Suốt 3 năm đại học, N nằm trong đội ngũ ban tổ chức cho không dưới 5 sự kiện của trường, tất cả đều có quy mô lớn, được tổ chức chỉn chu và nghiêm túc. Cuộc sống sinh viên được lấp đầy bằng chuỗi ngày “chạy sự kiện”, nơi ngày mới bắt đầu với tiết học lúc 7h30 và kết thúc lúc 2 giờ sáng sau khi bỏ bài tập và chuẩn bị cho sự kiện. Một lịch trình căng thẳng như thể đang làm lao động cho công ty đang phải chạy doanh số cuối năm. Những sinh viên như N quá quen với những buổi “họp ban tổ chức” kéo dài, những đêm chạy deadline căng thẳng và cả những lời trách móc từ cán bộ trường nếu hiệu quả công việc không được đảm bảo. Việc liên tục phải “tăng ca”, hay đời sống cá nhân bị đảo lộn, không có lương trở thành điều hiển nhiên.
Đổi lại, N có được những mối quan hệ mới, những gạch đầu dòng lấp kín CV, những tấm ảnh trăm like trên facebook. N quen được với các anh chị cán bộ, và được các em khóa mới kết bạn ngay khi nhập học. Quan trọng hơn cả, N có được cảm giác tự hào, tin tưởng rằng bản thân đang trên đà phát triển. Cứ mỗi một sự kiện thành công, một cốt mốc mới trong cuộc đời lại được cắm xuống, như minh chứng cho hành trình khám phá và phát triển bản thân. N cảm thấy tự tin, giỏi giang và gần với thành công hơn so với chính mình của quá khứ. Cảm giác ấy khiến cho N, dù nhận thức rõ sự vất vả và bất công trong những ngày làm không công cho trường, vẫn luôn sẵn sàng điền đơn cho những sự kiện tiếp theo.
Trong những buổi trò chuyện với N, khi lắng nghe trải nghiệm chạy từ sự kiện này qua sự kiện khác, tôi nhận thấy làm không công cho trường đã trở thành điều hiển nhiên với người trẻ. Cống hiến cho trường không chỉ là việc cần phải làm để phát triển bản thân, mà còn là một niềm vinh dự. Bất chấp quá trình ấy có tốn công, tốn sức, tốn thời gian thế nào, vẫn có những sinh viên nghiễm nhiên chấp nhận làm không công. Tôi viết bài này, như một nỗ lực tự chất vấn những lẽ thường, lý giải động cơ tham gia tổ chức các sự kiện của những sinh viên như N, đồng thời giải thích vì sao bằng việc không được trả lương, họ đang bị bóc lột bởi chính ngôi trường của mình.
Disclaimer: Phạm vi của bài viết tập trung vào tình trạng các bạn sinh viên không nhận được lương khi tham gia tổ chức các sự kiện của trường. Bài viết này không phản đối việc tham gia hoặc tổ chức các sự kiện, hoạt động ngoại khóa nói chung. Đồng thời, bài viết cũng không phản đối hoạt động phát triển bản thân của các cá nhân.

1. Một nỗ lực phát triển bản thân. 

Lý do để N cống hiến thời gian và công sức cho trường thường gắn chặt với các yếu tố: kiến thức, kinh nghiệm, danh tiếng và mối quan hệ. Đây là những lợi ích cơ bản mà N luôn kỳ vọng sẽ đạt được thông qua quá trình chạy sự kiện, tiền lương tuyệt nhiên không bao giờ được đề cập. Đây là những yếu tố then chốt, làm nền tảng cho thành công lớn hơn trong tương lai, như có công việc tốt, săn được học bổng. Nói tóm lại, động lực tham gia gắn chặt với nhu cầu phát triển bản thân, sao cho đạt được các tiêu chuẩn thành công trong xã hội.
Phát triển bản thân đang trở thành xu hướng của thời đại. Các diễn ngôn về chủ đề này xuất hiện khắp các phương tiện truyền thông, từ sách self-help, phim ảnh cho đến trang fanpage trường và lời các anh chị cán bộ. Những hình mẫu công dân lý tưởng được dựng lên, gắn chặt với sự tự do, tự chủ, tự tin, độc lập, lý tính, sáng tạo. Những cá nhân sở hữu những đặc điểm “khớp” với tiêu chuẩn, sẽ có lợi thế trong cuộc đua đến thành công. Đồng thời, truyền thông cũng không quên nhắc nhở người trẻ về thứ tiềm lực (human capital) đang chờ đợi được khai phá bên trong họ. Phát triển bản thân chính là quá trình khai phá tiềm lực.
Từ đây, mỗi cá nhân cảm thấy mình có trách nhiệm nâng cao và tối đa hóa giá trị bản thân. “Vượt qua giới hạn bản thân” trở thành nghĩa vụ đạo đức của công dân trong thời đại mới. Đây được coi như yếu tố cốt lõi, nếu một người trẻ muốn năng lực bản thân đáp ứng được các nhu cầu xã hội. Với thôi thúc trở thành phiên bản tốt hơn, chúng ta ràng buộc mình với những chuẩn “tốt hơn” mà xã hội đặt ra, dẫn đến tự bóc lột (self-exploitation). Còn thở là còn phát triển, dừng lại là thất bại.
Con người trở thành những nhà kinh doanh, với sản phẩm là chính bản thân. Mỗi cá nhân như một hàng hóa được rao bán trên thị trường. Chúng ta, trong vai trò những nhà kinh doanh, phải nỗ lực khiến bản thân nổi bật, độc đáo, bắt mắt và đáp ứng được kỳ vọng xã hội. Không chỉ dừng lại ở nâng cao năng lực, ta liên tục phải quảng bá bản thân đến người khác. Xây dựng những căn tính đạt chuẩn thôi là chưa đủ, ta còn phải truyền thông bản thân đến nhiều người nhất có thể. Đối với N, giá trị bản thân gia tăng cùng kiến thức và kinh nghiệm tích lũy trong quá trình tham gia sự kiện, vốn xã hội sẽ tăng khi có thêm các mối quan hệ với anh chị cán bộ, thương hiệu sẽ được nâng tầm cùng những dòng “Từng làm BTC tại…” trên trang cá nhân facebook. Tất cả những biểu hiện tốt đẹp nhất của bản thân, cần phải được phơi bày công khai trên mạng xã hội.
Nếu chúng ta đang thực sự tìm cách rao bán mình, vậy thì có những thời điểm, nhiều người đã buộc phải biến mình thành món hàng dùng thử, thứ người khác có thể sử dụng mà không cần trả bất kỳ chi phí nào. 

2. Một hình thức bóc lột

Sinh viên đang bị đối xử không công bằng với công sức lao động họ bỏ ra.
Nhà trường hưởng lợi rất nhiều từ các sự kiện và hoạt động ngoại khóa. Từ góc nhìn truyền thông, các hoạt động ngoại khóa đang được nhìn nhận như biểu hiện của sự “năng động, sáng tạo”, chúng đóng vai trò trực tiếp trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cho trường. Số lượng và quy mô các sự kiện trở thành lợi thế cạnh tranh trên thị trường, ảnh hưởng đến quyết định nhập học của học sinh/sinh viên. Nói cách khác, đây là những khoản đầu tư có khả năng đem về lợi nhuận.
Trong khi đó, đội ngũ ban tổ chức, hầu hết là các bạn sinh viên, chịu trách nhiệm cho phần lớn khâu quan trọng của sự kiện: nội dung, truyền thông, hậu cần, v.v Trong rất nhiều sự kiện, sinh viên chịu trách nhiệm cho toàn bộ quá trình tổ chức, bao gồm lên ý tưởng, triển khai, vận hành, xin tài trợ. Họ là những người trực tiếp góp phần vào thành công của sự kiện. Sinh viên chính xác đã trở thành người lao động, dành thời gian và công sức để tạo ra các giá trị sinh lời cho nhà trường, nhưng lại không nhận được bất kỳ đồng lương nào cho sức lao động của mình.
Điểm vô lý nằm ở chỗ, nhà trường vẫn luôn phải trả các chi phí liên quan đến hoạt động truyền thông như thuê quảng cáo, phí marketing, trả lương cho cán bộ tổ chức sự kiện, nhưng sinh viên lại nghiễm nhiên nằm ngoài danh sách này. Việc sinh viên làm không lương được duy trì như một “luật bất thành văn” từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thay vì bỏ ra hàng trăm triệu đồng thuê bên trung gian đứng ra tổ chức các sự kiện, nhà trường luôn có sẵn đội ngũ những người trẻ nhiệt huyết, hăng hái, sẵn sàng chạy deadline đến 3 giờ sáng mà vẫn coi đấy là một việc đương nhiên phải làm. Đó là biểu hiện của bóc lột.

3. Chấp nhận như một lẽ thường

Nhưng tại sao các bạn sinh viên, ngay cả khi nhận ra sự vất vả và bất công, vẫn chấp nhận làm không lương cho trường như một điều hiển nhiên?
Trở lại với diễn ngôn phát triển bản thân, các hình mẫu lý tưởng liên tục được đặt ra bởi truyền thông - văn hóa - xã hội, khiến cho người trẻ mặc định đó là thứ họ cần cố gắng trở thành. Hình tượng “sinh viên lý tưởng” được tạo ra thông qua những phần thưởng, bài tôn vinh trên báo, fanpage trường, v.v Một sinh viên giờ đây không chỉ phải có thành tích học tập tốt, họ đồng thời năng nổ và nhiệt tình tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Từ đây, trở thành BTC cho sự kiện trường trở thành việc “nên làm” đối với tất cả sinh viên. Chuỗi ngày chạy sự kiện được nâng tầm thành những hoạt động nâng cao giá trị bản thân, vốn chỉ dành cho sinh viên nào sẵn sàng (điền đơn). Sinh viên không “phải” làm, họ “được” làm. Nhà trường không hề áp đặt hay bắt buộc sinh viên phải tham gia các hoạt động. Không ai dí súng vào đầu và hét lên “điền đơn làm BTC không tao bắn” cả. Nhưng họ cũng liên tục nhắc nhở sinh viên rằng đây là cơ hội để được học hỏi từ những người đi trước, tích lũy thêm kinh nghiệm cho công việc sau này, quen biết được nhiều người tài giỏi, quyền lực. Nếu muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, nếu muốn thành công sẽ đến trong tương lai, hãy làm đi và đừng đòi hỏi tiền bạc.
Thậm chí không cần đến nhà trường, chính các sinh viên “cựu BTC”  cũng sẽ là động lực (hoặc áp lực) thúc đẩy người khác tham gia. N làm sao có thể yên lòng nếu như các anh chị khóa trước luôn miệng khuyên “đi làm” cho trường là một việc cần thiết? Làm sao dám không điền đơn khi hội bạn cùng khóa thay nhau khoe ảnh sự kiện với dòng mô tả đầy tự hào? Hành động tự nguyện điền đơn không nhất thiết đến từ lý trí với những cân nhắc đánh giá kỹ lưỡng. Quyết định này hứng chịu vô vàn những tác động từ môi trường xung quanh. Cảm giác bị thúc ép về mặt tâm lý, ngay cả khi bản thân không muốn, là điều không thể tránh khỏi.
Kết quả, những diễn ngôn lạc quan về sự phát triển hóa phép việc làm không công, từ biểu hiện của bóc lột, trở thành một niềm vinh dự to lớn. Tấm thẻ BTC được coi như tấm kim bài, một thứ đặc quyền chỉ dành cho thiểu số đã dám nắm bắt cơ hội. Nhà trường, và ngay cả chính sinh viên, đều muốn tin rằng họ đang khai phá tiềm lực và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Không phải ngẫu nhiên mà được chèn thêm dòng “Ban tổ chức tại sự kiện ABC” trên trang facebook cá nhân trở thành điều mà nhiều sinh viên khao khát.
Ngoài ra, những lợi ích mà việc “chạy sự kiện” đem lại cũng là lý do khiến sinh viên chấp nhận cho người khác bóc lột. Nhưng cần phải lưu ý rằng bất kể những lợi ích ấy có được như truyền thông mô tả hay không, sinh viên vẫn cần nhận được lương xứng đáng với sức lao động họ bỏ ra. Lập luận rằng sinh viên tham gia là để học hỏi và thêm kinh nghiệm, nên không cần trả lương quá phi lý. Tại sao nhà trường không làm điều tương tự với các cán bộ và các bên dịch vụ tổ chức sự kiện? Những bên liên quan này cũng có được kinh nghiệm, kiến thức và mối quan hệ, tại sao họ vẫn cần được trả phí? Việc học hỏi và được trả công xứng đáng chẳng có gì mâu thuẫn, nên không thể lập luận kiểu vì có A nên đừng đòi hỏi B, trong khi sinh viên xứng đáng nhận được cả A và B.
Còn cách nào tốt hơn để biện minh cho hình thức lao động không được trả lương của sinh viên bằng cách nói rằng nó đem lại những lợi ích to lớn như kiến thức, kinh nghiệm hay các mối quan hệ. Nói rằng nó là một phần quan trọng trong quá trình phát triển bản thân. Rằng việc chạy deadline đến 3h sáng không phải bị bóc lột, mà là một niềm vinh dự. 

4. Lời kết

Thú thực, tôi không nghĩ bài viết này có thể tạo ra bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của các trường. Tôi không kỳ vọng bản thân tạo ra một thay đổi lớn lao đến thế. Tôi cũng không bất ngờ nếu ai đó vẫn tiếp tục chịu đựng sự bóc lột, nhằm đánh đổi lấy những lợi ích lớn hơn trong tương lai. Thay đổi chính sách, và hành vi, là một vấn đề phức tạp, và tôi nhận thức mình không có đủ thẩm quyền để bàn về điều đó.
Nhưng nếu có điều gì đó bài viết này có thể thay đổi, tôi mong đó là nhận thức của các bạn sinh viên khi làm không công cho trường. Hãy hiểu rằng đó không phải là một lẽ thường, một điều hiển nhiên. Một quyết định đưa ra không nhất thiết thuần túy xuất phát từ nhu cầu nội tại, nó có thể đang chịu sự chi phối từ vô vàn các yếu tố như văn hóa, xã hội. Thậm chí ngay cả những quyết định mà chúng ta nghĩ mình được tự do lựa chọn, cũng chưa chắc là hoàn toàn “tự do”. Theo đuổi hình mẫu lý tưởng, phát triển bản thân, đều không phải những điều hiển nhiên. Đặc biệt là khi những hình mẫu và tiêu chuẩn phát triển không được đặt ra để tất cả mọi người đều có thể đạt được. Tương tự với “bỏ công sức ra và đừng mong đợi tiền bạc”, nó không thể hiển nhiên, chỉ bởi vì nó (có thể) đem lại lợi ích. Hãy cẩn trọng với những sứ mệnh cao cả được gán cho, vì rất có thể đó là phương pháp để người khác bóc lột bạn.
Hãy hoài nghi những lẽ thường.

5. Tham khảo

Salman Türken, Hilde Eileen Nafstad, Rolv Mikkel Blakar & Katrina Roen (2016) Making Sense of Neoliberal Subjectivity: A Discourse Analysis of Media Language on Self-development, Globalizations, 13:1, 32-46, DOI: 10.1080/14747731.2015.1033247
Đọc thêm: