Ngày này, đúng 75 năm trước, Chùa Đàn được in lần đầu tại nhà in Trung Bắc, số 36 Phùng Hưng, do Quốc Văn xuất bản. Lời giới thiệu bản in năm 2000 của nhà xuất bản Văn Học có nói Nguyễn Tuân viết xong phần giữa “Tâm sự của nước độc” vào trước tháng 8-1945, tại nhà bà Chu Thị Năm ở Bần Yên Nhân, Hưng Yên. Trong bài Nhìn rõ sai lầm đăng trên báo Văn Nghệ số 41 (7-1953), Nguyễn Tuân cũng nói phần giữa được viết theo mạch văn “yêu ngôn”. Sau tháng 8-1945, được giác ngộ cách mạng, ông mới chắp thêm phần mở đầu gọi là “Dựng” và phần kết gọi là “Mưỡu cuối”, biến nhân vật Lãnh Út thành người tù chính trị Lịnh 2910. Cảnh tù trong phần “Dựng” lại rất giống với cảnh tù trong Kèn rừng tù, tác phẩm đăng trên tờ Vui sống, tờ báo của Quân y cục thuộc Bộ quốc phòng ra mắt tháng 6-1946.
Chùa Đàn ra đời vào tháng 8-1946, nhưng kể từ sau tháng 12-1946, không hề có tái bản ở miền Bắc. Ngay cả trong Tuyển tập Nguyễn Tuân (NXB Văn Học, tập I: 1981, tập II: 1982) cũng không có. Rất có thể phải đến năm 1989, mới xuất hiện trở lại. Còn ở miền Nam, ngay từ 21-08-1947, nhà Tân Việt của Lê Văn Văng, 18 Amiral Courbet (étage No.2), đã xin được giấy phép xuất bản và in ngay sau đó. Chùa Đàn hình như sau đó còn được tái bản nhiều lần nữa, có thể kể đến bản của nhà xuất bản Đồ Chiểu năm 1968. Đến năm 2002, đạo diễn Việt Linh dựa trên cốt truyện ở phần giữa để làm phim Mê Thảo thời vang bóng. Gần đây nhất là bản in của Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn năm 2016, thuộc tủ sách “Việt Nam danh tác”.
Tranh vẽ người chơi đàn đáy.
Tranh vẽ người chơi đàn đáy.
Chùa Đàn ra đời, được nhiều người xem như truyện hay nhất của Nguyễn Tuân. Trong số những nhà phê bình từng viết về nó, có thể kể đến Thê Húc, Tạ Tỵ, Hoàng Như Mai, Nguyễn Đăng Mạnh, Đặng Tiến, Hoàng Hải Thủy và có thể là có cả Khái Hưng Trần Khánh Giư.
Đánh giá Chùa Đàn, nhiều người cho rằng việc thêm vào phần “Dựng” và “Mưỡu cuối” làm hỏng, hay chí ít là làm giảm giá trị tác phẩm. Tôi không cho là vậy. Mà dẫu có vậy, chính sự bất toàn, sự không hoàn hảo lại làm nên cái giá trị khác của Chùa Đàn. Ngày nay, bản thân Chùa Đàn đã là một phép thử lập trường chính trị. Người bên này thì bảo rằng “Tâm sự của nước độc” hãy còn mang hơi hướng tiểu tư sản. Người bên kia thì bảo phải chỉ nên giữ lại mỗi “Tâm sự của nước độc” thì đó mới là tác phẩm toàn bích. Trong khi Phan Ngọc cho rằng cách mạng đã cứu Nguyễn Tuân, Thụy Khuê và nhiều nhà phê bình miền Nam sau 1954 đều nói rằng văn Nguyễn Tuân kể từ khi theo Việt Minh đều là văn dở. 
Chùa Đàn là dấu chấm hết cho một thời Tây của Nguyễn Tuân, thời của thuốc phiện, cô đầu, chè rượu, chuyện liêu trai, thú xê dịch (Trương Tửu nói, xê dịch với Nguyễn Tuân cũng là dấu hiệu của một thứ “thời bệnh”), những hứng thú cá nhân mà đắm chìm vào đó Nguyễn Tuân cứ tự trách bản thân chẳng làm được thằng người tử tế, mấy lần cứ muốn “làm lại cuộc đời”. Nguyễn Tuân “nhì nhùng lặn ngụp của cõi vực thẳm bên trong”, nhất là đến khoảng 1943-1945, câu văn tăm tối thù đời lắm, như thể sắp chết đến nơi vậy. Tệ nhất là trong Lột xác, tức Vô đề (đăng ở tạp chí Văn Mới vào năm 1945), có những cảnh như nhân vật nhìn bóng mình phản chiếu qua bãi nước đái. Cuối Vô đề, là đã manh nha thay đổi, một cái kiểu kết truyện tương tự như Nguyên Hồng kết lại Ngọn lửa. Đến Chùa Đàn thì mới chính thức cho chết thật, chết đi cái con người trụy lạc mà làm sống lại một con người mới – con người cách mạng. Hoàng Như Mai đã gọi đó là “tự hủy diệt để tái sinh”. Hoàng Như Mai viết kịch Tiếng trống Hà Hồi được Thế Phong Đỗ Mạnh Tường đánh giá là kịch tượng trưng cao hơn cả kịch của Vũ Khắc Khoan.
Sự chấm dứt trụy lạc của Nguyễn Tuân lại cũng có quan hệ kỳ lạ với sự khai tử ca trù theo đường lối văn nghệ thời kháng chiến, tương tự như trường hợp của tuồng, chèo, vọng cổ, cải lương vì xưa kia nó phục vụ giới quan lại, phú hộ thời phong kiến. Tình cảnh của ca trù được viết trong một tác phẩm mà nhan đề của nó chắc rằng tác giả cũng được truyền cảm hứng từ nhan đề Chùa Đàn, đó là Mộ phách của Phùng Cung. Phùng Cung tạo cho tôi cảm giác là ông là một người chịu ảnh hưởng bởi Nguyễn Tuân, dù chính ông đã viết Con ngựa già của chúa Trịnh trong thời Nhân Văn Giai Phẩm, tác phẩm được cho là ám chỉ Nguyễn Tuân. Có rất nhiều người yêu thích hoặc chịu ảnh hưởng của Nguyễn Tuân: Phạm Duy, Tạ Tỵ, Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo, Trúc Chi, Phan Ngọc, vân vân.
Nhưng sự thay đổi của Nguyễn Tuân trong giai đoạn 1945-1946 không hoàn toàn là một sự áp đặt của ngoại lực, mà chính bên trong nhà văn ngay từ trước đó cũng đã có những chuyển biến về nhận thức.
Ngay từ tập Nguyễn (giấy phép xuất bản 8-2-1944, in lần đầu 1945), Nguyễn Tuân đã manh nha cái ý muốn lột xác:
“EM ơi, sao EM chẳng được là những bậc thiếu phụ nguyện làm một nội tướng chung và khuất nhục của cả đám hủi ấy mà EM lại chỉ là một người cung nhân ngồi hót những giọt nước mắt bạch lạp khô cứng của một đêm truy hoan bằng hối tiếc và vị kỷ? Chúng ta chẳng là gì cả. EM và tôi là không đáng kể, sống trên những ước lệ không đáng kể của một thứ luân lý đầy những thành kiến của di truyền. Bao giờ (…) EM ơi! Cái Buổi Chiều Lớn của Tính Tình?”
Thế nên cách mạng đến là một thời cơ để “làm lại cuộc đời” như ý ông Nguyễn Tuân muốn. Nói cách khác, nó là một sự gặp gỡ giữa cả hai: ý muốn tự thay đổi và chuyển biến của thời cuộc. Tạ Tỵ vì thế hợp lý khi nói: “tâm trạng Nguyễn Tuân, một tâm trạng phức tạp, không hẳn đã do thời cuộc tạo nên mà chính thực kết đọng trong máu, trong hồn Nguyễn Tuân từng năm, từng tháng”; “Nguyễn Tuân bắt gặp cách mạng như kẻ sắp ‘về quê’ vì bệnh hoạn gặp được danh y, như kẻ lưu vong tìm về được đất mẹ”. Tạ Tỵ thuộc một trong số những người nói đúng về Nguyễn Tuân, số đó bao gồm Mộng Tuyết, Vũ Bằng, Phan Ngọc, Trương Tửu, và Trương Chính.
Mợ Lãnh tên là Sấu Viên, nghĩa là “con vượn gầy”. Phải chăng mợ Lãnh là cái phong độ khương kiện của Việt Nam thế kỷ 19, cái thời chưa có dấu chân người Pháp? Đó là hình hài của tổ tiên trong ấn tượng của người Việt, giống như Dương Thu Hương nói, bà tin trong mình luôn có một người đàn bà răng đen mắt toét nên bà mới có sức mạnh đương đầu với khó khăn như vậy. Còn Lãnh Út là tinh thần cách mạng của người Việt chăng? Trước cái nền văn minh cơ khí, tức hỏa lực, súng đạn, đại bác, và sự xâm lăng văn hóa của Pháp, những cái đẹp cũ chết đi, chỉ còn là những vang và bóng của một thời ký vãng. Lãnh Út thù ghét cái thời Pháp đó, nhưng lại không chống được nó, nên chìm đắm trong bất đắc chí và hành lạc. Lãnh Út hiện ra ở những ông Tản Đà, ông Hà Công Nguyệt. 
Cái không-thời gian trong Chùa Đàn không phải không-thời gian thực, làm gì có một gã Lãnh Út nào mà sống dai, trẻ mãi không già từ thời thế kỷ 19 đến tận 1945 như thế? Cái ấp Mê Thảo đó (Thảo? Nguyễn Thị Thảo làm báo Phụ Nữ ở phố Hội Vũ? Tức chị Hoài và Bồ Phu Nhân?) là toàn bộ những ấn tượng của Nguyễn Tuân về đời sống thế kỷ 19. Chùa Đàn vì thế có dấu vết của cả Vang bóng một thời. Ai là kiểu người mà kéo dài cuộc đời mình từ "thế hệ đối kháng" (1862) băng ngang qua "thế hệ liên hiệp" (1913) và "thế hệ đoạn tuyệt" (1932) để tham gia cách mạng tháng tám 1945? Không có một Lãnh Út thực nào như thế. Khái Hưng (1896-1947) chăng? Lãnh Út chỉ là một biểu tượng của tinh thần cách mạng bị dập tắt vì văn minh Pháp quốc, đâm ra khiếp nhược, thù thế, ủ dột trong cảnh Tây Tàu nhố nhăng, tân cựu loạn xị.
Cảnh hát cô đầu trong phim Mê Thảo thời vang bóng
Lãnh Út trở thành Lịnh 2910 là từ sự mất đi niềm tin vào cách mạng mà lấy lại được niềm tin vào cách mạng, từ cảm giác tội lỗi vì trụy lạc mà thực sự được dịp “làm lại cuộc đời”. Cái chuyển biến của Nguyễn Tuân trong giai đoạn 1945-1946 đó là một sự kết hợp giữa thời cuộc và nội tâm, giữa cái “bên ngoài” với cái “bên trong”. Thế nên Nguyễn Tuân “lột xác” không hoàn toàn là ngoại lực tác động. Cần phải hiểu rõ điều đó.
Nhưng cái “trật nhịp”, “lấn cấn” ở đây nằm ở chỗ một con người trước giờ luôn vị kỷ nay lại phải buộc mình làm một người xả kỷ vị tha, thì thành ra cái văn của ông ấy cũng có vẻ gì đó giật cục và không hề mượt mà. 
Nguyễn Tuân trong một bài tự kiểm điểm sau vụ NVGP (4-8-1958) thừa nhận trước cách mạng ông là người của “phái nghệ thuật vị nghệ thuật”, “chủ trương nghệ thuật không phục vụ chính trị”. Ông viết không để đề cao một tư tưởng gì, nếu có thì cũng chỉ là hai chữ Nghệ Thuật viết hoa. Văn chương, với Nguyễn Tuân, không phải để tuyên xưng một triết thuyết, một luận lý, mà chỉ để kể chuyện, để trình bày lại một cái gì làm ông hứng thú. Trước giờ sống với một cái giá trị do tự mình đặt ra, nay lại phải sống với một cái hệ giá trị của số đông, thì văn chương cũng khó mà trơn tru. Ai mà từng làm một thằng blogger chỉ viết mỗi cái mình thích mà chuyển qua làm content writer hay copywriter sẽ hiểu cái tình thế oái oăm đó. Chính bản thân mình phải tiếp nhận những thứ bên ngoài vào để không còn chìm đắm, ngụp lặn trong cái cõi bên trong của mình. Sự thêm vào “Dựng” và “Mưỡu cuối” là ở chỗ đó, ở chỗ ông đã phải gò mình tiếp nhận những cái “lực” từ bên ngoài để tạo thành một cái tổng hòa mới.
Cũng vì thế nên Chùa Đàn cắm một cột mốc quan trọng trong văn nghiệp Nguyễn Tuân, nó là sự chuyển biến từ chỗ viết như một sở thích ích kỷ sang viết để phụng sự một đường lối văn nghệ. Chỉ có như thế tác phẩm của ông mới in được ở Bắc Việt, và dù muốn dù không, những thứ đấy – cái chỉ thị phải viết để phục vụ – sẽ luôn canh cánh bên lòng mỗi khi ông cầm bút viết. Vậy nên trong giai đoạn sau này, Nguyễn Tuân hay than rằng viết lách ở cái thời đó rất chán, viết thì ít mà lách thì nhiều.
Nhưng chính sự không trọn vẹn ấy, sự bất toàn ấy của Chùa Đàn mới làm nên cái tầm vóc của Nguyễn Tuân. Đúng như Phan Ngọc nói, nếu Nguyễn Tuân không theo cách mạng, tức nếu Nguyễn không xây cái nhà cho mình, thì sao? Nếu Nguyễn Tuân chết vào khoảng năm 1946 như Lan Khai, thì người ta chỉ nghĩ về Nguyễn Tuân như một văn tài đoản mệnh, như Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao. Nhưng chính vì Nguyễn Tuân đã để đời ông vắt qua cột mốc 1946 để tiếp tục một nửa quãng còn lại của kháng chiến, và trở thành một trong số ít gương mặt tiền chiến lớn nhất trong đội ngũ nhà văn ở Bắc Việt, thế nên cái văn nghiệp của ông mới đồ sộ, và số phận các trước tác của ông mới lại phản ánh chính xác diễn biến chính trị ở Việt Nam.
Sau 1946, ông phải chối bỏ toàn bộ các sáng tác tiền chiến của mình mà mãi đến thời Đổi Mới mới được khôi phục lại. Sự lớn của Nguyễn Tuân không chỉ nằm ở chỗ, trong số những nhà văn tiền chiến, ông thuộc vào số rất ít những người chọn khơi lại lớp tro tàn của thế kỷ 19 để viết về những “vang và bóng của một thời ký vãng”, mà còn vì ông thuộc về phía những nhà văn viết không phải để phụng sự một mục đích nhân sinh cao đẹp gì, trái lại ông chỉ viết về những thú vui, những cảm giác của cá nhân mình, và cho rằng văn chương không phục vụ một cái gì hết. Văn chương tồn tại như một lực tự thân của chính nó, và cái đẹp quan trọng hơn là đạo đức. Chỉ điểm thứ hai này cũng khiến ông khác hẳn với rất nhiều nhà văn cùng thời tiền chiến.
Thêm nữa, hơi khác với cách nghĩ thông thường, Nguyễn Tuân không tìm cái đẹp để viết, mà ông luôn muốn nói về mọi thứ của cuộc sống, dù cao hay thấp, một cách đẹp. Chẳng có gì đẹp đẽ ở Chiếc lư đồng mắt cuaNgọn đèn dầu lạcTàn đèn dầu lạc, có nhiều thứ rất xấu xí trong Một chuyến đi và Nguyễn, thế mà ông vẫn viết đấy thôi. Ông không viết về tình yêu, không viết về danh nhân, không kể chuyện, mà ông viết về những suy nghĩ vụn vặt của cá nhân ông, không đầu không đuôi, về những thứ mà ông quan sát được. Thế mà người ta bị cuốn vào mãi mới hay. 
Và điểm quan trọng thứ tư khiến Nguyễn Tuân lớn là vì Nguyễn Tuân đã dự phần vào hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, khiến văn chương ông lại gắn thêm vào vận mệnh dân tộc. Chưa kể, xuyên suốt cuộc đời của mình, Nguyễn Tuân liên tục xuất hiện trong các nhóm nhân vật mà sau này đều là những người làm nên lịch sử. Cái lớn của Nguyễn Tuân là ở đó.
Cũng tháng 8-1946, Nguyễn Tuân viết Ngày đầy tuổi tôi cách mệnh.
Viết ngày 5-8-2021