Xin chào các nô lệ tư bản! Năm nay các bạn có giàu hơn năm ngoái không? Có tiền ăn tết chưa? Hẳn là giàu rồi, vì tôi nghe đồn các bạn bị công ty quỵt tiền thưởng cuối năm. Nhưng mà không sao, tôi có cách kiếm thêm thu nhập trong những ngày buốt giá này. Nếu các bạn muốn kiếm thêm… hãy để lại số điện thoại dưới phần bình luận. Tôi sẽ liên hệ bạn trong phi vụ kế tiếp.

XUẤT PHÁT ĐIỂM NGHIÊN CỨU.

Keanu Reeves nằm lề đường tâm sự với người vô gia cư.
Keanu Reeves nằm lề đường tâm sự với người vô gia cư.
Cách đây nửa tháng, tôi có xem tin tức về những người hành nghề “vô gia cư” ở thủ đô. Họ thường xuyên tập trung ở phố Hàng Đậu để “làm ăn”, với công cụ hành nghề là: quần áo rách rưới phong cách cô bé bán diêm; cách hành văn dở ẹc, nhưng chạm vào insight của các nhà hảo tâm. Nội dung văn mẫu kể về nỗi đau quá khứ, hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật triền miên thiếu thuốc chữa. Cứ như thế mỗi đêm, thu nhập của họ có thể lên đến cả triệu đồng.
Để thuận tiện di chuyển giữa các tụ điểm nhận quà từ thiện, họ sắm cho mình những con xe sang LX, Vision và Lead. Tất nhiên, bọn họ đều sở hữu bất động sản thủ đô, thậm chí có người còn sở hữu biệt thự cổ, là chủ nhân mảnh đất mặt tiền 100m2 trị giá vài chục tỷ đồng.
Tôi cũng muốn nhập băng cái bang Hà Thành để kiếm tiền. Các bạn có muốn theo tôi không? Chắc là không đâu, vì bạn biết nghề này có miếng mà không có tiếng. Nhưng không sao. Trong quá trình nghiên cứu cách làm giàu của nhóm người vô gia cư giả này, tôi chợt phát hiện ra có những người giàu ngầm tự lực chân chính.
Dường như, họ đều tuân theo những quy luật phổ quát về tư duy dùng tiền. Thậm chí, những gia đình quý tộc Đức giàu bền vững qua nhiều thế hệ cũng tuân theo những nguyên tắc tầm thường này. Tất nhiên, giới đầu tư chứng khoán cũng không ngoại lệ. Nếu đã tìm hiểu qua thị trường đầu tư, bạn có thể nhận ra hai nhân vật huyền thoại này.
Meh! Hai ông cụ đeo cà vạt đỏ này thì giàu nứt khố đổ vách rồi. Thực ra tôi muốn đề cập đến hai nhân vật khét tiếng khác.
Như các bạn đã thấy trên ảnh, người đeo kính là Curt Degerman - triệu phú vô gia cư với tổng tài sản 1,4 triệu USD. Còn ông cụ râu trắng mặc áo đỏ tên là Ronald Read - làm nghề thợ máy, nhân viên trạm xăng, bảo vệ siêu thị - là chủ sở hữu của khối tài sản lên đến 8 triệu USD.
Xuất phát điểm của họ rất giống những người giàu ngầm ở Hà Nội. Hai ông có nhà riêng, bề ngoài tầm thường, nghề nghiệp tạo ra giá trị thấp, chi tiêu hà tiện. Đặc biệt, bộ đôi này giàu một cách tầm thường tới mức, không ai biết họ là triệu phú cho đến khi họ chết.
Nghe qua thì thật vô lý, rõ ràng hai ông cụ làm nghề có mức thu nhập còn thua người vô gia cư giả ở phố Hàng Đậu. Nhưng làm thế nào, họ lại có khối tài sản khổng lồ đến vậy?

TIỂU SỬ CỦA HAI TRIỆU PHÚ NGẦM.

Ronald Read - Triệu Phú, Thợ Máy, Nhà Từ Thiện.

Ronald Read trong kỷ yếu trường trung học Brattleboro năm 1940. Nguồn: Wikipedia.
Ronald Read trong kỷ yếu trường trung học Brattleboro năm 1940. Nguồn: Wikipedia.
Ronald Read sinh ngày 23/10/1921, là con trai trong một gia đình nông dân nghèo ở bang Vermont, Hoa Kỳ.
Ở thời niên thiếu, ông là một đứa trẻ hiếu học khi đã thường xuyên đi bộ từ nhà đến trường trên con đường dài bốn dặm.
Năm 1940, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Read tốt nghiệp trường trung học Brattleboro. Theo tiếng gọi tổng động viên của quốc gia, chàng thanh niên Ronald Read tham gia quân đội Hoa Kỳ, tác chiến ở Bắc Phi, Ý, và mặt trận Thái Bình Dương. Trong thời gian đó, Read làm việc dưới nhiều vai trò khác nhau như cảnh binh, thợ máy quân sự.
Sau 5 năm cống hiến, Ronald Read giải ngũ trong danh dự và trở về nơi ông sinh ra. Tại đây, ông đã làm nhân viên trạm xăng - kiêm thợ máy của trạm dịch vụ Haviland.
Năm 1960, Ronald Read kết hôn với Barbara March - một bà mẹ đơn thân hai con. Bằng cách thần kỳ nào đó, ông đã tự bỏ tiền túi ra để mua một căn nhà với giá 12000 USD cho gia đình. Ngoài ra, ông còn là bố dượng tốt bụng khi đã tài trợ toàn bộ học phí đại học cho hai con riêng của bà Barbara March. Đến khi vợ ông qua đời năm 1970, Read quyết định không tái hôn.
Đến năm 1979, Ronald Read nghỉ việc một năm. Sau đó quay lại làm việc bán thời gian tại trung tâm mua sắm JC Penney, dưới vai trò là bảo vệ kiêm nhân viên bảo trì.
Năm 1997, ông quyết định nghỉ hưu "non" ở tuổi 76.
Theo những gì con trai ông Ronald Read kể lại, ông cụ sống rất tiết kiệm, sở thích của ông là nhặt cành cây và chặt củi, đặc biệt là đọc báo Wall Street Journal. Ngoài ra, ông còn thường xuyên lui tới thư viện công cộng để mượn sách. Con trai của ông nói rằng: “Ông ấy về nhà với một chồng sách mới sau khi đã trả một chồng sách cũ”.
Ngôi nhà khiêm tốn của Ronald Read.
Ngôi nhà khiêm tốn của Ronald Read.
Ronald Read có bề ngoài không nổi bật, ông chỉ mặc áo sơ mi flannel với áo khoác denim kaki sờn được cài thêm một chiếc kim băng. Phương tiện di chuyển của ông là con xe Toyota đã qua sử dụng. Khi đến các bãi đỗ xe, ông cụ chịu khó đi đến bãi đỗ miễn phí và chấp nhận đi bộ một quãng xa nhằm tránh những nơi có đồng hồ tính phí. Với bề ngoài hiền lành và thói quen chi tiêu của một người nghèo điển hình, những người quen biết Ronald Read thường xuyên thanh toán tiền ăn sáng cho ông cụ.
Khi Ronald Read qua đời ở tuổi 92, tức vào năm 2014, cả nước Mỹ đã dậy sóng khi biết ông cụ đã để lại khối tài sản lên đến 8 triệu USD. Với số tiền đó, di nguyện của ông là tài trợ 1,2 triệu USD cho thư viện tưởng niệm Brooks, 4,8 triệu USD cho bệnh viện Brattleboro Memorial. Còn lại 2 triệu USD là dành cho hai con trai riêng của người vợ quá cố.

Curt Degerman - Triệu phú nhặt lá đá ống bơ.

