Christopher Jones - Đọc tranh Twittering Machine của Paul Klee
“A drawing is simply a line going for a walk.” - Paul Klee Twittering Machine (Die Zwitscher-Maschine) by Paul Klee, 1922 Nguồn...
“A drawing is simply a line going for a walk.” - Paul Klee
Từ phông nền với sắc tím-lam lan ra và phảng phất như màn sương trên mặt hồ hiện lên hình ảnh bốn con chim mắc với một sợi dây. Đầu quay ra theo các góc khác nhau, lũ chim nhả tiếng vào mọi chiều không gian. Chúng đứng trên một sợi dây (kim loại) có gắn một tay cầm. Với một chút trí tưởng tượng, bạn sẽ hình dung chiếc tay cầm bắt đầu quay, làm cho lũ chim dao động lên xuống.
Đây không phải những con chim bình thường, mà là tạo vật còi cọc yếu ớt với bộ lông thẳng đuột, những cái lưỡi to quá trớn, chìa ra ngoài và trông như cái móc câu bằng thép gai. Chiếc máy có vẻ như một sự pha trộn thô sơ (và tàn nhẫn) của sinh học và điều khiển tự động. Khi ta quay tay cầm, lũ chim rung giật, giống như cách ta chơi hộp nhạc.
Những mô tả này có phần ảm đạm, nhưng có lẽ sự ấm áp mới là ấn tượng đầu tiên bức tranh mang lại. Màu sắc nhẹ nhàng, lôi cuốn, bao trùm là một lớp mờ xanh lam huyền ảo.
Twittering Machine được tạo nên bằng việc sử dụng kĩ thuật oil transfer (chuyển-dầu). Đó là cách vẽ lên giấy những đường nét sơn dầu màu đen của “chiếc máy ríu rít”. Phương pháp này được Klee ưa chuộng, nhất là ở giai đoạn này trong sự nghiệp – khoảng đầu những năm 1920.
Minh họa phương pháp oil-transfer
Đã có rất nhiều giải thích khác nhau về Twittering Machine. Là nghệ sĩ, Klee quan tâm nhiều đến những sáng tạo có tính trực quan – nằm trong phạm vi tiềm thức rộng lớn hơn, hướng đến mục tiêu phát minh hoặc diễn giải thế giới. Ông say mê làm việc với những hình ảnh nảy sinh từ trí tưởng tượng tùy hứng của mình. Những hình vẽ doodle của ông là minh chứng cho những khám phá chính xác. Đối với Klee, giá trị của các chất liệu nguồn chưa qua thử nghiệm hoặc không theo dự tính sẽ được khẳng định khi nghệ sĩ đạt tới sự thành thạo với phương tiện của mình. Ông coi việc làm chủ hoàn toàn những chất liệu trong sáng tác là một điều bắt buộc phải có ở một nghệ sĩ. Có vậy, các khả năng có thể tự do phô diễn mà không bị cản trở bởi những giới hạn thực tiễn.
Vào thời điểm cho ra đời tác phẩm này, Klee đang là giảng viên tại trường Bauhaus – ngôi trường tiên phong trong nghệ thuật và kiến trúc trường phái hiện đại, cùng các đồng nghiệp như Walter Gropius, Vasily Kandinsky và Lyonel Feininger. Ông thường diễn giải các phương pháp của mình sao cho chúng trở thành những công cụ hữu ích đối với các sinh viên.
Trong tác phẩm đã xuất bản On Modern Art (Về Nghệ thuật Hiện đại), Klee viết: “Mỗi người nên để nhịp đập trái tim mình dẫn lối. […] Những điều bắt nguồn từ đây, dù gọi là gì đi chăng nữa, ước mơ, ý tưởng hay ảo vọng - phải được nghiêm túc suy xét chỉ khi nó kết hợp với những phương tiện sáng tạo thích hợp để hình thành nên một tác phẩm nghệ thuật.”
“Each should follow where the pulse of his own heart leads. [..] What springs from this source, whatever it may be called, dream, idea, or phantasy — must be taken seriously only if it unites with the proper creative means to form a work of art.”
Twittering Machine, vì thế, là sự đồng nhất của hai yếu tố: hình ảnh trong tiềm thức và sự tinh thông kĩ thuật hoàn toàn có ý thức. Sau cùng, bất kì ý nghĩa chính xác nào về tác phẩm phải giữ nguyên vẻ tinh tế, khó nắm bắt, chính là bởi bản chất tùy hứng, tự phát của nó.
Một nhà phê bình đã miêu tả hình ảnh này là “một câu chuyện ngụ ngôn đầy sức mạnh về của cuộc đời người nghệ sĩ, sống giữa những kẻ phàm tục […] Giống như Charles Chaplin kẹt giữa cỗ máy trong Thời đại Tân kì, [những con chim] quay cuồng bất lực, đầu chúng gục rũ, trông khó nhọc và khốn khổ. Một con có cái lưỡi bay hẳn lên khỏi cái mỏ, một dấu chấm than như kết lại số phận nghiệt ngã của nó – bị bức phải cất tiếng hót.”
Với tôi, cảm giác thỏa mãn khi chiêm ngưỡng tác phẩm này có được từ sự mơ hồ có phần tinh quái, ranh giới mong manh giữa tính khôi hài và quái gở, bi kịch và hài kịch mà nó mang lại. Nếu nhìn nhận Twittering Machine như một truyện ngụ ngôn – ở đó, nó đặt ra các câu hỏi về “tiến bộ” trong công nghệ của nhân loại – thì kết truyện ra sao sẽ do khả năng cảm nhận của người xem quyết định.
Bổ sung của người dịch:
ARTSY - Mặc dù có nền tảng là khoa học, Klee thể hiện là một người lãng mạn trong màu sắc. Ông thường tạo ra kết nối giữa màu sắc và âm nhạc và giải thích rằng sự kết hợp của các màu khác nhau (rất giống các nốt nhạc) có thể tạo nên sự hòa hợp hoặc nhiễu loạn tùy thuộc vào cách ghép nối. Thỉnh thoảng, ông còn chơi violin trước các sinh viên. Tuy vậy, tuyên ngôn rõ nhất về sự tồn tại của Klee không đến từ giảng đường. “Màu sắc và tôi là một”, ông khẳng định trong dòng nhật ký vào năm 1914, “Tôi là một họa sĩ.”
Xem các tác phẩm của Paul Klee:
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất