Chia sẻ kinh nghiệm tham gia vào thị trường chứng khoán (tiếp theo)
Mình định không viết thêm nữa vì thật ra kiến thức của mình về ttck là khá nông, viết nhiều sợ cao thủ người ta cười cho tuy nhiên...
Mình định không viết thêm nữa vì thật ra kiến thức của mình về ttck là khá nông, viết nhiều sợ cao thủ người ta cười cho tuy nhiên hôm qua team youtube của spiderum nhắn tin cho mình rằng bài của mình được chọn và mình cảm thấy mình có trách nhiệm phải chia sẻ thêm những kinh nghiệm của mình. Bài này mình sẽ đi thẳng vô vấn đề luôn và không vòng vo nữa nhé.
Ah, nếu bạn nào chưa đọc phần 1 thì đọc lại ở đây nhé, vì có một số bạn hỏi những thứ mình đã nói tới rồi:
Một vài điều đáng lẽ ai cũng nên biết:
- Thật ra, ngay từ đầu khi mình tham gia vào ttck, mình k hề có ý định kiếm tiền trên thị trường này (đừng hiểu nhầm ý mình, có tiền là rất vui). Lý do vì bạn không thể bước vô một thị trường đang lao dốc và tuyên bố rằng tôi sẽ kiếm lời được trên thị trường này (chứ đừng nói tới 300%). Đúng là lúc đó mình nhìn thấy cơ hội, nhưng mình không chắc thắng như vậy. Mình bước vô ttck với vị thế cực kỳ nghiêm túc để tìm hiểu và rèn luyện sự nhạy cảm đối với thị trường vì định hướng xa của mình là mở cty do chính mình điều hành nên kiến thức và độ nhạy cảm về mảng này là khá cần thiết. Vậy cho nên ngày từ đầu, mình có một luật ngầm tự thống nhất với bản thân là, tất cả ý kiến của mọi người, chỉ để tham khảo, mọi quyết định mình chỉ thực hiện khi mình hiểu mình đang làm gì chứ nhất quyết không theo ai, kể cả đó có là chuyên gia hay của dân chơi ck lâu năm như mẹ mình (dĩ nhiên, mình có vài quả sập hầm do không nghe lời, kinh nghiệm có giá trị rất gì và này nọ nha các bạn). Còn nếu các bạn có mục đích thuần tuý là tiền và không có nhu cầu hiểu gì về bộ môn này, mình khuyên các bạn nên có thêm một môi giới để họ tư vấn và mình review là tư vấn của họ rất hiệu quả. Một lần nữa, mình chia sẻ phí tư vấn bên sàn VPS là 0.05% cho mỗi lượt giao dịch, nghĩa là chỉ tốn khoảng 5000 VND cho mỗi 10tr giao dịch. Mình đánh giá là quá rẻ so với những gì họ mang lại cho chúng ta (sao giống seeder của VPS quá :))). Nhược điểm duy nhất là mình giao dịch là sẽ mất phí tư vấn, chứ không phải mình lời mới mất phí và lỗ thì dĩ nhiên mình tự chịu (và vẫn mất phí). Mình thích tự định đoạt vận mệnh của mình hơn nên mình đã không dùng :v
- Ai cũng ra rả, chơi chứng khoán là phải kỷ luật nhưng họ không chỉ kỷ luật là kỷ luật như thế nào? Mình xin chia sẻ một vài nguyên tắc chơi ck của mình như sau:
+ Thứ nhất: không mua/bán phiên ato, không mua phiên atc. Các bạn nên tìm hiểu kỹ ato/atc là gì, những phiên này rất quan trọng nha các bạn. Mình giải thích nôm na là nếu bạn đặt lệnh mua/bán ato/atc thì có nghĩa là bạn đang tuyên bố: tôi phải mua/bán cp XXX bằng mọi giá. Mình thì mình không thích bất cứ cái gì "bằng mọi giá". Trên sàn chứng khoán bao gồm cả HOSE, HNX và UPCOM có hàng trăm mã để mua, mình không nhất thiết phải mua một mã cp cụ thể nào "bằng mọi giá". Hãy tìm cho mình một con đường riêng thay vì chạy theo người khác để mua một cp bằng bất cứ giá nào. Nhưng nếu các bạn đọc kĩ, sẽ thấy mình có option để bán phiên atc. Bán phiên atc là để bạn cắt lỗ, và trong 1 số trường hợp, các bạn nên dùng. Tại sao lại cắt lỗ phiên atc chứ không phải cắt lỗ phiên ato? Vì thường cổ phiếu các bạn muốn cắt lỗ ato thì atc ngày htrc nó cũng đã giảm rồi, và nếu đã quyết định cắt lỗ, thì hãy cắt lỗ phiên atc ngày htrc chứ đừng để cắt lỗ ato ngày hôm sau vì bạn có thể mất tiếp 2 3% giá trị cp (thậm chí là 7%, chuyện mở gap giá sàn chẳng phải hiếm gì).
