Nguồn tham khảo:
Hương vị trong mát và ngọt lành của tâm hồn con người là nghệ thuật. Văn chương lại chính là một trong những hình thái nghệ thuật bắt nguồn từ tâm hồn con người. Chắt lọc bao khoảnh khắc tâm đắc, bao tâm trạng khó quên, bao thay đổi thăng trầm để có cái gì đó rất riêng cho tâm hồn, nhà văn, nhà thơ dường như đã gửi gắm nỗi niềm riêng từ cái "ta" chung vào những "đứa con tinh thần" của mình. Và bước ra từ tâm hồn con người, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu xây đắp cho độc giả bao cảm xúc, suy ngẫm về hai phát hiện của người nghệ sĩ Phùng qua đoạn trích "Có lẽ suốt một đời cầm máy...cũng không tìm cách trốn chạy".
"Chiếc thuyền ngoài xa" là những trang viết đi vào lòng người qua nhiều thế hệ trích tập truyện ngắn cùng tên ra đời năm 1983 dưới ngòi bút Nguyễn Minh Châu - cây bút tiên phong của nền văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Bước vào khung cảnh tuyệt mĩ "một cảnh đắt trời cho" với chiếc thuyền thơ mộng và thanh bình lãng đãng "pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào" cùng "với vài bóng người lớn và trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum đang hướng mặt vào bờ". Quả thực, đây là bức họa kì diệu, mĩ lệ mà tạo hóa ban tặng cho con người. Khung cảnh ấy bất cứ người nghệ sĩ nào cũng muốn gặp trong đời làm nghệ thuật của mình. Trước khung cảnh ấy, phải chăng người nghệ sĩ không thể không rung động, Phùng cảm thấy tâm hồn của mình được gột rửa, thanh lọc với một niềm trào dâng trong lòng trước tuyệt tác. Hơn cả, Phùng như khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá cái khoảnh khắc trong ngần tâm hồn.
Nguồn: Download.com
Nguồn: Download.com
Nhưng hiện thực đằng sau bức tranh tuyệt đẹp ấy là một sự thật đau lòng đến kinh ngạc. Một hiện thực trần trụi mở ra trước mắt Phùng: người đàn bà xấu xí, rỗ mặt đi sau là một người đàn ông cao lớn, dữ dằn. Thì ra, đằng sau cái đẹp tuyệt mĩ mà Phùng vừa phát hiện lại là khung cảnh vô cùng tàn nhẫn, nơi mà bạo lực gia đình hết sức khủng khiếp. Người đàn bà trạc ngoài bốn mươi tuổi với "tấm lưng áo bạc phếch, nửa thân dưới ướt sũng, mặt nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm", cam chịu và nhẫn nhục. Còn người đàn ông đi phía sau không nói một lời, "hùng hổ, mặt đỏ gay" dùng chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa quật tới tấp vào lưng người đàn bà. Trước khung cảnh ấy, Phùng kinh ngạc đến thẫn thờ, "mấy phút đầu cứ đứng há mồm ra mà nhìn, dường như chết lặng".
Người đọc dưới góc nhìn của Phùng nhận thức đầy đủ, chân thực hơn về cuộc sống: vốn không đơn giản mà luôn chứa đựng nhiều nghịch lý. Trong cuộc sống, luôn tồn tại cả tốt và xấu, đúng và sai, bởi vậy khi nhìn nhận bất cứ vấn đề gì cũng phải nhìn sâu, nhìn kĩ và đừng vội vã đánh giá qua vẻ bề ngoài, một chiều phiến diện. Ngoài ra, điểm tập kích cũ hay "thắt lưng của lính ngụy ngày xưa" tái hiện cái tàn dư của chiến tranh vẫn còn đó và con người vẫn sông trong hiện thực phải vượt qua nỗi đau bằng lao động hăng say thể hiện rõ nét ở người đàn bà hàng chài. Từ đó, Chiếc thuyền ngoài xa như bức tranh toàn cảnh về cuộc đời, chỉ khi ta không có cái nhìn hời hợt mới có thể chiêm nghiệm: nghệ thuật không gắn liền, không thể tách rời với cuộc sống. Bằng sự cách tân đổi mới trên cả phương diện nội dung và nghệ thuật, Nguyễn Minh Châu đã tạo ra một kiệt tác xuất sắc, không lấy những người hùng làm trung tâm mà đi sâu vào tìm tòi, phát hiện những đúc kết thấu đáo về nghệ thuật và con người.
Hai phát hiện của Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa có lẽ là nét vẽ đẹp mà người nghệ sĩ Nguyễn Minh Châu tạo ra trong sự nghiệp sáng tác của mình. Dù cho ở quá khứ, hiện tại hay tương lai, Chiếc thuyền ngoài xa vẫn sống mãi với thời gian cùng nghệ thuật xây dựng tình huống truyện và góc nhìn độc đáo đi vào lòng người. Thật đúng với lời nhận định: "Văn học nằm ngoài mọi sự băng hoại, mình nó không chấp nhận quy luật của cái chết".