Trong khi Ronald Read có thành tích đáng ngưỡng mộ khi ông là một triệu phú khiêm tốn trên mọi phương diện, nghề nghiệp bình thường, trình độ học vấn trung bình. Thì Curt Degerman lại là người bí ẩn hơn vì ông ta là người vô gia cư.
Curt Degerman người vô gia cư với biệt danh Tin-Can Curt.
Curt Degerman người vô gia cư với biệt danh Tin-Can Curt.
Khi Ronald Read xuất ngũ được ba năm, tức là vào năm 1948, ở thị trấn ven biển Skellefteå, Thuỵ Điển, cậu bé Curt Degerman được sinh ra đời. 
Khi còn nhỏ, Curt Degerman là một cậu bé thông minh và có tương lai tươi sáng trên con đường học vấn. Sau một chấn thương tâm lý ở tuổi thiếu niên, Degerman đã bỏ học và sống như một người vô gia cư.
Trong bốn mươi năm tiếp theo, cư dân tại đây hàng ngày bắt gặp một người đàn ông với chiếc áo khoác xanh, đi trên chiếc xe đạp cà tàng chạy quanh thị trấn để thu nhặt ống bơ. Người ta ước tính rằng, ông có thu nhập hàng tháng từ việc bán ve chai là 1000 USD. Ngoài ra, ông Curt Degerman đã ăn đồ ăn thừa ở các cửa hàng bán đồ ăn nhanh để sống qua ngày.
Curt Degerman chi tiêu rất hà tiện, ngay cả tờ báo tài chính ông cũng không mua. Để có thể đọc báo miễn phí, Curt Degerman đã đến thư viện công cộng của thị trấn, với mục đích nghiên cứu tài chính trên nhật báo kinh doanh Thuỵ Điển.
Tờ báo lá cải mà Curt Degerman đã nghiên cứu hàng ngày tại thư viện công cộng.
Tờ báo lá cải mà Curt Degerman đã nghiên cứu hàng ngày tại thư viện công cộng.
Năm 2008, Curt Degerman lên cơn đau tim và qua đời ở tuổi 60. Gia đình của ông Degerman sửng sốt khi biết ông ta để lại di chúc nhượng khối tài sản bí mật cho người anh họ, với tổng trị giá gần một triệu bảng Anh, trong đó bao gồm số cổ phiếu trị giá hơn 731.000 bảng Anh được cất giữ trong ngân hàng Thuỵ Sĩ. Hơn 120 vàng thỏi với tổng trị giá hơn 250.000 bảng Anh, và 275 bảng tiền mặt tại nhà riêng của ông.
Nhờ cuộc chiến pháp lý tranh chấp tài sản giữa người anh họ với những người thân khác của Curt Degerman. Biệt danh Tin-Can Curt đã trở nên khét tiếng ở khắp Thuỵ Điển.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy Ronald Read và Curt Degerman là hai con cừu đen trong nhóm triệu phú. Nếu xem xét kỹ, chúng ta sẽ thấy hai ông cụ đã làm giàu trái với nguyên tắc vàng của nhóm tài phiệt mới nổi. Hai ông cụ có xuất phát điểm thấp, công việc tầm thường, trình độ học vấn trung bình, và không có bất kỳ mối quan hệ nào giúp họ hái ra tiền trong giới tài chính.
Thế thì họ đã làm gì để có khối tài sản kếch xù đó? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu về cách đầu tư của hai ông. Sau đó sẽ tìm hiểu xem, tư duy làm giàu của họ là gì.

CÁCH THỨC ĐẦU TƯ DỰA TRÊN LÃI KÉP.

Để có một số tiền khổng lồ đó, Curt Degerman và Ronald Read đã tin vào thứ mà Warren Buffett đã tin. Đó chính là lãi kép.
Trong đó, lãi kép được hiểu nôm na là số lãi bạn kiếm được trong hiện tại sẽ được tái đầu tư vào những cổ phiếu an toàn lãi suất thấp. Khi các cổ phiếu đã được tái đầu tư của hiện tại tiếp tục sinh lãi trong tương lai. Bạn sẽ lấy số tiền lãi trong tương lai đó để tiếp tục tái đầu tư. Và cứ thế theo một vòng tròn tái đầu tư liên tục, số vốn mà bạn tích lũy sẽ càng ngày càng lớn sau nhiều năm.
Nguồn: JeniusBank.
Nguồn: JeniusBank.
Theo các cuộc điều tra của các hãng tin, người ta phát hiện ra ông Ronald Read đã bắt đầu mua 39 cổ phiếu đầu tiên giá 2.380 đô la của một công ty nhiệt điện vào đầu năm 1959.
Đến khi Ronald Read làm việc bán thời gian tại trung tâm mua sắm. Ông giành 80% số tiền mà ông kiếm được trong tuần để đầu tư chứng khoán.
Ông nắm giữ lâu dài một số cổ phiếu blue chip. Ngoài ra, ông còn tập trung vào các công ty trả cổ tức hậu hĩnh. Với số lãi kiếm được, ông tiếp tục tái đầu tư mua thêm cổ phiếu.
Nguyên tắc của Ronald Read là không đầu tư vào các công ty mà ông không hề hiểu rõ cách vận hành của chúng. Tất nhiên, ông chỉ tập trung vào các ngành mà ông am hiểu như: chăm sóc sức khoẻ, viễn thông, tiện ích công cộng, vận tải đường sắt, ngân hàng và tiêu dùng.
Nhưng không phải lúc nào Ronald Read cũng chiến thắng. Read đã từng thất bại khi đặt niềm tin nhầm chỗ vào công ty Lehman Brothers, khi nó đã phá sản vào năm 2008. Nhưng việc phá sản này không huỷ hoại được danh hiệu triệu phú ngầm của ông. Vì ông cụ đã mua và nắm giữ một danh mục cổ phiếu đa dạng với mức độ tập trung cao.
So với Ronald Read - người có thu nhập ổn định nhờ vào nghề nhân viên trạm xăng kiêm thợ cơ khí, có vốn kiến thức sâu rộng về đầu tư thông qua việc tự học từ sách. Thì ông Curt Degerman không có nhiều cơ hội tốt hơn ông Read, bởi vì ông chỉ kiếm 1000 USD một tháng từ tiền bán rác thải tái chế, cùng với đó là tự nghiên cứu tài chính thông qua nhật báo lá cải miễn phí.
Vì vậy, Curt Degerman đã chọn lối đi an toàn bằng cách đầu tư vào các công cụ tài chính cơ bản như: vàng, quỹ tiết kiệm và tái đầu tư vào các quỹ tương hỗ mà ông nghiên cứu trong nhiều năm. Để duy trì được số tài sản đó, Curt Degerman ít khi chi tiêu trừ trường hợp cấp bách. Ông ta đi chuyển bằng xe đạp, ăn đồ ăn thừa, đọc báo chùa, và sống trong một căn nhà riêng không thế chấp.
Như vậy, chúng ta đã biết được cách đầu tư cơ bản của hai ông là kiên nhẫn trong đầu tư dài hạn, đặc biệt là tin tưởng vào lãi kép. Nhưng không phải ai cũng sống sót nhờ vào phương pháp này. Nhiều chuyên gia phải thừa nhận rằng, việc bạn đầu tư đa dạng với 10 tài khoản an toàn, thì bạn vẫn có nguy cơ trả “tiền học phí” cho 9 tài khoản còn lại. Thực tế đã cho thấy, một nửa các nhà quản lý danh mục đầu tư tương hỗ của Hoa Kỳ chưa bao giờ đầu tư vào quỹ của họ.
Trước khi bước vào giới đầu tư, các nhà đầu tư kỳ cựu đều khuyên nhủ người ngoại đạo thông qua triết lý dùng tiền của hai ông cụ. Thế thì công thức đó là gì?

DI SẢN CỦA RONALD READ VÀ CURT DEGERMAN: Hãy Sống Như Một Quý Tộc Đức.

Đầu tiên, hoàn cảnh gia đình nghèo túng quyết định thói quen tiết kiệm bẩm sinh của bạn.
“Gia đình của tôi đã chứng kiến thời kỳ tiền bạc đến rồi lại đi, thậm chí có lúc gần như phá sản nên tôi hiểu được chỉ có sự khôn ngoan chặt chẽ mới có thể giữ được tài sản." - Bechtolsheim - hậu duệ của một gia đình quý tộc Đức với gia phả kéo dài tới 900 năm.
Trong trường hợp của Ronald Read, tuổi thơ của ông đã nằm lọt thỏm trong một gia đình nông dân nghèo. Thời niên thiếu của ông Read là thời điểm của cuộc đại suy thoái kéo dài 10 năm (1929 - 1939). Sau đó, ông đã lãnh trọn thêm ba cuộc khủng hoảng kinh tế cho đến khi ông qua đời. Cho nên, bài học đầu tiên mà ông rút ra chỉ có ba chữ “tiết kiệm tiền”. Đối với Curt Degerman, ông cụ không có bất kỳ lý do gì để tiêu tiền, bởi vì ông ta đã quen với cuộc sống của người vô gia cư.
Thứ hai, tỷ lệ tiết kiệm càng cao thì bạn càng giàu.
“Leo lên vị trí số 1 dễ nhưng giữ được vị trí đó dài lâu khó hơn nhiều”.  - Triệu phú người Đức Rainer Schaller chủ nhân khối tài sản 10 triệu USD, thích đi xe máy và không quen với thói tiêu xài xa xỉ.
Sự giàu có không gắn liền với việc bạn tăng thu nhập, tăng giờ làm, hay là tăng lợi nhuận trong khi tiêu xài mất kiểm soát. Thực ra, giàu có lại liên quan tới tỷ lệ tiết kiệm của bạn. Tỷ lệ tiết kiệm càng cao thì bạn càng giàu.
Cụ thể hơn, khi tôi kiếm được 30 triệu một tháng, nhưng tôi lấy thu nhập hàng tháng của mình bỏ vào đánh bạc và thú vui xa xỉ. Đến cuối tháng, tôi vẫn là người nghèo với số dư tài khoản bằng 0. Trong khi đó, bạn có mức thu nhập 15 triệu một tháng, nhưng bạn vẫn giữ thói quen chi tiêu tiết kiệm từ thời sinh viên. Vào cuối tháng, số dư tài khoản của bạn là 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, sau khi đã trừ ra các khoản chi phí này kia. Cứ như thế về lâu về dài, thằng nào giàu hơn? Tôi không biết. Nhưng tôi đã trở thành vận động viên nhảy “cầu xóa nợ” rồi.
Thứ ba, lý do tiết kiệm xuất phát từ suy nghĩ bi quan. Cho nên, hãy tiết kiệm bằng mọi giá.
Trong những năm đầu khởi nghiệp, Bill Gates đã dự trù một số tiền đủ để trả lương cho nhân viên trong vòng một năm. Bởi vì Gates lo ngại rằng, sẽ có một khoảng thời gian, khách hàng của Gates không trả một xu nào cho Microsoft.
Vậy, bạn nên tư duy như một nhà Khắc Kỷ bi quan. Ngày mai tiền của bạn sẽ mất, công việc của bạn cũng mất, cho nên hãy tạo ra quỹ tiết kiệm. Nên chấp nhận một điều rằng, bạn không thể dự đoán được quy luật của thị trường, tiền bạn kiếm được không chỉ dựa trên kỹ năng, mà một phần là nhờ vào may mắn.
Với số tiền tiết kiệm, bạn sẽ sống sót qua những lần thất bại, có thêm cơ hội tái đầu tư cho lần sau. Từ đó, bạn rút ra bài học qua phương pháp thử và sai.
Thứ tư, đầu tư thận trọng và đa dạng.
Giới quý tộc Đức đầu tư rất thận trọng và đa dạng, trong đó bao gồm các tác phẩm nghệ thuật, trang sức đắt tiền, bất động sản, và tái đầu tư vào cơ ngơi mà họ tự tay quản lý.
Ronald Read đã đầu tư vào cổ phiếu blue chip và danh mục đầu tư đa dạng với 95 cổ phiếu của các công ty mà ông hiểu rõ cách vận hành của chúng. Tương tự như vậy, Curt Degerman chỉ quan tâm tới tái đầu tư vào các quỹ tương hỗ, tích lũy hơn 120 thỏi vàng và nhét tiền mặt vào quỹ tiết kiệm.
Thứ năm, hãy định nghĩa lại hai từ GIÀU SANG.
“Tôi không có ý định làm giàu. Tôi chỉ muốn tự lập.” - Charlie Munger
Đối với giới quý tộc Đức, những tài sản như xe sang, thời trang xa xỉ, tiêu pha quá tay, sẽ không thể nào làm nổi bật nhân cách của họ. Vì họ hiểu rằng, thứ mà người ta chú ý chỉ là tài sản xa xỉ kia, còn chủ nhân của nó thì không có sự tôn trọng ngang tầm. Giả sử họ mất đi tất cả tài sản, người ta sẽ chẳng quan tâm họ là ai.
Cho nên, giá trị thực sự của giàu có là cho các quý tộc Đức thêm nhiều sự lựa chọn, tính linh hoạt và khả năng tăng trưởng để một ngày nào đó, họ có thể mua nhiều thứ hơn những thứ mà có thể mua ngay bây giờ.
Xét trên trường hợp của ông Curt Degerman, giàu sang chỉ là khả năng trả các khoản chi vừa phải với nhu cầu. Còn cụ Ronald Read định nghĩa giàu sang là thoải mái chi trả cho thú vui sưu tập tiền xu & tem, đồ ăn sáng ở quán quen, phí sinh hoạt, làm từ thiện, và tài trợ toàn bộ chi phí đại học cho hai người con trai.
Còn bạn? Bạn nghĩ giàu sang là gì? Có phải là sắm xe Vespa LX đi ăn xin ở phố cổ Hà Nội không?

TÀI LIỆU THAM KHẢO

TRUNG TÂM TIN TỨC VTV24, “Giới siêu giàu của Đức tiêu tiền như thế nào?” VTV Online, 2019, https://vtv.vn/tieu-dung/gioi-sieu-giau-cua-duc-tieu-tien-nhu-the-nao-20190711141614359.htm. Nguyễn Sơn. “Tái diễn tình trạng người vô gia cư giả ở Hà Nội.” VTV Online, 2024, https://vtv.vn/xa-hoi/tai-dien-tinh-trang-nguoi-vo-gia-cu-gia-o-ha-noi-20240121211803957.htm. Morgan Housel, Hoàng Thị Minh Phúc(dịch), Tâm Lý Học Về Tiền, NXB Dân Trí, 2021. Viên Minh, “Cụ bà bị tố "ngày đi ăn xin, tối về ngủ biệt thự chục tỷ" ở Hà Nội nói gì?”, DÂN TRÍ, 2024, https://dantri.com.vn/doi-song/cu-ba-bi-to-ngay-di-an-xin-toi-ve-ngu-biet-thu-chuc-ty-o-ha-noi-noi-gi-20240124122701135.htm.
Anny Shaw, “Secret millionaire: Tin-Can-Curt, the tramp who made £1m from recycling cans.”, Mail Online, 2010, https://www.dailymail.co.uk/news/article-1262496/Secret-millionaire-Relatives-tramp-1m-recycling-old-tin-cans-settle-inheritance-feud.html.
Wikipedia, “Ronald Read (philanthropist).”, https://en.wikipedia.org/wiki/Ronald_Read_(philanthropist).