+ Thứ hai: tuyệt đối không mua đuổi. Giống giống cái ở trên, mình không mua đuổi bất cứ cp nào, có hàng trăm mã cp các loại để mình lựa chọn, mua đuổi giá trần thậm chí còn tệ hơn mua ato/atc. Các bạn cần lưu ý t+3, các bạn mua ngày hôm nay trần, 3 ngày sau liệu nó có còn tăng hay là đã giảm, chẳng có cp nào tăng mãi được, và một cp tăng trần ngày hnay rất có thể là sau đó nó sẽ giảm (cái gì cũng có ngoại lệ nha, các bạn có thể xem trường hợp của THD là một ví dụ, cp này tăng trần 17 ngày liên tọi). Một tips nhỏ là nếu thị trường không quá thuận lợi (trung tính hoặc có dấu hiệu tiêu cực) thì nên tránh mua cp các ngày thứ 4 thứ 5 và thứ 6. Mua cp những ngày này thì đến sang tuần bạn mới có thể bán được (t+3), tỉ lệ rủi ro tăng lên rất cao. Chỉ mua cp những ngày này nếu bạn khá tự tin vào trend của thị trường (hoặc trend của cp)
+ Thứ ba: nhất định bạn phải biết cách cắt lỗ. Giang hồ có câu, chốt lời thì luôn đúng, bạn có thể chốt lời non, hoặc muốn ăn nhiều, 5% cũng là lời mà 50% cũng là lời. Tuy nhiên cắt lỗ thì phải nghiêm ngặt hơn chốt lời, nếu không thể học được bài bản, ít nhất hãy tìm hiểu vùng hỗ trợ của VNI và vùng hỗ trợ của cp các bạn mua, sau đó trừ thêm ra một ít và lấy đó là vùng cắt lỗ (dĩ nhiên là nó có phương pháp cụ thể, tuy nhiên trong một bài mình không thể nói hết được). Lấy ví dụ. Vùng hỗ trợ của VNI là 1180, nếu bạn tham gia vào một cp lúc VNI trên 1180 điểm nhưng vài ngày sau VNI bị thủng mốc này xuống 1175 thì cần xem xét lại để cắt lỗ. Tương tự, ví dụ bạn mua cp PVS và vùng hỗ trợ của nó là 21, thì nếu thủng vùng này giả sử xuống 20.5, hãy mạnh dạn cắt lỗ. biên độ cắt lỗ nhiều hay ít có thể tuỳ mỗi người, ví dụ có người xuống 20 mới cắt lỗ cũng không sao. Tuy nhiên, ý mình ở đây là bắt buộc phải học cách cắt lỗ, kể cả bạn giao đại một nguyên tắc mà các bạn ko hiểu tại sao ví dụ như 15% cắt lỗ vẫn còn hơn là các bạn nghĩ rằng: "nó xuống rồi tí nó lên". Nếu các bạn không có nguyên tắc cắt lỗ, mình khuyên các bạn không nên chơi chứng khoán. Ở chiều ngược lại, mình không khuyên các bạn chốt lời, chốt lời vô thường lắm, và còn tuỳ sóng, tuỳ tính cách mỗi người :D
+ Thứ tư: đừng cố bắt đáy. Bạn chỉ biết đó là đáy hay không khi cái đáy nó đã hình thành rồi. Người đánh chứng khoán chuẩn chỉ là họ sẽ mua khi qua đáy bán khi qua đỉnh. Đừng bao giờ cố gắng hy vọng mua đáy bán đỉnh cả và chẳng có chuyên gia nào có thể làm được việc đó đâu
+ Thứ năm: cẩn thận với tin tức. Tin tức là một trong những chiêu trò của lái, và ngta hay có câu, tin ra là bán. Nghĩa là khi có tin, cp của một doanh nghiệp tăng, và đó chính là lúc bán ra. Thường thì các bạn mới chơi hay làm ngược lại, tin ra là đi mua. Chúng ta luôn luôn chậm hơn lái, và kể cả không có lái, chúng ta cũng chậm tin hơn chính bản thân doanh nghiệp đó. Nếu là bạn, khi công ty của bạn có tin tốt, thì trước khi tung tin đó ra thị trường, liệu bạn có kêu ai đó trong gia đình bạn mua vô, hay thậm chí là bản thân bạn mua vô không? Trả lời được câu hỏi này bạn sẽ hiểu tại sao tin ra là bán. Nhưng không phải luôn luôn như vậy. Ví dụ báo cáo tài chính cũng là 1 tin, và nếu báo cáo tài chính của một công ty tốt thì chẳng có lý do gì chúng ta không mua vào. Vậy nên mình mới nói là cẩn thận chứ mình không nói là tuyệt đối đừng nghe tin, tin thì có dăm bảy loại tin, các bạn cần phân loại được.
+ Thứ sáu: tuyệt đối không biến đầu tư chứng khoán thành sòng bài. Người đầu tiên chỉ mình chơi chứng khoán đã nói với mình rằng: "Làm gì thì làm hãy tránh những cp sau: .... ". Mình xin phép được giấu tên cái list vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng xấu đến CP và đây là điều mình không muốn, nếu không thể nói tốt được cho ai thì cũng không nên dìm họ xuống. Tuy nhiên, nếu các bạn tham gia ttck cần phải tìm hiểu những cp như vậy. Hãy làm giàu bằng một tư duy lành mạnh, nếu không một ngày nào đó các bạn sẽ phải trả giá. Có thể bạn may mắn trên ttck, chơi những con cp đầy tính bài bạc và vẫn thắng, nhưng nếu các bạn duy trì tư duy đó thì các bạn cũng sẽ thua ở somewhere else thôi.
+ Thứ bảy: Quy tắc này đặt ra để phá vỡ tất cả các quy tắc của mình đặt ra. Đó chính là khi bạn hiểu bạn đang làm gì, bạn hoàn toàn có thể phá vỡ bất kì nguyên tắc nào các bạn đặt ra. Đầu tiên mình đặt ra nhiều nguyên tắc hơn như thế này cơ, nhưng mình từ từ loại bỏ từng cái một khi mình hiểu mình đang làm gì. Ví dụ, lúc đầu mình có quy tắc là không đụng vào margin, tuy nhiên khi mình hiểu rõ hoàn toàn rồi, mình dùng margin mạnh lắm các bạn ạ =))) Mình tặng các bạn một câu từ một người thầy của mình: "standard is strong but flexibility is always the best form"
- Một vài điều linh tinh khác:
+ Khi một thứ có giá trị tăng lên đột ngột trong một thời gian ngắn, nó sẽ đi qua 3 giai đoạn: underrated - fair - overrated, áp dụng cho tất cả mọi thứ, từ bó rau, cổ phiếu đến nhà cửa đất đai. Khi bạn đầu tư thì giai đoạn underrated tới fair là an toàn nhất, giai đoạn fair tới overrated là giai đoạn vẫn đầu tư được và nó thể hiện bản lĩnh của nhà đầu tư. Và dĩ nhiên, bạn tham gia vào bất cứ cái gì khi nó đã bị overrated thì coi như các bạn xong rồi đó. Điều quan trọng là các bạn phải biết đc thị trường ở phase nào
+ Dòng tiền của một số ngành: Khi ttck tăng trưởng tốt, hãy mua cp chứng khoán (một trong những thành công của mình là mua cp VND, VND mình lãi hơn 100% :D). Một số cp sẽ có chu kỳ, ví dụ như ngành thép đang rất hot và đang vào chu kỳ của nó. CP của bank là một cp những nhà tạo lập thị trường rất hay để ý nếu muốn kéo (thứ nhất vì chẳng có quốc gia nào tiềm lực mạnh mà ngân hàng yếu cả, thứ hai là ngân hàng ít bị những yếu tố xấu đột ngột từ doanh nghiệp hơn, ví dụ, nếu họ muốn kéo thị trường bằng cp dầu khí, mà giá dầu giảm thì họ phải làm sao)
+ Để ý vol của mua bán, vol mua bán sẽ nói lên rất nhiều điều. Lấy ví dụ, nếu các bạn đột nhiên thấy vol mua bán của một cp tăng lên một cách đột ngột mà chẳng có cái tin gì hay không có lý do gì cụ thể, hãy mạnh dạn mua vô vì thường chẳng có nhà đầu tư cá nhân nào đột ngột bu vô mua một cp như thế. Tự đặt câu hỏi, sáng dậy các bạn có random đi mua một thứ gì đó và có hàng ngàn người cũng random mà cũng đi mua đúng một thứ đó không? Câu trả lời là không, thường những phiên có vol bất thường như vậy là một tổ chức hoặc nhiều tổ chức nào đó đang mua vào, và họ đợi tin ra là bán đó các bạn ạ (à, nhiều là nhiều với nó thôi nha, ví dụ một cp bình thường chỉ giao dịch loanh quanh 100.000 cp một ngày đột nhiên nó được giao dịch với khối lượng 600.000 cp một ngày thì đó là cao. Tuy nhiên nếu các bạn đem so sánh 600.000 cp một ngày với những con top giao dịch hằng ngày thì có khi lại chẳng thấm vào đâu). Nói chung, xung quanh vol mua bán thì có rất nhiều điều để nói, mình chỉ lấy ví dụ thôi. Các bạn cần học và tìm hiểu sao cho mình thực sự hiểu chứ đừng áp dụng linh tinh.
+ Tính thanh khoản: có rất nhiều cp rất rất tốt, nhưng không có tính thanh khoản vì chẳng ai muốn mua bán nó cả. Vậy bạn nghĩ tại sao một thứ tốt mà lại không ai muốn mua bán. Mình lấy ví dụ thế này, nếu bạn đi tới một nơi nào đó và họ đang sắp chết đói tới nơi, thì thứ họ cần là đồ ăn chứ không phải vàng, kim cương, cổ phiếu hay bitcoin. Vậy nên bạn đến đó, và bạn đói ăn, thì bạn chẳng cách nào dùng kim cương của bạn đổi lấy cái bánh mì đâu. Những cp dạng này thường là cp trả cổ tức tốt, được chuyên trị bởi chính người thân bạn bè họ hàng của ban lãnh dạo doanh nghiệp, hoặc của mấy bác già già muốn có chỗ thêm tiền lương hưu. Mua những cp này cũng tốt thôi, tuy nhiên nếu bạn muốn trading hoặc dòng tiền của bạn không phải dư dả (đại khái là bạn có thể phải rút ra bất cứ lúc nào) thì mình không khuyến nghị mua bán những cp thanh khoản thấp hoặc không có thanh khoản. Mà những cp dạng như thế cũng không phù hợp với người trẻ chúng ta, nó giống như một hình thức gửi ngân hàng vậy :v Lưu ý: cp tốt có thể thanh khoản thấp (hoặc không có thanh khoản) không có nghĩa cp thanh khoản thấp là cp tốt. Kim cương không ai muốn mua thì rác cũng không ai muốn mua cả.
Đến đây thôi, mình lại đuối rồi :v Lúc nào mình nghĩ ra thêm được gì nữa mình sẽ chia sẽ tiếp cho các bạn. À, nếu có gì thắc mắc, các bạn cứ đặt câu hỏi, nếu mình biết mình sẽ sẵn sàng trả lời tuy nhiên chỉ trong khuôn khổ của spiderum thôi mình không thể cho các bạn những thông tin thật của mình cũng như cách thức liện lạc khác. Mình là một giảng viên đại học, đôi khi khá là bị soi mói nên mình muốn ẩn danh trên spiderum để thoải mái đưa ra quan điểm của mình và một phần nữa là mình không phải chuyên gia hay môi giới chứng khoán gì cả nên mình cũng không thể dành nhiều thời gian để tư vấn cho các bạn được, chưa kể là mình phím hàng lung tung cho các bạn, các bạn được thì cả nhà cùng vui nhưng các bạn mất mình áy náy lắm :v Chúc các bạn may mắn trên ttck, một lần nữa :D
Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất