Có nên tham gia câu lạc bộ ở trường đại học?
Cuối cùng thì, sinh viên năm 1 có nên tham gia câu lạc bộ ở trường đại học?
– Vì sao cậu không tham gia câu lạc bộ khi còn là sinh viên?
– Nhà tớ xa trường. Câu lạc bộ nào cũng sinh hoạt vào buổi tối 7 – 8 giờ, thời gian đâu mà tham gia.
Câu lạc bộ ở trường đại học đã là một điều quá quen thuộc với các bạn sinh viên. Tham gia câu lạc bộ là một trong những lời khuyên hàng đầu mà bạn có thể tìm thấy ở bất cứ bài báo có tiêu đề: “Sinh viên năm 1 nên làm gì?”. Tôi đã từng là thành viên của một câu lạc bộ của khoa, và cũng là thành viên đầu tiên của lứa năm 1 khi ấy rời bỏ câu lạc bộ trước khi lên năm 2. Cách đây khoảng hai năm, một fanpage nổi tiếng trong giới trẻ đặt vấn đề về việc sinh viên năm 1 nên tham gia câu lạc bộ hay đi làm thêm, câu lạc bộ hay là “câu bộ lạc” chỉ làm mình rước thêm những điều phiền phức.
Đọc những bình luận ca thán về việc tham gia câu lạc bộ, tôi bất giác nhớ về những kỉ niệm ngày đó. Sinh viên năm 1 nên hay không nên tham gia câu lạc bộ ở trường đại học?
— — — —
Tôi học cấp 3 ở một trường chuyên của thành phố. Những ngôi trường lớn, đặc biệt là trường chuyên luôn có nhiều câu lạc bộ để các bạn học sinh chọn lựa. Lúc mới bước vào lớp 10, tôi cũng định tham gia một câu lạc bộ kia, nhưng lại tự nhủ không biết sắp xếp việc học như thế nào, thôi thì không tham gia câu lạc bộ vậy. Nhìn những người bạn cùng lớp tham gia câu lạc bộ, thấy bọn chúng hôm nào cũng ngồi vòng tròn quây quần với nhau, đứa nào tham gia câu lạc bộ Harmonica cũng thủ sẵn bên người một cái kèn, nghêu ngao tập thổi. Chủ nhật nào câu lạc bộ Công tác xã hội cũng bày trò chơi giải mật thư, bịt mắt bắt dê. Tôi thầm nghĩ: “Ái chà, tham gia câu lạc bộ vui thật đấy. Chẳng phải nhọc công làm gì lại còn suốt ngày được chơi”.
Khi còn học cấp 3, tôi rất nhút nhát và rụt rè. Tôi cũng không hiểu vì sao tính cách của tôi lúc đó lại trầm lặng đến thế. Vì vậy, lên đại học tôi quyết tâm thay đổi bản thân, đề ra mục tiêu phải làm quen thật nhiều bạn mới, phải trở nên năng nổ, tự tin. Và một trong những điều góp phần thay đổi tính cách, đó chính là tham gia câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa. Tôi thấy trên báo nói như thế, khi mà tìm kiếm từ khóa: “Sinh viên năm 1 nên làm gì?”. Đăng ký tham gia câu lạc bộ là việc đầu tiên được nêu ra trong danh sách. Vậy thì tôi phải làm ngay mới được.
Ngành học của tôi được mặc định dành cho những người sôi nổi, hoạt bát. Bước chân vào đại học, tôi háo hức lắm. Ngày đầu nhập học đã được giới thiệu về các câu lạc bộ của khoa. Những anh chị chủ nhiệm đứng trên sân khấu thao thao bất tuyệt về câu lạc bộ của mình với phong cách tự tin, đĩnh đạc. Tôi cũng muốn trở thành con người như thế. Sẵn sở thích viết lách từ nhỏ, cộng với việc yêu thích nghề nghiệp phóng viên, tôi không ngần ngại đăng kí vào ban nội dung của câu lạc bộ thời sự khoa tôi. Trong đầu tôi không mảy may về việc làm thành viên ban nội dung là làm những gì. Mặc kệ, vui trước đã, những điều khác mai mốt tính sau.
— — — —
Thủ tục đăng kí thật là đơn giản. Nhưng bây giờ chắc khó hơn chút đỉnh rồi. Đầu tiên điền thông tin vào form đăng kí. Vòng 1 là buổi teambuilding, địa điểm là quán nước ở quận Bình Thạnh gần trường. Nói teambuilding thế thôi, chứ đó chỉ là buổi gặp mặt với các bạn sinh viên đăng kí và với các thành viên câu lạc bộ. Các anh chị trình bày câu lạc bộ này là gì, làm những gì, những hoạt động từ trước đến nay và giải thích công việc của từng ban khác nhau: ban nội dung, ban truyền thông, ban nhân sự và ban chủ nhiệm.
Buổi gặp mặt vui vẻ, thân tình không kém phần lạ lẫm với tôi khi đó. Lần đầu tiên tôi tham gia hoạt động đông người, mà còn với những người xa lạ nữa chứ. Sinh viên năm 1 không thể thoát khỏi màn chào hỏi, giới thiệu. Tôi đã giới thiệu bản thân như thế nào vào ngày hôm đó nhỉ? Những trò chơi tập thể đơn giản, vui vẻ hâm nóng bầu không khí. Địa điểm rất xa nhà tôi, lại còn là sáng chủ nhật nữa chứ. Sức mạnh khao khát thay đổi bản thân thật là mãnh liệt.
Nhận email gặp mặt vòng 2, đây được gọi là vòng training. Ở buổi gặp này, các bạn đăng kí sẽ được tìm hiểu sâu sắc về nhiệm vụ từng bộ phận, và được các anh chị trưởng ban training về công việc. Ví dụ như tôi đăng kí ban nội dung, thì hôm ấy chị trưởng ban thuyết trình về cách viết một bản tin, một bài viết thông thường gồm những mục nào, phong cách viết ra sao,… Cuối buổi được giao bài tập về nhà, gọi là bài test. Sau này tôi mới biết, cứ làm là được nhận vào câu lạc bộ, các anh chị đang thử xem mình có thực sự muốn làm công việc này, muốn tham gia câu lạc bộ không đó mà.
Buổi chiều hôm ấy, tôi bắt xe buýt từ nhà đến địa điểm training. Lần này là quán cafe Trung Nguyên sang xịn mịn. Hóa ra, để tổ chức ở địa điểm đó, các anh chị phải đi “tiền trạm”, liên hệ với quán và đặt chỗ trước. Nói ra để bạn nào đăng kí vào ban Nhân sự, Logistics của các câu lạc bộ đừng bỡ ngỡ về khoản khảo sát, tìm kiếm địa điểm nhé. Đó là một trong những việc quan trọng khi tổ chức sự kiện câu lạc bộ đó. Bỗng dưng trời mưa tầm tã, xe buýt lại đi lố trạm nữa chứ. Trời tối đen như mực, nắm chặt cây dù nhỏ xíu đi ngược chiều gió, người tôi ướt sũng mà còn trễ giờ. Hay là thôi, bỏ về đi. Tôi nghĩ vậy, nhưng rồi gạt phắt suy nghĩ ấy đi, tiếp tục bước tiếp dưới màn mưa. Đến nơi cũng đã trễ giờ, người ướt sũng, tôi ngồi xuống chiếc ghế êm ái của phòng máy lạnh mà run cầm cập. Kỷ niệm đầu tiên khi tham gia câu lạc bộ là như thế đó. Đúng là sinh viên năm 1 nhiệt huyết biết bao. Và chính nhờ những nhiệt huyết đó, tôi đã có những kỉ niệm đáng nhớ ở câu lạc bộ.
1. Mở rộng mối quan hệ, quen biết nhiều anh chị cùng khoa, cùng trường
Tôi không đề cập về việc mở rộng mối quan hệ bạn bè đâu, bởi vì quen biết nhiều bạn không có nghĩa người ấy sẽ là bạn thân của mình. Bước chân vào câu lạc bộ, điều đầu tiên là bạn sẽ làm quen với nhiều anh chị khóa trên. Những người trong số ấy có thể, hoặc chắc chắn sẽ trở thành người bạn thân thiết với bạn. Nhờ tham gia chung một câu lạc bộ, tôi làm quen với những người anh, người chị, dẫu chỉ lớn hơn 1 – 2 tuổi nhưng lại có thật nhiều điểm chung. Kỷ niệm đẹp cũng từ đó mà ra. Trông chị có vẻ trầm lặng, nhưng chị lại là người bắt chuyện với tôi trước. Tôi nhận ra chị thật vui vẻ, hài hước và hòa đồng. Quấn quýt mãi không rời. Quen biết những anh chị khóa trên, tôi nhận được nhiều lời khuyên, kinh nghiệm và được truyền lại hằng hà sa số câu chuyện drama không hồi kết về khoa, về trường nữa. Bật mí: Trường nào cũng có “phốt” hết. Đừng lo.
Có thể tôi gặp những anh chị đó trong một khoảng thời gian ngắn. Có thể đã mấy năm rồi tôi không còn nói chuyện với các anh chị. Có thể chúng tôi không còn điểm chung để trò chuyện. Nhưng tôi trân quý những mối quan hệ ấy. Chúng làm cho thời sinh viên của tôi nhiều màu sắc hơn, đa dạng hơn. Và cho tôi nhiều bài học đúc kết từ những trải nghiệm thú vị của họ nữa.
2. Những kinh nghiệm làm việc đầu tiên
Xin trân trọng tuyên bố: Vào câu lạc bộ là sẽ LÀM VIỆC, LÀM VIỆC, LÀM VIỆC!
Tham gia câu lạc bộ khi còn là sinh viên năm 1, lần đầu tiên tôi biết đến Google Drive, biết đến website có tên Canva dành cho những người thiết kế không chuyên. Tôi biết đến khái niệm họp tuần, lên kế hoạch bài viết, lên kế hoạch truyền thông, chuẩn bị cho một chương trình lớn. Tôi chỉ muốn vả thật mạnh vào bản thân năm 15 tuổi. Những hình ảnh vui vẻ mà tôi nhìn thấy ở sân trường năm nào, thực chất để có những buổi sinh hoạt, sự kiện vui ngút trời đó, các thành viên trong câu lạc bộ đã viết ra không biết bao nhiêu file Word và Excel trong Google Drive, những lúc quây quần vòng tròn chính là lúc họp hành chứ còn gì nữa. Tôi vẫn nghĩ rằng tham gia câu lạc bộ là để chơi, để vui. Vui có vui, chơi thì lâu lâu có chơi, nhưng hóa ra chủ yếu là để làm việc.
Nhiệm vụ của những thành viên ban nội dung như tôi, là viết bài trên fanpage, viết những tin tức theo như kế hoạch truyền thông, tham dự một số sự kiện trong khoa, trong trường rồi về viết tin đăng lên page, website. Mỗi học kỳ sẽ có một chương trình trọng điểm, nhiệm vụ của những người trong ban nội dung thường là lên kịch bản chương trình, viết script cho MC, viết một số nội dung cho các ấn phẩm nếu có. Và còn những công việc khác, chủ yếu liên quan đến viết và đã có sự phân công sắp xếp sẵn. Lần đầu tiên tôi biết đến deadline, phải thức khuya để lên bài cho kịp. Kỳ lạ thật, tôi vẫn không khỏi thắc mắc vì sao tham gia câu lạc bộ thì phải thức khuya như thế. Lúc nào bàn chuyện cũng đến tận 12 giờ đêm hoặc hơn. Ra trường hơn 2 năm, tôi thắc mắc các bạn tham gia câu lạc bộ có còn thức khuya hay không.
Nhờ tham gia câu lạc bộ, tôi có động lực tham dự rất nhiều sự kiện. Ngoài công việc viết tin tức, thường là tường thuật tin thời sự quốc tế mà tôi biết là các bạn sinh viên đọc thấy chán lắm, mỗi khi khoa có sự kiện hoặc trong trường có những ngành, đơn vị nhờ hỗ trợ truyền thông, tôi lại xách giấy và bút đến tham dự. Về nhà lại viết tin, mà quan trọng là phải lên bài đúng giờ. Đi tham dự sự kiện thì vui đấy, nhưng lúc viết bài, chữ nghĩa bay đi đâu mất rồi.
Đối với những sinh viên muốn tìm việc làm thêm liên quan đến sở thích như là viết lách, thiết kế hoặc là những công việc mang tính văn phòng, tham gia câu lạc bộ chính là cách đơn giản nhất để có kinh nghiệm mà viết vào CV. Khi đọc những câu hỏi: “Em không có kinh nghiệm làm việc. Chỗ nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm, trong khi là sinh viên em chưa làm công việc gì”. Tôi hỏi em, ngoài việc học em có tham gia bất cứ hoạt động nào khác không. Nếu có tham gia câu lạc bộ, viết vào CV ngay và luôn cho tôi. Nhờ quyết định tham gia câu lạc bộ vào năm 1, mặc dù chỉ với thời gian ngắn ngủi, tôi vẫn tự tin viết vào CV kinh nghiệm làm việc (cũng bởi vì có còn kinh nghiệm nào khác đâu). Từ những kinh nghiệm nhỏ nhặt đó, các bạn sinh viên sẽ có công việc làm thêm đầu tiên, công việc thực tập đầu tiên. Sau đó, các bạn sẽ không cần đưa kinh nghiệm làm việc ở câu lạc bộ vào CV nữa, nhưng chính nhờ những trải nghiệm đầu đời ấy đã đưa các bạn đến nơi xa hơn.
3. Hoang mang, không hiểu đối phương, tính cách trẻ con và chạy trốn
– Em ơi, bài lên chưa em? Sao chưa lên vậy em? Em gặp khó khăn ở đâu hả?
– Em ơi, nếu như chị A không sửa bài cho em được, em có thể nhờ người khác. Sau mỗi lần sửa bài, em có thể tự sửa bài cho mình mà. Em xem những lỗi em thường gặp là gì, em hay bị nhận xét chưa tốt ở điểm nào, rồi từ đó em có thể tự biên tập lại được.
– Clip này là ai edit vậy em? 10 ngày là quá lâu rồi, đã trễ hạn rồi. Thôi được rồi cứ đăng đi.
– Ủa cái này ai giao vậy? Rồi tính khi nào lên bài? Coi chừng trùng lịch nha.
– Đăng bài gì nữa? Để mai đi, hôm nay lên quá trời rồi. Kệ đi không sao đâu đừng có sợ.
– Chị rất đề cao tinh thần chủ động. Mình phải chủ động hơn. Em tham gia câu lạc bộ em thấy sao?
Em vui ạ.
Không lẽ kêu không vui?
Đến vì cái gì thì sẽ ra đi vì cái đó. Tôi đến với câu lạc bộ vì muốn vui, để có thêm bạn bè, để quen biết nhiều người, bởi vì tôi nghe nói tham gia câu lạc bộ là điều nên làm khi còn là sinh viên, để tích lũy kinh nghiệm bởi vì những công ty ngoài kia công ty nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm, và là điều dễ nhất để có thể thoát ra vỏ bọc an toàn. Nhưng tôi không biết rằng, tham gia câu lạc bộ còn là những áp lực, là những đêm làm việc, là cơ hội để làm quen với công việc nơi công sở.
Sau này đi làm, chủ động là điều bắt buộc nếu muốn đi nhanh và đi xa trong công việc. May mắn cho bạn nếu như ngày đầu tiên đi làm, bạn vào đúng công ty có quy trình rõ ràng, có những người được phân công cụ thể để chỉ việc cho bạn. Nhưng cũng không hề xui xẻo nếu như lần đầu đi làm, bạn không có ai cầm tay chỉ việc. Ngày đầu tiên đi làm khi là sinh viên mới ra trường, nếu như không có ai chỉ việc bạn thì sao? Lúc này đây, sự chủ động là yếu tố sống còn: Chủ động hỏi người bên cạnh, người ngồi sau, người ngồi xéo. Chủ động hỏi em phải làm gì, công ty có quy trình nào, có giấy tờ nào ghi lại các bước làm việc không. Chủ động hỏi những người làm chung phòng công việc ở đây như thế nào, ngày đầu tiên họ đã làm gì. Chủ động lân la đến từng bộ phận, quan sát từng việc người ta đang làm để có cái nhìn tổng quát nhất, biết rằng mình phải làm gì cho công việc sắp tới. Tôi đã hiểu sự “chủ động” mà chị chủ nhiệm năm đó muốn nhắc tới là gì, chỉ là khi đã lớn thêm vài tuổi, tôi mới vỡ lẽ.
Tôi cũng hiểu thêm một điều nữa, không cần đợi phân công hay là ngồi im một chỗ đợi giao việc. Môi trường bình đẳng và ai cũng có quyền lên tiếng. Cứ nói lên ý kiến của mình thôi, còn ý kiến đó có được thực thi hay không thì tính sau. Khi là sinh viên năm 1, tôi là một đứa trẻ khi bị bắt phải chủ động, phải tự lead một dự án nhỏ. Loay hoay trong hoang mang, nếu như tôi chịu làm và ở lại câu lạc bộ đến năm 3, không biết tôi có thay đổi được gì không?
Bạn tôi luôn bực dọc với câu lạc bộ. Nhưng bạn vẫn chọn ở lại đến tận cuối năm 2. Sau đó tôi mới biết, bạn chuyển trường và nhận học bổng toàn phần. Có lẽ, bạn đặt ra mục tiêu rõ ràng khi tham gia câu lạc bộ: tham gia để làm việc, để có thành tích hoạt động ngoại khóa, để có kinh nghiệm viết vào CV, để lấy học bổng ở trường quốc tế. Còn tôi, mục đích của tôi lúc đó đơn giản là để vui, để có thêm bạn bè, để thoát khỏi vỏ bọc của sự nhút nhát. Khi tôi hết vui, khi tôi không tìm được bạn bè, khi tôi bị dí deadline, tôi chọn cách rời đi.
— — — —
Tôi được nghe kể về những bất cập khi tham gia câu lạc bộ. Các anh chị giao việc, thúc đẩy dồn ép, không hiếm trường hợp lên mặt hống hách, bắt nạt đàn em. Bắt những đứa sinh viên năm 1 làm hậu cần cái này, bắt chúng chạy đi làm cái kia. Nói xấu lẫn nhau, nói xấu chủ nhiệm, bằng mặt mà không bằng lòng, chỉ tuyển vào những ai có vẻ nổi bật. Tuyển thành viên cho câu lạc bộ không khác gì tuyển dụng 7749 vòng ở những công ty, tập đoàn nước ngoài có lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm.
Đó là những gì tôi nghe kể. Còn dựa trên trải nghiệm của cá nhân, tôi chưa ngày nào gặp điều trái khoáy khi tham gia câu lạc bộ trường đại học. Tôi chưa một lần gặp những điều tiêu cực kể trên.
Khi viết những dòng này, tôi cố gắng nhớ lại lý do vì sao tôi chọn không tham gia câu lạc bộ nữa. Hình như vì tôi mệt mỏi khi làm việc? Hay là bởi tôi không tìm thấy niềm vui ở nơi đó? Tôi không nhớ nữa. Và tôi nhận ra, thời gian càng trôi xa, người ta chỉ nhớ về những kỉ niệm đẹp nhất, những điều ấm áp nhất, chứ những chấp nhặt trẻ con ngày xưa, không một ai có thể nhớ nổi.
Tôi cảm ơn chính tôi vì đã quyết định tham gia câu lạc bộ khi còn là sinh viên năm nhất. Nếu tôi không tham gia, chắc chắn tôi sẽ phí hoài năm 1 đầy rảnh rỗi. Ai cũng nói lên đại học không nhàn hạ đâu, sẽ bận lắm. Đúng, và không đúng. Đúng là học đại học sẽ bận rộn, với điều kiện bạn cho phép bản thân bận rộn. Cho phép bản thân lao vào học tập. Cho phép bản thân trải nghiệm những điều mới, gặp gỡ những con người mới. Không đúng, là thực sự học đại học có rất nhiều thời gian rảnh rỗi. Học hay không học là quyết định nằm ở bạn. Không còn ai nhắc nhở bạn phải sử dụng thời gian như thế nào. Không còn ai kiểm soát bạn nữa.
Nên hay không nên tham gia câu lạc bộ khi còn là sinh viên? Sinh viên năm 1 nên đi làm thêm hay tham gia câu lạc bộ? Ngày đó, lớp tôi có nhiều bạn mới học năm 1 nhưng đã hoàn toàn đủ khả năng đi làm thêm. Có bạn không tham gia bất cứ câu lạc bộ nào trong suốt 4 năm đại học. Có bạn chọn tham gia câu lạc bộ rồi năm 2 mới đi làm thêm. Có bạn vừa đi làm thêm, vừa tham gia câu lạc bộ. Tôi chọn cách tham gia câu lạc bộ vào năm đó, và tôi luôn tin rằng, những trải nghiệm mới lạ và thú vị ở câu lạc bộ đã giúp tôi rất nhiều trong hành trình đại học của mình.
Có nhiều bạn buồn bã vì không đậu vào câu lạc bộ nào. Bạn cảm thấy đau buồn, hụt hẫng, lạc lõng, muốn tìm kiếm một nơi để mình thuộc về. Thất vọng, buồn chán là điều bình thường, nhưng để sự buồn bã đó nhấn chìm bản thân, là một điều đáng tiếc. Không sao đâu, bạn không phù hợp với nơi đó, không có nghĩa bạn là một kẻ thất bại. Đơn giản chỉ là người ta thấy bạn không phù hợp với tiêu chí của người ta, và đang trao cho bạn một cơ hội mới, có khi còn thú vị gấp trăm lần.
Chào những tân sinh viên đang háo hức chuẩn bị nhập học. Những tấm chiếu còn thơm mùi cói chưa từng trải của tôi ơi, có rất nhiều điều thú vị đang chờ đợi bạn ở cánh cửa đại học đấy, và một trong số đó, chính là CÂU LẠC BỘ.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất