«Những khi nào những cuốn sách khiến tôi nghi hoặc, tôi cũng đều nghĩ ngay chúng thực sự lớn, chỉ có điều tôi còn chưa thực sự thấy được tại sao chúng lại lớn». Đến bây giờ, tôi nghĩ là tôi hiểu câu này: Chỉ những gì tạo ra một ấn tượng về sự khác biệt, không hề giống với những gì chúng ta từng biết rất có thể mới chứa đựng một khả năng gây kinh ngạc, thách thức những motif suy nghĩ quen thuộc và đưa chúng ta đến một chân trời nhận thức mới.

Và một trường hợp đã làm tôi nghi hoặc nhiều tháng trở lại đây chính là Vũ Khắc Khoan. 
Danh mục trước tác của Vũ Khắc Khoan gây ra cho tôi một ấn tượng rằng ông là người chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi thế hệ trí thức hoạt động mạnh trong giai đoạn 1940-1945, tức là giai đoạn phục cổ, sau giai đoạn đập phá của Tự Lực Văn Đoàn, được đánh dấu bởi Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, các hoạt động của nhóm Hàn Thuyên, cùng hai tờ báo Tri TânThanh Nghị. Thời điểm này, Vũ Khắc Khoan khoảng hai mấy tuổi, cái độ tuổi mà những ấn tượng trong cuộc sống trở nên mạnh mẽ nhất. Ông lại là con trai của một nhà nho. Hẳn vì thế, qua những cái tựa như Thần tháp rùa, Trương Chi, Nhập thiên thai, ta có thể đoán được những chất liệu mà Vũ Khắc Khoan sử dụng mang hơi hướng phương Đông cổ xưa.
Tuy vậy, Vũ Khắc Khoan lại thuộc vào thế hệ của những người như Mai Thảo và Thanh Tâm Tuyền. Đó lại là những người muốn chôn tiền chiến để tạo ra cái mới. Đó cũng là thế hệ trưởng thành trong sự xâm nhập sâu rộng của văn chương Pháp, nên mang một khuynh hướng hội nhập quốc tế. Họ đọc Malraux, Gide, Dostoïevski hay Sartre, và cũng dẫn những tác giả này trong tác phẩm của mình. Hẳn cũng vì lẽ này mà sự trở lại của những chất liệu xưa cũ trong văn Vũ Khắc Khoan mang một sắc thái hoàn toàn khác với những Nguyễn Văn Tố, Trần Trọng Kim hay Dương Bá Trạc.
Ngoài ra, còn có 4 điều làm tôi cảm thấy Vũ Khắc Khoan là một trường hợp cần phải được tìm hiểu kỹ:
Thứ nhất, ông chung nhóm Quan Điểm với Mặc Đỗ và Nghiêm Xuân Hồng. Quan Điểm, cùng với Sáng Tạo, là những nhóm văn nghệ tiên phong cho sự phát triển mạnh mẽ của văn học miền Nam sau này. Bản thân nhóm của ông lại toàn là những nhân vật «không phải dạng vừa». Nhìn vào các tác phẩm của Nghiêm Xuân Hồng, có thể thấy những đề tài mà ông quan tâm là gì và dường như ông rất gần với vai trò của một nhà văn - lý thuyết gia, như Nguyễn Đức Quỳnh trong nhóm Hàn Thuyên. Còn Mặc Đỗ thì được một nhà phê bình cho là một dịch giả lớn, rất lớn. Trong lĩnh vực dịch thuật, việc một dịch giả lựa chọn dịch hay không dịch một tác phẩm nói lên nhiều điều về gu thẩm mỹ của dịch giả đó. Và Mặc Đỗ được cho là «luôn luôn có lựa chọn chuẩn xác». Hai thành viên của Quan Điểm đã tầm cỡ như thế, thì Vũ Khắc Khoan phải ở mức độ như thế nào?
Thứ hai, Vũ Khắc Khoan viết rất ít, nhưng chủ yếu hoạt động mạnh trong địa hạt kịch nói. Thử điểm lại, kịch nói Việt Nam có những nhân vật nào đáng quan tâm: trước Vũ Khắc Khoan có Vũ Đình Long, Vi Huyền Đắc, sau Vũ Khắc Khoan có Lưu Quang Vũ. Và câu hỏi đặt ra là, vì sao Vũ Khắc Khoan lại lựa chọn kịch? Kịch hiển nhiên có nhiều khác biệt về mặt thể loại với tiểu thuyết, và phải chăng từ những khác biệt đó ta tìm thấy một dấu chỉ để khám phá ra tinh thần chung của các kịch tác gia? Vũ Khắc Khoan có gì chung với Vũ Đình Long và Lưu Quang Vũ hay không?
Thứ ba, những bức ảnh còn lưu lại của Vũ Khắc Khoan với những đường nét sắc cạnh trên gương mặt, cùng vẻ nghiêm nghị rắn rỏi làm tôi cảm giác ông giống như một con sư tử, một kiểu nhân dáng của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn hay Rufus Scrimgeour, báo hiệu một cá tính vô cùng độc đáo. 
Và cuối cùng, cũng là đáng kể nhất, Vũ Khắc Khoan thuộc về những gì ít được đám đông nhắc đến, thuộc về phía của lãng quên, bỏ sót. Nhưng chính ở những khu vực này, chúng ta lại khám phá ra những gì quý giá nhất. 
Dẫu vậy, tôi chỉ thực sự đọc Vũ Khắc Khoan cách đây vài tuần, tập kịch Thành Cát Tư Hãn (1961), cũng mới vừa đọc xong hôm qua. Và một cách thành thật, tôi nghĩ chỉ có những kẻ ngu dốt nhất hoặc nhiều định kiến nhất mới bỏ đi Vũ Khắc Khoan ra khỏi lịch sử văn chương nước nhà. Bởi vì bản thân Thành Cát Tư Hãn, tự thân nó đã là một đối trọng điển hình của tất cả những gì thuộc phía còn lại.
Có rất nhiều người diễn giải và phê bình Thành Cát Tư Hãn, như Thụy Khuê còn nỗ lực liên hệ nó đến «thuyết định mệnh» và «thuyết đợi chờ». Riêng tôi nghĩ rằng, Thành Cát Tư Hãn quan trọng là bởi vì nó phá vỡ một tình thế lưỡng nan của thế kỷ 20.
Kịch «Thành Cát Tư Hãn» của Vũ Khắc Khoan, diễn tại Theatre in the Round, Minnesota, năm 1976
Kịch «Thành Cát Tư Hãn» của Vũ Khắc Khoan, diễn tại Theatre in the Round, Minnesota, năm 1976
Kịch «Thành Cát Tư Hãn» của Vũ Khắc Khoan, diễn tại Theatre in the Round, Minnesota, năm 1976
Mở đầu tác phẩm là cuộc tranh luận giữa Thành Cát Tư Hãn và một ông già người Tây Hạ. Ta thấy nổi lên mâu thuẫn về giá trị giữa một người không có quá khứ cũng không có tương lai, xem cuộc đời là liên tiếp những khoảnh khắc say máu của chiến đấu và khoái hoạt của tửu sắc, với một người là sứ giả của lịch sử, xem cuộc đời là đáng để hi sinh cho một điều gì cao cả, vĩ đại, mà thánh hiền đã răn dạy. Nhưng nếu chỉ có thế thì chẳng có gì đáng nói, mà chính ở giữa sự giằng co này, lại xuất hiện một nhân vật là Sơn Ca: «Không có cuộc sống nào đáng sống cả. Lỡ sống thì đành nhận cuộc sống. Nhưng phải tìm lấy một cách sống riêng biệt cho mình. Sống anh hùng, sống liệt nữ cũng là một cách sống(...) vãn sinh không có tài bắt chước. Vãn sinh không muốn làm một thứ tượng đất đúc khuôn, dầu là khuôn vàng». 
Cái tình thế lựa chọn bên này hay bên kia được đặt ra bởi rất nhiều nhà văn bỏ Hà Nội vào Nam như Thanh Tâm Tuyền hay Dương Nghiễm Mậu. Nhưng mỗi người có một hướng giải quyết riêng. Và riêng Vũ Khắc Khoan cũng có một câu trả lời của mình:
«Hiện nay thiên hạ chia đôi, không trắng thời đen, mà nghe ông nói thì thật không biết là đen hay trắng».
Đỗ ngẫm nghĩ hồi lâu, thủng thẳng trả lời:
«Tại sao lại cứ bắt buộc là đen hay trắng? Mặt trăng vòm trời khi khuyết, khi tròn. Ánh sáng mùa thu trong như ngọc mà thật ra lại hợp bảy màu. Lá cây phong bên bãi lúc xanh, lúc đỏ. Chân lý ở đời không đơn giản như bụng dạ trẻ con. Tại sao lại cứ bắt buộc là đen hay trắng?»
(Thần tháp rùa, 1957)
Nguyễn Gia Kiểng, trong Đặc san Chu Văn An, số mùa thu 1990, có viết một đoạn rất hay về Vũ Khắc Khoan như sau:
«Vũ bác bỏ Nguyễn Đăng Thục vì một con đường quyết định cho số phận và tương lai của một dân tộc làm sao có thể tìm ra được bằng cách xào nấu những gì đã có của tư tưởng Đông Tây. Nếu như vậy thì dễ quá. Nếu chỉ có vậy thì chẳng có vấn đề. Vũ dửng dưng với một Hồ Hữu Tường loay hoay tìm cách vượt chủ nghĩa Mác-Xít. Vì vượt để làm gì? Tìm cách vượt tức là nhìn nhận nó là đúng hướng, tức là rơi vào cạm bẫy lý luận. Vũ phủ nhận. Thái độ của Vũ đối với chủ nghĩa Cộng Sản không phải là sửa chữa mà là bác bỏ, không phải là LÀM HƠN mà là LÀM KHÁC. Cái mà Vũ đề nghị là từ thực tại đất nước mà tìm ra một hướng đi. Và Vũ lúc nào cũng sẵn sàng tham gia vào cuộc phiêu lưu tư tưởng ấy.»
Cuộc đời mỗi người là một cuộc bắt đầu mới. Và trước cái án tự do của tạo hóa, con người buộc phải tự vạch ra một con đường mà chưa một tiền nhân nào từng đi trước đó. Đó hẳn là lý do mà Đỗ trong Thần Tháp Rùa đã đốt hết sách để bắt đầu một con đường mới cho mình. 
Cuộc sống, với Vũ Khắc Khoan, không phải là đi theo, hay làm lại những gì đã làm, mà là mở ra những những giới hạn, tìm về những chân trời mới, lựa chọn những con đường riêng. Vô tình, trong sự TÌM KHÁC của mình, Vũ Khắc Khoan đã trình bày một ý niệm mà vài năm sau đó, ở Pháp, Deleuze đã gọi tên nó là différence.
Với Deleuze, cuộc sống không phải là một điều sẵn có rồi thay đổi và biến hóa, mà cuộc sống nằm ở mọi khả năng của sự khác. Triết học với Deleuze không phải là đi tiếp những con đường đã được đi, mà là mở ra một con đường chưa được mở. Theo đó, triết học không nhất thiết phải có một hình thức chuẩn mực. Triết học không phải là dọn dẹp cho ngăn nắp các suy tưởng, không phải là sản tạo những logic trừu tượng xa lạ với cuộc sống, cũng không phải là giản lược cuộc sống xuống thành một chân lý tinh gọn. Thế giới tư tưởng không phải là một dòng chảy tuyến tính, mà là một địa hình nghìn cao nguyên (mille plateaux). 
Tiếc là, cái địa hình nghìn cao nguyên của một miền Nam mà Vũ Khắc Khoan là một ngọn núi ấy cũng đã không chịu đựng nổi cơn địa chấn thế kỷ. Vực thẳm mở ra lần thứ hai, tất cả những gì từng tồn tại đều rơi xuống hư vô.
24.11.2020