cảm thấy bối rối nếu bạn tin rằng những thứ nổi lên đó có ý nghĩa.
Vậy thì chúng ta tìm ra đường đi cho bản thân trong cuộc sống này như thế nào. Mình nghĩ rằng chúng ta cần tư duy xác suất.
Đọc thêm:
Tư duy xác suất
- Qua câu chuyện của em anh thấy có lẽ em sẽ phù hợp với một ngôi trường nhỏ, không quá ồn ào, nơi em sẽ dễ tạo ra mối quan hệ bền chặt hơn, vì mọi người ít quan tâm tới danh tiếng.
Đó là một lời nhận xét thể hiện tư duy xác suất (probabilistic thinking) nhiều hơn. Trong khi đó một lời nhận xét thể hiện tư duy theo hướng tất định (deterministic thinking) sẽ nghe như thế này:
- Anh thấy em hướng nội vậy em không hợp với mấy chỗ kia đâu. Chắc chắn luôn, anh rành em quá mà. Nghe cái là biết rồi. Trường này ổn hơn nè, ở đây cũng yên tĩnh, em vô đó không cảm thấy bị áp lực gì cả.
Rõ ràng chúng ta hay có những tư duy tất định đó trong đầu, một phần là do những nhãn mác chúng ta tự gán cho bản thân. Chúng luôn đi chung với nhau và tạo ra những hàng rào vô hình khiến mình tự bó mình lại. Những ai đã từng nghiện tìm hiểu khám phá về chính bản thân mình hẳn cũng đã từng tự rào mình lại như thế:
1. Mình hướng nội nên mình không hợp để tham gia mấy sự kiện đông người như vậy đâu.
2. Mình không giỏi ăn nói lắm, thôi chắc không nên học về sales-marketing.
3. Mình phải là một cô gái ngoan, phải giữ gìn trinh tiết cho đến khi cưới chồng.
4. Mình là người thuộc tính cách ABCD này, mình sẽ không hợp với mấy thứ khô khan như toán đâu.
Điểm chung của những suy nghĩ ấy là nó khiến chúng ta từ chối trải nghiệm nhiều thứ mới, dần dà tạo ra sự sợ hãi với những điều lạ, và khiến chúng ta chấp nhận thứ sẵn thân quen, dù thứ đó đem lại bao nhiêu phiền muộn cho bản thân.
Hậu quả là chúng ta sẽ nói không với những cơ hội tốt, và nói có với những thứ tệ hại.
Thay vào đó chúng ta phải bớt các suy nghĩ cố định lại và chuyển sang suy nghĩ theo hướng xác suất. Trong xác suất không có đúng hay sai, mà chỉ có độ tin cậy. Ví dụ khi bạn bị đau đầu, bạn lấy panadol ra uống rồi đi ngủ. Khi ngủ dậy bạn hết đau đầu. Vậy thì đó là do cơ thể bạn tự khỏe hay do panadol?
Để tìm ra câu trả lời, các nhà nghiên cứu phải thử thuốc, gồm thuốc thật và thuốc giả (placebo) lên nhiều nhóm người khác nhau. Sau đó họ sẽ đi đến các kết luận với độ tin cậy 95%. Nói đơn giản nó sẽ như là:
- Trong 100 trường hợp thử thuốc, có 95 trường hợp hết đau đầu nhờ panadol, do đó chúng tôi kết luận rằng thuốc panadol có thể chữa trị chứng đau đầu hiệu quả với độ tin cậy 95%.
Các kết quả nghiên cứu luôn đòi hỏi độ tin cậy phải ít nhất là 95%, thậm chí là 99%. Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta không thể lượng hóa được mọi thứ như thế. Do đó chúng ta chỉ có thể rút ra được các kết luận qua những trải nghiệm của bản thân và của người khác, để rồi chúng ta đưa ra được các kết luận rằng:
- Qua những trải nghiệm của tôi, tôi thấy các bạn đồng tính cũng rất vui vẻ hòa đồng và không có gì xấu để bị kỳ thị.
- Qua những trải nghiệm của tôi, những người giàu đóng góp cho xã hội này nhiều hơn chúng ta nghĩ, và chúng ta không nên làm khó dễ việc kinh doanh của họ.
- Qua những gì tôi đọc và thấy được, chúng ta đang bắt các nhân viên y tế chống dịch chịu khổ để vinh danh họ, thay vì làm những điều thiết thực để khiến công việc của họ đỡ cực nhọc hơn mà vẫn hiệu quả.
Tư duy xác suất giúp chúng ta cởi mở hơn và thoát được nhãn mác này. Nó ngầm nhắc chúng ta rằng những gì chúng ta biết chỉ là một phần nhỏ, và rằng chúng ta nên sẵn sàng đón nhận các phản bác từ người khác. Nó giúp chúng ta đi theo các lối mòn về đúng về sai, về việc tôi là ai, cô là người như thế nào.
Điều này đã thể hiện trong bài về tư duy Bayes chia sẻ bởi anh Gerard Do
Con đường ta vạch ra
Có lẽ mình đã thay đổi cách tiếp cận vào cuộc sống trong một lần tâm sự với bạn của mình. Lúc đó mình đang cảm thấy bế tắc với tương lai và không rõ hướng đi tiếp theo như thế nào, thì bạn mình đã nói chuyện cả đêm, và nhắn rằng:
- Cậu phải tự tạo ra lối đi thôi. When there's a will, there's a way.
Điều đó có nghĩa rằng mình phải làm mọi thứ cần thiết để vươn lên, chuyện mình hướng nội hay hướng ngoại, mình thích gì và muốn gì không còn quan trọng bằng việc mình phải làm gì. Nhưng làm sao mình biết được cần phải làm thế nào, cần phải làm gì?
Mình đã may mắn không bị ám ảnh với những quyết định đó. Có những người đã bị ám ảnh bởi các quyết định, họ nghĩ rằng các quyết định đó sẽ thay đổi cuộc đời họ mãi mãi và do đó họ phải đưa ra được các quyết định rất đúng đắn, ngay từ đầu.
Nhưng mà thật ra chúng ta sẽ không bao giờ tìm ra được quyết định đúng đắn ngay từ đầu cả. Thậm chí chúng ta sẽ không biết phải làm gì cả. Điều chúng ta có thể làm đó là làm ngay, khám phá các lựa chọn mới và, vô tình, chỉ từ sự vô tình thôi, chúng ta sẽ rẽ vào được một con đường mà chúng ta thấy đúng đắn.
Để làm được điều đó chúng ta phải trải nghiệm nhiều, bỏ đi các rào cản vô hình tạo ra bởi các nhãn mác, luôn suy nghĩ theo hướng xác suất, cập nhật các trải nghiệm để tăng độ tin cậy lên, chấp nhận rằng mình sẽ sai và phải thử lại.
Cuối cùng bạn sẽ nhận ra rằng bản thân chúng ta rộng lớn hơn chúng ta nghĩ, rằng chúng ta có thể làm được nhiều hơn thế và cuộc sống ngoài kia dù có rối rắm như thế nào, thì mình vẫn tìm ra được hướng đi cho mình.
Một số bài viết đáng đọc:
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất